Links

Wednesday, March 20, 2024

Chuyến xe tang về quê chồng

 ********************************************************

Chuyến xe tang về quê chồng

 Giao Chỉ – San Jose

(Lời kể lại của Lệ Hà)
Cố Trung Úy Dù QUÁCH VĂN SỞ
Khóa 24 Trường VBQGVN


Em là Trần Thị Lệ Hà, quê Cần Thơ, hiện cư ngụ tại San Jose, xin kể lại cho các bác niên trưởng trong quân đội câu chuyện năm 1975. Nếu miền Nam và Saigon gọi ngày 30 tháng Tư 75 là ngày tang của đất nước thì ngày tang của Trần Thị Lệ Hà đến sớm hơn một ngày.

Đó là ngày 29 tháng 4 năm 1975. Đêm 28 tháng 4 cách đây 34 năm trung úy Quách Văn Sở, võ bị Đà Lạt khóa 24, từ giã vợ con vào trại Hoàng Hoa Thám sinh hoạt với tân binh nhảy dù. Trung úy mũ đỏ Quách Văn Sở rất có tinh thần trách nhiệm, đã có giấy lên đại úy nhưng còn chờ lễ đeo lon. Quá nửa đêm 28 qua sáng 29 thì Việt cộng pháo kích vào Tân Sơn Nhất và trại Hoàng Hoa Thám. Sáng sớm 29 tháng 4 lính dù chạy về báo tin anh Sở, chồng của Lệ Hà đã chết. Cùng một lúc khu trại gia binh nhảy dù phải di tản. Em lúc đó 25 tuổi, con trai đầu lòng được 7 tháng. Chẳng có ai thân thuộc. Mẹ con ôm nhau chạy qua nhà ông cậu bên thành Lê Văn Duyệt. Chồng chết ra sao cũng không biết. Đường xá kẹt hết. Chuyện chiến tranh, trận mạc nhà binh từ khi lấy nhau tất cả đều do anh Sở quyết định. Nay bỗng nhiên trời xập, ôm đứa con dại, em ngồi khóc một mình. Không biết xác chồng nằm ở nơi đâu. Chung quanh Sài Gòn náo loạn, ai mà lưu tâm đến người vợ trẻ mất chồng vào cuối tháng 4. Phải mà anh Sở chết sớm hơn một tháng thì truyền thống lính dù đã đưa xác về tận nhà. Tang lễ uy nghi, có đơn vị trưởng chứng kiến lễ gấp cờ, như em đã thấy tại sân Hoàng Hoa Thám. Nhưng sao anh Sở lại chết vào cuối tháng tư, giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Trải qua một đêm dài thảm kịch. Thằng bé Quách Vĩnh Hưng ôm mẹ nằm trên đất lạ. Cả mẹ con đều không thấy tương lai

.

Xác anh, giờ ở phương nào?

Sáng hôm sau, nhờ cậu em họ dẫn đường vào trại Hoàng Hoa Thám để tìm xác anh Quách Văn Sở. Doanh trại đã di tản. Ở một vài nơi quân ta còn kháng cự và quân địch chưa tiến vào. Khu bị pháo kích chỉ còn di tích đổ nát, thương binh tử sĩ nhảy dù chẳng còn thấy nữa. Nghe nói các chiến binh mũ đỏ đã tản thương anh em vào đêm 29 và đưa xác tử sĩ lên nghĩa trang Biên Hòa.

