Links

Tuesday, October 26, 2021

Nhật Ký Mùa Dịch và Thanksgiving

__________________________

Nguồn Việt Báo

 Nhật Ký Mùa Dịch và Thanksgiving



Khi nghe đến “Mùa”, thông thường người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh sắc tuần hoàn trong một năm với Xuân - Hạ - Thu - Đông tại các nước thuộc vùng khí hậu ôn đới. Những tháng ngày qua ở Việt Nam xuất hiện cụm từ “Mùa dịch”, hẳn cũng không lạ tai người nghe, bởi ngôn ngữ Tiếng Việt dễ dàng gắn thêm cái đặc tính nào đó vào sau các danh từ chung để gọi cho dễ hiểu. Mùa dịch kéo dài với hơn bốn đợt bùng phát trong gần hai năm, ước mong nó mau qua đi và đừng lặp lại, để nó không còn được gọi là mùa trong cái vòng chu kỳ thời gian sống của con người.



Tháng 12. 2019...,

Những ngày trời vào tiết đông ở miền nam, tuy cảnh sắc không có sự biến chuyển rõ ràng nhưng đâu đó những làn hơi lạnh đan xen trong bầu trời mờ tối, xam xám của buổi sáng sớm. Bé cũng như bao người háo hức đón chờ ngày đại lễ Giáng Sinh. Năm nay cũng khá đặc biệt, Bé mời bà Nguyệt, ông Thuỷ và chú Charlie (mới từ Mỹ về VN) đến Nhà Dòng mừng lễ đêm Noel. Một cách thức đón lễ và mừng lễ rất Á Đông, một hoạt cảnh Kinh Thánh được diễn nguyện, sau đó là thánh lễ tạ ơn đêm và phần sinh hoạt nhẹ nhàng mà đã khá lâu ông bà chưa có dịp sống lại cái không khí ngày xưa hồi còn trẻ. Các ông bà mới về Việt Nam hồi chừng giữa tháng 12 để thăm viếng và an táng cho người mẹ quá cố. Một đời vất vả nuôi con, rồi các con của bà cụ đi vượt biển và định cư bên Quốc Mỹ đã lâu.

Tuy hằng năm, các ông bà trẻ vẫn thay nhau về thăm mẹ nhưng rồi cũng đến lúc tuổi già buộc bà phải chia tay thế giới để ra đi, trở về với cội nguồn. Một điều rất may mắn là các ông bà trẻ cùng các con được về bên mẹ, bà trong những ngày cuối đời của bà, được tận tay lo cho bà phần mộ an nghỉ. Và cũng kịp rời quê hương thứ nhất để trở về quê hương thứ hai bên trời Âu Mỹ trước khi thứ virus mang tên “Cúm Tàu” cấm cản mọi phương tiện, đường đi. 

Tháng 01.2020...,

Dường như thông tin về loại cúm này chưa phổ biến rộng trên mạng xã hội, người dân Việt vẫn nô nức, náo nhiệt đón cái Tết đoàn viên bên gia đình, bạn bè. Cũng thoáng qua những tin tức, hình ảnh về vùng đất Vũ Hán đang tràn ngập khói của những lò thiêu, mùi diêm sinh uế khí trong trí tưởng tượng. Những ngày Tết thường rất vui tươi, nhộn nhịp cũng xen lẫn cảm giác âu lo, buồn thương cho những con người đã ra đi hay đang chiến đấu với thứ dịch bệnh vô hình, dẫu người Việt cũng không mấy thiện cảm với cái tên và nơi xuất phát của thứ virus này. 

Tháng 2.2020...,

Sau hai tuần lễ nghỉ tết, các trường học và công xưởng bắt đầu cho nghỉ học, nghỉ làm để tránh dịch. Mặc dầu khi đó dịch vẫn gây nhiều lo sợ trong chính cái tên của nó, nó vẫn còn ở đâu đó xa lắm khi người ta vẫn đang rất tự tin về cách phòng chống dịch hiệu quả. Sau khoảng 3 tháng giãn cách mà không thấy dịch bùng phát, các nơi lại được mở cửa và hoạt động trở lại. Có chăng là cứ chập chờn vài ba lần sau đó mọi người được nghỉ làm, nghỉ học để giữ an toàn. Ngược lại, trong khi đó các nước Âu Mỹ lần lượt đối mặt với sự tàn khốc của dịch bệnh, số ca nhiễm tăng thêm, con số người chết cũng đi lên mỗi ngày,... Là một người thường dân, Bé thấy xót xa trước những con số, hình ảnh đang diễn ra ở các nước tiên tiến đấy, hiện đại đấy. Họ có nền công nghệ và văn minh rất tốt nhưng cũng phải gánh chịu biết bao căng thẳng, mất mát và tang thương. Còn nước Việt của Bé rất nhỏ và nghèo, chúng ta không được phép cười cợt dù một lần bởi những gì chúng ta chưa trải nghiệm. Chúng ta mà rơi vào hoàn cảnh thực của cơn dịch thì điều gì sẽ xảy ra? 

