Huỳnh Văn Mỹ
Tôi tình cờ xem được trên Youtube môt đoạn Video Clip do anh Nguyễn Thanh Khiết thực hiện năm 2018 có tựa đề “ Charlie hát cho người nằm lại “. Tiêu đề của đoạn Video Clip dài 28:12 phút , dựa theo tên bài hát nổi tiếng “ NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE “ của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh . Tôi vẫn yêu thích bài hát này từ lâu và tôi cũng từng hoạt động ở cách đồi Charlie trong dãy núi ROCKET RIDGE không xa . Năm 1969-1970 tôi đóng quân tại Căn Cứ (CC) VÕ- ĐỊNH và hằng ngày có trách nhiệm giữ an ninh cho các đoàn xe tiếp tế đi ngang đoạn đường QL.14 từ VÕ ĐỊNH đi TÂN CẢNH . Đoạn đường này nằm song song với dãy ROCKET RIDGE ( trên đó có đổi CHARLIE ) cách nhau chỉ hơn mười cây số ở giữa là con sông DAK PƠ KO cũng chảy từ bắc xuống nam . Thời điểm này chưa xuất hiện CC. CHARLIE và DELTA mà chỉ có 2 CC. 6 và CC. 5 nổi tiếng . Sau đó đơn vị tôi chuyển vùng hoạt động xuống khu vực đèo MANG YANG và AN KHÊ , QL.19 .
Xem " CHARLIE HÁT CHO NGƯỜI NẰM LẠI " https://www.youtube.com/watch?v=QOZ9xJKtn4U&t=1184s , hình ảnh trong đoạn Video Clip được thực hiện qua một chuyến đi thật gian khổ , biên tập công phu , rõ ràng , chuyên nghiệp và lời thoại tự nhiên , xúc động , đầy kịch tính gây nhiều ấn tượng ! Dẩn dắt người xem quay trở lại một thời lửa đạn mịt mù ! Ngày đó , tháng 4 năm 1972 , TĐ 11 Nhảy Dù do Tr/tá Nguyễn Đình Bảo Chỉ huy được giao trấn giữ CC Charlie , một đỉnh núi trong dãy núi Ngok Kon Kring ( Rocket Ridge ) đã bị lực lượng Cộng Quân đông gấp 3 lần ( Tr/đoàn 64 CSBV ) bao vây và tấn công nhiều ngày khiến cho Tiểu Đoàn Trưởng là Tr/tá Bảo bị tử thương , Th/tá Lê Văn Mễ , Tiểu Đoàn Phó thay thế và được lệnh triệt thoái . Do trực thăng tản thương không thể vào được vì súng phòng không của địch dày đặc , xác Tr/tá Bảo nằm lại trong giao thông hào trên đỉnh núi Charlie ! . .Và bài hát cho người nằm lại , ra đời ! Tôi biết trước khi lên đường anh KHIẾT cũng đã tìm hiểu nhiều về đồi CHARLIE qua sách vở báo chí . . . Có một đoạn anh nói chuyện với người dẩn đường " bàn ra " để anh thối chí bỏ cuộc . Anh đã than thở : " Không cách gì xác định được một cao độ trong hàng trăm cao độ chi chít trên vùng núi non nầy , khi mà trên tay không la-bàn , không bản đồ ! " Đã biết vậy nhưng anh vẫn quyết tâm đi tìm ĐỒI CHARLIE ! Và khi trèo lên tới đỉnh một ngọn núi cao , cao nhứt trên các đỉnh núi mà anh vừa vượt qua , nơi có một ngôi nhà mái cong đang xây làm Đài Tưởng Niệm anh Khiết trịnh trọng tuyên bố : " Hôm nay 9 giờ 30 ngày 14 tháng 3 năm 2018 tôi đặt chân lên đỉnh 1015 ". ( mà đúng ra đây là đỉnh 1314 ! ) . Khi xem Video Clip đến đây tôi cũng có những xúc cảm ngậm ngùi thương cảm như tác giả . Nhưng cảnh trí núi rừng hùng vĩ , nhấp nhô " ngàn thước lên ngàn thước xuống " mà từng phân cảnh , đứt đoạn , không phương hướng ; tôi không hình dung ra trận chiến đã từng diễn ra nơi đây? Khiến tôi muốn tìm hiểu xem “ diện mạo “ của ĐỒI CHARLIE MÁU LỬA toàn cảnh thật sự như thế nào ?!
