Links

Saturday, August 12, 2023

Đi trên con đường thơ

 

Trang Châu



Không nhớ rõ năm mấy tuổi thì tôi đọc được cuốn Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đánh vần mà đọc, chữ hiểu chữ không. Có lẽ giữa 6 hay 7 tuổi. Đó là lần đầu cũng lần cuối tôi đọc cuốn truyện thơ này. Nhưng tôi còn nhớ mãi hai câu thơ: “Đêm khuya ngọn gió thổi lò/ Sương sa ẩm thấp mưa to lạnh lùng”. Hai câu thơ tả cảnh Lục Vân Tiên, mù lòa, bị đem bỏ trong hang Xương Tòng cho chết đói. Đọc hai câu thơ tôi đã khóc vì thương cảm Lục Vân Tiên, cũng như tôi đã vui mừng khôn xiết khi thấy Lục Vân Tiên được: “Đêm nằm thấy một ông tiên/ Đem cho thuốc uống mắt liền sáng ra”. Tôi yêu thơ từ dạo ấy.

Lớn lên chút nữa, tôi mê được ngồi nghe mấy ông chú họ quây quần, ngâm khe khẻ những bài thơ mà họ thì thầm với nhau là thơ đấu tranh bí mật. Tôi còn nhớ vài đoạn nhưng không biết bài thơ tựa là gì: “Rứa là hết, chiều nay em đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại nữa Phước ơi/Vui làm sao em hởi lúc chia phôi/ Bởi khác cảnh đôi đứa mình nghẹn nói/Em len lét cúi đầu tay xách gói/ Áo quần dơ cắp chiếc nón le te/…/ Nuôi đi em cho đến lớn đến già/ Mầm hận ấy trong lòng xương ống máu/ Cho thêm hăng mai sau hồn chiến đấu/ Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng…” Tôi nghe mấy ông chú nói tác giả bài thơ là Tố Hữu. Bài thơ tả một đầy tớ gái bị một gia đình địa chủ hà hiếp, đánh đập và đuổi đi. Rất may lúc đó tôi còn nhỏ quá, chứ nếu bằng tuổi mấy ông chú, chắc tôi cũng đã theo mấy ông ấy vào bưng hết vì những vần thơ đầy kích động đấu tranh giai cấp kia.

Lớn lên chút nữa, thời trung học, tôi vào nội trú một trường trung học tư thục công giáo ở Huế. Ở đó, sau khi ăn cơm tối, mọi người được đi dạo ngoài sân chừng 45 phút trước khi vào nhà thờ đọc kinh tối rồi đi ngủ. Trừ các anh, từ các lớp 4ème lên đến 1ère*, được veillée học cho đến 9 giờ tối mới đi ngủ. Thích thú nhất của tôi là hôm nào được ở trong nhóm của anh Trường, đi lui đi tới trong sân, để nghe anh ngâm thơ. Anh Trường, người Quãng Đà, anh ngâm thơ theo giọng “bình trị thiên” nghe rất hấp dẫn. Hào hứng và hồi hộp là nghe anh ngâm những bài thơ của “phía bên kia”, không biết từ đâu mà anh có. Tôi còn nhớ ba bài, có bài thì khúc nhớ khúc quên, có bài, cho đến hôm nay, tôi còn nhớ gần nguyên bài.

Bài thứ nhất nói về một anh du kích về hoạt động bị Tây phúc kích bắn chết. Bạn anh làm thơ khóc anh: “Hoài mi ơi, tau biết mi vốn tính khinh khi/ Coi mạng sống như đồ chơi con trẻ/ Tau nhớ mãi dáng người mi mạnh mẽ/ Bước mi đi chắc ních như trâu tơ/ Hồn mi trong trắng như một bài thơ/ Của một gã học sinh mười tám tuổi/…/Cổ tau nóng tau liền đi uống nước/ Mà không sao quên được hởi Hoài ơi/ Đốt đèn lên tau ngồi lặng một hồi/ Rồi tau viết bài thơ ni một mạch/ Mi với tau thôi từ đây xa cách/ Mi chết đi tau còn sống ở trên đời/ Bạn văn chương tau còn thiếu chi người/ Tau nói rứa mà lòng tau đầy ứa lệ…”.

