Links

Monday, July 12, 2021

Thương khúc III : Nước Mắt Mẹ Già

 MẠCH VẠN NIÊN



Má tui sanh mười người con, năm Ngũ Long Công Chúa và năm Ngũ Quỉ.. Sợ ngũ quỉ phá loạn trần gian,  thiên đình đã rước đi hai đứa hồi còn trẻ cho nên còn lại có Tam Hoàng. Hai ông anh một ông là anh hai (anh cả) thì đi lính quốc gia đánh nhau với Việt Minh bị bắt làm tù binh mất tích ở vùng Đồng Tháp ngày ấy thuộc địa phận tỉnh Tân An. Ông anh thứ năm thì làm thư ký tại một trường Tư Thục ở Sài Gòn. Ở nhà chỉ còn lại bốn chị em là Chị Tư tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu lo cơm nước heo cúi. Tui là con trai duy nhất thứ tám ở nhà thuở nhỏ cũng bệnh hoạn liên miên. Mỗi lần bệnh là chỉ có thuốc tàu là Tiêu Ban Lộ hoặc Ban Dược Thuỷ. Thuốc nước đắng nghét và hôi rình tui đâu chịu uống, tía tui phải lấy đũa bếp cáng ngang miệng rồi tay kia bóp mũi đổ thuốc vào họng tui mới đầu hàng. Tui không chết yều vì có lẽ tui đúng là tiểu quỷ nên Diêm Vương sợ rước tui xuống cướp chỗ của Đầu Trâu Mặt Ngựa nên ổng chạy làng. Vì vậy nhờ thuở nhỏ mang đủ thứ bệnh mà không chết nên tui trong mình có đầy đủ kháng sinh,, sau nầy đi tù cải tạo bệnh gì tui cũng có từ Phù Thửng, Dịch Tả Kiết Ly Sốt Rét...cho đến Rắn Độc cắn tui cũng không chết dù không có  thuốc chữa.


            Quê tui ở Năng Gù giữa đướng đi từ Long Xuyên lên Châu Đốc. Mặc dù nó mang tên mỹ miều là làng Bình Mỹ nhưng người dân vẫn quen gọi là Năng Gù. Ở đây cũng có một nhà thờ cổ xưa rất lớn vẫn khắc tên là Nhà Thơ Năng Gù. Ai đi viếng Miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam đều phải đi ngang qua Năng Gù. Dù không có tên trên sổ Bộ Hộ, Năng Gù vẫn ngang nhiên hiển hiện trong lòng người dân và hành khách đi xe đò thay vì nói xuống làng Bình Mỹ thì thường nói là xuống Năng Gù.  Năng Gù trải dài theo tỉnh lộ chừng mười cây số. Cái tên Năng Gù Việt chẳng ra Việt mà Miên chẳng ra Miên. Phải chi nó rặt Miên như tên Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dung, Xà Tón, Cần Xây v.v..gần đó thì tui không thắc mắc. Đằng nầy Năng Gù không ra vẽ Miên chút nào mà tiếng Việt thì vô nghĩa. Nếu nó là Lưng Gù thì mình còn mạo danh là bà con với Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà ở Paris, sang chảnh. Tuy vậy, thà không có nghĩa nhưng có nghĩa mà vô lý như địa danh Lấp Vò thì thật là vô duyên. Ngưới ta BỐC đất lên mới VÒ viên được chớ đã LẤP xuống rồi thì làm sao mà VÒ đây ? Giống như bà Phùng Há, đã PHÙNG cái miệng  thì làm sao mà HÁ được. Phùng Trợn thì mới có lý !

            Sau khi đỗ Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học  không còn lớp để học vì muốn học thêm lớp Nhì và lớp Nhất thì phải lên tận Cái Dầu, tui đành ở nhà phụ gíup tía má. Trời mưa thì đi bắt cua bắt ếch hoặc tát nước bắt cá mấy cái vũng ngoài đồng. Sáng sớm tui dậy từ bốn giờ khuya cùng tía bơi xuồng xuống chợ Rạch Gộc phía bờ sông đối diện Nhà Thờ Năng Gù cách nhà tui bốn cây số để kịp nhóm chợ bán thịt heo tươi. Tía tui thức dậy mổ heo từ ba giờ khuya và mỗi lần thọc huyết nó là ông cầu nguyện cho nó thoát kiếp làm heo mà được làm kiếp người. Tự nhiên tui trở thành good boy lúc nào không hay. Vì ngoài việc giúp tía bán thịt heo ở chợ mỗi sáng sớm thì về nha tui phụ má trồng rau cải, đến nhà hàng xóm hốt phân về bón rau quả.  Tía má tui hết lòng thương yêu nên mỗi khi có hàng bánh trái đi ngang qua nhà má thường kêu vô mua cho ăn.

