Links

Sunday, June 2, 2024

Đọc Bài Thơ PHÚC CHO CON Của Nguyễn Vũ Văn -



 HỌA SĨ NGUYỄN VĂN NHỚ


1.  Phúc cho con, cầu phúc cho con.”

Đó là câu cuối cùng của bài thơ, là điệp khúc của lưu đày và tan nát. Phúc cho con nhưng ẩn tàng trong đó là khúc quanh khốn khổ bi thiết nhất của người cha, của giai đoạn lịch sử đất nước tang thương. Đó là điệp ngữ của từng đoạn thơ xé ruột, khởi đi từ tiếng nấc bi thảm của cuộc sống. Phúc cho con, hay vô phúc cho cha bởi thân xác và tinh thần cha bị xé nát, bị chà đạp xuống tận cùng. Sự thù hận của người cộng sản đã tước lột và muốn đẩy những người thuộc chế độ miền Nam xuống đời cầm thú. Nhưng họ đã không thể!

Phúc cho con! Mới đầy ba tuổi,

Giặc tuôn tràn bôi xám ngày thơ.

Bố ra đi lừa khi con ngủ,

Bảy năm dài pha loãng hình cha.



Bố lừa con để ra đi, vì không thể nhìn mặt con, bởi quá xót xa. Hình như người cha có một linh cảm gì đó. Chia ly! Bố lừa con để khỏi đau lòng. Và người cộng sản lừa bố, lừa những người chế độ miền Nam, bằng nụ cười thân thiện, lời nói ngọt ngào với tờ giấy mời đi học tập với lời hứa hẹn mười ngày sẽ trở về sum họp với gia đình. Nhưng người đi, không trở lại vì đã chết bởi đói khổ và bị hành hạ trong rừng sâu núi thẳm. Người về, như nhà thơ thì thân tàn ma dại. Một chính quyền nói là cách mạng mà bày ra những cuộc lừa dối vĩ đại. Từ lừa dối này đến lừa dối khác thì niềm tin dân chúng coi như đã bị đánh mất!

“Phúc cho con” được sáng tác sau những năm anh Nguyễn Vũ Văn trở về từ trại tù cộng sản. Bản thân người sáng tác bài thơ này là một cựu Thiếu tá Thẩm phán Tòa án Quân s với gần mười năm phục vụ dưới chế độ VNCH. Hiện giờ anh đang sống ở Oregon.

Buổi cha về lá hoa xơ xác,

Nhà toang, bếp lạnh, gió lùa tung.

Mẹ già đã khuất muôn trùng cỏ,

Bài vị chẳng buồn để ngó trông.

Xã hội xơ xác! Đời sống xác xơ, nhà hoang bếp lạnh tiêu điều! Mẹ chết mà biết bao người đã không được thấy mặt. Thảm trạng đó đâu phải chỉ riêng của tác giả bài thơ. Đó là nỗi tan nát của hàng ngàn, hàng triệu người, của toàn bộ xã hội miền Nam. Trần trụi và cay đắng từ hai chữ đổi đời. Hai chữ đổi đời đã bày ra trăm vạn điều cười ra nước mắt, kể làm sao cho xiết.

Người chồng, người cha bị đày ải trong những trại cải tạo. Một năm, ba năm, sáu năm, mười năm, mười tám năm, hai mươi năm... Không biết ngày về! Ở nhà, những đứa con thơ và người vợ trẻ bị bức bách, hăm dọa, bị dụ dỗ bằng trăm phương ngàn kế, bởi những tay cán bộ rình rập ngày đêm. Cùng đường, ngôi nhà phải hiến dâng, có khi đến người mẹ trẻ, rồi con thơ. Sống trong hoàn cảnh, chồng thì mù mịt trong trại tù. Nhà thì bị tước đoạt. Bản thân mẹ con lấy đâu chỗ ở. Ngày đêm uất nghẹn giữa lũ người lang sói, người mẹ trẻ ôm con vào vùng núi xa với giải đất khô cằn. Không trường học, không bệnh xá, sống trơ trọi với ít người. Đó là vùng kinh tế mới. Oan nghiệt đâu chỉ một gia đình. Mà nghiệt oan ngút trời của cả miền Nam.

