Links

Friday, September 6, 2024

"Ăn Của Rừng Rưng Rưng Nước Mắt".





                    *
 Lời Tác giả: Tui viết bài này khi tình cờ thấy một FB ở Định Quán đăng hình một chiếc "Xe Cẩu chở gỗ", đây là chiếc xe dân làm gỗ thường gọi là xe Reo, một loại xe GMC của quân đội họ cải tiến lại thành xe cẩu những lóng gỗ tròn to để phục vụ cho nghề "Phá sơn lâm". 

  Bài này tui chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe khi dấn thân vào nghề khai thác Lâm sản trong thập niên tám mươi trên huyện Dương Minh Châu ( Tây Ninh), Đakia (Sông bé), thuộc công trường khai thác trắng rừng để làm hồ thủy điện , ngoài ra không có ý đả phá, phê bình cái nghề này, cái nghề đã giúp cho tui giai đoạn vượt qua thời buổi khó khăn trong những năm "Bao cấp", nhưng cũng để lại cho tui những mất mát khó bù đắp được.

  Tui nhớ man mán vào  năm một chín tám hai khi đang làm kế toán thanh toán của một Đội xây dựng & sửa chữa nhà, cuộc sống thật đơn điệu khi ngày hai bữa vật lộn các con số trên sổ sách,  với đồng lương còm cõi tui cũng sống tạm qua ngày như bao người công nhân viên chức khác.

 Một sáng nọ đang ngồi uống cà phê trước cổng Đội, phía bên kia đường, từ đàng xa tui đã thấy anh Hai đang thả bộ gần đó, tui chạy lại níu anh vô cà phê cà pháo cho vui.

 Vừa ngồi xuống anh đã vồn vã hỏi thăm gia đình tui, vì cha của anh Hai là bạn già thâm tình với tía tui, anh hỏi:

 - Chú Năm ba em khỏe không? Bữa nào công việc rảnh rang anh xuống nhà thăm chú.

 Tui cảm ơn anh đã có lòng hỏi thăm tía tui, tui đáp lời :

-Dạ ba em vẫn khỏe, ổng hay nhắc anh Hai lắm, có hôm buồn buồn ổng ngồi một mình bên chai ba xi đế với mấy con khô, chừng như cũng trông anh ghé chơi để lai rai cho có bạn.

 Hỏi thăm qua lại một hồi anh Hai bèn hỏi tui:

- Vậy chứ lúc này công việc của em có ổn không, bên xí nghiệp anh đang chuẩn bị tuyển người lên công trường khai thác gỗ, anh cần một kế toán công trường nhanh nhạy, vì ngoài làm sổ sách còn phải làm những việc khác như đi "Giao tế" để thuận lợi cho việc điều hành các cái trên công trường.

Nghe anh nói tui cũng thắc mắc:

- Vậy thì ông "Sếp bót" trên công trường của anh đâu, sao họ không làm việc đó.

Anh Hai hớp ngụm cà phê xong rồi anh từ tốn nói:

-Chèn ơi! Cấp trên bổ nhiệm ông "Thần nước mặn" này cho anh,  ổng được cái tánh hiền lành, chân chất thật thà, nhưng điều hành công việc chung trên công trường ổng làm không xuể, đã vậy cứ uống rượu bất kể ngày đêm, anh coi ổng như cha của mình không nỡ trả ổng về lại tổ chức, bởi vậy anh cần người xốc vác phụ với ông Tám Y để điều hành công trường.

 Sau một hồi đăm chiêu, anh Hai khiều vai tui anh hỏi:

- Hay vầy nè, em xin chuyển công tác qua Xí nghiệp anh đi, kệ nó xa nhà một chút mà có thu nhập kha khá hơn ở đây nhiều lần, nếu chịu khó có khi em làm giàu chẳng mấy hồi.

 Làm thêm ngụm cà phê xong, anh Hai tiếp tục thuyết phục tui:

- Lên đó chẳng cần làm ăn chụp giựt  gì ráo, chỉ cần em làm siêng thì dư sức có tiền rủng rỉnh bỏ vô túi.