            Vì bị bắt mất tích nên thay vì lãnh lương 12 tháng một lần thì người ta cho tía tui lãnh lương thay anh tui mỗi tháng. Vì vậy tháng nào tía tui cũng đi Tân An lãnh lương một lần. Xe đò từ Châu Đốc đi Sài Gòn thường ghé nghỉ ở Cai Lậy cho hành khách ăn cơm nửa tiếng,. Cai Lậy thuở ấy nhỏ hơn cái chợ xã và quán cơm thì là dãy nhà lá ba gian nằm cạnh quốc lộ. Nhưng phải nói là cơm rất ngon nhất là cơm tôm kho tàu. Vì biết rằng chốc nữa tới Tân An lãnh lương nên tía tui thả giàn cho tui ăn thoả thích.  Sau khi lãnh tiền xong tía con tui đón xe lửa lên Sài Gón. Ngày ấy còn đường xe lửa Sài Gón Mỹ Tho chạy dọc theo quốc lộ 4. Lên Sài Gòn tía tui ở nhà Bác hai Hoàng chơi một bửa rồi mới lại trở về Năng Gù

            Nhà Bác Hai Hoàng ở đường Hamelin thuộc khu phố của một người nổi tiếng là chú Hoả và nó cũng gần sòng bạc Kim Chung do ông Tướng Bình Xuyên là Bảy Viển làm chủ. Tía tui cũng có máu cờ bạc nên mỗi lần lên Sài Gòn là ông luôn luôn ghé Kim Chung.  Tui được ông dẫn theo và cho vô khu chơi của con nít  trong Sòng Bạc có người chăm coi. Giống như con nít mê game bây giờ, tui mê chơi không cần biết tía tui đi đâu.  Đánh xong ông  dến đón tui về. Ăn thua gì không biết nhưng tía tui lúc về nhà bao giờ cũng đưa tiền cho má đầy đủ. Chắc ông bán thịt heo lén giấu tiền riêng để mỗi tháng lên Sài Gòn giải trí.

            Năm đó là năm 1954, Hiệp Định Giơ Neo (Genève) ký kết chia đôi đất nước và có trao trả tù binh. Má tui  trước khi lấy chồng là một người con gái khoẻ mạnh vác lúa không kém mấy anh trai. Ông nội tui thấy vậy mới hỏi cưới cho tía tui. Bà sanh liên tục mười đứa con cứ cách mỗi hai năm. Nhưng đến khi sanh đứa út thì bà yều sức không còn mạnh khoẻ và buôn bán bươn chảy như xưa đành ở nhà làm vườn và cho vay lấy lãi. Chị kế trên tui hai tuổi chuyên môn đi đòi nợ. Tui thì phụ tía bán thịt và giúp má làm vườn.

            Đang ngồi ăn trưa cơm nguội với mắm sống xé ra chấm giấm ớt và bắp luộc bên hiên nhà mắt lơ đảng nhìn ra ngoài đường tui bỗng thấy chiếc xe đò Thành Long chạy đường Châu Đốc Sài Gòn xịt ngừng trước cửa. Trên xe một gã thanh niên chỉnh tề nhưng gầy yều đang bước xuống. Nhận ra là anh Hai tui la lớn Má ơi anh hai về. Từ chỗ ăn cách đường lộ gần năm mươi mét dù đang bệnh đi đúng khó khắn nhưng má tui bỗng chốc phóng một cái rột tới ngoài đường . Tui cũng dọt theo. Bà ôm chầm lấy anh hai hôn lấy hôn để. Tui chợt thấy nước mắt của Bà lăn dài trên má. Má ơi ! Nước mắt hạnh phúc.

            Ngày hôm sau tía tui nghỉ bán thịt và thay vào đó ông quay con heo đãi mừng anh Hai tui về cùng với xóm làng. Chắc ngày ấy là ngáy hạnh phúc nhất trong đời của Má ./-

          Mạch Vạn Niên

4 comments:

  1. Anh Niên viết tới đoạn anh Hai về nhà, Má chạy ra ôm con thật là cảm động... Mắt em hơi mơ huyền khi đọc đến đoạn này...
    Người xúc động

    ReplyDelete
  2. Không ai thương con bằng CHA
    Chẳng ai cưng con bằng MẸ
    Dù cho con khôn ngoan, ngu dại
    Tình MẸ CHA như biển rộng núi cao
    Dù có phải hy mạng sống thế nào
    Chỉ mong con mình trưởng thành và hạnh phúc
    Nước mắt MẸ long lanh như hạt ngọc
    Như suối nguồn róc rách bản tình ca
    Và tình CHA cao ngất cận trời xa
    Khi mất rồi cả đời con không bao giờ đền trả

    ReplyDelete
  3. Truyện kể thật dí dỏm nhưng cũng không kém phần cảm động, sh VK có một trí nhớ hay quá, cô 5 Chèo Đò phục sát đất, muốn đọc nữa nghen huynh ơi.

    ReplyDelete
  4. Cô 5 Chèo Đò yên tâm nghe, huynh sẽ không phụ lòng !

    Vô Kỵ

    ReplyDelete