TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Tôi vốn xuất thân trong một dòng tộc mà ba thế hệ đều có người làm quan văn. Từ cụ cố, cụ nội đến ông thân sinh tôi đều phục vụ trong bộ máy hành chánh nhà nước − bắt đầu từ triều đại nhà Nguyễn đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Đó là thời kỳ đất nước còn thái bình thịnh trị, hiểm họa Cộng sản chỉ mới manh nha ở chốn rừng xanh núi thẳm; những nơi “khỉ ho cò gáy” ở nông thôn. Ở đó bọn cán bộ Việt cộng nằm vùng được cài đặt lại sau khi Việt Minh rút về bên kia vỹ tuyến 17. Nhưng đến đời chúng tôi, đất bằng nổi sóng từ khi vị Tổng thống họ Ngô bị bức tử. Từ đó, chiến cuộc lan tràn khắp nơi, khiến thanh niên phải đi tòng quân giết giặc. Đến lúc này, tôi thấy cần phải thoát ra khỏi cái “tháp ngà văn quan”-chỉ biết trị nước an dân bằng giấy bút hơn là dùng gươm súng để dẹp giặc cứu nước.
Sau khi đậu Tú tài toàn phần, và cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, tôi nghĩ đến việc chọn con đường binh nghiệp sao cho xứng hợp với sở thích và ước vọng của mình. Với chút vốn liếng Toán học sau hai năm dùi mài kinh sử ở ban Tú tài Toán, tôi dự định thi vào binh chủng Hải quân. Những bài hát ca ngợi cuộc sống bồng bềnh, tự do mây nước của người lính biển, những bộ quân phục trắng toát đẹp đẽ của người sĩ quan Hải quân… đã cho tôi nhiều ảm hứng và ước mơ về binh chủng này. Tôi đem dự định ấy thưa với Mẹ, nhưng Mẹ tôi tỏ ý lo ngại. Bà nhắc cho tôi cái kỷ niệm đáng sợ thuở ấu thơ, một lần ngã xuống ao sâu suýt chết đuối! Tôi vâng lời Mẹ, đành giã biệt mộng trở thành sĩ quan Hải quân, đẹp như tài tử xi-nê trong phim Mỹ chiếu tại rạp Lê Lợi, Vĩnh Lợi ở Sài Gòn thuở ấy!
Vỡ mộng làm “quan võ,” tôi thi vào trường Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, để nối nghiệp “quan văn” của cha ông thuở trước. Trong thời gian học lý thuyết ở trường Hành chánh tại thủ đô, tiếng súng từ những địa phương mất an ninh chỉ vang vọng mơ hồ đến thành phố, qua báo chí truyền thông. Nhưng khi đi thực tập ở địa phương xa xôi, tôi mới thấy thảm họa Cộng sản đã bắt đầu bộc phát từ vùng thôn quê nghèo khó. Hiểm hoạ ấy về sau lan tràn đến tỉnh thành, theo chủ trương “lấy nông thôn bao vây thành thị” của Cộng sản. Khi đi thực tập ở Toà Hành chánh tỉnh Bình Định, nhân dịp tôi về trường để nộp tờ trình thực tập địa phương, anh huynh trưởng đồng môn nhờ tôi đem về cho người bạn gái ở đường Phan Đình Phùng Sài Gòn một phong thư dày cộm. Lần theo địa chỉ, tôi lặn lội vào mãi vào khu chợ Vườn Chuối, quận 3 để hoàn tất công việc của một “cánh nhạn đưa thư”. Nhìn cô chủ nhà, tôi sực nhớ bốn năm trước đây, cô ta từng là bạn học Văn khoa với tôi. Trường Đại học Văn Khoa lúc bấy giờ toạ lạc ở góc đường Thủ Khoa Huân và Gia Long Sài Gòn. Cô này về sau làm giám đốc một nhật báo lớn ở thủ đô Sài Gòn, trước năm 1975.
