Links

Wednesday, June 23, 2021

Mưa Tháng Sáu

 PHAN

nguồn Thời Báo

Mấy hôm nay được mưa, những cơn mưa hạ là ân sủng của xứ sở nóng như thiêu như đốt này. Bước vào tháng sáu mà trời không mưa thì nhiệt độ bên ngoài lên hàng trăm độ F, nhờ mưa làm hạ nhiệt ngoài trời, mưa làm xanh cỏ úa, trong khí trời thiên thanh, lòng người cũng dịu đi lắm ưu phiền nên sống ở xứ này riết thành quen, thấy trời mưa tháng sáu là lòng thành lặng lẽ “Tạ ơn trên”.




Nhưng mưa ngày mưa đêm lại là chuyện khác, mưa rỉ rả như ngàn vạn kim châm vào nỗi nhớ, nhớ đầu máng xối ở căn nhà tuổi nhỏ, khi nước mưa đã đầy hết các lu chứa nước thì người lớn mới cho đám trẻ con tắm máng xối. Vậy là những đứa con trai chạy hết nhà này sang nhà kia, tranh nhau đứng vào đầu máng xối để thấy ta là thác đổ; rồi trời mưa đi tắm sông mới biết nước sông ấm dường nào khi tai, mũi lạnh mưa thì lặn xuống sông sẽ rất ấm áp, thật dễ chịu; mưa qua ruộng đồng, mưa qua tuổi thơ, chắt chiu thành giọt mưa khô mặn trên môi khi phải về thành vỉ đạn bom đã tới, giặc phương bắc đã tràn qua thôn xóm miền nam hiền hoà; nhớ hoả châu đêm đêm thắp sáng nỗi buồn hiu hắt cả vùng quê nhà nhà đóng cửa sợ việt cộng về; đêm ngủ trong hầm chống pháo kích ngày một thường hơn là nỗi nhớ những gì dưới quê da diết nhất khi ngồi nhìn mưa thành phố như những vạt lụa phủ trên mái nhà, mưa đêm càng lẻ loi cây cột đèn đứng bên đường chống chọi, cây cột cờ ủ rũ sũng trong mưa; người bán rong lầm lũi cất tiếng rao đêm mưa như linh hồn phố thị; mưa Thảo cầm viên ướt áo học trò, mưa giăng đền Hùng ướt mấy sợi tơ làm nhớ giọt mưa trên tóc xoá ngây ngô để biết trông vời thì nắng đã lên, để khi rời xa thành phố nhớ mưa bay, nhớ nóc giáo đường mù mưa tháng sáu, nhớ tháp chuông già có con chim trốn mưa vào hạ, nhớ đồng hồ Bưu điện chạy qua lịch sử còn rưng rưng giọt mưa tháng tư; nhớ hẹn hò góc phố, nhớ chơi vơi đường về, chênh vênh góc quán thì chỉ còn mưa rừng mưa cả tháng, mưa treo cái bao tử lên gác bếp chờ thời. Mưa tầm tã, mưa lả chả, mưa không thể tả qua núi rừng âm u, mưa phiêu bạt qua những vùng châu thổ, mưa cao nguyên quên cả lối về, mưa ngọc ngà ngoảnh lại chỉ còn trong kỷ niệm làm mưa viễn xứ ngậm ngùi tiếc giọt mưa quên, mưa đêm sụt sùi nỗi nhớ nhà đã không còn nữa, mái nhà ta đã được an bài cho người thắng trận. Cả nhà ta lên rừng tù lỏng tù treo khi cha anh ta đã tù ở tù đày. Đám đàn bà con nít lên kinh tế mới xa hoa với lều tranh vách đất nên bên ngoài mưa lớn thì bên trong mưa nhỏ. Sáng ngủ dậy, nhìn chiếc giường tre ọp ẹp, nhỏ nhoi ở góc nhà khô nhất những giột mưa cũng không hiều được sao đêm qua trên chiếc giường ấy có thể ngủ được cả một gia đình.
Nhớ mưa chiều kỷ niệm, thằng nhỏ tôi giầm mưa đi mua lít gạo về cho chị nấu cơm ăn. Chắc chắn trong lòng là chiều nay được ăn cơm vì chị tôi mới lãnh tiền làm công cho tổ hợp mây tre lá gì đó. Dù ăn với cá khô vì ngoài ra chẳng có gì trong chòi tranh vách đất ngoài mấy củ khoai sùng. Bỗng được ăn cơm trở thành giấc mơ trong giấc ngủ và cả ngay khi thức sau hoà bình.
Không ngờ trên đường đi mua gạo về, ngang con suối Rạc đang cuồn cuộn chảy lại có con cá to lẩy lên bờ vì nó ngộp nước chảy siết. Bắt được con cá to trong cơn thèm thịt cá còn hơn đào được vàng, mừng mừng tủi tủi vì khi còn nhỏ ở quê, sau mưa cá lẩy lên bờ chỉ bị con nít đá bay xuống sông, xuống ruộng như một trờ chơi vì dân quê không ăn chim sa cá lẩy…
Về đến chòi, chị tôi cũng mừng mừng tủi tủi như tôi, hai chị em không biết làm món gì ăn cho đã thèm một bữa. Chị tôi lục lạo một hồi ra được nửa vắt me chua đã chực mốc, chút nước mắm cặn dưới đáy chai, muối hột vàng khè, đóng cục như nhựa thông; đường chỉ còn cái hũ không, không hành, không tỏi. Vậy mà chị tôi quyết định kho me để ăn cơm cũng được vài ngày cho đỡ ngán cái mặn đắng của cá khô rẻ tiền. Nhưng tôi thèm cao sang hơn chị tôi nên xin chị nấu canh bắp chuối vì ngoài rẫy có hai cái bắp chuối mà tôi cũng chưa biết làm gì ăn cho ngon hơn cắt vô luộc, ăn với cá khô mặn đắng lại thêm bắp chuối chát xì thì chán phèo.


