--------------------------------------
HỌA SĨ NGUYỄN VĂN NHỚ
Tôi tâm tình về thơ và gần gũi với anh Tâm Nguyên từ nhiều năm nay. Anh là người chân phương, hiền hậu như thơ anh. Anh làm thơ âm thầm như chỉ để riêng cho anh, để tự giải tỏa lòng mình nên thơ chân thành, lặng lẽ, nhưng lại thiết thân như hơi thở của chính anh.
Thi phẩm “Giữ thơm hương gió biển” của Tâm Nguyên, gồm trên bảy mươi bài thơ về biển. Tôi đọc tới đọc lui thi phẩm đó nhiều lần. Sau một thời gian lắng nghe, lặng yên để cảm nhận và tưởng nhớ liên tục. Tôi bắt đầu thuộc và ngâm nga một số thơ anh. Thơ anh thành thật, giản dị nhưng đầy truyền cảm nên dễ nhớ.
(…) Vì năm tháng như bọt bèo sóng gợn
Lan giá băng tận ngõ ngách tâm hồn …
( Những điều không muốn)
Cách đây mấy hôm, xem lại tập thơ anh, lòng tôi chợt chùng xuống trên dòng chữ với lối nhân cách hóa đầy biểu cảm, ray rức và xót xa : “mặt biển buồn như biết nhớ người.” Mặt biển vô tri vô giác mà biết buồn, mà biết nhớ người, thì chỉ có thi sĩ mới nghĩ ra. Thi hào nguyễn Du cũng có thơ: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Trong khoảnh khắc xúc cảm lạ lùng đó, tự dưng tôi chợt nhận ra là có một cái gì đồng cảm với thi nhân.
(…) Biển cả em ơi!
Muôn đời tráng lệ
Mà muà xuân nhân
thế phải qua đi
Nỗi buồn nào nhỏ giọt xuống bờ mi
Làm tan chảy một khung trời Biển mộng…
( Những điều không muốn)
Trong lời giới thiệu tập thơ, nữ sĩ Song Thi đã viết: “Thơ Tâm Nguyên là không vui , nhưng đầm ấm, chất chứa và dự đoán… “ Nữ sĩ tin “một ngày gần đây, giữ thơm hương gió biển hiện diện trên thi đàn, Tâm Nguyên sẽ còn gặp nhiều, nhiều người đọc, nhiều người yêu thơ sẽ hân hoan đón nhận Thơ Tâm Nguyên trên cùng một tầng số: Yêu biển. “
Đúng ! cho đến hôm nay đã có nhiều người trên cùng tầng số đó. Và trong đó, có tôi.
Tập thơ xuất hiện đã lâu, từ năm 1995. Trong lời nói đầu tác giả đã ghi: “Cho đến muôn đời, tôi vẫn cứ nhớ ơn người cha yêu dấu cuả tôi đã có một quyết định dứt khoát sớm đưa mẹ tôi và tất cả anh chị em chúng tôi về sinh sống tại Hòn chồng Nha trang. Chúng tôi lớn lên tại đó. Tôi yêu biển với tất cả tấm lòng.”
Thì ra! Mạch sống và mạch nguồn thơ của Tâm Nguyên là ở đây:
(…) Biển cả ghê hồn cơn vắng lặng
Chiều cứ vô tình thong thả trôi
Và đời hờ hững không ai thấy
Mặt biển buồn như biết nhớ người*
(Biển chiều Thu)
Anh Tâm Nguyên thích đọc và viết những dòng thơ dễ hiểu, không bí hiểm, nhưng ngôn ngữ đầy âm vang và cảm xúc ; có thể dễ dàng nhận ra hơi thơ của
anh như là nối tiếp nguồn thơ mới của Việt
Nam. Nguồn thơ đầy mộng ảo, chủ yếu về tâm tư tình cảm để phô bày những cảm nghĩ chân thực nhất. Như thi sĩ Xuân Diệu, hai chân bám đất mà hồn thì “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” Còn Hàn Mặc Tử thì: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho.” Thi sĩ nghĩ
đến cuộc đời là thế đó. Sắc sắc không không. Hiện thực như là ảo mộng và ngược lại. Ở Tâm Nguyên, mặt biển buồn, vì từ đáy sâu của đại dương giống
như đáy sâu tâm hồn mình, ở đó chứa chan bao nhiêu hình ảnh của cuộc đời.