Khi trao thư cho cô ta, tôi tự xưng là bạn đồng môn Hành chánh với người chủ phong thư. Cô ta nhận thư mà chẳng nói một lời cám ơn, chỉ nhếch mép hỏi tôi :
- Anh cùng học trường Hành chánh với anh D. à?
Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi của cô như một lời tra vấn. Tôi cũng không hiểu vì sao cô ta nhìn tôi với vẻ khinh bạc khi cô ta hỏi như thế! Tiếp đến, cô ta liền rao giảng một bài “công dân giáo dục” về “chí làm trai”:
- Trong lúc đất nước đang chiến tranh, bao chiến sĩ bỏ mạng nơi sa trường, mà các anh lại theo học trường Hành chánh. Để ra làm quan như thời bình chăng?
Bị chạm tự ái, tôi phản ứng lại, dài dòng hơn bài học ngắn của cô ta:
- Chắc chị còn nhớ trước đây tôi cũng vào học Văn khoa như chị? Đó là lúc tôi muốn trốn tránh cuộc chiến đang bắt đầu ở nông thôn. Nhưng nay, cuộc chiến đã lan tràn khắp nơi, nguy cơ mất nước sắp đến rồi. Cho nên tôi phải bỏ Văn khoa, xếp bút nghiên thi phú… Tôi thi vào trường Hành chánh để học phương cách xây dựng đất nước, phương thức chống Cộng. Và sau khi ra trường, chúng tôi cũng sẽ về làm việc ở nông thôn, ổn định những nơi quân đội đã đánh đuổi giặc Cộng, lo việc bình định và phát triển… Thế thì chúng tôi vào trường Hành chánh đâu có phải nuôi mộng ra làm quan như chị nghĩ?
****
Tốt nghiệp Khoá Đốc sự Hành chánh Sài Gòn năm 1967, cùng với các tân khoa, tôi trình diện tại quân trường Quang Trung, theo học khoá huấn luyện “chín tuần huấn nhục” như một tân binh quân dịch. Sau đó chúng tôi nhập học Khoá 1/68 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Đây là khoá sĩ quan trừ bị đầu tiên thụ huấn tại hai quân trường. Đến nay, năm mươi năm trôi qua, hình ảnh đêm mãn khoá ở Vũ đình trường Thủ Đức vẫn còn lưu lại trong ký ức của tôi, với bộ lễ phục uy nghiêm, bên vai có dấu hiệu ngọn lửa đỏ với thanh kiếm chỉ huy, bên dưới có bốn chữ “CƯ AN TƯ NGUY”. Sau ngày lễ mãn khoá đáng nhớ ấy, những sinh viên tốt nghiệp trường Hành chánh Sài Gòn như chúng tôi, được biệt phái về Bộ Nội vụ để chọn nhiệm sở. Trong suốt bảy năm phục vụ trong guồng máy hành chánh tại các quận Lộc Ninh, Định Quán, Xuân Lộc tôi đã xếp bộ quân phục trường Bộ binh Thủ Đức, cất giữ kỷ niệm đáng nhớ, đáng hãnh diện ấy vào túi hành trang. Mãi đến gần bảy năm sau, tôi mới có dịp mang ra sử dụng. Nhưng đó là lần cuối cùng trong cuộc đời hoạn lộ ngắn ngủi của tôi – đầu tháng Tư năm 1975!
