Links

Saturday, September 4, 2021

Thăm Bạn



                                                 

Trong hình là hai ông bạn già ghé thăm nhau . Hai ông bạn học . Hơn nửa thế kỷ về trước , chính xác là vào niên khóa 1959-1960 , chúng  tôi cùng học lớp đệ thất . Năm đó trường TH Nguyễn Trung Trực có ba lớp đệ thất . Tôi học lớp đệ thất 3 Anh văn còn bạn tôi lớp đệ thất 1 Pháp văn . Tuy khác lớp nhưng chúng tôi chơi thân với nhau . Lý do hai đứa chúng tôi một đứa có giọng hát hay ,  một đứa mê nhạc !

Tôi không vội nói họ tên người bạn học này ; kẽo có người nói tôi " ăn cơm hớt " người ta chưa kịp nói đã dành nói trước  tên ra rồi !  Hoặc là  nói tôi coi thường trí nhớ của các bạn ! . . Tôi chỉ tiết lộ tên cho những bạn nào ngồi ngẫm nghĩ hoài mà  vẫn không đoán ra  ?   Đây là Trương Minh Bình . Hồi đó học lớp ĐT. B1 . Lóp nầy tôi cũng có 2  "nhỏ bạn" là  HỮU HẠNH và PHƯƠNG LAN . không biết 2  " bà " này có nhìn ra người bạn học cùng lớp là  BÌNH không  ?

Lớn lên hai đứa tôi cùng hát bài " Đôi ngả chia ly " ( nhạc và lời Khánh Băng )  Bình theo Ông Tổ Lạc Long Quân xuống biển làm lính Hải Quân , trôi nổi bềnh bồng . Còn tôi theo Bà Âu Cơ lên núi làm Kỵ Binh Sơn Cước , miệt Pleiku - Kontum , núi rừng trùng điệp !
  
Tàn cuộc chiến không thấy Bình trở về quê cũ CẦU QUÂY ? Còn tôi sau khi  được giao đếm xong gần 7 cuốn lịch , trở về MINH LƯƠNG làm . . . ruộng ! Không có gì khổ bằng làm ruộng ? Đáng sợ nhứt là gặp giống lúa Thần Nông IR. 3509 !  ( đọc là ba năm không chín ). Nhưng còn dễ chịu hơn là giống lúa  AK-KÈ . Gặp giống lúa này thì tới mùa thu hoạch , Xã Đội thường xách súng AK đến kè mình lên Huyện vì tội không đủ lúa đóng thuế !

Một bửa đang ngồi trước cửa nhà không biết chuyện gì làm !  Chợt hai vợ chồng  Bình tấp vào nhà xin . . . nước lạnh uống .  Hai vợ chồng đèo nhau bằng xe đạp , mồ hôi ướt áo và cùng đứng thở !   Đoạn đường dài hơn 15 cs qua 2 con sông Cái . Thời đó đường phần lớn chưa trải nhựa , nhiều chỗ ổ gà và đá lục cục lòn hòn xe đạp không cong vành là may phước ?  Nhưng nhìn kỹ lại , hai vợ chồng bạn ốm như hai con khô mực làm sao xe cong vành được ? Bình nói giờ sống ở MIỆT THỨ , gần chợ Thứ Ba ( An Biên) . Bửa nay chở vợ tới chợ ML mua hàng về bán cho học trò  trường tiểu học . . . Chúng tôi cùng ngồi kể chuyện xưa và cùng hát bài " Hai  Đứa Nghèo Như Nhau " ( nhái theo bài - Hai Năm Tình Lận Đận - của Nguyễn Tất Nhiên và Ph. Duy )

