______________________
Đời như một vở cải lương!
Đoàn xuân thu.
Hồi xưa bà con mình gọi mấy đoàn cải lương là gánh hát. Vì mỗi lần đi lưu diễn, mai chỗ nầy mốt chỗ kia, ngoài xe bò chở phông màn và vợ con ông bầu gánh, đào kép tự gánh y trang của mình, rồi lục tục quảy theo sau.
Gánh hát thời đó cũng có bảng hiệu đàng hoàng nhưng bà con mình lại thích gọi là gánh bà bầu Thơ tức đoàn Thanh Minh Thanh Nga, gánh bầu Ba Bản tức đoàn Thủ Ðô, gánh bầu Xuân tức đoàn Dạ Lý Hương, hay gánh bầu Long tức 5 đoàn Kim Chung 1, 2, 3, 4 và 5.
Sau nầy, mấy ông ký giả trên mục sân khấu kịch trường về cải lương mới dùng chữ đại ban nếu gánh hát lớn, trung ban nếu gánh hát vừa vừa. Còn những gánh nhỏ, mà ông bầu già, đóng vai lão, con gái làm đào chánh, con rể làm kép chánh thì gọi là gánh bầu Tèo, tức gánh hát nghèo, dọn từ nhà lồng chợ tới đình làng để trình diễn.
Gánh hát thì phải có tuồng tích do mấy ông thầy tuồng, sau nầy trân trọng gọi là soạn giả viết ra, phân vai, kiêm chỉ đạo diễn xuất (tức vai trò đạo diễn sau nầy).
Ngoài thầy tuồng là người có ăn học (mới biết chữ mà viết tuồng chớ) phải kể tới kép chánh và đào chánh (có người mù chữ).
Kép cũng có hai loại: Kép muồi, chuyên môn đóng vai hoàng tử không hè (Út Trà Ôn, Thành Ðược).
Phản diện với kép muồi là kép độc, đóng vai ác thôi hết biết (Hoàng Giang, Văn Ngà, Trường Xuân)…
Ðào cũng có hai loại: Ðào thương (Út Bạch Lan, Thanh Nga, Phượng Liên), ra sân khấu là khóc bụp con mắt luôn, đôi khi khóc nhiều quá son phấn trôi đi, hết màn, phải chui vào hậu trường dặm mặt lại.
Phản diện với đào thương là đào lẳng (Hồng Nga, Thanh Nguyệt), vừa hát vừa nghiến răng trèo trẹo đóng những vai ghen tuông, đòi xởn tóc đào thương.
Trong vở hát nào cũng vậy, làm khán giả khóc lóc, chửi bới riết thì phải cho bà con cười chút chút cho thư giãn chớ.
Người phụ trách cái nhiệm vụ nặng nề đó là vai hề, ăn khách không kém kép chánh, đào chánh là: hề Minh, hề Văn Hường, hề Thanh Việt, hề Văn Chung… chẳng hạn.
Nhớ thời hoàng kim của sân khấu cải lương, bà con khán giả mộ điệu miền Nam mình đã nuôi sống biết bao nhiêu người nghệ sĩ.
Không những đủ sống thôi mà những danh ca: Vua vọng cổ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược… trở nên giàu có, ở nhà lầu mặt tiền, đi xe hơi Huê Kỳ, vì tiền ký ‘công tra’ lên cả triệu đồng (số tiền rất lớn). Vì trúng số độc đắc kiến thiết quốc gia xây cửa xây nhà, lô độc đắc cũng chỉ 1 triệu đồng thôi.
Nhớ hồi nhỏ, đi học, thường lội bộ theo đường Phan Thanh Giản qua đường Nguyễn Thiện Thuật là phải đi ngang nhà ông Út Trà Ôn.
Ðôi khi thấy ổng đang ở trần, mặc cái quần tiều lỡ, mái tóc chải xước ra đằng sau, không có rẽ đường ngôi, nhưng có xức ‘bi-ăng-tin’ láng mượt… đang lấy vải chùi chiếc xe Huê Kỳ bóng lưỡng, bèn đứng lại nhìn.
Té ra mặt mày không tô son điểm phấn như lúc trình diễn trên sân khấu, ở đời thường, ổng xấu hoắc hè! He he!
Nhưng: “Than ôi! Thời vận bất tề”. Không phải ai đi hát cũng đều nổi danh, tiền vô như nước, nữ khán giả ái mộ cuồng nhiệt.