****
Tôi về nhận nhiệm sở quận Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh vào năm 1973. Đến đầu tháng 4 năm 1975, tình hình an ninh tại đây bắt đầu căng thẳng sau khi quận Định Quán thất thủ (17/3/1975). Thêm vào đó, áp lực của toàn bộ quân Cộng sản Bắc Việt từ Cao nguyên và Miền Trung tập trung về đây để chuẩn bị tấn công Sài Gòn. Thế rồi vào buổi sáng tinh sương ngày 17 9/4/1975, khi người dân thị trấn Xuân Lộc vừa thức giấc, chuẩn bị một ngày mới đầy lo âu, căng thẳng – do những tin tức chiến sự tiêu cực của báo chí Sài Gòn loan đi, cũng như những tin tức bi quan của đài BBC lúc bấy giờ, Cộng quân bắt đầu pháo kích ào ạt vào thị xã Xuân Lộc. Bằng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, chúng nã hàng nghìn quả đạn trọng pháo vào thị trấn bé nhỏ này, đồng thời bộ binh của chúng tiến sát vào thành phố. Khi cơn pháo kích vừa dứt, tôi nhét vội vài bộ quần áo vào túi hành trang – và vẫn không quên bộ quân phục của Quân trường Thủ Đức! Không thể chờ người tài xế xe Quận đến đón đi làm như thường lệ, tôi vội lên xe phóng nhanh đến Văn phòng Quận Xuân Lộc cách nhà non hai cây số. Trên đường đi, tôi chứng kiến nhiều căn nhà người dân bị trúng pháo kích sụp đổ hay đang bốc cháy …
Khi đến Chi khu, tôi cho xe chạy sát vào văn phòng hành chánh quận. Các trưởng ban, nhân viên văn phòng đều có mặt đông đủ. Mọi người thấy tôi an toàn đều tỏ vẻ ngạc nhiên và mừng rỡ. Tôi vào hầm viễn thông của quận để nghe ngóng tin tức. Toà Hành chánh đã bị trúng pháo kích, các nhân viên, Trưởng ty Sở và cả Phó Tỉnh trưởng – người đồng môn Hành chánh của tôi – đã di tản về Sài Gòn. Sau này phối kiểm tin tức, tôi mới biết họ đã đi bằng đường bộ, băng qua các nương rẫy thật nguy hiểm, gian nan. Tại Văn phòng Quận Xuân Lộc, các cán bộ, nhân viên và cả các trưởng ban – kể cả sỹ quan biệt phái… đều đem chăn chiếu, áo quần vào ứng trực ngày đêm tại trụ sở Văn phòng Quận. Riêng tôi, buổi tối vào ngủ trong hầm viễn thông quận, bên cạnh máy móc truyền tin cùng nhân viên trực máy. Mỗi khi nghe tiếng pháo kích, mọi người làm việc trong văn phòng đều chạy vào trú ẩn trong hầm viễn thông- dù chật chội nhưng khá an toàn.
Sau bốn ngày chịu đựng cuộc ác chiến, dân chúng tại thành phố Xuân Lộc bắt đầu thiếu thốn lương thực. Theo yêu cầu của chúng tôi, Bộ Xã hội cho chở bằng máy bay hai tấn gạo và lương khô đến cứu trợ. Hằng ngày, để phân phối những thực phẩm ấy, chúng tôi huy động tất cả nhân viên, cán bộ trong Văn phòng Quận, thực hiện việc cấp phát nhanh chóng cho đồng bào chiến nạn. Mỗi buổi chiều, khi công tác cấp phát tạm ngưng, tôi yêu cầu các nhân viên, cán bộ thay phiên nhau về chăm sóc gia đình, Để sáng sớm hôm sau trở lại văn phòng làm việc, tiếp tục công tác cứu trợ. Nhưng tất cả đều tình nguyện ở lại làm việc ban ngày, tối đến thay phiên canh gác; luân phiên đi đến các cửa hiệu tạp hoá để mua tương chao, mắm muối. Có người còn ghé về nhà hái rau trong vườn đem vào nấu nướng ăn chung với chúng tôi. Sau này, mỗi khi nhớ lại trận chiến kinh hoàng tại Xuân Lộc năm xưa, tôi không quên được hình ảnh thân ái của những bữa cơm đạm bạc nhưng nặng tình nghĩa thầy trò giữa cấp chỉ huy và nhân viên hành chánh tại Văn phòng Quận.
