Links

Thursday, August 4, 2022

ĐÔI BÀN CHÂN TRẦN

    ____________________________________

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

  http://yatlat.com/cam-nang-du-lich/wp-content/uploads/2013/08/Doi-Cat-Vang-Mui-Ne-du-lich-Phan-Thiet-du-lich-Binh-Thuan-2.jpg



Chiều hôm ấy, theo thiệp mời, Tân đến dự tiệc cưới con gái một cựu giáo chức tỉnh Bình Long. Tiệc cưới tổ chức tại một nhà hàng tại vùng Little Saigon, miền Nam California. Cũng như phần lớn các tiệc cưới khác do người Việt tại đây tổ chức, khách tham dự thường đến trễ, nên chờ mãi mà buổi tiệc vẫn chưa bắt đầu. Trong lúc chờ đợi, những người ngồi cùng bàn có dịp làm quen nhau. Họ gợi lại  kỷ niệm cũ về những người từng làm việc chung một nhiệm sở, sống chung một địa phương. Nhân khi nhắc đến những giáo chức đã làm việc ở Bình Long, một cựu giáo viên lớn tuổi ngỏ lời với các đồng nghiệp cũ:

-Tôi được tin cô giáo Hồng bị bệnh cả năm nay ở Việt Nam. Cô đang chữa chạy bằng phương pháp hoá trị. Chúng ta nên đóng góp tiền, gởi về cô ấy lo thuốc men… Các bạn nghĩ sao?

Các đồng nghiệp trong bàn tiệc đều đồng ý. Khi Tân lên tiếng muốn tham gia việc đóng góp thì người cựu giáo chức trưởng tràng mỉm cười  nhìn anh:

-Việc góp tiền giúp đồng nghiệp ở Việt Nam là nghĩa vụ của anh chị em cựu giáo chức chúng tôi. Nhưng nếu ông còn nhớ đến cô giáo Hồng từng dạy học ở Lộc Ninh, trong địa hạt ông từng cai quản, chúng tôi xin hoan nghênh lắm.

Tân nhìn người giáo chức mà anh đã có dịp quen biết mỗi lần về tỉnh hội họp. Đã lâu lắm rồi, hai người mới có dịp gặp nhau  tại đất Mỹ này. Còn cô giáo Hồng, bao giờ anh mới có dịp gặp lại nơi đây? 

                                                                         *  *  *

Tân nhớ lại một buổi sáng cách đây hơn bốn mươi năm, khi anh đang ngồi  làm việc tại văn phòng quận Lộc Ninh, người tùy phái báo tin có cô giáo Hồng muốn vào gặp. Anh đang bận túi bụi với lịch trình công tác trong ngày. Tuy bận nhưng anh không thể từ chối đón tiếp bất cứ một người dân nào, nhất là một cô giáo. Trong gần một năm làm việc tại địa phương này, ngoài công tác kiểm tra xã ấp, anh thường thăm viếng các cơ sở tôn giáo, trường học … 

Khi cô Hồng bước vào văn phòng, Tân nhận ra cô giáo trẻ người Huế, mình hạc xương mai, gương mặt sáng sủa xinh đẹp mà anh đã gặp một lần khi thăm trường tuần trước. Với nụ cười tươi, hơi e dè, đôi mắt long lanh nhìn người đối thoại như muốn cuốn hút vào câu chuyện. Cô cúi chào và nhỏ nhẹ nói:

-Xin chào Ông. Chắc ông bận rộn nhiều công việc, em chỉ xin ông ít phút thôi... Em mới từ tỉnh đổi về đây, chưa có nhà, phải ở chung với người vài bạn. Nhà nhỏ nên hơi chật, thiếu yên tĩnh để soạn bài cho buổi dạy; ngoài ra em còn phải học hành thêm nữa. Em nghe nói cư xá  công chức còn trống nhiều căn. Ông có thể cho em ở tạm một căn ? 

