Links

Thursday, June 23, 2022

LY RƯỢU CUỐI NĂM MIỀN BIÊN ẢI

_____________

Tam Bách  Đinh Bá Tâm

http://www.nhiepanhvadulich.com/wp-content/uploads/2018/01/135479433_4029240327100416_4142477360012574959_o.jpg


Vào năm 1969, sau khi thụ huấn khoá 1/68 Sỹ quan Trừ bị Thủ Đức, một số sinh viên tốt nghiệp Trường Quốc Gia Hành chánh chúng tôi được biệt phái về Bộ Nội vụ. Tại đây chúng tôi chọn địa phương để phục vụ. Khi về trình diện toà Hành chánh tỉnh Bình Long, tôi được bổ nhiệm về quận Lộc Ninh- một quận biên giới Việt-Miên. Ngày lên đường phục vụ miền xa, tôi cùng  vài người bạn đồng môn thân thiết đi uống ly rượu chia tay. Hôm ấy anh T. đã ngẫu hứng gõ nhịp lên bàn, hát bài Biệt Kinh Kỳ của Minh Kỳ và Hoài Linh: 

Bạn ơi ! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi…

Sau buổi nâng chén ly bôi để giã biệt kinh kỳ, tôi ít có dịp về Sài gòn. Thỉnh thoảng  về phép, chỉ khoảng dăm ba ngày. Ấy thế mà ông Quận trưởng còn nhắn nhủ tôi, nửa đùa nửa thật: “Ông đừng ham vui ở Sài gòn lâu quá. Kẻo lúc trở về, VC đánh mất quận mà không biết đấy nhé!”

Hơn hai mươi năm sau, tại vùng Little Sài gòn, tôi gặp lại anh T. - bạn đồng môn thân thiết năm xưa. Anh sang Mỹ từ ngày mất nước, đổi tên thành Tony. Một hôm, anh nói với tôi:

- Tôi mới quen một cô nàng Huế nấu món bún bò ngon tuyệt. Cô này nói trước năm 75’ có quen biết ông. Mời ông tới, sẽ rất ngạc nhiên khi gặp lại “cố nhân”!

Tôi ghi địa chỉ nhà của “cố nhân” xa lạ nào đó, rồi quên bẵng đi. Cho đến một hôm Tony gọi điện thoại nhắc lại ngày giờ đến nhà người đẹp. 

Lần theo địa chỉ đã ghi, tôi đến trước một căn nhà có trồng cây trước sân thật đẹp . Những cây dừa với tàu lá lớn. Những cây phượng tím đang trổ hoa; nhiều cây cảnh trông lạ mắt khác. Tôi bấm chuông, người ra mở cửa không phải một “giai nhân” như tôi nghĩ , mà là Tony, bạn tôi. Anh ta mỉm cười, mời tôi vào nhà. Rồi anh giới thiệu:

-Đây là cô Lan. Cô nhờ tôi mời anh đến để nhắc lại chuyện xưa. Và đây là anh Tân, bạn thân của tôi.

Nữ gia chủ mỉm cười cúi chào: 

-Dạ, chào anh Tân! Em vội nấu món bún bò Huế để mời hai vị, nên em nhờ anh Tony đón tiếp anh. Xin đừng bắt lỗi em hỉ! 

Đúng là giọng Huế ngọt ngào của một tiểu thư đất thần kinh năm xưa. Tôi nghĩ thầm: mình chưa gặp “O ni” bao giờ , sao “O”nói chuyện thân mật ngọt ngào đến thế? 

Tôi đáp xã giao :

-Cám ơn cô đã nhờ Tony mời tôi đến đây. Nhưng tôi xin được phép hỏi: trong trường hợp nào cô biết tôi?  

Cô Lan mỉm cười nhìn tôi, mắt mơ màng:

-Anh còn nhớ hồi ở Việt Nam, có ông Phó trẻ đến uống rượu với Ba em một chiều ba mươi Tết tại Lộc Ninh không? Lúc ra về ông ta còn khen em đẹp và dễ thương. Hồi đó em còn nhỏ, nhưng đến giờ vẫn còn nhớ tên ông ấy. Hôm trước nghe anh Tony nhắc đến tên, em có ý định mời anh đến chơi, để xem có phải là ông Tân ngày xưa không?

Tôi nhìn người thiếu phụ trung niên, gương mặt không còn thanh tân nhưng giọng nói vẫn trẻ trung, nồng nhiệt như thiếu nữ thuở xuân thì. 