Một hôm, khi tiếng súng tạm lắng dịu, Đại tá Tỉnh trưởng cùng phái đoàn Tiểu khu Long Khánh đến thanh sát Chi khu Xuân Lộc. Sau đó vị sĩ quan đầu Tỉnh đến Văn phòng Quận gặp tôi :
- Ông Phó chỉ thị tất cả nhân viên, cán bộ trong Quận phải luôn trong tư thế ứng trực trăm phần trăm! Tuyệt đối không được nghỉ ở nhà, lấy cớ ốm đau để bỏ nhiệm sở.
Ông Đại tá nhìn tôi và Trung úy N. ngồi bên cạnh, gằn giọng:
- Nên nhớ: các ông là sỹ quan biệt phái! Nếu ai bỏ trốn về Sài Gòn, tôi sẽ truy tố ra Toà án Quân sự!
Bỗng nhiên tôi cảm thấy tự ái cá nhân bị tổn thương trước những lời đe doạ hằn học, vô căn cứ của vị sĩ quan đầu Tỉnh.
Tôi bèn đứng lên giãi bày:
- Thưa Đại tá, chúng tôi là những công chức Nhà nước, những cán bộ hành chánh về làm việc tại địa phương này; chúng tôi không bao giờ bỏ đồng bào chiến nạn chạy lấy một mình! Riêng cá nhận tôi còn trách nhiệm với cả kho gạo để cấp phát cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn là những sĩ quan biệt phái, phải ở lại để cùng chiến đấu với anh em quân nhân… Xin Đại tá yên tâm!
Tôi còn nhớ câu nói của một nhà hiền triết Trung Hoa đại ý: Người chiến sĩ oai hùng không phải chỉ vì lòng can đảm hơn người, mà vì giáp trụ uy nghi, gươm giáo sáng ngời… Nhưng, các sỹ quan biệt phái như chúng tôi, không mang cấp hiệu sáng ngời trên vai, không gắn huy chương lấp lánh trên ngực áo, không mặc quân phục oai nghi hùng dũng. Chúng tôi chỉ mang trong lòng một hoài bão: phục vụ Nhân Dân, xây dựng một đất nước Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường…!
Đã có biết bao cán bộ Hành chánh năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, ngày đêm phục vụ trên khắp nẻo đường đất nước, đối đầu với biết bao hiểm nguy đêm ngày! Và cũng không ít cán bộ Hành chánh đã anh dũng hy sinh tại các nhiệm sở địa phương, bởi đạn pháo kích của địch, bởi VC phục kích trên đường đi công tác tại xã ấp mất an ninh. Mang danh là sỹ quan biệt phái, chúng tôi chỉ là những chiến sĩ không binh phục, những sĩ quan không binh lính. Tuy thế, chúng tôi vẫn hoàn tất mọi nhiệm vụ, trong mọi lãnh vực, mọi tình huống của đất nước...
***
Mặt trận Xuân Lộc vẫn bừng bừng khói lửa. Xe bọc thép của hai bên – M-48 của Quân lực VNCH và T-54 của Cộng quân – vẫn quần thảo bắn nhau dữ dội trong rừng cao su quanh thị trấn Xuân Lộc. Nhiều chiếc xe bọc thép T-54 của Cộng quân đã bỏ xác gần chợ khi chúng tấn công vào thành phố. Bộ binh của Sư đoàn 18 và các đơn vị quân đội tăng phái vẫn tiếp tục chống trả mãnh liệt với Cộng quân và đẩy lui chúng ra khỏi thành phố. Các phi tuần phản lực F-5 từ Biên Hoà bay đến yểm trợ rất hữu hiệu. Cộng quân tổn thất nặng nề sau nhiều ngày giao tranh, khiến sau này trong hồi ký “Đại Thắng Mùa Xuân”, Văn Tiến Dũng phải thú nhận … Tuy nhiên một biến cố bất ngờ đã xảy ra. Đó là lệnh di tản khỏi Xuân Lộc!
