Links

Tuesday, July 12, 2022

TIẾNG ĐÀN NĂM XƯA

__________________________________ 

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


Image result for lửa trại







Tôi ngồi lặng yên trước máy vi tính, nhìn bức ảnh và những dòng chữ hiện trên màn hình. Tất cả đã khiến tôi ngạc nhiên lẫn xúc động. Một thương phế binh ngồi trên chiếc ghế nhựa, một chân bị cụt đến đầu gối. Hai tay cầm mảnh giấy viết dòng chữ đậm nét: “Xin cảm tạ lòng tốt của ông …. ở California, USA. Ông đã tặng chúng tôi món quà Tết 2.000.000 VNĐ …. Chân thành cám ơn: Hùng và Hoàn- Sài gòn, ngày….tháng…năm.

Đọc lý lịch người nhận quà ghi bên dưới tấm hình, tôi được biết người thương phế binh là Cựu Sĩ quan Quân Lực VNCH, quê ở  Bình Định.  Anh tên Nguyễn Văn Hùng, đã bị thương trong trận đánh ác liệt tại mặt trận Bồng Sơn năm 1967. Khuôn mặt anh trông vẫn quắc thước, tươi vui, mặc dù sự bất toàn của cơ thể đã khiến người sĩ quan oai dũng một thời, nay phải chịu cảnh “…Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua…”(Thơ của Thế Lữ)

Bên cạnh anh, chị Hoàn trông có vẻ lớn tuổi hơn, nhưng nhan sắc của một thời tươi trẻ vẫn còn lưu dấu trên khuôn mặt khả ái của chị. Tuy thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng những nét quen thuộc của hai người đã khiến tôi nhận ra họ. 

                                                                   ****

Ngày ấy - khoảng năm 1953- chúng tôi là học sinh một trường Trung học tại  tại Bình Định, thuộc vùng Việt Minh kiểm soát. Lớp học có một nửa là nữ sinh, mà Hoàn là cô gái lớn nhất và đẹp nhất. Sắc đẹp và tính tình dễ mến của Hoàn đã thu hút chúng tôi. Hồi ấy tôi biết chị lớn tuổi hơn tôi và anh Hùng-người bạn thân trong lớp chúng tôi. Gia đình chị Hoàn rất khá giả. Ông bố là một giáo chức hồi hưu. Bà mẹ lo làm ăn buôn bán, tậu nhà cửa ruộng vườn nên gia đình trở nên sung túc. Trông chị, chẳng những xinh đẹp mà còn có dáng vẻ thanh lịch. Điều ấy cũng chẳng lạ vì chị là con út trong gia đình giàu có, nên chẳng phải  làm những công việc nặng nhọc, chân lấm tay bùn như các thiếu nữ cùng trang lứa.  Ngoài việc học hành xuất sắc, nàng có năng khiếu ca hát. 

Người giáo viên phụ trách môn Việt văn lớp chúng tôi tên Hoà. Đó là một thanh niên trẻ, khoẻ mạnh, có dáng người tầm thước, nước da đậm màu. Nói chung chẳng có gì xuất sắ. Tuy nhiên với chiếc quần kaki hàng ngoại, may kiểu ống túm; với áo sơ mi vải poplin trắng, trông thầy Hoà có ngoại hình khá hấp dẫn.  Ngoài biệt tài ngâm thơ, thầy Hoà còn chơi đàn mandolin thật hay . Theo danh từ Hán Việt chiếc đàn này được gọi là măng cầm. Là con của một người làm nghề mổ heo ở gần chợ, thuở niên thiếu cậu Hoà đã cố gắng theo học ở một trường cấp 2 Trung học xa nhà. Lúc trở về, cậu đã “phấn đấu” xin gia nhập đảng Lao Động (tức đảng CS Việt Nam trá hình). Vì gia đình thuộc thành phần bần cố, lại là đảng viên, nên khi cậu Hoà làm đơn xin dạy tại trường địa phương và được chấp thuận ngay.

Leland Piccolo Mandolin, 1911 Hồi ấy, ở các vùng do Việt Minh kiểm soát, phong trào ca hát được phát huy tại cơ quan đoàn thể, trường học…Tuy nhiên, nhạc cụ  trong các ban nhạc còn nghèo nàn. Duy chỉ có cây đàn mandolinbanjo; hoạ hoằn lắm, những ban nhạc giàu có mới sắm được cây đàn violin và guitar… Về nhạc cụ dân tộc Việt, ngoài cây sáo trúc ra, chẳng có những cây đàn cổ điển nào khác… Thầy Hoà là trưởng ban văn nghệ của trường, chơi đàn mandolin rất hay. Thầy chơi đàn ở bát độ (octave) cao. Thỉnh thoảng đệm những accord bằng cách đánh hợp âm với ba dây đàn cùng lúc, thật điêu luyện bay bướm. 

