Links

Sunday, March 12, 2023

VÀI MẠN ĐÀM VỀ CÂU 49 CHƯA QUA 53 ĐÃ TỚI

ĐẶNG XUÂN XUYẾN



*

Sau 2 bài viết “Vơ vẩn về chuyện Ngựa muốn hóa Rồng” và “Vài lan man về Hạn kỳ 48-54 tuổi của ông Chu Ngọc Anh”, tôi nhận được một số chất vấn căn cứ vào những tài liệu nào để tôi đưa ra luận điểm: - Cổ nhân chủ tâm nhắc nhở: giai đoạn từ 48 đến 54 tuổi hãy chủ ý buông bỏ Tham - Sân - Si, sống thiện tâm, tạo nhiều phúc lành giúp đỡ chúng sinh để tự tiêu trừ Họa Nghiệp sẽ quật vào các năm 57, 58, 59 tuổi nếu đương số Phúc báo được hưởng quá mỏng?

Xin thưa đấy là suy luận của riêng tôi dựa vào những quan sát, ghi chép của tôi từ các mối quan hệ nơi tôi sinh sống và thu lượm trên các phương tiện truyền thông về những người ở độ tuổi có liên quan tới 2 câu: "49 chưa qua 53 đã tới" và "lợi 48 thiệt 54" mà cổ nhân đã đúc kết.

Tôi cũng đã tìm kiếm trên google luận giải về 2 câu: "Lợi 48 thiệt 54" và "49 chưa qua 53 đã tới" vì sách tôi đã đọc chưa có cuốn nào viết về 2 câu này để tham khảo nhưng tôi không tìm thấy bất cứ lời luận giải nào về câu "Lợi 48 thiệt 54" nên tự đối chiếu vận hạn của những người tôi đã biết qua tiếp xúc, qua nghe kể và đọc được trên các phương tiện truyền thông ... để xác tín đúc kết của cổ nhân về câu "Lợi 48 thiệt 54" theo kết quả tự kiểm chứng: 48 tuổi được hưởng nhiều lợi lộc thì 54 tuổi sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại về người hoặc của. Còn câu: "49 chưa qua 53 đã đến" thì rất nhiều trang web về văn hóa tâm linh có giải thích, nhưng phần lớn không thuyết phục, thậm chí có những luận giải còn rất vớ vẩn, ngô nghê, dù bài viết nêu rõ nguồn trích dẫn với những tên tuổi tầm cỡ trong “giới” nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Mời quý vị cùng tôi điểm qua 3 cách lý giải được nhiều trang web văn hóa tâm linh đăng tải để tìm câu trả lời: Những luận giải về câu "49 chưa qua 53 đã đến" đó có đáng tin?

1. Ông Lương Gia Tĩnh, Viện phó Viện Phật Giáo Học Việt Nam:

- “49 là năm “hạn” Tam Tai, còn 53 là tuổi Kim Lâu. Hai “hạn” này đều nặng, tránh làm việc lớn.

Đây là cách giải thích ổn nhất, tuy ông Lương Gia Tĩnh cho rằng “49 (tuổi) là năm “hạn” Tam Tai” là khiên cưỡng vì năm 49 tuổi là Hạn của năm TUỔI, có sao Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn tiền bạc, ốm đau, tang chế, chỉ có 4 tuổi: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi vừa là Hạn của năm Tuổi vừa là Hạn Tam Tai (tai họa vào 3 năm liên tiếp) nhưng để dễ hiểu với người không hiểu về các thuật ngữ trong tín ngưỡng dân gian thì ông Lương Gia Tĩnh gộp cả 12 tuổi vào năm Hạn Tam Tai ở tuổi 49 có thể chấp nhận được.

Thực ra, năm 49 tuổi là Hạn năm Tuổi, có sao Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn tiền bạc, ốm đau, tang chế,... nhưng nặng hơn các Hạn năm tuổi khác bởi nam giới chịu thêm Hạn sao Thái Bạch và 4 tuổi: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi còn chịu thêm Hạn Tam Tai. Cả 3 loại Hạn này đều thuộc hạng nặng nên Hạn chồng Hạn mà năm 49 tuổi người ta mới sợ hơn các Hạn năm Tuổi khác.

Còn năm 53 tuổi đúng là năm Kim Lâu, năm có nhiều sao xấu, gây bất lợi cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng và những việc trọng đại của đời người.

