PARIS CÒN ĐÓ, NỖI BUỒN
Khi về rồi, tôi mới phát giác ra một điều kỳ diệu. Tôi yêu em nhiều hơn tôi tưởng. Tôi mà bản chất kiêu ngạo và phóng đãng từ khi còn rất trẻ, lại bỏ dạ yêu em nhiều hơn cả tôi yêu tôi. Vậy sao.
Tôi yêu một người đàn bà trẻ hơn tôi cả một vòng quay của lịch số. Tôi yêu một người đàn bà non dại hơn tôi cả một trang lịch sử tang thương. Và yêu nhiều hơn cả cái thói quen hư hỏng của tôi, coi yêu thương trai gái là một thứ trò đùa, giỡn hớt với lề thói của xả hội.
Vậy sao. Tôi mà tình yêu được coi là những vòng nguyệt quế để khoác lên những chiến tích trên tình trường.
Vậy mà lần này, tình yêu em đã cải hóa lòng tôi. Sao lạ vậy em. Làm sao tôi giải thích được. Ờ có những điều kỳ diệu mà lặn lội gần suốt một đời tôi có lần nào vấp phải đâu em.
Buổi sáng đó, mùa thu chỉ mới chớm vàng đâu đây, ở bên này một khung cửa hẹp, tôi nhìn thấy em lên xe ra phi trường. Vóc em nhỏ nhắn, nhẫn nhịn. Có một thoáng tôi thấy em nhìn lên. Em nhìn lên, nhưng tôi biết em chỉ thấy một màn cửa lay động. Làm sao thấy nhau khi sương đêm chưa kịp tan. Và lòng người quanh em rào cản. Vậy rồi, chiếc bus chở du khách chạy khuất sau một ngã rẽ. Tôi đứng sững. Và mơ hồ, một giọt nước mắt ứa nhanh.
Vậy rồi, em xa tôi. Em xa tôi như tự đã bao giờ. Em xa tôi như cái vận số đã xô tôi ra khỏi quê hương mình, nơi chốn mà tôi yêu thương biết mấy.
Khi về rồi, ở bên nây một lằn ranh sông nước, tôi mới khám phá ra một điều lạ thường. Trái tim già cỗi của tôi sao bỗng dưng đập lại nhịp rộn ràng y như thời mới lớn, y như lần đầu xáo động trước những cợt đùa của thứ tình cảm còn rất mong manh. Không, hơn vậy nữa. Tim tôi trẻ lại mà hồn tôi chín muồi thêm bao nhiêu đằm thắm của ân tình em mang đến. Nó ngọt ngào như môi hôn vụn trộm, nó nhẹ tênh như ve vuốt mơ hồ mà mặn mà như giọt nước mắt em rơi đêm đầu tiên gặp lại. Cái cảm giác sương khói cặn lại lòng tôi như những lời vỗ về thầm lặng, thấm vào tim tôi rồi len qua bao nhiêu ngỏ ngách của thể xác và tâm trí như để nuôi nấng một sức sống sắp tàn. Tôi nhớ em. Ôi tôi nhớ em.
Vậy đó em. Thứ tình yêu muộn màng em hiến tặng đã khiến tôi từ một kẻ đã tự nép mình đứng bên lề cuộc sống bỗng dưng rộn lên những kêu đòi trở lại. Khổ cho tôi, tội cho em, tôi còn có cái quyền lực đó đâu em.
Vậy sao mình cứ lại thiết tha, gượng nhẹ từng sợi tơ đã mắc míu đâu tự một thuở nào. Thuở nào em hả ?
Có phải từ hơn ba mươi năm trước, sau cơn thất tán bể dâu. Em chạy chết. Tôi chạy chết. Qua sông qua núi. Qua trời qua biển. Qua bao nhiêu tang thương. Chạy chết như không còn đâu là đất sống. Và em và tôi, như những nhúm bọt bèo trôi dạt, lặng chìm không để sót chút tăm hơi. Cơ duyên nào cho chúng ta tìm lại nhau, mơ hồ như những tín hiệu truyền qua sóng điện. Chút thăm hỏi vu vơ. Mấy lời chia sớt mưa nắng. Khi biết tôi đã lập gia đình, tự dưng rồi im bặt. Mấy giây ? Mấy phút ? Rồi tiếng nói vui trở lại không kềm giữ. Em yên tâm. Vậy thôi. Rồi bắt quàng qua những quen biết cũ. Từ đó, ở hai đầu một lục địa mênh mông, nhắc nhở một viên thuốc cảm khi trái gió trở trời, kể lể một kỷ niệm mơ hồ về một thời có hoa có bướm ... Trong cái cõi không gian mịt mùng đó, ở đâu đó, trước khi gặp lại, từ nhiều năm trước, em thiếu nữ trở thành thiếu phụ giữa bao nhiêu sầu tủi. Vậy mà rồi vẫn chung thủy cùng tôi những nhắn hỏi, đều đặn như thời tiết đổi mùa, hết hạ sang thu ... Dòng đời mịt mù xoay không trở lại. Em xa xôi vẫn mãi một giọng nói thiết tha, hiền hòa gởi gắm những hỏi han, nhắc nhở ... nhất là những vỗ về an ủi cho những nhục nhằn tôi đã gánh chịu từ cuộc đổi đời năm ấy. Em đâu đó, bất kể sớm hôm mưa nắng, vẫn nguyên cái giọng ân cần và đều đặn, có một chút người lạ và một chút người thân. Phải từ đó không em. Ờ, mà dường như không hẵn vậy.
