__________________________
TRẦN BANG THẠCH
TỪ
HOUSTON NGHĨ VỀ 1 ĐIỀU ĐÃ MẤT
Một ngày thượng tuần tháng 8, ông bạn từ Rạch Giá gởi email cho tôi với tấm ảnh gọi là Hòn Phụ Tử. Hình ảnh không giống với những gì tôi biết. Hôm đó tôi nhớ mình về nhà sau đúng 16 tiếng kéo cày trong sở làm. Trọn 1 đêm không ngủ cộng với 1 buổi sáng và 1 buổi trưa trong căn phòng làm việc dây điện chằn chịt, nút xanh, nút đỏ, máy móc chạy rì rì rè rè. Thường thì sau những ngày làm việc vừa dài, vừa căng thẳng như vậy, về tới nhà chỉ đọc lướt mấy cái email mới, rồi vội vã đi tắm và đi ngủ. Nhưng hôm đó nằm trên giường trằn trọc mãi, mắt nhắm mà tâm trí tỉnh bơ. Tôi trở lại màn hình in to cái Hòn-Phụ-Tử-Đã-Khác nầy. Cái khác rõ nhất là Hòn Phụ bây giờ là đống đá vụn. Chỉ còn 1 Hòn Tử đứng chơ vơ một mình. Email nói lúc 3 giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 2006 Hòn Phụ đỗ; phần còn lại cao chừng 13 thước. Càng nhìn ảnh càng đau lòng. Không ngủ được. Hình như tôi đã thức theo cái tâm trạng vừa đau, vừa tiếc.
Không
như miền Bắc hay miền Trung, nhiều danh lam thắng cảnh, đi hoài không xem hết,
kể mãi cũng không xong. Thắng cảnh ở miền Nam đếm không đủ 5 đầu ngón tay. Núi
Sam Châu Đốc, Hòn Phụ Tử Hà Tiên, Chùa Dơi Sóc Trăng. Ít như vậy mà tôi, vốn
sanh trưởng ở miền Nam, chỉ biết và thấy núi Sam nhờ có vài năm làm việc ở Châu
Đốc. Còn những nơi khác thì chỉ thấy qua hình ảnh. Hồi nhỏ tôi đã mê Hòn Phụ Tử
qua các tranh vẽ hay các tấm ảnh chụp. Tôi còn ngưỡng phục Hòn Phụ Tử qua những
câu chuyện kể về tình nghĩa cha con. Một phần có lẽ tôi đã thiếu cha từ hai, ba
tuổi. Tôi đã ao ước được như thằng bạn cùng xóm: có cha dẫn đi học hay thậm chí
để mình được cha đánh đòn. Có một chuyện kể rằng: Người cha ra đi vì sông núi.
Người con lặn lội đi tìm cha. Và họ đã gặp nhau. Giữa trời nước bao la, hai cha
con ngàn đời đứng bên nhau, thương yêu nhau, bao bọc nhau giữa chập chùng sóng
nước, nắng mưa. Họ đã thành Hòn Phụ Tử. Tình đẹp mà cảnh cũng đẹp. Từ những năm
tiểu học tôi đã có tấm ảnh Hòn Phụ Tử đen trắng đã cũ, loại carte postale. Nhiếp
ảnh gia đã khéo léo đứng ở một góc độ nào đó để chụp Hòn Phụ có dáng đứng nghiêng
về phía Hòn Tử. Còn Hòn Tử thì như dụi đầu vào ngực cha. Tấm ảnh tôi đã ghim trên
tường trước bàn học và đã giữ mấy chục năm cho tới khi rời nước. Mấy chục năm tôi
chỉ thấy Hòn Phụ Tử nầy, thấy cha con nương tựa nhau. Và cũng mấy chục năm từ
thuở đó tôi đã từng lòng dặn lòng là phải đi Hà Tiên để thấy tận mắt Hòn Phụ Tử
bằng xương bằng thịt. Ở hải ngoại, mấy chục năm qua tôi cũng đã mong có chuyến
trở về quê hương để được thực hiện ước mơ ngày trước là được rờ, được chạm vào biểu
tượng tình cha con nầy, điều mà tôi chưa hề có trong đời. Giờ tính lại, thử cộng
bao nhiêu cái mấy chục đó cũng chưa thành con số 1: Một lần nhìn gần, đứng gần
để ôm Hòn Phụ Tử.