Nếu xét về Hạn năm 49 tuổi thì nam giới thường bị ảnh hưởng nặng hơn nữ giới bởi nam giới chịu thêm Hạn sao Thái Bạch và nặng nhất là nam giới 4 tuổi: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi vì phải chịu tiếp thêm Hạn Tam Tai, trong khi nữ giới được sao Thái Âm phù trợ. Ngược lại, ở tuổi 53 nam giới được sao Thái Âm phù trợ còn nữ giới lại bị sao Thái Bạch tác họa nên ở tuổi 53 Hạn ở nữ giới thường nặng hơn nam giới. Đấy là xét trên lý thuyết, còn thực tiễn thì Hạn nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố “hội tụ nhân duyên” ảnh hưởng nhiều nhất tới Phúc Báo hay Quả Báo của mỗi người.

Cũng lưu ý với bạn đọc về cách tính năm Kim Lâu: Cách thứ nhất là cách của dân gian thường tính những năm tuổi âm lịch có số đuôi: 1, 3, 6, 8 là năm Kim Lâu, tuy cách này chưa thật chuẩn nhưng có thể dùng được. Cách thứ 2, cách các thầy lý số thường dùng là lấy tuổi âm lịch chia cho 9, nếu có số dư: 1, 3, 6, 8 thì năm đó mới tính là năm Kim Lâu.

 

2. Chuyên gia phong thủy Trần Ngọc Kiệm:

- “Theo quy luật của tạo hóa thì từ khi thai nghén, con người đã theo chu kỳ 7x7. Theo đó, các mốc có số 7 như 7 giờ, 7 ngày, 7 tuần, 7 tháng, 7 năm đều đánh dấu sự thay đổi quan trọng. Cụ thể, 7 năm thứ nhất phát triển chiều ngang, 7 năm thứ hai phát triển chiều cao, 7 năm thứ ba phát dục, 7 năm thứ tư phát triển cơ bắp, 7 năm thứ năm phát triển trí tuệ, 7 năm thứ sáu phát triển toàn diện, 7 năm thứ bảy dừng lại, ổn định, dần suy giảm. Mà 7 x 7 = 49 sẽ hết một chu kỳ, có thể sẽ bị diệt vong, cũng có thể sẽ phát triển chu kỳ tiếp theo.

Đó là sự sinh, còn xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân”.

Đây là cách giải thích rất “bá đạo”, nói bừa, nói lấy được. Nếu theo cách “luận giải” của “Chuyên gia phong thủy” Trần Ngọc Kiệm thì khi áp dụng vào đối tượng khảo cứu là NGƯỜI sẽ hiểu 7 năm đầu sinh ra, đứa trẻ (người) phát triển bề ngang, từ 8 tuổi đến 14 tuổi đứa trẻ (người) phát triển chiều cao, từ 15 đến 21 tuổi đứa trẻ (người) phát dục.... Như thế rất nhảm nhí, phản thực tế, phản khoa học. Lại nữa: "xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân”. Ông “Chuyên gia phong thủy” Trần Ngọc Kiệm không cho bạn đọc biết "cái gì" mà ông nói cụ thể là cái nào? Quy luật sinh - diệt cụ thể của “cái gì” ra sao? Và buồn cười hơn nữa là Lễ Tứ Cửu (còn gọi là Chung Thất) là Lễ cúng 7 lần giỗ vía người mới chết (theo nghi lễ Đạo giáo thì tính từ ngày chết, cứ 7 ngày phải cúng 1 giỗ cho một vía, sau 7 lần giỗ vía (ngày 49) thì người chết mới được siêu độ để chuẩn bị bước tiếp vào vòng luân hồi nhưng để giản tiện người Việt Nam ta chỉ cúng giỗ lần thứ 7) ông Trần Ngọc Kiệm cũng lôi vào “ăn ké” để “biện giải” về Hạn tuổi 49, Hạn tuổi 53 mặc dù Lễ Tứ Cửu chả dính dáng tới lời giải thích về Hạn kỳ 49-53!