Dường như còn lâu hơn vậy nữa. Xa hơn cái trí nhớ đã bắt đầu mòn mõi của tôi. Xa đâu từ thời em còn là cô học trò mới lớn, cõi lòng chỉ mới vừa xao xác những thoáng nghĩ vu vơ. Vậy đó mà tôi quen em do một tình cờ trái oan của định mệnh. Em tan trường về, làm rơi một tờ giấy trắng, bay vất vơ rồi tắp vào chân tôi khi tình cờ tôi có việc đi ngang. Cúi lượm tôi thoáng nhìn mấy hàng chữ .... trải vách quế gió vàng hiu hắt, mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng, à ... Cung Oán Ngâm Khúc, tác phẩm cổ văn mà tôi rất thích khi còn ở trung học. Khi tới gần để trao trả, tôi nhìn thấy đôi mắt mở lớn đen nhánh và đôi má ửng hồng dưới nắng tháng năm. Chiếc áo dài trắng bằng vải nội hóa thả lỏng, chưa thắt thỏm đường eo. Tự nhiên tôi gợi chuyện. Em trả lời vụn vặt. Vừa rụt rè vừa tinh quái. Thơ gì khó học muốn chết. Mà ông thầy quốc văn ổng khó quá trời. Tui chép vô giấy để vừa đi vừa học. Có muốn dễ học hông tui chỉ cho. Làm sao. Về đốt thành tro rồi uống tuốt vô bụng. Cái nguýt mắt dài còn hơn mấy lượn sóng ngày trở gió. Quanh em những chiếc áo dài trắng chập chờn như đàn bướm ghẹo. Thêm vài câu qua lại nắng mưa rồi em rẽ vào cổng nhà có chiếc hồ sen nho nhỏ. Tôi đi thẳng mà còn kịp thấy được cái ngoái đầu nhìn lại của em khi vừa khuất sau hàng cửa lá sách sơn xanh. Thêm đôi ba lần chào hỏi kín đáo trên đường tan trường khi tôi cố tình rẽ ngang thay vì đi thẳng tới sở. Việc làm mới, hai mươi ba tuổi bỏ Sài-gòn về tỉnh, tôi lao đao với những lề thói mới của tỉnh nhỏ trong khi lòng còn vướng bận hoài với những phung phá thời đại học. Tự một góc kín của lòng, tôi hục hặc với chính tôi vì nếp sống lặng lờ của tỉnh lẻ. Vậy rồi ngày một ngày hai, thêm một cợt đùa của định mệnh, em là bạn học của cô con gái chủ nhà tôi ở trọ. Tôi có dịp gần em hơn qua những lần hỏi han bài vở. Cô con gái chủ nhà nhờ tôi sửa hộ một bài sinh ngữ rồi kéo em nhập chung cho có bạn. Từ đó tôi trở thành một thứ gia sư kèm-trẻ nửa mùa . Do vậy, tôi có dịp giải tiếp cho em một phương trình đại số, nhắc nhở em một lỗi chính tả, đôi khi còn lạc nẻo vô mấy ngõ phố Sài-gòn với những ngày làm sinh viên không-sách-vở-cầm-tay ... Tôi kể em nghe quảng đời đại học, những hành lang hút gió, những giảng đường rộng thênh thang, những đêm cà-phê thuốc lá nghe Khánh Ly đi chân trần hát nhạc Trịnh Công Sơn, những đêm chắt mót từng đồng theo bè bạn la cà ở mấy cái vũ trường có rượu có nhạc và có cả những cô ca-ve chạy bàn như chạy giặc ... kể cả những chuyện phim Tây phim Nhựt vừa coi vừa ngủ gật trong bóng tối rạp ci-né Lê Lợi ... Tôi kể em nghe cả những chuyện tình sáng nắng chiều mưa tôi đa mang những ngày xa nhà học đòi lữ thứ. Đôi mắt thông minh, linh hoạt lấp lánh một niềm tin cậy kỳ lạ, em làm tôi lắm khi nổi hứng lang bang luôn tới mấy câu thơ tiền chiến, vói luôn tới những văn phẩm cổ điển tuyệt vời của văn học nước mình mà quên phức tôi là một người thầy giáo ... giả. Những lời tôi nói, dĩ nhiên không thiếu phần trang trọng và thành khẩn, nhưng tôi có phải là thầy dạy học của em đâu. Vậy mà sao, những lời đó, gần hai mươi mấy năm sau, khi liên lạc lại được lần đầu qua điện thoại, có khi em bỗng nhắc. Em bồi hồi. Tôi bồi hồi. Điều gì đã làm chúng ta dưng không như sống lại cả một đoạn đời đã cũ. Giọng ấm, bình dị, nghe thân mật như chưa từng vẫn đục bởi gió bụi của thời gian. Bỗng dưng, rồi không đâu tôi thấy lại hết những ngày ở đó. Những ngày em con gái, mộng cao, chăm chỉ học hành, theo tôi han hỏi chuyện trời cao đất rộng. Em nhắc lại một lời hứa tôi đã lỡ quên, một chuyện phim tôi kể nửa chừng, một bài thơ tôi làm lở dỡ ... ngay cả chuyện em tìm đến thăm tôi quá trễ, khi chuyến xe tù đã đưa tôi vào trại cải tạo. Em nói em có mang theo một chiếc áo lạnh mua gấp ngoài chợ trời. Rồi chiếc áo đó em mặc ấm trong những ngày vượt biên lênh đênh trên biển. Tôi nghe và lòng tôi nhói đau. Rồi thôi. Rồi sau đó, em sống đời em, tôi đời tôi.
