Một Chuyến Đi
Ôi! 20 tháng 7. 1954
NHỚ NGÀY ĐẤT NƯỚC CHIA ĐÔI BỞI HIỆP ĐỊNH GENEVE
(20 THÁNG BẢY 1954- 20 THÁNG BẢY 2024)
Nguyễn Văn Nhớ , cảm ghi Thơ:
. Một Chuyến Đi- của Nguyễn Văn Đĩnh.
Cựu Trung tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy dù.
70 NĂM, BÀI THƠ ĐÃ ÂM THẦM SỐNG, QUA SỐ PHẬN TANG THƯƠNG, CHẾT CHÓC, CHIA LIÀ CỦA DÂN TỘC…
1.
Trời ảm đạm, ta rời chân bến đổ
Bước lên tầu và buồn vẫy nơi tay.
Ngày chia ly, ôi! Một cuộc đổi thay,
Làng quê cũ vẫn im lìm mái dạ.
Bốn câu thơ trên đây là một đoạn trong bài thơ đã bị khuất lấp, tựa đề là: “Một chuyến đi.” Với tôi, đó là bài thơ có số phận lạ. Thơ lạ, thì người đọc có cảm giác lạ, thích thú. Tôi thật sự hạnh phúc, hạnh phúc bất ngờ khi đọc được bài thơ lạ. Lạ từ cảm xúc, lạ bởi thời khắc nó được khai sinh, lạ bởi số phận bài thơ đã bị chôn vùi trên 70 năm. Lạ bởi bài thơ làm từ trái tim của một người trẻ lìa xa quê hương đất Bắc, và sau đó là SVSQ Võ Bị QGVN khoá15, trước 1975 mang cấp bậc Trung tá, là một Lữ đoàn trưởng Nhảy dù oanh liệt. Đó là chiến hữu, là anh cả Nguyễn Văn Đĩnh
Thời điểm, 20 tháng Bảy, 1954 chia đôi đất nước, bài thơ ra đời, khi tác giả mới tuổi 15, tuổi nhỏ nhưng cay đắng xót xa quá lớn, và “chí ta ta biết, lòng ta ta hay,” nên thơ đã ra đời trên con tàu Skaugum từ Bắc xuôi Nam khi di cư tìm tự do, bởi không sống nổi dưới bạo quyền miền Bắc cộng sản. Và cũng vì hai chữ Tự do, lại một lần nữa, 1975 tác giả bỏ nước ra đi, bây giờ tuổi đời đã gần 90 Bài Thơ, xưa lắm rồi và đã một lần đăng báo, tác giả nhớ là đã đăng trên báo: Tiếng Dội Miền Nam. Nhưng 70 năm qua bài thơ không còn xuất hiện, ít người biết, ít người hay. Số phận bài thơ bị khuất lấp. Nhưng xót xa, đắng cay chôn vùi trong lòng tác giả với bao cảm xúc chết chóc, tang thương, chia lià, của bản thân và dân tộc Việt. Bài thơ đã hơn 70 mươi năm mãi mãi vẫn chôn kín trong máu, trong tim của tác giả như một ngọn lửa thôi thúc anh Đĩnh sống và chiến đấu cho miền Nam tự do,
Nguyễn Văn Đĩnh. Trên tàu Skaugum.195
2.
Đọc thơ “Một Chuyến Đi” của anh Đĩnh sáng tác ở tuổi 15 và nhìn chiếc ảnh cũ anh chụp trước tiệm ăn của Ông Bà cụ thân sinh, để sau đó một tháng thì di cư, bỏ hết cả sản nghiệp, bây giờ lại sống trong cảnh chia lià đất nước, làm sao lòng chúng ta không tràn đầy cảm xúc, xót xa. Người viết thấy cuộc đời đúng là tang thương ngẫu lục, sắc sắc không không, vô thường nghiệt ngã như thương hải biến vi tang điền. Đêm nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
Thơ Anh Đĩnh, có câu:''Tháng năm viễn xứ, ngày về nhớ chăng?" đó cũng là chí nguyện riêng của anh, khi lià xa đất Bắc, và để trả lời câu tự hỏi lòng mình ở trên, anh đã vào trường Võ Bị Đà Lạt khoá 15, năm 1958 để dấn thân vào đường binh nghiệp, chuẩn bị ngày Bắc tiến.
Nguyễn Văn Đĩnh SVSQ Võ Bị Đà Lạt, khoá 15, năm 1958.
Tác giả là một sĩ quan can trường nơi chiến địa. Một sĩ quan đẹp trai, có biệt hiệt là “Đĩnh Tây Lai”. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 nhảy dù của quân lực VNCH. Cựu Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh. Người đọc có thể vào Google để đọc, để thấy những hình ảnh lẫy lừng trong những chiến công oanh liệt của Trung tá Đĩnh, từ mặt trận Thượng Đức, mặt trận Bình Long vào Muà hè Đỏ lửa 1972, Mặt trận Long Khánh, đặc biệt bài viết của chính Trung tá Đĩnh nói về sự thật của mặt trận Long Khánh.
Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng và Trung tá Nguyễn Văn Đĩnh.
( chỉ huy mặt trận)
Bây giờ với tuổi đời gần 90, anh đang sống âm thầm ở Portland, Oregon, tuổi già bệnh, nhưng được vợ hiền chăm sóc và được rất nhiều chiến hữu đồng hương thương mến và ngưỡng mộ.
Nguyễn Văn Đĩnh đứng đầu tiên từ bên trái.( Mặc áo Veston)
Chụp trước tiệm ăn của Ông Bà cụ thân sinh, sau đó một tháng thì di cư, bỏ hết cả sản nghiệp.
1954, đau xót rời quê hương đất Bắc. Tuổi thơ rời bỏ làng quê, đau như cắt ruột.
Gió lộng thổi, những lũy tre nghiêng ngã,
Tàu từ từ rời bến buổi ra đi.
Lệ rưng rưng tràn ngập cả bờ mi,
Lòng nao nức đang còn mơ xứ lạ.
( Một Chuyến Đi. Nguyễn Văn Đĩnh)
Thật lạ, mới ở tuổi 15 mà nguồn lực thơ anh đã đầy hào khí, mộng viễn du xây hồn xứ sở, dựng lại cơ đồ.
Người ra đi còn mong rũ nợ,
Người ra đi để sống kiếp sông hồ.
Rằng ta đi là xây hồn xứ sở,
Rằng ta đi là dựng lại cơ đồ
Sóng trùng dương trắng xóa
Ào ạt vỗ ven tàu.
Biết về đâu ?
Hỡi cánh chim mải miết lạc chân trời.
( Một Chuyến Đi. Nguyễn Văn Đĩnh)
Những vị cao niên, tuổi từ 70 trở lên làm sao quên được muà Thu khói lửa, bom đạn năm xưa, tản cư tiêu thổ kháng chiến, biết bao tang thương mất mát, rồi chia cắt quê hương. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, là nơi chia cắt 2 miền Nam Bắc, những đau thương chia lìa còn nằm sâu trong dòng lịch sử, trong dòng văn học Việt nam. Những câu thơ đau như cắt lòng sau đây, tôi không biết tác giả là ai:
“Con sông Bến Hải từ độ chia hai,
Đêm đêm nó khóc than hoài
Hờn căm cộng sản chia hai nhịp cầu
Lớn lên từng đợt u sầu
Bao giờ Nam-Bắc nhịp cầu sang ngang
Trên con tàu di cư vào Nam, người trẻ Nguyễn Văn Đĩnh đã đau xót xé lòng khi trông về quê cũ.
Chiều rồi!
Giữa biển tôi buồn mắt chớp nhanh.
Bâng khuâng lòng tưởng nhớ thôn lành.
Trông về quê cũ miền xa thẳm:
Chỉ thấy trời xanh lại nước xanh
Thôi nhé, xa rồi Bắc Việt ơi!
Ra đi giữa buổi loạn nơi nơi,
Ra đi mang cả trời hy vọng,
Mong trở lại đây chẳng thẹn lời.
( Một Chuyến Đi. Nguyễn Văn Đĩnh)
3 Kết.
Những ngày hôm nay, nhớ lại năm 1954, ngày đất nước bị chia đôi. 20 tháng Bảy, 2024 sống nơi đất khách quê người, lưu vong viễn xứ, ngày về ai nhớ cho.
- Người về đâu nhỉ,
Hỡi kẻ ly-hương?
Lênh đênh trên vạn nẻo đường,
Có còn giây phút vấn vương lời thề?
Quê người một giải lê thê,
Tháng năm viễn xứ, ngày về nhớ chăng?!
1954
Trên tầu Skaugum
Nguyễn văn Đĩnh
Cuộc đời anh Nguyễn Văn Đĩnh, từ tuổi 15 di cư vào Nam trên con tàu Skaugum, cho đến hôm nay sống lưu vong nơi đất khách, thật sự cả cuộc đời, anh đã hiến dâng hết mình cho Tổ quốc.
Và lòng anh, tâm ý anh luôn luôn thanh thản, an vui, và qua bốn câu thơ của anh người đọc sẽ cảm thông sâu sắc.
"Hôm nay tôi nhẹ bước vào đời,
Là cả muôn màu sắc thắm tươi.
Trường cũ nghiêng mình bên chí cả,
Đời vì Tổ Quốc, ý đời vui."
“Đời vì Tổ Quốc, ý đời vui." Những tài trai Võ Bị QGVN, văn võ song toàn, mang chí cả và tâm hồn cao rộng.
