Links

Wednesday, April 28, 2021

Trầm Tử Thiêng Một Đời Dâng Hiến Hết Cho Âm Nhạc

 ___________________________

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Tôi nghe bản nhạc “Đưa Em Vào Hạ” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lần đầu tiên vào khoảng năm 1968. Lúc này, tôi chưa vào quân đội. Tôi đang đi dạy học.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đứng sau máy quay một chương trình truyền hình Người Việt. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Nhưng đứng trước một tình trạng khẩn trương của đất nước, chiến tranh lan rộng, nơi quê tôi sống không còn bình yên nữa. Lúc này, gia đình tôi phải tản cư xuống quận lỵ. Anh tôi đã vào lính, anh được lệnh gọi trong đợt tổng động viên 1968. Tôi cũng đang chuẩn bị “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung.”

Một buổi trưa, nằm trong căn nhà nhỏ của cha mẹ tôi ở thị xã, căn nhà nóng hầm hập. Ngày đó cũng vào mùa Hè. Tôi nghe bản nhạc “Đưa Em Vào Hạ” qua radio tiếp sóng đài phát thanh Sài Gòn.

Nghe và cảm thấy “thấm” quá. Lời bản nhạc như sau:

“Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ, đôi ngày
Qua miền xa, mà nghe rừng thiêng gọi lá
Tiếng nỉ tiếng non, khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào

Tìm về xa xôi em sẽ thương những vùng đất lở sông bồi
Bạn bè em giờ đây người sương người gió
Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ
Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về

Quê hương đau nắng Hạ cũng buồn.
Nước sông ngăn đôi sơn hà.
Còn gì em, còn gì đâu!
Mùa Hạ qua mau, đi nữa đi anh chỉ con đường quê hương mịt mùng.
Thương những chiều nắng dọi bờ sông.

Mùa Hè năm nay anh sẽ ru em tròn giấc ngủ trên ngàn
Em nằm mê mà nghe niềm tâm sự réo
Trăm họ ước mơ mơ mái nhà chiều khói lửa ấm
Lứa tuổi tròn hai mươi tìm lại những đêm ân tình.

Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường.
Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ.
Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước.
Rứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù.

Thương em đi gót nhẹ chân mềm
Bước trên quê hương điêu tàn
Lặng nhìn em bồi hồi thêm
Dù Hạ qua mau anh vẫn đưa em cuối con đường quê hương bùn mềm
Thương những người giết giặc ngày đêm.”

Trầm Tử Thiêng năm 1986. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Tôi thích nhạc phẩm này và dĩ nhiên là thích luôn tác giả bản nhạc.

Lời nhạc tha thiết, kể lể, mời gọi “em” hãy cùng đi với “tôi.” “Em” đây có thể là một người con gái, như là một nữ sinh đang ôm sách vở đến trường, đang sống bình yên nơi thành phố, vào một ngày mùa Hạ nắng cháy, hãy cùng “tôi” đến thăm những nơi đang có chiến tranh.

“Em” hãy rời phố chợ để đến một miền xa, nơi có những tiền đồn, vừa im tiếng súng, để nhìn thấy cảnh những đứa bé còn nhỏ, đang “nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào.” Cảnh tượng vừa bi đát mà cũng thật hào hùng.

Nghĩa là mùa Hạ, “tôi” sẽ đưa “em” đi thăm tất cả, những nơi có dấu vết của chiến tranh, để “em” hiểu rằng quê hương ta đang có giặc, và cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước hào hùng bao nhiêu, với bao lớp lớp trai trẻ ra đi “từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về.”

Với tuổi trẻ nhiều mơ mộng và ước vọng. Tôi đã hòa nhập theo những lời ca “Đưa Em Vào Hạ,” để vào quân đội…

Chiến tranh lan rộng, trận chiến Mậu Thân gây đổ vỡ tan hoang, chết chóc. Những thành phố bình yên ngày hôm trước, bỗng một đêm đã trở thành mặt trận.

Huế gắn liền với đổ nát. Cầu Trường Tiền bị gãy nhịp, Trầm Tử Thiêng lại cho ra mắt bản nhạc “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy,” gây xúc động trong lòng của mọi người dân Việt, nhất là các nạn nhân của sự tan hoang, đổ nát kia.

“Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ
Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ

Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu nối liền tình người đẹp đời mai sau

Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa
Dập dìu trong tay chan chứa tình thương
Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
Áo trắng về trắng cầu quê hương
Mỗi lần chiều tan trường
Cầu quen đưa bao chuyến xe
Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề
Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau
Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu
Nước dưới cầu vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo
Tình yêu ta như nước trong
Dù qua mấy sông vẫn một lòng
Thương người nhìn qua đầu cầu
Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu

Tình người về giữa đêm Xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gãy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau.”

Trầm Tử Thiêng (1937-2000). (Hình: wikipedia.org)

Với lời nhạc kể lể, trong lúc thành phố Huế đang yên lành đón Giao Thừa Tết Mậu Thân, thì “giặc” đã lợi dụng đêm Giao Thừa hưu chiến ấy, tràn vào Huế, gây bao nhiêu đau thương kinh hoàng cho đồng bào.