Xứ người em học hành thành đạt, dựng xây lại cái tương lai đã bị dùi vập ở quê hương. Rồi em lập gia đình. Rồi tan vở. Rồi em có bạn mới. Ở xa, đôi ba tháng, ngày tư ngày tết, em gọi thăm hỏi. Đôi khi em kể tôi nghe nếp sống thường nhật của em, chuyện nhà cửa, việc làm, chuyện sức khỏe, chuyện những quen biết vu vơ thời mới lớn. Vẫn cái tiếng nói vui và ấm, thân mật và ân cần với hết tấm lòng nhân hậu. Lâu lâu lại tìm mua vài ba quyển sách mới gởi sang dặn tôi đọc trong những giờ giải lao. Thỉnh thoảng đọc đâu vài ba câu thơ cỗ lại kêu tôi giảng tiếp. Tôi không nghề không nghiệp ở xứ lạ, cày cục tìm miếng ăn hằng ngày. Vậy rồi sao, đôi khi giữa cơn chạng vạng của niềm tin, tiếng em gọi bỗng làm tôi vui lại. Vui lại rồi thôi. Em sống đời em, tôi đời tôi.
Hai mươi lăm năm qua, ba chục năm rồi qua. Vẫn những ân cần thăm hỏi, nhắc nhở, dặn dò, khuyến khích ... Vẫn tiếng nói xa, lắm khi nghe ra vỗ về đến se thắt lòng tôi. Có lần còn hỏi xin tôi những bài thơ làm trong tù. Rồi gom lại muốn đem in thành sách. Tôi hỏi bộ em muốn làm tôi bất tử. Em không trả lời mà sao bên kia đầu giây tôi nghe tiếng gì như tiếng nấc cố dìm. Cả đời tôi, tôi có giữ gìn bao giờ ba cái thơ văn tôi đã cặm cụi viết lách rồi bỏ quên đâu đó. Sao em, ờ sao em lại để tâm ?
Vậy đó, vậy đó. Ngày qua ngày. Tháng qua tháng. Năm qua năm. Mối giao cảm lung linh và mơ hồ như khói sóng. Chẳng có gì rõ ràng. Không mảy may xác nhận. Vậy sao hoài những tiếng chuông điện thoại reo vang, những khuya sớm, những giờ phút không ai ngờ nhất.
Cho đến tháng mười năm ngoái. Tôi tới Paris khi hay tin người bạn thân duy nhất đã tới giai đoạn cuối cùng của căn bệnh quái ác. Tin dồn dập xô đẩy tôi không kịp chuẩn bị, lấy chuyến bay đêm, hừng sáng tôi xách chiếc túi nhỏ lần tới một khách sạn ở quận 13 cùng lúc với một đoàn khách du lịch cũng vừa đổ tới. Trong cái không khí chộn rộn lăng xăng của phòng khách hẹp té, chúng ta bỗng nhìn ra nhau. Chúng ta bỗng nhìn ra nhau sau hơn ba mươi năm không thấy lại. Em đó sao, cô học trò tôi đã giải thích giùm một định đề khó hiểu. Cô gái mới lớn tôi đã đưa đẩy vào một thế giới viễn mơ. Vẫn cái dáng dấp trầm lặng tới độ nhẫn nhịn. Vẫn cặp mắt sáng, tinh quái mà hiền lành. Và cái giọng nói ngọt ngào như muốn làm vừa lòng với hết thảy ai ai. Em thêm mớ tuổi đời nhưng không giấu được cái vẻ liếng thoắng kín đáo của ngày xưa. Có một chút sững sờ. Và một tiếng kêu hớt hải. Rồi chúng ta bước vội tới gần nhau mặc kệ cái đám đông xô bồ chen chúc. Mũi tôi như nghẽn. Mắt em mơ hồ chút bụi sương. Rồi là những câu thăm hỏi xả giao. Em đi du lịch với người đàn ông đã san sẻ với em nửa phần đời sau và đứa con gái duy nhất. Rồi thôi. Em đi với bên đó và đoàn khách du lịch. Tôi tới cùng với bạn tôi, mảng cuối của một cuộc đời.