 

Trên trời máy bay trực thăng ồn ào chở người di tản suốt ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Dam tang cua mot tu si nhay du

Sáng 1 tháng 5 năm 1975, Saigon đổi chủ, em chẳng hề quan tâm. Nhờ người gởi con một nơi, lấy xe máy lên tìm chồng tại nghĩa trang Biên Hòa. Đây là lần đầu tiên em tìm về nơi chôn cất tử sĩ miền Nam. Khu đơn vị chung sự Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đầy xác chết và quan tài đủ loại. Có người phe ta còn làm việc nhưng mặc đồ dân sự. Lính cộng sản xuất hiện nhưng xem chừng còn ngại ngùng không kiểm soát. Phe ta mạnh ai nấy tìm xác người thân và than khóc. Tử sĩ miền Nam vẫn còn đầy đủ quân phục, danh tính cấp bậc. Trên quan tài vẫn còn đèn nến và vàng hương. Thân nhân ngồi khóc bên các tử sĩ từ các nơi chở về. Sau cùng em tìm được xác anh Quách Văn Sở, đã được tẩm liệm và cho vào quan tài. Một bác mặc đồ dân sự nói rằng chị yên tâm, tôi sẽ ghi dấu quan tài của ông Trung úy nhảy dù. Tôi cũng là lính Việt Nam Cộng Hòa. Đã hơn 30 năm rồi, em vẫn còn nhớ hình dáng của người lính bên ta lo việc mai táng vào lúc mà toàn quân cùng với quốc gia không còn nữa. Sau khi thấy rõ tên tuổi di tích của anh Sở nằm đó, em trở về Saigon bắt đầu tìm xe thuê chở xác chồng về quê. Năm xưa, vợ chồng từ Hậu Giang lên Sài Gòn, bây giờ anh đã vĩnh viễn nằm xuống, em nhất định phải chở anh về với gia đình, về nơi anh đã ra đời.

Quê em ở Cần Thơ, quê chồng ở Rạch Giá. Giờ này mẹ và các anh em họ hàng bên anh Sở vẫn chưa biết là anh đã hy sinh. Suốt mấy ngày đầu tháng 5, em tìm mọi cách để thuê xe chở quan tài. Trong những ngày giờ đó, chẳng quen biết ai, làm sao mà thuyết phục được chủ xe chở xác sĩ quan dù về tận Rạch Giá. Sau cùng khi tìm được lại phải cùng với chủ xe đi mua xăng. Tiền bạc không đủ, phải trả cả bằng nữ trang và nhẫn cưới đầy kỷ niệm.

Chuyến xe tang về quê chồng

Đưa xe tải về nhà, dọn những gì có thể đem đi được, từ giã cư xá gia binh, chấm dứt đời vợ lính. Mẹ ôm con lên xe trở lại nghĩa trang. Đó là ngày 3 tháng 5 năm 1975. Nghĩa trang đã thay đổi. Tất cả các xác chết đã bị Việt cộng bắt chôn tập thể. Nhưng may thay những quan tài có người nhận từ hôm trước vẫn còn. Vàng hương và tên tuổi cấp bậc thì vứt đống dưới đất. Người lính chung sự Việt Nam Cộng Hòa mặc đồ dân sự vẫn còn đó. Ông nói rằng quan tài này của trung úy dù tôi vẫn ghi dấu là đã có thân nhân đến nhận. Xin thưa với bác là em cũng chẳng biết tên ông lính đó là ai, nhưng ơn nghĩa tử sinh thì em ghi nhớ suốt đời. Nếu không có ông này, chắc xác anh Sở cũng phải nằm chung trong mồ tập thể. Rồi nhờ mỗi người một tay, quan tài anh Quách Văn Sở được khiêng lên xe hàng. Mẹ con ôm nhau ngồi bên xác anh suốt quãng đường dài. Đó là chuyến xe tang về quê chồng tháng 5 năm 1975.

Bác hỏi em quang cảnh bên đường ra sao. Bác ơi, vợ lính 25 tuổi, ôm thằng bé chưa được một tuổi. Lòng dạ nào mà nhìn thấy hai bên đường. Mắt em mở nhưng chỉ thấy toàn kỷ niệm quá khứ. Em là nữ sinh Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ.