Bài thơ thứ hai là bài thơ gởi trách nhạc sĩ Phạm Duy khi ông rời bỏ kháng chiến để về Thành: “Chúng tôi biết bên kia có người anh thương/ Có mái nhà anh bên đường phố nhỏ/ Rủ cành hoa ti gôn/ Nhưng nếu chỉ là có thế/ Anh bỏ mà đi sao đành/ Ở bên ni phía mình/ Chia nhau miếng cơm độn bắp/ Nhường nhau manh áo trời đông/…/ Anh về chi bên nớ/ Buổi truy hoan tiếng cười nghiêng ngửa/ Bọn lính Lê Dương với bầy gái chứa/ Còn ai nghe giọng hát của anh.”

Bài thơ thứ ba là bài tôi được nghe nhiều nhất vì được yêu cầu ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Bài thơ nói về cuộc sống của những người đi kháng chiến: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ thưở một hai/ Súng bắn chưa quen/ Quận sự vài bài/ Lòng vẫn vui cười kháng chiến/…/ Chúng tôi đi/ Nắng mưa sờn mép ba lô/ Tháng năm bạn cùng thôn xóm/ Ngủ lại lưng đèo/ Nằm trên dốc nắng/ Tôi nhớ bờ tre gió lộng/ Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau/ Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau/…/ Đằng nớ vợ chưa đằng nớ?/ Tớ còn chờ Độc Lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu…”.

Thuở đó tôi cũng như cả nhóm rất thích thú được nghe những từ rất bình dân, rất Huế xâm nhập vào thơ như mi, tau, o, rứa, nớ. Nghe nó gần gủi, thân mật làm sao!

Lớn lên tí nữa, học lớp 4ème, tôi được veillée học đêm cho đến 9 giờ tối. Đó cũng là thời điểm một vị linh mục, giáo sư việt văn, dạy về các thể thơ việt nam. Dạy xong, cha cho cả lớp làm thơ. Đề tài tự do, thể thơ tự do. Đây là bước đi đầu tiên trên con đường thơ của tôi. Tôi mồ côi mẹ năm lên 9. Và bài thơ đầu tiên trong đời tôi làm dành cho mẹ tôi với cái tựa Thăm Mộ Mẹ: “Tôi đứng nhìn xem nấm mộ tàn/ Im lìm an giấc dưới trời lam/ Trên đầu bia đá rêu xanh phủ/ Cỏ úa lan tràn nẩy dọc ngang/ Lúc ấy hồn tôi cố tưởng mơ/ Bóng người từ mẫu tận mây mờ/ Với bàn tay trắng êm êm mát/ Ôm ẵm người tôi lúc trẻ thơ/ Nhưng hết hôm nay hết cả rồi/ Còn đâu hình bóng quý yêu tôi/ Với bàn tay trắng êm êm mát/ Vỏn vẹn còn trơ nắm mộ tồi”. Bài thơ được vị linh mục giáo sư chấm hay nhất lớp. Tôi nổi tiếng ngay trong lớp và tiếng tăm còn được vang lên tới các lớp trên. Năm đó tôi vinh dự được anh lớp 1ère, chủ bút tờ bích báo của học sinh nội trú trường Thiên Hữu giao cho trách nhiệm viết Sớ Táo Quân. Bích báo của học sinh nội trú một năm ra 2 số: số Tết và số Hè. Trong buổi sinh hoạt nghe đọc bích báo, tôi được gọi lên đọc bài Sớ Táo Quân của mình. Bài sớ thành công lớn vì có những báo cáo châm chọc, vui nhộn nhưng tôi chỉ nhớ có một đoạn, đoạn tôi nói tới thầy thư ký. Ông này phụ trách việc bán giấy bút cho học sinh nội trú. Ông phải ghi tên từng người mua cùng số tiền mua để trường đòi lại phụ huynh học sinh. Mỗi lần có bán như thế, văn phòng ông ồn ào, hỗn độn như cái chợ. Thầy ký người vừa lùn vừa mập, mặt tròn như mặt trăng, lại nóng tính hay la mắng nên lũ ranh chúng tôi ghét, gọi ông là quan Phi La Tồ (Pilate), tên viên tướng La Mã, người sai đem nước cho y rửa tay để chứng tỏ mình không muốn dính tới việc dân DoThái đòi đóng đinh Chúa Giêsu. “Những ngày có bán/ Sách vở, giấy manh/ Chúng lấn nhau tranh/ Để vào mua trước/ Đứa mua không được/ Đập phá đùng đùng/ Thầy ký nổi xung/ Đánh cho một trận/ Chúng liền nổi giận/ Đi vẽ khắp nơi/ Cái mặt thầy tôi/ Dưới đề Pilate!”