Tân nhìn cô giáo ngạc nhiên. Cô gái trẻ có lẽ mới ra làm việc, mới tiếp xúc với đời mà ăn nói ngọt ngào, bạo dạn đến thế ?  Nhưng liệu cô có biết: sở dĩ cư xá còn trống chỗ, vì gần bờ suối rậm rạp, nên mọi người e ngại thiếu an ninh chăng? Tuy nhiên Tân cũng chấp thuận cho cô giáo đến ở. Khi anh lưu ý cô giáo về vị trí của căn cư xá có thể gặp  nguy hiểm về đêm, cô vẫn điềm nhiên cả quyết:

-Dạ em có đến xem căn cư xá và có gặp Trung úy Đức đang ở một căn. Ông ấy bảo cứ xin ông chấp thuận là được. Ông Đức cũng ở cư xá này đã lâu, thấy không có gì đáng lo ngại cả, thưa Ông! 

Từ đó thỉnh thoảng Tân ghé thăm cô giáo Hồng. Thảng hoặc có những buổi tối, nhân khi cùng Trung úy Đức đi kiểm soát các toán Nhân Dân Tự Vệ canh gác, Tân thường ghé nhà thăm cô. Anh muốn cô giáo trẻ được an tâm, không lo sợ khi màn đêm buông xuống.

Cuối năm ấy, Tân thuyên chuyển về Tỉnh nhận nhiệm vụ mới. Ngày lên đường, Trung úy Đức lái xe đưa anh về Tỉnh. Anh ta có ý nhắc Tân ghé qua cư xá thăm cô Hồng trước khi rời quận. Khi hai người bước vào nhà, Tân không thấy cô chủ đâu cả, mà chỉ có mùi thức ăn bay lên sực nức khắp nơi. Sau đó tiếng gọi thì có giọng nói thanh tao từ bếp vọng lên:

-Mời hai ông ngồi chơi. Em sắp xong, sẽ lên ngay.

Sau đó cô bưng lên một mâm thức ăn, với ba bát bún bò Huế, một dĩa chả giò - loại chả giò thon nhỏ, được chiên vàng ngậy, dòn tan. Cô đặt mâm thức ăn giữa bàn, tươi cười nhìn Tân:

-Dạ… Trung úy Đức mới cho biết hôm nay ông rời quận. Em có nhờ ông Đức mời ông đến chơi. Em làm gấp vài món Huế đãi các ông. Em sợ khi về Tỉnh rồi không còn dịp cám ơn lòng tốt của ông nữa. Mời hai ông xơi, kẻo nguội mất ngon. 

Tân nhìn cô Hồng. Hôm nay cô giáo trẻ trang điểm thật xinh. Chiếc áo màu vàng nhạt bó sát thân hình “mình hạt xương mai” của cô. Chiếc quần “jean” xanh lơ hơi ngắn, ôm lấy cặp đùi dài; và bên dưới  ẩn hiện đôi bàn chân trắng muốt, lồng trong đôi dép quai nhung đen. Sau bữa tiệc nhỏ chia tay, Tân cám ơn cô giáo rồi lên xe rời quận. Cô giáo Hồng đứng ở cửa trông theo, đưa tay lên vẫy. Anh quay lại nhìn hình dáng mảnh mai của cô, cô đơn độc trong dãy cư xá trống vắng, đằng sau là bờ suối rậm rạp cây cối hoang . Anh bỗng thấy trong lòng dâng lên niềm e ngại, lẫn thương nhớ bâng khuâng.

                                                                       *  *  *

Nửa năm sau, Tân thuyên chuyển về phục vụ tại địa phương khác - tỉnh Long Khánh. Tại đây anh được cử lên làm việc tại quận Định quán. Đầu tháng Tư năm 1972, anh nghe tin địch quân đã chiếm Lộc Ninh. Đồng thời chúng cũng bắt đầu đánh vào An Lộc, cắt đứt giao thông giữa Lộc Ninh với tỉnh lỵ Bình Long… Cuối năm ấy, Tân đi tham dự khóa hội thảo Cải cách Hành chánh tại Vũng Tàu. Tại đây anh được biết thêm chi tiết việc địch quân đánh chiếm thị trấn Lộc Ninh. Phó Quận trưởng - một đồng môn Hành chánh với anh – bị mất tích. Thiếu tá quận trưởng trốn thoát và theo đường rừng chạy về trình diện ở An Lộc, tỉnh Bình Long. Tân cũng được biết một số viên chức, giáo chức đã trốn khỏi Lộc Ninh, hiện tạm cư ở một trường học gần Vũng Tàu. Nhân cuối tuần tạm nghỉ hội thảo, Tân đi tìm nơi tạm cư đồng bào chiến nạn Lộc Ninh.http://www.quocgiahanhchanh.com/nguoixuadau.jpg

