CAO VỊ KHANH
Tháng 6 năm 1970 khi tôi xếp bút nghiên để sửa soạn cầm thước gỏ thì anh đã gỏ-đầu-trẻ đâu đó lâu lắm rồi. Nếu xếp về thứ bậc và tuổi tác, hổng chừng tôi phải gọi anh là thầy nữa là khác. Anh ra trường dạy dỗ đã lâu, có lúc nghe nói đã từng leo lên leo xuống mấy con dốc mà có lần nhà thơ Vũ Hữu Định đã kể lể ... phố núi cao phố núi đầy sương, anh khách lạ đi lên đi xuống .... Học trò cũ của anh có người tròm trèm tuổi tôi. Vậy mà hổng biết sao, ngay khi vừa gặp nhau, ngay giữa chỗ mà người ta thường nghiêm mặt lên giọng gọi là cửa Khổng sân Trình, giữa anh và tôi đã như quen biết lâu rồi ... Ngộ lắm. Cái gì đó ... cũng chẳng rõ là cái gì. Chỉ biết làm như có chỗ rất tương đồng. Ngặt cái, dù kể ra là đồng nghiệp mà cái chỗ tương đồng thì chẳng ăn nhằm gì hết với cái nghiệp mà đời đã đưa đẩy chúng tôi đến gặp nhau. Dù xuất thân từ chung một lò, được dạy dỗ uốn nắn mấy năm trường gần như cùng chung một sách, vậy mà khi gặp nhau, chúng tôi lại thấy giống nhau ở cái chỗ không ... có sách nào dạy. Thời đó, từ nhà trường đến xả hội, hai cái chữ dù không được sơn son thếp vàng đóng khung treo trong đình trong miểu nhưng vẫn coi như treo lủng lẳng một cách vô hình trên đầu quí vị làm nghề ... dạy học. Từ dạy con nít mới bập bẹ i tờ tới con trẻ đã đọc ro ro chữ quốc ngữ. Dạy gì không biết, chỉ biết mỗi ngày đóng bộ vận vô ra trường lớp là phải ... mô phạm. Y như quí vị sư sải ni cô là lúc nào cũng phải chắp tay ... mô ... phật vậy đó.
Vậy mà, vừa khi gặp nhau, chúng tôi đã nhận ra nhau
ở cái chỗ hao hao đó. Kiểu như hồi xưa người ta nói ... đồng thanh
tương ứng. Giống nhau ở cái chỗ không giống ai giữa cái chỗ ai cũng
giống nhau. Mô ... phạm.
Tôi thì mới hai mươi ba, ngựa non háu đá. Anh thì đã
dầy công hãn mã, trường ốc cũng đã mấy phen chìm nổi. Tôi, dân
nam-kỳ-lục tỉnh. Anh, gốc Bắc 54, nghe đâu chung khóa với ông thứ
trưởng giáo dục thời đó. – người ta ở thủ đô thăng quan tiến chức
nghe mà ham, còn anh thì cứ tà tà hết cao nguyên sỏi đá tới đồng
bằng mé mé rừng tràm, vô ra trường giảng Kiều với lại oán khúc cung
phi cho em út. Tôi gọi anh là ... anh. Anh gọi lại tôi là ... ông. “Ông”
không phải tại chức cao quyền trọng, không phải tại lớn tuổi ... Gọi
là “ông” vì không biết gọi là gì cho xứng hợp. Phải chi tôi quê miền
Bắc thì chắc anh gọi tôi là anh như cung cách xưng hô phải đạo của
người ngoài ấy. Anh Chị dù đáng tuổi em út. Đằng này, tôi người Nam,
sanh đẻ chưa tới tận cùng Cà Mau nhưng cũng đã xém xém miệt dưới.
Dĩ nhiên, tiếng “ông” anh gọi tôi không kiểu cách, cũng chẳng ra
điều trịnh trọng. Anh gọi tôi là “ông”, mà lại nghe gần gũi,
chiều chuộng, nam-kỳ-quốc như là gọi ... chú em vậy đó.
