Links

Wednesday, July 6, 2022

MẮT HUYỀN NĂM XƯA

****************************

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

See the source image

Hôm ấy tôi đến tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập trường Đồng Khánh và trường Quốc Học - hai trường công lập lớn nhất cố đô Huế.  Trong quá khứ, tôi chỉ là học sinh Nguyễn Tri Phương ở Huế trong bốn năm. Sau đó theo gia đình vào Sài gòn. Nhưng tôi đến tham dự buổi lễ này để thay Mẹ tôi - người mẹ quá cố đã từng học trường Collège Đồng Khánh từ năm 1932 đến năm 1937. Những kỷ niệm của Mẹ tôi  được ghi lại trong bức ảnh chụp năm 1933, do người em bên Việt nam gởi sang. Trong ảnh có hình cô nữ sinh của ngôi trường Đồng Khánh năm xưa, đứng cạnh các bạn gái cùng lớp, phía sau cô giáo người Pháp.  Đó là môt bà Đầm trẻ, mặc váy hoa, ngồi chễm chệ giữa đám nữ sinh người Việt - với áo dài nhiễu đen, quần vải màu trắng, cổ đeo kiềng bạc, vẻ mặt trang nghiêm. Trải qua bao nhọc nhằn của kiếp phù sinh, cô cựu nữ sinh năm xưa nay đã trở thành cụ bà bách niên! Và sau khi cụ rời trần gian, đám con cháu luôn giữ lại hình ảnh đáng quý của cô học trò thơ ngây, môi tươi mắt sáng trong tấm ảnh năm xưa để làm kỷ niệm!

Khi tôi đến nhà hàng, tuy chưa tới giờ khai mạc mà khách tham dự đã đông nghẹt . Trong khu đậu xe mênh mông, từng tốp cựu nữ sinh- mà một thời có thân hình thon gọn trong chiếc áo dài trắng, mái tóc thề ngang vai - đang tươi cười “tạo dáng” đ chụp hình. Giọng Huế vang vang, ríu rít như chim sẻ trên cành. Ngôn ngữ với âm sắc dịu dàng của miền sông Hương núi Ng, từ lâu ít được nghe trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình ở hải ngoại, nay được dịp vang lên trong khu đậu xe trước nhà hàng. Giọng nói đặc thù lên bổng xuống trầm như tiếng hò mái nhì trên giòng Hương giang vào một chiều thu êm ả. Nó khơi lại trong lòng tôi những kỷ niệm êm đềm của những năm sống trong ngôi nhà ở hữu ngạn sông Hương. Đặc biệt những buổi chiều đi bộ trên cầu Trường Tiền, nghe tiếng hò Huế phát ra từ đài Phát Thanh, vang trên bến nước sông Hương, vọng mãi đến cầu Bạch Hổ mờ sương về hướng thượng nguồn.

Trong nhà hàng đã đông nghẹt khách đến tham dự. Tôi cầm chiếc vé do người bạn Huế - một “Mệ” dòng dõi vua Triều Nguyễn gởi tặng - Rồi chen vai thích cánh giữa giòng người đông như trẩy hội, tôi tìm đến bàn mình. Bỗng có người gọi tên, tôi  ngạc nhiên quay lại. Một cô gái  hỏi bằng giọng Huế ngập ngừng:

-Có phải anh Tân đây không hỉ?

Tôi chưa kịp trả lời, cô gái mỉm cười, liếng thoắng :

-Anh biết em là ai không? Bạn của Lệ, em gái “anh Hai” đó!

Tôi  nhìn kỹ đôi mắt, miệng cười của nàng rồi  gật đầu:

-À! tôi nhớ ra rồi. Ngày xưa cô ở  ăn nhà đối diện cư xá Cô Bắc, quận Nhì Sài gòn phải không ?  

Hình như cô gái muốn trắc nghiệm trí nhớ của tôi:

-Dạ đúng rồi, anh còn nhớ như rứa thì hay quá! Nhưng em tên chi, anh còn nhớ không tề?

Tôi đứng im cố nhớ, nhưng đành chịu. Từ ngày nàng âm thầm ra đi, đã ba mươi năm rồi nay mới gặp, dễ gì còn nhớ tên nhau!

