Links

Wednesday, August 7, 2024

Áo dài trên quê hương và quanh thế giới


04/06/2024

BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H01_GiaDinh
Những người thân của tác giả năm 1956, bên trái, và 1960 (Ảnh gia đình)
 
Khi con gái của chúng tôi học cấp hai, cô giáo cho bài làm chủ đề “culture box” trong đó có những biểu tượng về nguồn gốc mà học sinh sẽ đem trưng bày cùng thuyết trình cho cả lớp nghe.
 
Cuối tuần có đi học Việt ngữ, tham gia múa hát trong các lễ hội nên con biết áo dài, khăn đóng là nét văn hoá Việt Nam và đã chọn làm biểu tượng. Con cũng hỏi còn có gì nữa là đặc trưng của quê hương, chúng tôi đề nghị một chiếc quạt giấy xếp, một tờ báo Việt ngữ, ba hình tiêu biểu cho Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Nhà tôi còn muốn thêm chiếc nón lá nhưng vì giới hạn của chiếc hộp nên không đủ chỗ.

BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H02_BuuDienSaigon
Những tà trắng áo trước bưu điện Sài Gòn năm 1997 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
 
Hình ảnh áo dài thì rất quen thuộc với những ai đã từng sống qua thời Việt Nam Cộng hoà, từ 1955 đến 1975. Sau ngày 30/4/1975 áo dài cũng đã theo người tị nạn sang Mỹ.
 
Tại tiểu bang California có kỳ thi hoa hậu áo dài sớm nhất do Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Cal State Long Beach tổ chức năm 1977, theo thông tin của hội trên mạng.
 
Năm 1980, lần đầu tiên có thi hoa hậu áo dài Bắc California. Theo bản tin Tin Biển tháng 11-1980 của Hội quán Việt Nam, do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc điều hành, kỳ thi hoa hậu áo dài đầu tiên ở San Jose do ông Lê Đức Cường tổ chức với 28 thí sinh tham dự, đoạt vương miện là Vũ Yên Khanh, sinh viên San Jose; Á hậu 1 là Phạm Hiền Diệu Thuý, sinh viên Berkeley và Á hậu 2 là Nguyễn Vĩnh Hân, sinh viên San Francisco.
 
Đến năm 1987 chính thức có Ban Hoa hậu Áo dài trong Hội Tết với ông Vũ Ngọc Ân (mất năm 2023) lo quản trị và cô Queenie Huyền Trân phụ trách tổ chức cuộc thi mỗi năm cho đến nay.
 
Năm 2011 có “Áo Dài Festival” do vợ chồng luật sư Dan Đỗ và Jenny Đỗ (đã qua đời) khởi xướng và được tổ chức hai năm một lần tại San Jose. Năm 2016, qua đề nghị của cô Jenny Đỗ và được sự ủng hộ của các dân cử Janet Nguyễn và Ash Kalra, Quốc hội California đã chọn ngày 15 tháng 5 là “Ngày Áo dài” để tôn vinh một nét đẹp của Việt Nam. Năm nay lễ hội áo dài được nâng lên thành “Tuần lễ Áo dài”, từ 12 đến 18/5 với một buổi thảo luận về trang phục của phụ nữ Việt tại thư viện San Jose chiều ngày 15/5 và ngày hội chính là 18/5 tại Toà Thị chính San Jose, trùng hợp với tháng di sản của người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương được chính phủ Hoa Kỳ công nhận từ năm 1977.
 
Hôm 13/5, tại sự kiện tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á và các sắc dân hải đảo ở Thái Bình Dương trong Vườn Hồng của Bạch Ốc đã có người Việt mặc áo dài tham dự.
 
Áo dài bắt nguồn từ áo tứ thân có từ thế kỷ 18, đến thập niên 1930 xuất hiện áo dài Le Mur của hoạ sĩ Cát Tường là hình dạng của áo dài thời nay, với nhiều cải biến qua thời gian của bà Trịnh Thục Oanh và của hoạ sĩ Lê Phổ, theo một bài viết trên phunuonline.com.vn ngày 16/3/2018.
 
U tôi từng mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ khi sống ở quê Bắc. Vào Nam thì mặc áo dài mà nay gia đình còn lưu giữ hình ảnh của thập niên 1950 và 1960 ở Nam Định và Sài Gòn.
 