Ờ, thân mật lắm. Giữa anh và tôi.
5 năm, cùng dưới một mái trường trung học, anh và tôi
như hai người đồng nghiệp chí thân. Nữa ! Lại đồng nghiệp ! Không,
không phải đồng nghiệp. Đồng nghiệp nghe ra ... mô phạm lắm. Nếu cần,
thêm vào một chữ nữa thì không chừng ... vẹn vẽ hơn. Đồng nghiệp ...
chướng ! Kiểu như Bạch Cư Dị khi bị đày xuống Giang Nam rồi tình cờ
gặp nàng ca kỷ trên bến Tầm Dương mà phán rằng cùng-một-lứa-bên-trời-lận-đận-gặp-gỡ-nhau-chẳng-lọ-quen-nhau
vậy đó. Chúng tôi thân nhau không phải vì cùng nghề cùng nghiệp.
Chúng tôi thân nhau vì cả hai đều lăm le muốn ... phá cái rào của
nghề nghiệp. Thứ rào cản người ta đặt ra cho chúng tôi như cái khuôn
bánh bông lan. Bột đổ vô rồi khuôn nào ra bánh nấy. Dĩ nhiên không đến
nỗi ngây ngô như cái lối bảy-bước-lên-lớp từ ngày bác-hồ vô Nam cách
cái mạng dân miền Nam. Nhưng mà cũng ba điều bốn chuyện lắm. Rằng
thì là làm-thầy thì phải làm gương cho học trò. Học trò thì đồng
phục áo trắng quần xanh, đầu tóc phải gọn gàng, hổng hớt cua thì
cũng phải bảy ba cho vén khéo. Học trò đã vậy thì thầy cũng không
được để tóc ... thề phủ ót. Học trò áo sơ-mi trắng ngắn tay, thầy
áo sơ-mi tay khỏi ngắn mà điều khuy nút phải cài. Dài ra dài, không
có cái lối tay dài mà xăn lên cho ngắn. Đi đứng phải chửng chạc,
không có cái lối ngả ngả nghiêng nghiêng. Nói năng chi phải chừng mực,
đâu ra đó. Nhất là quan hệ thầy trò thì dẫu đã hạ bệ rồi cái khung
quân-sư-phụ nhưng trong nhà ngoài ngõ vẫn trao tráo những cặp mắt dõi
soi. Còn bài vở thì khỏi nói, chương trình biểu sao nghe vậy. Sách
giáo khoa in sẵn, cứ y theo đó mà ... trả bài ! Quí vị đồng nghiệp
cao niên của tôi như những tấm gương sáng bóng, cứ soi bóng mình trong
gương sáng đó mà hành đạo.
Chẳng vậy, mà mới gặp nhau, tôi với anh như hai kẻ
lạc dòng, bỗng nhiên tìm ra cái bóng của chính mình, đang cùng lội
lạc cái dòng mà mọi người chung quanh đang lội ... vòng vòng. Nghe
đâu, những bài giảng của anh lắm khi cũng hay bốc tới cõi ...
trời-trăng-mây-nước. Y như tôi, dạy Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn thị
Điểm mà cứ lạc vô lục bát của Lê Thị Ý ngày-mai-đi-nhận-xác-chồng.
Chẳng vậy mà chuyện phải đến đã đến. Chúng tôi như tìm được nhau ở
cái chỗ không ai tìm đến. Bên ngoài trường lớp, những ly xây-chừng đen
ngòm ở mấy cái tiệm nước của chú ba, pha đậm thêm bằng vài câu
Đường Thi xa tít mù xa, vài hơi thuốc Capstan lơ lửng chút khói sương
ở cái xứ mằn mặn mùi muối biển, trộn lộn với hơi giọng khàn khàn
khi Lệ-Thu ngậm ngùi nắng-chia-nửa-bãi. Có khi ngồi lặng nhìn nhau
nghe tin dữ từ một trận đánh đâu ở gần Miệt Thứ, những chuyển động
chính trị phe nhóm ở Sài-gòn, những cò kè trả giá bốn bên hai phía
ở Paris ... Rồi những chuyến rong chơi cuối tuần qua mấy khu vườn dừa,
rẩy khóm ... Lắm khi xúi bẩy nhau bỏ lớp, có giang ghe xịp ghe cào
tắp vô mấy hòn đảo hoang ngoài khơi ... đêm nằm trần trên những bãi
cát vắng chân người, lắng nghe sóng vổ miên man vào lòng thiên cổ. Và
vổ ngay vào chốn thăm thẳm của lòng mình. Rồi cùng cảm thán cái
mênh mông vũ trụ, cái dằng dặc thời gian và cái vô nghĩa phận người
... từ đó, cùng tìm ra cái thân thiết vô ngôn dù tuổi tác chênh lệch.