Khi anh đến nơi, đã thấy cô giáo Hồng đang bận rộn giúp đỡ các bà mẹ có con nhỏ. Trông cô mệt mỏi và gầy ốm hơn trước. Cô mặc bộ quần áo nhàu nát, mang đôi dép Nhật đã cũ, không che nổi đôi bàn chân gầy ốm, sẫm màu.  Cô giáo ngạc nhiên lẫn vui mừng khi gặp lại Tân. Cô cho biết có một số các viên chức, giáo chức đã trở về nhà. Riêng cô, vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Bởi khi chiến cuộc bùng nổ, gia đình cô đã “tan đàn lạc nghé”, không biết tin tức nhau. 

Tân ngỏ ý mời cô Hồng đi ăn ngoài phố để tiện thăm hỏi thêm về gia đình cô. Cô giáo trẻ cúi xuống nhìn áo quần của mình, tỏ ra ngần ngại. Và khi Tân nhắc lại lời mời, cô phân vân một chút, nhưng cũng gật đầu đồng ý. 

Trong khi chờ đợi, Tân đi một vòng để tìm người quen, thăm hỏi đồng bào chiến nạn. Khi cô Hồng từ bên trong bước ra, áo quần tươm tất, nhưng đôi dép da không che dấu được đôi bàn chân gầy ốm khẳng khiu. Tân thoáng nhìn và cảm thấy đau lòng. Chỉ có mấy tháng chạy loạn mà cô thay đổi hình hài đến thế sao?   Sau bữa ăn trưa, anh đưa cô trở lại trạm tạm cư và hứa sẽ trở lại thăm cô. Hôm mãn khóa hội thảo, Tân đến thăm cô Hồng lần nữa để xem cô cần giúp đỡ gì không; nhưng tìm mãi chẳng thấy. Từ đó anh không còn gặp lại cô giáo Hồng lần nào nữa.  

                                                                      *  *  *

 Buổi tiệc cưới đã tàn. Tân đứng lên bắt tay từ giã các cựu giáo chức ngồi cùng bàn, những người vừa cho biết cô Hồng đang bị bệnh tại Việt Nam. Anh bước ra khỏi nhà hàng thì trời đã về khuya. Anh thở dài, nhìn lên bầu trời xanh thẫm lấp lánh ánh sao đêm. Một vì sao đổi ngôi, vụt rơi xuống chân trời. Tân nghĩ đến cô Hồng đang đau đớn chống trả căn bệnh hiểm nghèo nơi quê hương, bên kia bờ  Thái Bình Dương. Anh cầu mong cô không bị vắn số như ngôi sao vụt tắt kia. Cuộc đời cô đã khổ nhiều rồi. Đôi chân cô đã di chuyển từ  cố đô  Huế, vào vùng đất đỏ Bình Long, rồi lên dạy học nơi địa đầu giới tuyến Lộc Ninh. Anh đã gặp cô và đã có kỷ niệm đẹp với cô nơi đó. 

Hôm nay, nơi xứ sở Tự do này, anh nhớ lại hình bóng cô giáo trước căn cư xá năm xưa, khi cô vẫy tay chào từ biệt. Hôm ấy trông cô xinh đẹp, đôi chân trắng trẻo trong đôi dép nhung đen quý phái! Rồi anh nhớ lại hình ảnh của cô khi anh đến thăm nơi trại tạm cư gần Vũng Tàu. Anh vẫn không quên được nét mặt tiều tụy, y phục nhàu nát, và nhất là đôi bàn chân khẳng khiu của cô- một người tỵ nạn sau trận chiến kinh hoàng Lộc Ninh. Anh thở dài, lắc đầu như muốn quên đi hình ảnh không đẹp ấy. 

Anh tự hỏi, cô giáo Hồng năm xưa bây giờ ra sao? Anh thầm mong cô thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, trở lại cuộc sống khoẻ mạnh, với đôi chân trắng trẻo, quý phái như thuở anh mới gặp cô cô nơi cố quận heo hút năm xưa…

                                                                                                                         Tam Bách Đinh Bá Tâm


No comments:

Post a Comment