Links

Wednesday, May 29, 2024

MIẾU NĂM BÀ Ở XÓM TUI. ( Hai Hùng SG).

 



MIẾU NĂM BÀ Ở XÓM TUI.

     ( Hai Hùng SG).

                  *

 Xóm cũ của tui ở ngày xưa có một ngôi miếu thờ Năm Bà Ngũ Hành, (theo truyền thuyết mỗi bà mang một mạng gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ) tương tự như Thành Hoàng của xóm nhằm phù hộ độ trì cho dân lành được an lành may mắn trước những tai ương nghịch cảnh xảy ra trong đời sống hàng ngày, ngôi miếu này cũng khá linh thiêng, bởi bà con trong xóm làm ăn hoặc khi cuộc sống có điều gì trắc trở, họ đều gửi niềm tin vô Năm Bà, họ đem nhang đèn bánh trái đến cúng kiếng, quả nhiên một thời gian sau những điều cầu xin này được như ý, điển hình nhất là gia đình cô Ba Chà bán vải vóc ở chợ Bà Chiểu, ngày nào cũng vậy trước khi  ra chợ để bắt đầu cho một ngày buôn bán, cô Ba đến ngôi miếu thay nước cúng đốt nhang khấn vái thành tâm vô cùng.

                *

  Tui không biết ngôi miếu này được xây dựng tự bao giờ, nhưng nhìn "Diện mạo" và cách bày trí bên trong và kể cả phía bên ngoài, nó toát lên nét thật cổ cổ kính với mái cong vút , lợp ngói âm dương đã rêu phong theo năm tháng, tui đoán mò chắc tuổi ngôi miếu này có khi tui phải kêu bằng "Cố" cũng không chừng.

                  *

  Ngày xưa bà chủ đất nơi ngôi miếu tọa lạc, có lẽ họ cũng xem phong thủy dữ lắm, bởi ngôi miếu này được dựng trên một cuộc đất khá cao ráo và nằm tách biệt so với nhà của của dân chúng chung quanh, bên  hông ngôi miếu được che phủ bởi hàng rào thiên nhiên, đó là hàng tre Tàu cao vút che bóng mát một vùng khá rộng, miếu là nơi để bà con trong xóm cùng nhau lo việc nhang khói, đến khi ngày vía Bà đó là ngày vui nhất xóm tui thời bấy giờ, vì cả xóm cùng nhau đêm đồ cúng kiếng đến miếu để tạ ơn Bà, họ mướn giàn nhạc lễ, gồm trống, kèn, phèng la cùng những cô đào, ông kép đến góp vui, ban nhạc lễ này sau khi thi lễ cúng vái dâng lên Năm Bà phẩm vật của dân làng trong xóm xong, họ cùng quay quần trước sân miếu để hát trích đoạn những tuồng cổ như Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Đổng Trác hý Điêu thuyền, họ cũng vẽ mặt mày như mấy gánh hát Bội trên Võ ca Đình Hanh Thông thường hát, khoái nhất là đám con nít tụi tui, vừa được coi hát vừa được cô bác cho xôi , chè, bánh trái để ăn, để rồi khi lễ cúng vía Bà hàng năm khéo lại, khiến đám con nít cảm thấy hụt hẫng như vừa mất đi điều gì thật quý báu...

  Lần về quá khứ tui còn nhớ như in những lần chơi đùa, phá phách của đám con nít tụi tui quanh ngôi miếu này, lần nọ...

  Mới sáng sớm tui đã thấy thằng Răng léo hánh đến ngôi miếu này rồi, ngồi trên cái bệ đá trên lưng con Voi sành đặt trước miếu, nó vừa nhai ổ bánh mỳ cá mới mua của Thím Hai bán ở giữa xóm, thấy tui tà tà đi tới, thằng răng nó réo:

 - Ê Phương vô đây chơi tao kể mầy nghe chuyện này nè.

 Đang tính lội bộ tới sạp bánh mỳ của thím Hai, hoặc mua bánh ướt tôm khô của bà Xẩm ăn đỡ đói, nghe thằng Răng rủ rê không đúng lúc tui cự nó liền:

 - Chèn ơi ! Tao đang đói lắm nầy chờ tao mua cái gì ăn đã, rồi chút tao trở lại muốn kể gì thì kể.

