Links

Thursday, January 20, 2022

Màu Aó Cũ

 ______________________________

Web Bất Khuất


Bùi Đức Tính 

Năm 2014, có 2 vụ khủng bố nhắm vào quân đội, ngay trên đất nước Canada!

Vào ngày 20 tháng 10, tại Québec, hai quân nhân đi ngoài phố đã bị tên khủng bố dùng chiếc xe làm vũ khí tấn công. Một quân nhân được cứu sống, nhưng Chuẩn Úy Patrice Vincent đã bị tử thương.

Hai ngày sau, Hạ Sĩ Nathan Cirillo bị bắn chết, khi đang đứng gát Ngôi Mộ Chiến Sĩ Vô Danh tại Ottawa.

Cơ quan An ninh khuyến cáo tất cả quân nhân phải thận trọng nơi công cộng; không mặc quân phục, khi không có nhiệm vụ.

Sáng sớm hôm sau, David Ward, một cựu quân nhân, đã mặc lại màu áo cũ, chiếc áo trận đã bạc màu; tay không vũ khí, hiên ngang đứng gát Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Vô Danh tại Victory Square,Vancouver. Anh nói: “Mọi người đều có nỗi sợ hãi, kể cả những người lính. Chúng tôi chỉ không để nó ngăn cản mình! ... Chúng tôi thi hành nhiệm vụ của mình, và đó là lý do mà tôi có mặt tại nơi đây! … Ngay cả khi chúng tôi đã giải ngủ, chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận trách nhiệm. Chúng tôi trở về đây, để tưởng niệm chiến hữu của mình, và sẵn sàng sát cánh với đồng đội khi đang cần chúng tôi, ngay lúc này!”

Không sợ hãi trước đe dọa của quân khủng bố, tiếp nối gương can đảm của Hạ sĩ David Ward; hơn 300 cựu quân nhân đã tình nguyện, trở về đứng canh gát các Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, trên khắp Canada. Họ đã thay nhau đứng gát suốt 20 ngày; cho đến Remembrance Day, ngày 11 tháng 11…

Thêm một năm, vì cơn dịch cúm, Remembrance Day năm nay rồi cũng qua đi trong nghi lễ Tưởng Niệm trang trọng; dù có thưa vắng người tham dự, do phải giới hạn số người tập họp.

Chiến tranh nào cũng lắm tang thương, có hy sinh và có mất mát!

Câu chuyện “Màu Áo Cũ” để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm; để nhớ về ngày Lễ Remembrance Day năm 1997; để nhớ chiến hữu và tình đồng đội…




* * *


Tháng 11 năm này, trời lạnh và có tuyết sớm hơn hàng năm. Hồi đầu hôm, nhiệt độ nằm gần 1 độ C. Đến 3 giờ sáng thì xuống độ âm. Tôi nhìn ra đường phố bên ngoài. Đêm hôm qua đã không có tuyết rơi; nhưng trên cỏ, lối đi, kính xe… đều có phủ một lớp băng sáng trắng dưới ánh đèn đường. Hôm nay là lần đầu, chúng tôi được Royal Canadian Legion mời tham dự lễ Remembrance Day, tại Victory Square. Nơi đây có Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Vô Danh, và đây cũng là địa điểm tưởng niệm chính của tỉnh bang BC. Nghĩ đến cuộc diễn hành sáng này, tôi bồi hồi nhớ về thời còn trong quân trường.

Thời đó, Khóa chúng tôi được chọn tham dự diễn hành ngày Quân Lực. Sáng sớm ngày 19 tháng 6, cũng vào giờ này; chúng tôi đã thức, chuẩn bị di chuyển, và khoảng 4 giờ sáng thì về tới thủ đô Sài Gòn. Bốn khối diễn hành, mỗi khối 12 người hàng ngang và 12 người hàng dọc; tất cả đã tề chỉnh trong quân phục Đại Lễ, và đứng ngay trên Đại lộ Trần Hưng Đạo. Đứng đây, nhìn xéo bên kia đường thấy được các bích chương của rạp hát Hưng Đạo, sau lưng mình có cây xăng Shell… Sau một lúc đồng loạt di chuyển để điều chỉnh vị trí; tất cả đã sẵn sàng cho các nghi thức và diễn hành. Giá súng tại chỗ xong, mọi người được phép rời hàng. Nhưng, súng đâu người đó; cho nên khẩu lệnh “tự do bước!” cũng chỉ là tự do đứng, hay đi lanh quanh gần vị trí súng của mình.

