Links

Tuesday, August 1, 2023

Mưa quê người nhớ mưa quê nhà

 


Mưa quê người nhớ mưa quê nhà

Trận mưa dường như đã bắt đầu từ lúc nửa đêm. Tiếng mưa rơi giòn dã trên mái nhà đã đánh thức tôi một cách bất ngờ, thảng thốt. Giấc ngủ còn chập chờn vì những viên thuốc tối qua bỗng tỉnh táo, nao nức dậy như để thưởng thức đầy đủ hơn cái âm điệu nhịp nhàng, thánh thót ngoài trời kia. Mấy tháng hè đã trôi qua từ lâu, những ngày oi bức nắng cháy đã quá sức đủ để thèm khát một cơn mưa trở về làm tươi mát, làm dịu đi cái hừng hực của đất trời, như đêm nay. Cali đã vào cuối Thu, vậy mà chưa có được một trận mưa nào đủ làm thấm đất, lại còn thêm những trận cháy rừng mịt mùng khói lửa, đã thiêu hủy biết bao cơ nghiệp, tài sản của con người lẫn thiên nhiên trong tháng trước, khiến Cali càng khô cằn, nứt nẻ, cạn kiệt hơn. Cali cần mưa cũng như tôi cần thức giấc, xua đuổi đi những giấc mơ, hoang tưởng trong những tháng ngày qua. Tiếng mưa rào rạt đập vào khung cửa kính trên đầu giường, tiếng gió rú lên từng cơn, chợt gần, rồi xa như trêu cợt, đùa giỡn.
Thật không gì dễ gợi nhớ đến quá khứ, kỷ niệm bằng mưa, và nhất là mưa ở xứ người lạnh lùng, nhạt nhẽo, càng khiến tôi nhớ nhung, da diết đến những cơn mưa gần gũi, thân thiết của một thời tuổi nhỏ đã xa lắc ở quê nhà.
Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la.  
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn  
 Rơi rơi…dịu dịu…rơi rơi 
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Bài hát “Buồn đêm mưa” của Phạm Đình Chương chợt trở về có làm cho tôi bâng khuâng, thao thức đêm nay, thì cũng chỉ là một cái cớ để nhắc nhở tôi nhớ tới một bài hát đã ăn sâu vào ký ức từ những ngày mưa thời thơ ấu của tôi cho mãi đến bây giờ.
Thời thơ ấu của tôi là những ngày bình thản, êm đềm trong một xóm lao động. Nhà tôi ở là căn giữa của một dãy nhà gồm ba căn, nằm ngay phía sau lưng của một trường tư thục. Sát vách phía trái là nhà của Bà Hai, bà sống chỉ một mình nên cho một anh học trò trung học tên Lang ở trọ, anh có tài đàn và hát rất hay. Tôi nhớ cứ vào buổi chiều, khi nhà nhà đã lên đèn, khi bên ngoài bắt đầu mưa lâm râm là anh lại mang cây đàn guitar ra dạo và hát bài “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn văn Đông, bài hát với những giai điệu và lời thật buồn, nhất là lại nghe trong lúc trời mưa sụt sùi, dưới ánh đèn dầu hiu hắt.
“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu. Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ... Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay? Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng. Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng người tìm về trong hơi áo ấm Gợi niềm xa xăm......
Chiến tranh lúc đó vẫn còn ở rất xa thành phố, nhưng hầu như gia đình nào cũng có người thân vào lính. Rất nhiều bài hát đã viết cho lính, để ca ngợi, động viên tinh thần người chiến sĩ đi chiến đấu ở phương xa. Nhưng bài “Chiều mưa biên giới” này tôi được nghe lần đầu từ người anh láng giềng với một tâm tình rất lạ. Dù chỉ mới tám, chín tuổi, còn quá nhỏ để có thể hiểu hết ý tứ của từng lời hát, nhưng tôi nhớ mỗi lần nghe anh hát, là tôi nghĩ ngay đến cái hình ảnh buồn bã, cô đơn, và cảm thương được cái nỗi bâng khuâng, trống vắng của những người lính xa nhà, hiu quạnh giữa một khoảng đất trời mênh mông, lạnh lẽo trong buổi chiều mưa. Cũng không biết, bài hát có mang mểnh hoặc gửi gấm tâm sự gì của anh không mà anh lại rất thích hát. Giọng anh trầm ấm, buồn bã hòa với tiếng đàn dìu dặt, thiết tha đã quyến rũ, làm mềm lòng tôi, nên những lần sau, mỗi khi nghe anh bắt đầu dạo đàn là tôi vội chạy sang, ngồi xà xuống chiếc chiếu bên cạnh anh để nghe hát và lẩm nhẩm theo, đến nỗi chỉ vài lần tôi đã thuộc lòng và…đòi hát song ca với anh dù giọng hát của tôi lúc đó chỉ mới mấp mé ở…vòng sơ kết.