Người đọc, không gì vui hơn là được nghe tâm tình từ tác giả:
Anh Đĩnh tâm tình:
“Trước khi vào Võ Bị Đà Lạt, anh còn làm một bài nhan đề ĐI, một hôm chợt nghe Đài Phát Thanh ngâm bài ĐI giao duyên với bản nhạc Tôi Sẽ Đưa Em Về của Y Vân. Khi vào trường VBĐL, Anh còn làm thơ vì khi lên chức Sinh Viên Sĩ Quan Cán Bộ Tiểu Đoàn Trưởng trong trường, Anh kiêm Trưởng Ban Văn Nghệ, có làm bài thơ, câu cuối:
"Hôm nay tôi nhẹ bước vào đời,
Là cả muôn màu sắc thắm tươi.
Trường cũ nghiêng mình bên chí cả,
Đời vì Tổ Quốc, ý đời vui."
Anh Đĩnh ơi! Thật hạnh phúc khi viết về những dòng thơ của anh, và hạnh phúc khi nghĩ về anh, người anh cả trong quân đội, đã một đời hy sinh cho đất mẹ miền Nam. Người viết cũng là quân nhân, xin được coi anh như người anh cả. Ở tuổi 15 anh đã vịn câu thơ để đứng dậy xuôi Nam tìm tự do, và cả một đời binh nghiệp ngang tàng lừng lẫy chiến công, bây giờ anh đã gần bát tuần, sống lưu vong, mang chí cả với bao nỗi cô đơn, chí ta ta biết lòng ta ta hay. Người viết là đứa em, nghĩ rằng: anh đủ Thi Tâm Thi Tứ Thi Tài, anh sẽ tiếp tục làm thơ, viết văn- viết những gì đời anh đã qua, đó là vốn quý cho kho tàng văn học VNCH. Anh đã lừng lẫy trong chiến công. Giờ đây anh sẽ tiếp tục với Thi ca và văn học với ý nghĩa: Đời vì Tổ Quốc.
Và chắc chắn anh sẽ hạnh phúc, vì:
Ý đời vui.
Kính chúc Anh Chị khỏe và Ý đời vui.
Nguyễn Văn Nhớ
Portland.
(Viết để nhớ ngày đất nước bị chia đôi. 20 tháng Bảy.1954.)
Nguyên tác bài thơ:
Một Chuyến Đi
Trời ảm đạm, ta rời chân bến đỗ,
Bước lên tầu và buồn vẫy nơi tay.
Ngày chia ly, ôi! Một cuộc đổi thay,
Làng quê cũ vẫn im lìm mái dạ.
Gió lộng thổi, những lũy tre nghiêng ngả,
Tàu từ từ rời bến buổi ra đi.
Lệ rưng rưng tràn ngập cả bờ mi,
Lòng nao nức đang còn mơ xứ lạ.
Người ra đi còn mong ngày rũ nợ,
Người ra đi để sống kiếp sông hồ.
Rằng ta đi là xây hồn xứ sở,
Rằng ta đi là dựng lại cơ đồ
Sóng trùng dương trắng xóa
Ào ạt vỗ ven tàu.
Biết về đâu ?
Hỡi cánh chim mải miết lạc chân trời.
Chiều rồi !
Giữa biển tôi buồn mắt chớp nhanh.
Bâng khuâng lòng tưởng nhớ thôn lành.
Trông về quê cũ miền xa thẳm:
Chỉ thấy trời xanh lại nước xanh
Thôi nhé, xa rồi Bắc Việt ơi !
Ra đi giữa buổi loạn nơi nơi,
Ra đi mang cả trời hy vọng,
Mong trở lại đây chẳng thẹn lời.
- Người về đâu nhỉ,
Hỡi kẻ ly-hương ?
Lênh đênh trên vạn nẻo đường,
Có còn giây phút vấn vương lời thề?
Quê người một giải lê thê,
Tháng năm viễn xứ, ngày về nhớ chăng?!
1954
Trên tầu Skaugum
Nguyễn văn Đĩnh
Thật là nghe lòng rưng rưng khi đọc những dòng thơ nhiều cảm xúc của tác giả Nguyễn văn Đĩnh
ReplyDeleteCám ơn hoa sĩ Nguyễn văn Nhớ đã cho người đọc những xúc cảm tuyệt vời qua những bình luận về bài thơ thật nhiều kỷ niệm" một chuyến đi" nầy
Một lần đi là một lần vĩnh biệt phải không anh? như thân phận của những người di tản hiện tại của chúng ta,
Đã 70 năm qua, cầu Hiền Lương vẫn còn đó mà chúng ta những thân phận lưu đày vẫn còn trôi nổi khắp bốn phương trời
Lòng vẫn mong một ngày quê nhà rạng ánh tự do cho đàn chim xa xứ cùng nhau vỗ cánh bay về đất mẹ ngàn năm yêu dấu....
HTTL