- Ê!... Cà phê đây!

Nghe tiếng gọi quen thuộc, ngó lại thì thấy bạn mình đang bước nhanh tới với ly cà phê trên tay; tôi ngạc nhiên nhìn Vẹn:

- Ủa… mày không ở lại trường à?

- Điểm danh thiếu quân số. Tao tình nguyện ra Sài Gòn với mày… cho vui!

Tôi đưa tay đón lấy ly cà phê:

- Tình quá!

Cà phê làm mình thấy nhớ và thèm điếu thuốc. Từ lúc lên quân xa để về Sài Gòn đến giờ, không ai có thuốc để hút; bộ quân phục Đại Lễ, chẳng có túi ngoài hay trong, không túi trên hay túi dưới nào cả. Tôi bèn hạ giọng:

- Cho… điếu thuốc trước đi bạn hiền!

Nghe vậy, bạn tôi sốt sắng mở nút nấp túi áo trận để lấy thuốc hút cho tôi. Màu rượu đỏ đài các cùng hàng chữ trắng Pall Mall, làm bầu trời còn đang tờ mờ sáng chợt bừng lên ánh bình minh. Tôi trố mắt vui mừng nhìn gói thuốc và buột miệng:

- Quá đã!... Ra đây,… chơi sang với em gái Sài Gòn há!

Vẹn ngó tôi làm mặt nghiêm:

- Mày muốn có thuốc hút hay không, thì nói đi!

Nghe thì gay gắt như vậy, chứ bàn tay Vẹn vẫn chìa gói thuốc cho tôi. Tôi cười làm thân nói cám ơn bạn mình, và cầm lấy gói Pall Mall. Thuốc hãy còn nhiều lắm. Tôi ngắm nghía cái bao giấy bóng láng, góc cạnh còn thẳng thớm; rồi nhón lấy một điếu. Vẹn bật quẹt giúp tôi mồi thuốc, thân mật:

- Hút đi… ông!

Tôi kéo một hơi thuốc thật là sảng khoái!

Điếu thuốc thon dài trông thật gợi cảm. Nó dài như điếu thuốc có thêm đầu lọc, nhưng lại không có đầu lọc; nên khói thuốc hút vào không nóng mà thật đậm đà. Chất thuốc và vị cà phê hòa quyện lấy nhau thật tình tứ; nồng nàn trong hơi thở, mê hoặc ánh mắt, quyến rũ bờ môi… Khói thuốc nhuộm vàng ngón tay, ướp thấm trong giòng máu, làm trí óc thức tỉnh như được truyền thêm nhựa sống. Không biết có phải nhờ vậy, mà văn nghệ sĩ tìm được những vần thơ thanh thoát, những điệu nhạc trữ tình, hay dòng văn chương trào dâng bất tận. Ly cà phê có sữa, ngọt béo, nhưng chất cà phê vẫn còn đậm đắng và thơm lừng hương vị cà phê. Tôi nhắm nháp chút ít, rồi đưa ly cà phê lại cho bạn mình…

Ngoài quân số diễn hành, còn có một toán khóa sinh mặc quân phục tác chiến tháp tùng, để giúp chúng tôi khi cần. Vẹn cũng tình nguyện đi theo cùng, cho có bạn với tôi. Tôi nhìn mấy anh chàng mặc đồ trận, ngồi tựa lưng và co duỗi chân trong các hàng quán, hay ngồi ngay trên lề đường phì phà thuốc lá mà… phát thèm; các bạn mình lúc này sao trông thoải mái quá!

