Links

Wednesday, September 25, 2024

NHẠC SĨ THÔNG ĐẠT-VĂN GIẢNG

 


THÔNG ĐẠT-VĂN GIẢNG

 

(1924-2013)


Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng sinh ngày 12, tháng 5, năm 1924 tại Huế. Ông là Giám Đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Trưởng phòng Học Vụ Nha Mỹ Thuật, đảm trách học vấn của các trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Năm 1970 ông được huy chương vàng giải Văn Học Nghệ Thuật (Âm nhạc loại A) của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng là tác giả những bài hành khúc hùng tráng và là tác giả nhạc phẩm bất hủ “Ai Về Sông Tương”

“Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người em gái tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương...” Đó là một đoạn ngắn trong bản nhạc tình bất hủ “Ai Về Sông Tương” của nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng đã đi vào lòng người mộ điệu Việt Nam qua nhiều thế hệ.

 

Cũng như bao nhiêu học sinh, sinh viên ở thời tuổi ngọc dưới Chánh thể Cộng Hòa. Tôi vẫn nhớ là thuở đó người Việt sống trong miền Nam hoàn toàn tự do, tự do làm theo sở thích của mình. Tự do yêu, hận, ghét, thương... Miễn sao đừng làm phiền người khác và phạm pháp. Có những bản nhạc của nhạc sĩ ba tôi và tôi thích nghe mà đôi khi còn hát theo những ca sĩ tài danh trong radio, trong băng nhựa (cassette)“Ai Về Sông Tương” đó là bản nhạc của nhạc sĩ “Thông Đạt-Văn Giảng” Bài “Trăng Mờ Bên Suối” của nhạc sĩ “Lê Mộng Nguyên”.

Riêng nhạc phẩm“Chiều Lên Bản Thượng” của nhạc sĩ “Lê Dinh” tôi không thể nào quên được. Vì đó là bài hát đệm cho bọn nam nữ học sinh chúng tôi gồm có 8 đứa, múa biểu diễn trong ngày mãn khóa học năm Đệ tứ (lớp 9) trước mấy trăm phụ huynh học sinh và chánh quyền tham dự. Và tôi còn thích rất nhiều, rất nhiều những bản nhạc bát ngát tình người, tình lính, tình quê... của những nhạc sĩ khác.

Vận nước nổi trôi, sau 30 tháng 4 năm 1975 nước Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay quỷ dữ! Theo đoàn người chạy loạn, gia đình tôi bôn ba đến xứ người được vào Mỹ đầu năm 1980, và khi nếp sống gia đình tạm thời yên ổn trong một nước tự do, vợ chồng đi làm, con cái đến trường... Thì lúc đó tâm trí tôi mới trở lại với chính mình là thèm muốn những riêng tư phải có cho sự đòi hỏi của tâm hồn. Tôi thèm nghe nhạc, thèm đọc sách, và nỗi đam mê viết lách bắt đầu âm ỉ ngún ngòi!

Ở thập niên 80, không biết vùng tôi tạm cư Chicago (Illinois) có bao nhiêu người Việt tỵ nạn Cộng sản, và bao nhiêu du học sinh miền Nam trước năm 1975. Nhưng chỉ có một tiệm duy nhứt của người Việt lai Tàu bán những vật dụng và gia dụng Á Đông (có các thứ của Việt Nam). Nhà tôi đến chợ nầy phải mất một giờ lái xe. Hôm đó tôi vô cùng mừng rỡ, mằn mò từ kệ hàng nầy qua kệ kia mới tìm được 6 băng cassette nhạc Việt Nam, thu đâu hồi năm ngoái kỳ xưa ở Sài Gòn.

Xin quý vị đừng cười cho “Bà Tư Kẹo” (đó là cái tên cúng cơm do các chị, em đặt cho tôi) mà mấy mươi năm rồi, giờ tôi mới chợt nhớ! 
Mèn ơi, bởi khi ra tính tiền những băng nhạc tôi tá hỏa tam tinh 7$/1 cassette (7 đô la một băng)! Trong khi quý vị à, tôi làm có 3$15 cắc/1giờ, ngoài chợ Mỹ bán thịt đùi heo 19 cắc/1lbs, 12 trứng gà /10cắc, thịt gà đùi 14cắc/1lbs... Tôi xót xa trong bụng, 6 băng nhạc nhiều lần cầm lên rồi để xuống... Phu quân tôi nhìn thấy biết vợ cái mặt méo xẹo vì tiếc tiền! Chàng tỏ ra tự nhiên hào sảng, bảo nhỏ: “Em thích thì mua về nghe đi...”