Anh thì đã vợ con đề huề, tôi thì vẫn còn ... sầu-lẻ-bóng. Mỗi lần
ghé nhà, nhìn anh giữa một bầy con tíu tít, tôi cứ băn khoăn làm sao
anh có thể hòa đồng được cái đầu thường vẫn lơ lửng giữa trăng sao
với cái bổn phận làm chồng làm cha. Khó dữ đa. Vậy mà ngày tháng
qua, anh vẫn đi lại giữa đời một cách an nhiên tự tại. Người ta có
thể sống hai đời trong một kiếp ? Cạnh đó, cái khung mô phạm dựng
sừng sững trước mặt, anh vẫn thản nhiên tới lui, thản nhiên không một
chút e dè, nhẹ nhàng, lãng lướt không thua gì bộ pháp Lăng Ba Vi Bộ
của Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm.
Dẫu vậy, giữa cuộc phong trần, cũng không làm sao mà
không trầy trụa. Đã có lúc, với tất cả mọi bẩn chật của một xả
hội đang giãy giụa giữa hai lằn đạn của một cuộc chiến tranh ý thức
hệ, anh cũng không thoát khỏi những va chạm, lắm lúc dù không đổ
máu, cũng không thể còn lành lặn. Tôi biết, đã có lúc anh cũng phân
vân chao đảo như không ít người trí thức thời đó. Bom đạn, chết chóc
trên những bản tin chiến sự hằng ngày, cùng với những tệ nạn xả
hội như hậu quả tất nhiên của một thời loạn lạc ... hẵn đã có lúc
cũng làm anh băn khoăn về cái vị trí của mình giữa sự dằn co của
hai chủ thuyết ... Cùng lúc với những va chạm vụn vặt hằng ngày
giữa một bên là kẻ nắm chức vụ có bổn phận duy trì những giáo
điều của trường lớp với một bên là người cứ chực chờ phá vở cái
khung hẹp đó, dẫu không cố ý. Đã nhiều lần, giữa hai giờ lên lớp,
lúc nghỉ xả hơi, trong cái phòng giáo sư hẹp té, anh ném ly tách vở
tung lên bốn phía tường vách. Ai hiểu được gì những dày vò trong cái
đầu vốn dĩ hay lẩn quẩn giữa cõi trăng sao mà cứ bị giữ rịt lại
giữa nhỏ nhoi trần thế !