Tìm xem một số bài về đồi Charlie trên Youtube do nhiều người khác thực hiện . Tất cả những Video Clip nầy đều nói ĐỒI CHARLIE CÓ ĐỘ CAO 1015m . Và qua các bảng hướng dẩn chỉ đường đến điểm cao này cũng như trên bia đá đặt tại Đài Tưởng Niệm đều có ghi " ĐỒI CHARLIE 1015 " .
Đồi CHARLIE 1015 . Con số 1015 này từ đâu mà có ? Dĩ nhiên là con số này trong BẢN ĐỒ HÀNH QUÂN , trong BẢN ĐỒ quân sự, người ta cần biết độ cao của thế đất , đỉnh núi , ngọn đồi . . .thể hiện qua các vòng-cao-độ kèm theo các con số chỉ độ cao so với mặt nước biển . Theo quy định , khoảng cách giữa 2 vòng-cao-độ liền kề trên BĐ tương ứng với độ chênh lệch độ cao 20 mét ngoài thực địa .
Tôi đã tìm thấy 2 tấm bản đồ (BĐ) có liên quan đến Căn Cứ CHARLIE . Một tấm BĐ có đánh dấu vị trí CC. Charlie của ông JOHN G. “JACK” HESLIN , Tr/tá hồi hưu HK , tấm BĐ này hơi bị mờ , các con số và vòng-cao-độ không đọc được . Một tấm BĐ khác rõ ràng hơn đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu , đó là tấm BĐ quân sự có tên DAK TÔ tỉ-lệ 1/50.000 . CC. Charlie trên dãy núi NGOK KON KRING ( Rocket Ridge ) nằm ở góc trái bên dưới của BĐ (xem hình cuối).
Qua trang mạng : “ thebattleofkontum.com " - The Battle Of Kontum - Của Cựu Tr/tá Hoa Kỳ John G. “Jack” Heslin , năm 1972 ông là Đ/uý thuộc phòng Hành Quân tại căn cứ HOLLOWAY - Pleiku . Tại thời điểm đó ông có thiết lập một bản đồ HQ ghi chép tất cả các CĂN CỨ trên dãy núi có tên NGOK KON KRING và lính Mỹ đặt cho " nick name " là ROCKET RIDGE ( do dãy núi này bị bắn quá nhiều hoả tiễn ) . Có tất cả 5 CC trên các đỉnh của dãy núi này từ bắc xuống nam : CC. 5 , CC. Y ( đọc là Yankee) , CC. C ( Charlie ), CC. D ( Delta )và CC. H ( Hotel , theo cách đánh vần truyền tin quân đội Mỹ ) . Một Căn Cứ nổi tiếng nữa là CC. 6 nằm cách CC. 5 về hướng tây-bắc 6,37 cs trên đỉnh cao 1001m trong rặng núi NGOK RING RUA ( nằm ngoài BĐ này ) . ( XIN XEM HÌNH 1 )
Một số toạ độ vị trí do Ông Heslin cho không thật chính xác , có lẽ không do ông trực tiếp chấm các toạ độ này khi đang ngồi trên máy bay trực thăng bay đến các CĂN CỨ trên dãy núi Rocket Ridge ngày đó còn phủ đầy rừng già ? Mà do ông lấy thông tin từ những người khác . Và vì nhiệm vụ công tác của ông lúc đó là thuyết trình ( briefing ) cho các quan khách , tấm BĐ của ông chỉ dùng vào việc để minh hoạ cho bài thuyết trình nên không đòi hỏi phải thật chính xác các vị trí , toạ độ . Một đoạn trong bài viết ở trang THE MAP ROOM của ông có nêu lên TỌA ĐỘ của CC. Charlie là ZB 001107 . Ông nói vị trí của CC. Charlie do ông khoanh vòng tròn màu xanh trên bản đồ phù hợp với những thông tin do Ông JOHN DUFFY - nguyên Thiếu Tá Cố vấn trưởng của TĐ11ND - cung cấp cho ông . Nhưng khi chấm toạ độ này lên bản đồ sẽ cho thấy vị trí này không phù hợp cho một điểm đóng quân vì đó là một sườn núi có độ dốc rất lớn . ( XIN XEM HÌNH 3 ) .
