Links

Thursday, July 21, 2022

SAO ANH NỠ ĐÀNH QUÊN

__________________________________ 

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


 

Khi được tin anh bạn đồng tù “cải tạo” năm xưa  vừa qua đời ở Việt Nam, tôi thật sự đau lòng và hối tiếc cho anh. Phải chi anh cùng tôi sang định cư ở đất Mỹ này, có lẽ anh còn sống lâu hơn!  Tôi còn nhớ  lần cuối gặp anh trên cầu chữ Y, quận 6 Sài gòn vào buổi chiều một năm trước ngày tôi lên đường đi tỵ nạn ở Hoa kỳ. Lúc ấy tôi đang gò lưng đạp chiếc xe cũ kỹ lên dốc cầu, bỗng thấy một thanh niên cưỡi chiếc xe gắn máy hiệu Honda mới toanh, gọi tên tôi và ra dấu ngừng lại. Chúng tôi tựa vào thành cầu thân mật trò chuyện. 

Anh ta hỏi tôi:                                                      

                                                                              -Nghe nói anh sắp đi Mỹ theo diện H.O. phải không?

Tôi nhìn anh vui vẻ đáp: -Vâng, phái đoàn Mỹ phỏng vấn đồng ý cho đi rồi. Chỉ còn chờ khám sức khỏe là xong. Anh cũng làm xong thủ tục đi tỵ nạn ở Mỹ rồi chứ?  

Anh nhìn tôi, giọng gay gắt:

-Không, tôi không đi. Anh nghĩ sang Mỹ mà làm gì? Đất nước Việt Nam hết chiến tranh, thanh bình trở lại rồi. Sang bên xứ lạ, làm gì mà sống? Nhất là tạm cư ở một xứ tư bản, mình sẽ bị kỳ thị, bóc lột… sống sao nổi!

Tôi nhìn khuôn mặt mập mạp của anh mà ngao ngán lắc đầu. Mười năm trước, anh nằm sát bên tôi ở trại tù “cải tạo” Thanh Cẩm, Thanh Hoá. Người bạn đồng cảnh với tôi vốn hiền lành, nhút nhát, bỗng một hôm xuất hiện trong buổi văn nghệ của trại, với khăn rằn quấn cổ, với chiếc mũ tai bèo, với những bài vọng cổ sặc mùi “cách mạng”! Tôi tưởng anh muốn lấy lòng cán bộ trại để được về sớm…. Nhưng kết quả anh vẫn không được ưu đãi gì, mà trái lại, ngày càng ốm o gầy mòn vì đói mà vẫn phải cố gắng “tập tuồng” những bài cải lương “ca ngợi giải phóng”!

Năm năm sau, anh được về cùng đợt với chúng tôi. Vài tháng sau , anh ta được nhận vào làm ở Cửa hàng thực phẩm Vissan Sài gòn. Chỉ một thời gian ngắn, anh phương phi béo tốt hẳn lên. Hôm nay, nghe người bạn từng ở tù vì tội “ngụy quân ngụy quyền” lại thốt ra những lời chê bai xứ Mỹ, yêu đất nước Việt Nam do CS cai trị là an bình, tốt đẹp…đã từ chối không đi tỵ nạn ở Hoa kỳ, thì tôi thật sự ngao ngán!

Tôi nhìn anh, lên tiếng sau một lúc cố nén bực tức:


- Chắc anh chưa quên những năm tháng đói khổ trong trại “cải tạo” Thanh Cẩm.  Chắc anh chưa quên cảm giác thèm thịt, dẫu một miếng thịt chuột mà hôm ấy chúng ta cùng chia nhau…Nhưng về đây anh có may mắn được cho vào làm việc ở một nơi sản xuất thịt heo như công ty Vissan. Còn tôi vẫn còng lưng đạp xe đi làm thư ký cho các cơ sở sản xuất tư nhân, lương không đủ sống, thịt không được mua dễ dàng như anh… Hôm nay anh hỏi tôi “sang Mỹ làm gì?”,  tôi xin trả lời ngay: “Tôi sang Mỹ để có miếng thịt mà ăn! Ăn cho bõ những ngày đói khát trong trại tù. Ăn cho bõ cảm giác thèm thịt triền miên trong thời gian ấy”!