Cha về đâu có hơn ngày trước

Bữa cơm bữa cháo bữa khoai lang

Ngày Tết đến buồn bàn thờ tổ,

Đón Xuân về một đĩa xôi vàng.

Ngày Tết về trên bàn thờ tổ một đĩa xôi vàng là quá ư mãn nguyện. Đằng sau “phúc cho con” là ẩn giấu tất cả những gì bi thiết, thảm sầu nhất trong một xã hội đảo điên. Giặc xé tình cha con. Mà xót xa ở đây, giặc là anh em cùng quốc tổ. Giặc tràn vào, đời sống con thơ đều bị bôi xám. Cha lưu đày, gia đình tan nát. Cái đói và nỗi ám ảnh tù đày, phá nát gia can. Những cái gì súc vật đòi hỏi thì lại trở thành nhu cầu bức thiết đối với con người. Có thể nói, đó là những năm mà dân tộc Việt bị khốn cùng nhất trong lịch sử. Đời sống bị đọa đày còn hơn trong những giai đoạn dân tộc bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm. Toàn bộ đất nước, nhất là miền Nam bị dày xéo xuống địa ngục có thật bởi chủ nghĩa giết, thắt bao tử và bỏ tù.

Giết, giết nữa bàn tay không phút ngh

Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong” (Thơ Tố Hữu).









Thật khủng khiếp! Nền chính sự hà khắc còn hơn cọp dữ. Trại tù mọc lên như nấm. Hằng triệu người cùng đường đã phải tuôn ra biển, vượt biên tị nạn. Hàng ngàn người chết chìm trong lòng đại dương, hay bị hải tặc hãm hiếp vất thây xuống biển. Không thể thoát bằng đường biển thì xẻ đường vào rừng sâu, tìm đường vượt thoát khỏi quê cha đất tổ. Phần đông chết trong rừng. Người ở lại đói khổ, ăn thức ăn của súc vật, củ mì, bo bo, da xanh hơn tàu lá. Nhớ lại câu thơ mấy chục năm về trước, một thi sĩ miền Bắc đã ghi, đến bây giờ vẫn còn hiện thực:

“Tôi bước đi không thấy cửa thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, hoặc

“phân người đầy vỏ khoai tím đỏ” (Thơ Trần Dần).

Ôi! Thảm sầu và oan nghiệt chất chồng như núi. Ai oán, đau khổ nào cao hơn nữa của đất mẹ Việt Nam. Sau bảy năm, ra khỏi trại tù nhỏ, anh Nguyễn Vũ Văn lại phải tiếp tục quằn quại giữa trại tù lớn; tiếp tục bơ vơ giữa đời dâu bể:

Phúc cho con! Tình người bèo bọt,

Bể dâu này đoàn tụ như mây

Cơn nắng quái lùa cha bước nữa,

Nào cơm hàng nào cháo chợ vay,



Cha về nhà rồi. Nhưng những oan trái của gia đình lại tiếp diễn, một lần nữa đánh bật cha ra khỏi ngôi nhà của mình, lùa cha vào cơn nắng quái. Bi thiết nhất là:

“Con chim có tổ, con chồn có hang, con người thì không nơi gối đầu”.

Sống giữa quê hương mà tối biết đâu là chỗ ngủ! Bởi chế độ kiểm tra khắc nghiệt về cư trú. Không hộ khẩu, không tạm trú, tạm vắng là phải bơ vơ, bản thân nhà thơ trở lại kiếp lưu đày.

Ngày rong ruổi chiếc xe èo ọt,

Bánh xe lăn từng khúc ruột sa.

Tối phân vân biết đâu chỗ ngủ.

Đất mênh mông sao sót mình ta.

Trong cuộc bể dâu đoàn tụ với người thân mà như mây trôi bèo nổi. Như một người mẹ, Nguyễn Vũ Văn thai nghén đứa con tinh thần của mình từ nỗi đau cùng cực. Qua bài thơ “Phúc cho con” người đọc càng thấm thía với tâm tư của tác giả. Người đọc cần tri âm đối với thi sĩ. Không có tri âm, thơ đến với ai?