Một buổi chiều thứ năm, giữa mùa học năm nào, không
biết có ai còn nhớ? Anh đăng đàn, thuyết giảng thơ Phạm Thiên Thư. Cả
hội trường vài trăm người gồm bạn đồng nghiệp và học trò gần như
có lúc cũng mê hoảng theo cơn mê hoảng của anh, không còn là một
người làm thơ nói về một người làm thơ khác, không còn là một giáo
sư văn chương nói về một dòng thơ lục bát, không còn là một Phạm Huy
Viên nói về Phạm Thiên Thư. Mọi thứ, có lúc như ảo hóa, buổi chiều
không còn là lúc ngày sắp tắt, hội trường không còn là chỗ hợp mặt
thầy trò, thơ không còn là mớ chữ sáu tám nối kết nhau theo bằng
trắc ... Tất cả đã hóa thân, đã hòa nhập, đã trộn lộn ... đến độ
không còn biết đâu là thật đâu là giả, đâu là thực đâu là mộng, đâu
là Phạm Thiên Thư đâu là Phạm Huy Viên ... Không. Không còn cõi đời cõi
mộng. Trước mặt mọi người, trong lòng trong đầu mọi người lúc đó
chỉ còn một ... gã-từ-quan-lên-non-tìm-động-hoa-vàng-ngủ-say ! (*)
Các bạn mến ! Các em mến ! Hôm nay, một ngày đẹp trời của
Rạch giá.Tôi lạnh lùng nói tới Phạm Thiên Thư. Tôi say sưa trôi về thơ Phạm
Thiên Thư với ngàn con sông, ngàn ngọn suối hoa vàng bập bùng trôi trong vô thức
khi thế gian còn sáng chói tình yêu. Khi thế gian toàn là mai mơ với đỉnh núi
trăng vần, với vực sâu trăng té, tà áo em trăng thõng thượt và mái tóc em trăng
ngủ vùi. Từ chim thuở núi xa xưa, về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng, từ em khép
nép hài xanh, về qua giục nở hồn anh đoá sầu. Ừ ! Thì mình ngại mưa mau, cũng
đưa anh đến bên cầu nước xuôi, sông này chảy một giòng thôi, mây đầu sông thẫm
tóc người cuối sông. ! (**)
Những năm 70 đó, thơ Phạm Thiên Thư đang là cái mode.
Ai nấy, không nhiều thì ít, trên môi cũng lẩm nhẩm được vài ba câu
lục bát Động Hoa Vàng. Buổi chiều đó, anh đã đem thơ xuống đời. Và
nâng đời lên cõi thơ tuyệt đỉnh. Anh đã rao giảng thứ tình yêu Hoa
Không có có không không cũng như không không mà có có. Tuyệt lắm.
Người quen, kẻ lạ, sau buổi chiều đó ... có ai
nhìn ra được một Phạm Huy Viên, kẻ lãng tử sinh không nhằm lúc nhằm
nơi !!!
Ít lâu sau, vì một lý do không ai rõ nhưng ai cũng
biết, anh bị đổi đi một trường khác, ở đâu miệt Phụng Hiệp, Cần Thơ.
Liên lạc trở thành thưa thớt. Cho đến đâu khoảng một tuần trước ngày
30 tháng 4 năm 75, anh bỏ nhiệm sở quay về Rạch Giá, ghé tìm tôi một
đêm. Vài câu thăm hỏi thông lệ. Và một kết luận. Mọi chuyện đã an bày.
Những ngày đầu tháng 5 bi phẫn đó, người ta thấy anh
lăng xăng theo những đoàn học sinh đi ... tiếp quản những cơ quan chính
quyền cũ. Có người xì xào. Nhưng tôi, tôi biết, vốn dĩ anh là một
người lý tưởng. Thứ lý tưởng trong sáng đến độ gần như ... ngây thơ,
tin rằng ở bên kia tấm vách núi sừng sững có đầy hoa thơm cỏ lạ. Y
như không ít những người trí thức miền Nam thuở đó.
Còn tôi, thì vốn dĩ biết rõ gốc gác mình, tôi chờ
lệnh ... tập-trung-học-tập-cải-tạo.
Tháng 7, bừng-con-mắt-dậy thấy mình đứng giữa Khám
Lớn Rạch Giá cùng với vài chục đồng nghiệp và đồng loại, chờ được
xếp hạng phân hệ ... đưa đi học đào mương, gánh đất, gở rào, dọn
đường ... hầu trở thành con-người-mới-xhcn. Năm ba bữa qua, chưa thấy
nhúc nhích lệnh lạc, một buổi sáng giữa nhà giam, bỗng thấy công an
gác tù đưa anh vào nhập bọn. Cả đám xôn xao. Hóa ra anh vừa trải qua
một hoàn cảnh dở khóc dở cười trong chính sách bắt lầm hơn thả lầm
của cộng sản. Do một ngộ nhận, đám công an đòi bắt giam chị khi chị
đang bụng mang dạ chữa. Chẳng đặng đừng, anh đứng ra nhận thay cho
chị. Vì vậy, khi không, anh lại vô tù nhập bọn cùng tôi. Dù cả hai,
xét về lý lịch chẳng có chút nào tương đồng. Từ đó, chúng tôi lại
có dịp sống gần nhau, dĩ nhiên trong một hoàn cảnh không lấy gì làm
dễ chịu. Tuy vậy, giống như mọi thứ nhà tù trên mặt đất này, người
ta có thể giam giữ thể xác tù nhân nhưng không kềm hãm được tinh thần
của họ. Mặc cho mọi hò hét, hù dọa rồi dụ dỗ, đâu vẫn hoàn đó,
cái đám tù cải tạo. Và riêng tôi, tôi thêm dịp sống gần anh, thêm lắm
điều đồng điệu.