Nói xong những lời châm biếm mỉa mai với người bạn cựu tù đã chóng thay lòng đổi dạ , tôi chán nản đạp xe ra về, chẳng để ý phản ứng của anh ta. Đó làngười bn tù đã từng chia với tôi từng miếng rau, củ sắn; từng miếng thịt chuột mà tôi may mắn chộp được trong phòng giam mườì lăm năm trước.

*****

Tôi vốn sợ chuột, mặc dù tôi tuổi mão, cầm tinh con mèo! Tôi chưa từng làm việc cũng như sinh sống ở miền Tây Nam Việt, nơi người ta bán thịt chuột, ca ngợi món thịt chuột!  Tôi cũng  chưa bao giờ nếm qua món thịt đặc biệt đó! Cho đến khi ra Bắc, tôi lại thêm oán ghét con vật hay đục khoét, vụng trộm này! Trong trại, chế độ ăn uống rất hà khắc. Ba ngày mới có một chén cơm, kỳ dư phải ăn bắp - hạt cứng như đá; khoai lang - bé tí như đuôi chuột; khoai mì công nghiệp - vừa đắng vừa hôi. Mà những thứ lương thực ấy lại quá ít để bù lại năng lượng đã mất vì lao động quá cực nhọc… 

Một buổi tối, tôi được anh bạn có thân nhân tiếp tế, tặng cho một củ khoai. Tôi chưa dám ăn và đem treo trên đình màn. Lúc sắp ngủ, tôi cảm thấy đói bụng, bèn nhìn củ khoai mà phân vân tự hỏi: “Ăn hay không ăn? Nếu ăn thì ngày mai đi lao động với chiếc bụng trống rỗng, phải chống gậy mới đi nổi . Nếu không ăn thì ngay bây giờ cơn đói hành hạ cái bao tử chịu sao thấu? ” Đói, mệt khiến tôi ngủ thiếp đi. Nửa đêm tỉnh dậy, nhìn lên đình màn, thì than ôi! củ khoai biến mất. Tôi nghĩ ngay đến chú chuột thường chờ đến đêm lẻn vào tìm đồ tiếp tế trong phòng giam.  

Một đêm đông giá rét, anh em trong phòng giam co ro nằm sát bên nhau, chờ giấc ngủ đến với nhiều mộng mị…Bỗng nhiên tôi nghe tiếng kêu vui mừng của một anh bạn cùng phòng: “Con chuột!”. Các bạn trong phòng ngồi bật dậy, phóng tới bắt con chuột. Chú chuột luống cuống giữa đám người reo hò vây quanh. Tôi nghĩ ngay đến thủ phạm ăn cắp củ khoai treo đình màn đêm nọ, tức quá, bèn nhào tới chụp lấy chú chuột. Tôi đắc thắng đưa lên cao để khoe món chiến lợi phẩm vừa thu hoạch. Các bạn tù tiu nghỉu trở vào chỗ nằm, ép bụng chờ giấc ngủ. Anh bạn nằm kế bên tôi chạy đến với  nắm giấy báo trong tay:

-Con chuột này mập mạp, ăn ngon lắm đó! Sẵn có giấy đây, mình vô nhà cầu thui lên… Không ăn bỏ phí của trời!

Vừa muốn trả thù thủ phạm đánh cắp củ khoai lang đêm nọ và vừa quá đói bụng, tôi đồng ý ngay giải pháp hợp lý của anh bạn đồng cảnh ! Trước khi ra tay, tôi thì thầm với chú chuột vô phước:

-Ta với mi vốn không có mối thù truyền kiếp!. Nhưng hôm nay ta buộc lòng phải hoá kiếp cho mi. Chẳng qua cũng vì cơn đói ray rức ta quá đó thôi! Trước khi sang thế giới bên kia, mi đừng oán trách ta nhé!

