Links

Monday, June 7, 2021

Đóa Hoa Vô Thường

 Nhân mùa sen nở, mời đọc truyện ngắn

Đóa Hoa Vô Thường
Nguyên Nhung.
Hai người đàn ông mở cánh cổng gỗ thông ra khu vườn nhỏ. Cả hai chỉ độ gần sáu mươi, tóc đã lốm đốm bạc. Một người dáng cao cao mạnh mẽ, còn người kia thấp nhỏ hơn, nét mặt trầm ngâm, hình như đang nghĩ ngợi điều gì.
Đó là một khu vườn mang dáng dấp Á Đông, rải rác những loại cây vùng nhiệt đới, ven rào là vài bụi tre trúc đủ loại, chủ nhân có vẻ là một người biết hưởng thú điền viên với cây cỏ. Nhưng đặc biệt giữa khu vườn nhỏ lại là một hồ sen, tuy đã vào cuối hạ lập thu mà trong hồ vẫn nở rải rác vài nụ sen trắng, sen hồng.
Buổi sớm mai hôm ấy, trên lá sen còn đọng lại những giọt sương đêm, lóng lánh như những viên kim cương dưới tia nắng đầu ngày vừa lên. Hương sen rất nhẹ, khách nghiêng mình vít một bông sen để thưởng thức mùi hương thật dịu mà có lẽ đã lâu lắm rồi, đến mấy mươi năm khách mới tìm lại được mùi hương ấy. Hai người không nói với nhau câu nào, dường như ai cũng sợ kinh động sự yên tĩnh của một buổi sớm mai, có con chim xanh đậu trên bờ rào hót líu lo.
Dưới gốc cây đào xum xuê, tạo thành bóng mát đủ che một cái bàn vuông và bốn chiếc ghế thấp, chủ khách ngồi thưởng thức tách trà với cơn gió thoảng mùi hương sen. Trà cũng thơm ngát mùi hương sen, chủ nhân đã cầu kỳ gói nhúm trà trong chiếc túi vải, bỏ vào cái nụ sen sắp nở ướp suốt đêm ngoài trời, sáng mới đem đãi khách. Nhấp tách trà thơm, hai người bạn già kể nhau nghe nhiều chuyện cũ, trong ấy có chuyện về đóa sen trắng và những hạt sương long lanh trên chiếc lá sen màu xanh biếc.
* * *
Đó là một chiều mùa hè, Viễn say mê đứng nhìn những bông sen trắng, hồng vươn mình lên trên mặt nước ở chiếc ao sen cạnh ngôi chùa cổ. Lá sen xanh biếc, to như những cái dĩa tròn màu xanh, nếu là buổi sớm khi giọt sương còn đọng lại trên lá, dưới ánh mặt trời giọt sương ấy y như một viên kim cương lóng lánh, trong suốt.
Cơn gió chiều đưa mùi hương sen thoảng qua, mùi hương dịu dàng thanh khiết quá khiến Viễn như chìm vào cái tịch mịch của chốn thiền môn. Trong sự yên tĩnh ấy, lẫn với tiếng reo của tre trúc trồng rải rác ven bờ giậu, mái chùa cong tạo thành một đường viền lên nền trời xanh giăng giăng những giải mây trắng. Hít thở mùi hương sen trong không gian tinh khiết của buổi chiều êm ả, Viễn mơ màng nhìn theo những giải mây bay lang thang, vài cánh chim bay qua điểm những chấm màu đen buồn rầu lên nền trời bát ngát. Không biết những giải mây kia bay đi đâu, và những cánh chim có phải đang tìm về tổ ấm?
Hằng tuần, Viễn có ba buổi chiều đến chùa đón cô em gái đang học lớp Hán Văn do ni cô Diệu Linh hướng dẫn. Cô bé tự nhiên thích đến chùa để tìm tòi học kinh Phật, những câu thơ cổ bằng Hán tự. Lớp học là một cái chái của ngôi chùa cổ, vách được ghép bằng những tấm phên nứa, khi ánh nắng của buổi chiều rọi vào tạo nên một khoảng tranh tối tranh sáng rất đẹp mắt. Viễn có lần tò mò nhìn vào, chỉ độ mười cô học trò với một ni cô còn rất trẻ, đang nắn nót viết những chữ Hán trên chiếc bảng đen, bàn tay gầy với những ngón nhỏ khiến chàng ngây ngây một cảm giác lạ lùng, vì bàn tay ấy bỗng đẹp như một đóa sen trắng trên mặt ao sóng gợn.