Một mùa Noel 2020 lại đến và đi trong cái lạnh không phải của không khí, nhưng trong tâm hồn với đầy sự xao xuyến cùng một năm mới thấp thỏm khi đó đây ở Việt Nam đã xuất hiện những ca nhiễm. Cùng với các biện pháp khử khuẩn, khẩu trang, giãn cách,... các học sinh cũng được tiếp tục đến trường cho hết năm học (tháng 5.2021), công nhân với nhiều tình trạng thất nghiệp nghỉ đôi ba tháng vẫn còn có thể cầm cự được cuộc sống mưu sinh kiếm miếng ăn và trả tiền phòng trọ. Người dân dần dần cũng bớt theo dõi các tin tức Covid-19 ở các nước, vì chúng đi qua và để lại quá nhiều cảnh tang tóc, chia ly làm cho người ta hoang mang và không dám xem nhiều bởi sự ám ảnh về những cảnh hoả thiêu, sự ùn ứ ở các bệnh viện khắp nơi,... Cùng thời điểm đó, Bé chỉ biết thường xuyên nhắn tin cho ông bà bên Mỹ để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của mọi người, động viên và cầu nguyện cho cơn dịch bệnh mau qua ở các nơi, đặc biệt ở Hoa Kỳ là nơi Bé có nhiều người thân quen hơn cả. Bà con ở VN đã làm gì được cho đất nước Hoa Kỳ? Điều có thể làm chắc rất nhỏ nhoi, ngoài lời hỏi thăm chỉ có lời cầu nguyện cho mọi người có sức chiến đấu với cơn dịch. Cũng từ khi bắt đầu nghe tin Nước Mỹ có quá nhiều ca nhiễm và con số người chết cũng tăng cao mỗi ngày, rồi tình hình bầu cử cũng đang phức tạp,... Các Sơ lớn trong Dòng của Bé lên tiếng mời gọi chị em tăng thêm những lời cầu nguyện, hy sinh để hướng về nơi có nhiều Kiều bào đang sinh sống trên đất Mỹ, ở đó có rất nhiều vị ân nhân đã và đang giúp đỡ nhà Dòng, giúp đỡ các em Khiếm Thị,...Đâu đó vang lên trong ý Lễ cầu nguyện ở các Thánh đường Giáo xứ, có con chiên xứ đạo Thị Nghè ở Sài Gòn cũng xin lễ cầu bình an cho đất nước Mỹ. Hay quá, ngạc nhiên quá, lần đầu tiên Bé được nghe có người Việt cũng hướng con tim nhiều như thế đến đất nước Mỹ ở rất xa. Bé tự hỏi có phải con người và đất nước ấy đã đi trước bằng biết bao hành động dễ thương, nhân ái mà người Việt này được thụ ơn, hay người ấy rất lớn tuổi và hiểu rất rõ về thời cuộc khi xưa của nền VNCH? Ở Mỹ, có nhiều vị cũng bị nhiễm bệnh và đang gặp nguy hiểm, hoang mang,... Các vị ấy đã làm gì cho đồng bào trên quê hương Việt lúc này? Tuy thất nghiệp và đối diện với sự giãn cách, khó khăn nhưng các vị ân nhân vẫn dành một phần tiền trợ cấp của mình trong đợt dịch Covid để gửi về VN hầu giúp đỡ các cơ sở đang nuôi trẻ em Khiếm Thị, mồ côi… 

*** 


Tháng 06.2021..., 

Tại Sài Gòn, đây là tháng bắt đầu với những chỉ thị giãn cách mỗi ngày mỗi khắt khe hơn, mọi nơi không còn được tập trung đông người. Nhưng con virus tưởng chừng xa lạ cách đó khoảng một năm, nay đã ở gần hơn với người dân, dù cảnh giác và ý thức tự bảo vệ mình được gửi đến mọi người nhưng sức lây lan của dịch bệnh cứ như “nắm men trong khối bột” đang bùng lên mỗi ngày. Tất cả các Thánh Lễ, hàng quán, công ty bắt đầu cấm tập trung không quá 30 người, 15 người rồi dần dần nhà ai nấy ở, không ra đường, không được phép đi xuyên tỉnh,... 

