Links

Monday, August 16, 2021

Thương Khúc IX : LƠÌ NGUYỀN CỦA CÂY GIÁ

 __________________________________

MẠCH VẠN NIÊN





Theo huyền thoại khi vua Gia Long tẩu quốc tránh Nhà Nguyễn Tây Sơn ông có ghé Cà Mau và bầu đoàn thê tử cung phi của triều đình trước khi chạy ra Phú Quốc ông đành bỏ lại cung tần mỹ nữ khá nhiều ở Thới Bình. Và ông có lời nguyền ai mà yêu thương con gái Thới Bình một là huy hoàng vì cưới được con cháu vua Gia Long hai là điêu tàn nếu phụ rảy các nàng. Nên con gái Thới Bình bây giờ thuộc tỉnh Cà Mau là đẹp nức nở vì là dòng dõi con các cung tần mỹ nữ.  Không biết vua Gia Long có ghé Rạch Giá và ghi một lời nguyền gì không chứ con gái Rạch Giá cũng mặn mà không kém mà còn giỏi giang chẳng ai bằng. Đụng đến con gái Rạch Giá cũng một là huy hoàng hai là điêu tàn đâu thua gì con gái Thới Bình.


            Chuyện Vua Gia Long ghé Rạch Giá thì chắc có vì sử sách ghi chép dấu chân của Ngài đi khắp vùng Cà mau Bạc Liêu Vĩnh Long Sa Đéc....nhưng di tich thì chỉ có ở Cà Mau như Giếng Ngư hay còn gọi là Ao Vua ở ấp Cái Rắn Xã Tân Hưng Huyện Cái Nước và Đền Công Chúa mà bây giờ là Cạnh Đền (em theo anh về xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi đỉa lềnh tựa bánh canh) nằm giữa Rạch Giá Cà Mau.

            Hầu hết các tỉnh thành hay địa danh các Thi Trấn bên giòng sông Hậu đều mang tên hơi hướng Miên như Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Thốt Nốt, Sa Đéc Trà Vinh. ...Nhưng cái khác lạ là Rạch Giá là một thành phố cũng tương đối lớn nhưng mang cái tên gợi hình và mộc mạc đậm chất miền Tây không lai Miên chút nào mặc dù xung quanh nó thì toàn những địa danh đậm chất Miên như Chàm Chẹt, Sóc Xoài, Sóc Ven Giục Tượng Tà Niên ,Cù Là...Theo nhà văn Sơn Nam thì Rạch Giá là con rạch mà nơi cửa biển mọc nhiều cây giá nguyên sinh. Chỉ vậy thôi. Nhưng cây gíá thì lại là một chuyện nên biết. Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Lân thì :

           
            Cây giá là một loại cây rừng sát như cây bần, cây đước, cây mắm, cây vẹt, v.v. Cây giá được tìm thấy nhiều ở miền duyên hải Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, hải đảo Thái bình Dương, nam Trung Hoa, nam Nhật Bản, bắc Úc Đại Lợi. Tên khoa học của cây giá là Excoecaria agallocha thuộc gia đình Euphorbiaceae . Người Mã Lai gọi là cây buta buta . Người Ấn Độ vùng Bengal (bây giờ là Bangladesh) gọi là gewa , Người Anh gọi là milky mangrove (cây đước nhựa sữa) hay rõ hơn là cây blind-your-eye vì cây giá có nhiều nhựa như sữa rất độc, nuốt vào miệng có thể chết và rơi vào mắt làm mù mắt.

            Cây giá cao từ 15m đến 20m, lá dầy, láng và xanh tươi. Khi gần rụng, lá chuyển sang màu đỏ. Hoa đực tạo thành chuỗi dài màu vàng. Ở xa trông như những con sâu vàng trên cây. Trái tạo thành ba ô giống như trái cao su nhưng nhỏ. Mỗi ô có một hột. Gỗ cây giá trắng và mềm nên nổi trên mặt nước và chóng mục. Thường thường người ta dùng gỗ để hầm than, đóng thùng, làm diêm quẹt hay làm bột giấy. Nhựa gỗ rất độc vì gây phỏng da khi đụng đến. Người ta dùng nhựa cây giá để thuốc cá. Thổ dân trên đảo New Guinea dùng nó làm tên tẩm thuốc độc.