Nhưng tôi không có bạn văn chương, không có nhóm văn nghệ hay thi văn đoàn để gia nhập nên cứ lẻ loi mơ mộng, làm thơ một mình. Tuy nhiên, từ lớp 3ème lên đến lớp terminale*, tôi có cơ hội hấp thụ nền văn chương Pháp. Tôi thích thơ Lamartine, Musset, Verlaine thời học sinh, thích Prévert thời sinh viên nhưng khi viết lách tôi lại thấm nhuần lời khuyên dặn của Jean Boileau, một tác giả cùng thời với 2 kịch tác gia nổi tiếng Pierre Corneille và Jean Racine của thế kỷ 17. Trong cuốn L’Art Poétique, Boileau viết: “Ce que l’on concoit bien s’énonce clairement/ Et les mots pour le dire arrivent aisément” (Những gì mình nhận thức kỹ được hiện ra rỏ ràng/ Và ngôn ngữ để diễn tả sẽ đến một cách dễ dàng). Không biết có phải vì vậy hay nhờ vậy mà ngôn ngữ trong thơ tôi rất giản dị. Nhưng đôi lúc tôi cũng thắc mắc, nếu tôi có thêm chút vốn chữ Hán trong đầu, như vài người bạn cầm bút khác, không biết chữ nghĩa trong thơ tôi có uyên bác hơn không hay có rối rắm đi không? Thêm một tuyên ngôn tôi nhớ nằm lòng nữa là lời của Verlaine: “De la musique avant toute chose” (Trước tất cả mọi thứ là âm nhạc). Với tôi, tiếng Việt là một ngôn ngữ âm nhạc. Và tôi nghĩ để gọi là thơ, quan trọng, không phải vần hay không vần, câu ngắn hay câu dài, mà là câu thơ ngoài ý mới, lạ phải có nhạc điệu và nhịp ngắt.

Nhưng rồi đời quân ngũ, việc sinh kế, thêm vào đó thiếu môi trường sinh hoạt văn nghệ, thơ chỉ còn xuất hiện như một thao thức bất chợt bắt gặp từ một hoàn cảnh khắc nghiệt nào đó của cuộc sống. Như nỗi buồn khi nhận thiệp cưới của người tình đầu đi lấy chồng hay cơn đau trước tin một thằng bạn tử trận. Và kể từ khi truyện ngắn đầu tiên của tôi được chọn đăng trên tờ Văn Học, thơ lùi dần trong cảm xúc để phần nào nhường chỗ cho văn.

Phải ghi nhận biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã làm sống dậy nhu cầu làm thơ trong tôi. Cho dù ra đi với hai bàn tay trắng, phải làm lại cuộc đời từ con số không, một khoảnh khắc nào đó có thể quên đi lao nhọc của thể xác, giữa chồng sách vở học thi, tôi lấy giấy bút ra làm thơ. Bao nhiêu mất mát, buồn đau, tủi hận được trút vào thơ: “Tôi đứng trên boong tàu/ Chào quê hương lần cuối/ Nước mắt bỗng tuôn dâng/ Khi màu cờ hạ xuống.” (Lễ hạ kỳ trên chiếc HQ 400 trước khi vào hải cảng Phi Luật Tân, ngày 13 tháng 5 năm 1975 ). “Nhân danh dân tộc anh/ Chán ghét chiến tranh/ Anh hy sinh dân tộc tôi/ Ba mươi năm đỏ mắt/ Mong chờ hòa bình”. (Gởi người đồng minh hôm qua).