Tôi nhìn chồng biết ơn và e dè như người có tội, mua 3 cái, trả lại ba cái mà lòng đầy tiếc nuối. Nhưng eo ơi, có lẽ vì băng thu lại lâu đời, dùng nhiều nên về nhà 3 băng nhạc, chỉ có 1 băng hát nghe đỡ một chút, còn hai cái kia cái bị cà lăm, cái bị rè không nghe được...

Thuở đó được đồng hương trong vùng cho mượn sách, tập truyện, báo cũ... Việt ngữ thì quý và vui mừng lắm. Rồi dần dà tìm được địa chỉ một vài nguyệt san ở Nam, Bắc California... tôi chắt mót gởi mua sáu tháng, một năm... thì chủ báo gởi nhiều lắm là hai ba, lần... rồi mất tiêu luôn... Hoặc gởi tiền đi nhưng báo không bao giờ đến, gọi hỏi tòa soạn không ai trả lời...

Nghe tôi láp dáp cằn nhằn mấy tờ báo đời đó, phu quân tôi cười khì:

- Thôi bỏ đi, đền hoặc thưa gởi ai bây giờ? Đã mất tiền còn buồn bực làm chi cho mệt, ở đời người ta thiếu mình sướng hơn, chớ đừng để mình thiếu người ta... mang tội!

Bị dối gạt mất tiền. Lòng còn đang hết sức bực bội mà nghe ổng xã mình nói chuyện huề vốn thấy mắc ghét! Tôi hấy ổng con mắt có đuôi như dao cạo râu, rồi bỏ ra ngoài sân nhìn trời hiu quạnh cho thoải mái tâm hồn!

Trong dịp tình cờ, năm đó tôi đọc được bài của nhạc sĩ Lê Dinh viết về nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng trên nguyệt san Nghệ Thuật (của nhạc sĩ Lê Dinh). Từ lâu tôi đã cảm mến về nhạc của ông, giờ đây đọc được bài viết về ông, khiến tôi càng kính phục về người nhạc sĩ tài hoa Thông Đạt-Văn Giảng nhiều hơn.

Nhờ nhạc sĩ Lê Dinh cho địa chỉ, tôi mạo muội gởi tặng ông Thông Đạt-Văn Giảng hai thi tập của mình để làm quen. Sau tháng gởi thi phẩm tặng, tôi nhận được thiệp cảm ơn của ông, và trong thiệp ông có hỏi “Chị còn có thi tập nào nữa không...?” Tôi mừng húm, lật đật gởi tiếp ông 4 thi tập còn lại! Bởi theo thiển nghĩ của tôi: “Viết ra là mong tác phẩm của mình được đến tay người đọc... Có độc giả càng nhiều càng tốt, văn thơ được đi xa, xa tít khắp năm châu bốn biển càng hay... Và được có người cảm nhận văn thơ mình thì tôi sung sướng hạnh phúc vô cùng...”

Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng ở nước Úc, chúng tôi ở nước Mỹ, hai Châu khác nhau. Trên bản đồ thế giới hai nước cách xa hơn nửa vòng trái đất, một biển Thái Bình Dương bao la, các múi kinh tuyến, các tầng vĩ tuyến. Phải mất khoảng 16 giờ máy bay không ngừng nghỉ từ Hoa Kỳ mới đến Úc Đại Lợi.

Vào năm 2003 du lịch ở Úc, có đi qua vùng Melbourne nơi nhạc sĩ tạm cư. Chúng tôi điện thoại đến, xin được ghé qua thăm ông. Và kể từ sau lần thăm, tôi gọi ông bằng bác (ông cùng tuổi với ba tôi)

Bác Thông Đạt-Văn Giảng tôi gặp năm đó có vóc dáng cao ráo, ốm, khuôn mặt phúc hậu, nước da trắng xanh. Nét mặt nghiêm trang, giọng Huế của bác nhỏ nhẹ, ôn tồn, ấm áp... Bác lắng nghe người đối diện nói nhiều hơn bác nói. Bác khiêm tốn, có phong cách phương phi, điềm đạm của một nhà mô phạm hơn là một nghệ sĩ...