            Nhựa cây giá độc như vậy nhưng nơi có nhiều cây giá là nơi có mật ong ngon. Người Ấn Độ, Tích Lan ( Ceylon hay Sri Lanka) dùng nhựa cây giá đắp vào ung nhọt. Có khi họ giã gừng và rễ cây giá để đắp vào vết sưng trên tay chân. Theo cách chữa trị cổ truyền, người Tích Lan dùng khói của vỏ cây để trị phong hủi. Ngày nay các nhà khoa học Nhật, Trung Hoa, Singapore, Mã Lai và Úc Đại Lợi nghiên cứu thấy chất diterpene trong nhựa và pentacyclic triterpenoids và ác xít béo trong cuống và lá cây giá có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và kháng tế bào ung thư. Từ đó người ta hy vọng có thể dùng cây giá để trị HIV.

            Bạn thấy chưa cây giá là một cây cực độc nhưng cũng là cây thuốc cực kỳ hiệu nghiệm. Vừa lơị vừa hại nếu biết sử dụng.đúng cách, cũng như con gái Rạch Giá bạn rớ tới một là huy hoàng hai là điêu tàn tùy theo cái cách mà bạn ứng xử. Trường Nguyễn Trung Trực điển hình cho Trường Phái Huy Hoàng là các Thầy Phạm Huy Viên, Huỳnh Ngọc Ẩn, Huỳnh Ngọc Thọ, Phạm Công Nhựt, Nguyễn  Văn Vinh, Nguyễn Đình Đăng  được các Tiểu Thư Rạch Giá nâng khăn sửa túi cho đến lúc răng long đầu bạc. Còn đại diện cho Trường Phái Điêu Tàn là Các Thầy Nguyễn Mạnh Cường và Lê Thanh Hiền.

            Thầy Nguyễn Mạnh Cường dạy Anh Văn chỉ có hai tháng ở trường Nguyễn Trung Trực thì thân bại danh liệt vì đụng phải Tiểu Thư họ Giang con của Giang nhân sĩ (một trong năm vị sáng lập Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực). Thầy phải bay khỏi trường tức tốc . Còn Thầy Lê Thanh Hiền dạy Sử Địa đệ nhứt cấp léng phéng với cô nương họ Trần khi nàng chỉ khoảng 16 tuổi bị một trận Hoạn Thư có tiếp viện oánh cho tơi bời mà còn bị Trần cảnh vệ (thân phụ của nàng) hăm he cho bá súng nếu không đổi đi gấp khói trường. Cuối cùng Thầy Hiền cũng phải cuốn gói về Sài Gòn rồi chuyển về dạy ở Mỹ Tho. Đó con gái Rạch Giá nó vừa dễ thương nhưng cũng vừa nguy hiểm, bạn nào rớ tới thì phải là cao thủ !

            Còn nàng Rạch Giá mà tui muốn nói đến thì chỉ có một nửa Rạch Giá một nửa Sài Gòn, cọng với một nửa xì dầu một nửa giá sống. Tui chơi với thằng Cú Sển từ lúc lên mườì cho đến bây giờ là hơn bảy năm từ Lớp Ba cho đến lớp Đệ Tứ chỉ biết nó có bà chị xí như Chung vô Diệm mà nhà của nó đối diện với nhà tui lúc nào cũng hé chỉ một cánh cửa nhỏ nhưng thỉnh thoảng có người ra kẻ vào, tui nghi là họ vằo để hít tô phe (chắc là có bảo kê nên không thấy động tịnh gì hết). Cho đến một ngày thì nhà của nó biến thành tiệm sách khi  Nàng xuất hiện. Nàng sống ở Saì Gòn từ thuở nhỏ với bà cô. So với bà chị thì Nàng chẳng khác nào Tây Thi còn bà chị kia là Đông Thi. Tui không ngờ thằng Cú Sển có bà chị kế đẹp như vậy. Dáng nàng đầy đặn vừa phải không cao không thấp, gót sen nhẹ nhàng, giọng nói ngọt ngào, gương mặt trái soan má ửng hồng và nhất là đôi mắt phượng đa tình quyến rũ.  Tôi mon men làm quen với Mắt Phượng khi qua nhà nàng mướn sách. Lúc nào tui cũng hào hoa đặt tiền cọc cho cả tháng. Chơi sang lấy le kiểu công tử bột vậy mà nàng thích. Nàng học sau tui tới hai lớp nghĩa là chỉ mới Đệ Lục. Cái gì chứ Đệ Thất Đệ Lục Đệ Ngũ là tui bao trùm nên tui tình nguyện làm gia sư không công. Thêm tài vặt biết đàn guitar và hát không dở nên kèm luôn. Tía Năm tui chỉ muốn tui học chứ ổng không thích tui đằn ca nên khi xách đàn qua nhà nàng tui phải đợi ông ngủ trưa. Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn. Vậy là tình tui với Mắt Phượng thăng hoa. Nàng còn tặng tui những tấm hình tuyệt đẹp chụp ở tiệm chụp hình Nam Hoa nổi tiếng lâu đời nhất Rạch Giá cọng thêm mấy dòng chữ đúng điệu như những lời trong nhạc phẩm Tấm Ảnh Ngày Xưa của Lê Dinh. Tui ngụp lặn trong hoang tưởng nghĩ rằng nàng chỉ có một mình tui.