Đây là cách tung hỏa mù làm rối trí người đọc bởi những dẫn giải ngô nghê, vớ vẩn chẳng ăn nhập gì với câu: "49 chưa qua 53 đã đến", đã làm méo mó ý nghĩa thực của câu ngạn ngữ "49 chưa qua 53 đã đến" mà Ông Cha ta lưu ý con cháu: Đó là những năm có nhiều sao xấu, gây bất lợi cho sức khỏe, thậm chí có thể nguy hại tới tính mạng và ảnh hưởng xấu với những việc trọng đại của đời người nên làm việc gì cũng phải thật cẩn trọng.

Tôi không hiểu “Chuyên gia phong thủy” Trần Ngọc Kiệm có hiểu được những điều ông đã nói (viết) hay không và ông nói (viết) như thế để làm gì?!

 

3. Giáo sư Nguyễn Trường Tiến, Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam:

- “Câu “49 chưa qua, 53 đã tới” mang ý nghĩa phiếm chỉ một loạt tuổi từ 49 - 53 chứ không hoàn toàn gói gọn trong hai tuổi ấy. Xét về mặt khoa học, ở vào khoảng tuổi này đồng nghĩa với việc người ta đã bước sang nửa kia của đời người. Sức khỏe bắt đầu giảm sút, sức đề kháng kém hơn, nguy cơ ngã bệnh cao hơn, xương cốt yếu hơn… Do đó mà nhiều người bị bệnh, thậm chí là thiệt mạng.

Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 - 53 ứng vào con số 5 (là số ngũ hành, gồm sinh - lão - bệnh - tử - sinh). Nếu ai đó vượt qua được nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời.”

Tôi thấy rất lạ khi Giáo sư Nguyễn Trường Tiến khẳng định "Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 đến 53 ứng vào con số 5" mà không đưa ra lời lý giải tại sao 5 độ tuổi đó lại ứng vào con số 5? Chắc Giáo sư gán 5 tuổi 49, 50, 51, 52, 53 là số Ngũ hành vì 5 độ tuổi đó có số đếm tương ứng với 5 hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ? Vậy nếu suy diễn theo cách của Giáo sư Nguyễn Trường Tiến thì từ tuổi 48 đến 54 sẽ ứng vào con số 7? và con số 7 đó ứng vào số nào? Các tuổi 49, 50, 51, 52, 53 trong “tổ hợp con số 7” có còn là số Ngũ hành? Giáo sư giải thích thế nào khi cùng 1 tuổi lúc ứng với số này lúc ứng với số khác? lúc là số Ngũ hành lúc lại không là số Ngũ hành?

Có lẽ Giáo sư Nguyễn Trường Tiến làm trong ngành xây dựng, thấy mọi người chuộng cầu thang 5 bậc vì cầu thang 5 bậc thể hiện đầy đủ các yếu tố thuận lợi của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nên khi đếm từ 49 đến 53 có 5 độ tuổi liền gán là số Ngũ hành? Sợ người đọc, người nghe không hiểu số Ngũ hành là gì nên ông chua thêm: (là số ngũ hành, gồm: Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh)? Trời! Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật tự nhiên của đời người và người ta áp dụng trình tự quy luật đó vào ứng dụng trong phong thủy, ví như số tầng (lầu) ngôi nhà, số bậc cầu thang,... tránh số 4 là số Tử (chết) để mong đem lại may mắn, tốt đẹp cho gia chủ, Giáo sư Nguyễn Trường Tiến lại đem ứng dụng vào độ tuổi của con người?! Nếu thế thì tuổi 49, 53 “được” rơi vào chữ Sinh là Tốt Đẹp, lại còn là “số Ngũ hành” nữa thì thật hoàn mỹ? Vậy cổ nhân lưu ý con cháu phải cẩn trọng ở 2 tuổi này làm gì? Mà thực tế thì ai cũng biết ở 2 tuổi 49, 53 là dễ sảy ra mất mát đau thương hơn hẳn các năm tuổi khác!

Tôi không biết các bài đăng trên các trang web đó trích dẫn đúng nguyên văn lời Giáo sư Nguyễn Trường Tiến hay đã “biên tập” lại? Nếu họ trích dẫn đúng nguyên văn lời Giáo sư Nguyễn Trường Tiến thì hệ lụy của nói ẩu, viết ẩu sẽ rất nguy hại tới nhận thức chung về văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng, nhất là khi tác giả là người mang học hàm Giáo sư!

*.

Hà Nội, sáng 21 tháng 06-2022

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

No comments:

Post a Comment