Links

Friday, July 29, 2022

CÔ GÁI VỚI CHIẾC MŨ THÊU HOA

 ____________________________________________

    Tam Bách ĐINH BÁ TÂM

 


http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/fsmsr/2015_04_23/LYNK_by_TANGTANG_08.jpg


      Buổi sáng hôm ấy trời đột nhiên âm u buồn bã. Sang tháng sáu rồi, mùa hè đã đến miền nam California mà sao khí hậu nơi đây vẫn se lạnh, lất phất những giọt mưa trái mùa? Phải chăng trời xứ Mỹ muốn chiều lòng kẻ viễn xứ - những người xa Sài gòn, cứ đến tháng sáu lại nhớ cơn mưa miền nam đất Việt: Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa …(Thơ Nguyên Sa).  

      Chuyến xe đò đi San Jose, theo lịch trình sẽ khởi hành tám giờ rưỡi sáng tại Bolsa, Westminster. Nhưng khi tôi tới bến khoảng bảy rưỡi, đã có vài người ngồi trong xe nhà chờ đợi. Có lẽ họ muốn ưu tiên có một chỗ ngồi thoải mái trên chuyến xe đường trường gần sáu tiếng đồng hồ?  Đây là chiếc xe đò độc nhất do người Việt làm chủ, chạy suốt 375 dặm từ Westminster đến San Jose. Miền đất viễn tây này từ xưa đã có huyền thoại về nơi lắm bạc nhiều vàng; về những chàng cowboys bắn súng rất nhanh, bởi “bắn chậm là chết” (The Quick And The Dead). Vào khoảng 2005, có sự tranh chấp giữa hai công ty xe đò chạy tuyến đường Nam-Bắc Cali. Kết quả, một người của công ty xe đò Hoàng bị hai kẻ giết mướn thanh toán theo kiểu cao bồi miền Viễn Tây, suýt mất mạng. Sau đó công ty này phát triển, độc chiếm thị trường chuyên chở khách Nam Bắc Cali. Trong khi đó, công ty đối thủ phải “đóng cửa dẹp tiệm” ! 

  


      Ngồi trong xe nhà cùng cậu con trai, chờ chuyến xe đò đến bến, tôi mơ màng nhìn làn mưa bay bay trên khu parking trống vắng  vào buổi sớm tinh sương. Tôi liên tưởng đến chuyến xe đò Sài gòn – Bình Long năm xưa, cũng vào những ngày mưa gió như hôm nay, hành khách ngồi co ro bên nhau. Không hẳn họ co ro vì gió mưa lạnh lẽo, mà vì một số người - trong đó có cả tôi, lo sợ những tên du kích xuất hiện bất ngờ, bắt cóc dẫn đi! Hình ảnh ấy, với tôi vẫn còn đậm nét trong tâm trí, dẫu đã năm mươi năm trôi qua, kể từ ngày tôi đến trình diện ở nhiệm sở đầu tiên tại một quận nơi chốn biên thùy thuộc tỉnh Bình Long…  Đến gần tám giờ rưỡi, hành khách bắt đầu đông đảo. Người ta vẫn đứng lố nhố chờ xe, hành lý để la liệt bên cạnh.  Từ trong xe nhà, một người đàn ông trung niên vạm vỡ, đội chiếc mũ lưỡi trai nhà binh, đến trước đám hành khách hô to:

      -Mời bà con cô bác xếp hàng chuẩn bị lên xe. Hành lý để bên cạnh… Xin đứng thành hàng một, sau lưng tôi! 

       Bỗng nhiên kỷ niệm của những ngày thụ huấn ở trường bộ binh Thủ Đức lại đến với tôi, khi nghe những tiếng hô dõng dạt ấy. Lúc lên xe, tôi hỏi anh ta: 

      -Anh trổ tài chỉ huy hay quá! Trước năm 75’ ở Việt nam anh là sĩ quan trong quân lực VNCH  phải không?

      Anh ta cười, đáp:

      -Đâu có! Hồi đó em chỉ là tân binh quân dịch. Hôm nay thấy hành khách không xếp hàng, sợ lên xe mất trật tự, nên em  nhắc nhở bà con vậy thôi!  