            Nhưng than oi ! Cho đến một ngày khi còn đang cắm cúi dạy Mắt Phượng bài toán Đệ Luc thì Bà Giáo T. nhà ở bên Xóm Nhà Thờ dẫn thằng phải gió học trên tui hai lớp dến gặp má nàng . Hai người lời qua tiếng lại sao đó, cuối cùng cũng êm thắm. Một tuần sau từ bên nhà tui nhìn sang nhà Nàng thì thấy bà giáo và thằng con mang khai Trầu Rươụ đến. Mắt Phượng thì vẫn ung dung ngồi trong quầy sách. Khi họ ra về tui lần mò ghé sang hỏi Mắt Phượng tại sao vậy ? Nàng chỉ cúi đầu mắt đỏ hoe. Tuổi trẻ dại khờ hay có gì uẩn khúc ? Tình đầu của tui kết thúc điêu tàn như vậy sao hỡi người con gái Rạch Giá tôi yêu ! Thôi l;à hết em đi đường em, tình chúng mình chỉ bấy nhiêu thôi....

            Cho đến bây giờ nơi chốn xa xôi tui chắc Mắt Phượng vẫn nhớ đến tui với mối tình trong trắng diễm lệ như một khúc nhạc nghê thường. Bởi vì tui đứng ngoài hai trường phái trên của quý Thầy và tui cũng không dính dáng gì đến Lời Nguyền của Cây Giá ./-

          Mạch Vạn Niên

13 comments:

  1. Từ Hồi vào Tha Hương tới, đọc bài viết của MVN , mới thấy ông VK thật có số đào hoa, đi đâu cũng được người đẹp thương quý mến, nhưng
    Tình tình khi không mà có
    Rồi
    Tình là tình thấy có mà như không