Cô gái không muốn tra vấn thêm, bèn tươi cười gợi ý:

-Tên em cuối cùng có chữ “y”...

Tôi chợt nhớ ra :

-À! tên cô là Thúy, tôi nhớ ra rồi. Nhưng gặp lại nhau, nhận ra nhau là quý rồi.  H dễ còn nhớ đến tên, phải không nào?

 Sau đó tôi cáo lỗi vợ chồng nàng, đi tiếp đến bàn mình, theo dòng người đưa đẩy. Nụ cười duyên dáng, chân thật…và nhất là đôi mắt – đôi mắt tròn xoe, long lanh như hạt huyền - bỗng hiện lên trong cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm nay. Đôi mắt ấy đã gợi lại những kỷ niệm vui buồn của thời “bĩ cực/thái lai” khi tôi sống trong căn cư xá Cô Bắc, Sài Gòn.                                                            

*               *              *

Thật ra ít người biết cư xá Cô Bắc được xây dựng năm nào, nhưng có lẽ từ trước năm 1945. Đó là một cư xá dành cho công chức thời Pháp , và công chức VNCH trướcnăm 1975. Cư xá nằm trên đường Cô Bắc Quận Nhất ngày nay (thời Pháp là đường Dumortier, nơi đó có hãng cao su Labbé). Một số công chức kỳ cựu sống lâu năm trong cư xá vẫn quen gọi là Cité Domortier. Người dân trong vùng gọi là Citê Cô Bắc. Ngày tôi theo gia đình từ Huế vào Sào Gòn, lối kiến trúc nơi này tạo cho tôi một ấn tượng kỳ lạ. Cư xá nằm sát bên đường lộ, không có cổng kín tường cao, không có lối đi rộng rãi như những cư xá khác trong thành phố. 

Cổng duy nhất đi vào là một cái vòm lớn, trông như ống xi măng khổng lồ hình bán nguyệt, qua đó xe vận tải có thể đi vào bên trong . Sân sân cư xá rộng đủ để cư dân đậu xe hai bánh hay ngồi hóng mát buổi chiều. Cư xá có năm mươi căn nhà độc lập ở hai tầng, cất theo hình chữ U. Trong cùng có miếu thờ thần hoàng thổ địa.  Cư dân phần đông thuộc gia đình công chức, nên không khí tĩnh lặng, giao tiếp với nhau lịch sự nhã nhặn, tuy có ph ần lạnh nhạt, khách sáo. Người ngoài cư xá thường vào kết bạn với cư dân bên trong, bởi lẽ họ không thấy những cảnh chưởi bới tục tằn, ồn ào mất trật tự trong khu cư xá công chức này. Trong số đó có cô bé Thúy từ khu nhà bên kia đường Cô Bắc thường sang chơi với em gái   tôi, bên trong cư xá.

Vào những năm đầu của thập niên 1960’, tôi sống trong tâm trạng lo lắng do lệnh “Tổng động viên”.  Sau khi thi đậu Trung Học ở Huế, tôi được nhận vào học ở trường Chu Văn An, Sài Gòn. Bắt đầu năm đệ Nhị tôi dành hết thời giờ chăm chỉ học hành  để đậu được Tú Tài I, khỏi mang cấp bậc Hạ sĩ quan khi bị động viên đi lính. Cô bạn nhỏ của em gái tôi, khi đến nhà chỉ nhìn thấy “anh Hai” của bạn đang chăm chú vào những trang sách giáo khoa. Hết sách Toán của Lebossé đến Lý Hoá của George Eve. “Anh Hai” chỉ ngẩn lên đáp lễ cô khách nhỏ chào hỏi mà thôi. Cho đến một hôm, cô bé Thúy mon men đến gần bàn học của “anh Hai” tò mò nhìn. Tôi ngạc nhiên ngẩn lên, cô nàng bối rối, ngượng nghịu lảng sang phòng khác tìm gặp Lệ, em gái của tôi!                    