Vậy là chiều mưa rừng ơi mưa rừng, nồi canh cá suối nấu bắp chuối ùng ục sôi như lòng tôi sôi ùng ục chờ được ăn. Hồi dọn cơm ăn nó sướng hơn lên trời, mưa gió ngoài trời không lạnh nữa vì mùi cá tươi bạt hết gió mưa. Chị tôi thảo ăn nên chị suy tư một chút rồi múc tô canh với khứa cá ngon nhất, bảo tôi bưng qua cho bác Huân hàng xóm. Bác ở cái chòi thật gần nhưng rất xa, gần là mắt trần còn nhìn thấy được cái chòi của bác xiu vẹo dưới bụi tre già, nhưng xa cách thế nhân vì chẳng ai tới thăm bác bao giờ; xa nhất là con cái bác Huân, cứ lần lượt bảo về Sài gòn vài hôm có việc rồi lại lên, nhưng người cuối cùng không rời chòi là bác Huân ở lại. Bác ở lại làm cái cớ để con cái bác trả lời địa phương dưới Sài gòn là gia đình tôi vẫn ở trên vùng kinh tế mới, cha tôi vẫn làm rẫy trên ấy, chúng tôi về Sài gòn chỉ vài hôm lo việc riêng rồi lại lên… Thời buổi người trong nhà cũng lừa nhau, hứa hão, để có hôm bác ấy đói tới ăn khoai mì non mới tượng củ bằng ngón tay cái rồi trúng độc, may chị tôi cứu kịp bác.
Nhưng trời ơi! Cái ông già bắc kỳ di cư này mới đúng là rắc rối. Tôi đã đội mưa không áo tơi, bưng qua cho ông tô canh nóng thì ăn ngay đi cho ngon. Phần tôi cũng cần về chòi ngay để hưởng lộc trời cho giữa rừng mưa như cả bạt ngàn sắp trôi ra biển với con suối Rạc gầm gừ hung hãn. Sao ông lại bùi ngùi xúc động ra mặt, hít hà mùi canh như báu vật của rừng, ông cảm động từng lời cảm ơn người hàng xóm tốt bụng là chị tôi. Tôi hết kiên nhẫn với lễ phép tối thiểu là nghe người lớn nói hết lời rồi hãy đi. Nhưng tôi đã mặc ông nói gì, bỏ chạy về chòi quất sạch nồi cơm, nồi canh với chị tôi và thằng cháu nhỏ.
Chị tôi dọn rửa xong thì lo chong đèn dầu để dạy chữ cho thằng con chị mới mấy tuổi đầu đã lún sâu vào âm u thời cuộc. Tôi nằm tòn teng trên chiếc võng đong đưa, lắng đọng lại lời bác Huân hàng xóm hay ăn nói dài dòng đến chẳng ai nhớ những gì ông đã nói. Chắc nhờ cá tươi hôm đó nên tôi nhớ loáng thoáng bác Huân đã nói chuyện tôi biết rồi là chim sa cá lẩy không nên ăn. Nhưng sao bác Huân không từ chối tô canh chim sa cá lẩy xui xẻo mà hít hà cảm động với câu tục ngữ lập đi lập lại: già bát canh trẻ manh áo mới. Bác Huân già thì chùm râu bạc xuống đến ngực đã đủ chứng minh, còn việc bác xúc động được tặng tô canh cá nóng vào một chiều mưa rừng thì theo tôi là ai ở kinh tế mới cũng thèm được ăn thịt cá tươi như nhau thôi. Chẳng qua ông cụ bắc nào cũng thích nói nhiều để giữ gìn bản sắc.