    Gẩm lại mình , thấy ganh tị quá trời, cũng người Rạch Giá, cũng học sinh Nguyễn Trung Trực , mặt mày cũng đâu đến nổi xấu mà suốt quãng đời trai trẻ “ không có mối tình nào bỏ túi “ nói theo Châu Hiền Quang , nghe mà thấy tủi thân hic...híc..
    Bởi làm nghễ khô, áo quần tanh cá , chưa đến gần mà cái mùi phảng phất , đàn ông con trai còn chạy huống gì các cô. Hiễu thân phận mình chẳng dám gần ai. Giờ nghỉ , ra ngoài lớp , dựa cột đứng một mình nhìn mông lung, những cây me dọc hai bên đường cạnh trường học , vài còn chim trên cành bay nhảy hót líu lo, mình thầm nghĩ chắc chim trống và chim mái đang tỏ tình nói những lời yêu đương, vui vẽ và hạnh phúc, nhìn lại mình đứng cô độc mà buồn. Bỗng từ đu thằng Trương Thanh Nhà, con phó tỉnh hành chánh Trương văn Nam đến gợi chuyện, mới có vài câu thì nó dang ra nói “ sao mình mầy hôi cá quá vậy? Tôi không trả lời , bỏ đi chỗ khác . Từ đó mình càng tự ti mặc cảm , không những chẳng dám đứng gần ai, nếu ai tớ muối gợi chuyện tôi túc khắc bỏ đi nơi khác chỉ thừ hai người bạn thân là Lê văn Thu và Lý văn Hạnh. Nhưng rồi cũng không tránh khỏi. Sau nầy có Phạm thị Đỗ Mai, con phó tỉnh Phạm văn Minh (?) cùng lớp đệ tâm A , ngồi bàn đầu, tôi ngồi dãy ba, có ta cứ quay đầu lại nói chuyện, hỏi về bài vở , tôi nhút nhát , e ngại trả lời cầm chừng. Có lần tôi đang ngồi trong thư viện của trường, bất ngờ Đỗ Mai đi vào ngồi ghế cạnh tôi chào hỏi và nói chuyện gì đó , tôi quýnh quá vội đứng lên đâu có nghe được gì, biết rằng mất lịch sự làm cho cô ta quê, nhưng còn hơn cô ta ngửi mùi cá rồi lại nói những lời như Trương thanh Nhàn . Dường như Đỗ Mai không lộ vẻ gì giận tôi cả . Khi vào lớp vẫn quay lại hỏi chuyện với tôi. Nếu tôi nhớt không lầm là sau khi thi tú tài đôi phần viết ở Cần Thơ về. Đỗ Mai đến tìm tôi ở nhà trên ( vào dịp thì cử , tôi không ở nhà vựa khô mà về nhà ở cạnh trường tư thục Võ Văn để lo học thì ). Dinh ông phó ngóc đường Duy Tân (? Tôi không nhớ ) và Thiệu Trị (?) cách đường Hùng Vương nhà tôi một block . Tôi hỏng biết sao Đỗ Mai biết nhà tôi, gặp lúc tôi trong nhà đi ra. Cô ta hỏi tôi về kết quả thi và bao giờ qua Cần Thơ thi hạch miệng ( oral ) Tôi trả lời đôi câu rồi xin phép có việc phải đi ( mà tui có việc gì đâu )
    Thời gian cứ trôi tôi lên Sài Gòn học . Sau khi có kết quả Y Khoa , Trắc rủ tôi tới nhà Đỗ Mai ở Thị Nghề ( ông Phạm Minh đổi về Sào Gòn là ở bộ Tài Chánh ? ) . Đi thì đi . Học ở SG tôi ru rú ở nhà hỏng đi đâu ( cũng có lý do sẽ kể sau ) khi nào Trắc đến rủ mới đi ( mà cũng ít lắm , Trắc thì đi lung tung )
    Rồi đến nhà , gặp Đỗ Mai nói đôi ba chuyện . Chứ CÙ LẦN như tôi biết chuyện gì mà nói , ông Sư không gặp bà VÃI mà gặp luật sự miệng câm luôn , chỉ có Trắc nói nhiều thôi . Đỗ Mai học luật , biết tôi đậu Y Khoa ( Trắc nói ) cho nên khi từ giả ra về Đỗ Mai nói : “ anh rán học ra BS, nếu hành nghề không may có chuyện gì Đỗ Mai làm luật sư cải cho anh “ . Trời ơi, chưa ra BS mà không may ( chắc bệnh nhân chế ) thì làm sao không rớt đi lính cho được . Thằng Trắc nó hại tui mà .