Sau đó, tôi bóp chết chú chuột, lột da, vất bỏ bộ đồ lòng, đốt giấy thui chú chuột nhỏ bé đáng thương kia! Sau đó chúng tôi chia nhau ăn hết con chuột … Tôi trở lại chỗ nằm trên thềm xi măng, trùm chiếc chăn Nam Định mỏng manh, ngủ một giấc yên lành, có lẽ cũng nhờ chút protein của chú chuột ngấm vào chiếc dạ dày lép kẹp của tôi!

            ****

Lúc còn ở  bậc trung học Việt Nam, tôi đã từng đọc truyện ngắn “Miếng Bít tết” ( A Piece Of Steak) của Jack London. Nhân vật chính của tác phẩm là Tom King, một võ sĩ quyền Anh ngoại tứ tuần. Vì sinh kế, anh ta buộc lòng phải so găng cùng một thanh niên trẻ tuổi hơn. Và trong trận đấu quyết liệt ấy, Tom chỉ cần một miếng bít tết để có thể đạt đến thành công. Nhưng anh nghèo không đủ tiền mua thịt. Bị cơn đói dày vò, anh ta thua cuộc trong trận đấu định mệnh ấy. Sau khi bị đối thủ cho anh đo ván, J. London mô tả cảnh não lòng của kẻ thua trận đấu chỉ vì thiếu một miếng thịt: Hai đầu võ sĩ quyền Anh., Đấu Quyền Anh, Cuộc Thi đấu, Đấm Bốc. Hình ảnh PNG

“Tom King lãnh đạm nhìn trong lúc các tay săn sóc của anh lau khô nước đang chảy ròng ròng trên người anh, lau khô mặt anh và chuẩn bị đưa anh rời võ đài. Anh cảm thấy đói. ĐÓI! Đó không phải là cái cảm giác âm ỉ, bình thường, mà là một cảm giác hết sức khó chịu, một sự co thắt ở tận đáy dạ dày, lan đến toàn bộ cơ thể. Anh nhớ lại cái giây phút trong trận đấu anh đã nắm được đối thủ đang lảo đảo loạng choạng, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm thất bại. Trời ơi, miếng bít-tết đó nếu có, hẳn đã làm nên chuyện rồi! Anh đã thiếu nó đúng cho cú đấm dứt điểm, và anh đã bị nốc ao! Tất cả chỉ vì miếng bít-tết.Trời ơi, miếng bít-tết đó nếu có,  hẳn đã làm nên chuyện rồi! Anh đã thiếu nó đúng cho cú đấm dứt điểm, và anh đã thua. Tất cả chỉ vì miếng bít-tết!!!”

Hồi còn trẻ, với cuộc sống vật chất khá đầy đủ giữa thủ đô Sài gòn trù phú, tôi chưa có kinh nghiệm về cái ĐÓI- cái đói triệt để và triền miên. Nhưng trong những năm bị cầm tù trong trại “cải tạo” miền Bắc, tôi mới thấm thía cảm giác đói khi bị thiếu ăn trường kỳ! Cho nên, theo tôi nghĩ, nếu trong trận thư hùng giữa hai tay đấu quyền mà Jack London đã mô tả, do thiếu miếng thịt bò nên cơn đói hành hạ mà người võ sĩ nhà nghề, nhưng nghèo- Tom King- bị gục ngã, thì miếng thịt chuột trong đêm tối trời lạnh lẽo trong phòng giam trại Thanh Cẩm đã khiến tôi cảm thấy đỡ đói lòng.  Để rồi sáng hôm sau, tôi có thể vững bước trên con đường đi lao động trong cơn giá buốt xứ Thanh .