            Việc học hành chữ nghĩa ở vùng Việt Minh trong những năm kháng chiến bị xem là thứ yếu. Vào những ngày cuối tuần, học sinh phải đến trường làm lao động. Hết đào hầm trú ẩn để tránh bom đạn của máy bay Pháp, đến cuốc đất trồng khoai trồng mì cho các gia đình già yếu đơn côi. Ngoài ra, các lớp học thi đua trình diễn văn nghệ. Chị Hoàn hát thật hay, và   chị thường đơn ca. Anh Hùng và tôi thỉnh thoảng tham gia  ban hợp ca.

Đêm lửa trại tổ chức vào những ngày lễ lớn hoặc kỳ nghỉ hè. Đó là dịp ban văn nghệ các lớp thi thố tài năng. Dưới ánh lửa trại toả sáng trong đêm nơi khu vườn dừa gần trường học, những tiếng ca, điệu múa, đến nay hơn sáu mươi năm vẫn chưa phai mờ trong tâm trí tôi. Tôi như còn nghe đâu đây tiếng đàn banjo bập bùng, hoà nhịp với tiếng hát thanh thóat của tốp ca nữ;  cũng như tiếng măng cầm dòn dã của thầy Hoà cùng với tiếng ca thánh thót của cô nữ sinh xinh đẹp tên Hoàn . Ngoài ra thầy Hoà còn ngâm thơ, phụ họa với tiếng sáo véo von của một bạn đồng nhiệp giáo chức khác.  Sau mỗi màn trình diễn, những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Thỉnh thoảng tiếng gió thổi xào xạc, vi vu qua kẽ lá của những hàng dừa; khiến ngọn lửa trại sáng bừng lên, phát ra tiếng nổ lốp bốp như tiếng tiếng pháo mừng Xuân. 

  Cuối năm, trường chúng tôi tham gia đêm thi đua văn nghệ học sinh, được tổ chức tại Quy Nhơn. Hồi ấy, thủ phủ tỉnh Bình Định chưa bị chiến tranh tàn phá, chỉ có những nhà cao tầng bị du kích địa phương triệt hạ, theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động tập thể như chợ búa, trường học đều diễn ra ban đêm.

Ban văn nghệ dự thi chúng tôi khoảng mười lăm học sinh- hơn một nửa là nữ- cùng với hai giáo viên hướng dẫn phụ với thầy Hoà mang dụng cụ âm nhạc. Lần đầu tiên được đi xa nhà, được tham gia cuộc thi đua văn nghệ, chúng tôi rất háo hức. Ở lứa tuổi thiếu niên, chúng tôi có thể chất khỏe mạnh, nhưng tầm nhìn thế giới bên ngoài còn bị hạn chế bởi lũy tre làng, bởi con suối, bờ ao. Chẳng khác những con ếch ngồi đáy giếng, quanh năm chẳng biết gì hơn ngoài mảnh trời xanh biếc trên tầng cao. Cho nên, với một bộ quần áo mới may để “trình diễn sân khấu”, với một ít tiền được mẹ cho để đóng góp mua thực phẩm, với cảm giác sung sướng như Xuân Tâm đã viết trong bài thơ Nghỉ Hè “Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã/Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu…”, chúng tôi chuẩn bị lên đường. Đoàn văn nghệ chún tôi cuốc bộ chín cây số đường trường, vừa đi vừa hát bài Lên Đàng :“  Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng/Kiếm nguồn tươi sáng…” . Chúng tôi hoà ca cùng nhịp bước chân để hăng hái đến nhà ga huyện, bắt đầu cuộc hành trình phương xa đầu tiên trong đời.

  Đêm thi đua văn nghệ dành cho học sinh tại Quy Nhơn hồi ấy, kết quả  thế nào, ban văn nghệ trường tôi có nhận được “cái giải” gì không? Tôi không còn nhớ! Những chi tiết ấy hầu như đã phai mờ trong theo năm tháng!. Duy chỉ  còn lưu lại trong trí nhớ của tôi một giọng ca thánh thót của cô nữ sinh tên Hoàn, hoà với tiếng đàn dòn dã của thầy Hoà, trưởng ban văn nghệ của trường chúng tôi.

Giáp Tết năm ấy, có tin thầy giáo Hoà sắp cưới cô Hoàn, học trò cưng của thầy. Một hôm  tôi gặp Hoàn trong giờ ra chơi để tra vấn, chị chỉ ỡm ờ đáp :

-Tân tưởng tượng xem, được lên chức “cô giáo” có sướng không?