Những tạp chí tiếng Việt thi nhau xuất hiện như những nhánh sông tươi mát, mở lối cho những con cá viết lách ở hải ngoại có nước để vẫy vùng. Nhưng đây cũng là thời điểm tôi rơi vào vòng vây hảm bởi sự tranh giành cái chức Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN). Người ta viết trên báo: VBVNHN không làm chính trị, Trang Châu hoạt động cho một đảng phái nên không thể làm Chủ Tịch VBVNHN được. Một nhà văn mới nổi phán: Phải viết truyện ngắn hay truyện dài mới được gọi là nhà văn, Trang Châu chỉ viết bút ký nên chưa thể gọi là nhà văn. Chưa hết, ở mặt khác, có người lại chỉ gọi Trang Châu là nhà văn chứ không bao giờ gọi Trang Châu là nhà thơ. Có lẽ để muốn mọi người phải hiểu chỉ có một người đáng được gọi là nhà thơ thôi, người đó chính là tác giả bài viết. May thay, những nhiễu nhương của thập niên 80, 90 rồi cũng qua đi. Bây giờ thì tôi thường được ưu ái gọi nhà văn nhà thơ Trang Châu. Nhưng điều làm tôi khổ sở hơn hết, khi ngoài nhà văn nhà thơ, còn có thêm hai chữ bác sĩ! Bác sĩ nhà văn nhà thơ Trang Châu! Tôi có cảm tưởng hai chữ bác sĩ đưa vào cho nặng ký thêm cái tên tác giả cùng nội dung bài viết. Người thêm cái tít bác sĩ vào, nghĩ để làm tôi vui lòng, quên rằng người không ưa tôi, có thể nói thơ văn tôi chẳng ra gì nên cần phải có cái tít bác sĩ để vớt vát. Thiệt tình cái tít bác sĩ không làm thơ tôi, văn tôi hay hơn mà có khi còn trở thành cái cớ để bị mỉa mai là khoe khoang không đúng chỗ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm: Vào giữa khoảng thập niên 90, sau khi tờ Văn Học của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho đăng một loạt truyện ngắn của tôi, một nhà văn nữ viết cho tôi: “Mọi người ở Văn Học nay coi anh như người nhà rồi đó.” Được xác nhận như “người nhà” có nghĩa là tôi vừa được xếp vào “dòng chính” của những người cầm bút ở hải ngoại. Thời tiền chiến, cũng có một bác sĩ làm thơ nổi tiếng với bài thơ “Tôi biết em đi chẳng trở về”, bác sĩ Thái Can. Không biết, với cái tít bác sĩ ghép vào với nhà thơ thời đó, có khiến ông vất vả như tôi bây giờ không?

Montréal, nơi tôi ở, trong những thập niên 80, 90 và 2000, là thành phố có nhiều sinh hoạt ra mắt sách nhất so với những thành phố khác ở Canada. Montréal có nhiều người viết mà lại không có người làm báo, nhất là báo văn học, cho nên người viết ở đây phải cọng tác với những nơi có báo. Do đó họ quen biết nhiều người cầm bút khắp nơi và người khắp nơi cũng chọn Montréal, trước để ra mắt tác phẩm mình, sau là gặp bạn bè. Thường thường ra mắt sách ở Montréal đa số thành công vì người Việt định cư ở đây rất sốt sắng tham gia sinh hoạt này. Cho nên Montréal được thương tặng cho cái tên: Thành phố văn hóa. Tôi được nhờ làm người giới thiệu sách, đặc biệt là giới thiệu thơ, ngày một nhiều. Có gì đâu, tôi được chiếu cố vì bài giới thiệu nào của tôi, dài nhất cũng không quá 20 phút, nên không làm mệt người nghe. Cái đòi hỏi phải cô đọng khi làm thơ giúp tôi có được lối giới thiệu “ngắn gọn, chính xác và đầy đủ” dựa theo câu tiếng Tây “précis, concis et tout dit”. Tôi luôn quan niệm giới thiệu sách chứ không phải phê bình sách, cho nên chỉ tìm cái ưu để giới thiệu thôi. Tôi tin một tác phẩm, khi đã được tác giả quyết định in thành sách để phổ biến, dù không là một tuyệt tác, cũng có vài điểm, vài đoạn hay ít ra vài câu mình có thể trích ra, để làm đẹp cho tác phẩm và tạo cảm tình của cử tọa đối với tác giả. Có điều phải cân nhắc lời khen sao cho hữu lý, không nên “áo thụng vái nhau” một cách quá lố. Đừng bao giờ quên rằng, trong hàng khán giả đang ngồi nghe mình nói, lúc nào cũng có kẻ kiến thức hơn mình, sâu sắc hơn mình. Nhiều người thích cách nói của tôi khi giới thiệu. Có gì đâu, chỉ cần chịu khó tập cách nói. Bài giới thiệu nào ngắn, dưới 10 phút, tôi học thuộc lòng. Bài dài 20 phút tôi học thuộc lòng đoạn cuối, khi nói đoạn này, tôi nhìn thẳng vào khán giả và luôn nhớ lúc nào phải lên giọng hay xuống giọng.