Ba ngày sau. Người bạn tôi mất. Tang lễ đơn giản như ước muốn của người chết. Tôi còn lại, bơ vơ giữa một kinh thành hoa lệ, nơi mà tôi đã nhiều lần mơ ước từ tuổi còn học trò. Đêm thứ tư, còn ba ngày nữa tôi sẽ rời Paris trở lại cái thành phố buồn hiu, nơi tôi đã sống chôn mình trong quên lãng từ mấy mươi năm nay, tôi ngồi uống rượu một mình nơi quầy cuối phòng khách. Đoàn du lịch về tới. Em ghé lại chào hỏi và để lại một mẩu giấy khăn ăn xếp gọn. Em nhắn tôi giờ giấc và địa chỉ của thánh đường Sacré Coeur.
Buổi sáng hôm đó, tôi lặng lẽ rời phòng từ sớm, lấy métro đến trạm Anvers rồi ghé vô quán còn vắng khách. Ngày mùa thu, Paris dậy muộn. Trên hè phố đã thấy lác đác lá thu rơi. Siết chặt chiếc khăn quàng cổ, tôi gọi tách cà phê đầu ngày, rồi ngồi ngó mông lung ra đường. Điếu thuốc vừa tan làn khói chót thì em tới. Chiếc taxi vụt chạy, em ngó quanh vừa khi tôi tới bên. Áo choàng đen và khăn cổ xanh lơ, em buông mình dựa vào tôi, hai vòng tay cùng siết chặt, nước mắt em bật ra cùng với tiếng kêu “anh” thảng thốt.
Ba mươi mấy năm bỗng chốc ùa về, tôi đưa tay vuốt bờ tóc rối có những sợi úa màu thu đã muộn, em ngửa mặt, mùi J’adore của Dior thoang thoáng và chúng ta hôn nhau. Chiếc hôn đầu tiên của nụ tình nở muộn. Trễ nhau hai phần ba đời mình mà lẻ ra đã đúng độ ngay từ lúc còn ở bên kia một đại dương ngăn ngắt.
Ngày hôm đó, chúng ta đi bên nhau, đi suốt một dãy quá khứ buồn rầu dù lòng ai cũng thấy hớn hở. Phố xá trước mặt, và người qua lại chỉ còn như một phụ cảnh mờ, chúng ta đi bên nhau, chân nhẹ hẩng và lòng nặng trĩu, trôi nỗi bềnh bồng giữa hiện tại xa và quá khứ gần. Gió sớm gai gai lạnh, tôi choàng tay qua vai kéo sát em vào người, chúng ta đi như để mặc cho hai đôi chân tự ý đẩy đưa ngang qua thánh đường Sacré-Coeur, rồi vòng xuống phố Montmartre. Tẻ qua khoảng đường có những người vẽ và bán tranh, em hỏi tôi có còn nhớ mấy câu thơ của Nguyên Sa tôi đã đọc cho em nghe ngày nào. Paris có gì lạ không em. Tôi nói tôi đâu có quên. Em đọc lầm thầm, tiếng nhỏ. Mai anh về em có còn ngoan. Rồi ngước nhìn tôi. Đôi mắt có hàng trăm lời xác nhận. Chỉ tiếc anh không về kịp. Ai đó đã nói thầm. Tôi đưa em lần theo lối đi lấp lửng những chiếc lá rụng từ đêm qua, lòng thắc thỏm những hình ảnh ố vàng, giờ bỗng dưng rựng sáng giữa hồn nhau. Anh biết không, sao em chưa bao giờ quên những câu anh nói, từ một lời diễn giải đến một câu đùa cợt, từng chữ từng lời dù hoa mỹ hay nôm na. Lời anh nói cứ lẩn quẩn bên em, quấn quýt trong đầu em ban ngày, ban đêm, từ theo ba má bước chân xuống ghe, từ khi biết rồi không còn bao giờ mình gặp lại nhau nữa. Em nói và nước mắt em ứa ra. Tôi úp mặt hôn vào gò má em, và nghe môi mình mằn mặn. Tôi nói gì với em đây. Có lời nào để tôi phân trần. Có lời nào đủ lấp cái khoảng cách đã lỡ để lạc loài nhau.