Rồi ngày tháng trôi qua, tôi vào học trường Hành chánh Sài gòn. Tốt nghiệp, tôi phục vụ ở các quận xa. Thỉnh thoảng về phép thăm vợ con - ở cạnh nhà bố mẹ và các em trong cư xá. Cô bé có đôi mắt hạt huyền năm xưa, nay đã là một thiếu nữ dậy thì, e lệ cúi chào mỗi khi thoáng thấy “anh Hai” của bạn mà lâu lâu nàng mới gặp…Rồi Sài gòn thất thủ, “anh Hai” khăn gói lên đường  “cải tạo” để trả món nợ máu cho “cách mạng”. Sau khi đám bộ đội “miền ngoài”, với “tiền pháo hậu xung”, hăm hở tiến vào Sài gòn để “giải phóng Miền Nam”, kinh tế Sài gòn trở nên kiệt quệ, người dân Sài gòn trở nên đói khổ không thua gì  các “trại viên cải tạo” trong nhà tù Cộng Sản.   Người anh của bé Thúy cũng ra đi “học tập cải tạo”   - như “anh Hai” của bạn Lệ,  nhưng đã bao mùa thu qua vẫn biền biệt chưa về!

       *              *              *

Sáu năm sau, vào một chiều mùa Đông, tôi trở về với thân thể tiều tụy tâm hồn tan nát! Cư xá công chức nay không còn yên tĩnh, lịch sự như xưa nữa. Những người “miền ngoài”, đa số thuộc tầng lớp lao động như lái xe, thợ mộc, thợ hồ… vào chiếm ngụ những căn nhà mà chủ nhân đã bỏ nước ra đi. 

Thỉnh thoảng công an khu vực vào “thăm dân cho biết sự tình”, nhưng chủ đích để theo dõi những “ngụy quân, ngụy quyền” mới được “cách mạng khoan hồng” cho về đoàn tụ với gia đình. 

Gã công an khu vực này còn trẻ, rất siêng năng trong việc kiểm soát những cựu tù “cải tạo”. Hắn lập một “toán dân phòng” hơn mười người. Cứ cách vài đêm, hắn bất ngờ đến nhà từng người gọi đi tuần tra khu phố. Toán dân phòng được trang bị  gậy tầm vông – như dân quân du kích thời kháng chiến chống Pháp 1946! Công an khu vực dẫn đầu, len lỏi vào các đường hẽm; hé cửa sổ các “căn hộ khả nghi”, chăm chú nhìn vào! Đôi khi hắn tỏ ra rành rẽ lý lịch chủ hộ, như “nhà này của cô BL hát cải lương trước đây. Nhà kia có con em vượt biên trái phép, bị bắt ở Rạch Giá…”. 

Khoảng hơn một giờ đồng hồ đi lòng vòng trong xóm, dòm ngó nhà dân, người công an khu vực cho toán dân phòng ngồi nghỉ mệt giữa đường lộ, trước cư xá. Một nồi cháo trắng và dĩa ba khía được mang từ nhà một ai đó trong cư xá để “bồi dưỡng” toán tuần tra. Nồi cháo đã nguội; những con ba khía lạnh tanh khiến cho những kẻ đã từng qua cơn đói khổ ở trại “cải tạo”, nay cũng phải nhăn mặt, cố gắng “ngậm đắng nuốt cay” . Đắng cay như cuộc sống của những kẻ “thua cuộc” đang bị kẻ “thắng cuộc” đày đọa để trả thù! 

Vào những ngày lễ “trọng đại ” như 2 tháng 9,  hoặc 1 tháng 5…toán dân phòng của cư xá Cô Bắc cũng tham gia “diễu hành” trước Nhà Hát Thành phố (Toà nhà Quốc Hội trước năm 1975).  Trước đó công an khu vực tập hợp toán dân phòng để tập dượt. Hắn tìm một anh hạ sĩ quan “ngụy”, giao phó nhiệm vụ chỉ huy đám sĩ quan “ngụy” của toán dân phòng. Anh hạ sĩ quan trẻ, có dáng điệu như  một“tiểu thư” nên bạn bè thường gọi là “thằng-con-gái”. Khi người hạ sĩ quan ấy phải chỉ huy các đàn anh sĩ quan theo lệnh của công an khu vực, anh ta phải cố gắng hô to đến khàn cả giọng: 

-Tiểu đội chú ý: Nghiêêêm! Gậy cầm tay, bắt! Đằng trước bước! Một, Hai, Ba, Bốn…”  

Tên công an khu vực khoát tay ra dấu ngừng lại. Hắn đến trước người chỉ huy toán dân phòng, quát tháo:     

-Anh hô sai rồi! Phải hô dõng dạt cương quyết như bộ đội cách mạng,: Một , Hai- Một, Hai- Một, Hai... 