****

Hơn hai mươi năm sau, vào một buổi sáng đẹp trời ngồi uống cà phê với các bạn thơ văn trong tiệm Coffee Factory ở Westminster, miền Nam California, tôi gặp một anh bạn - có lẽ chưa “nếm mùi cải tạo”. Anh ta đã yêu cầu tôi kể lại những tháng năm gian khổ trong trại tù ở  Miền Bắc Việt Nam... Nghe xong vài mẩu chuyện đắng cay trong trại Thanh Cẩm mà tôi đã trải qua, anh bạn vui miệng hỏi thêm:

-Tôi nghe nói trong trại, gặp con gì nhúc nhích là các anh “xơi tái” ngay, phải không anh? Tôi liền đáp:

-Đúng và cũng không đúng, thưa anh. Thật ra, có những con vật hôi hám, dơ bẩn chúng tôi không bao giờ đụng đến. Còn những con vật khác như chuột, rắn, ếch, kỳ đà, kỳ nhông, …đã tóm được khi đi lao động, chúng tôi  làm thịt kỹ  lưỡng,  rồi nướng và ăn  ngay…

Hôm ấy tôi đã thanh minh thêm với các bạn: sở dĩ tôi kể lại những trường hợp phải ăn những con vật mà các anh cho là “gớm ghiếc”, chỉ có mục đích duy nhất mà thôi. Đó là  muốn bày tỏ ý chí sống còn trong trại tù CS! Bởi trong bao năm bị đói khát hành hạ, bị buộc  lao động quá cực nhọc, chúng tôi phải tìm cách “mưu sinh thoát hiểm” . Chúng tôi không muốn bị gục ngã như anh chàng võ sĩ nghèo, thiếu tiền mua thịt trong truyện ngắn của J.London. Chúng tôi không muốn nằm lại vĩnh viễn nơi đồi lim gần trại, nơi đã chôn bao bạn tù xấu số khác. 

Tôi nhớ lại ngày được nhận giấy ra trại, được cởi bỏ bộ đồ tù cũ nát,   trút bỏ những khổ đau nhục nhằn trong bao năm qua, mặc lại bộ quần áo sạch sẽ , văn minh của mình đã đem theo khi đi tù “cải tạo”, tôi cảm thấy lòng tràn ngập yêu đời. Tôi nhìn dãy núi bên kia sông quanh năm mờ mịt; nhìn dòng sông Mã cuồn cuộn chảy, từng nhận chìm bao bạn đồng tù tìm cách bơi qua trốn trại…! Trong những năm gian khổ đó, tình cảm của tôi cũng giống như của nàng Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du ngày xưa:


Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”


Nhưng được ngày ra khỏi trại, bỗng dưng tôi thấy những núi sông ấy lại đẹp đẽ lạ thường! Bởi tôi đã được trả tự do, ít nhất là được thoát khỏi cái nhà tù “cải tạo” nhỏ bé trên thượng nguồn sông Mã này. Còn cái nhà tù XHCN  đang chờ tôi ngoài xã hội kia, tôi chưa thể biết được!

Tôi hít một hơi dài như để tận hưởng cái không khí tự do đầu tiên sau bao năm tù đày. Một luồng sinh khí như bừng dậy trong người tôi; và tôi cảm thấy như mình khỏe mạnh trở lại. Khi leo lên chiếc xe Molotova để xuống nhà ga Thanh Hoá, đón chuyến xe lửa Thống Nhất về Nam, tôi nhìn lần cuối nơi đã bị giam cầm trong bao năm qua, nơi mình suýt bỏ mạng vì bị đói khát, hành hạ … tôi nhủ thầm: cuối cùng mình đã thắng. Thắng vì tôi vẫn còn sống, trái với chủ trương của “bên thắng cuộc” muốn chúng tôi phải chết nơi rừng thiêng nước độc. Đó là cái chết bi thảm của  kẻ bị tù đày khổ sai biệt xứ!

Một người bạn đồng môn kiêm nhà thơ nổi danh hải ngoại, sau khi nghe tôi kể về thời kỳ ở trong trại tù Thanh Cẩm, đã gửi tặng tôi bài “Mùa Hội Ngộ”,  trong đó có  những vần thơ bi hùng như sau:

….Nhưng ước vọng chưa thành, quê hương sụp đổ          

Tổ quốc oan khiên, anh nhận lãnh tội tù                

Trong đọa đày, trong nhục tủi khôn nguôi                  

Anh đứng thẳng nhận đòn thù tứ phía …………………………………………………..                                          

Anh đã thắng vì Anh vẫn còn sống đó

Để hôm nay còn ngẩng mặt giữa quê người          

Để hôm nay còn hiện hữu Anh, Tôi        

Cùng cầu nguyện cho những người nằm xuống…...

