Links

Sunday, February 21, 2021

Đất, người và mùa Xuân

 


Trần Mộng Tú

BELLEVUE, Washington (NV) – “Đất,” chỉ một chữ ngắn và vô cùng giản dị, đã mang theo muôn vàn ý nghĩa với tất cả con người nói chung sinh ra trong thế giới.


Đất là nơi ta trở về tìm, đất là nơi ta gửi xương gửi
 thịt. (Hình: Christian Berg/Getty Images)

Trong lịch sử loài người, có bao nhiêu quốc gia bị xâm chiếm đất đai vì một quốc gia khác, hay có quốc gia bằng trực tiếp hay gián tiếp mang bán từng mảnh đất cho quốc gia hàng xóm. Người dân đang sống giữa hai ranh giới cũng bị bán đi mà không biết, để rồi chỉ một, hai thế hệ con cái về sau bỗng nhiên trở thành người nước khác mà không cần một lý do pháp lý nào. Bởi vậy, vào thời chiến, nhân loại ra sức bảo vệ đất đai của quốc gia dù có phải tốn bao nhiêu xương máu của dân tộc mình. Vào thời bình, nhân loại cùng nhau bảo vệ đất bằng cách đặt ra “Ngày Trái Đất” là ngày để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của trái đất.


Người Việt nói riêng, coi đất như một phần xương thịt của mình. Đi xa ngàn dặm tìm cái sống nhưng khi chết chỉ mong được chết trên mảnh đất quê nhà, được đặt thân xác xuống đất quê mình, nơi ta gọi là “quê cha, đất mẹ.” Không ai muốn “Sống nhờ đất khách thác chôn quê người” (“Truyện Kiều,” Nguyễn Du) trừ trường hợp loạn lạc phải bỏ nước mà đi.

Cầm một miếng đất nhỏ trên tay, chúng ta có bao nhiêu điều suy nghĩ về đất: Đất nước tôi; từ đất tôi sinh ra, tôi lại về với đất; đất lề quê thói; một tấc đất, một tấc vàng; đất là mẹ ta, đất là cha ta; đất cung cấp thực phẩm, đất nuôi ta sống.

Đất là nơi ta trở về tìm, đất là nơi ta gửi xương gửi thịt. Thậm chí khi ở xa biết có người cùng quê sắp đến, cũng nhắn xin mang hộ tôi một nắm đất quê nhà. Giữ một nắm đất quê hương trong ngôi nhà trên xứ lạ mà có cảm tưởng như mình giữ được cả hồn thiêng sông núi của xứ sở mình.

Ta sống với đất, vì trên mảnh đất cho ta một mái nhà, một nơi cư trú, sinh con cái, cha truyền con nối, dòng tộc đời nọ qua đời kia. Dưới mái nhà đó đã cho ta một gia đình với bao yêu thương đầm ấm, bao khó khăn vất vả để gìn giữ. Khi ta chết cũng đất là nơi tổ tiên ta gửi xương gửi thịt, nơi con cháu về vun xới những nấm mồ.

Trên mặt đất đó bốn mùa mưa nắng cho chúng ta Xuân, Hạ, Thu, Đông như tặng phẩm của Trời.

Ta gom góp công sức để mua sắm cho gia đình, cho dòng họ mình một miếng đất nhỏ, cất lên một mái nhà hay mua một thửa ruộng, một khu vườn để khai thác trồng trọt. Có những ngôi nhà, những thửa ruộng truyền từ đời ông, đời cha, đời con, đời cháu. Họ sống trên đó và chết cũng được chôn xuống đó. Nên bằng mọi cách họ gìn giữ mảnh đất đó thật chặt, như ôm khư khư vào lòng. Hàng xóm thân thiết đến đâu, nếu tỏ lòng tham lam tìm cách lấn qua hàng giậu là mất lòng ngay, có khi đem tới chỗ kiện cáo nhau vì một thước đất. Họ sẵng sàng sống chết với ai đến giành hay cướp đất của họ. Của gia phả để lại, anh em chia nhau không đều là mất cả tình anh em. Cha mẹ trước khi qua đời, chia đất chia nhà cho con phải hết sức công bằng vì không muốn các con sau này oán hận, không nhìn mặt nhau chỉ vì một chéo vườn hay một góc ruộng hoang. Như vậy đất với người là một, không thể tách rời nhau ra.

Đất là mẹ ta, đất là cha ta; đất cung cấp thực phẩm, đất nuôi ta sống. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Nhưng nếu con dân mà bị những bậc phụ mẫu (chính quyền) đến lấy đất thì chuyện gì sẽ xảy ra. Không biết phải suy nghĩ và nói như thế nào cho đúng. Người dân Việt hầu như ở các thành phố, các tỉnh, ai ai cũng có thể lâm vào cảnh nhà đất bị nhà nước thu hoạch. Bao nhiêu xung đột giữa người dân và những vị lãnh đạo đã xảy ra. Sự phẫn nộ, bắt bớ, đánh đập… Có khi dẫn tới cái chết.

Kinh hoàng hơn nữa khi nghĩ đến việc chính những nhà lãnh đạo đất nước lại mang đất nước cho ngoại bang thuê dài hạn cả thế kỷ. Chín mươi chín năm (99 năm) tức là bốn thế hệ: Ông bà, cha mẹ, con cháu, chắt. Ai là người sẽ đứng ra để thu lại được mảnh đất người lạ đã làm chủ bốn đời. Ngôn ngữ của quốc gia mình cũng chẳng giữ được nói chi đến đất. Những chủ mới trong 99 năm đó đã biến “xứ sở gốc” thành nước thứ hai của họ. Họ đến, họ ở lại và họ chiếm đoạt.

Mùa Xuân đang đến, hoa lá rực rỡ từ thành thị đến thôn quê. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Ở đất nước Việt Nam xa xôi của tôi, nơi có những người dân bị chết, bị tù, bị mất nơi cư ngụ trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Thảm kịch lớn nhất xảy ra vì “Đất” đã gây ra bốn cái chết (một người dân, ba viên chức nhà nước) và 29 người bị kêu án nặng, từ tử hình đến chung thân. Vụ án đó có tên là “thảm kịch Đồng Tâm” mới xảy ra gần đây (ngày 9 Tháng Giêng, 2020). Người chết, đã chết vì đất và người sống thì bị tù đày nhiều năm cũng vì đất.

Mùa Xuân đang đến, hoa lá rực rỡ từ thành thị đến thôn quê, vườn đất nào hoa cũng đua nhau hoa nở, nhưng trên mảnh đất Đồng Tâm đã nhuốm máu và nước mắt này liệu hoa còn nở, cỏ cây còn đơm lộc. Có ai tìm về nơi đó, đặt tay lên mặt đất nghe đất khóc dưới những ngón tay mình.

Mùa Xuân đến rồi, bạn có ngửi thấy hương thơm xông lên từ mặt đất, truyền vào hoa cỏ, trái cây và vào tận hồn mình. Hãy tận hưởng và cám ơn Thượng Đế, gọi nhau làm những điều tốt lành cho nhau, cho đất. [qd]

No comments:

Post a Comment