 Nghe anh nói rất bùi tai, tui cũng khoái chí trong bụng, tui liền hỏi tới:

- Anh nói coi bộ dễ ăn dữ thần vậy, vậy thì ai lên rừng cũng khá dã hết ráo rồi.

Nghe tui hỏi với cái giọng ngạc nhiên pha chút nghi ngờ, anh Hai trấn an và đưa ra những cách thức kiếm tiền trong sạch bằng sức lao động của mình, anh nói:

 - Anh có kêu thằng Đẹp nó cũng là lính lát của anh ngày trước, nó chịu lên công trường rồi, thêm nữa có thằng Viên tài xế, nó lên đó phụ trách chiếc máy cày, nay em lên nữa thì ba đứa bây ráp lại như Rồng mây gặp hội lo gì không khá.

 Lại hớp thêm ngụm cà phê anh Hai nói tiếp:

- Tụi em ba đứa, ngòai giờ làm việc trên công trường , ba đứa vác cưa vô bìa rừng cưa củi bán lại cho xí nghiệp, hoặc có thương lái nào mua thì bán cho họ cũng không sao, vì đây là khu khai thác trắng, củi gỗ sẽ được tận thu tránh bỏ lãng phí, một site củi ( một thước vuông) là có tiền cà phê cà pháo rồi, một ngày mấy đứa cưa chừng ba site là vô mánh rồi đó, ngoài ra có thể vô rừng cao su đi dạo một vòng cũng có tiền.

 Nói tới đây anh Hai bỏ ngang không đề cập tới nữa, tui thắc mắc trong bụng tại sao dạo một vòng trong rừng lại có tiền, không lẽ có bà tiên nào đó còn sót lại cuối thế kỷ hai mươi thả tiền xuống cho người nghèo khó chăng, tui thầm nghĩ chỉ có chuyện hoang đường chứ mần gì có việc như vậy, tui liền hỏi anh Hai:

- Dạo một vòng trong rừng rồi tiền đâu mà có anh Hai, chẳng lẽ có kho báu của ông chủ  nào đó chôn giấu rồi mình tìm được hả?

 Nghe tui hỏi cái giọng ngây ngô, anh Hai bật cười rồi anh giải tỏa cho thắc mắc của tui:

- Dưới tán cây cao su trong rừng có đầy hột cao su rụng dưới gốc, tụi em chỉ cần gom lại vô bao đem về cất đó, vài bữa có người ở địa phương họ đi mua lại thì làm giàu mấy hồi.

 Nghe anh nói cách kiếm tiền này thiệt đã, chỉ bỏ ra chút ít thì giờ lòng vòng trong lô cao su thì đã có tiền ai mà không ham.

 Vậy là tui ok cái rụp, một tuần sau anh Hai làm mọi thủ tục để tui trở thành một cư dân của nghề ăn của rừng một cách nhanh chóng..
                   *
 Trên công trường ngày đầu tiên tui với thằng Viên và thằng Đẹp diện kiến với ông Tám Y và anh Ba Đ, ông Tám là chỉ huy trưởng, anh Ba D là chỉ huy phó công trường, tui được phân làm kế toán, thằng Đẹp làm Quản lý rừng (khu vực mà xí nghiệp tui được giao để khai thác), thằng Viên phụ trách cái máy cày lớn để vận xuất gỗ.

 Nói công trường cho oai chứ thật ra nó không có nhà văn phòng xây kiên cố , nơi đặt ban chỉ huy là cái láng trại bằng tre rồi lợp tranh lên trên, phía vách cũng bằng tranh chỉ che được mưa gió lất phất, khi mưa to gió lớn thì ai nấy bị ướt như chuột lột.

 Đang sống ở thành phố điện nước sáng ngời, khi lên rừng thì ban đêm đèn dầu leo lét, tiếng côn trùng rả rích suốt đêm khiến ba thằng tui đứa nào cũng buồn ra mặt, nhưng vì tương lai thôi kệ ráng gát lại nỗi buồn để hy vọng ngày mai trời lại sáng, ai cũng muốn kiếm được số tiền kha khá rồi về lại thành phố sống.