    ReplyDelete
  2. Sau chuyến đi thăm Đỗ Mai về tôi bị một trận bão ngầm. Số là như vầy
    Căn nhà tôi ở trọ học là của gia đình cô ruột của tôi, nhưng Dượng Năm là công nhân của phi trường dân sự, được cấp nhà nên cả gia đình ở trong phi trường, còn nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật , góc Phân Đình Phùng cho cô Năm ( cùng thứ Năm ) em chồng của cô ở. Cô Năm nầy lúc đó chắc khoảng trên dưới 50 tuổi, không chồng ở vậy nuôi cháu, ( một cô gái lớn của côi tôi, một cô gái khoảng 12 ttuồi con của em trai cổ, và còn babysiter cho hai đứa một trai , một gái đưa đi học mỗi ngày, cô rất khó tính, nhưng mình theo đúng yếu của cô thì cô rất thương như con của cô vậy. Dù lúc đó đã là sinh viên 20 tuổi đầu rồi chứ nhỏ nhím gì sao. Nhưng khi đi học phải : thưa cô con đi học . Tan trường về nhà phải trình : thứ côn con đi học về. Mỗi ngày cô nấu ăn, còn em bé gái đọc thức ăn và dẹp rửa. Tôi chỉ ăn với học, tối ngày đi ra đi vô, xuống lên lầu , ra ngồi ngoài balcon, chẳng đi đâu . Lối xóm nói tôi như con gái, kín cỗng cao tường. Mỗi lần Trắc đến rủ đi chơi là mừng lắm .
    Hôm đi nhà Đỗ Mai tôi QUÊN NÓI với cô là trưa không về ăn cơm . Nên khi vào trong nhà thấy cCô mặt rất nghiêm khi tôi thưa cô mới về. Sao đó tôi mới cháu của Cổ. Nó mới nói Cổ ngồi chờ anh về ăn cơm cả tiếng đồng hồ mà không thấy anh về, cổ kêu em đẹp mâm cơm , chẳng ăn hột nào. Tôi phải chịu cả tháng trời chiến tranh lạnh mới chấm dứt. Khi tôi đậu Dược Cô mừng vui lắm như tôi là con của Cô vậy. Khi đậu Y Khoa tôi cũng hỏi yếu của Cô mặc dù tôi đã có quyết định rồi : Thưa cô , con không thể học cả hai bên , vậy theo yếu của Cô con nên chọn bên nào , may mắn Cô chọn đúng yếu tôi. Tôi gọi về nhà hỏi yếu của Ba tôi, ông cũng vậy , thế là tôi bỏ Dược mặc dù tốn cũng khá bộn tiền và công sức sau ba bốn tháng học. Nhất là đi kiếm chỗ học thực tập. Nghe chỗ nào có Thầy giỏi , liền chạy đến đều bị từ chối vì đã đủ số rồi. Tôi chạy đi kiếm đờ người luôn vẫn không tìm được chỗ. Cuối cùng tôi phải chạy cầu cứu với bác Hồ Thiệu Nhậm ( anh em bạn dì ruột của ba tôi ) , Bác gọi điện thoại nói chuyện rồi kêu tôi tới đó , PHARMACY KIM THỜI đường Trần Quý Cáp gần ngã ba Cao Thắng. Trước hết phải đóng tiền cho DS công dạy, tiền thuốc men dùng cho thí nghiệm thực tập, tiền mua một bộ cậy khô trong đó có á phiện, mỗi thứ đựng trong bọc nylon, và staple trên tấm giấy cứng đem về nhà học thuộc lòng, tên nó là gì, tên là tinh là gì, thuộc họ nào. Hơn 100 thứ phải học thuộc lòng và mấy lọ thuốc đủ màu, có thứ màu giống nhau làm sao phân biệt và nhận đúng tên thuốc. Nên phải lấy căm xe đạp, đập một đầu cho dẹp để múc mà đốt , coi khói nó ra màu gì khác biệt ra sau để nhận là tên gì. Ngoài ra còn 50 cây tươi nữa, cũng tên gì , tên là tình, họ . Rảnh là tôi chạy vào vườn tao đàn , để tìm và nhận diện cây thuốc , miệng cứ lẩm nhẩm tên họ học thuộc lòng như một thằng điên
    Cuối cùng cũng phải bỏ, tiếc vô cùng vì thì đậu vảo đâu phải dễ nên
    Ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu
    Tới đó mà tôi cũng chưa có một tình mà, tình yêu vì bỏ túi, dù trong dám sinh viên học ở Pharmacy Kim Thời có một cô , học chung mà tôi cũng không biết tên , mà một lần sau khi tan học tôi đi bộ theo cô khoảng đường rồi quay trở về dồn tất cả công sức vào việc học , vậy mà giấc mộng vẫn công thành. Phải tôi học được vài thế võ của Vô Kỵ là xong rồi , Bằng chữ không được thì cũng có bằng da. Đằng nầy BẰNG CHỮ, BẰNG ĐÃ gì cũng trớt quớt

    Trời ơi nếu mộng không thành sao
    Uống chai thuốc chuột cho mau rồi đời

    ReplyDelete
  3. Sau khi từ Pharmacy đi ra tôi lễ đẽo theo nàng giống Thu, bạn tôi ngày xưa. Lúc đó trời đã về chiều, hoàng hôn tắt nắng

    Phải chi hôm ấy trời mưa
    Để đi bên cạnh giương Ô đưa nàng về
    ( học theo chiêu của Vô Kỵ )
    Hay ít ra thì cũng

    Em tan trường về
    Trời mưa nho nhỏ
    Anh theo Ngọ về
    Ngẩn ngơ, ngẩn ngơ...