Được sinh ra và lớn lên ở miền Nam, từ nhỏ nhìn quanh xóm tôi thấy những bà mẹ, những cô gái mặc áo dài đến công sở, đến giáo đường. Nữ sinh học cùng trường, cùng lớp từ lớp 6 đến lớp 12 đều mặc áo dài trắng. Có những trường tư ở Sài Gòn chọn đồng phục nữ sinh là áo dài hồng, áo dài xanh hay trường nữ trung học công lập Gia Long một thời nổi tiếng là trường áo tím trước khi chuyển sang mầu trắng.
 
Hình ảnh áo dài có trong văn chương, thi ca, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội hoạ, điêu khắc của miền Nam.
 
Đường phố Sài Gòn trong giờ đến lớp hay buổi tan trường rộn ràng những tà áo trắng, như câu ca “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ. Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…” mà Phạm Duy đã đem thơ Phạm Thiên Thư vào nhạc làm rung động con tim của bao chàng thanh niên, hay phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên: “Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa…” Còn Trịnh Công Sơn: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…” là hình ảnh nữ sinh Đồng Khánh, Huế trong giờ tan trường.
 
Nguyên Sa giã từ Hà Nội để vào Nam nhưng vẫn nhớ một thiếu nữ ở Hà Thành: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” và đã được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc là hình ảnh áo dài miền Bắc giữa thủ đô miền Nam.
 
Thi sĩ A Khuê khi thấy đường phố Sài Gòn mọc lên những quán “bar” – bán rượu có ca nhạc – để phục vụ nhu cầu giải trí của lính Mỹ, thấy thanh niên để tóc dài, mặc quần ống loe, áo ôm đi bát phố, thích nghe nhạc Beatles, Lobos, CCR, Santana và trên xe máy, trên cặp sách, kính đeo có dán những bông hoa hippies nên đã làm thơ và được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc: “Về đây nghe em, về đây nghe em, về đây mặc áo the đi guốc mộc…” như lời mời gọi trở về với tình tự quê hương, dân tộc.
 
BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H03_Togo_TetGiapTi
Tết Giáp Tí 1984 ở Togo, châu Phi
 
BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H04_UCBerkeley_1983 copy
Trình diễn áo dài trong ngày Open House 1983 tại
Đại học U.C. Berkeley
 
BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H05_TetTLSQVN_2002_SF (2)
Tổng lãnh sự Nguyễn Mạnh Hùng trong liên hoan đón Tết 2002 ở San Francisco
BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H06_ThieuNhi_Tet2005_Oakland
Thiếu nhi trong sinh hoạt Tết 2005 ở Oakland, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)
 
Phụ nữ mặc áo dài đến sở làm, đi bán hàng rong với quang gánh trên vai. Áo dài đã là trang phục trong những ngày lễ hội, ngày cưới, ngày tang.
 
Những hình ảnh đó là nét thời trang khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam trong nhiều thập niên. Hai mươi năm từ ngày bộ đội cộng sản tiếp quản Hà Nội năm 1954 miền Bắc vắng bóng áo dài. Sau năm 1975 hình ảnh áo dài ít còn được thấy trên cả nước vì nó không còn là đồng phục của nữ sinh.
 
Trong hai mươi năm ở miền Nam, áo dài cải biến từ cổ cao sang cổ thuyền được gọi là “áo dài bà Ngô Đình Nhu”; vạt áo dài đến gót chân được cắt ngắn dần lên đến gần đầu gối gọi là “áo dài mini” được giới trẻ ưa chuộng, có lẽ lấy tên từ thời trang “mini jupe” đã theo lính Mỹ và văn hoá Mỹ du nhập vào miền Nam.
 
Tà áo dài là mơ ước của thiếu nữ mới lớn, qua ca từ Phạm Duy: “Xin cho em, một chiếc áo dài. Cho em đi mùa xuân tới rồi. Mặc vào người rồi ra, ngồi lạy chào mẹ cha. Hàng lụa là thơm dáng tuổi thơ…”
 
Thái Thanh, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan khi trình diễn đều mặc áo dài. Khánh Ly, Thanh Lan mặc áo dài đi hát bên Nhật. Đoàn ca vũ nhạc Hoàng Thi Thơ biểu diễn nơi xứ người với những tà áo nhiều mầu.
 