“U xàng u xáng u, xáng trên đầu ba bữa còn u” Bài bản phải vững vàng. Hát chạy chữ sao cũng đặng nhưng tới xề là phải nhịp song lang nghe cái cốc mới đặng nhe! Muốn ca diễn cho có nghệ thuật, làm khán giả hài lòng, bỏ tiền ra mua vé, đâu có dễ.
o O o
Gánh bầu Tèo nghèo hơn nhiều! Ghe hát vừa mới cắm sào bên dòng kinh Ngã bảy mà cô gái năm xưa hổng thấy ra chào... là cả gánh xúm lại khiêng phông màn lên bờ, lấy vải bố bao quanh nhà lồng chợ để đêm nay bổn ban sẽ ra mắt bà con cô bác xã nhà.
Xong, ông bầu mướn một chiếc xe ngựa, treo hai cái bảng quảng cáo hai bên hông. Trên xe có cái trống chầu, một kép cơm (theo gánh hát làm kép chỉ để được ăn cơm), đánh thùng thùng từ đầu làng đến cuối xóm.
Ngựa bị ghìm cương, xe chạy chậm, con nít nó ùa theo reo hò tở mở, mừng gánh hát… mới ‘dzìa’.
Gánh bầu Tèo thường về làng vào tháng Mười Một âm lịch trước khi trời sắp đổ mưa; lúa đổ đầy bồ xong, bà con rảnh rang đến coi đông, nhưng khá lắm gánh hát lưu lại chưa tới một tuần thì vắng hoe, khán giả chỉ loe ngoe chừng chục mống.
Nghỉ hát, tiền chưa chạy đâu được để dọn đi xứ khác thì ông bầu cho đào kép tự kiếm việc mà làm. Ai mướn gì làm nấy như: gặt lúa, vác lúa, đi mót, đi câu, bắt cua, lưới cá.
Nên: “Bầu Tèo hát dở đừng lo/ Sang năm hát khá được đi xe bò!/ Bầu Tèo hát dở đừng rầu/ Sang năm hát khá được ngồi xe trâu!”
Ðời nghệ sĩ, nhứt là đào thương cũng ngắn ngủi, tới bốn mươi là quá ‘đát’, trừ trường hợp cực kỳ xuất sắc, thanh sắc vẹn toàn, nhưng nói chung bụi thời gian không ai phủi được, đành phải chuyển qua đào mụ, vai nhì, vai ba…
Bèn lo xa, thôi kiếm một đại gia nào đó để nhờ vả tấm thân hầu đeo đuổi con đường nghệ thuật tới khi không còn hát nổi nữa!
“Thiếu chi rau em ăn rau é, thiếu chi chồng em làm bé người ta!”
Vậy mà có người ác tâm, ác khẩu, rằng: ‘Xướng ca vô loại! Không thông cảm cho duyên kiếp cầm ca dâng hiến cho đời gì ráo trọi, nỡ bĩu môi chê rằng: “Mới là tiểu thơ đêm trước mà mơi hổng có gạo nấu à nghe, đừng bày đặt nhí nhảnh!”
o O o
Lại nhớ, gánh hát về nhà lồng chợ Cái Bè, năm 1958, thời ông Nguyễn Bá Cẩn đang ngồi quận, thuở thanh bình thạnh trị của nền Ðệ Nhứt Cộng Hòa mà.
Ôi bà con vui hết biết! Tui cũng đi coi hát là phụ nhưng hẹn với em yêu là chánh! Chờ em cho mãn kiếp chờ, gần kéo màn rồi em mới chịu ló mặt ra, kẻo anh nóng lòng trông đợi bóng ‘chim’?!
Tui nóng lòng thiệt nên làm hết chục mía ghim và hai lon đậu phộng nấu.
Khi khán giả đông bộn, tiếng gõ cồm cộp trên sàn sân khấu, bức màn nhung được kéo lên, hiện ra gác tía lầu son sáng choang dưới ánh đèn măng xông như thể ánh trăng rằm.
Mở đầu tuồng Phạm Công – Cúc Hoa là màn Nghi Xuân Tấn Lực, quần áo rách rưới tả tơi, vá chằng vá đụp, vẻ mặt thiểu não, tay cầm thau nhôm móp méo, dắt nhau chầm chậm quanh sân khấu, rồi xuống tới hàng ghế thượng hạng. Ðám khán giả nầy, chắc như bắp, là có tiền rủng rỉnh đây, ca điệu Xuân Tình: “Bà con cô bác dùm thương/ Bố thí cho con một chén cơm thừa/” “Tấn Lực ơi! Ráng nhịn đói chút xíu nữa nghe! Chừng nào bà con cho tiền, chị mua cơm đút em ăn!”
Bà con mếu máo, tháo kim Tây, găm túi áo khỉ, móc ra cho năm đồng nói: “Nè! Nghi Xuân! Chạy ra trước cửa rạp mua cho thằng Tấn Lực tô bánh canh giò heo ăn đỡ đi nhe! He he!”