Chúng ta dìu nhau đi lang thang không chủ đích. Y như hai đám mây theo gió đẩy đưa tạt ngang qua thành phố. Mắt nhìn quanh mà mắt chỉ thấy nhau. Mình đi giữa một Paris đang trở giấc vào thu mà lòng cứ trở lại một góc tỉnh nhỏ xưa đã xa tăm tắp. Bởi vậy, quanh quanh bắt đầu kẻ qua người lại mà chúng ta có để ý gì đâu dù tiệm buôn đang rục rịch mở cửa, quán xá bắt đầu kê lại bàn ghế ngoài hàng ba và những tách cà-phê được dọn ra, bốc khói Chúng ta đi trên đường phố lạ mà làm như chỉ ngắm tìm lại những hình ảnh thân quen. Những buổi sáng buổi chiều trong một góc vườn nhỏ có mặt hồ im đựng bóng hoa sen. Có bóng mát cây mận hồng đào và hàng rào bông bụp em hay ngắt cắm lên chiếc bàn học kê dưới gốc một cây mai đã cỗi. Những buổi trưa im vắng, tôi tạt ngang, em chờ với tập vở, đôi mắt long lanh và niềm tin lóng lánh. Có khi là một ly chanh đường. Có khi là một chén chè đậu xanh thơm ngát. Buổi trưa tỉnh nhỏ êm như ru. Và tôi ru em bềnh bồng theo những đẩy đưa của tình tự dân tộc. Ngoài những bài toán hóc búa em đem từ trường về. Hoặc những cách chia động từ rắc rối của bài tập Pháp văn. Ờ, những buổi học giữa trời, vang tiếng ve kêu và đôi khi có tiếng vổ cánh của một con cò trắng lẻ bạn. Ờ những buổi học mấy ngày sau tết, có lần gió thổi tung những cánh mai vàng rụng đầy lên trang chữ, bám vào mái tóc em thắt bím trông ngộ như một cảnh đào nguyên. Những hình ảnh đâu đâu bỗng trở về lấp ló. Tưởng đã quên lâu, sao sống lại, bây giờ.
Chúng ta đi giữa đời thực như hai kẻ mộng du. Qua hàng phố, nhà thờ, lâu đài, công viên ... ngã tư, ngã năm, ngã sáu rộn rịp xe cộ mà có lúc tưởng chừng đang qua vội những lề đường đầy cỏ dại chen chúc những bụi hoa mắc cở, dưới bóng mát những tàng lá me lay lắt, hay băng qua chiếc cầu đúc bắt sát mặt sông có con nước lặng lờ xuôi ra cửa biển, và những bầy hải âu vừa bay vừa kêu hớt hải. Con đường lớn dẩn vào thành phố có em ngày hai buổi đến trường. Và tôi, tôi như một khách xa, đến đi không hay báo trước. Tại vậy mà nên nỗi.
Rồi bỗng em kéo tay tôi, dừng lại trước một sạp báo hỏi mua tấm bản đồ thành phố. Rồi ngón tay thon dò theo con đường đang đi, lần tới một địa điểm quen tên. À xóm St-Germain-des-Prés, bên tả ngạn sông Seine. Mình đi tới đó đi anh. Trời ơi, em còn nhớ. Em nhớ những huyênh hoang ngày tôi tuổi đôi mươi. Em nhớ cái mộng đời tôi lở dở. Em nhắc lại y nguyên lời tôi kể em nghe khu xóm nức tiếng một thời của Paris văn chương triết lý và nghệ thuật. Em nhớ cái ước mơ của tôi đã nói với em một lần. Được có ngày lang thang qua những nhà hàng, tiệm rượu, hộp đêm, hầm tối mù mù khói thuốc và xập xình tiếng nhạc ... có J.P. Sartre với chủ thuyết hiện sinh, có Simone de Beauvoir kêu đòi cho sự có mặt của phái tính thứ hai, có Jacques Prévert với thơ lề đường, có tiếng kèn đồng huyển hoặc của Boris Vian, có Julliette Créco giọng dẻo nhẹo như quến đặc nhựa thuốc lá đốt liền tay...
Ngang qua tiệm Les deux magots em đòi ghé lại. Bàn ghế bày biện vẫn y nguyên như những bức hình tôi đã thấy. Tôi gọi hai tách cà-phê, nhắp từng ngụm nhỏ. Bên kia bàn, hơi khói thơm ngát rịn mướt trên vành son môi tô khéo. Em ngước nhìn tôi, con mắt xa xăm. Có phải nơi này anh nói Ernest Hemingway đã viết Le soleil se lève aussi ... Và trước nữa chàng lãng tử Rimbeaud của anh đã làm thơ Le bateau ivre. Em ơi, hơn ba mươi mấy năm trời sao em còn nhớ. Sao em vẫn chưa quên. Tôi nhìn xuống màu cà-phê đen thẳm, thấy mắt mình như có chút khói cay. Trời ơi sao em nhớ từng chút một những say mê từ thuở tôi còn trai trẻ mà những khi rảnh rỗi tôi hay kể em nghe. Sáng nay em nói dối với mọi người để được cùng anh đi với giấc mơ anh. Dứt câu, em lấy cặp kính đen đeo lên mắt nhưng làm sao em giấu được tôi. Qua Mỹ như mọi người với mọi khó khăn, chính mấy câu khích lệ của anh đã thúc đẩy em đeo xe bus lội tuyết tiếp tục theo đại học trong sự thiếu thốn thường trực. Bốn năm em đi học là bốn năm em hy vọng, ngày gặp lại anh, em không làm anh thất vọng. Rồi em đổ đạt. Và anh, anh thì vẫn biệt tăm. Cặp mắt em giấu sau cặp kính đen. Nhưng giọng nói em làm sao giấu được. Em chắp hai tay che miệng và tôi nghe tiếng em nấc nghẹn. Hai vai em rung rung. Ngực em tức tưởi dù cố nén. Giọt nước mắt nào để sót chen qua gọng kính, loang ướt một dòng trên gò má phải. Tôi chồm người qua bàn, nắm hai bàn tay em trong hai bàn tay tôi. Sau cùng cả hai đều khóc. Tôi kềm giọng. Cho đến lần cuối gặp nhau tháng ba năm đó, anh có ngờ ngợ một điều gì đó nơi em. Nhưng em nhớ coi, lúc đó em mười bảy, thùy mị mà lại quá kín đáo, chúng ta lại ở hai vị trí nghịch thường. Tỉnh nhỏ, lòng người ... Rồi hết giặc giã, chưa kịp mừng anh đã đi tù, gia đình thất tán, mất hết mọi liên lạc ...