Rồi tôi cũng có dip ghé thăm nhà bạn tôi Trương Minh Bình . Căn nhà lá nằm giữa cánh đồng  bên bờ kinh , trơ trọi , hoang vu !  Lấy nhà Bình làm tâm vẽ một vòng tròn bán kính 1cs . Không có căn nhà nào lọt vô vòng tròn ! Cửa trước đóng Bình dẩn tôi vô nhà bằng cửa hông , vô thẳng nhà bếp . Nhà bếp rộng nền đất . có mấy cái cà ràng ông táo nằm sát vách sau . Một cái chỏng vạt bện bằng cây tràm con , và hai cái võng . Chúng tôi quyết định hai đứa nằm hai chiếc võng đong đưa kể chuyện . Bình kể đi vượt biên ở Miệt Thứ không lọt , chạy tới đây chọn khu ruộng này ở tạm , dần dần  rồi ở luôn  ( tay nầy lính HQ mà đi vượt biên không lọt chắc trước là lính . . . kiểng ?! ) . Bình tiếp , vợ đi buôn bán lặt vặt , không có mặt ở nhà còn Bình khi khỏe thì chạy xe ôm , không thì ở nhà giữ nhà .  Có hai thằng con , một đứa mới bị tai nạn chết , chôn sau hè nhà . Thằng lớn theo ghe biển đi đánh cá . Cả nhà không có phone , thằng con ngoài biển khi nào có ghe đến mua cá , nó mượn phone gọi về thăm . Mà gọi cho tiệm hàng xén ngoài đầu kinh . Người ngoài tiệm lội bộ vô nhà , kêu Bình ra đó nghe phone !  Khi về nhà , tôi tiếc  sao mình không quăng  cái NOKIA " Cùi Bắp " lại cho nó ? Nhưng nghĩ lại cho nó cái Phone tiền đâu nó mở đường LINE hàng tháng ?!

Trong tấm hình trên tôi ghé thăm Trương Minh Bình lần 2 . Ngôi nhà đã xây lại bằng gạch , gon gàng , sạch sẽ . Bình nói có người quen ở Canada giúp cho một ít tiền sửa nhà . Tấm lịch treo trên tường chỉ ngày 30 tết , có bàn thờ gia tiên chưng dọn bông hoa , có kẹo mức bánh tét và ấn tượng nhứt là bức màn cửa buồng mới , một nét đẹp của vùng quê xưa . . .  Tôi được sống lại một thời tuổi thơ, của không khí  một ngày cuối năm và  bổng nhớ lại mấy câu trong một bài giảng văn cô giáo Hồng Diễm dạy chúng tôi , bài văn trích trong  ĐOẠN TUYỆT của Nhất Linh  :  " Một buổi chiều về cuối năm , một buổi chiều êm như một giấc mộng ; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên đợi gió . . ." Mỗi bài văn tôi chỉ còn nhớ một vài câu , nhưng chúng cùng tôi đi suốt cuộc đời lưu lạc . Tôi đã từng đứng yên đợi gió trong một chiều cuối năm bên những cây thông hiu hắc  ở vùng An Khê , Mang Yang , và nhớ bạn nhớ nhà  . . ! Hôm nay tôi ngồi yên lặng bên thằng bạn học , chẳng có cây thông nào ở đây cả , chỉ có rặng dừa nước , mấy góc bần , những cây tràm mảnh khảnh bên bờ kinh vùng Miệt Thứ .

Ngày cuối năm hai thằng bạn già ngồi . . . uống nước cam ! Chẳng có bia rượu gì ở đây . Bạn tôi bước tới bước lui nhờ cây gậy . Còn tôi vừa sống sót qua một cơn bệnh nan y  : ung thư phổi .

Nhiều năm rồi tôi không còn dịp ăn tết ờ ML , Không hiểu có biến cố nào làm tôi có mặt ở đây vào dịp tết ?  Tôi nghĩ hoài vẫn không nhớ nỗi ? Nhưng nhớ lại hôm đi thăm Trương Minh Bình thì thật tức cười :

Từ chợ Minh Lương khoảng gần trưa tôi gọi báo cho Bình sẽ ghé nhà thăm . Tôi cẩn thận hỏi đường đi , dù tôi đã từng ghé qua một lần . Sợ cảnh vật thay đổi nhận không ra ? Bình có vẻ phấn khích nói :

- " Mày chạy tới chợ Thứ Ba , theo chiếc cầu bắt qua sông , đi về hướng Thứ Ba Biển khoảng 2 cs , khi gặp  Đường CHI LĂNG thì rẽ vào , tao đợi " .

Tôi thì thầm nhắc lại  " Đường Chi Lăng "  kẻo quên , rồi cảm thấy phấn khích như Bình !  Số là sau thời gian làm ruộng , tôi lần mò chuyển qua nghề  SỬA MÁY ĐÁNH CHỮ và  Máy Quay RONEO vào những năm đầu thập niên 90 . Nghề này chỉ làm ăn với các  Phòng Sở Cơ Quan Nhà Nước . Có lần tôi nói với Ông GĐ Bưu Điện Huyện Châu Thành :

- "  Bây giờ đã là cuối thế kỹ 20 , vậy mà một cái chợ Huyện như thế này  không có tên đường ? Người Việt ở nước ngoài gởi tiền về . Người trên SG mang tiền xuống đi hỏi nhà Ông A , Bà B . Có khi tìm không ra đành mang tiền về . Không có tên đường , địa chỉ làm sao kiếm ? "

Tôi phấn khích vì chợ Thứ Ba đã có tên đường theo  như mong mỏi của tôi  . Nhà bạn tôi Trương Minh Bình nằm trên Đường  CHI LĂNG .