Tôi đáp lời cô gái:

-Vâng, chuyện cũ gợi lại thì tôi nhớ. Nhưng chức vụ cũ, xin đừng nhắc lại . Vì tôi đã xa Lộc Ninh năm mươi năm rồi cô ạ. Cô là bạn của Tony, thì cứ xem như bạn tôi vậy.  

Cô Lan nhìn lên bàn thờ:

-Ba em năm xưa là thầy ký Kiên của đồn điền cao su Lộc Ninh. Thuở sinh thời, Ba em thường nhắc đến anh. Không ngờ sang đây gặp lại. Quả đất tròn thật, phải không thưa anh?

Tôi bước đến bàn thờ, nhìn lên tấm ảnh của người cựu thư ký đồn điền CEXO năm xưa. Gương mặt ông chẳng khác lúc tôi mới đến phục vụ ở quận đầu đời Lộc Ninh. Cả một trời kỷ niệm hiện ra, mới tinh khôi như vừa xảy ra hôm qua!

                                                         ****

Lộc Ninh là thị trấn cuối cùng của quốc lộ 13, cách Sài gòn 140 cây số về hướng tây bắc. Đây là một trong ba quận của tỉnh Bình Long khi tỉnh này được thành lập năm 1957. Tại thị trấn này, năm 1958 người Pháp thành lập đồn điền cao su CEXO. Họ kiến tạo những cơ ngơi khang trang và hữu ích cho công nhân cạo mủ cao su cư trú, sinh hoạt. Trước năm 1960, Lộc ninh có đường xe lửa từ Sài gòn, phần lớn để chuyên chở mủ cao su đã sơ chế. Về sau, du kích VC thường hay phá hoại đường rầy, nên tuyến đường này bị hủy bỏ. Quận Lộc Ninh nằm sát biên giới Cam bốt, là địa điểm cuối cùng của “đường mòn Hồ Chí Minh”. Du kích VC thường lẻn sang đặt súng cối pháo kích vào thị trấn. Thỉnh thoảng chúng xuất hiện trên Quốc lộ 13, rồi đắp mô, giật mìn, chận bắt các viên chức xã ấp đi xe đò trên tuyến đường này. Bởi lý do đó, trong thời gian phục vụ tại quận Lộc Ninh, chúng tôi được viên Giám đốc đồn điền CEXO dành sẵn chỗ ngồi trên chiếc Cessna nhỏ để đi Sài gòn công tác hoặc nghỉ phép. 

Ngày đi nhận nhiệm sở, tôi đến văn phòng Công ty CEXO trên đường Pasteur Sài gòn, ghi danh chuyến bay sắp tới. Chuyến bay này lên Lộc Ninh đón viên Giám đốc đồn điền trở về Sài gòn nghỉ cuối tuần. Hôm ấy trên chiếc Cessna chỉ có ba người: viên phi công người Pháp, tân Phó quận và nhân viên an ninh phi trường. Đây là nhân viên phi cảng Tân Sơn Nhất đi theo phi cơ đồn điền để giám sát chuyến bay.

Sau hơn nửa giờ bay, chiếc Cessna đảo một vòng trên thị trấn Lộc Ninh, trước khi đáp xuống phi trường. Sân bay nằm phơi mình trên đồi cao và phẳng. Đầu phi đạo là căn cứ Biệt kích; cuối phi đạo có Chi khu Lộc Ninh. Một con đường nhỏ từ phi trường chạy dài xuống thung lũng, nơi đó có chợ Lộc Ninh với nhà cửa san sát, mái tôn lấp lánh dưới ánh chiều. Xa xa, một biệt thự màu trắng kiểu Tây phương, nổi bật giữa thảm cỏ xanh trên triền đồi. Đó là nhà của viên Giám đốc đồn điền CEXO.

Phi cơ hạ cánh ở đầu sân bay, chạy một đoạn ngắn rồi dừng lại, tắt máy. Phi trường vắng vẻ đìu hiu, không khách bộ hành, không xe cộ, ngoại trừ một chiếc xe Citroen 2CV (Còn gọi là xe Đơ Sơ Vô) nhỏ nhắn màu trắng từ ngoài chạy vào phi trường. Tôi bước xuống máy bay, cám ơn viên phi công người Pháp. Ông ta lịch sự bắt tay tôi rồi đứng chờ bên phi cơ. Người tài xế chiếc Citroen xuống xe, nói nhỏ với viên phi công, rồi bước đến niềm nở chào tôi:

- Xin chào Ông. Tôi là Kiên, Thư ký đồn điền, hân hạnh được đón tiếp Ông. Tôi sẽ đưa Ông vào Chi khu để gặp Quận trưởng. Rồi tôi trở lại chở phi công và viên an ninh phi trường đến nhà ông Giám đốc đồn điền.