Tôi sẽ nói gì thêm. Mọi lời nói đều là những phân trần vô nghĩa khi người ta đã lỡ trệch ra khỏi một toan tính với định mệnh. Lực ly tâm sẽ càng lúc càng bắn đi xa. Mỗi lúc rồi mỗi thêm xa. Tôi lập lại câu nói đã lập đi lập lại mấy lần từ khi liên lạc lại. Khi ra tù, hơn bốn năm sau, anh bị đuổi về nguyên quán. Ở quê, ba má anh cũng bị cướp nhà phải trở về làng làm ruộng khi đã gần bảy mươi. Nhà có bốn anh em trai, ba người anh còn chưa biết sống chết ra sao trong các trại tù ngoài Bắc, duy nhất chỉ còn anh ... Điều đó có cần không khi người ta đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần. Có điều nếu không nói vậy, tôi sẽ nói gì đây. Cái sự thật cũ càng đến độ làm xót xa chính người nói.
Nói xong tôi thấy mình như tên hề mới vừa lau xong lớp phấn son nhễ nhãi. Mặt trời lên cao rọi xuyên qua hàng cửa mở, rải lên tóc em lớp bụi nắng óng ánh như sao. Tách cà-phê trở nguội, đắng nghét. Em đứng lên, quyết chắc. Khoác vội túi xách tay, tay cầm tấm bản đồ xếp tư, tay níu tôi đi nhanh ra cửa. Rồi như vậy, mỗi bước lần dò chúng ta đi về phía khu Latin. Gió từ mạn sông Seine thổi ngược lên mùi hơi nước pha sương. Ghé lại mấy quán sách cũ dọc bờ sông, nhìn ngắm rờ rẩm những pho sách cũ lòng tôi nổi lên một niềm ân hận không đâu. Bỗng nhiên tôi nhớ đến những quyển sách tôi đã mua, đã nghiền ngẫm, đã giữ gìn phút chốc biến thành tro than những ngày tang thương đó. Thấy tôi ra chiều thờ thẩn, em vuốt nhẹ lên bàn tay buông thỏng của tôi rồi đọc nhỏ câu thơ của Vũ Hoàng Chương. Chúng ta mất hết chỉ còn nhau. Tôi quay lại nhìn em. Và thấy lại hết những mất mát của đời tôi như tụ đọng lại trong mắt em. Cặp mắt nhìn tôi gần mà như xa hun hút. Ôi tình tôi.
Vậy rồi chúng ta đi gần lại khu công viên nổi tiếng. Em kéo tôi đi nhanh hơn. Mùa thu rớt nhanh sạm mặt khi nắng chiều rơi chút vụn tàn trên hàng cây dẩn đến vườn Luxembourg. Không ngó tôi, em đọc lầm thầm mấy câu văn của Anatole France mà lần nào tôi đã đọc cho em nghe. Tiếng còn tiếng mất lẫn trong hơi gió nhẹ ....
... Tôi sẽ nói với bạn điều mà hằng năm làm cho tôi nhớ lại, đó là bầu trời mùa thu vần vũ, những bửa ăn tối dưới ánh sáng ngọn đèn và những chiếc lá bắt đầu vàng trên hàng cây lay động ...
Tim tôi thắt lại. Tôi siết chặt vai em, miệng mấp máy những chữ tôi còn nhớ.
Trời ơi, dễ chừng đã hơn ba mươi mấy năm qua, câu văn dịch mùa tựu trường năm ấy. Em lên mười bảy tuổi. Tôi tâm sự với em. Nhìn tuổi em và bạn bè mấy ngày nay sắm sửa sách vở, tự nhiên tui thấy nao nao. Biết chừng nào tui sống lại cái thời hồn nhiên đã qua em hả. Rồi tôi đọc lại cho em nghe câu văn mà tôi thích nhất. Tôi nói tôi thích còn hơn bài tựu trường nổi tiếng của Thanh Tịnh. Cũng chính lần đó, tôi đã ngỏ lời khen em và chắc lòng tin em sẽ thành công mai sau. Anh thấy lại chưa anh cậu bé học trò của anh đó. Em nói mà không nhìn tôi. Em nói mà như cố soi tìm lại những gì đã mất. Anh còn nhớ bữa em khóc vì giải trật một bài đại số. Anh giễu em mít ướt làm em khóc mùi mẫn. Rồi anh đền em bằng chuyện phim Les dimanches de Ville-d’Avray. Chuyện phim buồn quá làm nghe xong em lại khóc ồ lên làm anh luống cuống sợ trong nhà hiểu lầm. Anh nhớ hông. Em cười nửa nụ mà lòng tôi chết điếng. Mà anh biết hông, nhờ anh mà em học giỏi, mà em thi đậu hạng cao. Nhất là anh tạo cho em một thứ mỹ cảm để thích văn thơ nghệ thuật ... Em nói một hơi rồi nín bặt. Tôi nghe lòng mình tan tác như đám lá rụng mỗi lần gió thổi tốc cả xiêm y. Tôi nói sao hơn nữa khi mọi sự đều có nguyên do. Hai người đi chậm bước khi ngày sắp sửa bỏ đi. Bước chậm như cố kềm thời gian lại. Nhưng làm sao được ! Làm sao kéo lại giờ khắc, mùa màng, thời tiết ... khi tóc xưa cài bướm giờ đã cắt ngắn pha sương, cậu bé tung tăng mang cặp vở chỉ là chiếc bóng tiếc nuối của một hiện thực tỉnh thức vốn đã dập vùi thế sự.