Tôi say “tiếng hát với cung đàn” của anh Lang từ lúc nào không biết, có khi, trời không mưa, tôi cũng bắt anh đàn và hát bài này. Hôm nào anh bảo: “ Mai đi, hôm nay anh bận” là tôi về nhà buồn hiu hắt. Năm sau, anh Lang dời lên Sài gòn để tiếp tục đại học, tôi đã buồn bã, rũ rượi như vừa bị ai cướp mất đi người anh, người bạn thân yêu nhất. Chiều chiều, vẫn chạy sang nhà bà Hai xem anh Lang có trở về để đàn hát cho tôi nghe không? Một thời gian sau lại nghe anh vào lính, không biết anh có còn nhớ tới bài hát này mỗi khi trấn đóng ngoài tiền đồn, biên giới trong những chiều mưa chăng? chứ tôi thì cứ mỗi khi mưa rơi, hoặc nghe radio cho hát bài “Chiều mưa biên giới” là cứ rươm rướm nước mắt, nhớ đến anh Lang với tiếng đàn guitar và lời hát buồn ray rức mãi rất lâu mới nguôi. Sau đó, tôi không bao giờ có dịp gặp lại anh để cám ơn và nói với anh rằng: nhờ anh mà tôi, con bé “óc tiêu” ngày xưa, đã sớm thấm thía được cái “hồn” của những cơn mưa chiều và có đủ can đảm để…biết hát.
Chuyện mưa trong xóm nhỏ của thời thơ ấu không phải chỉ có thế. 
Trận mưa giông giật đêm nay càng làm tôi nhớ đến những cơn mưa sầm sập, tối trời, tối đất của những tháng Bảy, tháng Tám ở Biên Hòa. Lúc đó, ba má tôi hàng ngày đi làm và trông coi cửa tiệm ở ngoài chợ, chị em tôi ở nhà, ngoài giờ đi học thì bác Hai, người giúp việc, bắt phải ở trong nhà đóng cửa lại, học bài hoặc chơi với nhau, sợ bọn tôi chạy sang hàng xóm lở đánh nhau hoặc có chuyện gì rủi ro thì phiền phức lắm. Trời mưa là một dịp để được ra ngoài, được “tắm mưa” thỏa thuê, ngữa mặt nhìn đất trời, la hét, đùa giỡn mà không sợ bị ai la mắng. Bốn chị em cứ tranh nhau để được đứng dưới cái máng xối trước hiên nhà, đón từng đợt nước ùa tràn từ trên mái ngói đổ xuống, chảy theo luồng máng xối tuông thành những giòng nước lớn rơi ào ạt trên tóc, trên thân và tự cho là đã được tắm “vòi sen” (từ chữ “douche” của tiếng Pháp). Hoặc chạy sang tranh chỗ tắm với mấy đứa bạn hàng xóm. Cười nắc nẻ, đẩy xô, tung tóe nước vào nhau chẳng cần phân biệt trai, gái. Tắm… tắm cho đến khi mưa tạnh, môi tím ngắt, run lập cập mới chịu vào nhà. Dạo ấy, mưa là niềm vui, là mong ước rất hồn nhiên của tuổi thơ, của chị em tôi và đám trẻ con trong xóm. Chúng tôi ngóng mưa, chờ mưa và… gặp mưa thì sung sướng không thua gì được mẹ đi chợ về cho quà vậy.  
Mãi cho đến năm tôi mười một tuổi, một hôm cũng đang tắm mưa, đùa giỡn ngon lành với Hoa, con nhỏ bạn hàng xóm, cửa nhà nó đối mặt ngay cửa nhà tôi và hai nhà chỉ cách nhau bằng một cái hàng rào kẻm gai cao hơn cái đầu của người lớn và một cây lê-ki-ma. Bỗng dưng nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:
“Du ơi, anh tao đang ngồi ở bển (nhà của nó) ngó mày kìa.”
Tôi quay ngoắt người lại nhìn theo tay nó chỉ, quả thật… thằng anh của nó đã ngồi trên cái ghế bành to lớn bằng gổ ở trước cửa nhà nó từ lúc nào và đang… chăm chú nhìn về phía tôi, thấy tôi quay lại hắn còn nhoẻn miệng cười như là không… có gì hết. Tự nhiên, tôi nhìn xuống thân mình, cái áo lót sát cánh bằng vải phin và cái quần đùi tôi vẫn thường mặc khi tắm mưa, ướt đẫm và dính sát vào người lộ rõ hết cả da thịt bên trong, thường khi tôi cứ tỉnh bơ, không thèm để ý gì cả, vì chung quanh còn có mấy đứa…tắm truồng nữa kìa, vậy mà lần này, tôi lại thét lên một tiếng “Á!” và chạy biến ngay vào nhà, bên tai còn nghe tiếng con nhỏ Hoa cười hăng hắc vẳng theo. Chuyện cũng bởi vì cách đó khoảng một tuần, Hoa sang chơi với tôi, nói chuyện một lúc bỗng nhiên nó đổi giọng nghiêm trang hơn nói:
“Du ơi, anh Sang nói với tao là ảnh… để ý tới mày, ảnh thích mày lâu lắm rồi."
Ngày nào ảnh cũng ngồi ở cái “ghế bành” (bọn tôi đặt tên như vậy vì cái ghế này chỉ cho một người ngồi mà nó to lắm, lại có hai cái tay ghế vươn cao trông rất…ngầu) chờ mày đi học về để ngó mày. Mà tao nói thiệt, tao thấy mày làm chị dâu tao được lắm đó, Du ơi!” Tôi trợn mắt nhìn nó, vừa kinh ngạc mà lại cũng vừa… nhột nhạt! Con nhỏ này hôm nay có… sảng không mà dám tuyên bố bằng cái giọng cứ như là “bà mai” thứ thiệt vậy?