      Anh ta tâm sự thêm:

      -Anh coi, ngoài hành khách người Việt còn có Mỹ, Mễ…Làm sao cho “đẹp” để họ khỏi coi thường đồng hương mình, phải không anh ?

      Xe đến, mọi người tuần tự bước lên, theo sau người lính Cộng hoà đã thi thố tài chỉ huy với những hành khách đồng hương- những đồng hương này đa số đã quen nếp sống tự do ở quê hương thứ hai! Trên nét mặt anh ta, hiện lên vẻ mãn nguyện của một người vừa hoàn tất một công tác quan trọng! Phải chăng người lính Cộng hòa của một thời oanh liệt, đã từng ấp ủ giấc mơ thầm kín được làm một sĩ quan chỉ huy. Có thể anh đang mơ được dẫn đầu một đoàn quân, hát vang ca khúc Xuất Quân hùng tráng trên đường ra trận diệt thù:  


Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi.. quyết chiến                                                                                  

Ði là đi ..quyết thắng.Ði là mang.. linh hồn non   sông…..             

(Phạm Duy)                                                                                        


      Tôi bước vào ngồi xuống chiếc ghế sát cửa sổ ở dãy còn trống trên xe. Chung quanh tôi, nhiều nữ hành khách trẻ đang cười nói rộn rã. Bỗng một cô  lớn tuổi bước lên xe, đến chiếc ghế trống cạnh tôi, hỏi:

      -Có ai ngồi chỗ này không chú?

      Tôi lắc đầu, đưa tay mời ngồi. Nàng ăn mặc như một ca sĩ, dáng vẻ phong trần; chiếc mũ đen có thêu những bông hoa tường vi màu đỏ, ôm sát mái tóc cắt ngắn. Nàng ngồi xuống, im lặng, đôi mắt bí ẩn sau chiếc kính đen gọng vàng chạm trổ.


      Chung quanh chúng tôi, các cô gái trẻ móc ví, lôi những chiếc Iphone “to đùng” ra gọi như pháo nổ!…Những ngón tay búp măng thoăn thoắt lướt trên màn hình Iphone, bày ra hình ảnh  con cái của họ. Họ khoe nhau về các con ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi, lãnh không biết bao nhiêu là phần thưởng (awards) ở trường!…Sự khoe khoang ấy chẳng khác những điều nhà văn châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ, Aziz Nesin đã mô tả trong tác phẩm “Con Cái Chúng Ta Giỏi Thật”…Những tiếng gọi phone, cười nói… rộ lên, ầm ĩ như tiếng đạn nổ nơi chiến trường. 

Tôi bỗng nhớ truyện ngắn phóng tác Nổ Như Tạc Đạn của nhà văn Hoàng Hải Thủy trước năm 1975. Nhưng hôm nay, trên chuyến xe này, không phải chỉ một tiếng tạc đạn nổ mà nhiều tiếng nổ liên tiếp như súng liên thanh; như những tiếng pháo dòn dã trong ngày Tết Nguyên Đán!

      Trước năm 1975, tôi đã từng phục vụ tại những địa phương mất an ninh, nhất là quận Lộc Ninh ở sát biên giới Việt Miên. Ấn tượng kinh hoàng về những tiếng pháo kích ban đêm, vang rền ở khu dân cư trong lồng chợ Lộc Ninh, cho đến nay vẫn còn ám ảnh tôi. Nhưng hôm nay, những “tiếng nổ thời bình” của các cô gái này - gần năm mươi năm sau những “tiếng nổ thời chiến” năm xưa, dẫu sao cũng không đến nỗi chết người! Chỉ làm khổ đôi tai những hành khách cao niên trong xe, đến nỗi họ phải di chuyển đến cuối xe, thật xa những “tiếng nổ” kia! 

