Links

Sunday, May 12, 2024

Trang Nhật Ký Cho Con

 

Trang nhật ký cho con- Hoàng Thị Tố Lang

__________________________



Viết để  tặng con gái Hoàng Lan của Mẹ và   tất cả các cháu VN lạ, quen bên trời viễn xứ nhân ngày Mother day


Hoàng Thị Tố Lang




 Con yêu dấu

Mới đó mà Bố Mẹ đã ở thành phố nầy hơn 20 năm . Thành phố nơi mình tạm dung mà Mẹ hay goi là thành phố buồn . Con bao nhiêu tuổi là bao nhiêu năm Bố Mẹ rời bỏ quê nhà . Ra đi lưu lạc xứ người để làm thân lữ khách .. Bố con một đời người mà đã hai lần di tản .Từ thuở lên năm lên  sáu đã theo gia đình bỏ quê Bắc mà đi . Lũy tre làng . Giếng nước . Cầu ao chỉ còn là  huyền thoại trong những câu chuyện cổ tích xưa  . Rồi Bố con  lớn lên ở miền  Nam Tự Do chan hòa nắng ấm . Hạt cơm Sài gòn đã nuôi nấng Bố  con đến ngày khôn lớn . Dân Bắc kỳ lại nói tiếng Saigon sao thật dễ thương cùng lời ca đêm nào như ngút ngàn cả một trời tâm sự " Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ . Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu . Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời . Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa …" đã làm chao đảo tâm hồn của Mẹ - cô con gái Nam Kỳ - sau một lần tình cờ biết nhau trong buổi trại hè  của sinh viên nơi Đường Sơn Quán . Cũng là cái duyên ông tơ bà nguyệt đã định phải không con ? Và một chiều nào trên con đường Tú Xương xưa, hoa hoàng lan tỏa ngát  . Ai theo gót chân ai làm quen  để rồi sau đó Bố Mẹ  đã  nắm tay cùng nhau chung một lối về  . Suốt đời suốt kiếp . Rồi phong ba nổi lên . Rồi đất bằng dậy sóng . 30-4-75 ập đến như một tai trời ách nước . Sau bao năm trời nơi trại cải tạo . Ngày trở về, Bố con một lần nữa gồng gánh gia đình ra đi . Từ biệt quê nhà  .  Thân trai thêm một lần  lưu lạc . Cất bước lên đường . Thêm một lần  nữa đi tìm mảnh đất Tự do.

Sáng nay trong sân trường Đại Học  xứ người, nhìn con rạng rỡ súng sính trong bộ lễ  phục giữa hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp. Mẹ sung sướng biết là bao nhiêu  .Những giọt lệ rưng rưng , mừng mừng tủi tủi chứa chan một trời hạnh phúc. Ngồi một mình trong đêm viết những dòng nầy cho con mà Mẹ tưởng là đang chiêm bao . Bao nhiêu chuyện ngày qua như một cuốn phim đang trải dài trước mặt Mẹ . Từ chặng đường vượt bao biển rộng sông dài , một trời hiểm nguy để  mang con đến bến bờ tự do . Những đêm lênh đênh trên trùng dương dậy sóng  mà giữa cái sống và cái chết thật  mong manh gần  như trong gang tấc . Rồi những ngày mòn mỏi lê thê nơi trại tị nạn Mã Lai sống bằng lòng nhân đạo của Cao Ủy Quốc Tế để chờ ngày định cư nơi một Đệ Tam quốc gia  khác . Mẹ không làm sao quên được hình ảnh một người VN mình bị tụi lính Mã Lai trói như con heo bị đá lăn lóc ra sân trại để cảnh giác mọi người vì tội đêm qua anh ta đã  trèo lên hái trộm dừa trong khuôn viên trại. Đời sống ở trại thiếu thốn  . Tội nghiệp anh . Có lẽ anh thèm lắm chút miếng ăn cho nên mới làm chuyện nông nổi như thế nầy  . Thương cho dân tôi biết chừng nào  Một niềm tủi nhục pha lẫn xót xa cho thân phận những người vong quốc.