Thấp thoáng trong chấn song bằng nứa là khuôn mặt cuả người sư nữ, thanh thoát và dịu dàng dưới nếp khăn màu xám nhạt, cả tấm áo màu lam nhạt cũng đủ làm nền cho đôi mắt đen long lanh như hai hạt nhãn. Từng chấm sáng lay động trên dãy bàn học bằng gỗ nâu xậm, tạo nên một bức tranh nửa sáng nửa tối rất tuyệt vời. Không biết vì yêu thích những đóa sen trắng, sen hồng nở trên ao nhà chùa, hay vì hình ảnh ni cô trong lớp học, Viễn thường đến đón em sớm hơn giờ tan học. Chàng bâng khuâng nhìn vào lớp học, len lén nhìn bàn tay xanh gầy của ni cô Diệu Linh trên bảng đen. Tâm hồn chàng lãng mạn quá, có ai lại đi yêu một bàn tay trên tấm bảng đen, rồi từ chỗ tơ tưởng ấy, có lúc Viễn đã bồi hồi khi mơ ước một lần được nắm và hôn lên bàn tay mềm mại ấy.
Ni cô Diệu Linh còn trẻ lắm, chỉ nhỉnh hơn cô em gái chàng độ vài tuổi, nhưng căn duyên nào mà lại gửi đời vào chốn thiền môn? Ai bắt Viễn phải băn khoăn tìm hiểu, nhưng mỗi câu chuyện về lớp học do cô em gái kể lại, đã khiến chàng tò mò hơn, và hai chữ Diệu Linh như chút gì êm dịu lắm cứ lởn vởn trong óc chàng. Những câu chuyện nho nhỏ từ cô em gái, hôm nào không chở em đi học và đón em về Viễn lại bâng khuâng buồn. Hôm nay ni cô Diệu Linh nấu chè hạt sen cho cả lớp thưởng thức. Hôm nay ni cô Diệu Linh dạy bài Nhân Quả cho cả lớp nghe. Hôm nay ni cô Diệu Linh trồng cây hoa ngâu gần bể nước. Lúc nào câu chuyện của cô em cũng là ni cô Diệu Linh, hình như từng lời nói, việc làm của ni cô Diệu Linh đều tác động lên tâm hồn cô em nhỏ, rồi thấm thía đi luôn vào lòng người anh trai. . .
Đôi khi nhớ lại, Viễn cho rằng chuyện gì xảy ra trên cõi đời này, đều do cơ duyên mà tới, muốn cũng không được, chạy trốn cũng không xong. Đấy là chuyện tình cờ chàng lại gặp ni cô Diệu Linh trong giảng đường Đại học Văn khoa ngày đầu năm học, mắt nhắm mắt mở chạy vội đến trường vì dậy muộn. Viễn dáo dác tìm chỗ ngồi, và không ngờ lại len vào được một chỗ trống trong khu giảng đường gần đầy nghẹt sinh viên. Khi an vị, Viễn bỗng giựt mình khi thấy ni cô Diệu Linh ở ghế bên cạnh, nghiêm trang nghe giáo sư giảng bài, đôi mắt đen to tròn ấy thỉnh thoảng nhìn xuống tập giấy trắng trên mặt bàn, ghi ghi chép chép. Tự nhiên Viễn như bị cuốn hút vào bàn tay có những ngón tay xanh gầy của ni cô, mảnh dẻ và yếu ớt đến tội tình.