Chúng tôi vì phải theo đoàn du lịch qua tiểu bang khác trong ngày, nên dừng lại thăm bác chỉ một giờ thôi. Bác đãi chúng tôi tách trà mai quế hoa với bánh “phục linh” (loại bánh in nhỏ bằng ngón tay cái, để vào miệng không cần nhai mà bánh thao ra) ngọt đường, béo nước cốt dừa và phảng phất hương lá dứa. Bánh có màu xanh nhạt, màu hồng phấn và màu lá cẩm đặt trên chiếc dĩa kiểu mạ vàng trên vành.

Nhân dịp đến thăm, tôi tặng bác món cổ ngoạn nhỏ để bàn, đó là tượng phật Quan Âm bằng ngọc thạch nhân tạo, có vân xanh da trời và trắng màu mây. Mấy năm trước du lịch tôi đã mua trong một ngôi chùa bên khu Tam Giác Vàng (Nơi đây có ba dòng sông của ba nước: Thái Lan, Lào, và Burma) nhập lại.

Đưa chúng tôi ra cửa, bác nhẹ giọng:

- Chúc thượng lộ bình an, cảm ơn anh chị đến thăm, và tặng món cổ ngoạn... Từ rày thỉnh thoảng gởi sách, hoặc thơ chị viết cho tôi đọc là quý lắm rồi... Tôi không nhận quà nữa nghe...

Cuối năm đó, tôi vui mừng sung sướng nhận được những bài thơ của mình được bác phổ nhạc... Và thật cảm động có kèm theo lá thư dưới đây là nguyên văn và bút tích của bác:

“.....Nhận được mấy thi tập của nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn gửi tặng đầu năm 2001. Tôi nghĩ rằng một nhà thơ chưa quen biết mà gởi tác phẩm tặng, có lẽ muốn mình phổ nhạc. Nếu không phổ một bài nào e mình thiếu lịch sự! Nên tôi bắt đầu đọc thơ của Dư Thị Diễm Buồn để kiếm một bài phổ nhạc làm quà quen biết với nhà thơ, người có ý tốt hâm mộ tôi. Tôi đã chọn được bài thơ “Nhớ” phổ theo âm hưởng Huế làm món quà văn nghệ ban sơ... Mấy ngày sau tiếp tục đọc kỹ thì thấy có nhiều bài hay, ý tứ súc tích, từ ngữ phong phú, mộc mạc, chất phác, tình cảm đậm đà, nhất là chất nhạc dồi dào rất gợi cảm cho người phổ nhạc. Do đó tôi viết thêm bài thứ hai, thứ ba và tiếp tục từ bài nầy đến bài khác... Tôi ngâm nga lời thơ để viết nhạc một cách lý thú... Tôi có thói quen khi viết được khúc nhạc nào cảm thấy hay hay, thì thường hát cho vợ con nghe, đặc biệt câu nào thích nhứt trong bài, tôi thường hát lập đi, lập lại nhiều lần để tự mình và những người thân trong gia đình thưởng thức. Thỉnh thoảng tôi hỏi họ: Đã nghe... câu ấy chưa, được không?” Khi họ trả lời: “Nghe hay, dễ nhớ...” Lúc đó tôi mới hạ bút viết thành nhạc... Khi phổ đến bài thơ thứ năm, tôi thấy cũng đủ rồi, ngưng là vừa... Thế rồi lật tập thơ khác ra đọc tiếp, thì cảm hứng dấy lên tôi muốn phổ nhạc thêm... Như vậy đủ thấy thơ Dư Thị Diễm Buồn thật là phong phú tình cảm, nhạc tính dồi dào dễ rung động người đọc.

Tôi có ý định phổ thơ cho đủ chị làm một CD... Cuối cùng tôi đã thực hiện xong ý mình, và tôi lại tiếp tục phổ nhạc thơ của Dư Thị Diễm Buồn nhiều hơn đã định...”
Melburne, ngày 12 tháng 4 năm 2001
Văn Giảng-Thông Đạt
(Trích trong tập nhạc của ba nhạc sĩ: Văn Giảng-Thông Đạt, Võ Tá Hân, và Hiếu Anh)

 

Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm bác một lần, hoặc gởi bác cái thiệp vấn an. Sách nào, văn cũng như thi tập, CD ngâm thơ tao đàn nào khi phát hành tôi cũng gởi tặng bác... 

Có lần bác bảo:

- Chị có định ra CD nhạc chưa?

- Kính bác, cháu có hỏi thăm những nhà làm nhạc thu vào CD ở California. Họ bảo trung bình làm một CD gốc, ca sĩ thường hát nghe được thì từ 7000$ (bảy ngàn đô la Mỹ còn những ca sĩ hát hay nổi tiếng phải từ 12000$ (mười hai ngàn đô la) đó bác ạ... Cháu chưa có khả năng...