 Bữa cơm đầu tiên của tụi tui khá đạm bạc, vài con cá khô mặn chát được chiên lên, cộng với tô canh bí đỏ thiếu cả hành ngò nêm nếm nên cố nuốt cho rồi bữa.

 Công trường tụi tui đóng gần cầu Bưng Bàng, khi khai thác gổ xong thì chiếc xe Thùng , hoặc xe Reo GMC có thùng cải tiến cơi cao lên để chở củi.

 Tui được ông Tám Y giao cho cái nhiệm vụ đi đến công trường Cấp trên đóng phía bên kia ngọn đồi cao để tách giấy phép khai thác cho xe chở về thành phố, mỗi đơn vị khai thác đều có giấy phép riêng do sở Lâm nghiệp cấp, mỗi khi chở về bao nhiêu mét khối gỗ, bao nhiêu site củi thì phải có tách riêng số lượng này để trình trạm kiểm lâm, số lượng này được trừ dần vô giấy phép chung, khi hết số lượng thì phải làm giấy phép mới mới có thể đem sản phẩm về.

 Khi các xe củi được chất lên xe đầy đủ, thì tui và ông Tám Y cuốc bộ băng rừng ra công trường Cấp trên để làm thủ tục tách giấy phép, trên đường đi ông Tám cứ cằn nhằn, ông có cái quyết định số 44/QĐ/UB của quận cấp cho ông làm chỉ huy trưởng công trường này, vậy mà anh Ba D không phục khiến ông nói hoài nhằm nhắc cho mọi người biết ông là người chính thức được bổ nhiệm chứ không phải ngang xương mần chức vụ này.

 Đến công trường Cấp trên sau một hồi lội bộ muốn rã cặp giò, tui với ông Tám trình giấy phép và biên bản nghiệm thu lâm sản chở về lần này, tiếp nhận giấy tờ của tui anh nhân viên xem qua sơ sài rồi phán một câu:

 -Mấy ông nghiệm thu số lượng đúng không, chắc tui phải xuống kiểm lại, có khi nào khai khống để "Rút ruột" dầu Gazon vận chuyển không vậy?

 Ông Tám Y ấp a ấp úng nói không nên lời, tui bèn nói :

 -Nghiệm thu xe có người của bên anh cử xuống, tụi tui phối hợp đo đạc đàng hoàng minh bạch không có khuất tất gì đâu, anh tách giấy phép cho anh em về sớm vì họ lên đây hai ngày rồi.

 Thằng Nhiều nhân viên hạch hỏi tụi tui nãy giờ, nghe tui trình bày đúng với quy trình hiện hành nên nó sượng nhẹ một chút, rồi đổi giọng:

 - Em chỉ nói vậy để phòng ngừa nhiều đơn vị làm ăn ma giáo thôi. Em cũng là cư dân của quận nhà mình đó, giúp mấy anh không hết ai đâu khó dễ làm gì.

Nghe thằng Nhiều nói với thái độ chân tình, tui cảm ơn nó nhưng không quên nhét vô hộc bàn cho nó gói thuốc lá hiệu Samit , đây là loại thuốc lá thơm  mắc tiền nhất lúc đó, thằng Nhiều ái ngại nói:

-Thôi em hút một điếu tình cảm với mấy anh thôi, để dành "Giao tế " với anh em kiểm lâm dọc đường đi nha.

 Tui cũng không ngờ khi lần đầu tiên làm công việc này thật thuận lợi vô cùng, vì thằng Nhiều chẳng những không làm khó dễ để moi tiền mà còn giúp đỡ tui tận tình nên đến tận giờ tui cũng còn nhớ như in khuôn mặt đáng quý của thằng Nhiều.

 Khi các xe củi xe gỗ rời công trường về thành phố, không khí trên công trường trở lại yên ắng vô cùng, hai ngày trước công nhân bốc vác, tài xế, áp tải làm việc liên tục, những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng do tài xế mang theo nên tụi tui ké được ít nhiều, nên khi họ đi rồi thì công trường lại ăn khô ăn mắm như mọi khi.