Sau năm 1975 áo dài không còn là nét văn hoá phổ cập trên quê hương, nhưng Ái Vân năm 1982 khi đi hát ở Cộng hoà Dân chủ Đức mặc áo dài mini mầu trắng, trông như cô nữ sinh lớp 12 của Sài Gòn ngày trước.
 
Ở hải ngoại, năm 1982 tôi thấy áo dài ở National Mall, thủ đô Washington. Năm 1984 ở Togo, châu Phi có áo gấm trong liên hoan đón tết và tôi cũng thấy tranh sơn dầu hình thiếu nữ với áo dài treo trong nhà một nhà ngoại giao Mỹ ở thủ đô nước này.
 
Áo dài Việt Nam được sinh viên đại học phô diễn trong các chương trình văn nghệ ở California, đem nét đẹp của tà áo dài vào sinh hoạt văn hoá tại Hoa Kỳ.
 
Qua phim ảnh, “Ba mùa” của đạo diễn Tony Bùi, sản xuất năm 1999, có cảnh cô thiếu nữ sau bao nhiêu gian truân cuộc đời chỉ mơ ước được sống lại tuổi học trò trong tà áo trắng, trên con đường đầy hoa phượng đỏ.
 
Năm 2006, đạo diễn Huỳnh Lưu đưa áo dài vào phim “Áo lụa Hà Đông” là một câu chuyện buồn về một gia đình di cư từ Bắc vào Hội An sinh sống trong nghèo khó, khi hai chị em phải chia nhau mặc một chiếc áo để đi học sáng chiều, rồi chiếc áo dài đã bị ngọn lửa chiến tranh đốt cháy. Kết phim là những hình ảnh đẹp của áo dài sau khi đất nước không còn chiến tranh.
 
Theo hiểu biết của tôi, sau ngày 30/4/1975 áo dài không còn tung bay như trước, mà chỉ còn trong kí ức, như Trịnh Công Sơn đã ghi lại sau ngày thống nhất vài năm: “Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài Gòn những chiều lộng gió, lá hát như mưa suốt con đường đi, có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian mầu áo bay lên...”
 
Cho đến thập niên 1990, khi Việt Nam mở cửa hội nhập, kinh tế phát triển thì hình ảnh áo dài tái hiện nhiều hơn trên quê hương qua những kỳ thi hoa hậu, qua những quyển lịch tháng.

BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H07_DannyNguyen_SF_2009
Trình diễn văn hoá Việt ở San Francisco năm 2009

BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H08_LeHoiAoDai_2024_SanJose copy
Lễ hội áo dài 2024 ở San Jose, California (Ảnh: Bùi Văn Phú)
 
Tại Vietnam Expo 1994 ở San Francisco có gian hàng quảng bá du lịch với thiếu nữ mặc áo dài đội nón lá đứng chào khách tham quan. Hội nghị “Meet Vietnam” năm 2009 có pa-nô hình thiếu nữ mặc áo dài trắng mang nón lá tung tăng nắm tay nhau.
 
Năm 1997 có tổng lãnh sự quán ở San Francisco và phu nhân của những nhà ngoại giao từ Hà Nội đã mặc áo dài trong các sự kiện lễ tân. Tổng lãnh sự Trần Quốc Hùng và Nguyễn Mạnh Hùng là những quan chức đã mặc áo dài khăn đóng trong liên hoan đón tết.
 
Nhưng rất ít khi thấy hình ảnh lãnh đạo cao cấp của Việt Nam mặc áo dài. Duy nhất một lần tại APEC 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mặc áo dài vàng chụp hình chung với lãnh đạo các nước cùng mặc áo dài, nữ lãnh đạo có đội khăn đóng, theo như thông lệ mỗi lần họp thượng đỉnh thì mặc quốc phục của nước chủ nhà.
 
Lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà thì từ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã mặc áo dài khăn đóng trước công chúng. Các phu nhân như bà Nguyễn Văn Thiệu, bà Nguyễn Cao Kỳ hay bà Ngô Đình Nhu khi thăm dân hay ra nước ngoài cũng mặc áo dài.
 
Áo dài chính là quê hương trong đó, như ca từ của Thanh Tùng và Từ Huy: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi…!”
 
Nét thanh tao của chiếc áo dài Việt Nam mà bà Kim Keon-hee, phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đã mặc khi công du Việt Nam vào năm ngoái làm nổi bật quốc phục của Việt Nam và truyền cảm hứng yêu áo dài cho nhiều người Việt.
 
