__________________
Truyện . Trần Bang Thạch
HOUSTON, 1978.
Cuối cùng anh chị T cũng
mua được căn nhà trên đường Bush. Sáng hôm ấy, trước khi tới văn phòng địa ốc
hoàn tất hồ sơ mua nhà, chị T bất ngờ nhón gót hun một cái đánh chóc vào má
trái anh T rồi mới cùng anh ra khỏi căn chung cư, tới chỗ đậu xe. Anh T chọc
vợ:
“Mỹ hóa mau quá vậy! Hì, hì. Mới có sáu tháng trên đất Mỹ thôi mà!”
Chị T nhìn chồng, mỉm cười
ý nhị. Chị biết chồng mình đang nghĩ gì. Ít nhứt chị cũng biết anh T đang sung
sướng trong lòng. Hơn 16 năm làm vợ, cộng với 20 năm làm bạn chòm xóm trước đó,
chị T biết tõng cái anh chàng nầy lúc nào vui, lúc nào buồn. Lúc buồn thì anh T
không nói một lời nào. Buồn nửa ngày thì cấm khẩu nửa ngày. Buồn một ngày thì tìm
việc mà làm suốt ngày, làm một mình, làm cật lực. Buồn kiểu nầy thì có lợi cho
gia đình vô cùng: bao nhiêu chuyện anh bỏ dở dang từ lâu, bỗng nhiên được thanh
toán hết; vợ khỏi phải cằn nhằn, kêu réo. Còn khi vui thì dù anh không nói
huyên thuyên thì chị vợ cũng biết được khi thấy đôi vành tai cong cong của anh:
nó đỏ lên như cặp ớt sừng trâu chín cây, lại nhúc nhích từng hồi. Hôm nay chị T biết chồng đang vui vì đã thực
hiện được ước muốn to tát đầu tiên của vợ trên đất Mỹ: sắp làm chủ căn nhà trên
đường Bush. Nói rằng chị T muốn cái nhà thì e rằng chưa đúng lắm, chị muốn là
muốn cái cảnh trí xung quanh căn nhà, từ trong nhà tới ngoài ngõ; chớ nhà cửa ở
đây cái nào cũng tương tợ như cái ấy.Thật vậy, trước hết chị T thích con đường,
sau đó là cây kiểng phía trước và vườn rau xanh sau nhà.
Mọi sự bắt đầu vào buổi
trưa hôm ấy, buổi trưa cách đây hơn hai tháng, nghĩa là non bốn tháng gia đình
anh chị T đến Houston từ trại tị nạn Songkhla ở Thái Lan. Hôm ấy anh T chở vợ
đi làm ngày đầu tiên, ca hai, ở xưởng chế tạo đinh, ốc, bù lon. Anh T thì đã
làm ở đó sau một tuần đến Mỹ. Có lẽ ngài xếp Mễ thấy anh siêng năng, cần mẫn,
tháo vát, chịu cực…tưởng vợ anh cũng vậy, nên nhân lúc cần người ngồi đếm bù
lon, xếp bèn mướn chị T luôn cho gọn, tiện cả đôi đàng. Mướn người ít tiếng Mỹ
khỏi nghe chửi lộn! Lần đầu tiên trong đời, ngồi trên xe hơi đi làm cho sở Mỹ,
chị T nôn quá, nghe ruột gan mình như muốn lộn tùng phèo. Lo quá, không biết ăn
nói, làm lụng ra sao đây. Ngồi mấy tháng ở nhà xài tiền phút tem chị T thấy nó
kỳ kỳ làm sao. Lúc chị T đương nghĩ tới cái check có in tên mình hẳn hoi, lúc
chiếc xe cà tàng Datsun B210 vừa quẹo vào đường Bush để tấp vào bãi đậu xe phía
sau lưng hãng đinh ốc, thì chị T như bị điện giựt. Chị nhóng cao cổ hơn, nhìn
dáo dác hai bên đường.