Bác từ tốn bảo:

-  Ờ nhiều tiền quá hả? Thôi thì cứ để đó đi... Khuyên chị đừng gởi về bển thâu rồi họ sửa đổi bậy bạ... Tôi viết nhạc lâu nên chẳng ngại chi cả, còn chị là cây viết trẻ... có cái cớ để bị chụp mũ thì nhiều phiền phức lắm!
          Tôi “Vâng, dạ…” mà cả thấy lòng buồn hiu. Rồi một năm, hai, năm qua những bài nhạc bác phổ cho thơ tôi vẫn còn nằm yên đó. Có một hôm tôi gởi tặng bác CD nhạc của anh Lê Quang Diệp (sư huynh đồng môn Trung học Phan Thanh Giản& Đoàn Thị Điểm) thời xa xưa tặng, vì trong đó có bài thơ tôi được anh phổ nhạc.

Nghe xong CD, bác bảo:

- Bây giờ chị có thể gởi những bài nhạc tôi phổ thơ về bên ấy, cho họ soạn hòa âm, và làm CD được rồi... Và nhớ yêu cầu những ca sĩ đã hát trong CD chị cho tôi, hát cho CD mới nầy của chị nghe...

Thế là: Tình khúc thơ phổ nhạc CD 1“Con Đường Xưa Mưa Bay” thơ Dư Thị Diễm Buồn, nhạc Thông Đạt-Văn Giảng được hiện hữu trên thế gian nầy vào mùa xuân California ngày đẹp nắng.

          Nhờ sự chiếu cố của thính giả, năm sau tình khúc thơ phổ nhạc CD 2 “Ướp Hồng Tuổi Ngọc” Nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng phổ thơ Dư Thị Diễm Buồn, được ra đời.

Mỗi lần nghe tôi sắp ra CD bác rất vui. Bác chăm chút sửa chữa lại chỗ nào chưa ưng ý, sắp xếp bài nào hát trước, bài nào hát sau, và đặt cho CD cái tên đẹp! Khi ra CD xong tôi hỏi bác muốn bao nhiêu cái để tôi gởi qua. Bác cười hiền: “Chị gởi cho tôi xin 10 CD để tặng... con cháu”

 

Chúng tôi trở lại Úc, nhân dịp trường xưa tổ chức “Đại hội cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Thế Giới Năm 2010” ở Victoria. Và sau ngày tới vùng Melbourne, tôi gọi điện thoại xin được đến thăm bác Thông Đạt-Văn Giảng. 

Phòng khách của bác giản dị, và tượng ngọc thạch Quan Âm tặng bác năm nào vẫn còn trên bàn viết. Bác vui vẻ đón tiếp chúng tôi... 

Trong lúc trà đàm, tôi hỏi thăm:

- Thưa bác cháu thấy nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như bác thường hay lên truyền hình, hay DVD trong những trung tâm băng nhạc lớn... Và cháu có nghe nhạc bác luôn trong DVD họ phát hành... vậy họ có trả tác quyền những bản nhạc của bác không, thưa bác?

Bác cười nhẹ:

- Chỉ có Trung tâm Asia, mặc dù tôi không đòi hỏi nhưng họ có gởi tặng chút tiền uống trà. Họ cũng có mời sang bên đó... nhưng tôi từ chối, vì tuổi tác lớn rồi, đi đứng khó khăn và đường quá xa xôi.

- Hàng ngày ở nhà rảnh rỗi, bác làm gì, và còn viết nhạc nữa không?

- Hôm nào trời nắng ráo, tôi đi vòng quanh những con đường nhỏ gần nhà để giãn gân cốt... Con tằm phải nhả tơ mà chị, tôi vẫn thường viết nhạc đạo. Hơn 20 năm rồi tôi không có viết nhạc tình, gần đây chỉ phổ nhạc thơ của chị thôi... và về sau nầy tôi sẽ chuyên viết nhạc đạo...

Lần đó tôi có mời bác đến dự Đại hội trường tôi, nhưng bác từ chối:

- Từ sang đây đến giờ tôi không có tham dự lần nào hội họp, hay lễ Tết ở bên ngoài. Cảm ơn anh chị có nhã ý mời, xin thông cảm cho...

