MẠCH VẠN NIÊN
Chuyến xe đò Nguyên Hiệp mà Bác Năm Kỉnh vừa làm chủ vừa làm tài xế chạy từ Châu Đốc đến Rạch Giá duy nhất khứ hồi mỗi ngày chở tía con tui đi hôm nay hơi vắng khách. Tía tui là hành khách trung thành của Bác Năm Kỉnh nên Bác ưu ái dành ghế đằng trước cho tía con tui. Vả lại Bác Năm cũng là người Tàu lai nên gặp tía tui là hai ông có dịp xí xô xí xào tiếng Tàu. Còn tui thì nghe tiếng được tiếng mất chắc hai ông đang nói đến tui vì thỉnh thoảng tôi nghe nhắc đến tên A Nìn. Đi Rạch Giá lần nầy tui buồn thúi ruột vì là một đi không trở lại. Mọi lần lên xe là tui ngủ mất đất và mơ ước chốc nữa đây vô Rạch Giá là có dịp ăn mì, ăn hủ tiếu và ngắm trời biển mênh mông. Lần nầy con mắt tui đỏ hoe nhìn từng căn nhà cây cối vụt qua. Tui nhớ má từ đây không ai đi hốt phân bò bón cây còn tía thì bơi xuồng một mình họp chợ mỗi sáng tinh sương. Không ai đánh lộn với thằng Ba Gà Mổ ; không ai cùng thằng Long đi câu cá bắt cua nhất là còn đâu những buổi chiều bày cờ tướng đánh nhau ăn thoi với tụi nó.
Tui vô Rạch Giá lần nầy là để tiếp tục đi học theo lời đề nghị của Dượng Ba trong lần về quê tui chơi dịp Tết năm đó. Dượng nói sẽ lo cho tui ăn học tới nơi tới chốn vì nói tui thông minh giỏi giang mà sống nơi đồng ruộng thì quá uổng. Con đường từ Năng Gù tới Rạch Giá hôm nay sao thật buồn hiu. Ngoài Năng Gù dân cư đông đúc thì qua khỏi Năng Gù chỉ là ruộng lúa mênh mông hai bên đường. Thỉnh thoảng mới có một xóm dân như Mặc Cần Dưng rồi Chắc Cà Đao. Xe cũng ngừng ở Lộ Tẻ chừng nửa tiếng để rước khách từ Cần Thơ qua. Con đường Long Xuyên Rạch Giá thuở ấy cũng thưa dân và có những khu vườn tược um tùm là cơ hội cho cướp bóc sau khi ăn hàng các xe đò thì nhanh chân tẩu thoát. Có hai thị trấn trên đường đi là Láng Sen và Tân Hiệp. Thuở ấy chưa có địa danh Kinh B hay Cái Sắn vì chưa có dân di cư đưọc ông Diệm đưa vào đây lập nghiệp. Láng Sen sung túc hơn Tân Hiệp vì có con kinh thông tới Cờ Đỏ thuộc tỉnh Cần Thơ mặc dù Tân Hiệp là nơi phố Quận.
Quả thật ngày ấy là ngày dài nhất trong đời tui. Cuối cùng rồi xe cũng tới Rạch Giá tui xuống xe theo tía tui mà lòng nặng trĩu mớ hành trang gồm ít cây trái rau quả hái trong vườn đem biếu Cô Dượng. Hôm sau tía tui trở về Năng Gù lúc hai giờ trưa cũng xe đò Nguyên Hiệp của Bác Năm Kinh. Tui bịn rịn nhìn theo chiếc xe đò chở tía tui khuất sau ngã Ba Đại Lộ Phó Điều và đường Đỗ Hữu Vị chạy dọc theo bờ sông ra tới cầu đúc.
