Links

Friday, January 20, 2023

Tháng Giêng Và Những Muộn Phiền

  ________________________          

CAO VỊ KHANH                              






                                                                                     Rồi tết qua đi, sầu ở lại

                                                       Quê nhà xa huốt một đường bay

                                                     Rượu xuân ai ướp mùi quan ải


                                                        Mà thấm xa thêm những dặm dài !

 

Bốn câu hai mươi tám chữ, cụt ngủn. Lỡ có muốn thêm cũng chẳng biết thêm gì. Mà có thiếu gì không, mấy câu gọi là thơ, buổi chiều mùng-ba năm đầu tiên ăntết ở xứ người.

Một năm trước đó, ngay bửa ba-mươi-tết, tôi bồng đứa con gái đầu lòng lên năm, đeo xe đò từ một tỉnh ở phía cực tây, về thăm cha mẹ ở một làng quê giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Luôn thể để báo tin một chuyến đi xa. Xa lắm, không biết có tới nơi tới chốn. Mà cũng chẳng biết ... rồi sẽ có một ngày về. Gia đình đông con, bốn trai năm gái. Nhưng lần ấy, ba anh em trai còn đâu đó trong các trại tù heo hút mấy miệt rừng núi Lào Kai, Yên Bái ... Mấy chị em gái cũng bận đi nuôi chồng trong các trại lán lẩn lút giữa một miền Nam thân quen bỗng sớm chiều trở thành lạ lẫm.

Chỉ còn tôi và đứa cháu gái ngu ngơ hớn hở vì được về thăm nội dù từ khi lọt lòng chưa một lần được nội ẳm bồng.

Đêm ba mươi. Ba tôi thắp ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ tổ tiên cho tôi lạy từ biệt đất nước ông bà. Ngôi nhà gạch xinh xắn có giàn bông giấy tím ở tỉnh bị cướp trên tay, đổi thành căn nhà lá vách tre đứng chênh vênh trên doi đất vói ra vàm kinh Bình Phụng. Đêm cuối năm, trăng sao trốn biệt. Đêm trừ tịch, gió rền rĩ lẫy hờn. Đêm sinh ly, sóng vổ bờ như vổ vào chính lòng tôi, từng điệu oán.

Lễ xong, tôi xoay qua, mếu máo quỳ lạy sống ba má tôi, lần đầu mà nghĩ là lần cuối. Con gái thấy lạ cười ngặt nghẽo trên tay bà nội.

Sáng hôm sau, bồng con quày trở lại nơi mai mốt sẽ khởi đầu cho chuyến đi vô định.

Mùng chín tết năm đó, tôi rời Việt Nam.

Một năm sau, tôi ăn tết ở một nơi không có bàn thờ ông bà, không cha không mẹ, không anh chị em, không hoa mai cũng chẳng mứt gừng mứt bí... Chung quanh tôi, tuyết trắng, trắng đến mênh mông như một cõi lòng đã lạnh. Trái đất quay, quay theo chiều quay nghiệt ngã. Xuân ở quê nhà, quê người đã quá nửa chừng đông.

Giữa đêm, trời đổ tuyết. Từng nhúm tuyết mịn bân mà nhẹ hửng như bông gòn thổi bay xối xả, nhuộm trắng cả đêm đen. Gió réo, tuyết loay hoay xoay chiều, lắm khi luống cuống như lạc nẻo, quẩy đập vào nhau vật vã như tiếng kêu khổ của mùa. Đêm gượng sáng mà có ngó ra thử tìm hướng cố hương cũng chỉ thấy mù thêm hai con mắt vốn đã thất lạc, từ khi. Nhìn tuyết trắng trời mà cảm thán tới muốn sửa thơ Nguyễn Bính tiếc Huyền Trân. Giờ đây chín vạn bông trời nở / Riêng có lòng ta khép lại thôi. Ông ta tả hoa lá mùa xuân rực rỡ ở đâu không biết. Chớ ở đây, cõi tôi gá thân chỉ có trắng một trời bông tuyết nở ! Lòng người xa xứ, có khép lại, cũng đành.

................................ ............................

Vậy mà rồi hơn bốn mươi năm. Bốn mươi năm biệt xứ, không về lại một lần. Tang cha, tang mẹ, trắng xé lòng, mỗi lượt. Ở xa, tôi không đi chùa đi miểu. Mỗi lượt, tôi, mình tôi, chẳng đạo chúa, trốn vô ngôi nhà thờ nhỏ ở góc phố vắng. Trưa im im, lặng ngắt, đèn thờ không sáng nổi mặt tượng. Không gian nhốt kín, cả đến gió thu cũng bị chận lại bên ngoài. Mình tôi, riêng lẻ mình tôi, thu mình trong một góc khuất, nhìn cái trống không giữa những vòm cong thánh đường. Tôi ngồi ở đó, bất động. Rồi thấy lại tôi chín mười tuổi chạy nhảy thênh thang giữa tấm lòng trải rộng đến mênh mông của cha mẹ. Thấy lại tôi trưởng thành vẫn y nguyên một nỗi cưu mang như khi còn đòi bồng ẵm. Thấy lại tôi với lời tự hứa báo hiếu ngày mới ra trường. Thấy lại tôi bỏ cha bỏ mẹ ngay đúng lúc tuổi già xế bóng ... Thấy lại tôi với tội nghiệt tôi ...