                                                         ****

Hôm ấy, một chiều ba mươi Tết. Vì là ngày nghỉ cuối tuần, nên tôi “ngủ nướng” thêm trong hầm bunker ở Chi khu. Buồn quá, tôi  thức dậy,  khe khẽ hát bài Chiều Chủ Nhật Buồn của TCS mà tưởng như đang ở Sài gòn thời còn đi học:“ Chiều chủ nhật buồn/Nằm trong căn gác dìu hiu/Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/Bạn bè rời xa chăn chiếu/Bơ vơ còn đến bao giờ…”. Bỗng có Trung úy Hoàng, làm việc ở văn phòng quận bước vào thăm hỏi.  Sau đó. anh đề nghị chở tôi bằng xe gắn máy, chạy một vòng quanh thị tứ Lộc Ninh để “thăm dân cho biết sự tình”.

Khu chợ Lộc Ninh nằm dưới thung lũng, thấp hơn mặt quốc lộ 13, với nhà cửa hàng quán đông đúc. Tuy  nhiên sau trận đánh Mậu Thân, nhà cửa chưa tái thiết xong nên quang cảnh trông tiêu điều. Sau đó, anh Hoàng đưa tôi vào thăm ông Kiên. Hai người cùng quê quán, nên chủ nhà rất vui mừng khi đón tiếp chúng tôi.

Sống và làm việc ở miền đất đỏ keo cư xa thành thị, khi gặp gỡ nhau, mời nhau một tiệc rượu đơn sơ cũng làm ấm lòng kẻ tha hương. Nhất là trong bữa tiệc tất niên hôm ấy, chai rượu Tây của gia chủ  đã khiến bữa tiệc thêm vui vẻ hào hứng. Bà Kiên thỉnh thoảng xuống bếp làm thêm món ăn. Cô con gái lo phụ mẹ, mang thức ăn bày lên bàn tiệc. Cô gái khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, xinh đẹp, dễ thương - với nước da trắng hồng, mái tóc dài ngang vai. Khi cô gái cúi chào, tôi nhìn cô mỉm cười khen ngợi, khiến ông Kiên thích chí cười vang:“Con gái rượu của tôi đó Ông à!” 

Một buổi chiều cuối năm, ngồi uống rượu ở một nơi xa nhà, với gia chủ mới quen biết nhưng tử tế đáng mến, tôi cảm thấy thoải mái, ấm cúng như không khí  gia đình. Chúng tôi uống hết chai rượu Pháp, ông Kiên mở chai rượu Bồ Đào Nha- Rượu vang Porto (Vinho do Porto ). Đó thường là loại rượu vang ngọt, uống rất ngon, nhưng dễ say. Chủ nhà nâng ly rượu ngọt xứ Bồ, uống một ngụm rồi cất giọng ngâm bốn câu thơ Tàu cổ của Vương Hàn:  

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.  See the source image

             (Bùi Khánh Đản dịch ra Việt ngữ: Bồ đào, rượu rót chén lưu ly
              Muốn uống, tỳ bà giục ngựa đi
            Bãi cát nằm say, chê cũng mặc
            Xưa nay chinh chiến mấy ai về) 

Giọng ngâm thật cảm khái, nhưng cũng thật buồn. Phải chăng đó là tâm trạng của ông Kiên, người đã chứng kiến trận chiến Tết Mậu Thân vừa xảy ra, khiến phố chợ tan nát, đồng bào chết chóc đau thương trong khu thị tứ này?

Bên ngoài bóng chiều đã xuống thấp. Vạt nắng cuối ngày vừa tắt trên khu rừng cao su phía sau nhà. Gia chủ thấy tôi đỏ bừng mặt vì men say, nên mời tôi và anh Hoàng ở lại nghỉ đêm. Tuy nhiên, anh Hoàng lắc đầu từ chối:

-Xin phép chú Kiên cho chúng tôi về Chi khu. Đêm nay cuối tuần, VC thường hay pháo kích, chú Kiên không nhớ sao?