Hơn năm trời trôi qua, trong nhà giam được mỹ hóa là
trại cải tạo, rõ ràng anh là hiện thân của nhân vật Moritz trong
tiểu thuyết Giờ thứ 25 của Virgil Gheorghiu. Người ta đi tù vì hoặc
là sĩ quan hoặc chức tước của chế độ cũ. Anh không là sĩ quan. Anh
cũng không chức tước ngoài cái danh xưng giáo sư trung học đệ nhị cấp
có tiếng mà không có miếng. Anh chỉ là người đi dạy học. Dạy học
thì khỏi đi tù. Mà anh thì đi tù cho được. Vậy nên khi vào tù, anh
không thuộc loại nào hết sau khi người ta đã phân chia đủ thứ loại
hạng. Bởi vậy, anh sống tấp vô đám tụi tôi với danh nghĩa là sĩ quan
biệt phái mà gốc gác thì chẳng có một ngày thâm niên quân vụ. Vậy mà
vẫn an nhiên ... ở tù chung với cái đám-tù-không-bản-án, và
không-biết-ngày-ra. Chẳng vậy, mà qua đó, tôi được anh chỉ dẩn cho
lắm điều mà không có trường lớp nào giảng dạy. Ngay trong góc tối
mù của lòng thù hận, anh vẫn tìm ra niềm tin để giữ mình thong dong
chịu đựng giữa vòng dây kềm kẹp. Biết bao nhiêu chuyện có thể kể ra
những ngày tù tội dưới mấy cặp mắt cú vọ của cái đám gọi là
quản huấn với lại quản giáo từ ngoài Bắc viện trợ vô. Mà thôi, ông
Hà Thúc Sinh đã kể ra gần đủ trong bộ sách Đại Học Máu của ông
rồi.
Chỉ biết là trong hơn năm trời, ngủ chung trên những
tấm thiếc lợp nhà được gở ra từ những trại gia binh cho đến ăn chung
trong những lon sửa guigoz được chế biến thành chén dĩa cũng như bếp
lò nồi niêu xoang chảo, anh lại còn tỏ lộ ra vẻ trải đời và đa tài
rất mực. Vẫn với một thái độ ung dung của thi nhân-triết gia, anh
nhận chịu mọi đày đọa bằng một thái độ ung dung tự tại. Chẳng vậy,
ngay đến những chuyện chế-biến-nấu-nướng-đàn-bà anh cũng thông thạo
một cách huê dạng. Bữa đó, gạo tù chắc được tịch thu trong các vựa
lẫm của quí vị xì-thẩu, cá mắm thì là loại cá liệt, bị
loại bỏ từ các ghe cào ghe xịp cặp bến mỗi chiều. Cứ như vậy
ngày này qua tháng khác. Anh đâu chịu vậy. Mỗi bữa cơm, sau một ngày
lao-động-vinh-quang, bằng mấy cái lon sửa guigoz đã được cắt gọt uốn
ép thành bếp núc với lại nồi chảo, anh chế biến món này món nọ
một cách tài tình. Anh chỉ dạy tôi cách cắt gọt rau cải, lượm lặt
được ngoài ruộng rẫy bỏ hoang, đun nước nấu canh, chế biến thêm thắt
cho bữa ăn có thêm chút mặn mà. Anh làm một cách nhẩn nha, từ tốn
như đang sửa soạn cao lương mỹ vị. Tôi học được ở anh một bài học vô
giá, sự thích ứng với hoàn cảnh !