Biển vẫn âm u, ngàn đời bí mật
Ôm ấp trong lòng những ước vọng xa xăm(…)
( Biển cả đêm khuya)
Biển Nha trang là thi ảnh chập chờn theo nhịp đời nổi trôi của thi nhân. Sóng trắng xóa chập chờn, như em khói sương mơ màng ẩn hiện. Biển là Em. Em là Biển. Mà: Em cũng chỉ là Em thế thôi. Người Em sầu mộng của muôn đời ( lời trong một bản nhạc. Biển và Em cũng chỉ là dòng thơ sầu mộng. Thi sĩ nghĩ mà! người thường thắc mắc làm chi. Xin “vô tư” mộng mơ và nức nở cùng thi sĩ.
Anh không muốn tình em là biển rộng
Sóng xa bờ ôm ấp kéo tàu đi
Buổi hoàng hôn còi nức nở chia ly
Làm ướt đẩm trái tim trong nước mắt (…)
( Những điều không muốn)
Trái tim trong nước mắt…bởi tâm hồn ôm ấp nỗi vô vọng điệp trùng. Nhưng dù có chán chường thất vọng, anh không thể không nghĩ về…nghĩ về sẽ bớt quạnh hiu, lòng sẽ ấm lên trong mùa đông lạnh giá
(…) Ôi! đôi lúc trên bãi đời quạnh quẽ
Em cũng về, dù chỉ thoáng cơn mơ
Trời bỗng sáng trong mùa đông lạnh gía
Làm quên đi ngày khắc khoải mong chờ.
(Tàu về bến cũ.)
Hớp cùng anh, ly đời rượu mặn
Chia cho nhau những cuộc vui buồn
Để ngày mai biển đời xa vắng
vẫn còn đợt sóng nhớ trào tuôn…..
(Chia sớt cho nhau.)
Những câu thơ này anh viết từ năm 1968. Đã 42 năm, nghĩa là gần nửa thế kỷ, nhưng khi đọc lại tình cảm vẫn dạt dào, vẫn réo rắt tâm can. Với tôi, thơ như thế là hay bởi nó đẹp, truyền cảm, rung động, nên tồn tại trong lòng người.
Ở “Giữ thơm
hương gió biển” thì quá nhiều điều để nói. Vì anh là cựu sĩ quan CTCT/ QLVNCH, đã đi học ở Mỹ trước năm 1975. Và sau 1975 là một tù nhân cải tạo lâu năm ở đất Bắc. Cuộc sống
gian khổ, tận cùng đáy điạ ngục đã hiển hiện nhiều trong
thơ anh. Tập thơ đã gây xúc cảm cho nên nữ sĩ Tuệ Nga đã tặng anh bài thơ lồng vào đầy đủ những tên bài thơ mà anh sáng tác trong “Giữ thơm hương gió biển”.
Trong bài viết hạn hẹp này người viết chỉ cảm ghi
một số ý, cảm xúc bắt nguồn từ bảy chữ: mặt biển buồn như biết nhớ
người. Như chị Song Thi đã nói: “Thơ Tâm Nguyên
không vui, nghĩa là buồn”. Mà buồn là đúng thôi! Thi sĩ có ai vui bao giờ.
Thơ là thẩn trong hang cùng ngõ thật.*(4) Cho nên biển rộng, buổi hoàng hôn, sóng xa bờ ôm ấp kéo tàu đi là hiện thực. Còi nức nở chia ly. Làm ướt đẩm trái tim trong nước mắt, tất cả nỗi đau đớn, xót xa đó là hiện thực và cũng là mộng ảo. Vì biết đâu, đó chỉ là nức nở, đau khổ của thơ. Thơ
là bà phù thủy của khổ đau và hạnh phúc. Người làm thơ cần biết cám ơn người em sầu mộng. Em sầu mộng là nguồn thơ, là trăng xanh huyền ảo của cuộc đời. Nhưng, Em là người không bao giờ ta gặp, Mới là người ấp ủ ở trong tim.