“Trời ơi, đẹp quá anh ơi! Đẹp
quá cỡ thợ mộc anh ơi!” Chị T chỉ nói một câu ngắn ngủn như vậy nhưng anh T
hiểu hết, hiểu trọn vẹn cái chữ “đẹp” vừa nghe vợ thốt ra. Mấy tháng nay lái xe
đi làm trên con đường Bush này, anh T cũng đã thấy cái đẹp của nó.
Con đường Bush ngắn, hẹp,
dài chừng một dặm, cây cối sầm uất, nhà cửa lác đác, cũ kỹ. Nhưng cái nầy mới
là điều đáng nói: Hai hàng me keo. Phải, hai hàng me keo nghênh ngang, tầm
thước, mượt mà, xanh tươi hai bên đường, giao ngọn chạy thẳng tắp suốt con
đường Bush nầy. Con đường rợp bóng mát giữa cái trưa oi nồng của Texas. Vợ
chồng anh T tự dưng im lặng. Anh T cũng tự dưng cho xe chạy từ từ. Đối với hai
người, giây phút nầy, con đường Bush đang hóa thân thành một con đường khác. Con
đường đang ở thật xa, cách trùng trùng bờ bãi. Con đường ấy đã là máu, là thịt,
là xương, là da của anh chị T từ những ngày mở mắt chào đời, từ những ngày mới
lớn, rồi thành vợ thành chồng, sanh con đẻ cái. Con đường mà mới hơn mười tháng
nay anh chị T và đàn con phải bỏ lại sau lưng, bỏ lại vĩnh viễn. Con đường ấy
cũng dài chừng một dặm, nối liền thị trấn Hòa Hảo với bến chợ Cái Dầu bằng
chiếc bắc nhỏ. Con đường rợp bóng me keo có tiếng ve râm ran suốt mùa hè và
biến thành dòng sông cạn vào mùa nước nổi. Con đường me keo đó bây giờ đang ở
đây. Trời ơi, ai đã bứng hai hàng me keo thân thương đó đem trồng trên con
đường Bush lạ hoắc nơi đất nước lạ lơ nầy? Những cây me keo đó, cũng như gia
đình anh T, đã vượt biển sang đây? Hay chính hai con tim của đôi vợ chồng trung
niên nầy đang lần mò trở về cố xứ?
Hôm đó, hôm đầu tiên có mặt
trên đường Bush, gần nửa đêm tan sở trở về nhà, chị T không sao ngủ được. Chị
mong mau đến sáng, rồi đến trưa để được trở lại con đường rợp bóng me keo.
Những ngày sau đó, đi trên đường Bush mà chị T như thấy mình đang lượn lờ dưới
bóng mát quê xưa.
Rồi một tình cờ kỳ diệu,
nhân một bữa cơm chiều tại nhà ăn chung trong hãng đinh ốc, ông cai người Hoa
tên Wang bỗng oang oang lên là ổng đang mua ngôi nhà mới, ổng muốn bán căn nhà
đang ở. Căn nhà nằm trên đường Bush. Chị T đang và miếng cơm vào miệng bỗng
khựng lại. Đối diện với chị, anh T chưa kịp cắn trái ớt hiểm đã để rơi xuống
chén cơm. Anh chị T cùng lúc nhìn nhau như hai tia chớp ngược chiều; rồi đôi
nhỡn tuyến xoay nhanh 45 độ, chiếu thẳng vào ông Wang đang ngồi ở đầu bàn. Anh
chị T không nói một lời mà như đã nói thật to cho chính họ nghe: Căn nhà trên
đường Bush.
Rồi những đêm dài trằn trọc,
tính toán, những tới lui nhìn ngắm căn nhà năm lần bảy lượt. Rồi những giấy tờ
mua bán hoàn thành. Bây giờ thì anh chị T và ba con đã có một cơ ngơi vừa ý.