Nàng đi học. Ước gì Diệu Linh là một cô sinh viên Văn khoa bình thường như mọi người để Viễn không phải luống cuống, tấm khăn màu lam nhẹ trên đầu và chiếc áo tu hành đã là một hàng rào cản bước chân mạo hiểm của chàng vào khu vườn cấm. Phiền nỗi ở đời hễ cái gì càng khó lại càng kích thích lòng ham muốn,
Nhận ra người thanh niên vẫn hay tới chùa đón cô em là học trò của mình, ni cô Diệu Linh có vẻ hơi bối rối, nhất là đôi mắt kia tuy không nhìn cô với cái nhìn hỗn xược, nhưng dường như lúc nào cũng mang một vẻ đắm đuối. Cô mỉm cười. Lần đầu tiên Viễn lại bị cuốn hút vào nụ cười của cô, có lẽ nụ cười ấy dành cho cả thế giới chứ không riêng mình chàng, nhưng lúc ấy đầu chàng lẫn lộn, si mê đến nỗi cứ cho là cô đang mỉm cười với riêng mình, và nụ cười hiền dịu ấy, quả là một bông sen trắng vừa hé nở.
Đẹp, đẹp quá, tất cả ở cô đều toát ra sự thanh cao của một đài hoa sen vươn lên trên mặt hồ, và mùi hương toát ra từ cô, cũng là mùi dìu dịu của đóa sen vừa hé nở. Suốt buổi học hôm đó, Viễn không nghe được bao nhiêu bài giảng của giáo sư, lòng ngất ngây sung sướng vì ngẫu nhiên chàng lại được ngồi gần ni cô Diệu Linh, người chàng thầm yêu trộm nhớ.
Oan nghiệt! Quả là oan nghiệt khi chàng đặt tình yêu không đúng chỗ, giá như khi hiểu được vậy mà chàng tìm cách để tránh đi cái vòng oan nghiệt ấy thì lòng chàng đã không phải ray rứt, thương hoài đóa sen trắng. Sau buổi học, Viễn vội vã đạp xe theo sau đuôi người sư nữ, buổi trưa trời mưa lưa thưa, chỉ đủ ướt những lá cỏ, Viễn thú vị nhớ mấy câu thơ của Phạm thiên Thư “....em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”. Buổi trưa hôm ấy Viễn cảm thấy yêu đời làm sao, chàng ước rằng con đường cứ dài mãi ra thì ngôi chùa đã hiện ra trước mặt, bóng người sư nữ đã khuất sau hàng cây bồ đề trên lối đi trước cổng chùa.
Năm học ấy quả là đẹp quá, đẹp nhất trong đời sinh viên của Viễn. Chàng dự định trong tương lai, nếu không phải đi lính, Viễn sẽ đi dạy học, ngôi trường Trung Học của ông anh họ thế nào cũng dành cho chàng một chỗ. Từ hôm ấy Viễn chăm chỉ đến trường rất sớm, hồi hộp mong đợi bóng dáng nhỏ nhắn, mảnh dẻ của ni cô Diệu Linh, nụ cười e ấp khiến khuôn mặt cô bừng sáng lên như một đóa huệ trắng. Bây giờ có lẽ bao nhiêu thứ hoa trên đời này chẳng có thứ nào ví von được với dung nhan xinh đẹp ấy, chỉ có mùi hương của hoa sen và vẻ trong sáng của hoa huệ mới diễn tả được nét kiều mỵ trên khuôn mặt thanh tú của Diệu Linh.
Ngoài ra, Viễn còn được thấy cô luôn, vì em gái vẫn chăm chỉ đến chùa học Hán tự. Ni cô Diệu Linh được cho ra ngoài học thêm vì lý do đó, là một ni cô trẻ tuổi, có học, cô cần có kiến thức rộng rãi để nghiên cứu và phổ biến giáo lý nhà Phật, đến với những Phật Tử có trình độ hiểu biết rộng, đạo Phật không thể chỉ đào tạo những ni sư thụ động, chỉ loanh quanh ở chùa trong nếp sống thanh đạm rau dưa để tìm Phật cho bản thân.
Viễn ôm mối tình câm lặng rồi cứ thắc mắc tại sao một người đẹp như ni cô Diệu Linh, có ăn học lại chịu gửi thân vào chốn tu trì buồn bã. Đầu óc tưởng tượng của Viễn đi xa hơn bóng dáng khiêm nhu của người sư nữ trẻ tuổi. Có khi chàng khoác cho cô chiếc áo dài màu tím hoàng hôn, có khi chàng nằm mơ thấy được ôm cô vào lòng âu yếm. Sau này chàng mới biết tại sao người ta lại cho rằng tư tưởng cũng dự phần trong việc làm cho con người xấu hay tốt, với những rung động phát nguồn từ một thân thể khỏe mạnh, có lúc chàng đã nghĩ về ni cô Diệu Linh bằng những mê say rất trần tục.
