Links

Monday, February 14, 2022

Một Lần Ghé Huế…

                     




                                                                           Cát Dương

Viết lại những kỷ niệm của một đời quân ngũ, là một ước mơ của tôi sau những tháng năm sống lưu vong trên đất nước Hoa Kỳ.

Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, chiến tranh đã tàn phá quê hương tôi. Bạn bè tôi có người đã vào Quân Trường Thủ Đức, có người đã vào Trường Võ Bị Đà Lạt. Vài ba đứa đã hy sinh trong cuộc chiến. Còn tôi vẫn mãi lênh đênh ngoài biển cả từ chiến hạm nầy sang chiến hạm khác, rồi bồng bềnh trôi nổi trên những con sông miền Lục tỉnh. Và cuối cùng là những Đài Kiểm Báo xa xôi trên đỉnh núi cao của hải đảo quanh năm mây mù giăng lối.. Tôi đã ghé Quảng trị, xứ miền Trung của tôi nghèo nàn, khoai sắn, nhưng tình người nồng nàn, chân thật. Những em bé quanh năm trên người chỉ một bộ đồ cũ kỹ, đôi mắt thơ ngây, những người cha người mẹ mắt già lem nhem, những cô con gái bẽn lẽn, những cậu trai da sạm nắng đã tươi cười thân thiện khi nhìn thấy chúng tôi, những chàng lính hải quân xa lạ. Chúng tôi tặng họ những hộp kẹo, hộp bánh, thức ăn hộp, thuốc lá và một số áo quần. Các em nhỏ vây quanh đùa giỡn, các cụ gìa trò chuyên vui vui. Sau lần gặp gỡ sơ giao, chúng tôi chia tay trong luyến tiếc và hứa sẽ trở lại trong lần công tác tới. Tôi cũng đã ghé vào cửa Thuận An và Huế trong một mùa hè rực nắng. Hạm trưởng ra lệnh cho chúng tôi phải mặc đồ tiểu lễ trắng để đi bờ vì đây là đất thần-kinh.  Lòng tôi háo hức khôn tả, bạn bè tôi đứa nào mặt mày cũng sáng rỡ. Họ nghĩ gì trong đầu: "Sẽ làm quen được một cô gái Huế áo dài tha thướt, tóc thề e ấp, vành nón nghiêng nghiêng, mắt buồn xa xôi và đôi môi mọng đỏ, tiếng nói như một loài chim quý véo von"…Khi chiếc ghe chở chúng tôi từ chiến hạm vào bờ, các ngư phủ đã nhảy xuống nước cạn đẩy ghe trồi lên cát, để chúng tôi dễ dàng nhảy lên bờ khỏi bị ướt giày. Chúng tôi đi môt vòng quanh phố nhỏ Thuận An, rồi nôn nóng lên xe đò vào Huế. Hai bên đường là ruộng đồng và nhà cửa lưa thưa. Chúng tôi đến thành phố Huế đúng 10 giờ sáng. Chúng tôi tủa ra như đàn bướm trắng nhởn nhơ trên đường phố. Tôi thấy những đôi mắt tò mò, những ngón tay chỉ chỏ và những tiếng nói thì thầm. Có lẽ lâu lắm họ mới thấy những chàng lính hải quân trong bộ quân phục trắng đang lang thang trên đường phố…Tôi đứng lại nơi góc chợ Đông-Ba bâng khuâng hồi tưởng: Nơi đây hơn mười năm trước tôi và Bá bạn tôi trong chiếc áo học trò nghèo từ xứ Quảng (Quảng nam) ra thi sư phạm, chúng tôi đã ngồi tại đây trong lồng chợ Đông-ba ăn cơm bình dân năm đồng ba món ăn, đặc biệt là cơm ăn bao nhiêu cũng được, không tính thêm tiền. 


 

 

 


                                Học trò trong Quảng ra thi

                        Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành

Tối đến chúng tôi vào ngủ nhờ tại một ngôi chùa mà lâu lắm tôi không còn nhớ tên. Bá đã theo học khóa 20 Sĩ Quan Đà Lạt; sau khi ra trường đi học thêm khóa sình lầy tại trường Đồng Đế Nha Trang rồi đổi về Sư-doàn 5 Bộ binh chỉ được một tháng rưỡi và bị tử thương trong một trận phục kích của địch tại Bình-Long. Tôi còn nhớ một người bạn cùng đơn vị của Bá kể lại, một đêm trước ngày hành quân, Bá đã đem ống sáo ra thổi một bản nhạc buồn vô tả ( Bá là tay thổi sáo rất hay hồi còn học ở trường trung học Phan Chu Trinh Đà Nẳng ) Bá rất giõi toán, có lần ở lớp đệ nhị Bá đã đưa ra một định luật về hình học không gian mà Bá gọi là định luật Đỗ Bá; Bá đã chứng minh cho cả lớp thấy, nhưng thầy dạy toán bác bỏ.