Căn nhà nằm cuối đường Bush. Nhà nhỏ, cũ, hai phòng ngủ và một nhà để xe. Nhà
thuộc loại “frame house” nên giá rẻ, nhờ vậy anh chị T mới đủ điều kiện mua dễ
dàng. Ngoài dãy me keo chạy trước cửa nhà, căn nhà còn có nhiều cái rất là “quê
hương”. Cây cầu với những thanh gỗ dày hình dáng nửa vầng trăng lật úp nằm vắt
ngang con mương cạn. Cây cầu nối liền con đường xe chạy với vườn cây kiểng
trước nhà. Thành cầu là những ống đồng vàng óng ánh có hai con rồng trắng bạc
chạy dọc theo hai bên. Chiếc cổng vào nhà hình chữ Đinh với giàn hoa giấy đầy
bông tim tím. Dãy hàng rào bằng cây hoa mẫu đơn che kín vuông sân truớc với
những thảm cỏ xanh mượt mà, được cắt tỉa vén khéo. Giữa các thảm cỏ là những
khóm vạn thọ, cúc đại đóa, hoa thuỷ tiên, dạ lý hương… Anh T thích nhứt hai
khóm trúc thân vàng óng, lá xanh lục vươn cao khỏi cây cột đầu hồi hai bên nhà
phía trước. Chị T thì thích vô cùng cây mimosa, mà chị nhứt định gọi là cây điệp,
đang tỏa rộng tán lá ở giữa sân, bông nhuộm tím cả một khoảng trời. Cái sân nầy
cũng là hình bóng của mảng sân nơi nhà chị T đã sống suốt tuổi thiếu thời với
gốc điệp to bằng một vòng tay người lớn. Khoảng sân sau cũng là điều ngạc nhiên
thích thú. Đó là cả một vườn rau xanh tươi tốt. Sả, húng, ngò om, quế, mồng
tơi… khổ qua, bầu bí vài mươi trái treo lủng lẳng trên giàn.
Sống trong một căn nhà có
con đường đầy bóng me keo, xung quanh là cây kiểng, là rau quả như ở bên nhà,
anh chị T thấy mình vẫn còn gần gũi với quê hương. Có điều căn nhà hơi nhỏ so
với một gia đình năm người. Điều nầy anh T có tính: Trước hết anh sẽ sửa cái
nhà xe thành một phòng cho hai thằng con trai. Như vậy là tạm ổn bây giờ. Đến
khi các con lớn hơn, cần phòng riêng, anh sẽ nối phía sau thành một phòng nữa.
Khi có dâu, có rể, nếu cần anh sẽ thu nhỏ vườn rau lại để cứ thế mà làm thêm
phòng. Thêm người thì cất thêm phòng, có sao đâu. Ở đông cho vui cửa vui nhà.
Như ở Việt nam mình vậy. Anh T còn nghĩ tới góc sân sau bên phải sẽ là nơi rất
tốt để làm thành một sân chơi với xích đu, cầu tuột…cho các cháu nội, ngoại sau
này.
Nhưng buồn thay, dự tính
sửa sang nhà cửa của anh T không bao giờ thực hiện được vì không thấy cần, dù
các con đã lớn, đã có vợ có chồng.
HOUSTON, 2004.