Phùng Minh Tiến

                              *****

Tôi viết những dòng hồi ức này vào một đêm đông giá lạnh tại miền đất tự do, nơi tôi đã tỵ nạn hơn hai mươi lăm năm rồi. Tôi đã kể lại với các bạn đến định cư trước ở xứ sở tự do này những mẩu chuyện về những năm tháng trong trại tù “cải tạo” mà tôi đã sống sót. Nơi đó, chúng tôi đã cố gắng mưu sinh, chống lại cái đói triền miên khiến nhiều anh em tù nhân phải bỏ mạng….Nạn đói năm Ất Dậu 1945  đã xảy ra tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, đã làm chết hàng triệu người . Cho đến nay đã hơn bảy mươi năm rồi, vẫn còn lưu lại trong trí nhớ những người Việt Nam đã chứng kiến tại các đường phố Bắc Việt. Thế thì những cái chết âm thầm của các tù nhân xấu số trong trại  “cải tạo” nơi miền rừng núi keo cư, không ai biết đến, kéo dài hàng chục năm, trước mắt những bạn đồng tù như chúng tôi, làm sao tôi có thể quên được? 

Thế nên, thỉnh thoảng tôi phải kể lại cho những người chưa bao giờ nếm mùi tù “cải tạo” ở Việt Nam. Trong số đó có những người đã hỏi tôi một cách tò mò, nghi ngờ với đôi chút diễu cợt: “Trong trại cải tạo gặp con gì nhúch nhích là các anh xơi tái ngay phải không?”! Tôi phải kể lại cho những người có thân nhân đi tù biết rõ, để họ tránh những câu trách móc đau lòng: “Các anh ở trong trại đã có người lo cơm nước, khỏi phải lo toan những khó khăn chúng tôi phải chịu đựng ở nhà. Vậy các anh nhắc mãi chuyện đói khát làm chi?...”. 



Tôi phải kể lại cho con cháu sau này thấy rõ sự thâm độc của chủ nghĩa Cộng sản. Để chúng nhìn lại lịch sử để thấy rằng: trong suốt thế kỷ 20 - từ ngày Cộng Sản nắm quyền ở Nga, ở Đông Âu, ở Việt Nam, ở Lào, ở Campucia, ở Tàu, ở Bắc Hàn, ở Cu Ba, cho đến hôm nay- sự tàn ác của  chúng  chẳng khác gì nhau. Và nếu, cho đến nay, người ta không biết rõ có bao nhiêu thuyền nhân bỏ mạng trên biển cả để tìm Tự Do, thì có lẽ cũng khó biết được có bao nhiêu tù nhân đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất, bởi lao động khổ sai, bởi đói khát triền miên không biết bao năm tháng trong các trại cải tạo khắp đất nước Việt Nam, sau ngày Cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam…

Đêm nay, tôi sực nhớ đến người bạn tù trong trại Thanh Cẩm năm xưa đã từng chia xẻ míếng thịt chuột bé tí cho đỡ đói lòng.Thế mà khi ra khỏi trại, về nhà có công ăn việc làm, anh quên ngay những ngày tháng đói rét trong trại. Tôi muốn mượn những lời ca của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng để nhắn nhủ anh:

….Sao anh nỡ đành  quên kỷ niệm chan chứa êm đềm
Sao anh nỡ đành quên cho lòng này đau xót thêm….

Nhưng tiếc thay, anh không còn trên cõi đời này nữa để tôi gợi lại cho anh những kỷ niệm khổ đau trong trại tù CS năm xưa trên bờ sông Mã xứ Thanh! 

                                                                                                  Tam Bách Đinh Bá Tâm


                                      


 

No comments:

Post a Comment