Năm đó Viễn thi rớt. Mộng được trở thành một giáo sư không thành, chàng sắp sửa phải lên đường nhập ngũ. Sắp đi lính, Viễn vẫn cứ loay hoay mãi không biết làm sao tỏ thật được nỗi lòng với Diệu Linh. Lặng lẽ ra đi hay là viết một lá thư cuối cùng, kẹp vào một cuốn sách Thiền mới xuất bản, có lẽ Diệu Linh sẽ đọc và hiểu được mối tình câm nín của chàng. Không gửi được lá thư tỏ tình cho Diệu Linh, Viễn nghe đời trống vắng vô vàn, và sự ra đi im lặng của chàng để rồi sẽ bị lãng quên, như một cơn gió thổi chiếc lá rơi xuống sân chùa, để rồi chẳng ai biết, chẳng ai hay.
Viễn thấy lòng buồn bã khi ngày đi sắp tới, hình bóng của Diệu Linh vẫn ám ảnh mãi với những ngón tay thon dài gầy guộc, xanh xao làm Viễn xốn xang. Không chịu nổi những dằn vặt của tâm hồn, Viễn nhất định gửi đi lá thư tỏ tình mà cũng là lời từ biệt nếu như ni cô Diệu Linh trốn tránh mối tình bồng bột của chàng, để mai này chàng đi xa, sống hay chết, hình ảnh và mối tình của chàng ít là cũng đọng lại mãi trong tâm tưởng của người sư nữ.
Lá thư gửi đi để rồi vẫn chỉ là sự im lặng của ni cô Diệu Linh. Trước khi đi lính, Viễn có đến chùa lần chót, bây giờ lớp học chiều đã tạm ngưng nên cô em của chàng không còn đi học như độ trước. Buổi chiều cửa Phật không còn xôn xao những tiếng nói cười của những cô học trò Phật tử, nắng quái chiều hôm vẫn nghiêng vai chiếu vào lớp học những vệt nắng buồn ngây ngất, cảnh vật quanh chùa hình như cũng cô đọng một nỗi buồn yên lặng đến mênh mang.
Lần sau cùng Viễn đến chùa là một sáng cuối hè, nắng dịu, bất ngờ thấy ni cô Diệu Linh đang tưới cây trong vườn. Nét mặt cô nghiêm trang, hơi xanh xao trong tấm khăn màu xám nhạt. Bất chợt gặp Viễn, dường như cô hơi lúng túng, nửa muốn tiếp tục làm việc, nửa muốn đi vào hậu liêu, Viễn thấy đôi mắt cô thoáng một chút ngại ngùngï. Nhưng chỉ vài phút yên lặng, Diệu Linh đặt thùng nước xuống chân và chắp tay chào chàng, như thói quen vẫn chào những Phật tử đến thăm chùa. Viễn nhìn chăm chăm vào khuôn mặt dịu hiền của Diệu Linh, lấy hết can đảm để nói nốt những điều chàng muốn nói:
“Tôi đến thăm chùa lần chót, để từ giã. Ngày mai tôi đi rồi, biết khi nào mới được trở lại...”
Diệu Linh cũng im lặng, đôi mắt trầm ngâm nhìn ra mặt ao, những bông sen trắng nở lác đác lẫn trong những chiếc lá xanh, nhô mình lên trên mặt ao xanh biếc. Viễn nói:
“Tôi biết mình không phải, khi đem con tim đặt vào một nơi không phải chỗ của nó, xin cô tha thứ. Nhưng nếu không nói được điều này, có lẽ cả đời tôi sẽ im lặng với một nỗi buồn, nhất là đời lính sẽ đưa tôi đi xa, xa mãi, đầy những bất trắc của chiến tranh.”