“Trời ơi, mới có mấy tuổi đầu mà đã bày đặt nói tới chuyện… người lớn rồi. Ba má tao “quýnh” chết!”.
Tôi nhớ mình rất ít khi nói chuyện với anh nó và mỗi lần nói chuyện cứ luôn xưng hô “mày, tao” với hắn mà thôi. Năm đó, tôi đang học lớp năm và anh nó đang học lớp đệ ngủ, vậy mà tôi không cách nào gọi hắn khác hơn, dù sau này, hắn cố tình tìm cách làm thân và… năn nỉ tôi gọi hắn bằng tên cũng được. Chắc tại tôi ít chơi với bọn con trai và cứ nghĩ hắn giống như mấy đứa bạn gái của tôi vậy. Dù chẳng có tình ý gì hết, nhưng buổi tắm mưa hôm đó là buổi tắm mưa cuối cùng của tôi. Tôi nhất định không bao giờ ra ngoài tắm mưa nữa, mặc dù Hoa và đám em rủ rê, dụ dỗ hết lời. Sau này, khi gia đình tôi dọn nhà ra chợ. Hoa vẫn ghé thăm tôi và nhắc về… mối tình của anh nó. Mối tình đã khiến tôi phải sớm… đoạn tuyệt với cái thú “tắm mưa”.
Đến khi lớn lên một chút, nhà dọn ra ngoài phố ở, chuyện “tắm mưa” đã trở thành dĩ vãng, thì “ngắm mưa” mới thật là một thú thần tiên. Căn nhà bây giờ ở ngay phố chợ huyên náo, ầm ỉ suốt ngày đêm, không còn cái tịch mịch, im ắng của những đêm mưa trong xóm cũ nữa. Phòng ngủ và là phòng học của tôi ở trên lầu, có cái cửa sổ nhìn ra vườn phía sau nhà. Đối diện là lưng của dãy phòng ngủ cao sừng sững quét vôi màu đen, lâu ngày gió mưa đã làm phai nhạt biến thành màu xám xịt, mốc cời, nhưng may là có “mảnh vườn” khá rộng của ba tôi trồng cây ăn trái ở giữa đã che khuất và làm sinh động hơn cái khoảng không gian … tái ngắt của dãy nhà này. Những ngày mưa, nếu không đi học tôi có thể ngồi nhà “ngắm mưa” từ cửa sổ của phòng mình, chống cằm, dõi mắt nhìn theo từng hạt mưa bay. Thì thầm… đếm mưa. Mưa rơi… mưa rơi… hạt to… hạt nhỏ… Hạt nào rơi trên lá, hạt nào vào hư không? Lạ lùng, mưa rơi dù nhẹ hay nặng hạt, những cành cây ổi, cây mảng cầu, cây mận và những tàu lá chuối vẫn bền bỉ, đong đưa, uốn mình theo gió thật nhịp nhàng, lả lướt như thể nhờ mưa để tắm gội cho trơn mướt, tươi tắn, mượt mà hơn. Có hôm mưa to, phải đóng hết các cửa sổ thì lại xuống dưới nhà, vừa ngồi phụ mẹ làm khuy áo, vừa tiếp tục “ngắm mưa”, nhìn mưa tuôn ào ạt trên sân, bắn tung tóe những tia nước trên mặt đất, rơi xuống hòa vào nhau, chảy thành dòng, thành những bong bóng nước phập phồng trôi lũ lượt dưới hiên nhà, rồi quanh co, lượn lờ trên các ngỏ phố trước khi mất hút ở phía cuối đường. Bỗng dưng tôi thấy mình gần gủi, thân thiết với cái hình ảnh đơn sơ mà đầy tình tự ấy, hình ảnh của “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” rất quê nhà, rất Việt Nam. Đến tuổi mười sáu, mười bảy, mưa lại trở thành những ước mơ, những khám phá kỳ thú của tâm hồn. Tôi đã có những ngày phải… rên rỉ vì mưa. Mưa đã vô tình khơi động, đã làm sướt mướt thêm những “nỗi buồn không tên” của một thời mới lớn.
“Buổi sáng được bắt đầu bằng cơn mưa.
Và cơn mưa bắt đầu cho một nỗi buồn.
Ôi, buổi sáng thứ hai!

Tôi tìm được gì trên khoảng hành lang dài, loang loáng nước,
Tôi chờ đợi gì trong đôi mắt đen buồn thăm thẳm kia?
Khi bước chân người quá vội vàng,
Đôi môi người luôn im kín.
Hỡi người, tôi có lạ gì đâu?
Bao tháng năm lặng lẽ dài lâu
Tôi chỉ mới vừa mười bảy tuổi
Mười bảy tuổi chỉ để đùa vui nô nức
Hay ngoan hiền như những búp non
Nhưng hỡi người!
Người đã mang đến cho tôi những ngày thứ hai.
Ôi! những ngày thứ hai huyền diệu.