Tự do ơi Tự Do
Tôi trả bằng nước mắt
Tự Do hỡi Tự Do
Anh trao bằng máu xương
Tự Do ôi Tự Do
Em đổi bằng thân xác
Vì hai chữ Tự Do
Ta mang đời lưu vong
Nam Lộc – Xin đời một nụ cười



Cuối cùng rồi Mẹ cũng lên phi cơ về vùng đất mới . Nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ nơi đây mà hành trang là một bộ quần áo  của  cô bé học trò Mai Xuân  ngày nào, mang tặng cho cô giáo cũ mà nghẹn ngào tiễn cô đi không biết bao giờ thầy trò có lần gặp lại . Rồi  từng năm , từng tháng theo con từ những bước chân đầu tiên con e ấp đến trường . Đêm đêm Mẹ đọc cho con nghe từng trang cổ tích xưa, nào là Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc Ân , Sự tích An Tiêm và quả dưa hấu , truyền thuyết Âu Cơ  v..v  cho đến khi con thiếp đi ngủ vùi bên tay Mẹ . Mẹ lại viết cửu chương lên giấy rồi bắt con phải học thuộc lòng  để rồi mỗi ngày sau buổi tan trường con hớn hở khoe với  Mẹ rằng "con làm toán chạy hay nhứt lớp Mẹ ơi , tụi nó làm  toán không lợi con đâu nhờ con thuộc làu làu cửu chương Mẹ dạy" . Nhớ có lần con bị ban bè chọc ghẹo vì cái tên Việt Nam  xa lạ của con . Về nhà con dỗi con hờn . Con nằng nặc đòi  Mẹ đổi tên Tây cho giống người ta  . Mẹ vỗ về con biết là bao nhiêu. Mẹ nhớ hoài câu nói của Mẹ với con ngày hôm ấy "Con ơi Mẹ đã mất tất cả rồi Mẹ chỉ xin con giữ cái tên VN cho Mẹ . Con là người VN mà . Con phải hãnh diện vì cái tên VN của con mới phải"  . Con ngúng nguẩy bậm môi  khẽ nói  "Mà tụi nó make fun con". Mẹ còn nhớ buổi chiều hôm đó có con bé nào đó đến nhà mình . Thấy nó thập thò ngoài cổng rào Mẹ chạy ra hỏi nó kiếm ai . Nó nói nó looking for Cindy . Mẹ khoát tay bảo nhà nầy không có ai tên Cindy hết á . Con đứng sau lưng Mẹ từ lúc nào mà Mẹ không biết, con lên tiếng "Nó kiếm con đó Mẹ" . Mẹ giận con ghê đi . Mẹ không nói chuyện với con suốt buổi chiều hôm ấy . Sau lần đó con xin lỗi Mẹ và con hứa với Mẹ  không bao giờ con nhắc đến cái tên Cindy nữa . Sẽ không bao giờ con làm Mẹ buồn lần nữa .  Con  có còn nhớ không  ngày còn bé con thông minh lắm . Đêm nào cũng vậy  Mẹ hay đọc thơ Nguyễn Bính để ru con ngủ . Con nghe riết  rồi con thuộc lúc nào Mẹ cũng không hay. Một hôm  tình cờ nghe con đọc lại, Mẹ nghe mà Mẹ rưng rưng nước mắt  . Có lần Bác Hưng - bạn Bố Mẹ - đến nhà chơi  con thỏ thẻ nói với Bác "con đọc thơ cho Bác nghe nha". Giọng con ngọng nghịu, dễ thương làm sao !

Tết nầy em chắc không về được
Em gửi về đây một tấm lòng

Ôi chị một em em một chị

Trời làm chia cách mấy con sông

hoặc là

Em  ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em hái Mẹ già em thương

Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường xót xa

Làm Bác Hưng quay sang hỏi Mẹ "Bộ chị dạy cháu đọc sao" Rồi Bác ôm con vào lòng Bác bảo “ Con đừng đọc nữa . Bác nhớ nhà lắm . Bác khóc bây giờ đây ”. Ngày ấy . Quê người . Đất khách . Lần trở lại quê nhà biết đến bao giờ . Mẹ chỉ biết đêm đêm  mượn những vần thơ dạt dào nhớ thương để gửi gấm nỗi lòng của mình  . Rồi con đọc cả chinh phụ ngâm nữa làm Bác Hưng hết hồn hết vía luôn . Viết thơ cho Ngoại, Mẹ kể cho Ngoại nghe, Ngoại rầy Mẹ  . Ngoại bảo  Mẹ đừng đọc chinh phụ ngâm để ru con ngủ  nữa , cho con quên đi . Ngoại sợ cái cảnh trong chinh phụ ngâm lắm nỗi đoạn trường