    Tiếc là trời không mưa, để hồn đi vơ vẩn , nhìn theo đám mây trên bầu trời xanh thẫm , quay lại em biến mất tự hồi nào, đành lủi thủi đi về mà lòng ngẩn ngơ, ngẩn ngơ

    ReplyDelete
  4. Tôi có tấm hình giữ mãi đến giờ. Hình tôi đang lắng nghe thầy chỉ dạy, bóng xa xa dáng của nàng
    Qua 35 năm rồi nhìn lại , thấy mình lúc đó còn sửa quá, làm gì biết yêu mà quỹ quái gì

    ReplyDelete
  5. Xin lỗi 53 chứ không 35 con dê

    ReplyDelete
  6. Mấy năm trước anh Vô Kỵ có làm 1 bài thơ Phượng Xưa thì ra là vậy, em rất thích bài thơ này.
    Comments của ông Đạo đọc vui quá!Vô FB thấy anh khoe vườn rau sau nhà phát ham...
    Người phương xa

    ReplyDelete
  7. Một mình mỗi tháng trăm (100) tiền nước
    Tính ra cũng chẳng có lợi
    Nhưng cũng vui trong mùa Covid
    Chỉ ở nhà chẳng có đi đâu

    ReplyDelete
  8. Mùa Thu sắp trở về, vài con gió nhẹ phảng phất qua, học sinh đang chuẩn bị đến trường. Trở lại chuyện viết văn mà Tố Lang kêu tôi viết .

    Nhớ lại thời tiểu học , năm đang học lớp ba, cứ tới giờ tập làm văn là tôi sợ , vì lúc nào cũng được ăn hột vịt, may mắm được nửa điểm . Con chó bốn chân, con gà hai cẳng , con heo kêu ột ột mà cũng không biết tả, nói chi đến miểu đình làng, mãnh ruộng vàng rực trong mùa lúa chín , hay túp lều tranh mẹ sau bếp nấu cơm chiều với khói lam lan tỏa bay tản mạn khung trời.
    Không nhớ cô giáo tên gì. Một hôm cô giáo gọi tôi lên nói : “ em viết văn giỏi lắm, cô cho em lên lớp tư “ , tôi mừng húm, ba lên bốn mà . Về đến nhà tôi khoe với má liền , bà cóc lên đầu một cái làm đau điếng : “ đồ ngu, xuống lớp đó con “ . Sau hồi đó mình ngu quá nhỉ.
    Lớp tư tôi học cô ba Nữ(?), chị của cô sáu, cô bảy dạy trường nữ tiểu học. Xuống lớp mới khôn lên một chúc , tuần nào cũng lại nhà cô ( đường gì nhỉ , từ dưới bờ biển cặp trường nam tiểu học qua đường Phó Điều , bến xe Minh Lương , Giồng Riềng ) đối diện tiệm thục bi da giúp công việc gì đó ở lớp học ( chứ ngủ như tôi làm sao coi xét bài vỡ ) , cô thấy tôi hiền, dễ thương , có nhiều tiến bộ nên năm đó cũng ăn ké Mạch Vạn Niên và Hoàng thị Tố Lang lảnh phần thưởng tổ chức trong chợ nhà lồng từ tướng Dương Văn Minh nổi tiếng dẹp loạn ở Rừng Sát , không ngờ sau nầy lại là Tổng Thống cuối cùng đầu hàng Cộng Sản , để lại bao tang thương tàn khóc mà tôi cũng là nạn nhân bị “ ủ tờ “ vô thời hạn , suýt chết trong tại tập trung , nhục nhả khôn cùng . Thằng nhỏ thấp bé tí teo , mà phần thưởng một chồng sách cao nghều nghệu khỏi đầu chẳng thấy đường đi.
    Bắt đầu từ đó lấy trớn , năm nào cũng lên lớp và thì đậu vào đệ thất Nguyễn Trung Trực.
    Nhưng chuyện viết văn lúc nào cũng mối lo âu, năm nào cũng lên lớp dù Việt văn dưới điễm trung bình là tôi mừng húm rồi
    Hồi đó chuyện làm bích báo treo tường phía dưới lầu ban giáo dục của trường ( vp hiệu trưởng và phòng họp của quý thầy cô ) , Thu và Hạnh lo phần viết và trình bày, tôi làm nhiệm vụ tà lọt , mang giấy, viết , bút sơn màu v...v..cho hai bạn viết, vẽ , tô màu ... cho tờ bích báo, tà lọt nhưng cũng vui vì có tên mình đóng góp trong đó. Bởi vậy, có thích mấy cô cũng hỏng làm sao viết thư tình , mà lúc đó biết chứ đâu quen với Vô Kỵ đâu mà nhờ viết . Vì vậy, suốt quãng đời đi khọc “ chẳng có mối tình nào bỏ túi “ nói như Châu Hiền Quang