 Đêm đó bên bàn nước trà tụi tui ngồi nói chuyện , ông Tám buông lời khen tui:

 - Tao nói thiệt bây lanh lẹ, nói năng có bài bản nên thằng Nhiều nó không khó dễ, chứ không dễ gì "Ngon ăn" như bây làm sáng nay đâu.

 Tui nói với ông Tám là mình nói đúng sự thật, không có gian dối gì hết tất nhiên họ đâu có lý do gì bắt bẻ khó dễ.

 Rồi ông Tám tiếp:

-Thôi vầy đi, mơi mốt bây cứ đi tách giấy phép một mình đi, đi hai người nhiều khi công việc không chạy mắc công lắm, mà tao giao bây cứ làm nếu có cần chi bồi dưỡng chút đỉnh cho họ thì bây cứ chi rồi về tính sau:

Tui e ngại:

-Vậy khó lắm chú Tám,nhiều khi chi ít chi nhiều có mình tui hà, anh em nghi ngờ tui ăn bớt thì mắc công lắm.

Ông Tám Y cự tui liền:

-Bá láp, tao chỉ huy ở đây tao giao bây ai nói gì thây kệ, bây cứ làm có gì tao chịu.

Tui không ngờ ông già Tám này tính khí cũng anh hùng mã thượng ghê hồn, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, từ đó tui có cái nhìn khác về ông, dưới cặp mắt tui ông không còn là người say rượu nói càn nữa, mà ông là người có tính cách quyết đoán không nệ hà điều gì.

 Trở lại câu chuyện anh Hai chỉ cách tụi tui làm giàu, bữa nọ ba thằng tui xách cái cưa cá mập vô bìa rừng tập tành làm tiều phu đốn củi, một site củi để bán không hề đơn giản, ba thằng tui cưa cả buổi mới xong một site  thì thân xác của tụi tui ai nấy cũng rã rời, không dễ ăn như anh Hai miêu tả hôm anh em tụi tui uống cà phê, vậy là tui  vỡ mộng làm giàu bao nhiêu hy vọng đổi đời tan theo bọt nước ,tuy vậy cũng còn một bám víu cuối cùng là đi lượm hột cao su để bán, ngày nọ quần thảo một vùng rộng lớn ở mấy lô cao su , lược được chừng nửa ki lô gam ngoài ra không còn được gì thêm ngoài ba con vắt nó cắn hút máu đau thấy tía.

Lúc rảnh rang, tui hay vô rừng coi anh em công nhân hạ gỗ, công việc cực nhọc lắm gian nan và nguy hiểm, đôi lúc trả giá bằng mạng sống của mình khi cưa cây bị gió thổi phản tàn làm cây ngã ngược về phía người cưa gây chết chóc đau thương.

 Lắm khi cưa khu rừng nào xa xa bên trong, thợ rùng bị người dân tộc thiểu số gây khó dễ đòi chém đòi giết, nhiều thợ rừng phải năn nỉ, lân la làm quen, la cà ăn nhậu biếu xén chút tiền bạc thì họ mới để cho yên thân, những khi chưa tới kỳ nghiệm thu thanh toán tiền thợ rừng đem quần áo bảo hộ lao động ra bán hoặc đổi chác  với người dân tộc để lấy con gà , con chim, con vịt về làm thức ăn, chứ ăn thịt (Cọp) riết thì sức đâu mần việc, (thịt cọp là nói cho mỹ miều nhưng kỳ thực là đâm muối hột với ớt để ăn cơm, mỗi khi đâm nghe chày và cối kêu cộp cộp nên anh em nói thịt cọp cho oai).

 Làm nghề rừng mùa khô thì đỡ cực nhọc hơn, vì đường vô rừng khô ráo, máy móc xe cộ ra vô dễ dàng, nhưng khi chuyển qua mùa mưa thì ai nấy mặt mày méo xẹo, thợ rừng cắt cây xuống bỏ nằm đó vì không kéo ra được bãi hai ( nơi tập trung để dàng cho xe vận chuyển) thì coi như chưa có tiền công, gặp đơn vị khai thác gỗ có tình có nghĩa với công nhân thì họ tạm nghiệm thu ở bãi một ( nơi cội cây bị cưa hạ) coi như tạm ghi nhận số lượng của họ khai thác được rồi ứng cho một ít tiền cho công nhân cầm hơi, sở dĩ không dám trả tiền dứt điểm cho họ vì có khi cây gỗ sẽ không còn nằm đây nữa, nó sẽ được bên nào đó ăn công ký với người công nhân xấu kéo đi mất bán cho đơn vị khác, phần đông không công trường nào muốn nắm con  Lươn phía đằng đuôi hết ráo.