Những ngày kế tiếp Dượng Ba tui mà bây giờ tui gọi là Tía Năm chiều chiều thường chở tui bằng xe đạp hiệu Urago đi thăm các người quen cho tui khuây khoả và nhất là để tui quen biết những cô bác mà Tía Má Năm thân thiết đôi khi chơi hụi hàng tháng. Trong số những người thân nhất của Ông là Bác Năm Quản Nguyên có ngôi nhà cổ ba gian hai chái nằm trên đường Thành Thái xéo xéo Chùa Bà mà góc đường Thành Thái với Trương Vĩnh Ký là khoảnh đất rộng trồng rất nhiêu hành mỗi lần đi ngang qua là tui ngửi thấy mùi phân người. Sau nầy chỗ đó là Trường Học Nghề. Bác Năm Quản Nguyên hồi ấy còn làm ở Công Sở Vĩnh Thanh Vân toạ lạc tại bồn binh đường Lê Lai và Trương Vĩnh Ký mà người dân thường quen gọi là Nhà Việc. Nhà Việc có hàng rào cây bùm sụm lúc nào cũng có trái chín . Trái rất nhỏ từng chùm khi chín màu đỏ ăn bùi bùi mà tui thích ghé đây hái ăn mỗi khi có thể.
Buổi tối Tía Năm thường dẫn tui ra chợ Nhà Lồng giải trí.. Tui khoái nhất là coi phim năm cắc một tuồng được chiếu trong cái thùng gắn sau lưng xe đạp do một ông đẩy vào chợ Nhà Lồng. Phim thường là Tarzan, Cao Bồi Bắn Súng đánh nhau cùng với Mọi Da Đỏ hoặc phim chiến tranh. Phim không có tiếng nói chỉ có ông "chủ rạp mini" vừa quay tay vừa thuyết minh. Vậy mà ba cái đầu trẻ thơ ngồi sát mặt dán qua sáu cái lỗ mê say theo dõi. Còn Tía Năm thì ngồi xuống ông Thầy Bói có cái mu rùa và mấy cuốn sách cũ mèm chăm chú nghe ông tán dóc. Nhà Lồng thuở ấy buổi chiều là người ta dẹp chợ không còn một ai buôn bán và được rửa bằng chính nước mưa được chứa dưói hầm Nhà Lồng Chơ. nên buổi tối Nhà Lồng chơ luôn luôn sạch sẽ cho ngưòi ta buôn bán đồ khô như khô mực sách báo cũ, thuốc ngâm rượu hiệu con Bìm Bịp và đủ thứ hằm bà lằng. Đầu chợ là mấy hàng bánh trái thắp ngọn đèn dầu leo lét nhưng bánh trái thật là ngon. Đủ thứ Bánh Da Lơn, Bánh Ít, Bánh Tét, Bánh Gan, Bánh Khoai Mì,, bánh Cà Bắp rồi Xôi Hà Tiên,.v.v... nhưng tui khoái nhất là Xôi Vị, nếp được nấu thơm dẽo hoà cùng mè béo béo...Thỉnh thoảng Nhà Lồng cho chiếu phim và người dân tấp nập đi coi. Những nhà gần đó thường mang theo ghế ngồi. Tui con nít thấp người nên phải vác theo ghế thật cao và đứng trên đó mới thấy. Thường thường là người ta chiếu phim thời sự, đôi khi có những phim chỉ dẫn dân chúng ăn ở cho hợp vệ sinh.như phim Gia Đình Anh Nam...Đôi lúc Ban Chiến Tranh Tâm Lý từ Sài Gòn về dựng rạp trong Nhà Lồng hát những vỡ hài kịch. Sân khấu là chiếc xe hàng. Vỡ kích tui khoái nhất là Ông Ninh Ông Nang dê gái, dân chúng rất mê mẩn chen chúc đi xem.
Rồi ngày cũng đi qua và tui con nít mau quên nên quen với cuộc sống hiện tại được ăn ngon mặc đẹp. Ở nhà tui tập bán thuốc phụ Tía Má Năm vì Tía Năm là Thầy thuốc Bắc có tiệm thuốc Cao Đơn Hoàn Tán. Ông rất mát tay trị bịnh ai cũng khỏi. Gần tiệm là rạp hát Đồng Thinh , các gánh hát Cải Lương thường đến đây hát. Tối nào mà thăng nào đến rạp đi ngang nhà tui mà nhìn tui nghinh nghinh là tui bang bang đếm kiếm chuyện để đánh nhau vì tui ngứa tay. Thằng Tùng, con Lưu Tường Ký cũng bị tui đánh. Rồi thằng Phước con Ông Hưng Phát bán cơm cách một con đường cũng là đối thủ. Ngay cả thằng Xót ở dưới Xóm Biển cũng từng so găng với tui. Thằng Phương con của ông tiệm chụp hình Nam Hoa mới là Đông Phương Bất Bại. Nó đè tui mà hạ bộ của nó dí vào mặt tui khiến tui ngộp thở thì ít mà mùi xú uế của nó làm tui muốn ói thì nhiếu. Tui đành thúc thủ. Chắc nó ba ngày không tắm. Độc Cô Cầu Bại Năng Gù bị Đông Phương Bất Bại Rạch Giá hạ cho đo ván vì ra chiêu Hạ Tiễu Long Quái Khí.