Bà T dừng lại giữa cầu, chờ
ông T mở khóa cánh cổng sắt dẫn vào sân nhà. Bà vuốt vuốt nhẹ thành cầu, hơi
đồng khoảng nửa đêm làm lòng bàn tay bà T hơi lạnh. Ánh đèn đường từ xa không
đủ sáng cho ông T tìm đúng cái chìa khóa cổng. Hơn nữa tay ông độ nầy có hơi
run, không còn nhanh nhẹn như trước; tháng trước đây vừa thay cặp kiếng mới mà
sao nhìn đâu cũng thấy lờ mờ. Vượt qua khoảng sân, ông T còn phải lục lọi tìm
chìa khóa mở cánh cửa sắt, rồi cánh cửa gỗ mới được bước hẳn vào nhà. Lúc nầy
hơi thiếu an ninh nên nhà cửa phải có nhiều lớp như vậy. Đêm nào cũng vậy, rời
xưởng làm lúc 11 giờ rưỡi, ông bà T chỉ tốn 10 phút để đi bộ về nhà. Cứ như vậy
mỗi tuần 5 ngày, đã 26 năm nay. Mấy năm trước mỗi đêm khi biết cha mẹ sắp về,
các con đã mở sẵn cánh cổng sắt, bật sáng ngọn đèn trước hiên nhà. Bây giờ thì
khắp quanh nhà tối om. Trong nhà cũng không sáng sủa gì. Căn nhà im lìm, tối
tăm quá. Ông bà T bây giờ cũng im lìm, ít nói. Sáng, trưa, chiều, tối nhìn
quanh nhìn quất, chỉ ông thấy bà, bà thấy ông trong căn nhà mang cả một quê
hương mộng tưởng này. Căn nhà tưởng quá nhỏ lúc mới mua, bây giờ thì quá rộng.
Hai mươi mấy năm nay nào ông T có thêm thắt phòng ốc gì đâu. Chẳng qua các con
ông đã lần lượt ra đi, lần lượt xa rời vú mẹ. Đứa con trai lớn đi làm xa, mỗi năm
về nhà một đôi lần, ở chơi năm ba bữa rồi đi. Đứa con gái cùng chồng có nhà ở
một vùng khác của thành phố. Thằng Út thì mãi còn đeo đuổi việc học ở một thành
phố khác. Ông T còn nhớ, lúc ông chưa đầy 20 tuổi, ra trường sư phạm cấp tốc đi
dạy ở một xã xa nhà, ông đã cố tìm người hoán chuyển để được về xã nhà, các anh
chị em của ông cũng vậy, đều sống quây quần quanh ngôi nhà tổ phụ, vui cùng
hưởng, khổ cùng lo. Còn các cô cậu ở đây thì khác nhiều quá. Những cái khác nầy
thật là đau lòng. Năm bảy năm trước, lúc các con còn ở nhà chúng muốn cha mẹ
mua một căn nhà mới xây rộng hơn, khang trang hơn, ở một khu sáng sủa, đẹp đẽ
hơn. Lúc đó ông bà T suy nghĩ thật nhiều. Nhiều năm ở Mỹ, ông bà T đã thấy cái
cảnh những đôi vợ chồng già thui thủi sống với nhau, thiếu vắng con cái. Hơn
nữa căn nhà nầy, từ sân trước, vườn sau, con đường, cái cổng…là phóng ảnh của
một quê hương cũ, một quê hương bỏ lại. Một lần rời bỏ quê hương đã là một quặn
đau từng khúc ruột. Trong một ảo tưởng ngọt ngào, ông bà T đã cảm thấy thật may
mắn có được một chút quê hương gần gũi với mình trên đất nước xa lạ này. Bà T
đã đầu đội nón lá, tay cuốc, tay dao chăm sóc mảnh vườn rau sau nhà. Ông T đầu
trần chân đất vun quén vườn cây cảnh phía trước. Buổi sáng khi vừng đông vừa ló
dạng, ông bà T nhàn nhã tản bộ dưới vòm me keo trên đường, nói đủ thứ chuyện.