Bọn tôi, ngay cả lúc bước chân đi, ai cũng phải thận trọng; tránh cạ trầy hay làm mờ ố đôi giày da đen bóng, bóng như gương. Đã không ngồi được như các bạn ấy, lại còn phải giới hạn về việc ăn uống bên ngoài quân trường, vì nhiều lý do. Bộ quân phục Đại Lễ cần có người phụ giúp khi mặc vào; nó giữ thân người gần như thẳng cứng. Cũng vì thế, mấy chiếc quân xa chở chúng tôi hồi sáng này đều phải xếp ghế lên hết, để có chỗ cho chúng tôi đứng. Đứng từ Vũ Đình Trường, trên đồi Tăng Nhơn Phú, cho tới thủ đô Sài Gòn; cứ thế, không đi thì đứng suốt, cho tới khi chúng tôi về lại quân trường. Hôm ấy, diễn hành trên Đại lộ Trần Hưng Đạo xong; lúc đứng tại đường Nguyễn Huệ, để chờ xe đưa trở lại quân trường thì trời mưa rất lớn, ướt đẫm cả bộ đồ Đại Lễ…

Từ 4 giờ sáng tại Sài Gòn, về tới Trường đã gần 2 giờ trưa; một ngày dài, chỉ được đi và đứng.

Thao dợt diễn hành cũng dài; suốt một tháng tập ráo riết tại quân trường, cộng thêm một ngày thao dợt cùng với các đơn vị bạn. Ngày Tổng Dợt, trên xa lộ Đại Hàn, chúng tôi đã ra trước khu Đường Sơn Quán để tập từ sáng. Đến 2 giờ trưa có thêm đơn vị Quân Cảnh. Sau Quân Cảnh chừng 1 giờ, thì đơn vị Người Nhái đến cùng tham dự tổng dợt, và diễn hành với xuồng cao su ZODIAC chở trên quân xa …

Nắng Vũ Đình Trường nung đốt da thịt và hơi thở. Áo trận ướt đẫm mồ hôi, như vắt thành nước được. Mồ hôi đóng thành những vòng muối trắng như bọt biển. Trong tháng thao dợt diễn hành, chúng tôi được cấp thuốc muối để uống mỗi ngày, để bù vào lượng muối trong cơ thể đã bị thất thoát…
Hãy còn lắm kỷ niệm quân trường, về thao dợt và diễn hành Ngày Quân Lực!

. . .

Không như ở Việt Nam, đất nước nơi đây ở gần cực Bắc của trái đất; cho nên vào tháng ngày cuối năm thì tiết trời lạnh lắm, và đêm dài ngày vắn. Đã hơn 6 giờ sáng mà trời vẫn còn mờ tối. Tách cà phê sưởi ấm lòng bàn tay mình, và bên ngoài trời cũng có ấm hơn chút ít. Nhưng đến lúc tập họp để di chuyển tới Victory Square, thì trời lại lạnh xuống 0 độ; khi có gió thì càng lạnh hơn nhiều lắm. Mới sang tháng Mười Một được 11 ngày, thời tiết hãy còn trong mùa Thu. Tháng 11 nơi đây ít khi có tuyết rơi, nhưng năm này có tuyết sớm. Suốt đêm qua và sáng nay thời tiết cứ quanh quẩn ở độ đông lạnh, làm cho các mảng tuyết rơi mấy hôm trước chưa kịp tan hết, bây giờ bị đông cứng, nằm trắng trên mặt đất; trông như thành phố đã vào mùa Đông.

Để tưởng nhớ chiến sĩ trận vong, từ thứ Sáu cuối cùng của tháng 10, người dân Canada cài đóa hoa màu đỏ lên ngực áo, hay nơi gần nhất với trái tim mình; cho đến sau lễ tưởng niệm Remembrance Day, vào ngày 11 tháng 11. Cánh hoa đỏ ấy là “Poppy”, hay hoa Anh Túc, từ bài thơ "In Flanders Fields" của Y sĩ Trung tá John McCrae, thuộc quân lực Canada; ông viết hôm 3 tháng 5, năm 1915, khi hay tin bạn mình đã tử trận. Lời thơ cho người nằm xuống, và nhắn gởi các chiến hữu còn tiếp tục chiến đấu: hãy giữ gìn và vươn cao ngọn đuốc mang hồn thiêng tử sĩ. Trong cảnh tượng chiến trận khốc liệt quanh mình, giữa cái chết có sự sống. Niềm xúc động khi còn sống sót, để được nhìn thấy ánh hoàng hôn cuối ngày. Niềm hy vọng khi thấy mầm sống mới, được vươn lên từ tang tóc. Trên cánh đồng từng mảng lớn poppies vẫn trổ hoa. Cánh hoa màu đỏ như nhuộm thắm máu của những người lính đã tử thương. Từ ý thơ, cánh hoa Poppy đỏ đã trở thành biểu tượng tưởng niệm chiến sĩ trận vong; những chiến sĩ tranh đấu và hy sinh cho Tổ Quốc được trường tồn.
Họ là những anh hùng vô danh!