    Thu về, nhớ buỗi tựu trường thuở học trò

    THU VỀ

    Nay chớm thu về rồi bạn ơi
    Nắng vàng tỏa rạng cả khung đồi
    Rừng thu thay áo khoe muôn sắc
    Khúc hát vô thường gió lã lơi


    Nay chớm thu về rồi bạn ơi
    Chim bay về tổ đã lâu rồi
    Hoàng hôn tắt nắng chân trời tím
    Trăng vén màn mây nở nụ cười


    Nay chớm thu về rồi bạn ơi
    Hoa soan thềm cũ rụng rơi đầy
    Phù du một kiếp không rồi có
    Khẻ hỏi: thu về? Mây trắng bay


    Nhật Đạo


    ReplyDelete
  9. Anh Quang viết văn được rồi đó, bên này tựu trường hồi đầu tuần đâu anh viết thử bài Tui Đi Học thử coi hỏng chừng anh được giải nhất đó kkk...
    Người hay xúi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Trường tôi khen, nhưng chắc anh sẽ lấy bài “ TÔI ĐI HỌC “ của Thanh Tịnh chép lên quá

      Delete
  10. Tôi xin thêm một đoạn

    Những sắch mà tôi được lảnh thưởng cùng tập vỡ trong suốt thời gian đi học từ tiểu học cho đến trung học tôi đều giữ lại , xếp cả chục thùng vì tôi nghĩ rằng sẽ giúp cho các em tôi sau nầy, khi đi học , nhưng không đứa nào dùng tới. Khi tôi ở tù về, mấy thùng nầy có giá trị vô cùng cho kẻ trắng tay , trong xã hội “ đỉnh cao trí Tuệ “ , tôi mang ra bán lấy tiền uống cà phê, đở phải xin tiền cha mẹ .

    ReplyDelete
  11. Hiện tại tôi còn giữ quyển vỡ bìa dầy mà tôi học thực tập ở pharmacy Kim Thời, trong đó dạy cách dán nhãn trên chai hay hộp thuốc như thuốc thường dán nhảnh trắng hoặc không có nhãn, thuốc có tiính độc thì dán nhảm đỏ chẳng hạn, cách chế si rô trị ho, cách chế sỉ rô có chất sắt bổ máu ( khi chế xong tôi đem uống vì ốm quá, hy vọng mập ra, chế thuốc có chất thủy ngân trị bệnh cùi. Thủy ngân rất khó mà tán ra để trộn với nguyên liệu khác , bỏ vào cái cối rồi dùng cái chài quậy tán xuất mồ hôi hột. Ôi! Thời gian ngọc ngà đó chỉ còn nằm trong ký ức , vẫn không phải mờ trong đời tôi

    ReplyDelete
  12. Núi cao vời như cuộc đời đầy mộng ước
    Quá khỏi tầm nên với mãi chẳng tới tay
    Gió vô tình, gió thổi mãi áng mây bay
    Vui hiện tại mặc cho cuộc đời thay đổi
    Nhật Đạo

    ReplyDelete