Anh Sở là sinh viên đại học Cần Thơ. Gặp nhau, hẹn hò, yêu đương. Từ đại học Cần Thơ anh vào võ bị khóa 24 học suốt 4 năm. Em ra trường làm công chức, đổi từ Cần Thơ lên Saigon. Bốn năm Đà Lạt, Sài Gòn tình yêu thơ mộng biết chừng nào. Ra trường anh đi lính nhảy dù đóng tại trại mũ đỏ Hoàng Hoa Thám, em làm công chức tại văn phòng phủ thủ tướng. Đâu có quen biết ông lớn nào đâu. Sở công vụ cho đi đâu thì làm đó. Chiến tranh ở đâu thì không biết nhưng Saigon, Cần Thơ và Rạch Giá là những miền đất đầy hạnh phúc của một gia đình trẻ với đứa con trai.

Từ đầu tháng tư mẹ em ở Cần Thơ rất lo sợ cho con rể, con gái và cháu ngoại. Mẹ anh Sở ở Rạch Giá cũng đang cầu nguyện cho con trai, con dâu và cháu nội.

Chuyến xe đau thương của em ghé Cần Thơ. Mẹ thấy con gái về bèn ôm cháu ngoại hỏi rằng còn thằng Sở đâu. Con gái mẹ kêu khóc mà nói rằng: anh Sở chết rồi. Con đưa xác về đây. Mẹ đi với con qua Rạch Giá. Mẹ già tất tả vừa khóc vừa gói quần áo theo con gái lên xe. Cả xóm tuôn ra nhìn theo, chiếc xe tang về quê chồng lại lên đường. Xe tải chở theo bà xui Cần Thơ đi theo con gái. Nước mắt góa phụ trẻ bây giờ thêm nước mắt mẹ già. Thằng rể quí của bà đi lính nhảy dù mấy năm không chết mà đến ngày cuối cùng lại tử trận.

Người lính mũ đỏ đất Kiên Giang

Năm 1971 có anh sĩ quan nhảy dù xuất thân võ bị làm đám cưới ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ, tiệc bên nhà gái xong là rước dâu về Rạch Giá. Đoàn xe hoa cũng đi theo con đường này. Qua đến năm 1975, xe hàng chở quan tài người lính chiến về lại quê xưa, cũng có bà xui đại diện cho nhà gái trong chuyến đi cuối cùng. Xe về đến Rạch Giá, cả nhà họ Quách ra đón mừng, thấy quan tài con trai út bà mẹ té dài ngay trên bậc cửa.

Mẹ của anh lính dù có hai người con trai. Mấy năm trước người anh tên là Quách Hải đã tử trận. Còn cậu út nhất định đi võ bị rồi theo nhảy dù, bà tưởng rằng gởi gấm được ông tướng Dư Quốc Đống vốn là thân quyến thì cũng đỡ nạn binh đao. Ai ngờ anh sỹ quan nhảy dù chết ngay tại trại Hoàng Hoa Thám vào giờ phút sau cùng của cuộc chiến.

Mặc dù lúc đó cộng sản 30 tháng 4 tại Kiên Giang đã làm khó dễ nhưng người góa phụ trẻ hoàn toàn không có kinh nghiệm trong cuộc sống đã một mình đơn độc đem xác chồng về chôn tại quê nhà. Câu chuyện làm xúc động bà con lối xóm nên đám tang rất đông người dự để tiễn đưa người lính dù cuối cùng của đất Kiên Giang trở về quê mẹ.

Nước non ngàn dặm ra đi

Sau đó em trốn tránh quanh quẩn tại Hậu Giang vì muốn giấu lý lịch vợ lính dù, lại làm công chức phủ thủ tướng. Qua năm 1979 trở về Cần Thơ vượt biên với má và thằng con trai. Nhờ anh Sở phù hộ, tàu qua Mã Lai bị kéo ra biển nhưng rồi cố lết qua được Indo. Ở bên Nam Dương một năm thì vào Mỹ, đến ngay San Jose. Mấy năm sau, em gặp ông xã sau này, hai bên lập gia đình và có thêm hai cháu.