Không ngờ nửa thế kỷ sau, thằng con nít sống lâu năm, hai ngày cuối tuần không đi làm nên tắm xong làm biếng cạo râu, để sáng thứ hai cạo luôn thể trước khi đi làm. Nó thấy râu mình đã lấm tấm bạc nên mưa đêm, mưa hạ, mưa viễn xứ nằm nhớ bác Huân hay nói luyên thuyên nhưng cũng có phần đúng, như giờ này ai cho cái áo long bào cũng không bằng cho tô canh cá nấu bắp chuối để ấm bụng đêm mưa viễn xứ sụt sùi nỗi nhớ quê xa…
Và đúng là sau đêm mưa trời lại sáng. Sáng nay mặt trời không hứa nóng như điên vì còn nhiều mây đen trên nền trời xám xịt. Tôi đi chợ sớm đến chợ chưa mở cửa, ngồi trong xe xem tin tức trên toàn thế giới cũng không quên được tô canh cá nấu bắp chuối ám ảnh suốt đêm qua. Tới tia nắng đầu ngày le lói rọi, đàn chim bồ câu bay rợp trời, đáp đen bãi đậu xe chờ người đi chợ cho ăn, tôi chờ ai trong cuộc lữ này mà ngược xuôi vất vả?
Chợ mở đèn “open” cũng có thể trở thành niềm vui như đồng xu lẻ với kẻ đói rách quê hương. Tôi quên hết. Tất cả. Bước vào chợ làm người khách đầu tiên nhưng chỉ mua được cái bắp chuối, bó ngò gai, bó rau ôm… Đến hàng cá chỉ có cô gái Mễ còn ngái ngủ là tươi sống. Nhìn những con cá nhờn nhợt màu da, ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao thì làm sao dám rước một tú bà về nhà? Tôi đành mua mấy đồng bạc tôm làm mồi câu cá, cần câu có sẵn trong xe nên tôi ra hồ…
Có ai đi câu mà không thích cảm giác cá ăn trên tay, vừa vung cần là cá đã ăn ngay đến phát hoảng. Sao lòng không vui được bởi cái nút chận nào đó trong lòng không cho vui dễ, muốn được vui thành quả phải vất vả hơn nhiều mới thoả đáng hay sao ấy? Không chừng người mất trí nhớ mới là người vui vẻ nhất trên đời, vui vẻ nhất là người quên được quá khứ…
Nắng lên chỉ vừa đủ để bắt được vài con cá chép trắng, không to không nhỏ lại vừa ăn với cỡ cá dài chừng hai gang tay, cá đầu mùa chưa đẻ nên còn mập mỡ, ngọt thịt. Tôi tiếc còn mồi nhưng nghĩ lại câu thêm thì ăn sao hết cá. Thôi cho bọn cá ăn tôm không lưỡi câu một bữa vì trời cũng đã muốn mưa lại, mây đen che hết ánh mặt trời, gió sớm lăn tăn mặt hồ sóng vẩy cá thì giờ đã cuồng phong sóng bạc nên tôi ra về.
Về nhà nấu nồi canh mưa rừng, canh suối Rạc, canh bắp chuối rừng hoang, canh bác Huân, canh chị nhà… dọn lên bàn ăn cả cố hương nghi ngút khói. Ước gì có chị cùng ăn mà không cần phải nhường cho em nữa, ước gì khuất vạt rừng thưa sau nhà là chòi của bác Huân để đem sang cho bác tô canh cá câu chứ không phải cá lẩy, xem bác có bớt xui xẻo bị con cái bỏ lại rừng già. Nhưng bác Huân thì chắc đã ra người thiên cổ từ lâu, và chị nhà thì cũng đã ăn chay trường từ độ…
Tô canh hội ngộ nguội lòng tri ân.
Phan

No comments:

Post a Comment