Tôi nghe ở đó,
Có tiếng thì thầm êm ái của tâm linh
Có tiếng rên khẻ của con tim xao động
Và cuối cùng,
Loang dài thành một nỗi nhớ nhung…
Nhưng hỡi con tim mềm yếu của tôi!
Tôi làm sao quên được
Tôi chỉ là một cô bé nhỏ
Đứng lạnh lùng bên khung cửa lạnh lùng
Chờ nghe ngày thứ hai qua vội vã
Như những bước chân người vội vã trên hành lang.
 (Thở Dài – Thơ Tưởng Dung Trích tập Tình Khúc)
Cái khoảng không gian nhỏ bé trong lớp học lúc đó bỗng dưng ấm áp và tràn đầy sinh khí hơn bởi những giọt mưa nồng nàn, lãng mạn từ những lời ca, tiếng hát hòa với mưa bụi ngoài trời, thật tuyệt!
Nhưng thích nhất vẫn là nằm “nghe mưa”, những trận mưa đêm nồng nàn hương đất. Nhà tôi sàn được lót toàn bằng gạch, các phòng ngủ trên lầu được bao bọc bằng những vuông cửa lưới, nên mỗi tối cứ lau nhà xong là nằm dưới đất mà ngủ, không cần giăng mùng, tha hồ lăn từ đầu tới cuối phòng. Cuộn mình trong chăn, chợt nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, là thích thú, là mở to mắt, bắt đầu chờ nghe những âm thanh quen thuộc khác, tiếng gió rít, tiếng cây cối xào xạc chuyện trò, tiếng sấm vang, chớp giật và nhất là tiếng mưa rơi trên mái ngói, mái tôn lúc như thì thầm, kể lể lúc như gào thét, giận hờn. Có khi mưa thật to, mưa như từ khắp nơi cùng ùa về, bủa vây kéo theo những cơn gió mang mùi hương của cây cỏ, lá hoa hòa cùng với hương đất tạo thành một mùi hương mới, hít vào nghe lâng lâng, dịu mát. Quấn chặt người vào chăn, càng thấm thía cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của người được bao bọc, che chở trong vòng tay ấm cúng của gia đình, càng khiến tôi nhớ đến những kẻ bơ vơ, không nhà đang chịu ướt lạnh, rét mướt, dưới những mái hiên hoặc ngoài hè phố và cảm thương hơn nỗi niềm cô đơn, giá buốt của họ.
Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim
Đã mấy năm qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn khi nghe tiếng mưa đêm.
-…………………………………….
Mưa ơi, mưa ơi còn nhớ thương nhiều.
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều, nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt mẹ hiền
Biết tìm về chốn nào, mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu nghe tiếng mưa rơi càng nhớ thương nhiều.
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu..

(Đèn Khuya – Lam Phương)

Mưa vẫn tuông đổ ào ạt, liên tục trên mái nhà. Tôi vẫn còn thức, nằm tỉnh táo nghe mưa, ngẩn ngơ vì những kỷ niệm xưa cũ chợt ùa về như một cuốn phim tuyệt đẹp. Tuổi thơ của các con tôi ở Mỹ chắc chắn không hề biết đến cái thú tắm mưa mà
mẹ chúng đã có và nếu được nghe kể lại hẳn chúng sẽ… nhăn mặt hoặc cười phá lên và kêu “Ew, kỳ cục quá!”. Còn ngắm và nghe mưa, nếu có, thì chắc cũng sẽ với những tâm tình rất khác, hoàn toàn không phải là những cảm giác, ấn tượng mà tôi đã có trong thời niên thiếu.
Vì thế, mưa luôn là những cơ hội, những thôi thúc mà tôi có thể nhớ và tìm về nguồn cội. Cám ơn trận mưa đêm nay, đã đưa tôi trở về thăm lại những nhánh sông đời đã từ lâu rẽ nguồn, khuất lối. Mưa ở quê người chắc không sao bằng mưa ở quê nhà, nhưng dù là kẻ lạ, cũng xin được tri ân những giọt mưa đã làm tươi mát, rực rỡ thêm phần đất mà biết bao người Việt tha hương đã chọn làm nơi trú ẩn và làm một cõi để đi về 
Tưởng Dung
 
      Mưa đêm Bidong, nhớ mưa dầm xứ Huế!
Tuệ Chương
Bỗng một hôm mưa gió thổi tới đùng đùng. Gió lắc lư những ngọn dừa, lá đập vào mái tôn rầm rập. Gió lướt trên những ngọn cây dọc theo sườn núi, thổi cây nghiêng ngả như một cuộc đuổi bắt giữa hai kẻ địch trong truyện phong thần với đủ mọi phép thần thông "hô phong hoán vũ". Gió thốc vào những tấm màn cửa, chạy tuốt vào phòng trong, chỗ người ta đang ngủ nghê ngon giấc, làm người ta thức giấc cằn nhằn, trở mình, trùm mền kín cổ, hoặc tiếp tục giấc ngủ dở dang mà không một chút than phiền. Gió đem theo một chút hơi lạnh của biển khơi Rồi mưa ào ào đổ xuống, như hối hả sợ rơi ra ngoài hòn đảo nhỏ vì gió đang xô đẩy mây chạy rất nhanh, khiến cho giọt mưa có thể chưa kịp rơi xuống đất đã bị đẩy ra ngoài biển khơi Mưa rầm rập trên mái tôn. Tiếng rầm rập chuyển theo hướng gió thổi, vừa mới ầm ầm trên mái nhà bỗng mất hút về phía xa, như tiếng bánh xe lăn của chiếc tàu hỏa đã chạy tới chỗ cuối đường "ray". Tiếng mưa quấy động giấc ngủ cụ già, đánh thức em bé khiến bé khóc ré lên, thảng thốt. Kèm theo tiếng mưa là tiếng sét đánh trên "Đỉnh gió Bidong" nhưng nghe gần lắm, tưởng như sét đánh trúng cầu jetty ngoài bãi biển hay ngọn dừa bên cạnh "longhouse", -nhà người tỵ nạn đang ở. Người đang ngủ say bỗng giật mình thức giấc, không xác định rõ là sét đánh ở hướng nào, xa hay gần.