 Dễ gì nó cho tui đi một cách dễ dàng như vậy, tui thấy nó đứng lên rồi chạy ra níu áo tui vô sân ngôi miếu, rồi không nói không rằng nó xé một phần ổ bánh mỳ nó đang ăn đưa cho tui, nó nói:

 - Tưởng gì nè ăn đi, mầy nghe vụ này hay lắm nè.

 Thằng Răng đưa khúc bánh mỳ ngang qua mũi tui, mùi bánh mỳ cá hộp, lẫn với mùi tương ngọt đen, cộng thêm mùi đồ chua nó biến thành cái mùa đặc biệt của sạp bánh mỳ của Thím Hai không lẫn lộn với bánh mỳ của người khác bán bao giờ, ngoài ra Thím Hai còn bán bánh Mỳ bì, bánh mỳ hấp, món nào cũng ngon khiến tui nhớ mãi đến tận ngày nay.

 Đưa tay cầm khúc bánh mỳ tui cắn và nhai liền, rồi cất tiếng thúc  hối thằng Răng kể câu chuyện mà nó đang ấp ủ trong lòng, thằng Răng nói :

 - Chèn ơi! Tối qua tao tình cờ thấy anh Bi với chị Thảo tù ti tú tí ở đây nè.

 Nghe thằng Răng kể chuyện người lớn hẹn hò cho mình nghe, tui cự nó liền:

 - Mầy bá xàm quá đi, anh chị hẹn hò nhau kệ người ta, mới mốt mầy cũng vậy rồi ai méc mầy đây.

 Thằng Răng quánh nhẹ vô vai tui, nói nói:

 - Thì ảnh chỉ hẹn hò nhau bình thường thì tao đâu nói mần chi, đàng này ổng bả chui tuốt vô phía trong miếu lận đó.

 Lúc này thì tánh tò mò tui nỗi lên, tui hỏi nó: 

 - Rồi sao nữa mầy kể tiếp tao nghe coi, vụ này coi bộ hấp dẫn nghe.

 Thằng Răng nó cú đầu tui một cái nó phán:

 - Vậy mà nói kệ họ, sao giờ hối tao dữ vậy.

 Thằng Răng kể tiếp, đang rình rập coi hai anh chị nọ mần cái giống gì bên trong, tự dưng Bà Hai  bà Từ của miếu này xuất hiện, bà cầm cây đèn dầu từ phía bên nhà bước qua bên miếu để đốt nhang như lệ thường, bà Hai vói tay bật công tắc của cái bóng đèn tròn khi mọi thứ hiện rõ ra dưới ánh sáng vàng của bóng đèn, thấy hai người đang đứng sớ rớ bên cái bàn phía sau hậu liêu của cái miếu, hết hồn bà Hai la làng:

 - Bớ người ta, ma ma. Bớ người ta ăn trộm.

 Sở dĩ bà Hai la làng lộn tùng phèo vì bà hoảng hồn không biết hai người phía sau là người hay hồn ma bóng quế nào đó.

  Anh Bi với chị Thảo đang mùi mẫn thì thấy đèn bật sáng phía trên, rồi nghe tiếng bà Hai la làng, hai anh chị lật đật chui qua hàng rào Dâm bụt của nhà Thím năm để trốn,  vì sợ bể ổ hẹn hò nơi chốn tôn nghiêm sẽ bị xóm làng trách cứ và chê cười, khi chui hàng rào qua được sân nhà Thím Năm, tưởng đâu được yên thân dè đâu con con chó Phèn của Thím Năm nhào ra sủa inh ỏi, trong nhà chú Năm xách cây gậy tầm vong nhào ra tính khệnh cho hai tay "Đạo chích", nhưng khi thấy cặp tình nhân quá quen thuộc nên chú Năm chỉ biết cười trừ cho anh Bi và chị Thảo dông lẹ về nhà..

 Tui hỏi thằng Răng:

- Sao mầy rành dữ vậy, ai kể lại chi mầy hả?

 Răng lên tiếng:

- Tao đói bụng lắm nên thức sớm mua bánh mỳ, tình cờ tao biết chuyện này mới kể mầy nghe.

 Tui chêm nó một câu:

 - Công nhận mầy cũng nhiều chuyện thấy ớn..

                  *

 Chồng của cô Ba Chà là Bác Ba Xướng, bác vốn là chủ thầu Hoa chi các chợ lớn nhỏ ở Sài gòn & Gia định, hàng ngày bác lái chiếc "Bồ rô" đến các chợ để những người thâu Hoa chi mướn nộp tiền cho Bác, gom tiền các chợ  trưa về nhà cơm nước nghỉ ngơi xong, bác Ba đổ mấy bao tiền lẻ ra cho mấy đứa con nít trong xóm phụ đến và phân loại tiền, tui thì làm công việc ngồi lấy hồ dán lại những đồng bạc bị rách, hoặc có khi lấy giấy bạc cuộn những đồng bạc cắt lại thành chục , thành trăm để bác đi đổi ở ngân hàng.