Diệu Linh thở nhẹ, hai người đứng gần nhau đến nỗi Viễn ngửi được cả hơi thở của nàng lẫn với mùi hương sen. Cô nói nhỏ:
“Mình chỉ là bạn, bạn học. Mỗi người có một lý tưởng khác nhau, tôi đã chọn con đường này khi chỉ là cô bé mười lăm tuổi. Sau những đổ nát của gia đình, tôi nhìn ra cái khổ của kiếp người, và tôi cho là mình đã đi đúng con đường mình đã chọn lựa.”
Viễn hấp tấp ngắt lời cô:
“Tôi không quan niệm trốn tránh điều đau khổ để tìm cho mình một sự giải thoát, càng lăn vào nỗi đau khổ mình sẽ tìm ra hạnh phúc. Như người lính nếu không ra chiến trường lao vào vùng lửa đạn, tìm đâu ra sự bình yên cho người khác.”
Diệu Linh mỉm cười, nụ cười tự tin khi biết mình khó bị lay chuyển:
“Mỗi hạt cát có hình thể khác nhau, mỗi con người có một đời để sống. Nhưng nói chung, nếu mục đích nào cũng đem lại cho đời sự tốt đẹp của nó, thì không so sánh được hoàn cảnh này với hoàn cảnh kia. Không trả lời được lá thư của ông, tôi mong ông cũng hiểu cho rằng, đời tôi không thể thuộc về một người, vì nó là của chúng sinh. Con người tôi được sinh ra là để phục vụ mọi người, như ý nguyện của tôi từ khi chớm hiểu biết. Ông hãy quên tôi đi, thân phận nhỏ nhoi của một hạt cát.”
Những lời lẽ vừa từ tốn, vừa quyết liệt của ni cô Diệu Linh khiến Viễn lặng người, một chút hối hận dâng lên trong lòng, chàng tự trách mình quá bồng bột đã phá vỡ sự yên tĩnh trong tâm hồn Diệu Linh. Nhưng thôi,“thà như giọt mưa, rớt trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không...”, chưa bao giờ chàng lại cảm phục được ý thơ của người làm thơ như lúc này.
Cho đến giây phút đó, chàng vẫn bướng bỉnh cho rằng chính chàng đã biết sống, can đảm sống và can đảm nói những điều mình mong mỏi. Còn con đường tu hành của Diệu Linh, chẳng qua chỉ vì bi quan, yếm thế, thấy cái khổ của đời đã vội chạy trốn để tìm sự giải thoát.
Trước khi từ biệt, hai người còn đứng lại trước sân chùa, đôi mắt dịu dàng của Diệu Linh vẫn nhìn ra chiếc ao sen có những bông sen trắng, dường như cô muốn gửi hết nỗi buồn của sự biệt ly, vào những đóa hoa vô thường nơi cửa Phật. Hình ảnh cha mẹ, anh em đã chết vì một quả đại bác rớt vào thành phố một đêm mùa Xuân năm nào như vẫn còn đó, trong khi cô bé may mắn thoát được vì đi thăm bà ngoại của cô ở một thành phố khác, được bà giữ lại vài hôm để bà cháu hủ hỉ.
Âu là định mệnh, ông Trời đã sắp xếp quá đau buồn để cô bé mười lăm tuổi ở lại trần gian có một mình, một mái gia đình đang đầm ấm hạnh phúc bỗng trong một đêm chỉ còn là cảnh tang tóc, tử biệt. Từ đấy, Diệu Linh về ở với bà ngoại, nhà ở gần một ngôi chùa. Ngày nào sau giờ học, Diệu Linh cũng sang chùa để gần gũi với mấy ni cô đang trụ trì trong ngôi chùa nhỏ vùng ngoại ô, cô bé đã tìm được tình yêu thương, nỗi chia xẻ cho thân phận một cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cô cũng hằng ngày nhìn thấy những mất mát tương tự, những “sinh ly tử biệt” giữa một đất nước chiến tranh bày trải trước mắt. Bởi vậy khi bà ngoại qua đời, Diệu Linh học xong Trung Học, cô bé cởi chiếc áo trắng tuổi học trò để khoác cho mình chiếc áo màu lam nhạt. Màu áo của sự tĩnh lặng, của khiêm nhu và chịu đựng, cô xa dần những phồn hoa không thực của cuộc đời muôn mặt.