 Thấy tình cảnh công nhân như vậy tui cũng tội nghiệp họ lắm, nhưng ông cố tui có sống dậy tui cũng không dám ứng tiền sòng phẳng hết cho họ, anh em chỉ còn an ủi nhau qua những bữa cơm đơn sơ trong chòi tranh, hoặc trong qua quán  lá đơn sơ bên đường bằng những chung rượu đế cay nồng, cũng nhờ vậy mà anh em công nhân cũng mến tui, họ không phiền hà khi thủ tục thanh toán không du di cho họ đỡ khổ, rồi khi sản phẩm của họ được kéo ra hết bãi hai, họ lãnh cục tiền thiệt bự để xúm vô những bữa tiệc nhậu tưng bừng khối lửa không bao lâu tiền lại cạn túi, họ bắt đầu lại vô rừng để kiếm tiền tiếp theo, ăn uống thiếu thốn làm việc cực khổ, sống nơi sơn lâm cùng cốc đầy chướng khí, bệnh tật theo họ, nào sốt rét rừng, tiêu chảy V.v... Có người thể trạng yếu quá qua không nổi đành vĩnh viễn nằm lại nơi rừng thiêng nước độc này.

 Về anh em tài xế thì vất vả không kém, thằng Viên lái xe máy cày nó cũng thuộc dân lì đòn, những đoạn đường  rừng lầy lội sâu hoắm ngó thấy lạnh xương sống, vậy mà nó kéo những lóng cây khổng lồ từ rừng ra ngoài lộ một cách tài tình, rồi chiếc GMC chở củi cũng được huy động vô rừng chở củi ra, xe bị mắc lầy trầm trọng, thùng xe đầy củi nghiêng một bên, thằng Viên mang máy cày vô để cứu chiếc GMC mắc lầy, cũng nhờ ơn trên phù trợ nên lần nào thằng Viên cũng giải cứu hành công, riêng một lần chiếc GMC không thể nào nổ máy, nó kéo chiếc GMC xuống dốc , theo quán tính chiếc GMC lao thẳng khỏi dốc rồi nhào vô chiếc máy cày của thằng Viên, đứng ven bìa rừng tui nói thằng Viên chuyến này chết chắc, khi chạy đến nơi xem thì đầu chiếc GMC gác lên một bên bánh lớn phía sau chiếc máy cày, thấy tình thế nguy hiểm thằng Viên phóng cái vèo xuống bụi cỏ rậm bên đường, vậy là nó thoát chết một cách thần kỳ. Sau vụ này nó mua con gà trống thiến của bà con trong sóc Bù Tam cúng tạ ơn thần rừng  che chở cho nó một cách kỳ bí, sau vụ này Viên xin nghỉ việc  quay về Sài gòn sống đời thợ hồ cho đến bây giờ.

 Nãy giờ nói về tai ương của thợ rừng , của tài xế mà chưa nói về tai nạn của mình, vốn là dân làm giấy tờ nhưng đôi lúc tui cũng hứng chí làm áp tải xe củi, xe gỗ tròn về thành phố.