Trong suốt tháng giãn cách, con người Sài Gòn bắt đầu tập sống với các hạn chế về sinh hoạt, ăn uống và giải trí, họ cũng kêu than râm ran đâu đó trong các mái nhà, trên các trang mạng xã hội, cá nhân. Người lao động ở tỉnh thì hiền hoà hơn, ít thấy cuồng chân cuồng cẳng hơn bởi họ quen với sự lam lũ, tằn tiện nên không khó mấy việc chịu gò bó thêm một chút. Họ chỉ ưu tư về đời sống một khi dịch bệnh kéo dài và tình hình phức tạp hơn thì sao, cái nghèo đói sẽ ăn mòn họ như lốp xe bị bào dần trên con đường nhựa đầy nắng mùa hè chói chang,... Hai chữ trợ cấp nghe thì quen nhưng quá xa lạ với cái hiện thực của đa số người Việt. 

Tháng 07.2021…, 

Sài Gòn lất phất những cơn mưa rào mùa hè, những tiếng sấm ỳ đùng nổ, nghe gần sát bên hiên nhà cùng những trận mưa như trút nước xối trôi đi cái không khí ngột ngạt, lo sợ. Trong cơn mưa, tiếng còi xe cứu thương vang lên, vọng lại liên hồi từ Xa lộ Hà Nội không kể ngày đêm. Bé phục vụ bên cơ sở Khiếm Thị nên được ưu tiên đi tiêm Vaccine Covid, Bé ra đường để đi đến bệnh viện Đại Học Y Dược để test và tiêm ngừa Vaccine hiệu Moderna. Bé chưa từng thấy lúc nào đường phố,hàng quán ở Sài thành lại vắng tanh, lạnh lẽo như lúc này. Xa xa có một chiếc xe gắn máy chạy bon bon trên đường, không ai phải lo sợ tránh bên phải bên trái hay dừng đột ngột như ngày trước. Các cửa nhà đóng im lìm, về đêm sẽ thấy ánh sáng từ các căn hộ, chung cư phát ra nhiều hơn, khuya hơn, có lẽ người ta ở nhà với gia đình nhiều hơn! 

Nhân dịp đi tiêm Vaccine, tờ giấy phép lưu thông trong tay, từ Thủ Đức, Bé đã được thuyên chuyển đến cộng đoàn mới (Mái Ấm Khiếm Thị) trên quận 10. Một quận có nhiều người Hoa, nhiều người dân lao động nghèo làm việc cho các tiểu thương ở khu Chợ Lớn hay lai vãng bên vệ đường, một quận cũng với nhiều hàng quán phong phú, sang trọng nay đều trong tình trạng đóng cửa, tối đèn. 

  • Alo, chào Soeur, con là Châu đây, các Soeur và các em Khiếm thị bên ấy thế nào rồi? Mọi người có khoẻ và bình an không? Một chú ân nhân gọi về từ Mỹ.

  • Cám ơn chú Châu, các Soeur và các cháu vẫn khỏe ạ,...