     

*    *    *

                                                              

      Trong khi các “nữ chiến sĩ” của “mặt trận nổ” đang thi thố tài năng, người nữ hành khách đội chiếc mũ đen bên cạnh tôi vẫn im lặng, trầm ngâm với cặp mắt kính đen bí ẩn. Chiếc mũ thêu những cánh hoa tường vi màu đỏ vẫn luôn ôm kín mái tóc cắt ngắn của nàng, cả khi nàng ngả người vào lưng ghế, ngủ một giấc ngắn! Hoặc cả khi ngủ mê, nàng tựa mái đầu - với chiếc mũ đen vào vai tôi, cho đến khi những tiếng “nổ” ầm ĩ của đám nữ hành khách trẻ kia khiến nàng thức giấc. Nàng ngồi thẳng dậy, tháo kính mát ra cất vào ví, ngượng ngùng nói lời xin lỗi với tôi -kẻ đồng hành dẫu chưa quen thân mà nàng đã vô tình tựa đầu vào vai ngủ thiếp! 

Tôi muốn phá tan bầu không khí ngượng ngùng bằng câu hỏi xã giao:

      -Chị ở thành phố nào ở Nam Cali?

Nàng đáp lại với giọng thân tình, thay đổi cách xưng hô:

      -Dạ! Tôi không ở Nam Cali! Tôi từ San Jose xuống Westminster thăm bà con bạn bè…Dưới này khí hậu có vẻ mát hơn trên đó…Thế anh ở Nam Cali với gia đình chứ?

Tôi gật đầu, thân mật hỏi về gia cảnh nàng:

      -Vâng! Thế anh chị có mấy cháu rồi?

Nàng buồn rầu đáp:

      -Tôi chưa lập gia đình anh ạ! Mãi lo “chuyện thiên hạ”, đến quên cả “chuyện lấy chồng”, nên già rồi mà vẫn phòng không chiếc bóng!

      Câu chuyện lan man khiến chúng tôi bớt lạnh nhạt hơn lúc mới lên xe. Nàng cho biết sang Mỹ từ năm 75’. Đây là lần thứ hai nàng theo gia đình di cư. Lần đầu từ Hà nội đi tàu há mồm vào Sài gòn năm 54’, khi đó nàng chỉ là cô bé một tuổi! Bởi nàng đã có năng khiếu và sở thích ca hát từ nhỏ, nên thường tham gia trình diễn văn nghệ ở các trường học. Khi sang định cư ở Mỹ, nàng ca hát giúp vui cho các cụ già trong viện dưỡng lão; hoặc tham gia văn nghệ do hội đồng hương tổ chức. Thỉnh thoảng nàng tham gia các show ca nhạc thính phòng, nên cũng có chút tiền dành dụm... Nàng tâm sự:

      -Có tiền là tôi giúp đỡ người nghèo! Thỉnh thoảng tôi gửi về giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà bên quê nhà.  Tôi cũng gửi tiền về đóng góp vào quỹ từ thiện của một nhạc sỹ tôi ái mộ từ lâu! Trước năm 75’ ông ta sáng tác nhiều tình khúc rất hay! Tôi mê những bản tình khúc -từ Tình khúc số thứ Nhát đến Bài Không Tên Cuối Cùng…, cả giọng hát của ông ta nữa!

Như để chứng minh những lời “tâm sự lòng thòng” đó, nàng hát nho nhỏ một tình khúc của ông nhạc sĩ đã từng làm mềm lòng không ít các thiếu nữ Sài gòn! Hát xong, nàng thấy tôi không hưởng ứng, liền hỏi:

      -Anh biết tác giả bản tình khúc ấy không ?  

       Tôi toan trả lời rằng tôi đã từng ở tù chung với ông ta trong nhà tù cộng sản. Tôi cũng suýt “bật mí” cho nàng biết về những công việc làm không tốt của ông ta trong trại “cải tạo”. Tôi cũng muốn hát lên cho nàng nghe một bài ca do ông ấy sáng tác trong trại, khiến anh em đồng tù cho đến nay vẫn còn căm giận…Nhưng tôi kịp dừng lại. Tôi không muốn làm thất vọng một fan đang ái mộ ông nhạc sĩ kiêm ca sĩ đó ! Tôi tự nhủ: cứ để cho nàng tìm hiểu sự việc mà ông “nhạc sĩ khoác áo nhà từ thiện” đã làm … Cho đến khi khám phá ra con người thực của ông ta thì nàng sẽ thất vọng và xa lánh. Cũng chẳng muộn màng gì!…   