Một hôm chiến hạm về bến Bạch Đằng Sài Gòn để nghỉ và sửa chửa sau hai tháng tuần dương từ Vùng 1 Duyên Hải trở về. Tôi vội vả kêu taxi về nhà Vượng người ban di cư mà tôi đã quen hồi chúng tôi còn đi học lớp đệ ngũ ở Hội An. Vượng có bốn cô em gái “Bắc kỳ nho nhỏ" rất dễ thương, nhưng tôi không được cô nào chấm, chỉ riêng Bá thì được một cô chấm, đó là cô Ngát. Có một lần tôi nhận được một cái thư của Ngát, lúc tôi đang thụ huấn tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang, lá thư rất dài, có kèm hình và hai câu hát của Nhạc Sĩ Phạm Duy được nhaị ra: "Có nhiều khi đàn ông chóng già vì thiếu đàn bà"  Có thể Ngát đã thấy hình tôi gởi cho Vượng với cái đầu hớt cua và làn da sạm nắng nên chế diễu mà thôi. Từ khi ra trường và thuyên chuyển xuống chiến hạm, tôi cứ lênh đênh theo chiến hạm. Bá vào trường Sĩ Quan Đà Lạt khóa 20. Vương dọn vào Sài-Gòn rồi nhập ngũ học khoá Sĩ Quan Thủ Đức. Bạn bè không găp nhau từ đó. Bá và Ngát đã yêu nhau và sắp làm đám cưới. Sau vài năm chỉ liên lạc với nhau bằng tin tức qua lại của bạn bè, tôi nhất định phải đi tìm Vượng và Bá. May quá một hôm tôi vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn thì gặp Ngát đang làm việc tại đó và xin ngay địa chỉ. Tôi thường ghé nhà Vương ở chơi vài ngày vì ba má Vương coi tôi và Bá như con. Tôi gọi taxi về nhà Vương, trong lòng nôn nóng vô cùng. Mấy đêm trước khi còn ở dưới chiến hạm đi tuần dương ngoài Vùng một, đêm nào tôi cũng thấy nóng ruột không ngủ được. Khi tôi vừa đến trước ngạch cửa nhà Vượng, Ngát thấy tôi vội chạy nhào ra ôm lấy tôi khóc lớn: "Anh Bá chết rồi…" Tôi lảo đảo nắm chặt hai bàn tay của Ngát, nước mắt trào ra. Trong ánh đèn mờ ảo tôi thấy Vượng đứng sửng sờ ở góc nhà. Tôi dìu Ngát vào bên trong và đến ôm lấy vai Vượng, mẹ Ngát ngồi trên ghế cũng sụt sùi, ba Ngát thì bình tỉnh hơn, nhưng đôi mắt cũng đỏ hoe và run giọng: " Nó nói  tháng sau nó sẽ về thăm hai bác mà bây giờ đã…” Ông bỏ lửng câu nói…Mấy đứa em của Vượng cũng buồn bã nhìn chúng tôi. Im lặng bao trùm căn phòng khách …Tôi đang miên man nhớ về kỷ niệm thì có tiếng nói nhỏ vào tai: "Hương, mầy còn đứng đó mà mơ màng, mình đi vào thành nôi dạo chơi... Hồi tưởng bị cắt ngang, tôi bực lắm nhưng cũng phải theo Trung đi dọc đường Trần Hưng Đạo về phía bờ sông Hương . Tôi nhìn thấy cầu Trường Tiền phơi mình trong nắng ấm, bên kia sông là trường Đồng Khánh, trường Quốc Học và dốc Nam Giao. Chúng tôi dừng ngay dưới chân PhúVân Lâu, trên nóc là một cột cờ cao lá Quốc- kỳ đang tung bay trong gió. Chúng phải bước lên những bực thềm cao mới  tới được tầng trên. Đứng nhìn chung quanh, xa xa là tháp chùa Thiên Mụ , cầu Bạch-Hổ. núi Ngự Bình, xuôi dòng sông Hương là thôn Vĩ-Dạ.