Thằng em chạy Honda Ôm chở tôi đảo tới đảo lui mấy vòng vẫn không nhìn thấy bảng tên Đường Chi Lăng .  Gọi phone hỏi lại thì Bình bỏ máy không trả lời . Cuối cùng đành phải dừng lại hỏi một cháu gái ngồi trước sạp hàng xén :

- "  Cháu ơi ! Đường Chi Lăng nằm chỗ nào cháu ? " .

- "  Dạ cháu không biết " .

-  "  Bạn chú nói chạy tới khoảng này thì gặp Đường Chi Lăng  " . Cháu gái nhíu mày suy nghĩ một lúc  rồi ôn tồn nói :

-  "  Chú ơi ! Ở đây chú hỏi Xóm nào Ấp nào người ta còn chỉ được ? Chớ chú hỏi tên đường  không ai biết đâu ?" .

Thôi thì đành liều vậy . Gần bên có chiếc cầu bắt qua con kinh nhỏ . Hai bên bờ kinh có hai con đường một bên đường đất một bên đường xi măng . Thằng em Honda Ôm đề nghị đi đường xi măng cho dễ .

Mấy phút sau thì thấy Bình đang đứng chống gậy trước sân chờ mình . Câu đầu tiên mình chào mừng thằng bạn lâu ngày mới gặp là câu cằn nhằn :

-  "  Tao chạy tới chạy lui cả chục  bận mà kiếm không ra con Đường CHI LĂNG mày chỉ ? ".

-  "  Tao có nói Đường CHI LĂNG hồi nào đâu ?  Tao nói đường XI MĂNG mà ! "

-   ! ! ! 

                                                                                       HUỲNH VĂN MỸ ( lớp Đệ Thất B3 )  

13 comments:

  1. Thành thật cám ơn anh Huỳnh Văn Mỹ đã đến với Trang Nhà Tha Hương và xin giới thiệu anh đến cùng Qúi Thầy Cô và anh chị em:
    Anh HVM là cựu học sinh Nguyễn Trung Trực và cũng là Cựu Đại Uý binh chủng Pháo Binh của Quân Lực VNCH
    Anh là bạn học cùng lớp ngày xưa của Mạch Vạn Niên Và Hoàng Thị Tố Lang
    Hiện định Cư tại San Jose CaLi
    Trong hình của bài HTTL tui còn nhìn ra anh Mỹ, còn anh Bình thì từ ngày xưa không học cùng lớp, chỉ nghe tên chớ chưa bao giờ gặp mặt nên không nhớ là phải
    Thân ái thăm hỏi các anh và gia đình. Kính chúc sức khỏe và vạn điều may mắn an khang
    HTTL