Hôm
nay thì hết rồi! Sẽ không có dịp nào nữa hết cho tôi. Tôi biết mình đã mất một
cái rất lớn. Tiếc một cái rất lớn. Thương, tiếc cho hai hòn đá ngoài khơi thì ít
mà thương cho cái ước mộng mấy mươi năm của mình thì nhiều.
Rồi
lại nghe người nào đó ngoài nầy hiến 1 tỷ bạc để dựng lại Hòn Phụ. Nghe nhà nước
có dự án phục chế Hòn Phụ, làm cho Hòn Phụ Tử “cực kỳ hoành tráng hơn trước”! Càng
nghe càng đau lòng. Đã bảo là di tích thì giá trị của nó chính là ở đó. Ở chính
cái di tích đó. Ở chính cái lịch sử ngàn năm của nó. Những cốt sắt, những xi măng,
gạch đá, những bàn tay nghệ nhân với máy móc hiện đại chắc chắn sẽ tạo thành một
Hòn-Phụ-Mới. Một Hòn-Phụ-Khác. Hòn Phụ mơ ước của tôi đã chết theo những tấn đá
vụn ngày 9 tháng 8 năm 2006. Sẽ không có gì thay thế được. Họa chăng vài trăm năm
sau các trẻ con sẽ nghe một truyền thuyết khác để cắt nghĩa sự vắng mặt của người
cha cũ, chẳng hạn như “người cha đã ra đi
giữa cơn bão dữ nhưng vì thương nhớ con mà lặn lội trở về”. Hay nói theo
văn chương hiện thực xã hội: “Người cha
trở về sau khi đã ra đi để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa. Nay thành công
rồi cha trở lại với con”. Đại để là như vậy để Hòn Phụ Tử trở lại làm một di tích lịch sử! Nghe chuyện, những
ai đau lòng thì đã chết từ trăm năm trước!
Có
một bài viết của Cao Vị Khanh, vốn là thầy giáo ở Rạch Giá, tôi rất tâm đắc ở đoạn
nầy: “Em nhỏ, em có biết tại sao vậy
không, những chùa chiềng, đền đài, tượng đồng, những con hạc gỗ, những đồ sứ, đồ
sành…những cổ vật vốn vô tri nhưng hữu hình vì thường chứa đựng trong nó cả lịch
sử của một dân tộc mà bất cứ một người văn minh nào cũng trân trọng gìn giữ lại
bị đập thành nhiều mãnh. Vì ở quê hương của em, từ hai thập kỷ qua, những kỷ vật
đó đã trở thành một món hàng thời thượng. Khi nghe em hứa sẽ đi thăm những chùa
chiềng, tượng Phật thay cha, tôi muốn rưng rưng…(CVK, “Bonjour Vietnam”, Thư
Quán Bản Thảo số 24, tr32).
Tôi
sợ sẽ có ngày tôi còn sống để nghe một cháu Việt kiều vừa từ Việt Nam trở về, kề
sát vào cái tai già điếc của tôi mà nói: “Cụ ơi, cái Hòn Phụ Tử đẹp quá chừng!”.
Bắt chước bạn già CVK của tôi, tôi cũng sẽ rưng rung. Muốn sệu sạo nói với cháu
là đập thành nhiều mãnh hay lơ là không biết bảo vệ hay giữ gìn di tích lịch sử
thì đâu có khác gì nhau. Người ta làm công việc gọi là phục chế, chẳng qua là
chỉ muốn móc bóp của những du khách như cháu thôi.