Từ thập niên 50, học sinh trung học tại miền Nam mình đều được học qua bài thơ có tựa đề là Anh Hùng Vô Danh; do Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết, dưới bút hiệu Đằng Phương, ấn hành trong sách giáo khoa. Bài thơ ấy có đề: Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc. Bài Anh Hùng Vô Danh được làm theo thể thơ tám chữ; với bốn câu đầu và đoạn cuối mà nhiều học sinh ngày trước đến giờ vẫn còn nhớ:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước
. . .
Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.


. . .


Trước 9 giờ sáng, Victory Square đã đông đầy người!

Dù thời tiết có mưa gió và giá lạnh vào tháng ngày cuối năm, dân chúng vẫn rời nệm ấm chăn êm để có mặt nơi đây, để tưởng nhớ và cảm ơn những người đã chiến đấu, và hy sinh cho tự do và hạnh phúc của mình. Bên tuổi già có ánh mắt trẻ thơ. Người đến dự lễ Tưởng Niệm vẫn đông, đứng chen vai nhau quanh khu vực hành lễ. Trong dãy lều trắng, là hàng ghế dành cho các cựu chiến binh. Hơn triệu quân nhân Canada tham dự Thế Chiến thứ 2, chỉ vài chục ngàn người còn sống; và mỗi năm một thưa vắng hơn!

Sau các nghi thức tưởng niệm, tiếng trống của Ban Quân Nhạc khởi đầu cuộc diễn hành, và đưa Khối Quốc Quân Kỳ di chuyển từ Đài Tưởng Niệm đến vị trí hai bên khán đài duyệt binh; sẵn sàng cho các đơn vị cựu chiến binh và quân binh chủng, tiếp nối nhau diễn hành ngang khán đài. Tiếng vỗ tay chào đón vang dậy, từ dân chúng đứng bên hai lề đường, làm xúc động những cựu chiến binh và quân nhân còn khoác quân phục.

Trên nền trời cuối thu buồn u ám, màu cờ vàng tự do của Việt Nam vẫn tươi sáng; hai lá cờ vàng tung bay trong gió lộng, bên cạnh quốc kỳ và quân kỳ của Canada cùng các quốc gia đồng minh. Trong Lễ Remembrance Day, quân kỳ được miễn hạ xuống; quân kỳ được giữ đứng thẳng như quốc kỳ, trong tất cả nghi thức như Chào Cờ, lúc được Chào Kính…

Đây!

Vẫn còn đây màu cờ vàng tự do!
Và thật xúc động khi chứng kiến Quân kỳ cùng Quốc Kỳ Việt Nam được các đơn vị diễn hành Chào Kính!

Có phải chăng, chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được nỗi tự hào, như người lính Trần Hoài Thư đã viết trong bài "Về Một Đại Đội Cũ":

“Chưa có một đội quân nào trên thế giới này, thua trận, nhưng lại tự hào cùng hàng ngũ, cùng màu cờ sắc áo như quân đội miền Nam này. Không phải một ngày, một tháng, mà cả đời. Chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được nỗi tự hào. Và đó là lý do cắt nghĩa tại sao tôi lại phải viết hoài, viết không mệt về màu áo cũ của mình”

. . .

Chiến tranh có lắm tang thương, có hy sinh và mất mát; cùng sự chịu đựng tột cùng của sức người, tưởng như chỉ có trong huyền thoại mà thôi. Tưởng nhớ đến gương anh hùng, tấm lòng quả cảm của các chiến sĩ đã hy sinh, càng ngậm ngùi cho hoàn cảnh và số phận của người lính trận.

Hôm nay đây, muôn lời thiêng còn vang…

Còn đây … màu áo cũ của mình!

Gươm anh linh!
Xác xây thành!
Thời gian luống vô tình….
Hỡi người chiến sĩ vô danh!


Bùi Đức Tính

 
https://www.youtube.com/watch?v=5y0D7VrzPQE

No comments:

Post a Comment