Từ một năm trở lại đây, tự
biết sức khỏe mình mỗi ngày mỗi kém, ông T thường gọi điện thoại nói xa nói gần
với các con. Ông nói về tuổi già sức yếu của cha mẹ, nói về cảnh nhà vắng vẻ,
về cái cây khô sau nhà ông chưa hạ xuống được, về một khỏan hàng rào phía sau
đã gãy… Chúng nghe, rồi vâng, vâng, dạ dạ, ậm ậm, ừ ừ. Ông T không biết các con
mình có hiểu hết những điều ông muốn nói, hay những gì ông không thể nói vì tự
ái của người cha. Cái cây khô, lỗ hàng rào vẫn còn nguyên đó. Chẳng lẽ nói
thẳng với các con rằng: các con sắp mất hẳn người cha người mẹ nầy rồi đó, liệu
mà ngó ngàng viếng thăm, kẻo trễ! Các con ông có nhận biết cha mẹ chúng đang
bước lần vào cái tuổi già bóng xế để bất cứ lúc nào cũng có thể vào nằm trong
áo quan?
Ông T biết vợ ông cũng có
những tâm sự như ông. Nhiều đêm thanh vắng, ông nghe vợ buông những tiếng thở
dài. Những ngày cuối tuần, như một thói quen, bà T thường nấu món nầy, món nọ,
đợi các con về. Có khi chúng về, có nhiều khi không. Thức ăn dư thừa bà có thể
đổ đi, còn nỗi buồn của người mẹ càng già nua càng thui thủi, càng thiếu vắng
con cái, thì nỗi buồn đó bà biết đổ đi đâu!? Bà đã từng ngày âm thầm đem nỗi
buồn ấy chất chứa trong lòng, ấp ủ trong tim, trong óc. Nhiều khi không dằn
được, bà T đã khóc như đứa con nít khi nhìn nồi bún rêu còn y nguyên trên bếp.
Hai ông bà có buồn thì chỉ
còn biết than thở với nhau.
“Mai đây thiếu tui trong căn nhà này,
không biết bà sẽ sống ra sao nữa, hã bà? Không lái được xe, không rành tiếng
Anh tiếng Mỹ, làm sao bà xuống phố mua được keo chao hay chai nước mắm? Rồi
những giấy tờ, biu biếc? Rồi ốm đau? Bất trắc? Tôi biết bà không kham nổi những
việc này. Một thân một mình trong nhà bà đâu dám nhờ người lạ giúp bà. Làm sao
bà đẩy nổi cái máy cắt cỏ? Lại còn cái tật hay buồn, hay lo của bà nữa? Đâu còn
tôi để an ủi, trấn an bà những khi ấy. Cái chứng nhức mỏi của bà cũng ngặt lắm
đa. Làm sao tôi còn có thể bóp giò, cẳng, chân, tay của bà đây? Ai sẽ nhắc bà
uống thuốc mỗi ngày đây? Tôi lo cái tánh hay quên của bà lắm. Rồi khi còn một
mình, mỗi sáng bà còn đi bách bộ dưới vòm me keo?”
“Ông nói làm chi mấy cái đó, nghe mà phát
rầu. Thôi thì tới đâu hay tới đó mà ông”.
HOUSTON, 2008
Cái đó thì đã đến rồi nhưng không
biết mọi sự sẽ tới đâu.
Điều hiện ra trước mắt bà T
bây giờ là cái bảng đáng ghét mới được cắm trước sân nhà. Người broker vừa vỗ
nhát búa cuối cùng xuống trụ sắt mang bảng “HOUSE FOR SALE”. Gã nhe hàm răng
trắng dã trên cái mặt đen mun cười cười với bà T, tay vẫy vẫy, nói: so long, so long, rồi lên xe đi
mất. Nhát búa ấy đã để lại trong lòng bà
T một hòn đá tảng. Cái bảng bán nhà thật là vô duyên trong vườn cây kiểng mà
chồng bà lúc sinh thời đã ân cần chăm sóc từ 30 năm nay. Vườn lúc nào cũng vén
gọn, không một cây cỏ dại. Hôm nay tấm bảng này là một cây cỏ dại quá lớn trước
mắt bà T. Có thật không? Có thật một ngày rất gần bà phải rời bỏ căn nhà nầy?