Trưa ngày 20 tháng Tư năm 1975, Thiếu tá Quận trưởng Xuân Lộc ghé qua văn phòng tôi đang làm việc, cho biết phải lên Bộ Chỉ huy Sư đoàn 18 – do Tướng Lê Minh Đảo làm Tư lệnh Sư đoàn kiêm chỉ huy trưởng chiến trường Xuân Lộc. Buổi chiều ông Quận trưởng trở về, hấp tấp bước sang văn phòng tôi cho biết nội dung buổi họp trưa hôm ấy:
- Theo lệnh của Tướng Lê Minh Đảo, tất cả quân cán chính chuẩn bị rút về Biên Hoà để lập phòng tuyến mới, bảo vệ thủ đô Sài Gòn. Theo lịch trình di tản, Tiểu khu Long Khánh và Chi khu/Quận Xuân Lộc bắt đầu đi từ 12 giờ đêm. Lộ trình sẽ là Liên tỉnh lộ 2, di chuyển về hướng Phước Tuy!
Với vẻ mặt căng thẳng, Thiếu tá Quận trưởng nói tiếp:
- Ông Phó bảo tài xế xe Quận đổ xăng đầy bình, chuẩn bị di tản trong vòng ba mươi cây số! Xe chỉ nên chở các trưởng ban và nhân viên Văn phòng Quận có gia đình ở Sài Gòn. Nhớ đem theo vũ khí cá nhân, đạn dược, nước uống và lương thực khô để phòng khi phải chiến đấu trên đường rút lui. Đến 12 giờ đêm, chúng ta khởi hành theo đoàn di tản. Ông yêu cầu mọi người chuẩn bị nhanh lên nhé!
Tôi cho tập họp tất cả nhân sự trong Văn phòng Quận, chuyển lệnh di tản khỏi mặt trận Xuân Lộc bắt đầu từ khuya hôm nay. Những anh em có gia đình tại địa phương, lưu luyến chia tay với chúng tôi để kịp về nhà đưa gia đình di tản. Riêng những trưởng ban có gia đình ở Sài gòn vội thu xếp hành trang để chuẩn bị lên đường. Tôi yêu cầu Trung úy N. liên lạc với Chi khu để nhận nón sắt, quân phục. Đồng thời cho mở kho vũ khí Nhân dân Tự vệ để lấy súng Carbin và đạn dược, phân phát cho mọi người.
Tôi vào hầm viễn thông, vội thu xếp hành trang, với vài bộ quần áo, giấy tờ, ấn tín của quận. Tôi cầm lấy bộ quân phục đã cất giữ trong bảy năm qua, kể từ ngày mãn khóa sĩ quan Thủ Đức năm 1968, biệt phái về lại ngành Hành chánh, và trở thành người “chiến sĩ không binh phục”. Nhưng hôm nay, chúng tôi sắp đối đầu với với muôn vàn hiểm nguy trên đường di tản, tôi quyết định mặc bộ quân phục này để sát cánh chiến đấu cùng anh em chiến sĩ trên đường rút khỏi mặt trận, trong cơn lửa đạn ngút ngàn…
Xong bữa ăn tối, tôi vào hầm viễn thông mặc vào bộ quân phục sĩ quan Thủ Đức, rồi bước ra xe đợi giờ di hành. Mọi người nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Trung úy N. đến gần thân mật hỏi tôi:
- Ông Phó cũng là sĩ quan Thủ Đức à! Lâu nay chúng tôi cứ tưởng ông là công chức thuần túy! Ông ra trường Thủ Đức năm nào mà quân phục còn mới “cáu cạnh” vậy?
Tôi thân mật đáp lời người sĩ quan Trưởng ban Nhân dân Tự vệ- người mà trong thời gian qua, luôn tận tâm trong mọi công tác tôi giao phó:
- Tôi tốt nghiệp Khoá 1/68 Sĩ quan Thủ Đức anh N. à! Thế còn anh?
Trung úy N. đứng phắt dậy đưa bàn tay lên trán chào tôi:
- Thưa huynh trưởng, tôi tốt nghiệp Khoá 2/1970.