Trên đây là phần không ảnh 3 chiều GOOGLE EARTH ( thời điểm tháng 3/2021 ) . Bên dưới là phần bản đồ tương ứng : ( XIN XEM HÌNH 3 ) .
Đỉnh cao 1314 theo tài liệu của Ông Heslin là vị trí của CC. Yankee ( đã bỏ hoang từ trước năm 1972 ) , nằm về hướng bắc-tây-bắc và cách xa khu vực giao tranh hơn 2,5 cs và cao hơn gần 300m .
Trong không ảnh Google Earth cho thấy có 2 công trình xây dựng trong khu vực này :
1 ) Trên đỉnh cao 1314 có ghi chữ " Đồi Charlie " và hình biểu tượng cho biết đây là địa điểm lịch sử . Trong Video clip , cuối cùng anh Nguyễn Thanh Khiết đã đến nơi này trong lúc người ta đang xây cất một “ ĐÀI TƯỞNG NIỆM “ ( Nhà Bia ) và anh đã trịnh trọng tuyên bố đã đặt chân lên Đồi Charlie ?
2 ) Trên một đỉnh núi có vòng-cao-độ 1240 bên cạnh đường đi có một “ Miếu thờ tại Đồi Sạt Ly “ . Anh Khiết có ghé vào thắp hương khấn vái . Được biết Miếu Thờ này do những người dân miền Bắc vào xây dựng trong thập niên 1990 để tưởng nhớ con em hy sinh trong trận chiến Charlie . Hai điểm xây dựng này cách xa nhau 984m theo đường chim bay và điều rất đặc biệt là có cùng tên gọi : Đồi Charlie và Đồi Sạt Ly . Điều đáng nói là cả hai không " dính dáng " gì tới vị trí của CC.CHARLIE ngày xưa ! (Trong không ảnh không có chữ Đài Tưởng Niệm , tôi dùng từ này để phân biệt với Miếu Thờ ) .
Tìm đọc các bài viết về các trận đánh tại Đồi Charlie năm 1972 do những người từng tham chiến kể lại : Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù và các Đại Đội trực thuộc đóng quân tại các cứ điểm là các ngọn đồi kế cận nhau : đồi 1000 , đồi 960 và đồi 1020 . Các con số này không được in trên BĐ , mà do suy ra theo các vòng-cao-độ . Cách xa các cứ điểm này một khoảng trên dưới 1cs về hướng bắc có một đỉnh núi được đánh số 1015 và in cụ thể trên BĐ . Và có lẽ vì thế người ta dùng con số này để " định danh " cho đồi CHARLIE ? Mặc dù tọa độ này nằm ngoài các cứ điểm và không có trận đánh nào xảy ra ở đây . ( Các cao độ này phải gọi là " đỉnh núi " mới đúng vì chúng là các cao điểm trên dãy núi ROCKET RIDGE ! Người ta quen gọi thành " ngọn đồi " chắc nhằm làm cho ngôn ngữ " dịu dàng " thêm một chút ?) . Các tài liệu cũ cho thấy người ta chỉ dùng những danh xưng : Căn Cứ Charlie , Đồi Charlie , Cứ Điểm Charlie . . . để đặt tên cho trận địa này và không có con số nào đi kèm theo sau cả ! Bài bút ký của Phan Nhật Nam và Vương Hồng Anh - từng là phóng viên chiến trường - cho biết BCH/TĐ 11 ND đóng tại đỉnh 1020 , chớ không phải tại đỉnh 1015 . Thế mà không hiểu sao , các bảng chỉ dẩn , các Video Clip đều kèm theo con số 1015 sau chữ CHARLIE ? Điều này làm lạc hướng tìm hiểu của tôi . Tôi bị tiêm nhiễm bởi con số 1015 nên chỉ chú tâm nghiên cứu phần BĐ được zoom rộng có ngọn đồi có in số 1015 . Và cứ loay hoay mãi giữa " hằng hà sa số " những đỉnh cao của dãy núi ROCKET RIDGE cho đến khi anh LÊ VĂN MỄ , là cấp chỉ huy của TĐ11ND , người đã từng có mặt tại CC CHARLIE ngày đó , thông qua một người bạn , chuyển cho tôi TỌA ĐỘ đích thực của ĐỒI CHARLIE là ZB. 009 108 , với những lời giải thích : tọa độ của ông HESLIN ghi là sai ; TỌA ĐỘ ZB. 009 108 nằm ngay trên đỉnh đồi 1020 nơi đặt BCH/TĐ11ND , ( theo thông lệ người ta thường lấy vị trí của BCH làm tên chung cho trận-địa ) , vậy là : CC CHARLIE là Đồi 1020 , ĐĐ 111 tại đồi 960 và ĐĐ 113 tại Đồi 1000 . Hai ĐĐ 112 và 114 cùng nằm chung với BCB/TĐ . Và như đã nói ờ trên hai vị trí tâm linh " Miếu thờ tại Đồi Sạt Ly " và " Đài Tưởng Niệm " Đồi Charlie đều xây dựng khá xa bên ngoài địa điểm thật sự của ĐỒI CHARLIE !