( Thâm Tâm). Anh ấp ủ em nên thơ ra đời. Giờ chia ly nức nở xót xa đã nhập vào đời anh. Thơ là chiếc cầu hôn phối giữa hiện thực khổ đau và mộng ảo, tất cả làm ướt đẩm trái tim anh .
(…) Người đi, người đi mau
Biển ngàn năm còn đó…
(Vĩnh cửu.)
Biển còn đó, nhưng ngay
cả biển cũng chắc gì đã muôn đời vì những gì có hình thì có hoại. Còn em thì ẩn hiện: đi, ở, rồi về. Về rồi cũng chỉ là thoáng hiện.” Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mưa …” (Quang Dũng)
Thơ tồn tại đã làm cho em hiện hữu, như đi bên cạnh cuộc đời…. Bờ cát trắng ở biển Nha trang. Dấu chân em… dẫm lên khi thân tôi
làm cát. Bởi từ thuở hoang sơ thi ca đã phải kêu gào. Và anh đã
không giữ bí mật được, rồi cũng phải làm thơ, như Hàn Mặc Tử đã viết trong lời tựa của
tập Thơ Hàn Mặc Tử:
“Tôi làm thơ?
Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.
Và nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.
Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào tiếng rú… Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?” ( Hàn Mặc Tử viết: Tựa / Thơ Hàn Mặc Tử.)
Đối với thi nhân trong những khoảnh khắc xuất thần bất cứ sự việc, sự vật
nào cũng có thể bất ngờ trở thành linh diệu .
Bước nhẹ em ơi ! lên bờ cát trắng
Kẻo vô tình dẫm nát trái tim tôi
Từ thuở hoang sơ cho
đến vạn đời
Trời đày ải tôi mang thân làm cát (…)
( Lời than biển cát.)
(…) Từ muôn thuở, trong biển đời cuồng vội
Sóng bạc lòng, đưa nhịp sống qua mau …
(Lượng sóng và đời người.)
Anh Tâm Nguyên là một tín hữu Tin lành. Như hoạ sĩ Van Gogh, người bố muốn con mình trở thành mục sư nhưng Van Gogh đã chọn con đường hội họa để hiến dâng với Đất Trời. Hết lòng vẽ rồi tự bắn vào mình, chết khi tuổi đời còn quá trẻ, 37 tuổi. Tâm Nguyên từ huyết thống, từ cụ cố, từ thân phụ nhà thơ là mục sư. Thân sinh đã muốn anh trở thành mục sư nhưng anh tự cảm
thấy mình không có ơn kêu gọi, bởi đó là một Thánh chức cao cả, nên thôi. Với thơ, Trời đã chọn ai đó để kết hôn thì phải làm thi sĩ, dù dẫu có thân tàn ma dại như Hàn Mặc Tử .”
Thân tàn ma dại đi rồi .
Rầu rầu nước mắt bời- bời ruột gan” (Muôn năm sầu thảm. HMT ) .
Không thành mục sư nhưng anh sống trọn vẹn với đạo, chất đạo đã nhập vào trong huyết quản và đời sống, nên cảm quan về thơ, ngay cả tình yêu cũng hiền lành độ lượng.
(…) Thà cứ sống với tâm hồn chân thật
Không dễ gì đâu một sớm đổi thay
Không hiểm độc như biển đời nổi sóng
Để khỏi bận lòng khi biển dứt cơn say…
(Biển cả vô tình.)
Thành thi sĩ là duyên kỳ ngộ, muốn hay không muốn cũng không được. Bởi tận đáy lòng có điều u uẩn nên Trời Đất cho nàng thơ đến để giải thoát cho anh, bắt ai đó làm thi sĩ. Anh
là người sống bằng đức tin với đạo, cho nên những gì thể hiện trong đời sống ngay cả trong tình yêu cũng nhẹ nhàng và đẹp, trân trọng và thủy chung. Em trong “Giữ thơm hương gió biển” hiển hiện mặn nồng, sâu sắc tình yêu mà không
là tình ái, vì không có thịt da, không có bàn tay vuốt ve và nụ hôn trai gái. Ở đó không phải ái tình vì không có khổ đau và hạnh phúc, chỉ sớt chia vui buồn mộng ảo của một kiếp người.
Em là biển là thơ là đợt sóng nhớ trào tuôn buâng quơ mà vĩnh cữu.