Rồi giữa vở diễn, chờ chuyển màn, chuyển cảnh, cái ‘mi cà rô’ treo trên dây ròng rọc căng ngang, thả xuống trước miệng, ông bầu Bảy Cao của đoàn Hoa Sen, quần áo lớn chỉnh tề, thắt ‘cà ra oách’, kính thưa khán giả: tuồng ‘Tôn Tẫn giả điên’ sẽ hát đêm mai. Tiện thể, nghệ sĩ Bảy Cao xuống sáu câu vọng cổ, phựt đèn màu, bà con khán giả vỗ tay rào rào…
Lại nhớ năm 1960, tại rạp Ðồng Thinh, thị xã Rạch Giá, đoàn Hữu Tâm của bầu Ba Khuê về, hát tuồng: “Nắm cơm chan máu” của đôi soạn giả Bạch Diệp và Minh Nguyên.
Trần Ai (kép Bửu Tài) phải đi ăn trộm về nuôi Ðỗ Lệ (đào Thanh Hương) bị thiên hạ đánh lỗ đầu, chảy máu…
Em yêu cảm động khóc thút thít, hỉ mũi rột rột… Thiệt là thấy gớm nhe!
o O o
Tháng Tư đen lại về trên quê người viễn xứ, lại nhớ biến cố năm xưa: “Tróc mã đề thương, ứ ư ứ ư…” “Cấp báo! Cấp báo!” “Ðiều chi?” “Dạ, chí nguy! Giặc Hung Nô vượt khỏi biên thùy. Ta, dũng tướng thảy đều tử trận…” “Lui!” “Thôi rồi!”
Nhưng “Họa phước đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu giả nan tàng.”
(Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Bay cao, chạy cho thiệt xa cũng không trốn đâu cho khỏi.)
Triều đại nào, chế độ nào cho dù cực kỳ gian ác như giặc Hung Nô, như bọn ‘đại ban’ CS Liên Xô: “Kìa! Ma trêu trước cửa” “Nọ, quỷ lộng sau hè” thì cũng như một vở cải lương, trước sau cũng phải hạ màn, vãn hát chớ! Phải không thưa bà con?
đoàn xuân thu.
Bài viết dí dỏm thật hấp dẫn.
ReplyDeleteNắm Cơm Chan Máu hay Trần Ai Đổ Lệ (vừa tên hai nguời vừa ý nghĩa cuộc đời) nói về một oan án Nguyễn Trải mà soạn giả BD & MN dựng lên theo truyền thuyết. Trần Ai tức công tử Hồng Quỳ là hậu duệ của Nguyễn Trải phải mang oan khiên vì mối tình của Nguyễn Trải và Thị Lộ mà bị tru di tam tộc.
Xin gửi đến tác giả Đoàn Xuân Thu một bản nhạc vui trong Vở Tuồng Nắm Cơm Chan Máu lúc ĐỔ Lệ đứng sau bức màn tuyển phu và yêu cầu các tân lang tương lai tả đôi mắt của nàng (thật ra nàng lúc ấy bị mù). Đây là Bài Tạ trong Vở Tuồng được hề Tư Rọm ca ;
Mắt nàng đẹp tựa hồ sen
Trong như viên ngọc sáng hơn ngọn đèn
Con mắt nào cũng có tròng trắng tròng đen
Nếu đau bù lạch thì thêm hai cục ghèn.
Không biết Đoàn Xuân Thu có nhớ không hay là lúc đó đang lau mắt em ?
Vô Kỵ.
Tui ngờ ngợ có đi coi cọp tuồng nầy “ Nắm Cơm Chan Máu “ hay “ Đổ Lệ Trần Ai “
ReplyDeleteTui phục Vô Kỵ nhớ từng chi tiết vở tuồng , nhất là bài ca của hề Tư Rọm
Ông Quang ơi !
ReplyDeleteMái nhà sau của nhà tui đâm thẳng vô cửa sổ trên lầu của Rạp Đồng Thinh. Mà Rạp Đồng Thinh không có máy lạnh nên của sổ mở toàng hoạc, muốn coi hát chỉ việc leo lân mái nhà ngồi bẹp mặc sức coi cho tới khi vãng. Cái nầy không biết gọi là coi cọp hay ngồi ghế siêu thượng hạng vì ghế trên lầu đều là ghế thượng hạng nhưng trong rạp dừ có quạt vẫn nóng hừng hực. Còn mình trên mái nhà mát rượi thiệt phẻ nên phải gọi là Siêu Thượng Hạng. Hehe !!!
Vô Kỵ.