Cuộc sống biến đổi giữa nhịp sống vô thường. Người đọc xin ngược dòng thời gian để chia sẻ một ít về đời sống riêng tư của tác giả bài thơ “Phúc cho con”, để cảm thông, bởi sự đổi đời đã băm nát cuộc đời tác giả. Anh Nguyễn Vũ Văn là một người có tên tuổi của thủ đô Sài Gòn trước 1975. Tốt nghiệp một lúc hai văn bằng đại học Luật khoa và Văn khoa. Anh là vị Thẩm phán Quân sự trẻ của chính quyền VNCH. Một thời oanh liệt, là người có tên tuổi danh phận trong xã hội thời bấy giờ. Anh đã có những bài viết nhận định về văn học và thời cuộc rất sắc bén. Anh đã một lần đi suốt khắp miền Nam tự do để vận động cho liên danh ứng cử Thượng Viện của mình. Liên danh Bông Lúa, với nhiều vị tên tuổi trong đó có anh Nguyễn Vũ Văn và nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Cuộc chiến tranh tương tàn do miền Bắc cộng sản gây ra đã mang đến bao nhiêu là bất hạnh! Cuộc đời sau 1975 là sự tan nát lớn nhất trong lịch sử dân Việt. Đằng sau bài thơ là nỗi bi thảm lớn, bởi sự trả thù quá ư bất nhân của những con người cộng sản. Một trong những sai lầm lớn của người Mác xít Việt Nam là quyết giết những tài năng và phá nát gia đình của quân cán chính miền Nam. Tất cả bi thương ai oán, anh Nguyễn Vũ Văn đã ôm hết vào lòng.

2.  Anh giải thoát ra khỏi cuộc đời bằng thi hứng tuôn tràn từ nỗi khổ đau: Lưu đày, tai ương, đói khổ, chia cắt, tan nát, hận thù. Nghiệt oan này nối kết nghiệt oan kia. Rồi anh lại nhận thêm một bất hạnh lớn lao:

Con chết!

Con nằm đó cứng đờ hận tủi

Rượu sao mềm lòng đã hóa vôi

Lệ cha nhỏ xuống hồn phiêu bạt

Con khóc òa một bụng máu tươi.

Ôi trời ôi! Oan trái này lịch sử có hay! Cái chết tức tưởi của con là nỗi ám ảnh khôn nguôi của cha mẹ.

“Con nằm đó cứng đờ hận tủi”.

Vì cha không thể chở con đi nhà thương. Bởi không có thuốc cho con “sĩ quan ngụy”. Cứng đờ cho nên phải bóp rượu, nhưng không hiệu quả. Gan ruột cha xé ra thành giọt lệ, nhỏ xuống người con. Trong hiển linh tiếng khóc con nấc lên, òa  ra bụng máu. Máu con là máu cha. Con nhắm mắt qua đời, mới mười sáu tuổi.

Tiếc chi thân xác bụi trần đó

Đốt cho con một đám củi vàng

“Phúc cho con” là tên bài thơ và cũng là nhóm điệp ngữ lập đi, lập lại suốt bài thơ. Phúc là điều hay, điều tốt, nhưng sao nghe quá xót xa. Bài thơ đã cảm xúc tôi thật mạnh. U uất, cay đắng! Trong suốt thời gian dài, tôi đọc đi, đọc lại. Hình như nó giải tỏa cái gì đó trong tâm thức tôi. Trong tận cùng cõi lòng tôi, không ngưng niềm xúc động. Tôi thích vẽ và thơ. Thói quen của tôi khi đọc bài thơ nào hay là tôi cất giữ, gối đầu giường. Lâu lâu đọc lại. Cũng như họa phẩm. Với tôi, bài thơ hoặc tấm tranh nào lâu lâu xem lại, qua trắc nghiệm với thời gian mà nó vẫn rung động và vẫn còn thích thú là tôi thấy có giá trị. “Phúc cho con” nằm trong trường hợp đó. Tôi nhớ lại, một lần vào nửa đêm, tôi thức giấc và đã đọc lại nhiều lần:

Tiếc chi thân xác bụi trần đó

Đốt cho con một đám củi vàng

Lòng ta phực cháy trong giông lửa

Khóc gọi tên con khắp địa tầng

 

Này đây một nắm tro xương ấm,

Sao xót xa nghẹn máu trong tim

Bao tục lụy vun đầy một hũ

Cũng đành thôi một kiếp tử sinh

Tôi cảm nhận người thơ quá não nề, cay đắng. Tất cả xúc động mạnh từ “Phúc cho con” truyền qua tôi. Tôi không chịu nổi. Tôi cần được chia sẻ, nên sáng hôm sau tôi đã gửi e-mail đến anh Nguyễn Vũ Văn. Tôi thưa với anh đôi dòng. Và tôi muốn viết để chia sẻ về bài thơ. Anh trả lời ngắn gọn: “Anh thích, xin cứ tự nhiên”. Và mời tôi rảnh rỗi thì đến nhà anh tâm sự.

