Links

Thursday, July 28, 2022

NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

Tôi nằm im lặng, thả hồn theo tiếng hát từ chiếc radio bên gối. Đã hơn nửa thế kỷ rồi, mỗi khi nghe lại bản “Nếu Em Không Là Người Yêu Của Lính” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tôi vẫn xúc động: 


Nếu em không là người yêu của lính

Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh

Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng

Và giữa chốn muôn trùng

Ai viết tên em lên tay súng…

Bên ngoài trời rả rích mưa. Đã đến tháng Tư, sang Xuân rồi mà sao trời Cali vẫn mưa gió lạnh lẽo thế này? Tôi liên tưởng đến những đêm mưa ở quận biên thùy Lộc Ninh, tỉnh Bình Long hay quận đất đỏ An Lộc, tỉnh Long Khánh. Năm mươi năm trước, tôi đã sống và làm việc nơi đó như một công chức biệt phái - một “người lính không quân phục” đầu tiên trong đời.

Tuần rồi, người bạn văn nghệ chào từ giã lên đường sang Úc thăm Mẹ già. Người bạn vong niên ấy rất thích những bài viết về lính, nhất là bài thơ Gởi Em, Cô Giáo Bình Long của người lính Biệt Kích vô danh. Người bạn trẻ viết trong email:Bên xứ Kangaroo này mưa dầm lê thê, ít nhất cũng hơn một tuần rồi anh ạ...” Tôi thầm nghĩ: sao hai xứ ở bắc và nam bán cầu, mùa này khí hậu giống nhau đến thế? Phải chăng trời đất cũng nhỏ lệ khi đến tháng Tư Đen- tháng đau buồn uất hận của người Việt tỵ nạn khắp địa cầu.  

Chiều qua, tôi tìm thấy trong điện thư một bài viết về “Huyền Thoại Người Đẹp Trong Tim Cả Triệu Người Lính VNCH” của LVHải. Tác giả viết:

“Tiếc Thương Giọng Nói ngọt ngào “Em Gái Hậu Phương” Dạ Lan 2 (Hồng Phương Lan) Xướng Ngôn Viên của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH, vừa mới ngừng tiếng nói!...

da lan hai[23742]…Trong hồi ký của nhà văn Văn Quang, kể về quá trình hình thành chương trình Dạ Lan như sau: Vào khoảng đầu thập niên 1960, Đại tá Trần Ngọc Huyến là người có sáng kiến tạo ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Ngay sau khi ra mắt, chương trình này được hầu hết quân nhân yêu thích. Dần dần trở thành chương trình được mến mộ nhất của đài. Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan xin nghỉ việc, dọn về Đà Lạt. Đài Phát thanh Quân Đội bèn chọn một nữ xướng ngôn viên khác, có giọng nói y hệt Xuân Lan, khiến thính giả không thể phân biệt được, đâu là người mới, đâu là người cũ…Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan....

****

Trong khi tiếng nói của “Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” vang lên hằng đêm từ đài Phát Thanh Quân Đội ở Sài Gòn, thì tại Bình Long cuộc chiến 93 ngày - bắt đầu từ tháng năm, 1972 - trở nên khốc liệt. Cuối cùng quân đội ta đã anh dũng đẩy lui cộng quân ra khỏi An Lộc. Nơi chiến tuyến này, phát xuất huyền thoại “Cô Gái Bình Long” - tác giả hai câu thơ đầy hào khí “An Lộc địa sử lưu chiến tích/ Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.” Đây cũng là hai câu đối ghi trên đài Tử Sĩ tại nghĩa trang An Lộc dành cho các chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù tại chiến trường Bình Long. 

Hồi ấy, nhân vật “Cô Giáo Pha” tại Bình Long được báo chí Sài Gòn nhắc nhở, tôn vinh. Nhất là sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm và khen ngợi các chiến sĩ đã tạo nên chiến thắng ở mặt trận An Lộc, Bình Long. Đồng thời Ông cũng trao tặng cho quân dân tử thủ tại thành phố nhỏ bé này một mỹ danh: Bình Long Anh Dũng!

 Hai năm trước khi xảy ra trận chiến, tôi làm việc tại An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long. Hồi ấy, tôi biết cô Pha là thư ký tại toà Hành Chánh tỉnh. Đó là một thiếu nữ trẻ, duyên dáng, mặn mà. Nửa năm sau, tôi thuyên chuyển lên Lộc Ninh, quận biên thùy của  tỉnh Bình Long.

Cô Pha xuất thân trong một gia đình nho giáo tại Lộc Ninh. Cô có người anh là Trưởng Chi Thông Tin quận Lộc Ninh và người em trai làm việc tại văn phòng quận. Thỉnh thoảng người anh cô Pha mời tôi đến nhà chơi vào cuối tuần; và nơi đây, chúng tôi uống trà đàm đạo văn thơ. Những khi ấy, cô Pha thường về nhà ở Lộc Ninh để hội ngộ cuối tuần với gia đình.