Khoảng thời gian cuối 1963 đến cuối 1965 là thời điểm tôi muốn kiếm cho mình một lối đi trong thơ vì tôi đang có một môi trường thuận lợi cho ngòi bút mình tung hoành, khai phá. Đó là thời gian tôi nằm trong ban điều hành tờ nguyệt san Tình Thương, một tờ báo của sinh viên y khoa lúc bấy giờ. Mặc cho các bạn khác sôi nổi về những vấn đề thời cuộc, tôi chăm chú tìm kiếm lối đi trong thơ, nhất là thơ tình. Đối tượng của tôi bây giờ là sinh viên đại học và nữ sinh các trường Trưng Vương, Gia Long. Trong số các nhà thơ đang nổi tiếng ở miền Nam lúc bây giờ tôi thích Nguyên Sa. Thơ ông phong cách rất Tây, ý mới, hình ảnh mới, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ lại bình dị nhưng đầy bất ngờ, làm dễ thấm mà khó quên một khi đi vào trí nhớ. Tôi muốn đi theo con đường Nguyên Sa. Theo Nguyên Sa nhưng làm sao để mình vẫn là mình. Môt bài thơ khá táo bạo về nội dung được ra đời trong chiều hướng đó. Bài thơ có tên Băn Khoăn: “Hai người đàn bà yêu tôi/ Một cô nữ sinh/ Và một người thiếu phụ/ Với cô nữ sinh/ Tôi không còn trẻ nữa/ Với người thiếu phụ/ Tôi là gã trai tơ”. Yêu cô nữ sinh: “Vì sợ những chiều buồn/ Không có người em để nhớ”. Yêu người thiếu phụ: “Để có lúc si tình/ Mà cũng có giờ trìu mến”. Để rồi: “Trong hạnh phúc vô biên/ Chợt thấy mình tội lỗi”. Đó là giai đoạn bốc phá của tuổi hai mươi tìm kiếm lối đi. Đi sau lưng Nguyên Sa nhưng cố tránh sao đừng dẫm vào dấu chân Nguyên Sa. “Tôi không đi con đường chưa ai đi/ Tôi chọn con đường nhiều người đã chọn/ Mà chưa tới.” Cái chưa tới đó cho đến hôm nay tôi đã đạt tới chưa? Câu trả lời thuộc độc giả. Một nhà thơ Pháp có ảnh hưởng trên thơ tôi, đó là Jacques Prévert, với những bài thơ dí dõm mà không kém chua cay của ông. Hình như tôi đã bắt chước ông khi viết: “Để thay đổi không khí cho tình yêu/ Em nên đi lấy chồng/ Và nhớ đến anh trong những giờ hạnh phúc/…/Nếu anh không được phép nhìn/ Một người đàn bà nào khác hơn em/ Làm sao anh thấy em là người đẹp nhất?”

Tôi không chỉ làm thơ mà còn đọc rất nhiều thơ. Một phần vì vai trò giới thiệu sách phải đọc , một phần vì thích tìm tòi cái hay, cái mới. Và tôi được tiếp cận với sự xuất hiện của thơ Tân Hình Thức, thơ Hậu Hiện Đại. Tôi đọc hết, dù lúc ban đầu khá bở ngở với lối vắt dòng, lối sắp chữ. Tôi đọc để tìm hiểu cặn kẽ ý của tác giả. Đọc thơ ai, dù là thể loại nào, tôi cũng trải qua ba giai đoạn: hiểu, cảm và hòa điệu. Nếu đọc đến lần thứ hai mà vẫn không hiểu tác giả nói gì tôi dừng lại đó không tỏ bày ý kiến. Nếu không hiểu, nhưng qua những giải bày tâm tư, dù quanh co, mơ hồ, mình vẫn cảm nhận được chất thơ trong đó, tôi vẫn hoan hỉ thưởng thức. Những bài thơ ngoài hiểu, cảm mình còn thấy một phần mình trong ấy thì tôi kết đó là một bài thơ hay.