Tôi ôm ngang thắt lưng em dìu đi những bước thơ thẩn. Lòng cảm động khi tận mắt nhìn thấy một cảnh tượng trước đây chỉ có trong mơ. Ngang qua bức tượng L’acteur Grec, em dừng lại ngắm nghía, thích thú khi tình cờ có một con chim đậu ghé trên đầu vai. Khách du ngoạn kéo qua lại từng nhóm, những đứa bé con chạy nhảy vui như hội. Tôi đưa tay vén mấy sợi tóc rối rớt trên đuôi mắt em và thấy chiều xuống trên mấy dấu chân chim đã mỏi. Bóng tối len dần vào từng bờ cây vạt cỏ. Chiều xuống. Ngày của chúng ta sắp hết. Em phải về trước khi đoàn du lịch trở về. Em nấn níu nhìn tôi như hốt hoảng. Em ơi em, tôi làm gì đây. Tôi làm được gì đây khi đời tôi như con nắng chiều thu, đã và không còn sức để chặn ngang bóng tối của mùa đông sắp sửa. Khi đời tôi đã phôi pha từ những năm tháng tù đày, từ những lê lết cày cục để nuôi lớn bầy con bỏ xứ và cha mẹ già quạnh quẽ ở quê nhà.
Tôi nắm tay em đi dần ra cổng, gọi taxi để trở lại khách sạn. Xe chạy quanh quanh qua đường phố. Thấp thoáng Paris lên đèn. Trên xe, cả hai ngồi yên như hai pho tượng. Gần tới, em ra dấu ngừng xe. Còn lại hai dốc phố. Chúng ta xuống xe đi nép vào bờ tường đá. Gió chiều thổi thốc mớ lá rụng bám vào mỗi bước chân đi. Thinh im. Rẽ ngoặt qua lối chót, cái nóc của khách sạn lấp ló sau mấy chòm cây thưa lá.
Con đường lót đá từ trăm năm cũ, xộc xệch dưới gót giày nhọn làm lắm lúc em phải dựa hẵn vào tôi. Vẫn mùi nước hoa sớm thoang thoáng lẫn thêm mùi da thịt đàn bà nồng giấc xế chiều có lúc làm tôi ngầy ngật. Tôi muốn ôm em, ghịt sát vào tôi khi qua một góc hẽm vắng. Cơn mê nào chợt dậy, lay động nỗi ham muốn gần kề. Em dịu hoặc trong tay tôi. Cặp mắt thoáng vẻ ngập ngừng rồi quyết đoán. Em nhóng lên ngửa mặt. Tôi tựa em vào vách đá, áp môi mình lên môi em, lưỡi quyện vào nhau, quấn quíu. Và chúng ta hôn nhau hối hả. Hối hả. Bỗng chốc trăm ngàn hờn tủi, bỗng chốc muôn vàn tiếc thương đổ về kêu rêu, trách móc, thở than ... Và tôi và em và nụ hôn nóng sốt và chút lệ ứa nhanh. Và tôi và em và mấy chục năm đằng đẵng và oan nghiệt. Và ... oan nghiệt.
Tôi hôn em bao lâu. Chúng ta hôn nhau bao lâu. Có ai đếm được niềm đam mê bốc cháy đâu em. Có ai đo được hơi thở mình ngắn dài khi tình yêu trở thành mạch sống, háo hức, kêu đòi, buông thả ... khi hai con mắt em lim dim chấp chới, khi ngực em áp sát ngực tôi như tỏ lộ điều son sắt, rồi tôi cảm được hai chân em muốn khụyu xuống. Và tôi, tôi ...
Chúng ta buông nhau ra. Buông nhau ra khi cơn mê lên đến cực điểm. Buông nhau ra khi hai vòng tay đã khít lại như một. Và khoảng cách của hai thân xác đã gần như vô nghĩa. Và chúng ta buông nhau ra. Bỏ nhau ra.