Trong yên lặng ni cô Diệu Linh hồi tưởng một mình về dĩ vãng. Những bày tỏ sôi nổi về tình yêu của chàng sinh viên trẻ đứng trước mặt cô, mai đây chỉ một thời gian sẽ trở thành người lính. Người ấy sẽ đi đâu, cuộc chiến sẽ đem anh ta đến phương trời nào, những đạn bom, những chiến trường khét mùi thuốc súng, anh ta có trở về?
Bất chợt giây phút ấy, cô nghe tiếng nói êm đềm của người thanh niên si tình kia:
“Hôm nay đến chùa vào buổi sáng, tôi mới thấy rằng hoa sen đẹp quá, mà hương sen thì thanh khiết vô cùng. Diệu Linh, cô nhìn xem hạt sương còn đọng trên chiếc lá sen, đẹp như một viên kim cương diễm lệ. . .”
Đôi môi Diệu Linh mấp máy, cô nói khẽ lắm, nhưng câu nói buổi sáng hôm ấy như đọng lại trong tâm tư Viễn suốt một đời không phai:
“Vâng thưa ông, những giọt sương chỉ đẹp khi nó nằm trên chiếc lá sen, dưới ánh mặt trời mà thôi. Ông để nó trên tay, nó cũng chỉ là một giọt nước.”
* * *
Viễn nhập ngũ. Bỏ lại đời sinh viên và căn gác xép bừa bộn những kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Bỏ lại tất cả để đi vào một cuộc đời khác, đời lính nhiều tập tành gian khổ nơi quân trường, và khi ra trường được thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến. Khi ấy, chàng mới thấu hiểu được những đau khổ của con người, mới thực sự đồng cảm với ni cô Diệu Linh, và thông cảm với cô khi chọn con đường tu hành để dâng hiến cuộc đời cho tha nhân.
Những ngày lặn lội hành quân trên vùng Đồng Tháp Mười, sông rạch chằng chịt nơi vùng đồng bằng tôm cá, lúa gạo đầy ắp nhưng đời sống phập phồng trước lằn tên mũi đạn.
Có những nơi chàng đi qua, rừng dừa sơ sác và những ao truôm đầy hoa sen, hoa súng. Trời vẫn ban cho trái đất chút tươi mát của cỏ cây, nếu không, trước mắt chàng tất cả những vùng chàng đi qua, con người như ngơ ngáo chờ đợi cái chết đến không biết đâu mà tránh. Giữa tên bay đạn lạc, đôi khi lòng chàng vẫn ngất ngây vì cảnh đẹp của một ao sen miền thôn dã, mà những đóa sen trắng, hồng, vẫn phảng phất trong gió mùi hương sen rất dịu dàng. Những lúc đó lòng chàng lại nhớ đến ni cô Diệu Linh, trong lần nghỉ phép khi sắp ra đơn vị, chàng có đến chùa nhưng được biết ni cô Diệu Linh đã đi tu học ở một nơi khác, không ai nói cô đi đâu, chỉ có mình Viễn mới hiểu được sự thay đổi này.
Hai năm vào lính đã đào tạo cho Viễn sự trưởng thành, để thấu hiểu và phân biệt thế nào là sự đau khổ và hạnh phúc. Viễn đã nhìn thấy cái khổ của người dân trong vùng xôi đậu, Viễn đã nhìn thật gần xác anh em đồng đội bầy nhầy, nát bấy, méo mó, giá lạnh trong những tấm “poncho” nhà binh, những đôi mắt thất thần của trẻ con, những tiếng khóc bằn bặt, đôi vai gầy run run của bà mẹ già gục xuống trên xác con, và vành khăn trắng quấn trên đầu người vợ trẻ. . ..