Xong phần giới thiệu, hai cựu sinh viên sĩ quan Thủ Đức thân mật bắt tay nhau. Tình huynh đệ chi binh hiện rõ trên ánh mắt của hai người. Mọi người cùng vui cười, quên đi những giờ phút hiểm nguy trên đường di tản suốt 30 cây số sắp tới . Đến 12 giờ đêm, khi xe chúng tôi vừa ra khỏi cổng Chi khu, đã nghe tiếng B-40 nổ ì ầm ngoài vòng rào phòng thủ. Anh tài xế xe quận vội đạp hết ga, phóng xe thẳng ra đường lộ, nhập vào đoàn quân xa đang di chuyển.
Trên Liên tỉnh lộ 2, đồng bào lũ lượt gồng gánh, bế bồng nhau theo chân đoan quân di tản. Cả một quanh cảnh bi hùng diễn ra trong đêm tối. Một dòng quân xa, bộ binh, dân chúng… tất cả đều lặng lẽ âm thầm đi dưới ánh sao đêm! Không một ánh đèn, không một cảnh tượng ồn ào hỗn loạn! Chỉ có tiếng rì rầm của quân xa, tiếng cót két của xe tăng M-48 hộ tống đoàn di tản. Thỉnh thoảng chỉ thấy ánh lửa pháo kích của địch lóe lên phía sau chúng tôi. Người tài xế xe Quận vừa chăm chú lái xe dưới bóng trăng hạ tuần lờ mờ, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện. Chúng tôi, với súng cầm tay, đạn lên nòng, thần kinh căng thẳng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu…
***
Đoàn di tản chúng tôi đến ranh giới tỉnh Phước Tuy lúc trời hừng sáng. Vừa thấy lá cờ vàng trên nóc một đồn Nghĩa quân ở Bà Rịa, phất phới dưới ánh bình minh, mọi người đều vui mừng, kẻ cười người khóc vì xúc động! Những chiếc nón sắt tung lên trời, những tiếng reo hò mừng vui vang lên trong buổi sớm mai của vùng đất an toàn, sau một đêm dài căng thẳng kề cận Tử thần!
Sau đó, xe chúng tôi được phép về thẳng Sài gòn. Đến Thủ Đức, chúng tôi ghé nhà một nhân viên quận trong đoàn di tản, tắm rửa cho sạch bụi đường, mặc lại y phục dân sự. Mọi người đều để lại quân phục, súng đạn, nón sắt… cho chính quyền địa phương. Riêng tôi, vẫn giữ bộ quân phục sinh viên sĩ quan Thủ Đức như đã cất giữ suốt bảy năm biệt phái sang ngành Hành chánhb. Xe chúng tôi về đến chợ Sài Gòn vào buổi trưa. Anh em nhân viên lưu luyến chào từ biệt tôi tại bến xe bus- kể cả người tài xế quận cần mẫn, trung tín đã đưa chúng tôi vượt qua tử lộ từ mặt trận Xuân Lộc rở về an toàn …
Khi bước vào nhà, vợ và các con ôm chầm lấy tôi, mừng mừng tủi tủi. Mẹ nhìn tôi nhẹ nhàng trách móc:
- Con muốn làm anh hùng hay sao mà ở lại mặt trận Xuân Lộc? Vợ của con chờ mãi không thấy về, đã lên căn cứ quân sự Long Bình để dò hỏi tin tức. Nhờ ơn Trời Phật mà con mới được trở về an lành đó con ạ!
