Links

Saturday, June 17, 2023

48 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh

 __________________

12/05/2023
BuiVanPhu_2023_0511_48NamSauChienTranh_H01_AustraliaStamps

Tem thư của bưu điện Úc phát hành ngày 18/4/2023 (Ảnh: Bùi Văn Phú).

 

 

Đối với người Việt, cuộc chiến Nam Bắc trên quê hương được coi như chấm dứt vào ngày 30/4/1975 khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà đầu hàng bộ đội cộng sản miền Bắc. Nhưng với nước Mỹ, rộng ra là cả các nước đã đưa quân qua tham chiến tại Việt Nam như Úc, Tân Tây Lan hay Nam Hàn thì cuộc chiến đó chấm dứt vào năm 1973, khi nước ngoài rút hết quân và Hiệp định Ba Lê chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình được Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ký tại Paris ngày 27/1/1973.

 

Với dấu mốc ngày ký Hiệp định Ba Lê 1973, đánh dấu 50 năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam ở Úc và Mỹ đã có những sự kiện để ghi nhớ thời điểm này.

 

Nếu nhà nước Việt Nam không đề cập đến chuyện bên Úc đã cho phát hành đồng xu với hình cờ Việt Nam Cộng hoà mà ít ai biết đến, nhưng khi Hà Nội lên tiếng phản đối thì dư luận chú ý nhiều. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Phạm Thu Hằng hôm 4/5 đã chỉ trích việc làm này của Kho Bạc và sở Bưu chính Úc là không phù hợp với mối quan hệ chiến lược hai nước đang có và yêu cầu Úc dừng lưu hành đồng bạc cắc, dù thực tế nó cũng chỉ là đồng tiền để sưu tầm mà thôi.

 

Lịch sử cận đại của Úc có liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam vì đã đưa 60 nghìn quân đến miền Nam chiến đấu và hơn 500 lính Úc đã hy sinh ở đó. Chính phủ Úc ghi ơn cựu chiến binh mà Hà Nội lại lên tiếng phản đối đã cho thấy nửa thế kỷ đã qua mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nay vẫn còn bực bội khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ của phe đối nghịch.

 

Ngoài tiền cắc có cờ vàng, bưu điện Úc vào ngày 18/4/2023 cũng đã phát hành bộ tem kỷ niệm với cùng mục đích, gồm hai con tem in hình các huân chương cũng có cờ Việt Nam Cộng hoà trên đó.

 

Hoa Kỳ là quốc gia can dự sâu đậm nhất vào cuộc chiến mà lúc cao điểm đã có hơn nửa triệu lính Mỹ tại miền Nam. Hơn hai triệu lính Mỹ đã phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, gần 60 nghìn hy sinh.

 

Sau chiến tranh, dịp lễ Cựu Chiến binh 11/11/1979 bưu điện Hoa Kỳ phát hành tem thư có in huy chương tuyên dương những chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, với hình cờ vàng ba sọc đỏ trên đỏ. Năm 1982 đài tưởng niệm Vietnam Veterans Memorial ở Thủ đô Washington được khánh thành. Mỗi năm vào dịp lễ Chiến sĩ Trận vong hay vào ngày Cựu Chiến binh luôn có những vòng hoa tưởng niệm mang mầu cờ vàng ba sọc đỏ đặt trước đài. Tổ chức Vietnam Veterans of America dùng lá cờ vàng làm huy hiệu mà đi trên đường phố nếu thấy dán sau xe là biết người đó là một cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam.

 

Hình ảnh cờ vàng bây giờ không còn là đại diện cho một quốc gia trong cộng đồng thế giới, vì chính thể Việt Nam Cộng hoà đã chấm dứt từ 48 năm qua, nhưng quan chức Việt Nam khi qua Mỹ, qua Úc hay những nơi có đông người Việt lại rất sợ khi thấy cờ vàng tung bay.

 

Ngày nay tại Hoa Kỳ cờ vàng là biểu tượng, là di sản tự do của cộng đồng người Việt và đã được hơn 50 đơn vị hành chánh từ cấp tiểu bang, quận hạt đến thành phố công nhận.

 

Trong khi cờ đỏ sao vàng còn bị cấm treo trên các công sở hay toà nhà thuộc về thành phố, như ở San Jose, Westminster là những nơi có đông người Việt sinh sống ở hai miền nam bắc California. Từ năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam đã chính thức bang giao, nhưng ít khi thấy cờ đỏ sao vàng tung bay ở Mỹ. Cơ sở ngoại giao của Việt Nam ở San Francisco cũng không thấy treo cờ đỏ. Cuối thập niên 1990, một lần Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tổ chức liên hoan đón Tết tại Veteran Memorial Building trên đường Van Ness và có treo cờ đỏ sao vàng trước tiền đình, nhưng chỉ một lúc sau đã phải kéo xuống vì người Việt doạ biểu tình và có những cựu chiến binh Mỹ đã gọi điện vào thành phố phản đối, yêu cầu hạ cờ xuống vì không muốn thấy lá cờ của chế độ cộng sản mà họ đã từng chiến đấu chống lại được tung bay trên toà nhà dành cho cựu chiến binh.

 

Tại San Francisco, đến ngày quốc khánh của một quốc gia có cơ sở ngoại giao tại đây thì thành phố sẽ cho kéo cờ của nước đó trước tiền đình toà thị chính một ngày. Trong 10 năm qua, mỗi dịp Quốc khánh 2/9 của Việt Nam khi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam làm lễ kéo quốc kỳ cờ đỏ sao vàng trên tầng lầu của toà thị chính, bên dưới có người Việt biểu tình với cờ vàng.