Giây phút ấy chàng hối hận vô cùng, chút nữa thì Viễn đã lôi kéo ni cô Diệu Linh vào nỗi khổ này, nếu như ngày ấy. Ôi mỗi ngày thức dậy là chờ chực những khổ đau sẽ tới, thì ra Diệu Linh đã nhìn ra và chọn lựa đúng con đường của nàng, mà đối với tâm hồn bồng bột của tuổi thanh niên, Viễn cho rằng ít ra một lần, chàng sẽ là giọt mưa rớt trên tượng đá. Cũng may, may thật là may, hình ảnh ni cô Diệu Linh vẫn ở trong trái tim chàng, nhưng không bị chàng giữ lấy một mình và lôi kéo vào nỗi đau khổ giữa lằn ranh sống, chết của người lính. Chỉ tiếc rằng chàng đã bồng bột làm khuấy động tâm hồn của người sư nữ trẻ tuổi ấy, với cái ích kỷ của đàn ông, biết đâu rằng dù Diệu Linh quyết chí gửi đời mình vào cửa Phật, nhưng tâm tư cô làm sao khỏi có lúc không nghĩ về Viễn.
Viễn bị thương trong một lần hành quân chạm địch, vết thương khá nặng phải đưa về bịnh viện Cộng Hòa dưỡng thương một thời gian dài. Bây giờ mới là lúc Viễn nhìn ra cái đau khổ của thân xác, của chính mình và của anh em đồng đội trong Quân Y viện, chàng lại càng hiểu ra cái khổ của kiếp người, cái mất còn của cõi nhân gian. Chồng chất lên đời sống đầy rẫy những khổ đau này nối tiếp những khổ đau khác, chàng lại càng hay nhớ đến khuôn mặt hiền dịu và những lời nói êm đềm mà thấm thía của ni cô Diệu
Khi chiến tranh chấm dứt, Viễn còn trải qua một thời gian nữa trong tù, đói, khát, bịnh tật, ân oán chập chùng nơi lòng người, kẻ trả người vay, tiếp tục nối tiếp bởi con người khó gần gũi nhau, thương yêu nhau. Những lúc quá buồn cho tình đời, tình người, Viễn thường ngẫm nghĩ đến những đóa sen trắng trong cái ao gợn màu rêu trước sân chùa năm xưa, nhớ đến Diệu Linh năm nào đã sớm nhìn ra “tu là cội phúc, tình là giây oan”.
* * *
Người đàn ông tóc bạc, dáng đậm chắc nhấp một ngụm trà sen thơm ngát, rồi tiếp tục kể nốt câu chuyện của ông cho bạn nghe:
“Sau hơn hai mươi năm, tôi về thăm quê nhà lần đầu tiên. Nhớ nhà lắm anh ạ, nhưng có nhẽ lại nhớ cái tuổi trẻ của mình, căn nhà, con đường, trường học, và ngôi chùa. Ừ, ngôi chùa ngày xưa thuở tôi còn là một sinh viên văn khoa trước khi đi lính, có bóng dáng ni cô Diệu Linh mà tôi đã yêu tha thiết. Đến bây giờ tôi mới thấy không có gì tàn nhẫn bằng thời gian, nó tàn phá tất cả, tôi gần như không còn tìm được những gì thân quen của nhiều năm tháng cũ.
Đấy, kể từ ngày tôi ra đi, hơn hai mươi năm rồi anh ạ, từ một người lính trẻ thuở nào, nay đã là ông lính già đi tìm quá khứ, nhưng quá khứ cũng không còn. Sách Phật dạy rằng chẳng nên ngậm ngùi nuối tiếc dĩ vãng, vì dĩ vãng thì đã qua, tương lai cũng chưa biết, chỉ còn có hiện tại. Hiện tại thì tôi có một gia đình, nhưng không hạnh phúc, tôi như người lạc loài vì mãi vẫn không bắt kịp cái hiện tại xô bồ này, quay trở lại tìm dĩ vãng thì cũng muôn đời không tìm thấy. Buồn lắm anh ạ!”
Người bạn già vẫn yên lặng lắng nghe, tôn trọng nỗi buồn chất ngất trong lòng bạn. Ông lơ đãng nhìn đóa sen nở trong chiếc hồ nhỏ, những cánh hoa trắng muốt, ủ trong lòng hoa là những chiếc nhụy vàng. Hạnh phúc nhỏ nhoi thế kia mà bạn ông không nắm được, mà những đau khổ lại vẫn không rũ ra được. Tiếng nói của người bạn cũ vang lên trầm trầm bên tai ông:
“Tôi đi về quê nhà, như đi tìm lại cái đau khổ của chúng sinh trong mái chùa cong, chứ không phải tôi định đi tìm lại ni cô Diệu Linh nơi mái chùa đó. Đấy là một cơ sở nuôi trẻ mồ côi và khuyết tật, cô em gái của tôi đưa tôi đến mà không hề báo trước cho tôi biết rằng ni cô Diệu Linh vẫn ở trong ngôi chùa ấy.”