  Có khi nhiều tiền quá, bác Ba phải đốt đèn "Măng Xông" lên để cho cả đám tụi tui mần việc, phụ bác Ba cái công việc này cũng sướng lắm à nghe, lúc nào xong việc bác cũng cho tiền ăn bánh nên em nào cũng khoái lắm, ngoài ra còn được ăn chè, cháo, hoặc bánh trái gì đó, cuối năm có thưởng nữa nha các bạn, có điều bác Ba không thưởng bằng hiện kim, mỗi đứa được cô Ba cho một xấp vải để may quần tây mặc ăn Tết, chú Hai Hòe chủ tiệm may nổi tiếng ở gần rạp hát Đông Nhì ngày xưa, là mối lái may cho quần áo tụi tui do cô Ba dẫn đến đo cắt, dĩ nhiên tiền công bác Ba thầu luôn không để cho đám nhỏ phải trả tiền.

 Làm phụ công việc này cho bác Ba chỉ cần, siêng năng và nhất là đừng tham lam, thấy tiền nhiều mà giấu giếm thì khó  lòng được  ai chấp nhận, ngày xưa tụi tui rất ý thức về điều này, hơn nữa bác Ba coi mấy đứa tui như con cháu trong nhà nên tuyệt đối không một ai nhúng chàm trong công việc này.

 Bữa nọ đã quá mười hai giờ trưa, tụi tui đang tụ tập tại nhà bác Ba để chuẩn bị làm việc khi bác Ba về tới, chờ hoài hoài thời gian cứ trôi dần, mà tin tức bác Ba vẫn bóng chim tăm cá. 

 Bổng có một viên Cảnh sát mặc cảnh phục cưỡi chiếc xe Gobel chạy vô, anh ta cho cô Ba biết chiếc xe "Bồ rô" của bác Ba gặp tai nạn ngay dốc cầu Bông Đakao , anh cho biết có chiếc trực thăng loại UH1 đang bay trên cao, không biết máy móc trục trặc sao đó đã rơi ngay xuống đường, nó đè sau đuôi chiếc Xe của bác Ba đang cầm lái, số bác Ba rất lớn , có lẻ gia đình ăn ở lương thiện hiền lành nên bác Ba chỉ xây xát nhẹ.

 Bà con hai bên đường cho là Bác Ba được Trời Phật, ơn trên che chở nên mới thoát chết một cách diệu kỳ.

                 *

  Bác Ba thoát nạn trong gang tất, bà con trong xóm đồn đãi nhờ cô Ba thành kính cúng bái Miếu Năm Bà nên được che chở...

                *

 Hơn nữa thế kỷ trôi qua, miếu Năm Bà ngày xưa vẫn còn hiện hữu, thỉnh thoảng đi ngang qua tui ngó vô ngôi Miếu ngày xưa nó có nhiều đổi thay, bà Hai giữ miếu đã thành người thiên cổ từ lâu, ngôi miếu không còn được tự tiện ra vô như ngày xưa, chủ mới đã xây tường rào và cổng kín mít, khách thập phương muốn vô đốt nhang không còn tự do như xưa, vì thời cuộc nhà Bác Ba cũng dọn đi nơi khác, và vợ chồng Bác Ba cũng không còn nữa, nhìn lại ngôi miếu hình ảnh hiền hòa của ngày xưa hiện về tui đang hoà mình vào ký ức của mình thì bị cắt ngang do một người đi bán dạo rao hàng từ cái loa phóng thanh trên chiếc xe đạp: 

 "Mời bà con cô bác xử dụng keo dính chuột, một sản phẩm của công ty công nghệ Hóa màu sản xuất, mua 5 tặng 1 mại dô mại dô".

 Nước mắt tròn tui tự dưng nhòe ra, khi nhớ lại những hình ảnh xưa cũ ở ngôi miếu này, làm tui chợt nhớ câu thơ của tiền nhân :

 " Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.

Đến nay thắm thoát mấy tinh sương.

Lối xưa xe ngựa  hồn thu thảo.

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".

     SG. 29.5.2024

No comments:

Post a Comment