Đó là cơn mưa biển. Mưa biển thật hung dữ, nước đổ ào ào như trút, gió lồng lộng như bão táp; tiếng sóng, tiếng mưa ầm ầm làm cho không ít người hốt hoảng, lo sợ. Mưa gió đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh, khiến người ta tưởng rằng ông trời thật nóng nảy mà cũng mau nguôi cơn giận. Trong phút chốc, khi cơn mưa qua rồi, mọi sự trở lại yên tĩnh lạ thường, tưởng như hòn đảo từ lâu lắm, chưa trải qua một cơn mưa gió ầm ì nào cả. Khi cơn lôi đình bùng lên, ông Trời gầm thét, sai thiên lôi đánh chỗ nầy, đánh chỗ kia, đánh mãi mà ông Trời vẫn chưa vừa lòng. Cũng may, chưa nghe nói ai nhận lãnh "một cú đánh như trời giáng" của ông Trời. Sau thời gian ngắn ngủi đó, ông Trời trả lại bóng đêm, trả lại mảnh trăng treo trên ngọn dừa mà trước đây chưa bao lâu, bóng trăng trốn mất không sao thấy được, và trả lại sự im lặng cho hòn đảo hoang. Bây giờ không còn tiếng sóng biển giận dữ gầm thét mà lại là tiếng rì rầm như tiếng gọi của thiên nhả Tiếng biển gọi thật kiên trì, vang vọng đâu đó, từ hòn Cá Mập kế cận bên kia đảo, từ hướng ghềnh đá có bức tượng "Ông già Bidong" nơi mỗi chiều người tỵ nạn đến thắp hương cầu nguyện khói lên nghi ngút, hay phía bên kia "Đồi Tôn giáo", nơi chùa và nhà thờ đứng lặng lẽ bên nhau trong niềm thông cảm của những tâm hồn bị bạc đãi ở quê nhà.
Thế rồi lại có những đêm mưa dầm. Cái đó mới "da diết" cho tấm lòng những người Huế tỵ nạn. Mưa dầm đến không có cái ồn ào, dữ dội cùng với tiếng sấm tiếng sét hoặc tiếng mưa sầm sập. Cơn mưa dầm đến len lén, lặng lẽ, chẳng có báo hiệu gì nên chẳng ai hay. Hồi đầu hôm, trước khi đi ngủ, người ta thấy gió biển còn thổi điều hòa, thêm chút hơi lạnh của cơn mưa sắp đến mà người ta tưởng lầm đó là cái lạnh của biển đêm. Nửa khuya, chợt giật mình thức giấc, kéo chăn lên cao cho kín người, rồi tự hỏi: "Ủa đêm nay sao lạnh nhỉ?" Nằm trong chăn ấm, người ta lắng nghe tiếng nước mưa nhỏ giọt "tong tong" đâu đó. Những giọt nước gõ xuống tấm "tôn" hay tấm ván bên hiên nhà, hay tiếng mưa rầm rì tưởng như ai đến gõ cửa phía ngoài. Tiếng gõ nhẹ lắm làm người ta nghĩ rằng người đến gọi sợ làm mất giấc ngủ chủ nhà. Người ta trấn tĩnh lại một chút và nhận rõ ra đó là tiếng mưa rơi Trời đang mưa nhẹ, mưa dầm. Tiếng mưa nhẹ nhàng như tiếng ai đi len lén, như tiếng ai đang gọi ta rạ Tiếng mưa rỉ rả, dai dẳng ấy làm cho lòng người xao xuyến vô cùng, dù ai có muốn quay vào giấc ngủ trở lại cũng khó ngủ được. Lắm khi người ta quên mất cơn mưa dầm ấy. Cơn mưa kéo dài một đêm hay quá lắm đến trưa hôm sau là dứt hẳn. Cái dấu tích một đêm mưa dầm cũng biến đi một cách vội vàng, mặt đất đã khô, chẳng còn lại vũng nước nhỏ nào. Lá cây xanh mướt, lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Cơn mưa dầm đêm qua như một lời nhắc nhở, sợ người ta xa xứ rồi quên mất những cơn mưa dầm ở miền Trung, ở xứ Huế.