(…) Chia cùng anh, chén đời vị mặn
Lúc buồn vui, khắng khít nhau nhiều
Không xa cách dù đời quên lãng
Sóng vẫn rền khúc hát thương yêu….
( Chia sớt cho nhau.)
Anh Tâm Nguyên làm thơ,
nhưng không biết gọi anh là gì, bởi anh không muốn gọi mình là thi sĩ. Với anh, có thể hoài vọng và tuyệt vọng đã xé rách nỗi niềm câm lặng để thơ ra đời.
Như Phạm công Thiện viết trong Khơi mạch
nguồn thơ. Thi sĩ Seamus Heaney. Giải Nobel Văn chương 1995. (Viện Triết Lý Việt Nam Và Triết học Thế giới California Hoa Kỳ 1996.)“Thơ vốn là tinh tuý của ngôn ngữ loài người, hiểu lạ thường
như thế, có thể cho rằng tất cả mọi
người đều làm thơ, ít nhất đôi ba lần trong đời, hoặc âm thầm hoặc thành tiếng vào những hoàn cảnh bất ngờ, khi bị
hất ra ngoài đời sống thường nhật,
như những lần đối mặt với tình yêu, với cái chết, với sa mạc và sự im lặng, vơí cái bí mật của sự vật và sự việc, với sự đìu hiu tiêu sái của thế giới hoặc vơí sự sung mãn của vạn tượng hoặc với bao hoài vọng cùng tuyệt vọng của tiếng nói hiện hình qua sự xé rách nổi niềm câm lặng nào đó. Làm thơ,
vì Thơ là hành động thuần túy, dẫn đầu tất cả hành động.”
Hành động của Tâm Nguyên ở đây là lay thức hồn băng giá…
(…) Bên bờ cát trắng biển nằm yên
Mơ màng trong giấc ngủ triền miên
Không ai lay thức hồn băng giá
Dù chỉ đôi làn gió thoảng lên…
(Biển chiều thu.)
Hồn đã giá băng giữa thế thái nhân tình…đời sống anh nhẹ nhàng đóng kín. Anh muốn đóng kín cuộc đời chỉ âm thầm nói lên thành thật khẩn thiết với con người trong khát vọng của mình qua nàng thơ
(…) Biển cả em ơi!
Muôn đời tráng lệ
Mà muà xuân nhân
thế phải qua đi
Nỗi buồn nào nhỏ giọt xuống bờ mi
Làm tan chảy một khung trời Biển mộng…
( Những điều không muốn)
Tôi đồng cảm và cám ơn ý tưởng này, Phạm Công Thiện viết : “Mỗi lần thấy khác hẳn, tôi đọc đi đọc lại 108 lần bài thơ Undine của Seamus Heaney, cũng như đọc lại 108 lần 10 trang cuối chương IV của Truyện
A Portrait of the Artist as Young Man của James Joyce để hưởng cho trọn vẹn sự
linh ứng thơ mộng của sự linh hiện (epiphjany), của”sự xuất hiện bất ngờ thình lình của linh sự “ rực rỡ…. (7) Tôi nghĩ nhiều đến đoạn này, mỗi ngày đến với Thi ca, tâm hồn mình như thăng
hoa, biến chuyển.
Thi ca như pháp môn tu luyện để làm tiêu ma cái tiểu ngã cá nhân mà hoà nhập vào cái đại ngã của Đất Trời
Vũ trụ, của Con người. Cũng từ ý : Mỗi lần thấy khác hẳn, tôi đọc lại 108 lần bài thơ Undine của Seamus Heaney…” Đọc lại 108 lần…
Đúng tôi đã đọc qua con số đó và tôi sung sướng chợt ngộ ra rằng, tại sao tôi lại nhập hồn dễ dàng vào những dòng thơ của một số thi nhân và riêng thơ Tâm Nguyên tại sao tôi lại dễ thuộc. Thật đơn
giản, vì đọc hoài nên nhập tâm, như lạc vào cơn mê khi nào không hay. Đến với thơ như đến với ai đó. Phải mê. Rồi đọc thơ như trì chú, như cầu kinh, nhiều lần, nhiều hoàn cảnh, chí tâm chí thành, đọc đi đọc lại, lắng nghe sâu xa, để có một ngày : sự xuất hiện bất ngờ thình lình của linh sự “ rực rỡ…. Và khi đó ta có được hạnh phúc như hồn nhập xác. Mỗi bài thơ của Tâm Nguyên là một tâm trạng đồng điệu với thơ
tám chữ của một số tác giả, như Hàn Mặc Tử viết:
Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt
Ngó như gần, song vẫn thiệt xa khơi !