Đọc những bài Tựa hay bài Bạt của những tập thơ, bao giờ tôi cũng ưu tiên đọc những câu thơ trích của người viết giới thiệu. Rồi tự mình thẩm định giá trị của những câu trích. Sau đó tôi mới đọc lời bình của người viết. Cách đọc đó giúp tôi biết thêm vài điều thích thú: Có khi tôi thấy họ khám phá ra những cái hay mà tôi không thấy; có khi tôi thấy họ cũng thấy như tôi thấy; nhưng đôi khi tôi gặp những tung hô hơi quá đà, đôi khi có vẻ như người viết dùng thơ bạn để khoa trương hiểu biết của mình.

Đọc thơ ai, điều thích thú nhất là bắt gặp trong câu thơ, một chữ hay hai ba chữ làm nổi bật, làm sáng toả câu thơ lên, thứ chữ mà một ông bạn văn của tôi, rất giỏi chữ Hán, gọi là nhãn tự. Tôi từng sửng sờ trước câu thơ của Nguyên Sa: “ Hôm nay Nga buồn như con chó ốm”. Ai đã nhìn thấy con chó, nhất là một con chó con, ốm như thế nào thì sẽ thấy cô Nga của Nguyên Sa dễ thương như thế đó. Những thứ nhãn tự tiếp theo như chữ khíu trong thơ Du Tử Lê: “Nhớ em kim chỉ khíu tình”. Chữ khíu đọc lên nghe khắng khít tình nghĩa vô cùng. Như hai chữ truyền nhiễm trong thơ Tô Thùy Yên: “Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy”. Tiếng gà gáy lúc rạng đông có tác dụng lây lan của một căn bệnh . Có những câu thơ kép, khi trích ra, tự nó đủ tiêu biểu cho cả một bài thơ: “Giấy bút tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”. Thơ Phùng Quán. Chữ dao âm thanh nhẹ, dẽo nhưng ý sắc vô cùng.

Tôi thích làm thơ hơn viết văn dù văn có giúp tôi có chút danh qua cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến. Tôi thích làm thơ tình hơn tất cả. Thơ tình giúp mình không có tuổi. Ở bất cứ thời điểm nào mình cũng trẻ, cũng đam mê, cũng táo bạo. Nhưng thơ tình của tôi có vẽ như hơi lý trí, bởi cái tật hay lý luận. Có thể tôi chịu ảnh hưởng quá nặng những lời khuyên của Boileau: “Avant donc que d’écrire/ Apprenez à penser” (Trước khi viết/ hãy học cách suy nghĩ đã/). Có lẽ vì thế cho nên tôi chỉ ngồi vào bàn viết khi một đề tài nào đã chín muồi trong đầu. Viết truyện ngắn cũng thế, chỉ khi nào có được một kết thúc ưng ý trong đầu tôi mới khởi sự viết. Cũng như tôi thấy trước phải sử dụng thể thơ nào cho đề tài nào. Chẳng biết như thế là hay hay dở.

Đi trên con đường thơ cũng đã một quãng khá dài. Tôi đang mang hoàng hôn vào cuộc đời. Thế mà: “Còn sống, còn mong, còn khổ/Anh còn làm thơ yêu/ Ở ngôi thứ nhất/ Ngôi thứ nhất cho mỗi người”. Có lẽ rồi cuối cùng tôi cũng mong được như nhà thơ Đỗ Quý Toàn, trong lời đề tựa cho tập thơ của tôi, đã, giùm tôi: “Ao ước mỗi chúng ta sẽ tìm thấy trong thơ Trang Châu một mảnh hồn mình ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó. Nếu có những tình nhân trên trái đất chép những câu thơ này để gởi tặng nhau thì thi sĩ còn ước ao gì hơn nữa.”

Trang Châu
Montréal 29/01/2021

*4ème, 3ème, 2ème, 1ère, terminale của trường Tây tương đương với đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam, đệ nhị (tú tài I) và đệ nhất (tú tài II) trường Việt, thời Việt Nam Cộng Hoà.

No comments:

Post a Comment