Bao nhiêu mồ chôn tập thể, bao nhiêu người chết oan, cầu Trường Tiền bị đánh sập. Cầu Trường Tiền gắn liền với Huế, với dòng sông Hương, mỗi ngày các nữ sinh đi học, đi, về, đều ngang qua đây với áo trắng học trò, thơ mộng biết bao nhiêu.

Thế đó, cả nước tiếc thương và oán thù, nhưng với Trầm Tử Thiêng, ông không kêu gọi hận thù, không kêu gọi máu phải trả bằng máu, mà chỉ kêu gọi hãy “Vì sao không thương mến nhau,” đó là tính nhân bản cao nhất của nhạc Trầm Tử Thiêng.

Nghe nhạc Trầm Tử Thiêng, tôi có một nhận xét nhỏ: Nhạc của ông sử dụng ngôn ngữ (lời nhạc) cao hơn những bản nhạc thời trang lúc bấy giờ, tức là những bản nhạc viết cho lính, về lính. Lời nhạc ông không sáo ngữ, dễ đi vào lòng người.

Từ bản nhạc đầu tiên “Đưa Em Vào Hạ,” đã cho tôi những tình cảm với tác giả, để tiếp sau đó đã cuốn hút tôi vào với “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy,” “Một Thời Áo Mẹ Áo Em,” “Bài Hương Ca Vô Tận,” “Bảy Ngàn Đêm Góp Lại”… Tác giả đã vẽ nên một hình ảnh quê hương Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, điêu tàn, đau thương rất mực.

Trầm Tử Thiêng từ một giáo chức, bị động viên vào lính, ông phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, nhưng những bản nhạc của ông không phải là một công cụ tuyên truyền, ông không đứng trong vai trò người lính hay tự xưng mình là người lính để viết, mà trong hàng loạt nhạc phẩm của ông, ông đóng vai một người Việt Nam bình thường, nhìn chiến tranh mà viết.

Với cái nhìn nhân bản. Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa điều nhân nghĩa và sự gian tà. Ông chỉ viết lên, nói lên sự việc với tấm lòng tràn đầy thương yêu quê hương xứ sở bị chiến tranh tàn phá.

***

Suốt một đời Trầm Tử Thiêng dâng hiến hết cho âm nhạc. Ông không màng đến bản thân. Gia đình vợ con: không. Nhà cửa: không. Công danh: không.

Một buổi trưa, đang lái xe đi làm, nghe radio báo tin ông mất, tôi thấy mình như bị hụt hẫng đi. Qua bản tin, tôi biết ông sống một mình, “se” phong để ở. Ông vào đời bằng đôi tay trắng, thì ra đi cũng bằng đôi tay trắng.

Trong đám tang ông, nhìn thấy hàng người sắp hàng dài để vĩnh biệt ông, tôi thấy đó là niềm vinh hạnh nhất của một nhạc sĩ được nhiều người mến mộ. Thế cũng an ủi ông rất nhiều rồi.

Gia tài ông để lại cho loài người, cho chúng ta, cho dân tộc Việt Nam nhiều lắm, to tát lắm. Đó là trên mấy trăm bản nhạc, phần nhiều là những nhạc phẩm viết về quê hương, tình tự quê hương.

Có thể kể những ca khúc của Trầm Tử Thiêng được biết đến nhiều, như sau: “Bài Hương Ca Vô Tận,” “Bảy Ngàn Đêm Góp Lại,” “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy,” “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng,” “Đêm Nhớ Về Sài Gòn,” “Đời Không Như Là Mơ,” “Đưa Em Vào Hạ,” “Hòa Bình Ơi! Việt Nam Ơi!,” “Mai Kia Hòa Bình,” “Một Đời Áo Mẹ,” “Áo Em,” “Mùa Xuân Trên Cao,” “Mười Năm Yêu Em,” “Kinh Khổ,” “Biệt Khúc,” “Bước Chân Việt Nam,” “Từ Tiếng Hát Tiếp Nối”… Và còn nhiều nữa…

Những ca khúc của Trầm Tử Thiêng đã được hát, từ khoảng thập niên 1960, trên đài Phát Thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và các đài địa phương của Việt Nam Cộng Hòa, trước Tháng Tư, 1975. Và các trung tâm băng nhạc thời đó.

Qua Mỹ, các trung tâm băng nhạc như Thúy Nga, Asia, Mây Productions, Vân Sơn… đã thực hiện rất nhiều CD, video, DVD, có dùng nhiều nhạc của Trầm Tử Thiêng.

Và đến bây giờ, gần đến ngày 30 Tháng Tư, tôi lại nghe ca khúc của Trầm Tử Thiêng được hát trên các phương tiện truyền thông hải ngoại. Như vậy, các ca khúc của Trầm Tử Thiêng vẫn bất tử trong lòng giới thưởng ngoạn.

Đến nay, tôi vẫn còn cảm giác thích thú như lần đầu tiên được nghe bản nhạc “Đưa Em Vào Hạ” của Trầm Tử Thiêng, của hơn 50 năm trước. [qd]

No comments:

Post a Comment