Vậy rồi tới lúc, thả tù. Dĩ nhiên, nhốt thì dễ mà
thả thì khó. Lùa vô tù thì dễ như lùa vịt vô chuồng. Nhưng khi thả
tù thì kỹ lưỡng rất mực. Họ lọc lựa, xét nét, từng loại, từng
đợt mà họ gọi là hệ. Tới phiên cái đám gọi là hệ biệt phái như
tôi được thả ra thì anh lại lọt sổ. Mà tới khi cái đám gọi là
nợ-máu-với-nhân-dân, kẻ bị đày vô U Minh người bị đưa ra tận ngoài
Bắc, cũng không có tên anh. Vậy là anh ở lại tiếp tục ... làm người
tù không danh số.
... Nhưng mà nhốt hoài chắc cũng thấy ... vô duyên, đến
một lúc anh lại được thả ra cũng không có lý do như khi bị bắt vô
–hoặc có lý do mà chắc chỉ có mấy cái túi vàng của đám cán bộ
thời đó mới biết rõ.
Ra khỏi cái rọ nhỏ của trại giam, nhập vào cái rọ
lớn của đời sống bên ngoài đang tới hồi bon chen manh mún kịch liệt
để kiếm miếng ăn, anh vẫn an nhiên tự tại như cái ngày đứng trên bục
giảng mà kể lể chuyện kiều nhi thanh lâu hai lượt thanh y hai
lần.
Tù về, phủi tay cái một, anh vác cuốc đi làm rẫy.
Mà làm cũng thong dong, điệu nghệ không kém gì làm lãng tử. Khoanh
đất nhỏ nằm cạnh bờ vịnh, có nắng lửa nhưng cũng có gió mát, có
mồ hôi nhưng cũng có những mầm xanh, anh chăm sóc mấy bụi chuối lão,
mấy luống rau thơm, mấy con gà con vịt ... không thua gì lúc chăm chút
mấy cái vần bằng vần trắc.
Có lúc hết việc, tạt qua thăm, anh đãi tôi ly trà
nóng, vấn điếu thuốc rê phì phà hơi khét lẹt, kể tôi nghe chuyện
thời Chiến quốc rồi cười khinh khỉnh chuyện thay chúa đổi ngôi.
Có hôm tình cờ gặp người học trò cũ bứng cho bụi
bông súng, tôi than với anh không biết lội nên không dám lặn xuống ao
nhà để cắm rễ xuống đáy. Tốt bụng như tự bao giờ, anh đạp xe tới
nơi xắn quần nhảy ùm xuống nước, lặn sâu hai ba thước trồng cho được
bụi bông súng quê mùa.
......................
Ngày tháng qua đi, ục ịch hay thoăn thoắt,
đánh-tư-sản-mại-bản hay đốt sách văn-hóa-đồi-trụy, kinh-tế-mới hay
cải-tạo-công-thương-nghiệp, dẹp khờ-me-đỏ hay chống
bọn-bành-trướng-phương-Bắc, anh và tôi vẫn có dịp qua lại gặp nhau,
năm ba bữa nửa tháng. Có khi anh đạp xe lọc cọc tìm tôi, có khi tôi
lếch thếch lội bộ tìm anh, gặp nhau vẫn thân thiết như bao giờ dù
thời buổi đó ai nấy cũng hay giữ lòng giữ kẽ. Khoảng thời gian đó,
hẵn cũng như nhiều người nội trợ khác, trước mức sống bị tụt xuống
đến mức thảm hại, chị đã dấn thân ra .. chợ trời. Chắc nhờ vậy, anh
lại vung tay hào sảng như hồi cách-mạng chưa thành công. Đầu ngõ vào
nhà, có một tiệm nước. Chị mở cho anh một trương mục ở đó. Nói là
trương mục cho có vẻ hiện đại. Chớ hồi đó, gọi là ghi sổ. Ăn uống
gì xong, thì búng tay gọi chủ. Chủ tiệm cứ mở sổ ra ghi, cuối tháng
chị tạt ngang, sẽ thanh toán một lần.
