Links

Friday, April 29, 2022

Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ.

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ.
***
Trong kiêu dũng mầy cho gửi chút hồn ta!*
Ngày 31, tháng Ba, năm 1968, các phe tham chiến trong chiến tranh Việt Nam lục tục đến thủ đô Paris của Pháp để bàn cách chấm dứt chiến tranh. Tháng Giêng, năm 1973, Hiệp định Paris ngừng bắn tại chỗ bắt đầu có hiệu lực vào thứ Bảy 27, tháng Giêng, năm 1973.
Khóa 4/72 đang thụ huấn, chiều 6 giờ, nghe tin trên Đài phát thanh Sài Gòn phát đi, đám sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức ‘Hurrah’ mừng rỡ?! Nhưng cán bộ quân trường cho tập hợp trong sân đại đội và nói trước hàng quân: “Nghe vậy chưa chắc hẳn là vậy!?”. Sau nầy thấy quả đúng như kinh!
Thứ Sáu, ngày 26, tháng Giêng, năm 1973, các tiểu đoàn sinh viên sĩ quan Thủ Đức lên đường đi chiến dịch. Mỗi sinh viên sĩ quan được cấp số đạn đầy đủ và hai trái lựu đạn M 67.
Đại đội 4 Tiểu đoàn 2 được đưa về Tiểu khu Kiến Hòa. Trung đội 242 lên xe nhà binh GMC 10 bánh từ Tiểu khu chở ngược ra Tân Thạch, cầu bắc Rạch Miễu để 4 giờ chiều xuống mấy Tiểu đỉnh của Giang đoàn xuôi dòng sông Mỹ Tho xuôi ra biển, về Bình Đại.
Đêm tối dần trên mặt sông.
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi.
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi”.
Tiếng máy tàu chạy rầm rì giữa dòng sông lặng, để tránh đạn B 40.
Mấy con tép bạc xin của dân đóng đáy, luộc lên màu đỏ ối, chấm nước mắm y. Một nồi cơm nguội. Nhắm chút rượu trong cái chén mẻ miệng, khè một tiếng, cho ấm bụng! Rượu trong veo như nước mắt quê hương, rót ra từ một can 4 lít mua ở bến phà Rạch Miễu.
***
Chiều đầu tiên nằm trên nắp hầm truyền tin trong đồn nghĩa quân xã Tân Phú Trung kề con hương lộ buồn thiu như dế kêu.
Nhìn phía xa, phía quê nhà ráng chiều đỏ rực cháy chân mây! Sao nhớ Má, nhớ em biết bao nhiêu!
Về Bình Đại, về Tân Phú Trung, về một vùng quê không yên tĩnh. Lần đầu giáp mặt gần hơn với cuộc chiến tranh kinh khiếp nầy. Đời lính, thực tế chiến trường khắc nghiệt làm sao để sống còn, để trở về với Má, với em.
Chàng tuổi trẻ từ trường đại học, bạch diện thư sinh, dù muốn dù không cũng bờm xờm râu tóc, đã nhuốm phong trần trong lửa đạn.
Niềm ước vọng về Hiệp định Paris sẽ có ngưng bắn, sẽ có hòa bình da beo, ai ở đâu ở đó không kéo dài được bao lâu đã lụi dần rồi tan vỡ.
“Rồi có một ngày.
Sẽ một ngày chinh chiến tàn.
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi.
Ngoài con tim héo em ơi.
Xin trả lại đây, bỏ lại đây.
Thép gai giăng với lũy hào sâu.
Lỗ châu mai với những địa lôi.
Đã bao phen máu anh tuôn.
Cho còn lại đến mãi bây giờ.
Trả súng đạn này.
Khi sạch nợ sông núi rồi.
Anh trở về quê, trở về quê.
Tìm tuổi thơ mất năm nao.
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu.
Với cây đa khóm trúc hàng cau.
Với con đê có chiếc cầu tre.
Đã bao năm vắng chân anh.
Nên trở thành hoang phế rong rêu!
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa.
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về.
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em.
Với miếng cau, với miếng trầu.
Ta làm lại từ đầu.
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm.
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn.
Bạn anh đó đang say ngủ yên.
Xin cám ơn! xin cám ơn! người nằm xuống.
Để có một ngày.
Có một ngày cho chúng mình.
Ta lại gặp ta, còn vòng tay.
Mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang.
Bếp ai lên khói ấm tình thương.
Bát cơm rau thắm mối tình quê.
Có con trâu, có nương dâu.
Thiên đường này mơ ước bao lâu”*
***
Sau 4 tháng đi chiến dịch, tháng Sáu, năm 1973, trở về, ra trường, tứ tán người đi mỗi ngả.
Ra mặt trận chẳng bao lâu là thằng Khôn ngã xuống ở Cái Côn, thằng Tuấn chết trận ở Thuận Nhơn, Phong Dinh và nhiều nhiều nữa trong cuộc lui binh bất ngờ hai năm sau đó.
Tháng Giêng, năm 75 mất Phước Long, tháng Ba mất Ban Mê Thuột dẫn tới cuộc triệt thoái bi thảm nhất trong suốt chiều dài cuộc chiến của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B, con đường đầy nước mắt, xương máu trong 9 ngày đêm của thường dân và binh lính miền Nam.
‘Đánh Nguyệt Chi theo quân năm trước.
Toàn đạo binh bị diệt trên thành
Hán, Phiên vắng bặt tin anh.
Cho dù sống chết cũng đành xa nhau.
Màn trướng nát không ai thu lượm.
Ngựa trở về cờ phướn rách tan.
Cúng anh, nghi vẫn sống còn.
Chân trời xa tắp, khóc trông quê nhà!
Thổ Phồn chiếm cứ Tây Châu.
Ngoại vi mất hết còn đâu lũy thành…
Kỵ binh giặc tới bất kỳ.
Dân tình hết vía chuyển di luôn ngày.…
Vùng ven chém giết bão giông.
Chiến binh giáp trận chết không vẹn hình*
Chiến binh chết ở chiến trường!
Tướng công chết ở trên giường thê nhi!
Quân cứ triệt thoái hoài, đoạn chiến mà không hiểu vì sao?! Người lính luôn cô đơn, chỉ biết tuân lịnh, xưa giờ cũng vậy:
Ngựa qua uống nước sông thu!
Nước sông lạnh, gió vù vù cắt da.
Rồi cùng nhau ngã xuống cho một thiên đường mơ ước bao lâu?!
“Cổ kim cát bụi chôn vùi!
Chỉ còn xương trắng ngậm ngùi cỏ lau”.*
***
Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ, đốt lò hương cũ, đọc thơ xưa, nhớ một thời giầy sô áo trận, dù ngắn ngủi, nhưng dễ gì quên!
Đêm nay, gần 44 năm, sau ngày thất trận đó,ly hương và tha phương! Lại nhớ về bè bạn cũ mà tuổi xanh của chúng ta vốn đẹp biết bao đã cháy rụi tàn trong cơn binh lửa.
‘Thở thật dài vào thinh không bát ngát.
Theo gió về động lá cánh rừng xa.
Này thằng lì còn chơi miền gió cát.
Trong kiêu dũng mầy cho gửi chút hồn ta!’*
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
***
* nhạc Trịnh Lâm Ngân.
* thơ Trương Tịch.
*thơ Vương Xương Linh
*thơ Cao Tần.

May be an image of 1 person and outdoors

No comments:

Post a Comment