 Các cây cầu, các ngầm suối sông ở những cánh rừng trên Sông bé, và Tây ninh nó già nua cỡ tuổi ông cố tổ của tui, vậy mà những chiếc xe vận tải chở vài ba chục Site củi chạy qua những ngầm dốc và các cây cầu này, ngày nọ tui theo xe "Lô bồi" chở củi, loại xe thớt này cái đầu xe cũng giống như những chiếc xe reo, nhưng nó kéo cái thớt dài gần chục mét, chung quanh thớt họ cắm mấy cây ngà để chận củi sạt lỡ theo dây chất củi, lần đó tui ngồi cabin với thằng Hiếu áp tải của Xí nghiệp, tài xế là anh Tòng người ròm ròm mà khỏe mạnh vô cùng, khi xe đến trạm kiểm lâm cầu Rạt ( Bình Phước), trình giấy và làm thủ tục xong xe tụi tui chạy bon bon đến cây cầu Rạt. Khi xe chậm chạm qua cầu, ngồi trên cabin tui nghe như mình đang nhảy điệu Lambada. Vì theo quán tính sức nặng xe nó làm cây cầu nhấp nhô, khi xe đến giữa cầu tui thấy thành cầu trước mặt tự nhiên nó hổng lên, thằng Hiếu và anh Tùng cũng xanh máu mặt vì biết cầu đang bị gãy. Anh Tòng bình tĩnh cho về số một anh đưa chiếc,Lô bồi vượt qua cây cầy đau khổ kia, chừng đuôi xe qua khỏi cầu tui chồm ra ngoái nhìn lại phía sau, cây cầu bị võng nghiêng một phía, may phước nó không bị xập tại chỗ, nếu nó xập thì giờ này tui cũng đã rong chơi ở cõi vĩnh hằng từ đời nào rồi. 

 Xe chạy ra tới ngả tư Đồng xoài tụi tui bị bắt lại, tui lên xe đò tức tốc về báo cho anh Hai, anh Hai nghe cầu xập anh mất ngủ cả đêm, anh cự tui :

 -Chèn ơi có gì sáng sớm cho anh hay cũng được, khuya lơ khuya lắc báo anh cũng đâu giải quyết được gì.

 Thi thấy mình cũng không tế nhị việc như vậy, tui hứa trong bụng sẽ không có lần thứ hai.

 Anh Hai chở tui lên Phước Long giải quyết xong vụ xập cầu, chuyến đó anh em tui cũng cúng tạ ơn ông thần rừng đã cứu mạng mấy đứa phá sơn lâm một bàn thua trông thấy.

 Rồi có lần nọ tui theo thằng Hiếu áp tải gần bốn mươi mét khối gỗ Vên Vên, gỗ này hình như nhóm 2 của phân loại nhóm gỗ, gỗ này bà con miền Tây khoái lắm, vì nó dùng làm  xuồng ghe thì số một luôn, còn mấy ông trại hòm cũng ưa nữa, thứ gỗ này làm hòm chôn người chết thì khó hư.

 Xe qua khỏi cái ngầm cầu Bưng Bàng, cũng ông nội Tòng tài xế , thấy sau khi qua ngầm đang ngon trớn lên dốc anh để số hai chạy luôn, xui cho anh xe lên nửa dốc thì bị nhợn, anh Tòng đạp "An ra ya" định trả về số một để bò lên dốc, không ngờ xe bị tuột dốc nên anh Tòng đánh tay lái cho đầu xe dựng vô vách núi, gỗ trên thớt xe đứt xích và cáp nó lăn tròn xuống suối, ba anh em tui ngồi trong ca bin mà hồn vía lên mây hết ráo, rồi cũng cái thằng tui làm con chim "Cú mèo" đón xe đò về báo tin cho anh Hai hay cái hung tin trên. Nghe xong anh phán một câu:

 - Giờ mỗi khi nghe em về báo tin là anh ớn óc rồi.

 Công việc làm của Xí nghiệp không còn trơn tru nữa, công trường khai thác Lâm sản nơi tui làm việc được cho giải tán, cứ những tưởng đi phá sơn lâm hơn hẳn nghề đâm hà bá của những anh em miền sông nước, nhưng thật ra không có gì là chân lý cả, cũng có người phất lên với nghề này, cũng có người tán gia bại sản cũng vì cái nghề này, giờ ngẫm lại câu ông bà mình nói đúng y bon:

 "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".

 Mấy anh em thấy có đúng không ?

 Viết xong 14h 6.9.2024

Riêng tặng cho mấy anh em ở Định Quán

1 comment:

  1. Cảm ơn cô đã cho đăng bài, xin chúc mọi thành viên trong trang nhà nhiều sức khỏe và may mắn thật nhiều trong cuộc sống.

    ReplyDelete