Mấy đứa mà từng đối đầu với tui sau nầy tui đi học Trường Nam đều trở thành bạn thân. Nhất là thằng Phước thường lấy cắp Hào Tươi của nhà hàng mang đi chấm muối ớt rủ tui ăn. Còn Thằng Phương, con ông Nam Hoa không biết làm gì mà sau nầy ba nó từ nó còn má nó thì lén ông tìm nó để giúp đỡ.
Mạch Vạn Niên
Đại ca VK dư sức quánh bại ĐPBB nhưng ngặt một nổi cha nội này ra chiêu độc hại làm đại ca nghẹt thở cho nên đầu hàng vô điều kiện thiệt là tình kkk...Có biết bây giờ ĐPBB ở đâu hong dị đại ca?
ReplyDeleteNgười muốn biết
Thích Bò Bía ơi ! Từ ngay ĐPBB bị Sư Bá Nam Hoa Chụp Ảnh đưổi khỏi nhà làm cái bang tới giờ huynh không biết ĐPBB trôi giạt về đâu. Cầu mong ĐPBB được bình an.
ReplyDeleteVô Kỵ
Hihihi, đọc tới khúc cuối muội tui mắc cừ quá xá đi, huynh làm cô 5 Chèo Đò nhớ hồi xưa con gái chơi bóng chuyền, mỗi lần đấu là cả đội tụi nó bảo nhau phải để móng tay dài để cào cấu cho dễ và ăn củ hành cho đối phương sợ mùi mà né banh …hihihi, đúng là con nít tiểu học mà .
ReplyDeleteThích nghe huynh kể mấy trò chơi con nít vui ghê hé. .. lâu lắm mới nghe nhắc Ông Ninh Ông Nan, còn mấy món bánh huynh kể muội đều mê hết.
Món xôi vị làm nhớ má tui quá đi vì má tui làm món này ăn là ghiền, ngon phải biết luôn á.
Cô 5 Chèo Đò
Anh MVN nhớ dai thiệt nha !Nhớ tên từng con đường xưa lối cũ ,nhớ tên những tiệm chắc là nhớ luôn ánh mắt nụ cừ..của những nàng ấy kkk ( dĩ nhiên hén )nghe anh nhắc tới cây bùm sụm làm em nhớ hồi đó cây bùm sụm có những sợi dây nhỏ như sợi chỉ màu vàng leo mọc xung quanh gọi là dây tơ hồng mà hồi nhỏ Má em hay sai em đi bứt về làm thuốc uống nhưng em hỏng biết trị bịnh gì nhưng được Má cho tiền ăn hàng vặt mỗi khi mang nó về làm cho em nhớ mãi...Còn những gánh hàng ban đêm bên hông chợ nhà lồng thì khỏi nói món nào em cũng thích hết nhớ nhất là món bánh tiêu và giò cháo quyẩy họ chiên trong 1 chảo lớn ăn liền tại chỗ ngon quá xá là ngon ...
ReplyDeleteThương quá những con đường xưa của những năm 60,70 lúc sau này về lại quê cũ con đường ấy thay đổi hoàn toàn giờ chỉ còn trong ký ức. Cám ơn anh viết lại truyện này thương nhớ quá RG quê tôi!
Người Xa Xứ
A NÌn từ giã đất Năng Gù về Rạch giá để trở thành một đại công tử của xứ Kiên Giang và tui nghĩ những chuyện tiếp theo là những mối tình tưng bừng một thuở của sư huynh nè phải hông?
ReplyDelete