Links

Tuesday, June 18, 2024

Trời Mưa Bong Bóng


bong bóng

 

 

            Từ đường Cao Thắng tôi cho xe rẽ vào Trần Quý Cáp. Con đường chạy đến công trường Con Rùa với hàng cây thẳng tấp, rơp bóng lá che. Những ngày tháng Sáu trời Sài Gòn đứng gió và hầm hập nóng. Tôi đi, nhưng cũng chẳng biết đi đâu? Thành phố rộng lớn với bao nhiêu con người, bao nhiêu xe cộ cũng là thành phố nhỏ hẹp, túng quẩn nhất. Con đường nào cũng giống con đường nào. Góc phố nào cũng na ná như nhau. Loay xoay là thất lạc, loanh quanh cũng chỉ ngần ấy phố đường. Sài Gòn đi thì không hết, nhưng chỉ quanh quẩn một lối về... Thành phố quen thuộc đến nhàm chán, hôm nay bỗng dưng có một khuôn mặt khác. Khuôn mặt của bịn rịn, của chia tay. Vài ngày nữa là tôi rời nơi này để về dạy học một thị trấn mới, một cuộc đời mới. Nơi tôi chưa từng ghé qua một lần, chỉ thấy trên bản đồ là cửa sông của vùng biển mặn...

            Rồi không hiểu sao tôi lại rẽ xe vào Trương Minh Giảng như một phản xạ tự nhiên. Con đường quen thuộc của bao nhiêu lần qua lại, những ngày những tháng và năm. Con đường dẫn về ngã tư Yên Đỗ (Lý Chính Thắng bây giờ). Đang nắng trời Sài Gòn bỗng tối sầm. Mây xám ùn tắc một góc trời. Rồi bất chợt dưng không, mưa bắt đầu rơi hạt. Mưa càng ngày càng lớn và bao phủ cả phố đường. Tôi tấp vội vào một hàng quán bên đường. Quán nước là một chái nhà cơi ra vỉa hè góc đường Yên Đỗ và Trương Minh Giảng (Lý Chính Thắng và Trần Quốc Thảo ngày nay). Cũng có một vài người khách đi đường chạy vội vào đụt mưa như tôi. Chủ quán cà phê lề đường là một người đàn bà đứng tuổi, dáng nhanh nhẹn và vui vẻ. Tôi gọi một ly cà phê nóng và chọn chiếc ghế ngồi nhìn ra mặt đường... Sài Gòn buổi chiều mưa bao giờ cũng man mác lòng người. Những ngày tháng đổi thay, bộ mặt mới của Sài Gòn càng phủ thêm nét thống khổ, đìu hiu khó tả. Mưa tháng Sáu đang tầm tả rồi chợt thưa giọt, theo chiều gió nghiêng nghiêng. Mặt đường nhả hơi nóng, bốc theo từng vệt khói phủ thấp ven lề. Chợt đâu bong bóng nổi phập phồng khi những hạt mưa chạm xuống mặt đường. Mưa bong bóng nhỏ to. Bong bóng mưa cùng khắp. Trời mưa bong bóng... bong bóng phập phồng... Trời mưa bong bóng Sài Gòn!

            Chừng như mưa bong bóng làm mưa đều hạt hơn và day dẳng hơn. Tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn cơn mưa chiều Sài Gòn mà nhớ thương cơn mưa chiều với một người nào đó. Một người mới hôm qua mà sao lòng đã xa... Một người con gái có khuôn mặt đẹp và bướng bỉnh. Mái tóc dài luôn búi gọn bằng cây bút chì suốt quanh năm, cũng không làm giảm đi nét thanh thoát có chút bất cần của nàng. Người con gái thích bao che người khác hơn người khác che chở cho mình! Bốc đồng hơn con trai, nhưng cũng dễ xiêu lòng, tủi phận hơn con gái. Nàng sẵn sàng đứng phía ngoài mưa tạt để che cho bạn không lấm ướt mưa. "Em thích dầm mưa, thích ướt áo nên anh đừng lo ngại, thắc mắc...", nàng vừa cười vừa nói trong một buổi chiều hai đứa đụt mưa. Mái tóc vướng ướt cả khoảng lưng dài, nàng vẫn dành đứng phía ngoài sát mái hiên chùa trong con hẻm nhỏ. Buổi chiều mưa Sài Gòn tầm tã, dáng người con gái có chút buồn buồn có chút thơ ngây.