                                            

                                        *    *    *

 


      

Sau gần sáu giờ chạy suốt, chiếc xe đò đậu lại cạnh một siêu thị nhỏ ở San Jose. Tôi đứng lên lấy túi hành lý, chuẩn bị bước theo hành khách xuống xe. Đi qua chỗ người tài xế Mỹ đang ngồi, tôi ngạc nhiên thấy cô nữ đồng hành tôi mới quen biết, đang mở ví lấy hai tờ giấy năm Mỹ kim trao cho ông ta, với lời cám ơn kèm nụ cười lịch sự.  Tôi sực nhớ lời của người hành khách cựu quân nhân buổi sáng đã chỉ huy hành khách xếp hàng ở bến xe Westminster : “Làm sao cho “đẹp” để họ khỏi coi thường đồng hương mình…”. Quả thật việc làm bất ngờ của cô nữ đồng hành này là một hành vi tốt đẹp, đầy tình người mà tôi được chứng kiến chiều hôm ấy.

      Tôi xuống xe đứng chờ các con đến đón. Trái với khí hậu ở Nam Cali, chiều hôm ấy San Jose có vẻ nóng bức hơn. Người nữ đồng hành đã xuống xe, cũng đứng chờ… 

        Tôi hỏi nàng:

      -Chắc chị chờ người nhà ra đón?

      - Dạ không! Chỉ có bạn tôi hẹn ra đón thôi. Nhưng phải đợi sau khi tan sở, cô ấy mới đến được!... 

      Tôi áy náy nhìn nàng, nét mệt mỏi hiện trên khuôn mặt, khác hẳn vẻ tươi tắn lúc ngồi trên xe. 

      Mười lăm phút sau, các con đến đón… Khi xe chúng tôi chạy qua chỗ những hành khách đang đứng chờ, tôi thấy người nữ đồng hành với chiếc mũ đen thêu hoa vẫn còn đứng đợi. Trong khi mọi người vui mừng khi người thân đến đón, nắm tay nhau, ôm ấp nhau, tíu tít cười nói…thì nàng vẫn kiên nhẫn đứng đó, cô đơn dưới nắng chiều. Nàng tháo chiếc mũ thêu hoa ra khỏi mái tóc để quạt mát khuôn mặt ửng đỏ dưới ánh nắng chiều! Một làn gió bất chợt thổi tung những sợi tóc bạc bay chập chờn trên mái tóc lưa thưa màu trắng lẫn vàng úa...Tôi bỗng thấy ái ngại cho người nữ “anh hùng thấm mệt” và cô đơn - người bạn đồng hành đã ngồi bên tôi trên chuyến xe đò miền Viễn Tây đất Mỹ này!  

      Suốt thời gian trên xe, nàng đã kể về những năm tháng giúp đỡ người già trong các nursing home; tham gia văn nghệ do các hội đồng hương tổ chức…Nàng hăng say làm những việc thiện nguyện ấy, cốt đem lại niềm vui cho mọi người mà quên cả tuổi xuân của mình đã trôi qua – trôi lặng lẽ như nước chảy qua cầu. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Chữ rằng xuân bất tái lai”. Bây giờ nàng đứng đó, cô đơn và mệt mỏi dưới ánh nắng chiều sắp tắt. Tôi tự hỏi: rồi đây, trong những năm tháng còn lại, liệu nàng có cơ duyên nào tìm được mối tình riêng tư cho mình, để vơi đi phần nào sự quạnh quẽ cuối đời chăng?

  Bỗng dưng, tôi nhớ đến những lời ca thật buồn trong bản Kiếp Cầm Ca do Huỳnh Anh sáng tác trước năm 1975:

Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương                                                                                                                         

Mưa rơi phố thưa vắng tiêu đìều                                                                                                                             

Hạt mưa ướt vai người tha hương

Xóm nghèo quạnh hiu màn đêm tịch liêu

Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ

Đời ca hát cho người mua vui

Nhưng khi cánh nhung khép im lìm

Ánh đèn lặng tắt

Gởi ai nỗi niềm… 

TamBáchĐinhBáTâm                                                                                                                                                                             



No comments:

Post a Comment