Đọc thơ là đi vào thế giới riêng tư, lạ lẫm trong tâm can của tác giả. Với tôi thế giới của thơ làm giải tỏa cho mình những bế tắc sâu kín trong tâm hồn. Thật hạnh phúc cho ai đã trải lòng đến với thơ. Cõi lòng kiêu mạn, cũng như những con người vô cảm thì khó mà gần gũi được với thơ. Không chân thành mở lòng, mở cái thi tâm để đọc thì khó chia sẻ nỗi cảm xúc thâm sâu với thơ và nội tâm tác giả. Tôi thật sự sung sướng, bởi “Phúc cho con” đã xâm chiếm tâm hồn tôi. Thi tâm của anh Nguyễn Vũ Văn chân thành. Tài năng và thi pháp của anh vững mạnh. “Phúc cho con” là một bài thơ khá dài. Dòng thơ bảy chữ. Khổ thơ bốn câu. Ba khổ một đoạn. Bài thơ sáu đoạn. Đoạn sáu là kết, chỉ có một câu:

“Phúc cho con, cầu phúc cho con”.

Chữ “phúc” là trung tâm để cảm thụ và khắc họa tâm trạng của nhân vật cha và con:

Bố nhớ con một niềm u uất

Chẳng về thăm hai bàn tay không

Khác chi năm trước cha đày đọa

Tựa cửa nhìn ra, con có mong.

Anh đã tốt nghiệp đại học Luật khoa và Văn khoa Sài Gòn. Là người thích nghiên cứu và viết tiểu luận về nghệ thuật thơ. Những năm tháng trong trại tù cải tạo, anh có duyên sống và trao đổi nhiều về thơ với những nhà thơ hiện đại tên tuổi như Tô Thùy Yên và Hà Thượng Nhân. Anh đã nhiều lần bút chiến về thơ trên những diễn đàn văn học ở Hoa Kỳ, nên kỹ thuật thơ anh thâm sâu, vững chắc. Anh có nhiều mặt mạnh: Một cuộc sống dạn dày bất hạnh đã tạo nguồn thơ; tầm hiểu biết về kỹ thuật thi ca và một tấm lòng cảm xúc sáng tạo. Từ ngữ của anh dùng bình thường, nhưng cấu kết thành ngôn ngữ mới lạ. Anh làm mới ngôn ngữ. Tôi thích những chữ anh làm mới ý nghĩa như: bôi xám ngày thơ/ pha loãng hình cha/ khuất muôn trùng cỏ/ đoàn tụ như mây/ Bánh xe lăn từng khúc ruột saSự làm mới ngôn ngữ là sức sống mãnh liệt trong thơ của anh. Tất cả tạo ấn tượng mạnh nhờ hình tượng thẩm mỹ mới mẻ rung động. “Phúc cho con”đã vượt qua thơ mới bởi cách tân ngôn ngữ. Ý thơ mới lạ . Anh thay đổi cảm nghĩ. Đau khổ nhưng không sướt mướt. Cảm xúc dằn vặt khắc khoải, nhưng hòa trong hơi thơ và âm điệu rời rạc, trầm buồn, đều đều như nhịp kinh, tiếng mõ cho nên người đọc có cảm giác rung động hồi sinh.

Phúc cho con! Hư vô một cõi

Cảnh chùa đây con hãy làm quen

Ngày vui câu tụng tâm thanh tịnh

Đêm gối đầu trên những cánh sen.