Những cơn mưa dầm xứ Huế mới chính là những cơn mưa dầm không sao quên được! Những ai sinh ra và lớn lên ở Huế, những ai từng sống ở đó một thời, thậm chí cả những ai đến Huế vài bữa, nửa tuần, gặp cơn mưa dầm Huế thì cũng khó mà quên. Có lẽ không có ai trên đời nầy cho rằng những cơn mưa dầm xứ Huế là vuị Trái lại, nó là một nỗi buồn da diết, ngay khi người ta đang ở Huế, đang chịu cơn mưa ấy hay khi cơn mưa đã qua rồi. Thậm chí người ta đã đi xa, có khi thật xa, nhưng vài khi bỗng nhớ lại những đêm mưa dầm xứ Huế, lòng không khỏi buồn. Kỳ chưa?! Cái buồn và cái nhớ cứ xoắn lại với nhau, trói chặt, ray rứt, không lơi lỏng chút nào, làm người ta không thể quên, khó quên, không muốn quên mà dù có muốn quên cũng không quên được. Người học trò Huế đến tuổi yêu thường ngâm nga với câu:
Đêm Huế mưa buồn như em không nói 
Những cây mù u gục đầu, 
Lạnh về cắn xé đêm thâu 
Những chấm đèn côi cút 
Những giọt lệ khuya nhỉu xuống, nguyện cầu.                
Dĩ nhiên khi em giận, em không nói thì buồn lắm vậy. Sự không nói ấy khác chi cái im lặng của dòng sông Hương. Êm đềm đấy mà buồn lắm đấy. Chẳng thà nước trôi cuồn cuộn, chẳng thà sóng vỗ lao xao, nó cũng có thể làm cho người ta tưởng tượng ra đó là một điệu hò, điệu hát. Dù là ngọn sóng vô hình thì những âm thanh sóng vỗ ấy cũng đánh thức tâm hồn mình dậy, gọi mình đị Có đâu nó êm trôi không một tiếng động, không một tiếng lao xao làm cho lòng người buồn đến thế! Chẳng thà em nói một lời giận dỗi, một cái nguýt háy "dễ thương" còn hơn là em không nói một lời nào! Vốn dĩ cảnh Huế ngày hay đêm cũng đã buồn rồi, nói chi tới những đêm mưa dầm. Con đường Tam Tòa chạy tuốt lên Quốc Tử Giám, nay là trường Hàm Nghi (*) có hai hàng mù u lá rậm và dày, đến mùa nở ra một thứ hoa xấu xí chẳng ai buồn để ý. Chúng cho những trái mù u tròn hấp dẫn bọn trẻ làm đồ chơi, cũng là một thứ vũ khí đặc biệt đánh giặc có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đừng chê cây mù u! Nó từng tham gia vào việc chống Tây xâm lăng, thế không hơn những người bán nước theo Tây hay sao?! Đi ngang con đường Tam Tòa, đi ngang vài con đường khác trong thành nội có trồng mù u, người học trò có học sử thấy tội nghiệp cho tổ tiên mình: Những trái mù u tròn trịa kia chống lại với tàu sắt súng đồng được sao?!
Thế rồi nước mất nhà tan. Những cây mù u rời chốn binh đao để đi vào văn học. Nó trở thành đề tài cho vài nhà văn, nhà thơ tiền chiến. Và bỗng hôm nay, cây mù u hiện ra buồn bã trong thơ của Đỗ Tấn thời hậu chiến. Những cây mù u đứng gục đầu ở đó, trên con đường Tam Tòa trong nội thành, cành lá sũng nước mưa, đong đưa theo gió nhẹ, làm cho những ngọn đèn đường khuya le lói một ít thứ ánh sáng vàng vọt, khi tỏ khi lấp sau tàng lá dày. Có ai nghĩ cây mù u trở thành một biểu tượng cho nỗi buồn xứ Huế, không còn là nỗi buồn mất nước của thế kỷ 19 mà chính là nỗi buồn của những người mới chớm tuổi yêu đương giữa thế kỷ 20. Nó chính là nỗi buồn của tôi thời niên thiếu ấy vậy.
Vốn dĩ tuổi 20 thường hay buồn vui vớ vẩn; những cơn mưa dầm xứ Huế như một chất xúc tác làm cho cái buồn ấy gia tăng, bành trướng thêm rạ Bầu trời mây đen dày đặc bao giờ cũng làm cho người ta có cái cảm tưởng trời mây sũng nước, nặng nề khiến Lưu Trọng Lư tỏ bày cảm xúc của ông bằng câu thơ "Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn." Cái nặng của trời, cái dày đặc của mây, cái mưa đêm rả rích gợi lên nhiều nỗi buồn trong lòng thi nhân, nhạc sĩ. Ưng Lang thì hát: "Mưa rơi! Chiều nay vắng người! Bên thềm lá rơi, thương nhớ đầy vơi?" Thương ai, nhớ ai mà khi đầy khi vơi? Mà ai đó là ai, là "đèn nhớ ai, mà đèn không tắt, mắt thương nhớ ai? Mắt ngủ không yên".