Rồi quay toán dân phòng hắn “thuyết giảng”:

-Còn các anh trong hàng phải vung tay ra phía trước cho có “khí thế”! Tập lại đi.  Phải mạnh mẽ lên, các anh nghe rõ chưa?

Vài tiếng “Rõ” vang lên, ỉu xìu miễn cưỡng! Tôi nhìn vào cư xá. Từ những căn nhà mặt tiền của dãy cư xá, cư dân đang nhìn hoạt cảnh trước mặt. Dưới ánh đèn đường, nét mặt họ ưu tư buồn bã! Bên kia đường, cô Thúy đang đứng cùng những người dân hiếu kỳ, im lặng nhìn một vở bi hài kịch đau lòng. Các diễn viên ấy không ai xa lạ. Họ là những cựu công chức, những sĩ quan chế độ cũ đã bị đầy ải trong các trại “cải tạo” mới về! Cô gái đứng đó, ngỡ ngàng nhìn “anh Hai” của bạn mình cùng các bạn cựu sĩ quan của “bên thua cuộc” đang miễn cưỡng “đóng tuồng” dưới sự giám sát của tay công an khu vực hống hách. 

Trong số mười người của toán dân phòng đang “tập bước đều” đó, có một cựu sinh viên du học West Point của Mỹ về nước trước 30 tháng 4, 1975; một cựu sinh viên Hành chánh Sài gòn từng tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức; một giáo sư đại học từng du học ở Hoa Kỳ; số còn lại là các sĩ quan tại ngũ hoặc sĩ quan biệt phái của quân đội VNCH trước khi Miền Nam bị thua cuộc.

Sau màn bi hài kịch “tập bước đều” do công an khu vực làm đạo diễn, hắn dựng thêm màn kịch khác . Đó là  “bình bầu trả quyền công dân” cho những người tù cải tạo mới được tha về. Một buổi tối, tổ trưởng dân phố được lệnh tập họp những “chủ hộ” tại sân cư xá, trước miếu thần hoàng. Công an khu vực đến gọi những người mới được tha về, chưa có “quyền công dân” đến dự buổi họp. Sau khi hắn nêu lên những ưu khuyết điểm của đương sự, mọi người đóng góp ý kiến. Chỉ cần một một người “chủ hộ” không  đồng ý, đương sự bị “rớt đài” ngay trong kỳ “sát hạch”.  Kết quả là anh ta vẫn chưa thành “công dân của nước CHXHCNVN”;   Quang cảnh này diễn ra trước miếu của cư xá, nơi mà cư dân trong cư xá tin tưởng thần hoàng sẽ phù hộ cho họ tránh khỏi những nguy biến rủi ro! 

Vào thời quân Nhật chiếm đóng Sài Gòn, quân đội Thiên hoàng dùng cư xá này để làm trạm y tế cho các thương binh tử sĩ của họ. Khi quân Nhật bại trận về nước, người ta đồn rằng thỉnh thoảng về đêm người dân trong cư xá trông thấy các oan hồn uẩn tử hiện về . Cho nên họ lập miếu thờ, để thần hoàng che chở! 

Trong khi chờ đợi đến phiên mình được “trả quyền công dân”, tôi lơ đãng nhìn ngôi miếu, nhìn cảnh tro lạnh hương tàn bên trong. Tôi  chợt có ý nghĩ chua chát: chẳng biết thần hoàng thổ địa còn ngự trị nơi miếu thờ này không?  Hay ngài cũng chán nản trước cảnh  người dân phải chịu đựng bao cảnh đoạ đày của những kẻ vô thần?

Tuy nhiên với cư dân trong cư xá, hầu hết rất tin tưởng thần hoàng thờ trong miếu. Những người chuẩn vị vượt biên thường kín đáo đến thắp nhang nơi này. May thay, hầu hết những chuyến vượt biên của họ đều thành công. Chỉ một sốt ít bị bắt khi ghe của họ chưa ra đến hải phận quốc tế! Trong số đó có cậu con trai còn vị thành niên của tôi. Sau một tuần bị giam giữ ở Rạch giá, cậu bé “thuyền nhân nhí tìm tự do” được trở về, xuất hiện âm thầm trong đêm, lặng lẽ bước nhanh vào nhà trong cư xá. Những người vượt biên thành công, đã gởi thư từ trại tỵ nạn nước ngoài về gia đình, khiến cho cư dân cư xá càng tin tưởng sự linh thiêng của vị thần hoàng trong miếu này.