Rời bỏ vườn cây kiểng, rời bỏ những bầu, những mướp, những quế, những ngò…? Và
rời bỏ con đường rợp bóng me keo? Con đường từ 30 năm nay đã âm thầm nối một
mảnh quê hương của bà nơi làng Hoà Hảo với vùng đất Houston xứ người. Con đường
như một kẻ chung tình đã theo vợ chồng bà suốt đời từ quê nhà tới đất khách.
Hơn sáu mươi năm trước, một đôi con nít đã chơi trò chơi chồng vợ, đã chạy nhảy
tung tăng ở đó, dưới bóng mát me keo. Tiếp theo là một đôi tình nhân trẻ đã hẹn
hò ở đó trong những đêm trăng. Kết quả là đám cưới nhà quê của họ đã làm rộn rã
cả ngàn cánh ve đậu trên nhánh me keo hai bên đường. Rồi một cặp vợ chồng từ
trung niên tới lão niên ngày ngày hai lượt đi, về từ nhà đến hãng đinh ốc; sáng
sáng vừa đi bách bộ, vừa nghe tiếng chim hót trên ngọn me keo, vừa thấy lòng
mình đang mọc cánh bay về một thỏi cù lao bên bờ sông Hậu. Như vậy đó, ba mươi
năm. Như vậy đó mà bây giờ người lão bà này phải bỏ nó mà đi. Thật vậy sao? Có
thật vậy sao? Thuở trung niên bà đã một lần bỏ lại một mảng lớn kỷ niệm. Bây
giờ thêm một mảng kỷ niệm của 30 năm nơi xứ người, bà đã chắt chiu gìn giữ, bà
cũng phải sắp bỏ lại nữa sao? Và rồi, tuồi càng ngày càng dầy mà kỷ niệm càng
ngày càng mỏng, càng tiêu hao, khánh kiệt. Tự nhiên bà T muốn đi dạo một vòng.
Buổi chiều con đường thật ít xe qua lại. Từ ngày hãng đinh ốc đóng cửa hai ba
năm trước, con đường Bush như mất hết sinh khí. Hàng chục chiếc cầu con bắc qua
con mương trước nhà đã gãy. Lớp hắc ín đã trôi đi mất, để lộ mặt đường lởm chởm
đá, nhiều ổ gà. Nhà cửa hai bên đường dần dà thêm thưa thớt. Nhiều người đã bỏ
đi. Nhiều căn nhà cửa đóng quanh năm. Những hình vẽ cùng các chữ nghĩa lung
tung được sơn nguệch ngoạc trên cửa và trên vách ván. Những tiếng chó tru đêm
làm người nghe rùng mình. Bà T có nghe nói các băng đảng đã bén mảng tới đây.
Những cuộc thanh toán đã xảy ra. Có chủ nhà đã bị cướp giết chết. Ba mươi năm
đã có quá nhiều những thay đổi trên con đường dài một dặm nầy, nhưng có một
điều không hề đổi thay, đó là hai hàng me keo vẫn bám chặt rễ xuống đất, lá vẫn
xanh và vẫn chan hòa bóng mát. Vậy mà bà T sắp phải bỏ nó mà đi, phải cắt ruột
mà đi. Các con bà đâu muốn bà ở một mình trên một con đường đầy bóng tối. Dù
cho đó là con đường kỷ niệm.
Ở cái tuổi xế chiều này,
hình như bà T dần dần mất hết, chỉ còn một nhúm tro than của người ba sinh
hương lửa để mang theo cho tới cuối đời.
Trần Bang Thạch
Căn nhà trên đường Bush của tác giả Trần Bang Thạch cũng là căn nhà mơ ước của kẻ Tha Hương nhừng ngày đầu đặt chân trên đất khách và nỗi niềm của ông bà T trong bài chính là nỗi lòng của người Ly Hương
ReplyDeleteCám ơn huynh một bài viết thật nồng nàn tình tự cho mình, cho người, cho lữ khách trên đất tạm dung nầy ....