Hàng tuần, với những tiếng phone vẫn vang lên đều đặn, các vị ân nhân ấy lúc trước thay vì giúp cho các em Khiếm Thị, bây giờ lại sẵn sàng chuyển tiền về cho các Soeur. Nhờ các Soeur làm trung gian mua thực phẩm để đi phân phát cho dân nghèo thay các vị. Những tạ gạo, những tạ rau củ các loại, biết bao thùng mì tôm và sữa tươi được kiếm mua và chia vào bịch nilon vẫn đều tay mỗi tuần. Bé được làm shipper trên chiếc xe wave với từng bao thực phẩm nặng đến cả tạ, chưa cộng thêm cân nặng của người, chiếc xe cũng làm trung gian thiện nguyện rất cật lực. Suốt thời gian tháng 7 và tháng 8, Bé cùng các chị em đi ra những con đường lớn từ ngã sáu Nguyễn Tri Phương chạy xuyên các con đường xung quanh đến hết khu Chợ Lớn, chở theo trên xe từng thùng các-tông bên trong đựng cơm, bánh mì hay mì tôm, sữa để đi tìm phát cho những bà con vô gia cư, nghèo đói. Qua những lần ra đường, được chứng kiến và đối diện với cái nghèo thực của những bà con dân tỉnh, nghiệm thấy sâu xa nỗi bất lực và khốn cùng của họ đã làm bé xao xuyến và không ngớt những ước mơ. Mơ cho họ được no, được ấm, mơ cho có nhiều bàn tay dang ra để chia sẻ và cưu mang những số phận bấp bênh này,... Với đồng lương vốn ít ỏi của người nghèo trên đất Sài Gòn đã là gánh nặng cho họ trong cuộc sống thường nhật, nay dịch bệnh kéo dài cùng cảnh thất nghiệp và cạn kiệt những đồng tiền cuối cùng, họ đã phải sống kiếp lang thang trên hè phố. Bé chạnh lòng mỗi khi leo lên xe, vừa chạy vừa như dáo dác nhìn xem có ai đang đứng khuất trong góc đường, đang chờ đợi và gọi theo Bé để nhận một phần ăn hay một ít gói mì tôm hay không! Bé không muốn nghĩ đến sự chờ đợi cả buổi của họ lại bị lỡ mà không nhận được một phần ăn trong ngày. Các trạm xe buýt, các mái hiên nhà đóng kín cửa, các gốc cây ở góc đường,... là những ngôi nhà của biết bao người vô gia cư. Chỉ cần chạy xe đến bất cứ góc đường nào, Bé cũng sẽ nhớ ở đó thường có bao nhiêu người, già trẻ lớn bé ra sao. Họ trở nên quá quen thuộc trong những bộ quần áo sờn vai, bạc phếch với đôi chân bo bám đầy bụi đất, với những cặp mắt thổn thức, mong mỏi như chờ đợi một phép màu. Biết bao ông bà cụ sống cạnh đống ve chai bên vệ đường, những chiếc xích lô treo lủng lẳng những chai nhựa và thùng các tông, những chiếc xe đạp ọp ẹp chạy loanh quanh để tìm xin một hộp thức ăn, những trẻ em lang thang vất vưởng bên trụ đèn giao thông, … Vâng, hè phố là nhà, những chiếc xe xích lô thường ngày được dùng để thồ hàng nay bất đắc dĩ đã trở thành ngôi nhà riêng di động của nhiều mảnh đời chênh vênh, nghèo khó và thiếu thốn đến cùng độ, nửa chiếc bình nhựa cắt ngang làm nơi chứa nước mưa để rửa tay chân,... Họ, rất nhiều thành phần dân lao động nghèo và quá nghèo, họ không còn gì trong tay nên phải nuốt từng dòng nước mắt vào trong để giơ tay ra đi xin và nhận từng hộp cơm, từng ổ bánh mì. Mỗi lần được ra đường trong bộ đồ bảo hộ, được chở theo càng nhiều thực phẩm thì Bé lại càng vui. Bé vui vì có nhiều người sẽ nhận được sự chia sẻ, yêu thương của những nhà hảo tâm từ phương xa gửi đến. Bé ngậm ngùi khi chứng kiến anh chị em của mình xách trên tay chiếc túi đựng quần áo, ngồi ngổn ngang ở các trạm xe, góc đường trong tâm thế chuẩn bị chạy vào các con hẻm khi nghe tiếng còi hú của “Đội xe trật tự áo xanh ”. Những câu cám ơn tha thiết từ đôi môi, ánh mắt của họ đã đi vào tâm hồn Bé, “cám ơn con, cả mấy ngày nay chú (cô) không có gì để ăn cả, cám ơn con nhiều…”. Mỗi khi Bé quay về nhà ngồi cầu nguyện ngẫm nghĩ, nước mắt lại chực trào nơi khóe mắt. Bé cầu nguyện cho họ và Bé như muốn thay họ để nói với các nhà hảo tâm Hải ngoại ngàn lời cám ơn, tri ân những tấm lòng luôn rộng mở để chia sẻ cho họ những điều dù nhỏ bé, âm thầm nhưng đáng trân quý. Dù họ vẫn mãi là người xa lạ với các ân nhân nơi xa ấy, nhưng họ lại nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả phía các nhà chức trách. Bé không dám than phiền ai, nhưng Bé thấy rõ nét và sâu sắc tấm lòng nhân ái của những Kiều bào nơi nước Mỹ. Các vị đã dằn lại biết bao cảm xúc, tâm tư của mấy chục năm trước trong những cảnh quá khổ mà các vị đã trải qua, để cảm thông và không ngừng lan tỏa sự yêu thương cho người dân nghèo. Bé thầm cảm phục và ái mộ các vị, những chứng nhân cao quý của tình thương và lòng trắc ẩn trong thế giới hôm nay, đang giơ cánh tay ra nâng đỡ anh em mình. Thật hay, biết bao tiếng phone gọi về Việt Nam là bấy nhiêu sự sẻ chia rộng lan, dẫu nhiều lúc Bé cùng chị em chạy việc muốn hụt hơi, chạy từ sáng đến trưa quên cả uống nước rồi những buổi chiều tối ngong ngóng từng chuyến xe chở rau củ từ xa đến. Khi các cửa nhà trong khu phố đều kéo kín, các chị em lại chất đầy các túi rau lên xe, đi đến lần lượt từng nhà, đặt từng túi rau và gõ cửa cho chủ nhà biết họ được tặng rau củ, rồi lại bước tiếp sang nhà kế bên… Vọng từ phía sau là những lời cám ơn, dẫu xa lạ, họ đã nên thân gần hơn biết bao, Bé  thường trả lời:

“Không có gì đâu ạ, chúng cháu đi gửi dùm các vị hảo tâm thôi!”. Một lộ trình quen thuộc, một công việc đầy thương mến làm cho Bé phải suy nghĩ về nhịp đập của những con tim phương xa, phải chăng nhiều con tim đang loạn nhịp bởi thương nhớ, đau cho quê hương khi nhiều người sống trong cảnh khốn khó? 

Tháng 09.2021…, 

Một tuần trước khi áp dụng chỉ thị ngặt nhất về giờ giới nghiêm, chị em của Bé tất bật dồn hết mọi cố gắng đi chia sẻ, ngày nào cũng ra đường để đi gửi lương khô, mì gói đến người vô gia cư, người nghèo đường phố. Khi các chú “áo xanh rằn ri” tiến vào Sài Gòn, đứng đầy các chốt là lúc Bé và chị em không còn được ra đường, vì không có giấy phép đi làm từ thiện. Suốt tháng 9 là thời gian khốn khó hơn cả của người nghèo, Bé băn khoăn và ưu tư nhiều bởi không biết những người nghèo kia sẽ thế nào, vì đâu còn ai ra đường đi làm thiện nguyện như tháng trước đây. Cuộc đời họ sẽ đi về đâu giữa những bấp bênh, đói kém khi không có quê để về hay có mà cũng không thể về. 

Từ tháng 7, cứ mỗi lần được nới lỏng giãn cách, bà con ở các tỉnh, kể cả miền Trung đèo bồng vợ con và đồ đạc lỉnh kỉnh trên chiếc xe máy để cả nhà cùng về quê lánh dịch. Họ chạy liên tục hàng ngàn cây số ngày đêm, xuyên cả màn mưa và cái nắng với hy vọng mau về tới quê nhà. Họ đối diện với bao gian khó của thời tiết, sức khỏe và nguy hiểm. Nhiều gia đình đã bị tai nạn bởi kiệt sức và đường đi vốn vòng vèo, trơn trượt,.. Họ không kịp đặt chân đến mảnh đất quê hương để gặp lại bố mẹ, người thân. Hàng đoàn người đi bộ với balo, với những gánh đồ đạc trở về quê để đi tìm sự an bình trong thôn làng của mình mà phải trả cái giá rất đắt cho sự an toàn và gian khó. 