Trở lại đoạn Video Clip " CHARLIE HÁT CHO NGƯỜI NẰM LẠI ". Từ một nơi xa xôi , tôi theo dõi bước chân " hành hương " của anh Nguyễn Thanh Khiết , từ dưới chân núi phía tây đi lên khi gặp ngả ba trên đường đỉnh , người dẩn đường đi phía sau đã la lên : " Ê ! Rẽ trái ! rẽ trái ! " . Và anh đã rẽ trái đi về hướng bắc ! Nếu anh rẽ phải tức là về hướng nam , anh sẽ gặp ngay con đồi nhỏ tức C.1 ( nơi đóng quân của ĐĐ 111 ) , đi thêm một đoạn ngắn gặp đỉnh đồi cao hơn , có thể anh đã đứng chân nơi " thánh địa " nơi CỐ Đ/T NGUYỄN ĐÌNH BẢO , người chiến sĩ " chiến trường da ngựa bọc thây " !
Anh Nguyễn Thanh Khiết đã rẽ trái đi mãi đi mãi và cuối cùng đứng trước các hầm hố cũ , vỏ đạn M72 , đế giày sô , những tàn tích thời chiến tranh gần 50 năm còn sót lại ở CC. Yankee 1314 . . . ngậm ngùi tưởng nhớ những “ đàn anh " những chiến hữu thân thương đã nằm lại nơi núi rừng trùng điệp nầy và anh tưởng rằng nơi đây là . . . CC. CHARLIE 1015 mà đúng ra phải là đồi 1020 ! Cách chỗ anh đang đứng hơn 2,5 cs .Tôi cũng lầm tưởng như anh và mới đây anh Nhạc Sĩ TUẤN KHANH (trong một bài viết tường thuật chuyến hành hương lên Đồi Charlie trong dịp tết Tân Sửu - NGƯỜI ĐI, LINH HỒN Ở LẠI …) cũng nhầm lẫn và còn biết bao người khác nữa đang và sẽ nhầm lẫn , nếu trên tay không có tấm BẢN ĐỒ ?
Qua đối chiếu với bản đồ , không ảnh và các câu chuyện kể về sự kiện lịch sử Đồi Charlie, cho thấy trong ĐÀI TƯỞNG NIỆM có tấm bia đá khắc hàng chữ " BIA DI TÍCH LỊCH SỬ ĐIỂM CAO 1015 " đã không đặt đúng địa điểm thật sự của ĐỒI CHARLIE là ngọn đồi có độ cao 1020 m , mà lại được đặt tại ĐỒI YANKEE có độ cao 1314 m ! Theo suy nghĩ của riêng tôi những đền-miếu thuộc về lịch sử thì càng gần với địa điểm thực chừng nào thì càng có giá trị tâm linh cao chừng nấy . Lý do nào TẤM BIA TƯỞNG NIỆM có khắc số chỉ độ cao 1015 mét lại đặt ngay trên đỉnh ngọn đồi có độ cao 1314 mét thì ngoài khả năng tìm hiểu của tôi . Tôi chỉ có thể suy đoán rằng người ta đã cố tình đánh tráo địa điểm để dẫn dụ những người hành hương , những người ngưỡng vọng trận đánh quả cảm của các Thiên Thần Mũ Đỏ TĐ 11 Nhảy Dù , đến chiêm bái một địa danh khác , không phải là ĐỒI CHARLIE thật sự ! ?