    ReplyDelete
  2. Bài viết đọc rất cảm động, và trân trọng tình bạn cao quý của anh Bình và an Mỹ.
    Tôi thật tình không biết hai bạn. Tôi có được nghe tên Huỳnh Văn Mỹ và chị Vân ( em cô Diễm ) khi cô Diễm về sống ở San Jose, ở trong khu người già thì phải. Tôi có gọi điện thoại thăm Cô, Cô bão cô buồn quá . Ở Mỹ ai cũng có công ăn việc làm ít có thì giờ tới thăm . Sau đó nghe Cô Diễm quay về cố hương Rạch Giá và mất bên đó. Sau 30-4-1975, bạn bè ai rồi cũng đi tù . Tôi cũng vậy, sau khi đi tù về cũng làm ruộng một năm ở Cái Bần, Thủy Liễu, quận Gò Quau ( quê ngoại ) . Năm đó trời mưa tầm tả, nước ngập mênh mông , mạ bị cua cắn chết hết. Phải đi mua mạ vùng bên cạnh. Chiếc xuồng ba lá, chất đầy mạ lại đường xa, tôi đeo vai sợi dây kéo chiếc xuồng như con trâu kéo cày, thằng em rễ bà con ở phía sau đầy. Thằng nầy ở một tỉnh quận xa nào đó , vì lục lội không làm ăn gì được , tha phương cầu thực , lạc đến chốn nầy. Gặp ông anh bà con xa nay là chồng của mợ tôi vì cậu ruột tôi mất sớm , để lại một cô con gái . Sẳn dịp nầy , ông gả cho anh nầy. Nay có tôi , thân lính VNCH sống ở chợ không xong và sợ ảnh hưởng , gia đình bị đi vùng tế mới nên tới Thị Xã Rạch Giá xin cắt tên khỏi hộ khẩu để đi về ruộng . Đúng với chính sách nhà nước họ cắt tên ngay.
    Mưa rơi như trút, băng qua mấy công ruộng , đường xa vời vợi, lúc kéo lúc dừng nghỉ, mình buộc áo ni long, nên không thấy lạnh, nhưng về đến nơi , cũng muốn tắt thở. Sau đó lại phải cấy lúa . Tay trái cầm mạ, tay phải cầm cái cọc nhọn , đâm xuống đất, tay trái nhét ba tép mạ xuống , đi hàng ngang rồi lùi dọc phía sau , cứ thế hết công ruộng nầy sang công ruộng khác.
    Thỉnh thoảng đôi ba ngày đi thăm lúa coi nó phát triển ra sao hay bón phân. Lợi dụng khoảng thời gian nầy , ra chợ tìm đường vượt thoát cái cảnh cá chậu chim lồng nầy vì một tháng phải trình công an Xã sở tại.
    Rồi thời gian cứ trôi qua, lúa chín, tới mùa gặt . Nông dân vùng Đồng Tháp Mười như Mộc Hoá vì nạn lụt không làm ruộng được , rời làng đi làm mướn. Ông anh mướn họ gặt và đập lúa . Tôi và thằng em rễ thì về lúa , đưa thúng lúa lên cao rồi từ từ đổ xuống tấm đệm dưới đất , nhờ gió thổi mấy lúa lép bay đi . Sau đó vô bao chất lên bở đê , xếp quanh thành hình chữ nhật giống như “ lô cốt “ ( chòi canh trong quân đội ) vì gặt lúa đâu phải một hai ngày là xong nên phải ngủ bên trong chòi , ngoài ruộng để giữ lúa
    Khi công việc gặt hoàn tất , vác xuống ghe chèo về nhà. Rồi mỗi ngày đổ ra sân phơi cho khô. Khi khô rồi Một phần đem xay để ăn. Còn lại đổ vô bồ để bán . Giữ lại một ít cho mùa sau. Chơi nên
    Ai ơi bưng bát cơm đầy
    Nhớ người cực khổ dạn dày gió mưa

    May quá chỉ làm ruộng một năm thì đi vượt biên, thoát nhà tù rộng lớn Việt Nam. Càng may mắn hơn được đến miền đất hứa United ò America

    ReplyDelete
  3. Tố Lang ơi ! Huỳnh Văn Mỹ là Đại Úy Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113, không phải Pháo Binh.
    Trương Minh Bình cũng là Công Tử An Hoà nhà có vườn dừa rất to gần Cầu Quây An Hòa. Nó là thành viên của Ban Nhạc Thanh Giang của tụi tui. Nó chuyên tri nhạc của Trúc Phương. Năm học Đệ Nhị không biết sao bỏ học ngang cùng với Thuận Lác đăng đi lính.
    Đêm trưóc khi đi lính nó và Thuận Lác mời tui và Đặng Văn Thành đến Tào Dình nhậu. Bửa nhậu tốn rất nhiều tiền. Tui và Thành tưởng hai đứa nó mời là trả tiền, ai dè tụi nó lấy cớ đi vệ sinh bỏ tui và Thành ngồi đồng. Tui phải về nhà lấy tiền trở lại trả rồi tui và Thành cố tìm hai đúa nó quýnh một trận cho bỏ ghét nhưng hai đứa nó trồn mất tiêu.
    Bình đi Hải Quân đóng ở Căn Cứ Sóng Thần Thị Nghè. Tui và Thành lúc ở Sài Gòn có đến thăm nó và mời nó đi nhậu, tụi tui quên hết chuyện cũ. Còn Thuận Lác thì đi lính Tình Báo, sau 1975 về Rạch Sỏi (bên hong sân bay)lập nghiệp với nghề sửa xe gắn máy. Nhà nó ỏ kế bên nhà chị tui. Mỗi lần về Rạch Giá là tui đều ghé thăm Thuận Lác.
    Nó mất rồi hối năm ngoái.
    MVN.