Lau mắt đi , đừng cho lệ đầy vơi
Hãy mường tượng một người thơ đang sống.
( Trường tương
tư.)
Xin đọc đoạn sau đây để cảm thụ thêm về nhịp thơ và nhạc tính trong “giữ thơm hương gió biển”.
Nhịp của Thơ không phải là nhịp của thi luật: thi luật chỉ có ý nghĩa trong việc vận chuyển thanh khí cho được hanh thông, cho được đồng thanh tương ứng với
thời gian nguyên khai; tiết nhịp của Thơ thuận ứng với tiết nhịp của sơ ngôn, của sự khai mở nguyên tiêu; nhạc tính của Thơ là suối nguồn của tất cả giai điệu và âm điệu: Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc (7)
Thơ nẩy mầm từ mật ngôn bí ẩn, những phụ âm/ nguyên âm những chủng tự nuôi dưỡng bài thơ sống đời đời bởi tình tự dịu hiền trầm mặc mà rất êm, tình yêu và cái đẹp sẽ vĩnh cửu giữa cõi đời phù du. Về kỷ thuật, Tâm Nguyên sử dụng ngôn ngữ đầy thi ảnh, động từ: ôm ấp/ nức nở/ ướt đẩm/ mơn trớn/ lan… Tỉnh từ: dào dạt/ mỏi mòn/ tráng lệ/chói chang/ … Tất cả đúng là ngôn ngữ của cảm xúc.
(…) Buổi bình minh tôi nằm nghe biển hát
Trưa chói chang hừng hực lửa mặt trời
Chiều lạnh lùng, người xa vắng muôn nơi
Trả tôi lại cùng trăng sao tịch mịch…
( Lời than
biển cát. )
……
(…) Không một tiếng người đi
Sao vừa nghe xào xạc
Trên cát vàng hoang vắng
Trong bóng chiều đê mê…
(Làn sóng xanh.)
Về chỉ là mộng ước xa xôi….
(…) Anh không muốn tình yêu em dào dạt
Như gió chiều mơn trớn giấc mơ anh
Anh lại càng không muốn thấy màu xanh
Còn vĩnh viển trong tình duyên mới lớn…
( Những điều không muốn. )
(…) Như thuyền trên Biển lướt qua mau
Tựa hồ giây phút vừa lưu luyến
Là đã muôn trùng
xa cách nhau…
( Biển tháng Ba.)
Tình yêu muôn trùng xa cách là tình yêu không
thể nào đánh mất, bởi:
“Tình yêu là một biến trình đi qua muôn kiếp chứ không phải một kiếp mà xong, nghĩa là bản thể đã đi qua bao nhiêu nhịp đời, đã mơ về bao nhiêu lần hôn phối, nhưng đến nay mới thành, đến nay mới gặp được hạnh phúc trần gian để có thể chu toàn tình ái.” (Trích ở Thể tánh của Thi ca. Lê Tuyên. Southeast Asian Culture and Education Foundation(SEACAEF) 2000
-trang 113)
Em và anh trong gửi thơm hương gió biển là một biến trình của tình yêu đi qua
muôn kiếp… nhưng tình ái thì vẫn không bao giờ được chu toàn :
(…) Người vẫn thắm tươi một muà xuân vĩnh cữu
Tóc hương bay còn
vương vấn trong lòng
Mắt say mê, giây phút ngỡ ngàng trông
Môi mấp máy đôi lời chào thân thiết…
( Sóng hương xưa.)
Thân thiết chào, nhưng…
Người cứ đi, rồi ly biệt ngàn năm
Không tiếng gọi hồn xưa quay trở lại
(Chiếc tàu xưa. )
Và ngàn
năm vẫn…
(…) Một con yến lượng ngoài khơi
Vẽ trong trời đất, vạn
lời nhớ thương…
( Loài chim không hót.)