Tôi ngồi ở đó, khóc, lặng lẽ mãi đến khi chiều xuống.

Rồi ra về với huyệt mộ chôn kín trong lòng.

Hôm sau, đã ba chân bốn cẳng chạy theo miếng ăn, giữa xứ người rộn rã mà quạnh quẽ tiếng hỏi câu chào.

Mươi năm sau, nghe người về, rủ rê. Sao lòng tôi lạnh tanh. Tôi không yêu quê tôi sao. Không ! Tôi yêu quê tôi lắm chớ. Ở đó còn mồ mã ông bà dù đã lạn. Còn bao nhiêu mồ mã vô danh khác dù đã tan thành cát bụi để tựu hình mảnh đất hình chữ S nằm nghênh ngang một cõi bờ Đông Hải, gần suốt hai mươi thế kỷ. Còn riêng trong một góc nhỏ, hai nấm mộ lạnh tanh. Nơi đó, tôi đã lớn lên, ngoài sự chăm lo đùm bọc của mẹ cha, còn nguyên cả một chiếc nôi đồ sộ mà tổ tiên tôi ... đã chụm tay kết thành bằng mồ hôi, máu, nước mắt và cả một tinh thần nhân bản tuyệt vời. Quê hương tôi đã nuôi tôi lớn lên bằng cơm gạo, cá mắm, thịt thà ... kết tụ từ đất đai sông nước mà người trước tôi đã gầy dựng, giữ gìn. Quê hương tôi đã dạy tôi sự nhẫn nại cùng cực của một dân tộc đã bị đày đọa gần suốt hai ngàn năm dưới sự thống trị của đám giặc phương bắc mà vẫn còn nguyên lành bản chất như nhánh tre già, qua bao nhiêu bão dữ vẫn dẻo dai vươn mình. Quê hương tôi đã cho tôi cả một kho ca dao mà từng câu lục bát ngọt ngào đến độ mẹ ru con thành tiếng ầu ơ. Quê hương tôi đã cho tôi nghìn trùng lời hay ý đẹp trong mỗi câu mỗi chữ mà ngôn từ cấu tứ đẹp như gấm như hoa, của ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu lục bát kể chuyện đoạn trường Thúy Kiều, ba trăm năm mươi sáu câu song thất lục bát than thở nỗi buồn Cung Oán, bốn trăm lẻ tám câu kể lể nỗi chờ mong Chinh Phụ ... Những bài hát nói mà âm tiết nghe reo vui như tiếng cười khúc khích khi đời chưa dâu bể. Những câu thơ 7 chữ 8 chữ ... của những người làm Thơ Mới mà chữ nghĩa được nhã luyện đến thành văn vẻ, được chuốc lọc để trở nên óng ánh như trăng sao ... Quê hương tôi đã dạy tôi ăn ở lễ nghĩa trong gia đình, ân cần ngoài xả hội như chính tấm lòng của kẻ sĩ Nguyễn Trải, ngay khi ở phương tây người ta còn thiêu sống nhau vì ba cái trò ngụy tín. Còn bao nhiêu nữa làm sao kể hết. Làm sao tôi quên. Làm sao tôi không nhớ.

Vậy rồi tới khi bỏ xứ mà đi, coi như phủi sạch nợ nần. Làm sao lòng không lấn cấn.

Xứ người, lạ từng cọng cỏ ngọn cây. Lạ tới tiếng hỏi câu chào. Lắm khi buồn ngẩn buồn ngơ. Dẫu có an thân sao vẫn cứ thấy mình tạm bợ.

Mà biểu về, chẳng lẻ lại cúi gập mặt mà về để khỏi nhìn thấy những thay đổi não lòng. Ở đó, những thằng trọc phú quyền thế ! Ở đó những người nghèo mạt hạng không chút đỡ đần ! Và cả một tinh thần nhân nghĩa từ ngàn đời bị dày đạp chẳng làm xao xuyến được một cái nhíu mày !

.......................... ..............................

Rồi tết qua đi, sầu ở lại ! ...