Để khôi phục truyền thống mặc áo dài, theo bài viết ngày 21-11-2016 của Trần Nhật Kim trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử thì ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở giáo dục đào tạo của thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu năm đã có văn thư gửi hiệu trưởng các trường trung học phổ thông khuyến khích nữ sinh mặc áo dài đến trường. Thành phố còn tổ chức nhiều sự kiện để phát huy tinh thần yêu thích mặc áo dài không chỉ nơi trường học mà trong cả các sinh hoạt thường nhật.
 
Nhiều nơi tổ chức lễ hội áo dài, nhiều “đại sứ áo dài” đến các trường nói chuyện với học sinh về vẻ đẹp, tình yêu và sự hãnh diện về chiếc áo biểu tượng của quê hương.
 
Cũng đã có ý kiến tại quốc hội về việc phát huy truyền thống áo dài. Năm 2020 trong nước xôn xao với đề nghị công chức nam giới cũng mặc áo dài đến nơi làm việc nhưng có vẻ không được hưởng ứng.
 
Trong cộng đồng người Việt hải ngoại thường thấy bóng dáng áo dài nơi sân chùa, trong giáo đường và rộn ràng nhất là tại các hội chợ tết mỗi năm.
 
Người Ấn Độ cũng mặc áo giống như áo dài Việt Nam mà một bạn học cùng trường cấp hai với tôi, Trò Tê, đã có ý kiến về cải biến của áo dài thời đại như sau: “Vùng Nam Á, như Ấn Độ, Bangladesh phụ nữ cũng mặc loại áo dài kurta, cũng hai tà trước sau, cũng mặc với quần dài, chỉ khác ở hàng cúc ngắn ở giữa, sẻ từ cổ xuống tới ngực để khi mặc thì chui đầu vào.”
 
Nhận xét của bạn không sai, vì bây giờ nhiều áo dài may sẵn từ trong nước hay trong các cửa tiệm ở San Jose là loại áo chui đầu khi mặc rồi kéo dây khoá lên, không phải gài cúc.

BuiVanPhu_2024_0529_AoDai_H09_GhanaIndiaWomen
Áo của phụ nữ Ấn Độ, bên trái, và phụ nữ Ghana (Ảnh: Bùi Văn Phú)
 
Về áo dài cho nam giới, bạn phê bình: “Gần đây, bên Việt Nam có xuất hiện kiểu áo gọi là ‘cách tân’ trông rất kỳ cục, với hàng nút chạy ra ngoài, bên phải, trông giống như nút áo đầu bếp, lại còn có tay áo ráp với thân ở vai, giống áo dài kurta của đàn ông Ấn Độ. Nhiều chiếc áo trông còn ớn hơn, thêu hoa lá cành, chim cò, rồng rắn nhiều mầu loè loẹt!”
 
Năm 2018 có dịp trở lại châu Phi, đến Cape Coast ở Ghana gặp một thiếu nữ mặc áo hai vạt, cổ thuyền may bằng vải trông như thổ cầm mà lại theo kiểu mini, ngắn qua đầu gối. Không chỉ một lần, mà tôi đã thấy ba phụ nữ Ghana mặc áo trông như tà áo quê hương. Hỏi bạn đồng nghiệp gốc bản xứ, anh nói đó chỉ là một kiểu áo địa phương.
 
Tìm hiểu về áo dài đương đại, có Minh Hạnh hay Trịnh Hoàng Diệu là những nhà thiết kế với mẫu áo sang đẹp và những kiểu gọn gàng, đơn giản mang tính đại chúng để có thể mặc thường ngày.
 
Ở Hoa Kỳ, nhiều nữ sinh gốc Nam Á, gốc Trung Đông mặc áo truyền thống của họ đến lớp mỗi ngày nhưng tôi chưa bao giờ thấy sinh viên mặc áo dài đi học và tự hỏi vì sao người Việt không phô bày nét đẹp văn hoá nguồn cội trong sinh hoạt thường nhật.
 
Có phải vì một thời kinh tế khó khăn, không đủ cơm ăn thì lo gì áo quần nên phụ nữ Việt không còn thiết tha với nó. Hay theo quan điểm của người cộng sản áo dài là biểu hiện của thực dân Pháp, của giai cấp tiểu tư sản?
 
Bùi Văn Phú

No comments:

Post a Comment