            - Anh nhìn kìa, mưa bong bóng... Trời mưa bong bóng rồi kìa anh!

            Quả thật bên ngoài trời chợt chuyển thành cơn mưa bong bóng. Thật lạ và thật đẹp! Không hiểu sao trước đó tôi chưa hề để ý đến những cơn mưa bong bóng. Hôm nay thì khác, bên cạnh người con gái xinh đẹp này, có lẽ mọi thứ đều trở nên thơ mộng và đáng yêu? Những bong bóng mưa như nhảy múa, vở tan trên mặt đường. Âm thanh cơn mưa như bài hát lúc bổng lúc trầm trong không gian thổn thức.

            - Đố anh biết tại sao có mưa bong bóng?

            Nàng vừa lắt tay tôi, vừa hỏi. Tại sao có mưa bong bóng, tôi chưa hề nghe và chưa hề biết về điều này? Mà nếu có biết, tôi cũng làm bộ nói không, để được nghe lời thỏ thẻ trả lời. "Anh thật không biết và cũng chưa hề nghe ai nói", tôi đáp lời.

            - Là nước mắt của Chức Nữ thương nhớ Ngưu Lang, thương nhớ chồng con mình đó anh!               

            Tôi không biết có thật vậy hay không về câu chuyện giọt nước mắt của nàng Chức Nữ? Nhưng qua câu chuyện của nàng, tôi chợt thấy những hạt mưa bong bóng rơi buồn và đẹp hơn. Câu chuyện tình buồn của một tiên nữ và người trần gian, câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ... Vài ngọn gió làm cơn mưa chiều thoáng lạnh. Người con gái nhích lại gần tôi hơn. Gần đủ để tôi cảm thấy hơi ấm thịt da thơm ngát mùi con gái. "Hôn em đi anh", giọng nàng chơi vơi thoáng nghẹn. Nụ hôn dài, sâu như đóng kín mọi không gian chung quanh. Mưa thấm ướt môi hôn. Mưa thơm nồng hơi thở... "Đừng để em phải khóc vì trời mưa bong bóng nghen anh!", tiếng nói nàng có chút nũng nịu sau nụ hôn dài. Buổi chiều xuống thấp, cơn mưa bong bóng phập phồng, vở tan trên bờ môi người chất ngất   

 

****   ****   ****

 

            "Mưa ngày xưa, rơi trên đường vắng.
            Mưa u hoài, vì mong dáng ai.
            Mưa ngày xưa từng cơn thương nhớ,

            mưa đâu ngờ chúng mình yêu nhau

            ......

            Nhớ, nhớ mưa bong bóng, nhớ dáng em buồn nhớ lệ em tuôn.

            Nhớ, nhớ mưa bong bóng, nhớ khi tan trường em sát vai anh..." (*)          

 

            Tiếng hát trầm bổng, pha chút khàn đục đầy nội lực và lôi cuốn người nghe từ âm vang đầu đến dòng chữ cuối. Tiếng hát như đưa tôi trở về một thuở nào ký ức của cơn mưa, mưa kỷ niệm... mưa bong bóng. Ngay cả nếu bạn chưa hề chứng kiến, chưa hề để tâm đến những cơn mưa bong bóng quê xưa cũng chừng như đang xuyên qua không gian, xuyên qua thời gian để được sống trong cơn mưa đầy ký ức. Cơn mưa bong bóng, cơn mưa ngày xưa một thời mới lớn, một thời biết nhìn mưa trong cơn mơ mộng đầu đời. Bài hát đưa chúng ta đi dài theo một cơn mưa xưa, một chuyện tình loáng thoáng trôi qua như những hạt mưa bong bóng phập phồng xinh đẹp, vội tan.