Tôi thưa với Mẹ :
- Con chẳng muốn làm anh hùng đâu Mẹ! Nhưng làm sao con rời bỏ đồng bào chiến nạn để chạy về một mình? Vì họ cần có con để lo công tác cứu trợ cho họ. Hơn nữa, con phải ở lại để làm xong nhiệm vụ của một “người lính không quân phục”, sát cánh cùng anh em chiến sĩ đang chiến đấu một mất một còn với địch nơi mặt trận Xuân Lộc. Con không thể trốn chạy như một kẻ đào ngũ trong thời chiến, khác với lời cảnh cáo của vị sĩ quan đầu tỉnh đối với các sĩ quan biệt phái như chúng con …
****
Sáng hôm nay, một sớm mùa xuân hơn bốn mươi bốn năm sau ngày mất nước, tôi ngồi nhấp ly tách cà phê đầu ngày trong không khí se lạnh của miền đất tỵ nạn Hoa kỳ. Tôi mở máy vi tính cá nhân (PC) nhìn lại tấm hình do anh bạn đồng môn Hành chánh từ San Jose gởi đến từ tối hôm qua. Trong hình, tôi và các bạn sinh viên sĩ quan Thủ Đức đang ngồi nghỉ chân sau một buổi tập ở quân trường. Nhìn các bạn trong hình, các chiến hữu một thời của tôi, giờ đây ai còn ai mất? Sau hơn bốn mươi năm “lạc đàn tan nghé,” kể từ ngày đầu tháng Tư oan nghiệt đó, những người còn sống sót, nay đang ở nơi nao? Nhìn hình dáng của tôi trong bộ quân phục Thủ Đức ở lứa tuổi đôi mươi, lòng tôi cảm thấy bâng khuâng. Trong suốt bảy năm làm việc trong ngành Hành chánh ở các địa phương xa xôi nguy hiểm, tôi đã xếp cất, gìn giữ bộ quân phục ấy thật cẩn thận, như một bảo vật nhiều kỷ niệm nơi quân trường năm xưa. Sau đó tôi muốn khoác lại bộ chiến binh ấy khi chiến cuộc bùng nổ ở Xuân Lộc … Nhưng oái oăm thay, đó chính là lúc theo lệnh cấp trên, chúng tôi phải di tản ra khỏi mặt trận Xuân Lộc đang khói lửa ngút trời…
Trải qua bao tang thương biến đổi của thời cuộc, nay thì bộ quân phục với dấu ấn kỷ niệm ấy không còn nữa. Dù sao nó cũng đã để lại trong lòng tôi bao niềm luyến tiếc lẫn tự hào. Bởi có một thời tôi đã góp phần vào sự tồn vong của quê hương đất nước.- dù chỉ là một đóng góp khiêm tốn của một “chiến sĩ không quân phục.” Sau ngày nước mất nhà tan, chúng tôi đành sống cuộc đời của kẻ tỵ nạn ly hương, cảm thông được tâm trạng của con hổ trong bài Nhớ Rừng của Thế Lữ: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”
Tam Bách Đinh Bá Tâm
Mời Niên Trưởng và quý khách đọc lại bài thơ Nửa Hồn Xuân Lộc của thi sĩ Nguyẽn Phúc Sông Hương để nhớ lại một thời chinh chiến.
ReplyDeleteNửa Hồn Xuân Lộc
Tác giả: Nguyễn Phúc Sông Hương
Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.
Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người gục trên vai.
Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!
Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.
Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!
Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,
Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười...
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui
Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui?
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời
Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người
Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui
Ta biết dưới hầm em đang khóc
Thét gầm pháo địch dập không thôi...
Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!
Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theọ
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.
Rút quân bỏ lại đời ta đó,
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút,
Trái tim người lính mới yêu người.
Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
Núm ruột miền Trung càng xa vời.
Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi
Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi ...
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi.
Ðêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
Thuơng chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người.
Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.
Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
Bầy gà mất mẹ sống mồ côị
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi.
Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
Một phút này thôi thẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười.
Một phút này thôi, hừ lại ngã,
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.
Nếu được đưa quân lên Ðịnh Quán,
Cuối cùng một trận cũng là vui.
Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Muôn năm em hỡi trời xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người.
Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .. .
Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!
Tôi sợ một ngày mai bại trận
Ðể em côi cút lại trên đời.
Nếu phải một ngày mai bại trận
Ðêm nay sao ta lại bỏ người!
Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
Thét gào pháo địch mãi không thôi.
Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!!