Em đi trước. Áo chùng đen. Tôi đứng lại, tựa vào vách tường, lòng đá tảng. Tôi móc điếu thuốc gắn vội lên môi, châm lửa. Mới đi được mấy bước bỗng em ngoái lại. Hai con mắt, ơi em, hai con mắt. Tôi ném vội điếu thuốc, chạy tới. Và em khóc. Nước mắt nhạt nhòa. Chúng ta ôm chầm lấy nhau. Và môi tôi ngậm lấy môi em. Và nước mắt tôi hòa lấy nước mắt em. Và bóng tối chìm chúng ta vào quá khứ.
Sớm hôm sau, em ra phi trường. Tôi còn ngày cuối ở lại Paris. Cả ngày tôi lẩn quẩn trong phòng. Tính giờ bay, tính giờ em về tới bển. Xế ngày, tôi xách chai rượu quí người bạn xưa đã dặn dò tặng lại, xuống nhà hàng, chọn chiếc bàn nhỏ khuất trong góc, nhờ khui và rót rượu uống một mình. Bạn bỏ đi. Rượu cay nồng từng ngụm. Em bỏ về. Rượu đắng chát từng giọt. Tôi uống từng ngụm nhỏ. Rượu thấm vào hiện tại tôi. Rượu ngấm vào quá khứ tôi. Rượu ngập chìm tôi trong nuối tiếc muộn màng. Đến một lúc sao quanh tôi chỉ còn lại những đôi mắt em. Đôi mắt hiền như đóa từ bi. Không chút oán trách. Không mảy may kêu đòi. Nhưng em ơi, làm sao tôi không thấy, từ đôi mắt em, sự chịu đựng ẩn nhẫn đến chạnh lòng. Em đã lặng thinh ra về, yên phận. Vậy rồi sao nước mắt tôi ứa ra, lặng lẽ. Lặng lẽ từ đêm qua khi bóng em khuất sau cổng khách sạn. Lặng lẽ từ sớm mai khi từ trên lầu cao tôi nhìn thấy em bước lên xe đi khuất. Lặng lẽ xế chiều nay khi tôi châm đầy thêm tấm lòng tôi đã cạn bằng chất nước cay sóng sánh ánh vàng. Tôi ngửa cổ nốc từng ngụm như nuốt ngược vào người từng ấy giọt lệ tình em. Em không đòi nhưng tim tôi thắc thỏm. Làm sao tôi không biết sức nặng trì trì của ngày tháng vô vọng, khi em chưa là thiếu phụ. Thời gian thì vô tình và đời sống cũng vô tình. Em lẻ loi, quay quắt giữa xứ người. Vây quanh em chực hờ bao nhiêu là cạm bẩy. Tội tình em một thân một mình, ai đỡ đần những khi đời làm giông bão. Vậy mà em, đã vừa lo thân vừa còn lo chờ lo đợi. Chờ đợi một người tình chưa hứa được nhau một tiếng hẹn hò. Năm này qua năm khác. Rồi đến lúc mọi chuyện cũng phải xuôi theo cái chiều thuận của giòng đời. Có ai lội ngược giòng đời được mãi đâu em.
Thì thôi em, tội tình nhau, cũng đành gánh chịu. Chỉ cầu xin em được vuông tròn. Tôi thầm thì một mình khi đêm đã gần sáng. Về phòng thu xếp rồi tôi gọi xe ra phi trường.
Paris mờ mờ trong sương sớm. Gió luồng qua phố vắng nghe như tiếng mùa hú gọi. Những tàng cây run rẩy rải lá đầy đường. Tôi khép chặt vạt áo choàng mà nghe hơi thu lạnh xuống đầy vai. Tự dưng, tôi nghĩ mình như một tên tội phạm đang trốn chạy dù chẳng có ai rượt đuổi. Chỉ là tôi trốn chạy ... tôi !
Khi máy bay lượn cánh lần chót, nhìn xuống tôi thấy Paris nhợt nhạt như một cơn mơ.
.................
Đến chừng về rồi tôi mới biết tôi yêu em, tôi yêu em nhiều hơn tôi tưởng.
Cao Vị khanh
Những chiều vàng ở Paris, muà hè nắng quái, đợi đêm về để nhìn những ngọn đèn xung quanh công trường Concorde bật sáng, mà nhớ lại một thời, "tình vui theo gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời "...nhớ những đêm lang thang dọc sông Seine, tiếng cười, mắt biếc, tóc bay theo gió, đêm lành lạnh mà ấm, nụ hôn nào đưa yêu thương lên ngôi tình sử, có một cô bắc kỳ nho nhỏ ngây thơ, là vui mỗi ngày, tưởng như là mơ, dù mộng không thành, cuộc hạnh ngộ, và chia tay làm không gian u buồn thêm, đi bên em mà tưởng chừng đã mất, biệt ly nhớ nhau từ đây.
ReplyDelete" Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em, môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Như móng sắc thương đau.
Đi đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Để anh được làm thi sĩ
Để anh được làm thi sĩ. " *
Và muà Thu, lá vàng khô vườn Tuileries, em còn nhớ, hương muà cũ, đêm thơm, như mùi dạ lý, tình ơi!
"Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ
Công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm"**
Ôi Tình sầu!
*thơ Thanh Tâm Tuyền
**thơ Cung Trầm Tưởng