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh 

Những chuyện nhỏ nhặt  ngày xưa bây giờ không biết con có còn nhớ không … . Thời gian ở đây qua thật nhanh quá ngày nào con còn bé tí mỗi ngày Mẹ đưa con đến trường đến lớp . Rồi  mới hôm nào đây Mẹ dự lễ  tốt  nghiệp Trung Học của con  thế mà hôm nay  trong khuôn viên Đại học nhìn con mũ áo xênh xang . Với ánh mắt tự tin . Với từng bước chân vững chãi thật trưởng thành khi con lên khán đài  chững chạc bắt tay vị khoa trưởng để nhận bằng tốt nghiệp  Cử nhân Giáo Dục. Con Mẹ đã thật sự trưởng thành . Con  gái của Mẹ lại đi  đúng con đường của Bố của Mẹ năm xưa . Con biết không Mẹ hãnh diện vì con biết là bao nhiêu . Giờ nầy con như con chim đã đủ lông đủ cánh  đủ sức một mình để tung cánh bay  vào vòm  trời  cao rộng thêng thang trước mặt,  nhưng với Mẹ con vẫn bé bỏng như  ngày nào suốt ngày làm nũng bên Mẹ . Với Mẹ , con không bao giờ lớn cả . Người Mẹ Việt Nam là như thế đấy con ơi . Cứ lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ cho mãi khi con đã thành gia thất cũng còn lo. Cứ muốn ôm con mãi trong vòng tay của mình  Đừng buồn Mẹ khi Mẹ lo lắng quá nhiều cho con làm con đôi lúc cảm thấy như mất tự do . Con có cảm tưởng con là baby dưới mắt Mẹ. Khi con đi đâu hơi khuya Mẹ  nhấc phone gọi con , nhắc nhở con về  làm con quê với bạn bè.  Con không nói  nhưng Mẹ biết con buồn, nhưng con phải thông cảm mà thương Mẹ vì Mẹ được sinh ra và lớn lên ở một đất nước chiến tranh ly loạn bên Trời Đông  kia . Nửa phần đời của Mẹ đầy dẫy những bất trắc.  Lo âu . Buồn bã . Cái gì cũng làm Mẹ lo . Mẹ sợ . Mẹ nghi ngờ . Con lại sinh ra và lớn lên bên Trời Tây  nầy . Sống trên một đất nước mà chưa một lần con nghe tiếng đại bác trong đêm như Mẹ đã từng . Chưa một lần con nghe tiếng còi hụ vang lên nửa đêm báo hiệu giờ giới nghiêm đã điểm thì làm sao con hiểu được những cái lo sợ mà đã thành cái nếp trong tâm hồn Mẹ . Ở đây xã hội phương Tây hết sức tự do và chính vì cái tự do quá trớn của nó đã giết bao nhiêu  cuộc đời của bao thanh thiếu niên cùng trang lứa như con  . Biết bao bậc phụ huynh VN dở khóc dở cười nhìn con dần dần  vuột ra khỏi tầm tay mình cho đến khi mất con lúc nào không hay . Lại có các con xem cha mẹ như những người lắm chuyện lúc nào cũng muốn chen vào đời tư của các con ư ? . Không phải thế đâu con  . Hai mươi  tuổi con nào đã lớn , con dễ lầm lạc trong giao tiếp ban bè . Mẹ cũng đã qua một thời thiếu nữ như con và đời sống xô bồ của xã hội Tây phương làm sao mà Mẹ không khỏi quan tâm  đến những chuyện tình cảm đến trong đời con của Mẹ .. Vì vậy con phải hiểu và thương Mẹ mà ráng làm sao dung hòa để đừng làm buồn lòng Mẹ . Mẹ như cây quít nơi quê nhà  năm xưa bị bứng đem đi trồng ở một đất trời xa lạ  . Cây vẫn sống nhưng đất đai quê người làm sao cho cây sai oằn trái ngọt như thuở nào còn ở quê nhà . Có khi Mẹ cao giọng với con bắt con phải như thế nầy , thế nọ làm đúng như ý Mẹ chẳng qua là Mẹ muốn con hãy giữ hoài cái khuôn phép của người con gái VN mà ngày xưa Mẹ đã từng được rèn luyện uốn nắn bởi Ngoại với  bốn chữ công-dung-ngôn-hạnh . Nói như thế không phải là Mẹ muốn con phải là mẫu người của thế hệ Mẹ   nhưng ít ra những giềng mối đạo đức , luân lý của tổ tiên ta con phải nâng niu gìn giữ  . Đi phải thưa về phải trình . Người xưa đã nói "Tiên học lễ hậu học văn" mà  . Thậm chí có lắm các con khi đã thành tài là sửa soạn đòi "move out" , để các con có cuộc đời riêng mà không bị cha mẹ quấy rầy , phiền nhiễu . Các con đã quên đi ai đã nuôi nấng các con nên vóc nên hình để có ngày hôm nay . Đừng bao giờ hất cha mẹ ra khỏi cuộc đời các con . Đừng làm cha mẹ các con tủi hờn trong cách cư xử quá đỗi vô tình của  con mình mà ngày ra đi cha mẹ các con đặt biết bao nhiêu kỳ vọng ở các con . Nói như thế không phải là Cha Mẹ  đòi  hỏi các con phải đền ơn đáp nghĩa nhưng các con có biết rằng cái thái độ đó, cách cư xử đó  không bao giờ có ở  một đứa con VN . Đó là biểu lộ sự ích kỷ, lòng vô ơn của các con đối với  những đấng sanh thành . Mẹ có xưa lắm không ? Mẹ có cổ hủ lắm phải không ? Mẹ đôi lúc cũng làm các con bực bội , phật lòng . Song con ơi đó chẳng qua là sự thương yêu lo lắng vô bờ của một bà mẹ VN . Mai này con lớn thêm hơn . Con sẽ có lần tìm về nguồn  xưa , cội cũ . Con sẽ hiểu sự khác biệt giữa  hai nền văn hóa Đông Tây  và chính các con , những đứa con VN sinh ra và lớn lên  nơi xứ người đã ít nhiều làm rạn nứt và mất dần đi những sợi dây thiêng liêng của tình mẫu tử thâm tình . Lúc dó  các con có ân hận thì tất cả đã muộn mất rồi.