Năm lần bảy lượt, anh hay rủ rôi ghé tiệm, gọi hai
cái xây-chừng, vài ba điếu thuốc lá lẻ, rồi hai anh em phì phà tâm
sự, chuyện đầu trên xóm dưới, chuyện cá chậu chim lồng ... Thuở đó
tôi nghèo sát ván. Đi tù về, tay chân vác mướn cơm cháo còn chưa đủ
nuôi thân nói gì cà phê cà pháo. Nhờ có anh mà tôi có lại chút hơi
hướm ngày xưa ... Tính ra ân tình lấy gì đong cho hết !
Vậy đó, rồi mấy năm sau, nhờ may mắn được người quen
cho có giang vượt biển. Tôi bỏ đi, cũng y như hàng triệu người miền
Nam bỏ nước ra đi không kịp một lời từ giả.
Ở xa, dặm trường đã xa mà cảnh tình càng xa lăm
lắm. Bạn bè sống hai đời đối nghịch nhau. Bên nây ngày thì bên kia
đêm. Chính trị thì như đêm với ngày. Vã lại, tôi còn nợ một lời
nguyền với chính tôi. Tại vậy, mà xa rồi là xa luôn. Không còn dịp
gặp lại. Anh sống đời anh. Tôi đời tôi. Nắng mưa, đói no, bệnh hoạn
mạnh ai nấy chịu. Lòng băn khoăn mà cứ chừng như thời gian vẫn đợi
...
Hai mươi, rồi ba mươi, rồi bốn mươi năm. Chớp mắt.
Thứ sáu rồi, 26-3-2021, hồi 8 giờ 8 phút sáng, ngụm
cà-phê đầu ngày còn nửa chừng trong miệng, điện thư của người quen
báo tin anh mất, quê nhà. Một chút sững sờ. Một tiếng chắc lưỡi.
Rồi thôi. Tôi làm gì đây khi dòng đời thì chảy xuôi ... Và chúng ta
cũng trôi xuôi theo cái dòng chảy không ngừng nghĩ đó. Thệ giả như tư
phù bất xả trú dạ.
Thêm một chút ngậm ngùi cho cái số nghiệt ngã của
phận mình, phận anh phận tôi, chung cùng trong một phận nước.
Dẫu không liên lạc, nhiều năm nay, đôi khi tôi mơ hồ
biết chút tin anh. Đôi khi một bài thơ, đôi khi một bài nghiên cứu về
lịch sử, địa dư, một giai thoại văn chương ... với một bút hiệu lạ
nhưng cũng là anh, nửa ẩn nửa hiện.
Bốn mươi năm. Nhắm mắt tôi còn hình dung ra anh, cao,
gầy, giọng Bắc đã pha ít nhiều phù sa sông Cữu, ăn nói từ tốn nhưng
không kém phần uyên bác.
Bốn mươi năm. Đủ để xóa nhòa hết mọi di tích một
thể chế. Nhưng trong tôi, anh vẫn nguyên vẹn tiếng nói-giọng cười-dáng
đi và nhất là mớ kỷ niệm chung của một thời có hoa có bướm, lẫn
lẫn đâu sau mấy vạt áo tơ dài, thõng thượt(**) như câu thơ nửa chừng
... bỏ lửng.
... Rồi người cũng bỏ đi xa
Bỏ trăng gió úa, bỏ hoa mộng tàn
Câu thơ bỏ lỡ, ngỡ ngàng !
Về tìm lại Động Hoa Vàng ngủ say
Nối thêm cho đủ mộng dài ...
Yên nghĩ anh há !
C A O V Ị K H A N H
(*) thơ Phạm Thiên Thư (**) trích bài nói chuyện về
thơ Phạm Thiên Thư của Phạm Huy Viên (***) chữ của PHV
Thì giờ như thể thoi đưa,
ReplyDeleteNó đi đi mãi, có chờ ai đâu.