Anh bạn thân đưa chúng tôi đến thăm bác Văn Giảng là một nhà văn và chủ của một tờ báo lớn ở Úc, nhưng đưa chúng tôi đến đó thì đi chớ anh không vào. Lần đến thăm nầy tôi mang từ Mỹ qua tặng bác gói thanh trà nguyên chất, và hộp kẹo sô-cô-lat hiệu See’s

Thời gian không chừa một ai lão hóa! Bác Văn Giảng trông già hơn lần chúng tôi đến thăm lần trước nhưng bác khỏe mạnh nét mặt phương phi và vẫn điềm đạm trong phong cách của một người đứng tuổi. Đến thăm bác chừng một giờ chúng tôi cáo từ.

Chúng tôi có hẹn trước, nên phu quân tôi gọi nhờ anh bạn đưa lúc nãy đến chở chúng tôi về nhà. Bây giờ trên xe ngoài vợ chồng tôi còn có anh Bùi Hữu Trạng (Úc) Huỳnh Ngọc Minh (TX, Hoa Kỳ) Anh bạn lái xe nhìn tôi như dò xét rồi chân tình, dè dặt bảo:

- Hỏi thiệt chị chớ nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng phổ nhạc thơ chị ổng lấy bao nhiêu tiền một bản vậy?

Tôi ngạc nhiên, mở to mắt hỏi lại anh:

- Bộ bác Thông Đạt phổ nhạc thơ cho người ta ăn tiền hả? Không anh, tôi không có trả cho bác đồng nào, bác cũng chưa hề nhắc hay đề cập với chúng tôi vấn đề tiền bạc... Thật ra khi nhận được thư, tôi mới biết những bài thơ mình được bác phổ nhạc.

Thấy anh cười cười như không tin, tôi bảo tiếp:

- Ra CD, tôi chỉ tốn tiền trả cho ca sĩ, ngâm sĩ ở Việt Nam làm cho tôi bản gốc nhạc, hoặc ngâm thơ Tao Đàn thôi. Khi được những bản gốc rồi tôi gởi xuống trung tâm làm CD ở Nam California nhờ họ in ra... Giá cả tương đối, có thể chịu được, không cao ngất trời xanh đâu... Chớ nhiều tiền quá chúng tôi sẽ không làm sao kham nổi... Anh cũng biết, sách, nhạc, thơ... phát hành sẽ tặng nhiều hơn là được ủng hộ. Các nhà văn nhà thơ lớn thì có thể bán được nhiều tiền, còn tôi là tép rong tép rêu trong ao đìa... viết in thành sách, và làm CD với tâm tình ưa thích và đam mê văn nghệ thôi. Tôi cũng không phải là người nổi tiếng, vả lại “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” mà! Ờ, tại sao anh lại hỏi tôi như vậy?

Anh bạn tôi vừa lái xe vừa trả lời:

- Người ta đồn cụ Văn Giảng-Thông Đạt rất nghiêm khắc, khó tánh lắm. Cụ sống âm thầm ít giao tiếp bên ngoài, tôi ở đây mấy chục năm rồi chưa bao giờ thấy cụ đi dự các hội họp, lễ, Tết... cộng đồng, đoàn thể, đảng phái, hay cựu quân nhân... chi cả. Cũng không thấy bài vở, nhạc... của cụ mới viết gởi đi trên cách sách báo Việt ngữ hay các diễn đàn điện tử... Và rất nhiều người như tôi ở đây lâu cũng chưa hề biết mặt cụ... Hôm nay nếu không chở anh chị đến thăm, tôi cũng chưa biết chính xác cụ ở đâu... Tôi cũng chưa nghe bản nhạc nào cụ phổ nhạc thơ người khác... Nhưng thấy 2 CD nhạc của cụ phổ thơ chị, nhiều quá nên tôi tò mò hỏi thôi...

Tôi lí lắc cười hì hì, trả lời anh:

- Đó là nhờ cái duyên văn nghệ của Dư Thị Diễm Buồn. Cũng có lẽ bác thấy tôi là con nhỏ có cái mặt bơ bơ, quê mùa khờ khạo, chân chưa sạch phèn ở vùng sanh tôi ra và lớn “Con cá gô, bỏ chông gổ nhẩy gồ gồ” thật tội nghiệp đó mà!

Hai ông anh đồng môn trên xe cười ồ, ồ... chọc ghẹo tôi:

-  Thôi đủ rồi nghe chị Diễm ơi, khiêm nhường vừa vừa thôi chớ...