 

Cách đây hơn hai thập niên, một lần tham dự hội nghị về Việt Nam tại Texas Tech University ở Lubbock, gặp Đại tướng Nguyễn Khánh tôi được nghe kể chuyện về một lần ông đối mặt với Trung tướng Quân đội Nhân dân Nguyễn Đình Ước, cũng trong một hội nghị tại đại học này năm trước đó, khi tướng Khánh có bài phát biểu và ông đã hãnh diện vẫy lá cờ vàng trên tay khiến vị tướng cộng sản tỏ ra khó chịu, phản đối.

 

Nếu cứ thấy cờ vàng ở một nơi ngoài Việt Nam mà lên tiếng phản đối thì Hà Nội phải phân công một quan chức chuyên lo việc phản đối cờ vàng, vì như ở California vào các dịp lễ tết, sinh hoạt truyền thống hay tưởng niệm 30/4 thì tràn ngập cờ vàng.

 

Bưu điện của một số quốc gia trên thế giới trong những năm qua còn phát hành tem thư liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Tôi đã thấy những bộ tem từ các nước Cộng hoà Guinée, Cộng hoà Tchad, Cộng hoà Trung Phi hay Grenada, Gambia, Tuvalu, Guyana, Marshall Islands với hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Lyndon Johnson, Tổng thống Richard Nixon, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng William Westmoreland, Tướng Võ Nguyên Giáp và cũng có cờ đỏ, cờ vàng trên đó. Tuvalu phát hành tem kỷ niệm “Battle of Cồn Thiên”, Marshall Islands có tem “Battle of Ia Drang” và “Gulf of Tokin Incident”. Tem “Tet Offensive: Battle of Hue” của Guyana phát hành năm 2013, trên tờ tem có hình cờ Việt Nam Cộng Hoà tung bay ở cửa Đông Ba và 4 tem hình các binh lính đang chiến đấu tại Huế năm 1968. Năm nay bưu điện Gambia đã phát hành tem thư “Operation Linebacker” là chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam của Hoa Kỳ vào cuối năm 1972 mà Hà Nội gọi đó là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Năm 2020, kỷ niệm “45 Năm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam”, bưu điện Cộng hoà Tchad phát hành bộ tem bốn con hình súng ống, xe tăng, máy bay đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

 

Không hiểu các nước nhắc đến ở trên đã can dự vào cuộc chiến đến mức nào mà ngày nay vẫn nhớ đến những lãnh đạo, địa danh và mốc thời gian của Chiến tranh Việt Nam qua nhiều bộ tem thư. Đúng là Chiến tranh Việt Nam đã là một sự kiện quan trọng của thế kỷ trước, khó phai mờ trong tâm thức thế giới.

 

Gần nửa thế kỷ đã qua, hình ảnh cờ vàng mà Hà Nội muốn chôn vùi nó, cùng với những gì thuộc về Việt Nam Cộng hoà, nhưng họ đã thất bại vì di sản của chế độ này đang sống lại trong lòng nhiều người Việt và đang được nghiên cứu, tìm hiểu.

 

Nhạc thời Việt Nam Cộng hoà nay tràn ngập trên Youtube, nhiều bài hát có hàng triệu lượt nghe. Kênh “Giọng ca để đời” có giọng hát Thuý Hà với nhiều bài ca bất tử của Anh Việt Thu, Trần Thiện Thanh. Hay Đạt Võ, gốc Hải Phòng, song ca với Hà Kiều ca khúc “Nếu ai có hỏi”, sáng tác của Anh Bằng và Lê Dinh đã có 121 triệu lượt nghe trong 5 năm qua. Lệ Quyên được xem là ca sĩ miền bắc hát boléro ăn khách nhất từ trong nước ra hải ngoại. Nhiều sinh viên gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai học về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn chương, nghệ thuật và có những nghiên cứu, tìm hiểu để đặt Việt Nam Cộng hoà vào đúng vị trí trong lịch sử dân tộc.

 

Hôm 29/4 vừa qua kênh C-SPAN đã phát trực tuyến các buổi hội thảo chủ đề “Vietnam: A 50 Year Retrospective” do Đại học George Washington ở thủ đô nước Mỹ tổ chức. Nhiều diễn giả nổi tiếng như cựu Thượng Nghị sĩ Bob Kerrey, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, các nhà văn, phóng viên chiến trường, cựu chiến binh như Phillip Caputo, Frances Fitzgerald, Fredrik Logevall, John Balaban, Mark Godfrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt đã chia sẻ những bài học rút ra từ cuộc chiến mà họ tham gia hay là nhân chứng.

 

Đại sứ Burghardt nhắc đến việc khi ông đề nghị với Việt Nam cho phép bảo tồn và trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng sau ông đưa những đề nghị nhìn qua lăng kính văn hoá Việt thì được sự đồng ý của Hà Nội.

 

Diễn giả gốc Việt duy nhất là giáo sư sử học Liên-Hằng Nguyễn từ Đại học Columbia, tuổi chưa đến 50, khi nói về Việt Nam ngày nay có nhận định là ông Nguyễn Phú Trọng đã già, hết nhiệm kỳ vẫn muốn ở lại trong lúc thành phần lãnh đạo trẻ mong thay đổi. Bà đề cập đến hiện tình “bỏ phiếu bằng chân” của người Việt nay vẫn còn tiếp tục. Nhắc đến chuyện hoà giải, theo bà giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì dễ nhưng giữa nhà nước với dân và với người Việt hải ngoại còn nhiều khó khăn.

 

– Bùi Văn Phú

 


No comments:

Post a Comment