Gần
đây tôi có đọc một tùy bút hay của nhà văn Phan Lạc Tiếp, có đoạn nói về những
du khách viếng Giang Tô thường hay đến viếng chùa Hàn San để nhìn tận mắt một cái
chuông. Những người nầy đã nghe hay đã đọc một bài thơ nổi tiếng của Trương Kế
đời Thịnh Đường, bài Phong Kiều Dạ Bạc. Bài thơ chỉ có 4 câu, xin nhắc lại:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Bản
dịch của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Đêm
đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chúa Hàn San
Chính vì bài thơ quá hay nên
tiếng chuông chùa của Hàn San cũng thành nổi tiếng. Trương Kế mất năm 756. Bài
thơ “Đêm đậu thuyền ờ Bến Phong Kiều” trên đây chắc hẳn phải sống hơn 1250 năm
rồi. Gần 13 thế kỷ trôi qua mà vẫn có nhiều ngươi xếp hàng trước chùa Hàn San để
được vào gác chuông tận mắt nhìn “cái
chuông ấy” và đã thất vọng khi thấy gác chuông toàn là những chuông mới do
khách thập phương hiến tặng. Người ta thất vọng là phải. Người ta, qua một kiệt
tác văn chương, đã thương cảm tiếng chuông cũ, tiếng chuông của Trương Kế. Tiếng
chuông phát ra văng vẳng bên tai Trương Kế khi người thi sĩ tài hoa nầy đang chìm
đắm trong hồn thơ. Tiếng chuông trong một khắc giây định mệnh đã gặp gỡ hồn thơ
Trương Kế mà tạo ra một Phong Kiều Dạ Bạc để đời. Người ta muốn thấy, muốn nhìn,
muốn rờ, muốn ôm cái chuông đã phát ra tiếng
chuông ấy, cái chuông của ngàn năm trước. Hàng ngàn cái chuông lấp lánh khác,
dù có nạm vàng, dát ngọc cũng chẳng có nghĩa lý gì, vì sự thật chúng chẳng có một
chút gì là Phong Kiều Dạ Bạc.
Người ta cũng nói tới Hòn
Vọng Phu đã bị cụt mất đầu, và cái đầu mới đã được tháp vào. Thêm một nỗi ngậm
ngùi!!!
Cũng chợt nhớ 4 câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng:
Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu
Từng chung dòng lệ thắm vai nhau
Mà trong mắt liếc ngờ quan ải
Nhịp thở ân tình cũng biển dâu
Đó, thắm thiết nhau đến như vậy, chỉ một mắt liếc ngờ mà dù có đang cùng
một nhịp thở ân tình thì cũng coi như xa lạ mà thôi. Huống gì những cái
chuông giả và một cái gọi là Hòn Phụ Tử tân tạo với 1 thân người giả. Hay cái đầu
giả của nàng Tô Thị. Còn đó mà khác gì đã mất đâu!
Càng nghĩ càng nhớ tha thiết tấm ảnh trắng đen trong phòng học
hơn nửa thế kỷ trước đã bị thất lạc. Ít nhứt tấm ảnh cũng là một phần tâm tình
của mình một đời. Ảnh cũ đã mất! Di tích ngàn năm cũng mất! Nỗi ân hận của người
gần cả đời mong ước đến tận nơi ngắm nhìn thì mãi còn.
Trần Bang Thạch
Cám ơn TL & Tha Hương
ReplyDeletetbt
Cám ơn Sư Huynh đã cho đọc một bài viết thật ý nghĩa và sâu sắc, một lần nào đó anh em mình về VN và làm một chuyến du lịch Hà Tiên nha Huynh, rủ thêm bà chị Kim Quang đi cùng thì vui biết chừng nào Huynh nhi?
ReplyDeleteMong rằng chúng ta vẫn còn có lần gặp lại nhau như lần nào Hội Ngộ Rạch giá nghe Huynh
Mong lắm thay
TL
Tâm trang chị cuốn hút theo bài viết của TBT. Dù biết mọi thứ đều không vỉnh viển tồn tại. Sao vẫn cứ thấy tiếc nuối quá khứ
ReplyDeleteGiấc mơ của TL rất thú vị, nhưng lúc đó chị lên bàn thờ rồi hé lão đệ
Đọc bài viết của Thầy mà lòng cảm xúc, ngậm ngùi . Tiếc nhớ Hòn Phụ Tử , Hà Tiên mà một lần thăm viếng. Lúc đó còn nhỏ nhìn để mà nhìn, không có cái cảm xúc như Thầy cảm nghĩ, có vì không có tâm trạng của một người con mất cha thời thơ ấu, nay đọc bài của Thầy cảm thấy xót xa, một đi tích lịch sử đã mất dù đã được trùng tu lại,
ReplyDeleteCám ơn Thầy