Phúc cho con kết hợp giữa tâm cảnh bế tắc với hiện thực của người cha cùng quẫn, khốn khó và lưu đày; lại nhận thêm hung tín một sớm: Con chết. Nguồn đau thương cao ngất, dàn ý xuống “Phúc cho con” bằng sáu mươi mốt câu thơ, bảy chữ. Ngôn ngữ xem qua như lặng lẽ, nhưng ý không thường, bởi nhà thơ dày dạn trong nghệ thuật sáng tạo. Nó có năng lực rung cảm rất lạ. Đó là giá trị của nghệ thuật thơ của anh Nguyễn Vũ Văn.

3.  Vào một buổi sáng, tôi đã đến thăm anh. Có thể nói thơ đã dẫn tôi đến với anh. Năm nay anh Văn trên thất thập, nhưng dáng người còn trẻ. Anh chuyện trò vui vẻ, bình thường như không có một chuyện gì đi qua đời anh. Anh có thêm niềm vui từ hai cô con gái xinh xắn hiền dịu, đang học Nha khoa và Dược khoa. Anh nói, anh đã bỏ viết rồi. Nhưng tôi thúc, anh sẽ cố gắng viết lại. Nghe anh nói, lòng tôi thật sự xúc động và hạnh phúc. Anh thích nông dân, tâm hồn nông dân chất phác như thơ. Anh tâm tình: Anh là tác giả, đã soạn thảo luật “Người Cày Có Ruộng”, sau đó đệ nạp lên Thượng Nghị viện dưới tên của ba Thượng Nghị sĩ Nguyễn Văn Ngải, Phạm Nam Sách và Nguyễn Văn Mân. Sau đó được Phủ Tổng thống soạn lại, Quốc hội thông qua và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành ngày 26 tháng 3, năm 1970. Đạo luật được ban hành chỉ sửa khoảng chừng 10% so với bản dựluật ban đầu của anh Nguyễn Vũ Văn soạn thảo. Và trong niềm chia sẻ những chuyện đời thường, anh đã đưa tôi xem rất nhiều sách giáo khoa Anh ngữ. Trong đó có khoảng mười sáu đầu sách, anh đã soạn để các trường ở Saigon giảng dạy vào khoảng giữa năm 1992-1993, khi anh ở tù về. Đó là niềm vui và nguồn sống của anh.

Thơ và con người Nguyễn Vũ Văn quyện chặt với nhau. Anh sống với chất thơ. Nguyễn Vũ Văn đã làm thơ từ năm 1957, nhưng chỉ làm rất ít. Anh đã đăng tải thơ của mình trên các Tạp chí Thế kỷ 21 (Westminter, CA), Phố Văn (Garland, TX), Văn (San Jose, CA). Bây giờ anh vẫn còn làm thơ. Với tuổi đời trên 70. Tôi nghĩ anh yêu thơ thực sự. Thơ anh cô đọng, hàm súc, và bàng bạc tính nhân đạo nên đã nâng cao tâm thức của người đọc. Bài thơ “Phúc cho con”anh viết cách đây gần 25 năm, mỗi khi đọc lại, người đọc vẫn có cảm xúc như mới đọc lần đầu. Điều đó khẳng định bài thơ tồn tại và sống mãi. Người thích thơ không thể nào lãng quên nó. Tài năng và lương tâm của anh thể hiện chân thành trong sáng tạo. Mà chân thành khi sáng tạo là cốt tủy của thi tâm.

Thơ là ngôn ngữ lạ, là ngôn ngữ của cảm xúc, cho nên khi người đọc nghiền ngẫm thơ với khả năng cảm thụ cao. Tôi nghĩ người yêu thơ sẽ nhận ra ở “Phúc cho con” đầy cảm xúc chân thành bởi chất liệu bi tráng của cuộc đời. Cả bài thơ rờn rợn, uất nghẹn. Chữ “phúc” ám ảnh lạ lùng. Con chết mà phúc. “Phúc cho con! Tin hung một sớm”. Có nỗi xót xa, đau đớn nào hơn nữa hay không? Chết là tai họa là nỗi bi thảm tột cùng. Nhưng ở giai đọan khúc quanh này của đất nước, chết lại là điều phúc. Thế thì còn gì đau khổ hơn, nghẹn ngào hơn nữa cho một dân tộc. Thi pháp của Nguyễn Vũ Văn đầy hình tượng, ngôn ngữ mới, nhạc điệu và đầycảm xúc v.v… Người yêu thơ vui vì đã phát hiện được hạt minh châu “Phúc cho con” lấp lánh, tỏa sáng để người đọc nhớ mãi khúc quanh bi thảm của một cuộc đời mà ở đó ẩn tàng những gì tang thương của dân tộc. “Phúc cho con” sẽ sống mãi trong dòng văn học Việt Nam, mà chắc chắn nhất là trong dòng văn học VNCH.