Cái "buồn buồn" của Lưu Trọng Lư không phải chỉ là cái buồn ít ỏi, phút chốc mà lại là nỗi buồn dai dẳng, triền miên, không phải vì mưa mà buồn, cũng không phải vì nhớ mà buồn. Đó chính là cái buồn Xuân Diệu đã từng than "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn." Những giọt mưa dầm "rơi tí tách" đó là thân phận của con người ta đấy, là "thân em như giọt mưa sa" như ca dao đã nói. Giọt mưa thân phận ấy cũng là nỗi buồn của những người lưu lạc. Bây giờ nó không còn là nỗi buồn vô cớ như tâm hồn của những người 20 tuổi nữa. Qua cái tuổi 20 buồn vớ vẩn đó, người ta dần dần nhận ra thân phận trôi nổi của mình, để rồi than vãn:
"Mưa chi mưa mãi, 
Lòng nhớ thương hoài 
Nào biết nhớ thương ai 
Trăng lạnh về non không trở lại 
Mưa chi mưa mãi 
Buồn hết mấy đời xuân 
Mộng vàng chưa kịp hái 
Mưa chi mưa mãi 
Lòng biết thương ai 
Tiếc thương đời trẻ dại             
Thế là một đời xuân lỡ làng, là chưa kịp hái giấcmộng vàng tuổi xuân vì kinh nghiệm đời chưa có, để
rồi phải "Tiếc thương đời trẻ dại". Trẻ là dại. Tuổi trẻ, ai không có cái dại đáng yêu ấy! Cái dại không tính
toán trong tình yêu, cái dại cho mà không nghĩ đến nhận, không so đo, không "cò kè bớt một thêm hai" như khi Mã
Giám Sinh mua Kiều, không ích kỷ như Xuân Diệu "Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu?" 
Cái buồn của cơn mưa dầm xứ Huế, không chỉ gói gọn trong những ngày mưa kéo dài lê thê khiến Nguyễn Bính từng than vãn: "Giời mưa ở Huế sao buồn thế! Cứ kéo dài ra đến mấy ngày"õ Đâu có phải có "mấy ngày". Dài hơn thế nhiều lắm đấy. Có khi cả tuần, vài tuần. Cơn mưa kéo dài không dứt từ sáng đến chiều, từ chiều đến khuya, rồi qua ngày hôm sau, hôm sau nữa, cứ thế mà tiếp tục. Cơn mưa dầm kéo dài khiến Huế có thành ngữ "mưa tối trời thúi đất", "mưa thúi đất thúi đai". Cơn mưa dầm giam hãm bọn trẻ trong nhà, không cho chúng ra đường chạy nhảy. Mưa trói buộc người thanh niên, không cho ra phố uống càphệ Nhưng mưa không ngăn được những người yêu nhau, chờ nhau, dưới cơn mưa phùn lạnh lẽo xứ Huế: "Nhà ai đổ chín giờ. Đợi em anh cứ đợi. Mưa từ đâu mưa tới, Gió từng lớp bay quạ Nhà ai đổ mười giờ. Đợi em anh cứ đợi." Trong tình yêu, nếu không có lòng chung thủy thì làm sao có sự kiên trì chờ đợi như thế. Dù trong cơn mưa dầm rét mướt, "Đợi em anh cứ đợi."
Có hôm trời chợt ngưng mưa! Mặt trời hé lộ lên một chút, sau lớp mây mỏng. Người ta tưởng thế là cơn mưa qua rồi, mùa mưa dầm gió bấc sắp chấm dứt để trả lại cho cố đô những ngày xuân ấm áp. Nhưng chỉ thoáng chốc, chút nắng le lói biến mất, mây đen lại giăng kín khắp trời, không một chút hở. Người ta lại thở dài, buồn bã chờ cơn mưa dầm khác đang tới. Pháo xuân chưa nổ đì đùng, chúa Xuân chưa tới, thì hạt "mưa xuân phơi phới" chưa thể thay thế cho những hạt mưa dầm nặng nề của những tháng Đông lạnh giá.
Trong cái buồn hiu hắt của những đêm mưa dầm, nhìn giọt mưa rơi tong tả trước hiên nhà, nhìn những sóng nước tỏa ra từ chỗ hạt mưa rơi xuống, nhìn dòng nước nhỏ chảy quanh hiên ra phía đường cống xa xa, người có lòng yêu Huế không thể không nghĩ đến những giọt mưa rơi xuống đâu đó. Có những giọt rơi đều trên mặt sông Hương, có những giọt mưa ghé vào núi Ngự, có những giọt mưa đậu lại trên những chiếc lá của những cây mù u, cây nhãn trên đường Hộ Thành cắt ngang Thành Nội. Có những giọt mưa rơi xuống Tử Cấm Thành, trên mái ngói rêu phong của điện Cần Chánh hay điện Thái Hòa. Có những giọt mưa ghé vào lăng Tự Đức, Minh Mạng u tịch. Có những giọt mưa rơi xuống đôi vai của hai hàng tượng đá văn võ đứng hai bên sân chầu lăng Gia Long. Những giọt mưa âm thầm gọi hồn cung nữ, những người đã sống một đời âm thầm như giọt mưa dầm xứ Huế, sắc đẹp tàn tạ và chấm dứt một đời tài sắc đâu đó trong các lăng tẩm hay trong chùa Sư Nữ.