  Trời bắt đầu tối. Hoàng cũng đã ngấm rượu như tôi, nên không thể lái chiếc xe hai bánh Honda về Chi khu. Anh đưa tôi vào nghỉ đêm tại tư gia của anh. Quả như Hoàng dự đoán, khuya hôm ấy VC pháo kích ầm ĩ. Gia chủ kéo tôi vào hầm với bao cát bao quanh.

Sáng thứ hai, tôi đến Văn phòng Hành chánh quận, bắt đầu một ngày làm việc nơi chốn biên thùy này.  Các Trưởng ban và nhân viên trong văn phòng Quận đều tập trung xếp hàng ngay ngắn để làm lễ chào cờ đầu năm. Sau đó, tôi được anh Hoàng hướng dẫn đi viếng thăm các thân hào nhân sĩ, các cơ sở tôn giáo… Quang cảnh ngày đầu Xuân tại một quận lỵ nhỏ bé không náo nhiệt như ở thủ đô Sài gòn, nhưng cũng khá vui tươi đầm ấm. Mùi nhang thơm thoang thoảng khắp nơi. Đây đó, từ những sòng xóc dĩa, những nhóm chơi bài… những tiếng cười sảng khoái vang lên. Sau đó tôi về tư gia của Hoàng. Chúng tôi mua vài lon bia về để thưởng thức một ngày Tết của hai kẻ cô đơn xa nhà! 

Xế chiều hôm ấy, ông Kiên lái xe đến trình văn thư đồn điền gởi cho quận. Xong ông xin vào gặp Tân. Trông ông không được vui như hôm tôi mới đến uống rượu tại nhà ông. Ông Kiên nói nhỏ , giọng hấp tấp:

-Tối hôm thứ Bảy, tụi nó pháo vô khu nhà công nhân đồn điền. Một quả rơi sau nhà tôi, làm sập mái… May mà các ông về Chi khu, chứ nếu ở lại nhà tôi, lỡ có chuyện rủi ro xảy ra tôi ân hận biết chừng nào…

 Hai năm sau, tôi xin thuyên chuyển khỏi Bình Long, v phục vụ tại tỉnh Long Khánh. Trước ngày ra đi, tôi ghé thăm các thân hào nhân sĩ trong quận Lộc Ninh. Sau đó, tôi và anh Hoàng ghé thăm ông Kiên.  Cũng như ngày mới đến, ông mời chúng tôi uống vài ly “bồ đào mỹ tửu” của Pháp trước khi chia tay.

Khoảng tháng Tư năm 1972, khi đang làm việc tại quận Định Quán, tôi nghe tin Lộc Ninh thất thủ, quận lỵ bị VC đánh chiếm để làm thủ phủ của chúng. Từ đó tôi không gặp lại ông Kiên bao giờ nữa. 

****

Hôm nay, hơn năm mươi năm sau ngày uống ly rượu tất niên với thầy ký Kiên của đồn điền Lộc Ninh năm xưa, tôi bất ngờ gặp lại người “con gái rượu” của ông. Tôi đứng lặng nhìn di ảnh của người thư ký đáng mến ấy tại xứ sở tỵ nạn xa xôi này. Tôi xin gia chủ một nén hương, thắp lên để tưởng nhớ đến ông- người mà tôi xem như bạn vong niên trong những năm phục vụ tại miền biên ải Lộc Ninh. Qua làn khói hương mờ ảo, tôi như thấy lại cái quá khứ biến động, với bao cay đắng ngọt bùi năm xưa. Nó như một cuốn phim quay chậm, chiếu lại hình ảnh những đêm tối trời với tiếng pháo kích của VC ầm vang trong khu phố chợ; những ngày tôi đi công tác ở những xã ấp kém an ninh; những lần ghé thăm ông Kiên, nâng ly rượu Tây và nghe ông ngâm bài cổ  thi “Bồ đào Mỹ Tửu” của một nhà thơ Tàu cổ.  

Nhưng rồi hương khói nhạt dần. Trong phút chốc những hình ảnh ấy vụt bay về quá khứ. Trước mặt tôi, chỉ còn lại cô gái rượu của thầy ký Kiên - cô Lan đang đứng nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ. Tôi tự hỏi, phải chăng cô đang nuối tiếc kỷ niệm của những ngày tháng êm đềm ở Lộc Ninh năm xưa;  hay cô đau buồn khi nhớ đến người cha kính yêu, mà nay không còn trên cõi đời này nữa?

                                                        Tam Bách  Đinh Bá Tâm

No comments:

Post a Comment