Cuộc hôn phối của gió và biển đã tỏa mùi hương cuộn sóng, ngây ngất. Biển cũng là người đẹp, thi nhân cứ mãi vọng về. Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương ( Tô Đông pha) … Vọng về để có thơ, thơ làm cho thuyền trôi trở về bến đổ.
(…) Thuyền có trôi cũng còn thấp thóang
Những cánh buồm xưa gió cuốn phương nào?
Có mang theo nỗi thương yêu ngàn kiếp
Của tấm lòng muôn thuở mến thương nhau…
( Còn có phút giây.)
Sự sáng tạo văn nghệ có tính cách bạo động như dục tình, nhưng khi dục tình mãnh liệt được nuôi dưỡng bằng sự khiêm hạ kiên nhẫn của Tình Yêu thì “cánh cửa đưa vào đêm tối” cũng là cánh cửa huyền bí của động tiên ”xuân thường trú”; con người không thể nào đào bới moi móc cho ra sự huyền bí của đất trời; mình chỉ có thể tự cào cuốc lì lợm vào tận giếng sâu âm u của tâm thức mình trong những khoảnh khắc kiết tường may mắn; đôi khi cũng phải biết ngừng, vì có lúc đào quá sâu vào lòng đời thì chung kết là sự tự tử như Syvia Plath ( vợ của Poet Laureate hiện nay tức là Ted Hughes) hoặc là sự tự hủy diệt như là Dylan Thomas và Georg
Trakl hay sự “điên loạn thiêng liêng” như Hoelderlin hoặc Gérard de Nerval. ( Seamus Heaney, thi phẩm Door into the Dark, x.b.1969)
(…)Phải không em?
Và anh chưa hề mở miệng
Trách cuộc đời như thể trách hờn ai
Lòng vẫn thế, cứ ngày đêm quyến luyến
Một tình thương yêu
chan chứa Biển khơi…
( Gởi em. )
“Giữ thơm hưong gió biển” chỉ đưa ra một thông điệp. Xin giữ lấy tình yêu bao la của Đất Trời Vũ trụ và Con người. Tình yêu thương sẽ làm con người thanh thản, sự thanh bình sáng tạo chỉ được qua sau cơn giao tranh dữ dội. Và cuối cùng niềm tha thứ sẽ giữ lại tình yêu. ”…Hạnh phúc của cuộc đời không phải là một sự giam hảm lại trong đôi lứa, mà chỉ nên xem đôi lứa như một khởi điểm để tìm đến hạnh phúc của cuộc đời. Dừng lại trong khởi điểm đó là làm mất tương lai của cuộc đời… (8)
Thi nhân nghe được từ cái bất động, thấy những
gì mà kẻ khác không nhìn thấy được.
Thi sĩ như kiếp con tằm. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ, để cho người đời có áo đẹp. Thi nhân đầu bạc sớm hơn
ai bởi thơ ra đời là từ máu lệ, nhưng thật xót xa, vì ngay cả Nguyễn Du khi viết xong truyện Kiều, thi hào vẫn chỉ mong ước được mua vui một vài trống canh cho nhân thế. Thơ làm thăng hoa tâm
hồn người yêu thơ, cho nên dẫu thế nào con người cũng cần tạ ơn thi nhân vì cuối cùng mục đích thơ vẫn là hy vọng, giải thoát và làm an bình đời sống. Với thơ, điệp khúc muôn đời tôi vẫn thích là :
Thơ không thích thì thôi. Nếu thích tôi chỉ biết ngợi ca và tri ân là phải đạo.
Cám ơn Trời Đất đã cho Thi ca Bốn mùa
Portland. Mùa Hạ .Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thơ Tâm Nguyên
Những điều không muốn
Anh không muốn tình em là biển rộng
Sóng xa bờ ôm ấp kéo tàu đi
Buổi hoàng hôn còi nức nở chia ly
Làm ướt đẩm trái tim trong nước mắt
Anh không muốn tình yêu em dào dạt
Như gió chiều mơn trớn giấc mơ anh
Anh lại càng không muốn thấy màu xanh
Còn vĩnh viễn trong tình duyên mới lớn
Vì năm tháng như bọt bèo sóng gợn
Lan giá băng tận ngõ ngách tâm hồn
Bước chân anh ngày tháng mỏi mòn hơn
Đâu còn mãi niềm hăng say trai trẻ
Biển cả em ơi!
