Links

Saturday, August 31, 2024

HỒI ỨC VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG CỦA THẾ HỆ HỌC SINH NGÀY XƯA.


 


HỒI ỨC VỀ CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG CỦA THẾ HỆ HỌC SINH NGÀY XƯA.

Hàng năm, cứ đến khoảng tháng 8, tháng 9 là mùa tựu trường.
Nhìn hoàn cảnh hiện nay của các bé nhi đồng bước chân vào tiểu học, nhiều người lớn không thể xua đi hết cảm giác thương cảm cho “con đường đến trường” trong thời đại hiện nay.
Bởi vì từ lâu rồi, các thế hệ học sinh đã không thể thấm thía được đoạn văn này của Thanh Tịnh, vốn đã quen thuộc với hầu hết thế hệ học trò xưa kia:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn:
Hôm nay tôi đi học.”
🌺
Ngày nay, đường đi học của các em, kể cả nông thôn lẫn thành thị, đầy những bụi bặm, xe cộ và không thiếu những cạm bẫy chực chờ. Xã hội ngày càng văn minh, càng phát triển thì không gian tuổi thơ của các em bị thu hẹp lại rất nhiều.
Tuổi thơ của tôi chỉ mới đi qua được vài chục năm, nhưng lúc đó hãy còn đẹp lắm.
Khi hoàng hôn đã khuất dạng, màn đêm kéo đến và thế gian không được soi rọi bởi ánh điện văn minh như hiện nay, nhưng chúng tôi vẫn có ánh trăng bừng sáng cả một khoảng sân rộng, ở đó trẻ em cả làng có thể tụ tập và vui chơi trong một khung cảnh rất thanh bình.
Con đường đến trường khi gần, khi xa, nhưng luôn an toàn, và chúng tôi vẫn có thể tự đi bộ đến trường.
Đó là một hành trình như một chuyến phiêu lưu để chúng tôi – những đứa trẻ bắt đầu hình thành ý thức – có thể khám phá những điều mới lạ ở hai bên vệ đường.
Nếu có bạn nào thắc mắc con đường đến trường ở thời điểm xa xưa hơn nữa, vào cái thời thập niên 1950-1960 ở miền Nam, tác giả Hoàng Lan Chi đã kể lại như sau:
“ Con đường đến trường tiểu học thật dễ thương.
Ngày ấy chúng tôi đi bộ nhiều, chẳng vù vù xe máy như bây giờ. Đi bộ đến trường thật vui. Cứ tung tăng chân sáo, vừa đi vừa hái hoa bắt buớm. Ôi sao ngày đó Sài Gòn nhiều hoa bướm thế! Hai bên đường những hàng rào hoa dâm bụt đo đỏ xinh xinh. Nhìn vào trong, nhà nào cũng có vườn, cây cối xum xuê. Bướm bay la đà. Những con bướm đủ màu sắc, nhưng bướm vàng nhiều nhất. Nếu nhìn riêng thì bướm vàng không đẹp nhưng khi bay lượn giữa rừng lá xanh thì đàn bướm vàng thật duyên dáng. Chúng như một nét điểm xuyết cho bức họa hoa lá… Tôi thích nhìn bướm bay, tôi thích ngắm hoa nở.
Trường học to vừa phải, lớp học đủ ánh sáng. Mỗi sáng thứ hai chào cờ, đứng nghiêm và hát quốc ca: “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…”
Ừ thì thanh niên luôn được dạy dỗ là “đáp lời sông núi”.
Chúng tôi được học những bài công dân giáo dục đầu tiên và chúng đã ăn sâu mãi vào tiềm thức. Đủ biết các cụ nói uốn cây khi chúng còn non là đúng.
Tuổi ngây thơ coi những lời thầy cô là khuôn vàng thước ngọc:
• Không phá của công.
• Không xả rác ngoài đường.
• Phải nhường ghế cho người lớn tuổi và phụ nữ có thai trên xe buýt.
• Phải dắt em bé hay cụ già qua đường.
• Phải ngả nón chào khi xe tang đi qua.
• Không gian lận. Nói dối là xấu xa…
Chúng tôi đã được dạy như thế đó và chúng tôi đã làm theo như thế đó.
Ôi Sài Gòn của tôi ơi, bây giờ tôi đi giữa phố phường mà lạc lõng vô cùng khi chỉ mình tôi ngả nón chào người chết hay chạy nép vào lề nhường cho xe cấp cứu đi qua!
(Hoàng Lan Chi – Hồi ký của một người con gái đất Bắc tại Sài Gòn trước 75).
Trong 1 bài viết trên báo Tri Thức Trẻ, tác giả Trang Trần so sánh việc học của thời xưa và thời nay như sau:
Thời xưa, chuyện học hành của lũ trẻ nhàn hạ lắm.
Học ít vô cùng, mà chơi nhiều hơn.
Trẻ em ngày xưa, đa phần chỉ học một buổi, sáng hoặc chiều trong ngày, chương trình học cũng rất nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Hồi ấy, hiếm thấy đứa nào bị cận thị hay gù lưng, vẹo xương sống vì phải vác theo những chiếc cặp nặng trịch hay còng lưng ngồi làm bài tập liên miên.
Cặp sách chỉ có vài quyển vở được bọc bằng giấy báo, giấy bìa màu xi-măng, sang lắm là giấy gói quà loại mỏng và sách học, cái hộp bút nhựa đựng thước kẻ, bút chì, tẩy và bút kim tinh, thêm cái compa nữa là quá đầy đủ.
Phương tiện đến trường chủ yếu của tụi nhỏ chính là xe “căng hải” (hai cẳng – đi bộ). Cả đám gần nhà thường chờ nhau, xúm xít dàn hàng năm hàng ba, vừa dắt nhau đến trường vừa cười đùa ríu ran. Hiếm lắm mới có chuyện bố mẹ dắt con hay anh chị lớn chở em nhỏ bằng xe đạp đến trường. (Trang Trần – báo Tri Thức Trẻ)
Còn ngày nay, học đúng là một gánh nặng với trẻ em ngay từ khi chập chững vào mẫu giáo. Trước khi vào lớp 1, các em đã phải tăng ca học chữ, chứ không như xưa, khi trẻ em vào lớp 1 như một tờ giấy trắng.
Học chính khóa ngày 2 buổi chưa đủ, các em ngày nay phải học thêm buổi tối, học năng khiếu… từ sáng đến tối chỉ có học mà bài vở vẫn không hết thì đâu còn thời gian để vui chơi.
Bọn trẻ ngày nay có lẽ không thể hình dung ra được những trò chơi dân dã của ngày xưa, không tốn tiền và luôn cần thật nhiều người cùng tham gia chơi, càng đông càng vui. Chỉ cần một khoảng sân rộng, vài ba hòn đá, viên bi… là đủ để lũ nhóc chơi đủ trò từ bắn bi, đánh đáo, ô ăn quan hay bịt mắt bắt dê cũng đủ để những tiếng cười giòn tan vang lên.
Tuổi thơ của quá khứ dân dã mà thanh bình đó, có lẽ là sẽ không bao giờ quay lại được nữa.😪
Bài: Đông Kha
(Hình ảnh sưu tầm trên mạng

No comments:

Post a Comment