Nhìn bầu trời Úc nắng chang chang, nóng muốn la làng nếu trong xe không có máy lạnh đang chạy rè rè. Vì vào cuối mùa hè của nước Úc, lại là cuối mùa đông nối tiếp đầu mùa xuân ở nước Mỹ.

Tôi cười nhẹ nói tiếp:

- Bác Thông Đạt-Văn Giảng khó tánh đâu tôi không biết. Nhưng mấy anh cũng thấy, tôi là một đứa nói cười tự nhiên hỉ, nộ, ái... hiện rõ trên nét mặt, và trong cử chỉ của mình. Nhưng trước cái từ tốn, hiền lành, nghiêm trang, thâm trầm của bác... đã khiến tôi phải chùn lại! Để mỗi khi điện đàm với bác, hay nói chuyện trực tiếp với bác tôi phải lựa lời, và cười phải đúng chỗ... chớ không dám chí chóe, tía lia nữa.

Xe vẫn bon bon trên đường về, trên xe yên lặng không ai nói lời nào, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Nền trời Melbourne hôm nay trong như lọc, vẫn còn sao nắng chấp chóa thấy được ngoài kiếng xe... Anh bạn tôi tế nhị mở CD nhạc “Con Đường Xưa Mưa Bay” của bác Văn Giảng-Thông Đạt đã phổ nhạc thơ tôi cho cả xe cùng nghe.

Anh ta vẻ mặt an nhiên, bảo:

-  Nghe nhạc êm dịu của nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng, khiến người ta cảm thấy tâm hồn lâng lâng, nhẹ nhàng dễ chịu làm sao...

Trong xe không ai có ý kiến gì qua lời nhận xét của anh. Nhưng không một người Việt nào mà không thừa nhận, bác Thông Đạt-Văn Giảng là một nhạc sĩ có tài, có đức độ… Chỉ nghe tên bác cũng khiến cho nhiều người ngưỡng mộ và kính phục... 

Hôm nay thời tiết nước Mỹ đã vào chánh mùa xuân, thì ở nước Úc vào đông. Hai phương trời bên hai bờ Thái Bình Dương khác biệt từ thời gian, khí hậu chuyển sang mùa...

 Tôi bàng hoàng xúc động, tin từ các diễn đàn điện tử: “Nhạc sĩ Việt Nam Thông Đạt-Văn Giảng vừa vĩnh viễn ra đi” Bác ra đi để lại buồn thương tiếc nuối cho gia đình, và mất mát lớn cho nền Âm nhạc Việt Nam! Dẫu biết rằng sanh lão bệnh tử là kiếp con người trên trần thế, kẻ trước người sau không ai tránh khỏi. Nhưng lòng tôi cảm thấy ưu hoài thương tiếc bác một nhạc sĩ tài hoa ngưỡng phục. 

“...................................
Tin bác ra đi bàng hoàng xao xác!
Xuân Ca-li mây nhòa nhạt xám giăng
Để chiều nay nhìn mây tím băn khoăn 
Tôi nghe vẳng thơ nhạc lòng ai hát...

Bác an bình trên bầu trời ấm mát
Chốn hồng trần là cõi tạm mông lung...
Lòng xót xa và kính ngưỡng vô cùng
Hương tưởng niệm thắp cho người quá cố

Nguyện hương linh bác về miền vĩnh độ
Mảnh u hồn sẽ trở lại cố hương
Thăm làng xưa và viếng lại miếu đường
Hưởng nhang khói trong đêm rằm tháng Bảy...”

 

Trong lòng tôi bác là một người thầy đức độ, một người cha hiền, một nhạc sĩ tài hoa khả kính. Tôi nhớ ơn bác đã bỏ công sức phổ nhạc cho tôi hơn hai mươi bài thơ vào CD. Dòng nhạc êm dịu du dương của bác ru hồn bao nhiêu người ái mộ, và dòng nhạc hùng ca của bác trong các quân trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa… đã đi vào Quân sử, và nhạc sử Việt Nam.


Tích từ tuyển tập

“Bóng Thời Gian.2” phát hành năm 2024

 

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Email: dtdbuon@hotmail.com

1 comment:

  1. Cám Ơn Cô Bảy
    Nhờ bài nầy mà tôi biết thêm về nhạc sĩ Thông Đạt
    Lúc là Sv tụi nầy thích bản nhạc : Ai có Về Bên Bến Sông Tươngcủa Nhạc sĩ tài danh nầy
    Cáo ơn cô &
    HTL

    ReplyDelete