Muôn đời tráng lệ
Mà mùa xuân nhân thế phải qua đi
Nỗi buồn nào nhỏ giọt xuống mờ mi
Làm tan chảy một khung trời Biển mộng
Và lòng em không là bờ cát nóng
Nằm nôn nao đón đợi dấu chân đời
Của vạn người xa lạ khắp muôn nơi
Muôn hướng đến rồi tuôn về muôn ngã
Bỗng chói chang lên một vùng Biển lạ
Mà mắt nhìn không ai thấy . Trong em
Chỉ một mình anh nghe tiếng gọi trong tim…
Tâm Nguyên
Nha Trang 1968
Ghi chú:
(4) Thơ là thẩn trong hang cùng ngõ thật ( của NVN)
(7): Phạm Công Thiện. Khơi mạch nguồn thơ. Thi sĩ Seamus Heaney. Giải
Nobel Văn chương 1995. Viện Triết Lý Việt Nam Và Triết học Thế giới
California Hoa Kỳ 1996.
(8).Thể tánh của Thi ca. Lê Tuyên. Southeast Asian Culture and Education Foundation(SEACAEF) 2000.
HS Nhớ và nha thơ Tam nguyên là 2 bạn thân . Hôm nay tôi vui thây 2 ban hội ngộ trên thi dan Tha Hương
ReplyDeleteTôi dã dọc nhiều thơ của Tam Nguyên tôi rất tâm đắc> Thơ không buồn nhưng thấm đậm dễ ghi vào lòng ngươi
Thơ TN hiền như Tâm nguyên, nó không làm lòng ta thằc mắc mà lan tỏa mênh mông như trời xanh biển rông. Cám ơn Thi nhân cho tôi đượcđọc thơ người
Cám ơn thi họa sĩ tài danh . Hôm nay nhà biên khảo chọn đúng đề tài, tôi đọc mà say mê thán phục tài biên khảo của thi họa sĩ
Tôi nói thật long và thán phục 2 khách tài hoa chứ không múa bút khen phò mã tốt áo
Trân Trọng
Hàn Thiên Lương
Hàn Thiên Lương
post email của Ngọc Bội thay lời comment
ReplyDeleteThưa quý tao nhân mặc khách thân kính,
Rất hân hạnh được đọc bài bình luận sâu sắc của Họa Sĩ Nguyễn Văn Nhớ
về Thi phẩm, Giữ Thơm Hương Gió Biển của Thi Sĩ Tâm Nguyên.
Đây là lần thứ hai tôi đọc lại, vẫn thấy mới, vẫn đầy cảm xúc, chất ngất trữ tình.
Đặc biệt, lần này, được Nữ Sĩ Tố Lan Chủ Biên Trang nhà Tha Hương điểm tô
cho bài viết, với các hình ảnh thực cảnh về quê hương Nha Trang, non nước
hữu tình, khiến người đọc yêu thích vô bờ! Thế mới biết, thi ca, hội họa...trẻ mãi không già!
Tôi thật sự xao xuyến, khi đọc câu thơ tuyệt đẹp của Thi Sĩ Tâm Nguyên, một người con của biển: "Mặt biển buồn như biết nhớ người". Quả thế, "Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ" (Kiều/ Nguyễn Du), như lời bình của Họa Sĩ NVNhớ.
Trong văn học nghệ thuật, rất nhiều tác giả vẫn thường dùng phương pháp tu từ này để gán cho người, từ các sự vật, v.v...
Ngôn bất tận ý, xin mời quý vị cùng tôi bước vào vườn thơ, Giữ Thơm Hương Gió Biển,
hoài thương cố quốc, của Thi Sĩ Tâm Nguyên, nói thay cho tôi, cho bạn.
Một lần nữa, chân thành cảm ơn Họa Sĩ Nguyễn Văn Nhớ đã chia sẻ bài viết thật hay,
quá tuyệt! Và cũng thật hay, quá tuyệt, cảm ơn đến Thi Sĩ Tâm Nguyên đã có tác phẩm
quý để lại cho đời.
Xin cảm ơn tất cả.
♥️
Khách yêu thơ.
Trịnh Quân