Lại thêm một cái tết quê người. Mươi năm đầu, còn nguyên một hy vọng, kềm lòng giữ chí như ngày ra đi. Vẫn mơ một ngày về lại cố hương, thắp nén nhang, quỳ xin tội với vong linh người khuất mặt. Rồi dấn mình vào cuộc trùng hưng. Nhưng rồi, từng năm qua, từng cơn mơ bị giựt dậy phũ phàng ...

Tôi đã làm gì đời tôi. Ngoài miếng ăn, từng bữa ... Và quê hương vẫn rền rĩ giọng hờn !

Vậy rồi bốn mươi năm đã qua. Qua ngọt xớt như mới hôm qua hôm kia. Thời gian lẳng lặng thoát đi như sao xẹt.

Tôi còn ở đây, bên này biển lớn, giữa bãi bờ trắng toát ...

Mấy ngày qua, chiếc độc bình cũ được cắm thêm nhánh mai giả, phủi hoài mà bụi vẫn thâm đen. Săm soi rồi thấy mũi lòng. Hoa giả vô tình mà cũng tàn tạ. Nói gì tới người ...

Năm này sang năm khác, thói thường rồi phải quen. Quen với sự dư thừa cũng như sự thiếu thốn.

Bốn mươi năm rồi. Đủ để quen bao nhiêu thứ lạ mà sao vẫn không quen với cái thói lãng quên. Quen với ngọn thông xanh sừng sững sao không quen với cái trống trải vì vắng bóng bụi tre già. Đã nhẳn mặt với đường lộ phẳng phiu sao còn thắt thỏm hoài lối về làng trầy trật, ngang qua bến nước với chiếc cầu tre lắt lẻo .

...................... .........................

Bốn mươi năm rồi, sao còn lấn cấn với ba cái chuyện phải quên. Làm như quá khứ giành giựt hoài với hiện tại, bốn mươi năm rồi vẫn không chịu buông tay ! Cái thói quen hay tục lệ mà mỗi năm tết đến là ai nấy dù bôn ba đâu đó cũng lo thu xếp về quê, mừng tuổi mẹ cha, vung đắp mồ mã, cúng vái ông bà ... làm như nhiểm trong máu huyết hay sao. Vậy mà rồi, bỗng dưng, bít hết mọi đường về !

Bốn mươi cái tết xa quê. Lẽ ra đâu còn lạ cái lạnh cóng người của mùa xuân vọng tưởng. Lẽ ra mọi ấm ức phải dìm sâu, chôn kín dưới mấy tầng huyệt thời gian. Vậy mà cứ mỗi lần nghe nhắc tết, lòng sao lại băng hăng bó hó như lỡ thiếu sót một điều gì. Chút lễ vật, trái cây, nhang đèn ... đã có đó, tàm tạm. Làm sao đòi hỏi hơn nữa, chỗ đất trời lạ lẫm.

Mà dẫu có thiếu rồi cũng có làm sao. Kiểu ăn nhờ ở đậu. Được chừng một hai bữa. Rồi tết nhứt cũng qua. Ai nấy trở lại với nhịp sống mới đã thành nếp. Sao riêng mình, cứ mãi chút băn khoăn ...

Tết tha hương rồi thoáng qua như bóng mây váng vất ...

Còn lại không là chút khói hương lẫn lẫn trong gian nhà kín cửa. Chút khói hương quến lại như chút quà tết ai đó bỏ quên. Khổ nỗi, của bỏ quên mà sao gợi đầy mùi nhớ. Những thề nguyền !

Có phải vẫn mãi là nỗi ân hận của một kẻ trốn chạy, bỏ cuộc ... giữa chừng ! Có phải vẫn mãi là nỗi chua cay của một kẻ bị giựt dậy giữa cơn trường mộng ! Có phải vẫn mãi là sự hổ thẹn của một kẻ đã thất hứa dẫu thệ nguyền chưa bao giờ được khắc đá đề tên !

Trong giờ khắc linh thiêng của một năm, sao lại nhớ, nhớ như mới hôm qua hôm kia, nhớ như từng chữ từng lời đã đục đẽo vào tim ...

Tết qua rồi, nhang đèn đã lạnh. Sao lời thư năm nào, tháng nào, ngày nào đó ... vẫn lắt lay trong trí nảo đã gần như mòn nhẵn

“ Ở xa, con ăn tết ra sao ? Tết nhứt ba không chờ quà cáp. Ba chờ tụi con gởi về tin vui chung cho hết thảy mọi người ’’

Mấy dòng chữ mực xanh, nét sắc như dao khắc ... vẫn còn như từng mũi nhọn.

Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ. Mười năm một giấc mộng không thành. Người chờ cho hết đời cô quạnh. Ta đứng bên trời, lệ chảy nhanh.

Rồi tết qua đi, sầu ở lại !

 

Cao Vị Khanh

No comments:

Post a Comment