Thưa với bác Lộc rõ, em có duyên số với Võ bị và Rạch Giá. Ông xã hiên nay của em cũng là người quê Rạch Giá, cùng vượt biên năm 1979 trong một chuyến khác. Qua đây mới gặp nhau. Ông ấy ngày xưa cũng dạy trường võ bị Đà Lạt. Con cái của gia đình em, nói để các bác mừng cho, tất cả đều thành đạt và hạnh phúc. Các cháu cũng đã lập gia đình và có thêm các cháu nội ngoại.

Ông xã em bây giờ hết sức tế nhị và thông cảm. Chính ông đã làm một bàn thờ tại gia để ghi nhớ hình ảnh của trung úy nhảy dù Quách Văn Sở ba của cháu Quách Vĩnh Hưng. Năm nay cháu 35 tuổi.

Chút di sản muộn màng, gửi tương lai vĩnh cửu

Đã 34 năm qua, em còn lưu giữ hồ sơ của anh Sở. Một tờ khai gia đình của khu gia binh sư đoàn nhảy dù, căn cứ Hoàng Hòa Thám. Có chữ ký của thượng sỹ Trần Văn Linh, trưởng trại gia binh. Kiến thị bởi trung tá Nguyễn Văn Tư chỉ huy trưởng căn cứ và chữ ký của gia trưởng trung úy Quách Văn Sở. Ngoài ra còn giấy chứng nhận bằng nhảy dù, thẻ căn cước dân sự, thẻ căn cước quân nhân, chứng chỉ tại ngũ. Trên các thẻ căn cước, chỗ nào cũng có tên mẹ của anh Sở là Dư Thị Kim Thoa, bà là vai cô của tướng Dư Quốc Đống. Trung úy Sở còn tờ giấy nghỉ phép 5 ngày từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4 năm 1975. Cầm giấy phép, nhưng anh Sở không đi phép. Vì lo tân binh Nhẩy dù mất tinh thần nên tối 28 tháng 4 năm 1975 anh vào trại. Trận pháo kích sau cùng đã làm thay đổi vận mệnh của cả gia đình. Người thanh niên Kiên Giang, trải qua 4 năm sinh viên võ bị Đà Lạt, 5 năm sỹ quan nhẩy dù, từ giã cuộc đời năm 30 tuổi. Anh để lại tấm thẻ bài hai mảnh. Gia đình còn giữ suốt 34 năm qua. Nay đã đến lúc chia tay đôi ngả. Một tấm đi theo quân bạ vào viện bảo tàng. Còn một mảnh xin giữ làm kỷ niệm cho con cháu họ Quách đời sau. Với đầy đủ tên họ, số quân và loại máu.

Tâm nguyện cho tương lai

Thưa bác, kể xong chuyện ma chay cho người chồng chiến binh 34 năm về trước, trao được các di vật cho viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose, em rất yên tâm. Xin cảm ơn nhà em ngày nay, nguyên là giáo sư võ bị ngày xưa đã thông cảm, sẽ thông cảm thêm. Con trai của anh Sở nay đã 35 tuổi, sẽ hiểu biết thêm chuyện gia đình và chiến tranh. Những đứa con sau này ra đời tại San Jose bây giờ mới biết ngày xưa mẹ sống trong trại lính Dù có tên là Hoàng Hoa Thám. Anh em Đà Lạt khóa 24 biết thêm về người con gái miền Tây làm dâu võ bị hai lần. Người Rạch Giá cũng biết thêm về cô gái Cần Thơ hai lần lấy chồng xứ Kiên Giang.

Và em tạ ơn trời đất còn có ngày nay. Trước sau em cũng chỉ là người vợ lính đã từng sống trong trại gia binh.

Em cám ơn các bác đã nghe hết câu chuyện 29 tháng 4 của em 34 năm về trước.

 

No comments:

Post a Comment