    ReplyDelete
  4. Niên ơi
    Nhìn trong hình Huỳnh văn Mỹ nhỏ con , ốm yếu giống như tui, Niên quýnh còn được , Chớ Thuận Lác tui nhớ anh ta to bự con lắm ông đánh nó ông chết chắc
    Bạn bè như lá rụng thu, nay nhìn lại chỉ còn đếm rải rác như mấy ngón bàn tay , bóng ngã đường chiều , vàng lá trên cây chờ ngày rơi rụng

    ReplyDelete
  5. Đúng rồi anh Niên, tui nhớ rồi ông Mỹ đi bên Thiết giáp, thiệt tình là HTTL tui, tài lanh giới thiệu ai dè trớt quớt thành thật xin lỗi anh Mỹ nha, nhớ là anh đóng ở "em Pleiku má đỏ môi hồng ...."cái nầy thì chắc đúng phải không anh Mỹ
    Cám ơn anh Niên nhiều nghe

    ReplyDelete
  6. anh Quang ơi trong hình người ngồi bên phải là Huỳnh văn Mỹ đó, còn ông Thuận lác có phải là em của giáo sư Trần ngọc Hiển không vây? hình như năm 2016 tui về VN ông Thuận nhà ở Rạch sỏi em gs Hiển có tiệm sửa xe đạp có mời vô nhà đãi sinh nhựt của ổng, không biết có phải là Thuận Lác huynh Niên nói không? Nếu đúng thì ông Thuận nầy ốm nhom hà anh Quang

    ReplyDelete
  7. Đúng rồi Tố Lang, Thuận Lác là Trần Ngọc Thuận em Trần Ngọc Hiển. Mó nhỏ con, còn thuận bự con là Huỳnh Kiến Thuận băng của Đại CaThay Rạch Giá.
    MVN.

    ReplyDelete
  8. Vậy là tui lầm , Già rồi lẫn . Tôi nói Huỳnh Kiến Thuận, trước Huỳnh Nhựt Hồng lộn Chung Cẫm Hồng , giờ Trần Ngọc Thuận với Huynh kiến Thuận , phục tài ông Niên , trí nhớ thần sầu

    ReplyDelete
  9. Còn người đánh ping pong ( bóng bàn ) giỏi là Huỳnh Hữu Thuận phải không ông Niên

    ReplyDelete
  10. Quang ơi !
    Huỳnh Hữu Thuận đánh ping pong giỏi chắc vậy. Tui nhớ dáng nó hơi mập một chút ?
    Trí nhớ của ông không tệ lắm đâu !
    MVN

    ReplyDelete
  11. Nhắc đến bạn bè cùng chung học làm tôi nhớ

    KHAI TRƯỜNG

    Ba tháng nghỉ hè còn vấn vương
    Mà nay đã đến buổi KHAI TRƯỜNG
    Một đàn cò trắng tung bay lượn
    Cười nói líu lo nhịp bước đường

    Tà áo trinh nguyên tay cặp sách
    Nghiêng che nón lá, má môi hường
    Hân hoan chào đón vui ngày mới
    Câu nói , lời chào bao mến thương


    TỰU TRƯỜNG

    Rộn rả hôm nay buổi TỰU TRƯỜNG
    Áo dài duyên dáng thấy mà thương
    Phất phơ tà áo bay trong gió
    Mái tóc đen huyền nghe thoảng hương

    E ấp nụ cười nghiêng nón lá
    Nhẹ nhàng chân bước nhịp trên đường
    Sân trường ngập nắng mừng vui đón
    Đàn bướm trở về bụi phấn vương

    Tất cả bắt đầu niên học mới
    Ganh đua biển tuệ vốn khôn lường
    Siêng năng , chăm chỉ mài kinh sử
    Đem sức tài xây dựng quê hương

    HTX/ QĐ








    Quang Đào
    Học Trò Xưa NTT

    ReplyDelete
  12. nghe mấy anh chị bạn học cũ bàn chuyện, vui quá! Tha Hương đúng là Hội Ngộ Quán để dân NTT trà đàm. cam ơn các anh chị. TBT

    ReplyDelete
  13. Huynh Trần Bang Thạch tức nhà thơ Nguyễn Cát Đông bút hiệu trước 1975, huynh sợ cái nước"bà tám"của dân Gạch giá chưa nè
    Cám ơn Huynh đã từ Texas mà ghé lại nghe tụi tui tám
    Đa Tạ Đa Tạ

    ReplyDelete