Đêm đã khuya lắm rồi. Bao nhiêu dòng chữ cho con trong đêm nay như món quà thương yêu Mẹ gửi tặng con . Như chút hành trang cho con  trong ngày con thành đạt. Cầu chúc con của Mẹ thênh thang trên đường sự nghiệp . Hãy nhớ một điều rằng  : mãi mãi và suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ vẫn dõi mắt theo từng bước chân con  trên vạn nẻo đường … Thôi nhé con yêu ! Cánh con đã vững  lắm rồi, con hãy vỗ cánh bay đi . Đường công danh xán lạn đang chờ con kia . Hãy  lên đường với muôn vàn may mắn nha con yêu dấu !

Morther day 2010
Hoàng Thị Tố Lang


                                              

3 comments:

  1. Em Chúc cô Tố Lang một ngày Lễ Mẹ thật nhiều sức khoẻ như ý và niềm vui nha cô ❤️
    Happy Mother’s Day

    ReplyDelete
  2. Trúc thương
    Cám ơn em thiệt nhiều, thương chúc em một ngày lễ Mẹ thật yêu thương bên cạnh các con cùng gia đình
    Một bông hồng thật đẹp cho em hôm nay
    Happy Mother's day
    TL

    ReplyDelete
  3. bài hay,chính xác
    ở đây cha mẹ thường khổ vì con
    con quên tình cha mẹ
    Giáo dục ởđay đâ nặng về khoa học kỹ thuật nhẹ về luân lý

    ReplyDelete