“Phúc cho con! cầu phúc cho con.”

Mong ước người đọc lắng lòng, và tiếp tục cầu:

Phúc cho Dân tộc Việt Nam.


 






 Họa sĩ Nguyễn văn Nhớ

Portland Oregon.

 

----------------------------------------

 

Nguyên tác bài thơ

 

Phúc cho con

Cho Anh Vũ

 

1.

Phúc cho con! Mới đầy ba tuổi,

Giặc tuôn tràn bôi xám ngày thơ.

Bố ra đi lừa con khi ngủ,

Bảy năm dài pha loãng hình cha

 

Buổi cha về lá hoa xơ xác,

Nhà toang, bếp lạnh, gió lùa tung.

Mẹ già đã khuất muôn trùng cỏ,

Bài vị chẳng buồn để ngó trông.

 

Cha về đâu có hơn ngày trước,

Bữa cơm bữa cháo bữa khoai lang

Ngày Tết đến buồn bàn thờ tổ,

Đón Xuân về một đĩa xôi vàng.

 

2.

Phúc cho con! Tình người bèo bọt,

Bể dâu này đoàn tụ như mây...

Cơn nắng quái lùa cha bước nữa,

Nào cơm hàng nào cháo chợ vay.

 

Ngày rong ruổi chiếc xe èo ọt,

Bánh xe lăn từng khúc ruột sa.

Tối phân vân biết đâu chỗ ngủ,

Đất mênh mông sao sót mình ta.

 

Bố nhớ con một niềm u uất,

Chẳng về thăm hai bàn tay không.

Khác chi năm trước cha đày đọa,

Tựa cửa nhìn ra, con có mong?

 

3.

Phúc cho con! Tin hung một sớm,

Con giã đời từ lúc ngủ say.

Mười sáu tuổi mà cho cũng đủ,

Đơn côi này con đã phủi tay.

 

Những tưởng rồi ra con hùng vĩ,

Ngờ đâu suối lại chẳng thành song

Trách chi con phụ công sinh dưỡng,

Trời sao đành sập núi nên đồng.

 

Con nằm đó cứng đờ hận tủi,

Rượu sao mềm lòng đã hóa vôi.

Lệ cha nhỏ xuống hồn phiêu bạt,

Con khóc oà một bụng máu tươi.

 

4.

Phúc cho con! Bao người đưa tiễn,

Này thầy này bạn này người thân.

Này đồng huyết mạch đầu khăn trắng,

Này cha này mẹ lệ muôn dòng.

 

Nằm chi con nấm mồ lạnh lẽo,

Rồi ra thịt rữa dế kêu than.

Sớm khuya hoang vắng ai nhang khói,

Lời kinh ai tụng con lên đàng.

 

Tiếc chi thân xác bụi trần đó,

Đốt cho con một đám củi vàng.

Lòng ta phực cháy trong giông lửa,

Khóc gọi tên con khắp địa tầng.

 

Này đây một nắm tro xương ấm,

Sao xót xa nghẹn máu trong tim.

Bao tục lụy vun đầy một hũ,

Cũng đành thôi một kiếp tử sinh.

 

5.

Phúc cho con! Hư vô một cõi,

Cảnh chùa đây con hãy làm quen.

Ngày vui câu tụng tâm thanh tịnh,

Đêm gối đầu trên những cánh sen.

 

Nơi quán lú quên đi mộng mị,

Hồn sơ sinh mãi mãi ngu ngơ.

Như chưa lặn lội nơi trần thế,

Cũng chẳng thăm ai trong giấc mơ.

 

Duyên kiếp này vốn không tự chọn,

Thì đứng ngoài tìm cõi vui chơi.

Tiên cảnh bồng lai mây đưa lối,

Thời gian ngưng đọng dấu chân đời.

 

6.

Phúc cho con, cầu phúc cho con!

 Nguyễn Vũ Văn

 

 

 

No comments:

Post a Comment