  Một buổi tối cuối tuần, tôi ghé thăm bố mẹ và các em trong cư xá và gặp cô Thúy đang nói chuyện với em gái tôi ở đó. Đôi bạn gái thì thầm với nhau , không cười đùa vui vẻ như mọi ngày. Nhìn thấy“anh Hai” của bạn, Thúy ngẩn lên chào, định nói điều gì đó, nhưng lại thôi. Trông cô có vẻ buồn bã lo lắng. Dưới ánh đèn đêm, mắt Thúy như hai hạt huyền, long lanh ngấn lệ. Đoạn cô cúi chào ra về. Từ đó không thấy Thúy sang chơi với em gái tôi nữa. Mười năm sau, tôi và gia đình định cư tại Hoa kỳ theo diện HO…  

*          *         *

Buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập trường Đồng Khánh kéo dài thật lâu. Bởi chương trình có những có nhiều màn ca vũ nhạc đặc sắc, nhiều lời giới thiệu cô giáo, thầy giáo năm xưa. Khi trưởng ban tổ chức tuyên bố bế mạc, trời đã về chiều. Tôi đến bàn tiệc của Thúy để thăm hỏi tin tức gia đình cô, các anh chị cô. Nhưng vợ chồng cô không còn nơi đó nữa.

Bốn mươi năm sau đêm Thúy âm thầm ra đi làm “thuyền nhân tìm tự do”, tôi đã gặp lại cô nơi đất khách quê người trong một hoàn cảnh bất ngờ nhất. Nhưng trong thoáng chốc, cô bé Thúy năm xưa đã ra về không một lời từ biệt. 

Hôm qua, em gái tôi gửi một điện thư nhắc lại những kỷ niệm êm đềm của một thời trẻ trung năm xưa. Đó là quãng thời gian chúng tôi còn ở chung với bố mẹ trong cư xá Cô Bắc:  

“Tối qua tình cờ em nghe bài Vũ Nữ Thân Gầy, là bài La Cumpasita, phải không anh? Em nhớ anh quá! Em nhớ ngày xưa, lúc em còn rất nhỏ, anh thì còn rất trẻ, anh hay đàn guitar bài này, bài Tristess của Chopin nữa và những bài gì nữa mà em không biết tên...

Em rất cảm ơn anh, cảm ơn những khúc nhạc anh đã đàn trong căn nhà bé nhỏ, luôn đầy tiếng cười ở Cô Bắc, đã thấm vào tâm hồn em, cho em có được mỹ cảm âm nhạc…”

Vâng , căn nhà bé nhỏ tràn đầy hạnh phúc mà em tôi nhắc đến chính là căn cư xá Cô Bắc hơn năm mươi năm về trước. Từ “Mùa Xuân đại thắng” 30-4-1975, dưới sự cai trị của tập đoàn độc tài Cộng sản, xã hội Miền Nam hoàn toàn thay đổi. Bao gia đình ly tán, cha mẹ con cái, anh em sống cách biệt nơi chân trời góc biển. Khi đã định cư nơi  xứ sở tự do này, tôi vẫn còn bị ám ảnh bao nỗi cay đắng, xót xa  sau khi từ trại tập trung Miền Bắc trở về, rồi bị “quản chế” nhiều năm sau đó.

Những lời tâm sự tha thiết, cảm động của em gái khiến tôi nhớ đến những giọt lệ long lanh nơi khoé mắt cô Thuý-người bạn gái năm xưa của em tôi. Sau lần gặp g bất ngờ trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập trường Đồng Khánh xứ Huế, tôi không còn gặp lại Thuý nữa. Dẫu chỉ gặo gỡ trong khu phố Tiểu Sài gòn nhỏ bé ở Miền Nam Cali này. Nàng như “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời”, để lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn của một dĩ vãng đầy biến động tại quê nhà năm xưa.

Tam Bách Đinh Bá Tâm  




 

 

 

  

 

 



No comments:

Post a Comment