 


 


 

 

Sao anh không về thăm  thôn vĩ

Nhìn nắng hàng cau,nắng mới lên

Vườn ai mát quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

    ( Thơ Hàn Mặc Tử)

 

khu Hoàng Thành cổ kính với hồ Tịnh Tâm, cung điện  với những dãy nhà xưa cũ ẩn mình dưới những tàng cây cổ thụ. Những dãy tường thành cao bao quanh thành nội, Chúng tôi đang đứng trước  một cái trống lớn trên một giá đợ cao chạm trỗ rất đẹp được sơn son thép vàng . Trung nhón chân đưa bàn tay đánh vào mặt trống chỉ nghe vang lên những tiếng khô khan. Tôi đứng dựa vào gía trống nhìn xuống Hoàng Thành, những con đường chạy ngang dọc, những hình tượng đứng im lìm trong nắng. Ngày xưa nơi đây chắc hẳn rất đông đúc nhộn nhịp, nào quan quân, xe, ngựa đi lại canh phòng cẩn mật, tôi chợt buồn, nghĩ đến những câu thơ vô cùng hùng tráng của bà Đoàn thị Điểm :

 

Trống tràng thành lung lay bóng  nguyệt

Khói cam tuyền mờ mịt khói  mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh

 




 

 

 