Tìm hiểu thêm về các bên tham chiến , phía CSBV đã tung một lực lượng gấp 3 lần quân trú phòng , tức là 1 trung đoàn tấn công 1 tiểu đoàn . Đây chưa hẳn là chiến thuật " biển người " nhưng hình thái là cách đánh " thí quân " , chấp nhận tổn thất nhân mạng miễn sao chiếm được mục tiêu ! ? Người chỉ huy là Khuất Duy Tiến , Tr/Đoàn Trưởng Tr/Đ 64 CSBV thuộc SĐ 32O A , mỗi khi nhắc lại trận chiến tại Đồi Charlie ông thường khóc vì nhớ đến thuộc cấp của mình đã thương vong quá nhiều khi họ còn rất trẻ ! ". . . T/Đoàn Trưởng Đàm Vũ Hiệp , TĐ8 ; Chính-trị-viên Nguyễn Văn Khe , cùng các Cán Bộ đại đội , trung đội , mưu trí dũng cảm , bị thương và hy sinh (sic) . . .! Và họ cũng có một bài hát " NGƯỜI LÍNH GIÀ ĐỨNG KHÓC " ! Đơn vị này xây dựng NHÀ BIA , ĐÀI TƯỞNG NIỆM để hương khói tưởng nhớ những đồng đội của mình đã ngả xuống nơi chiến trường là điều hợp đạo lý ! Nhưng đánh tráo địa điểm lịch sử , gây nên sự nhầm lẫn cho người hành hương là việc làm không đạo đức ! Trước sau gì người ta cũng biết sự thật !
Cho đến nay , trận chiến bi tráng , đẫm máu mang tên Đồi Charlie chỉ được mô tả trên giấy trắng mực đen bằng những dòng chữ , bằng truyện kể , bằng lời ca tiếng hát , nhưng chưa có ai biết đích xác vị trí thật của Đồi Charlie ngoài thực địa ? Hôm nay nhờ may mắn , nhờ tâm nguyện , tôi có được tấm bản đồ quân sự , có không ảnh ( Google Earth ) và quan trọng nhất có được sự hổ trợ của Cựu Tr/tá Lê Văn Mễ , là cấp thẫm quyền có mặt vào lúc diễn ra trận đánh , đã cho tôi biết chính xác TỌA ĐỘ của các điểm đóng quân , phù hợp với những câu chuyện kể . Hôm nay qua bài viết ngắn này , tôi nêu đầy đủ các dữ liệu để chỉ rõ , cụ thể và chính xác vị trí thật sự của một ĐỈNH NÚI được đặt tên là CHARLIE nằm ở đâu trong rặng núi Ngok Kon Kring ( Rocket Ridge ) .
Và sau cùng , nhờ có chuyến " hành hương " đi tìm đồi Charlie của anh Nguyễn Thanh Khiết qua đoạn Video Clip " CHARLIE HÁT CHO NGƯỜI NẰM LẠI " làm bước khởi đầu cho tôi tìm hiểu và cuối cùng có được vị trí xác thực của ĐỒI CHARLIE với ước nguyện sẽ không còn ai lầm lẫn về vị trí của điểm lịch sử này nữa ! Chân thành cám ơn anh KHIẾT .
Bên dưới là Bản Đồ vùng Dak Tô - Tân Cảnh toàn cảnh có nguyên khu vực dãy núi NGOK KON KRING tức Rocket Ridge để tham khảo . ( XIN XEM HÌNH 4 )
Huỳnh văn Mỹ
( 31 / 3 / 2021 )
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteTôi vừa (rất tình cờ) đọc được bài viết này của ông Huỳnh Văn Mỹ, và cũng vừa mới xem qua "Hát cho người nằm lại" của ông Nguyễn Thanh Khiết. Cả hai ông đều làm những việc có ý nghĩa, và hữu ích. Tôi rất cảm phục.
ReplyDeleteTôi chỉ xin được góp một ý nhỏ, theo một báo cáo đã được giải mật của Không quân Mỹ "Kontum: Battle for the Central Highlands" thì toạ độ của căn cứ yểm trợ hoả lực Charlie là 48PZB013097. Địa điểm này chỉ cách toạ độ 48PZB009108 của Thiếu tá LÊ VĂN MỄ cho biết khoảng chừng 1.2km.
Cũng trong bản báo cáo này FSB Yankee có toạ độ 48PYB991130.
https://apps.dtic.mil › sti › pdfs › ADA487009
Xin cảm ợn,
Xin chào bạn hhk. Phải đến tháng 1/23 tôi mới được xem ý kiến của bạn . Xin đi ngay vào 2 tọa độ bạn nêu lên theo tài liệu đã được giải mật của Không Quân “ Project CHECO “ .