Tôi thắc mắc hỏi chị :

-Chị còn trẻ, chưa có học vấn cao, làm sao làm cô giáo được?

Chị Hoàn dí dỏm đáp:

-Làm vợ thầy giáo thì được gọi là “cô giáo” chớ có khó gì đâu?

Lúc ấy tôi tưởng chị Hoàn nói đùa. Nhưng, cũng như Cô Lái Đò trong thơ Nguyễn Bính “Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông, Cô lái đò kia đi lấy chồng…”   chị Hoàn đã bỏ lớp học, bỏ bạn bè, chị đi lấy chồng. 

Tôi biết anh Hùng rất cảm mến  chị Hoàn, mặc dù tuổi tác chênh lệch nhau. Thỉnh thoảng họ ngồi tâm sự với nhau. Hùng nhỏ tuổi hơn chị Hoàn, và hai người còn trong tuổi đi học, nên tình yêu ấy chỉ là “tình học trò” mà thôi. Cho nên khi chị Hoàn đi lấy chồng, chị đã để lại khoảng trống buồn đau cho anh Hùng- người bạn trai thân thiết nhất của tôi. Hàng ngày đến trường, tôi và anh Hùng vẫn đi qua ngôi nhà của chị Hoàn, nhưng còn đâu bóng dáng ngời nữ sinh học dễ mến, giỏi giang, giọng ca làm mê đắm lòng người ấy nữa?

Đám cưới của một thầy giáo vốn xuất thân từ gia đình bần hàn, với cô nữ sinh trẻ đẹp, con nhà giàu có không tránh khỏi đàm tiếu dị nghị. Sau Hiệp định Genève1954- thầy giáo Hoàn theo đám cán bộ Việt Minh xuống bến cảng Quy Nhơn, lên tàu tập kết ra Bắc, đem theo người vợ trẻ đẹp mới cưới. Nàng ra đi, để lại bao nhớ nhung cho các bạn học nhiều tình cảm với nàng, trong đó có Hùng và tôi. Nàng chia ly gia đình, bỏ lại bố mẹ trong cảnh neo đơn, đau buồn. Bố mẹ chị không muốn theo con gái trở lại nơi quê quán năm xưa. Bởi sau ngày Việt Minh tiếp thu chính quyền tại Miền Bắc, người dân nơi đây lần lượt xuống “tàu há mồm” ở Hải Phòng di cư vào Nam. Nơi đây họ hưởng cảnh ấm no hạnh phúc và không muốn quay về quê cũ - nay bị đặt dưới ách thống trị của CS, theo kiểu Trung Cộng hay Nga Sô độc đảng , độc tài.

                        **** Hơn sáu mươi năm sau, nơi miền đất Tự do hải ngoại, tôi đã gặp lại Hoài. Gặp nhau trong buổi họp mặt đồng hương. Tôi nhìn chị mà cảm thấy hối tiếc cho sắc đẹp một thời của chị. Nét xinh đẹp cao sang của người con gái sinh ra trong một gia đình giàu sang… nay còn đâu nữa?

Buổi họp mặt đồng hương hôm ấy có chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”.  Trong số nhạc cụ trình diễn, tôi thấy có nhạc sĩ đánh đàn mandolin. Tiếng đàn réo rắc, véo von tình cảm… đã khiến anh  nhớ lại những buổi văn nghệ thời đi học năm xưa.

  Hôm nay hai người bạn học thuở niên thiếu, cùng hoạt động bên nhau trong những buổi thi đua văn nghệ thuở ấy, ngồi bên nhau mà nghe tiếng tiếng măng cầm gợi nhớ. Hồi ấy, tiếng măng cầm điêu luyện bay bướm của thầy giáo Hoà đã hấp dẫn, lôi cuốn cô nữ sinh khả ái tên Hoài, khiến cô mê đắm mà lấy ông ta - người chồng đảng viên CS . Chị đã theo ông ta tập kết ra Bắc, sống trong xã hội đầy hận thù giai cấp, bần cùng hoá nhân dân …Và sau khi ông chồng bị bom B52, đã chết trên đường xâm nhập vào Nam,  người vợ sống trong cảnh goá bụa cô đơn. Cũng may, chị đã gặp lại anh Hùng, một thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà cũng nghèo khó như chị, đơn côi như chị. Nhưng có lẽ tình cảm năm xưa vẫn chưa khô héo trong trái tim nhân hậu của chị Hoàn, nên họ nương tựa bên nhau sống những ngày xế bóng cuộc đời!

                                                                          Tam Bách Đinh Bá Tâm




No comments:

Post a Comment