Khoảng tháng 6 năm 1972, chiến cuộc xảy ra tại An Lộc, cô Pha bị đạn pháo kích gây thương tích ở chân. Cô được các chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù đưa cô về Trạm Xá Dã Chiến cạnh Bộ Chỉ Huy chăm sóc. Hằng ngày nhìn thấy các anh chiến sĩ cặm cụi chôn cất, làm mộ bia cho các đồng đội đã hy sinh, cô cảm xúc sáng tác hai câu thơ nổi tiếng. Hồi ấy, một anh Biệt Cách Nhảy Dù trẻ tuổi đã viết bốn mươi bốn câu thơ “Gởi Em- Cô Gái Bình Long”. Bài thơ thật cảm động, được sáng tác khi người Biệt Kích trẻ này bị thương nặng và bị bắt ở chiến trường Phước Long. Tám ngày sau anh qua đời. Trong bài thơ ấy có nhắc đến “cô giáo Pha” mà báo chí đã tạo nên một huyền thoại về “Cô Gái Bình Long”:

… Pha hỡi, bây chừ em đâu nhỉ ?
Cô giáo hôm xưa đã lấy chồng ?
Chúc em hạnh phúc răng long bạc.
Còn anh hôm nay vào Phước Long….

…"An Lộc địa sử lưu chiến tích.
Biệt Kích Dù vị quốc vong thân"
Lời thơ hôm ấy sao hay quá.
Nghĩa trang buồn như tiếng lá rơi….

 

Ngoài tài thi phú, cô Pha có giọng hát thật hay. Tôi đã được nghe cô hát một lần tại tiệc cưới ở nhà hàng Á Đông, Chợ Lớn, vào khoảng năm 1970. Không biết do một cảm xúc nào làm cô ứa lệ khi cất tiếng hát, khiến thực khách trong nhà hàng hôm ấy cũng rơi lệ? 

 

Mùa thu năm 1992, tôi cùng gia đình đến Hoa Kỳ theo diện H.O. Những ngày tháng đầu tiên nơi miền đất tỵ nạn, tôi được một công việc làm ban đêm. Một hôm, tôi gặp đôi vợ chồng trung niên người Việt cũng làm nơi ấy. Người chồng- một cựu sĩ quan Cảnh sát VNCH mà tôi  quen biết tại Long Khánh năm 1973- đã giới thiệu người vợ với tôi. Tôi nhận ra cô ký Pha ở toà Hành Chánh Tỉnh Bình Long năm xưa. Sau đó, tôi có liên lạc bằng điện thoại với người cựu sỹ quan Cảnh Sát để hỏi lai lịch hai câu thơ của “Cô giáo Pha”. Anh cho biết, chính “Cô Ký Pha”- vợ anh, chứ không phải “cô Giáo Pha” đã sáng tác hai câu thơ này.

Sau thời gian ngắn làm việc ban đêm, tôi ghi danh đi học , rồi làm việc vào ban ngày. Từ đó tôi không còn gặp vợ chồng cô Pha nữa. Thật đáng tiếc. Bởi thời gian gặp gỡ của những kẻ “tha hương ngộ cố tri”như chúng tôi quá ngắn, không đủ để hàn huyên tâm sự về những kỷ niệm một thời khói lửa năm xưa.       

                                                              *****

  Đêm nay nơi đất khách, tiếng hát “Nếu Em Không Là Người Yêu Của Lính” của ca sĩ Ngọc Minh đã ngưng từ lâu, nhưng tôi vẫn nằm im thẫn thờ. Ngoài kia, trời vẫn còn rả rích mưa khiến tôi chợt nhớ bốn câu thơ của một thi sĩ người Pháp, Paul Verlaine:

Il pleure dans mon cœur

Comme il pleut sur la ville ;

Quelle est cette langueur

Qui pénètre mon cœur ?.....

(Tạm dịch ra tiếng Việt:

Lệ ứa trong tim tôi

Như mưa rơi trên phố

Sao cơn mỏi mệt nào

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ rồi. Nắm xương tàn của những chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước, cho gia đình, cho những “người yêu của lính” nay cũng đã phôi pha trong lòng đất. Nhưng mỗi khi nghe những bài hát, những bài văn, bài thơ nhắc đến người chiến binh VNCH năm xưa, tôi vẫn cảm thấy xúc động. Mối hoài cảm ấy đến nay vẫn chưa “mỏi mệt” - như lời thơ của Verlaine. Bởi những giọt lệ cảm xúc vẫn còn dâng lên trong khoé mắt già nua của tôi, khi nhớ lại những trận đánh kinh hoàng năm xưa tại  Miền Nam nước Việt. 

Và cũng như tôi, đã có những em gái hậu phương đem lại niềm khích lệ cho các anh chiến sĩ nơi tiền tuyến.  Họ đã tạo nên huyền thoại “Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” của dài Phát thanh Quận Đội, hay huyền thoại “ Cô Pha ”của Bình Long… Giọng nói êm ái, chan chứa tình yêu thương; hay những câu thơ đã làm nức lòng người chiến sĩ VNCH- những người đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Như anh chiến sĩ Biệt Cách Nhảy Dù trẻ tuổi đã viết những câu thơ hào hùng trước khi qua đời tại chiến trường Phước Long năm xưa:

"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"
Sá gì một cõi đi về đất.
Biệt Kích lưu danh, Biệt Kích đời.                                                                                                                                (Biệt Kích vô danh)                                                                              Tam Bách Đinh Bá Tâm

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

                         

                                                                                                                                                          

                                                                                                         


                


No comments:

Post a Comment