            Buổi chiều nay, buổi chiều của cơn mưa tháng Sáu mịt mùng bão nổi. Tiếng hát như xô dạt tôi trở về của cơn mưa bong bóng ngày xưa, bên mái hiên chùa nhỏ. Không biết đã bao năm rồi tôi đã quên, đã khuất lấp đâu đó những điều không muốn nhớ. Dù biết nhớ đã khó, nhưng quên cũng không phải điều dễ làm... Thoáng đó mà đã cuối chuyến xe đời. Chuyến xe một chiều không có khúc quanh trở lại. Mỗi một cơn mưa mang theo một kỷ niệm. Và chừng như không một kỷ niệm nào có sự trùng lập bao giờ.     

            "Mưa ngày xưa, rơi trên đường phố
            Mưa vô tình làm ướt áo em.

            Mưa ngày xưa , từng cơn không dứt.
            Mưa vô tình cho mình quen nhau..."  (*)

            Tôi không quen người con gái năm ấy vì bởi cơn mưa. Nhưng cơn mưa bong bóng tình cờ đánh dấu mối tình không trọn vẹn. Đã bao nhiêu năm rồi xa cách? Đã bao nhiêu năm rồi không gặp lại? Thời gian cứ như bao giọt mưa bong bóng phập phồng, vỡ tan. Không biết thời gian có lần nào khiến cho nàng khóc vì cơn mưa bong bóng năm nào? Mà chiều nay trong tiếng hát thiết tha của người ca sĩ nơi biền biệt quê nhà, tôi đã để mắt mình rưng rưng lệ. Không phải vì cơn mưa bong bóng. Vì hơn bốn mươi năm qua tôi chưa lần tìm thấy cơn mưa bong bóng trên khắp bước đường lưu lạc. Bao nhiêu cơn mưa xuống đời, tôi vẫn cố tìm. Cố tìm cơn mưa bong bóng ngày xưa. Nhưng chưa bao giờ tôi tìm thấy. Chưa một lần nào tìm thấy mưa bong bóng bao giờ! Có chăng hôm nay, tôi tìm thấy qua tiếng hát khàn đục đầy âm vực của kỷ niệm, của nhớ thương. Tất cả chỉ còn trong nỗi nhớ nhung day dứt, thoảng về làm tôi ngấn lệ.

            Tình yêu không phải là thứ ngôn ngữ nói ra, mà là ngôn ngữ để giữ kín! Tôi đã chôn kín hình ảnh đẹp nhất một đời người. Bây giờ người con gái năm xưa đang ở đâu, sống ra sao trong vạn nẽo đường trần hệ lụy. Có còn nhớ cơn mưa bong bóng chiều nào nơi hiên ngôi chùa nhỏ? Có còn tìm thấy những cơn mưa bong bóng bên đời? Hay tất cả đã phôi pha, đã trôi theo những giọt mưa bong bóng một thời đã mất?

            "Ai ngờ bong bóng vỡ tan, thôi rồi em đã sang ngang theo chồng.
            Trời mưa bong bóng phập phồng em đi lấy chồng để khổ cho nhau.
            Anh về ôm mối thương đau, em đi có nhớ mưa nào năm xưa.
            Phải chi hôm ấy đừng mưa, phải chi hôm ấy đừng đưa nhau về..."  (*)

 

Nguyễn Vĩnh Long

Durham, North Carolina 

(*) Mưa Bong Bóng - nhạc Lý Dũng Liêm, thơ Nhật Kiên Hà

No comments:

Post a Comment