Xót xa hơn khi thấy ai đó đăng lên trang mạng cá nhân rằng: “sau mùa dịch này, tôi sẽ đi “ăn” một bữa cho thỏa thích! Ăn xin, ăn mày, ăn cắp, ăn cướp, ăn giựt, ăn gian,...”. Đủ loại “ăn” (trong ngôn ngữ Tiếng Việt) mà người ta mỉa mai cái thời cuộc. Có thể họ chỉ mới nói như thế, họ chưa làm và sẽ không làm như vậy. Nhưng quả thực, con người ta đang bày tỏ sự ngột ngạt và thiếu thốn, khó khăn khi không có việc làm, khó khăn khi những đồng tiền tích lũy vốn ít ỏi đã bay đi sạch trơn trong cơn đại dịch, họ không có khoản trợ cấp nào giúp họ hy vọng và dám nghĩ tích cực hơn cho tương lai,... Chỉ mong cái tố chất cần cù, chân thật và hiền hậu trong con người Việt vẫn được gìn giữ và phát huy, đừng để những gian khó tạm thời lúc này làm họ đánh mất đi cái tính Chân Thiện của mình. 

Tháng 10.2021…, 

Đến lúc này, giãn cách dường như cũng không khả thi nên mọi người đã được tham gia nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật. Nhiều hàng quán đã mở cửa để bán hàng đem về nhưng cũng có nhiều chủ thương phải nghỉ và đóng luôn cửa hàng vì thiếu vốn để có thể hoạt động lại. 

Nhìn lại thời gian qua, Nước Mỹ đã viện trợ hơn 7,5 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và những khoản hỗ trợ khác giá trị tới 27 triệu đô la (thông tin trên một tờ báo Việt) để giúp cho Việt Nam. Dẫu cho sự phân phối có thể không chi tiết, rõ ràng đến người dân, nhưng đã có rất nhiều thành phần được hỗ trợ tiêm chủng. Một hành động hết sức nhân văn của Nước Mỹ đã ghi lại trong tâm trí Bé và nhiều người Việt, sự tương trợ của mọi thành phần trong quốc gia này đã dành cho nước Việt. Bé được biết, ngoài những gì bên chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ, yểm trợ thì chính những Kiều bào cũng có biết bao hoạt động “Đi bộ gây quỹ hỗ trợ Việt Nam" ở một số tiểu bang, những chương trình ca hát và sinh hoạt của các văn nghệ sĩ như cách đóng góp thiết thực, những mảnh vườn cây ăn trái được đóng gói bán cho bà con ở các Tiểu bang xung quanh để ủng hộ cho một nguồn quỹ cứu trợ người nghèo ở quê hương,... Vâng, còn rất nhiều sự đóng góp vẫn âm thầm và đều đặn, sự cho đi của mọi người cao thượng hơn, quảng đại hơn rất nhiều lần so với những gì trước đây họ được nhận. Nhưng trong hoàn cảnh mây đen đang che lấp bầu trời Việt, đặc biệt Sài Gòn thân thương, mọi người đã quên đi những vết thương xưa với phép tính trừ, chỉ còn chú tâm làm thêm phép toán cộng của yêu thương, phép tính nhân của sự đùm bọc và phép tính chia của chia sẻ và trao tặng,... Hẳn rằng, có rất nhiều người muốn gửi lời cám ơn và lòng biết ơn đến Nước Mỹ cùng các vị ân nhân nhưng họ không có những phương tiện và hạn chế bởi các kênh truyền thông để làm điều này. Cũng chỉ còn một tháng nữa là đến ngày lễ Thanksgiving trên đất Mỹ, Bé muốn thay lời cho tất cả những thân hữu, bạn bè và những người vô gia cư, nghèo khó đã nhận ơn để gửi một lời tri ân và cám ơn chân thành đến Nước Mỹ, đến quý đồng hương Việt đã và đang còn rộng tay cưu mang, giúp đỡ người dân Việt trong cơn dịch bệnh.

Cùng với thông điệp của mùa Thanksgiving, Bé ước mong một sự ấm áp và an bình tràn ngập từng mái nhà qua ô cửa kính mà những ngọn nến lấp lánh được thắp lên trên đất Mỹ, nơi từng tổ ấm của Kiều bào Việt bên cạnh chiếc bánh Pumpkin Pie, Gà Tây Turkey , rau củ nướng,... Ở nơi đó là một tâm tình chan hòa, một nụ cười tươi thắm khi nghe và nhìn về quê hương, nơi mình xuất phát, gắn bó và xây đắp cho bao cuộc đời, hy vọng cho những mầm xanh và tuổi trẻ luôn biết vươn lên để sống cho những điều cao quý hơn… 
 

No comments:

Post a Comment