Người bạn nhắp một ngụm trà, ngụm trà vừa nhấp vào hơi đắng nhưng cái hậu của trà như đọng lại nơi cuống họng ông vị ngọt thật dễ chịu:
“Thế là “quy cố hương” lại “ngộ cố tri”, quả là trái đất vẫn tròn.”
Cả hai cùng cười, ấm trà đã vơi đi một nửa:
“Tôi ngỡ ngàng khi gặp lại ni cô Diệu Linh nơi mái chùa xưa. Bây giờ cô đã chững chạc và già dặn với thời gian, nhưng dáng vóc vẫn gầy gò, nhanh nhẹn, đôi mắt của cô không còn đen nhánh nét tươi vui của thời trẻ tuổi, nhưng khuôn mặt cô vui vẻ, tự tin. Gặp lại tôi cô không hề bối rối, đến nỗi tôi tưởng là cô không hề nhớ đến những lời tỏ tình của tôi ngày xưa, vì nó đã thuộc về dĩ vãng. Cô dẫn tôi đi thăm cơ sở của chùa, thăm mái nhà tình thương mà ở đó là những đứa bé mồ côi, tàn tật được săn sóc bởi tình thương của những người tu hành. Bao nhiêu năm trở về, điều thú vị nhất đối với tôi là cái ao sen của chùa vẫn còn đó, đầy những đóa sen tàn, hoa với nhụy tả tơi rụng trên mặt nước. Tôi nghĩ đến kiếp người, rồi có lúc nó cũng tả tơi như những đóa sen tàn, tôi hình dung lại khuôn mặt xinh đẹp của ni cô Diệu Linh năm xưa, dĩ nhiên nó đã thay đổi rồi với thời gian.”
Người bạn cất tiếng hỏi:
“Anh thất vọng ư? Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ đi tìm những hình bóng cũ...”
Nghe có tiếng cười vang lên trong nắng sớm:
“Đừng nói như vậy khi anh chưa biết tôi tìm được gì trong chuyến trở về ngày hôm ấy. Trở lại câu chuyện cũ anh nhé. Sau khi đi thăm các cháu bé, tôi trở lại nhà khách của chùa để nghỉ chân, ni cô Diệu Linh đã cho tôi thưởng thức bát chè hạt sen tuyệt trần đời anh ạ. Cô cho biết đó là những hạt sen thu hoạch sau mỗi độ sen tàn, cô để dành nấu chè đãi khách thập phương. Lúc ra về, tôi có trở ra ngắm lại vườn sen và bất chợt cúi nhìn xuống ao, tôi thấy bóng mình rung rinh dưới đáy nước. Không tìm đâu ra hình bóng của thuở đến chùa lúc ngoài hai mươi tuổi. Những đóa sen tàn, tàn đi để rồi còn lại những gương sen, có những hạt sen bùi thơm như bát chè của ni cô Diệu Linh đãi khách thập phương. Tôi lại nghĩ đến ni cô Diệu Linh, đời cô quả là một đóa hoa vô thường, dẫu đến khi tàn vẫn không sống một đời vô ích...”
NGUYÊN NHUNG, mùa thu 2004

3 comments:

  1. Một đóa hoa tươi ngát
    Vượt khỏi đáy bùn nhơ
    Vươn lên trời vô sắc
    Đẹp tình khiết vô bờ

    ReplyDelete
  2. Đôi bàn tay xinh xắn
    Xoa dịu nổi khổ đau
    Cuộc đời bao thơ trẻ
    Tình yêu thương nhiệm màu

    ReplyDelete
  3. Hoa nào chẳng vô thường
    Không tàn rơi rụng vỡ
    Hoa tâm luôn rộng mở
    Thơm ngát tình yêu thương

    ReplyDelete