Thế rồi một hôm Huế trải qua một cơn bão nhẹ. Lúc tôi đến tòa soạn báo Rạng Đông của giáo sư Lê Hữu Mục để trao bài viết, thấy ông đang đứng trước hiên nhà xem cây trứng cá bị cơn gió lốc thổi ngang làm cho nghiêng gốc. Giáo sư than phiền về một truyện ngắn của ông nhan đề "Cây Trứng Cá" đăng trên báo dưới bút hiệu là Quốc Sĩ khiến người ta dễ tưởng lầm với nhà văn Doãn Quốc Sĩ ở Saigon. Tôi cười nói với giáo sư- hiện ông đang dạy tôi môn Văn Học Sử ở Trường Đại Học Văn Khoa,- rằng những cơn mưa dông Saigon không thể làm cho cây cam Bố Hạ thành bưởi Biên Hòa, nhưng những cơn mưa dầm xứ Huế đã làm cho trái cam Bố Hạ ngọt và thơm như quít Thanh Cần.
Thầy giáo của tôi cười mỉm khi thấy tôi nói ám chỉ giáo sư định cư ở Huế đã lâu, trước khi nhà văn Doãn Quốc Sĩ di cư vào Saigon. Thủ đô chính trị và kinh tế của Saigon ngày nay không đủ sức tác động lên tư tưởng và tình cảm một người vốn sinh trưởng ở Hà Thành ngàn năm văn vật, nhưng văn hóa của cựu kinh đô đã để lại những dấu ấn sâu sắc trên tình cảm và tư tưởng của một giáo sư dạy môn văn học, như đã có lần giáo sư nói với tôi "Những ai háo thắng sẽ không bao giờ chiến thắng, những ai háo sắc sẽ lụy vì tình và những ai hám lợi sẽ một đời thua thiệt." Có phải đó là triết lý sống của người dân Huế đượm màu sắc tam giáo. Trong nỗi buồn triền miên của những ngày mưa dầm, có phải người xưa đã ngồi nhìn những hạt mưa rơi tí tách bên thềm nhà mà tìm ra được lối sống huyền diệu ấy./
Viết tại Bidong năm 1990,
Viết lại tại Mass năm 2003
(*) Tên trường trước 1975. Không biết bây giờ có thay đổi gì không ?
Mưa Saigon, Mưa Seatle
Sáng nay ra phố gội đầu 
Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
Khi rời California tìm một nơi có đời sống thong thả, yên ổn để nuôi các con, chúng tôi rơi ngay vào một vũng nước mưa: thành phố Seattle của bang Washington. Lúc nào ông trời Seattle cũng mưa được. Không mưa sáng thì mưa chiều, không mưa chiều thì mưa tối. Vào mùa Hạ thì thỉnh thoảng mới có một hôm nắng nguyên ngày. Tối hôm trước đi ngủ, bầu trời đêm cao thăm thẳm, trong veo, không một gợn mây, thế mà nửa đêm thức dậy nghe như có tiếng ai gõ nhẹ trên mái gỗ, lắng nghe một lúc biết là trời bắt đầu mưa
 Tôi nằm im lặng nghe mưa.
Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới và lớn lên giữa miền Nam nắng hai mùa, giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang và một mùa mưa kéo dài sáu tháng. Mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại
Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa Sài Gòn đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng hay thức ta dậy để tiếp tục yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày, đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ. Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá buổi chiều. Khi là một cơn mưa trung bình, tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối, âm thanh đều đều như tiếng nhạc đệm, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, nghe mãi, đâm ra mê lúc nào không biết. Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa Sài Gòn đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng hay thức ta dậy để tiếp tục yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày, đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ. Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá buổi chiều. Khi là một cơn mưa trung bình, tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối, âm thanh đều đều như tiếng nhạc đệm, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, nghe mãi, đâm ra mê lúc nào không biết.
Tôi nhớ những buổi tan trường, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, đành phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi mười sáu mười bảy, ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà, mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay.
Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao con mưa đừng tạnh và con đường đừng hết. Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, lượng nước trút xuống hào phóng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một giòng sông ngọt ngào, ngắn hạn! 
Bây giờ, vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường gặp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm là sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc.
Sáng nay ra phố gội đầu
Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
(Thơ tmt)
  Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle, tôi thấy quý sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn bất cứ nơi nào.
Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chảy xuống như những dòng lệ mầu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: một chiếc phà chở quan tài từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc quan tài ướt sũng một lá quốc kỳ xô lệch trông như một chiếc chăn cũ vàng ố, rách nát, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên quan tài, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Mầu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc quan tài phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên, mặt lạnh, xanh tái như màu áo trận, trên chiếc phà cũ kỹ, bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam màu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.
Lúc tôi đến trại Pendleton cũng là vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già, mỗi người đều được phát cho một chiếc áo lính cùng cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt.
 Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa, thế có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ, người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc quan tài vì sợ người chết đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục đều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó.
Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến mà bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài Gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: “Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn” hay “Mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế!”. Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây giản dị hóa, đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này.
Mưa ở Seattle làm cho những dãy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, nhưng cây tùng, cây bách giữ mãi một màu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một giải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa, con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.
Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống. Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc quan tài của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tỵ nạn Việt Nam, mưa khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam màu khác nhau?Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!
TRẦN MỘNG TÚ  

No comments:

Post a Comment