ReplyDelete1- Điểm tọa độ 48PZB991130 được CHECO cho là FSB (Căn cứ yểm trợ hỏa lực) YANKEE . Chấm tọa độ này lên BĐ sẽ là một vị trí ở sườn núi phía tây có độ dốc rất lớn , điểm này cách đỉnh núi có ghi độ cao 1314 , khoảng 700 m về phía tây. Chúng ta biết , trận chiến diễn ra trên rặng núi, thì chỉ trên đỉnh núi, đỉnh đồi mới có chỗ đủ rộng và tương đối bằng phẳng để đóng quân. Thế nên tọa độ của CHECO không thể là FSB Yankee được mà phải ở đỉnh 1314 có tọa độ ZB 998130 .
2- Toạ độ của đồi CHARLIE theo Project CHECO nêu nằm cách xa TĐộ của cựu Tr/Tá Lê Văn Mễ hơn 1cs về hướng đông-nam. Đây là một loạt đỉnh núi cao hơn 1040 m dẫn đến Đồi DELTA (1049m) . Tọa độ của CHECO không phù hợp với các câu chuyện của những người từng có mặt ở đó kể lại như: đi tắm ở con suối chảy dọc theo sườn phía tây của các đồi C3 , C1 và C2 và BCH/ TĐ 11ND từ đỉnh cao 1020m (C2) nhìn xuống (C1 - cao 960m) xem Đ/Đ 111 của Tr/uý Thinh đang chống trả địch quân từ hướng tây ( các bài viết của Đoàn Phương Hải (B3 TĐ) ; Nguyễn văn Lập (đề-lô Pháo Binh) và PV Chiến Trường Phan Nhật Nam . . .
Theo chỗ tôi biết các cứ điểm CHARLIE và DELTA đã có tên vài năm trước đó khi các đơn vị của Hoa-Kỳ hoạt động ở vùng này như SĐ4BB HK , Lữ Đoàn Dù 173 HK . . . Sau đó bỏ hoang cho đến khi Lữ Đoàn 2 ND xử dụng lại . Nó chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn trong trận chiến và nằm trong vùng núi cao hiểm trở không có đường bộ dẫn đến. Thế nên khó có ai biết được chính xác vị trí nếu như không được nêu ra của những người từng có mặt tại chỗ như cựu Tr/tá LVM .
Các toạ độ này do Không Quân Mỹ đưa ra, như cựu Tr/tá HESLIN ( Camp Holloway - Pleiku) cho biết có tính cách tham khảo ( point of reference) , Trong các buổi thuyết trình, nó chỉ có giá trị thông tin hơn là giá trị chiến thuật . Và ngay trong bài viết của ông cựu Tr/tá Không Quân Jack Heslin khi gọi các Cứ Điểm này là FSB ( CCHL) là không chính xác . Gọi là CĂN CỨ YẾM TRỢ HỎA LỰC Khi nơi đây có một lực lượng PHÁO BINH đồn trú để tăng cường hỏa lực cho các đơn vị bạn xung quanh . Các Cứ điểm Charlie và Delta không có pháo binh . Và người Mỹ gọi nơi này là CHARLIE HILL giống như HAMBURGER HILL - ĐỒI THỊT BĂM .
Cảm ơn chú Hồ Văn Mỹ về việc xác định lại vị trí đóng quân và hy sinh của vị Trung tá Anh hùng Nguyễn Đình Bảo. Sự xác định của anh và đặc biệt hơn ai hết là của vị sỹ quân Tiểu đoàn Phó Lê Văn Mễ ( sau khi Trung tá Nguyễn Đình Bảo hy sinh đã lên nắm Quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn 2, Sư đoàn Nhảy Dù, Quân lục VNCH ) đã đóng quân và trực tiếp chỉ huy chiến đấu nơi đây theo tôi là hoàn toàn chính xác. Đây là cơ sở để các thế hệ mai hầu tìm về hành hương chính nơi người anh hùng, cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã nằm lại và hòa tan thân xác vào lòng đất Mệ Việt Nam thân yêu cùng với trên 400 sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ thuộc quyền chỉ huy của mình, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù với danh xưng " Song Kiếm Trấn Ải ". Trân trọng chào chú.
ReplyDelete