Chúng tôi rời Phú Vân Lâu xuyên qua cửa Ngọ Môn và đi một khoảng xa mới đến Cung Điện chính. Trước khi vào Cung Điện chúngtôi phải đi qua một cái cầu bên dưới là hồ sen đang độ nở bông rất đẹp, cung Điện mái cong vút chạm trổ tinh vi, vào bên trong, chính giửa là  ngai vàng của vua sơn son thếp vàng, có hình rồng, phụng. Cảnh trí trang nghiêm, không khí lành lạnh, đèn sáng mờ mờ. Đúng là Cung Đình của một thời xa xưa… Chúng tôi rời Cung Điện đi đến hồ Tịnh Tâm ngồi trên phiến đá ven hồ nhìn những cánh sen hồng, trắng phản phất hương thơm để thấy lòng mình chùng xuống tiếc thương cho một quá khứ. Rời hồ TịnhTâm chúng tôi đi dọc theo những con đường quanh co trong thành nội, hai bên đường rải rác những cây nhản đơm đầy trái. Tôi và Trung đang nhởn nhơ như hai con bướm thì bổng khựng lại trước một cái quán nhỏ bên đường làm bằng tre rất mỹ thuật dưới bóng mát của một thân cây lớn. Chung quanh quán không che kín chỉ có những thanh tre nhỏ đan vào nhau như những bông hoa. Chúng tôi nhìn thấy  những mái tóc thề ngang lưng, những khuôn mặt trắng hồng, những nụ cười tươi đang hướng về chúng tôi im lặng. Tôi và Trung cùng một ý nghĩ: Làm sao đây, dịp may hiếm có… Rồi hai đứa mạnh dạng bước vào quán…Mười chiếc nón lá bài thơ dây tím đưa lên vẫy gọi và vũ khúc nghê thường bắt đầu trong những tà áo trắng thướt tha, những ngón tay búp măng, những đôi mắt to đen, những nụ cười quyến rũ…nhưng không, chỉ là mộng. ..Họ là những cô nữ sinh trong chiếc áo dài trắng e lệ, họ chia nhau ngồi bốn bàn. Tôi và Trung ngập ngừng ngay cửa; cô chủ quán nhìn chúng tôi ái ngại, thì bất chợt một cô ngồi ở chiếc bàn trong góc lên tiếng: “Ê, Tuyết, Ngọc, Thu, Thủy laị đây ngồi chung, nhường bàn kia cho hai anh hải quân đó! Bốn cô đứng dậy rụt rè đi vào phía trong xầm xì to nhỏ gì đó với mấy cô bạn kia. Cô chủ quán nhỏ nhẹ nói: “Hai anh chờ tí, để em vào đem hai cái ghế ra, hai anh uống gì không?” Sau khi ngồi xuống ghế xong, tôi nói: “Xin cám ơn cô, ở đây có nước giải khác và thức ăn nào đặc biệt không cô ? Cô chủ quán cười, vui vẻ trả lời: “Dạ, có cà phê, các loai chè như chè bông cau, chè hạt sen, chè đậu váng , chè hột lựu ,chè đâu đỏ, sâm bổ lượng và thức ăn thì có ram , bánh bèo, bánh nâm… Trung nói: “Cô cho chúng tôi hai ly cà phê đen nóng và một dĩa ram. Tôi nói tiếp: “Cô cho thêm hai chén chè bông cau luôn, cám ơn cô. Hai ly cà phê được bưng ra để trên bàn nóng thơm phứt, rồi dĩa ram nhỏ bằng ngón tay đựng trong dĩa màu xanh lá cây nhạt, hai đôi đủa trắng ngà có chạm hình hoa cúc, hai chén nhỏ đưng một thứ nước chấm mà tôi nghĩ là rất ngon. Đúng vậy món nào cũng ngon tuyệt. Chúng tôi vừa ăn hết dĩa ram thì cô chủ đem ra hai chén chè bông cau trông rất đẹp mắt, trong lòng chén lấm tấm những hột màu vàng bao chung quanh là một loại nước trong sệt, chè ngọt dịu và rất thơm. Chúng tôi ăn xong chè, nhâm nhi ly cà phê và bắt đâu nói chuyện với cô chủ. Trung vào chuyện: “Xin phép cô cho chúng tôi biết quý danh được không? Không ngần ngại cô chủ đáp: “Dạ em tên Thúy An, còn quý danh hai anh? Chỉ vào Trung tôi đáp : “Đây là Trung, còn tôi là Hương. Cô Thúy An vừa cười vừa nói: “Anh tên Hương sao mà giống như tên con gái qúa …Tôi hơi ngượng trả lời: “Hồi nhỏ khó nuôi nên ba mẹ tôi đặt tên con gái cho dễ nuôi, mẹ tôi nói như vậy”. Tôi nghe có tiếng cười rúc rich phía sau của mấy cô nữ sinh. Tôi quay lại cũng cười theo và nói đùa: “Đừng có cười hở mười cái răng, chắc là trong mấy cô cũng có cô hồi nhỏ khó nuôi được đặt tên con trai phải không?” Các  cô cười ồ, cô nầy chỉ cô kia:  “Con nhỏ nầy đó , con nhỏ nầy đó …Cô Thúy An cười lên tiếng:  “Các em thấy hai anh nầy vui không?” Có tiếng đáp lại : “Dạ thưa chị, vui, nhưng hai anh nghiêm quá.” Tôi thấy không khí có vẻ cởi mở bèn nói lớn: “Chúng tôi ít nói vì chưa quen với qúy cô thôi. Tôi chỉ vào Trung tiếp: “Đây là cái đài phát thanh, nếu vặn đúng tầng số thì các cô chỉ muốn tắt đi mà thôi…” Nhiều cô hình như chưa hiểu tôi nói gì, nên láo nháo nói qua nói lại với nhau, rồi hình như họ hiểu ra và cùng vỗ tay cười.. Cô Thúy An bước lại bàn chúng tôi nói: “Hai anh thấy họ thơ ngây và dễ thương không?” Toàn là nữ sinh Đồng Khánh đó, tháng hè nên mấy em rũ nhau đi chơi. Trung nhanh lẹ hỏi: “Chúng tôi muốn nhờ mấy cô dẫn đường đi vòng vòng trong thành nầy được không cô Thúy An?” Thúy An hơi nghiêm nét mặt đáp: “Em nghĩ là được, nhưng để em hỏi mấy cô xem sao.” Nói xong Thúy An quay sang mấy cô nữ sinh hỏi lớn : “Mấy em nghe đây, anh Hương và anh Trung muốn nhờ các em dẩn đường đi thăm các nơi trong thành nội nầy được không ? …Im lặng một lúc, rồi xầm xì, rồi cùng nhau cười khúc khích, rồi cùng nhau nói lớn: “Được, được, chúng em sẽ dẫn hai anh nầy đi thăm Thành Nội . Trung như mở cờ trong bụng, vội dành trả tiền, rồi bước nhanh ra khỏi quán.  Mấy cô lần lượt ra theo, tôi cám ơn cô chủ quán rồi bước nhanh về phía Trung. Bốn cô đi trước, chúng tôi theo sau …Dưới những tàng cây xanh mát ánh nắng trưa như dịu lại. Tôi cúi xuống nhặt một vài cánh phượng rơi rụng bên vệ đường trong lúc Trung thì cứ bô bô cái miệng hỏi han cô nầy đến cô kia…Chúng tôi đi bên nhau một đoạn đường rồi quẹo phải.     (còn tiếp)                                       

 

 

 


No comments:

Post a Comment