Tình người nơi chiến địa
( Hai Hùng SG)
*
Có lẽ cuộc gặp gỡ định mệnh trên chiến trường trong thời chiến tranh, một thời kỳ đầy đau thương và mất mát, nhưng cũng là nơi tình người tỏa sáng.
Tôi vốn là một người lính của một đơn vị Biệt Động quân bình thường, tôi đã có những trải nghiệm không thể nào quên trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, và trong ký ức của tôi, hình ảnh anh Hưng, vị đại úy phi công trẻ trung của Phi đoàn 243 Mãnh Sư, sự gan dạ của anh mãi luôn in đậm trong tâm trí tôi.
*
Tam Quan vùng đồi núi chập chùng ở phía Tây, phía Đông giáp Biển chạy dài xa tít, nơi đơn vị tôi đóng quân là khu căn cứ đối diện chi khu Tam quan cách bởi Quốc lộ 1.
Vào một ngày nọ trời vừa hừng sáng tôi đã nghe tiếng động cơ trực thăng của Phi Đoàn 243 tăng phái cho đơn vị chúng tôi, chẳng bao lâu cả ba chiếc UH-1 đã đáp xuống bãi đáp trong căn cứ .
Ra bãi đáp tôi gặp ngay anh Hưng, và đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại chiến trường ác liệt ở Tam Quan.
Anh Hưng gốc là người miền Bắc, mang trong mình vẻ đẹp của chàng trai Hà Nội. Đôi mắt sáng, nụ cười ấm áp và sự điềm tĩnh lạ thường mỗi khi gặp những tình thế hiểm nguy trên không, nó đã khiến tôi bị cảm phục ngay từ khi cùng anh quần thảo trên bầu trời Tam Quan Bồng Sơn.
Ra đón các anh gồm các vị sĩ quan trong đơn vị, sau một hồi giới thiệu thân thế của hai bên , các anh được mời vào Trung tâm hành quân của đơn vị tôi để nghe thuyết trình tình hình và phối trí lực lượng của ta và địch.
Khoảng một giờ sau tôi cùng Sếp lên chiếc C and C do Đại Úy Hưng làm phi công chính, thấy tui lần đầu anh Hưng vỗ vai hỏi:
- Chú em mầy tên gì, chắc chuyên mang PRC 25 theo ông Trung tá Lạc liên đoàn trưởng phải không ?
Lấy làm lạ, vì lần đầu tiên đi bay cùng các anh không quân, có bao giờ họ chú ý đến mấy thằng "Cắc ké" như tôi đâu, tôi trả lời anh:
-Dạ em tên Hùng đó đại úy, đại úy nói đúng rồi, thằng em chuyên mang máy cho Sếp em từ lúc về đơn vị này đến giờ.
Đến lượt anh Hưng giới thiệu:
- Mình là Hưng , tương lai chắc "Ăn cơm tháng" với Liên đoàn của chú em mầy hoài đó, mà tôi hỏi thiệt nghe, chú em mầy đi trực thăng có sợ không, lên ngồi nhớ vịn cho chắc chớ không gió nó thổi là rớt xuống biển đó nghe.
Biết anh nói chơi cho vui, tôi dạ rân:
- Dạ tuân lệnh Đại úy ...
Sau nhiều chuyến đi bay với anh Hưng, tự nhiên hai anh em tôi thân thiết hồi nào chẳng hay, mỗi khi các đơn vị trực thuộc của Liên đoàn tôi chạm địch, thì trong tích tắc chiếc UH-1 mang số hiệu 0777 của anh lại xuất hiện trên bầu trời, anh chở thầy trò tôi bay lên quan sát chiến trường từ trên cao, nhờ đó sếp tôi đã chỉ huy giải tỏa áp lực địch một cách hiệu quả hơn.
Có lần, khi một đơn vị trực thuộc của đơn vị tôi bị phục kích, đại úy Hưng đã không ngần ngại lao vào bầu trời có những làn đạn phòng không phía bên dưới, anh điều động hai chiếc Gunship bắn rốc kết và những tràng Miligun trên trực thăng, các anh pilot đã cứu các chiến hữu tôi trở về an toàn.
Từ đó tình Huynh đệ chi binh giữa chúng tôi từ đó trở nên khăng khít hơn bao giờ hết. Có những buổi chiều tĩnh lặng, khi không có bận bịu nhiệm vụ, chúng tôi thường cùng nhau ngồi bên chiếc bàn nhỏ, nhâm nhi ly cà phê nóng và trò chuyện. Anh kể cho tôi nghe về bầu trời, về những khoảnh khắc nghẹt thở khi đối mặt với kẻ thù. Còn tôi, tôi chia sẻ với anh về cuộc sống của một người lính bộ binh, về những nỗi sợ hãi, những ước mơ và cả những kỷ niệm đẹp.
Một lần nọ, sau một phi vụ thành công, anh Hưng chở tôi về đơn vị của anh ở phi trường Phù Cát. Hai anh em tôi ghé vào một quán nước nhỏ bên ngoài phi trường, gọi vài chai bia Larue uống giải khát kể chuyện đời cho nhau nghe, chiều hôm đó, chị Hưng đã chuẩn bị một bữa cơm tối thịnh soạn cho chúng tôi, trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chúng tôi cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, trò chuyện vui vẻ, khiến cho tôi có được cảm giác ấm áp, gần gũi như gia đình, nó đã làm cho tôi quên đi những mệt mỏi, những lo âu của chiến tranh đang hiện diên trên đất mẹ.
Sáng hôm sau trước khi ra về anh Hưng tặng tôi một chiếc đồng hồ đeo tay, chiếc đồng hồ Timex thật mỏng có khắc tên anh ở mặt sau.
Đưa cho tôi chiếc đồng hồ anh Hưng nói:
- Hùng mang nó đi, cứ mỗi khi nhìn vào chiếc đồng hồ này, anh muốn em nhớ rằng luôn có một người bạn ở bên cạnh em nhé.
Chiếc đồng hồ ấy đã trở thành kỷ vật quý giá của tôi, luôn theo sát tôi trong suốt những năm tháng chiến tranh, tiếc rằng trong thời gian di tản chiến thuật, sau một lần lội qua Sông Ba ở quận Cũng Sơn ( Phú yên) tôi đã làm rớt nơi nào chẳng hay, chừng phát hiện ra điều này khiến tôi buồn vô hạn vì mình đã đánh mất một báu vật không dễ gì có được .
Cuộc chiến kết thúc thật đột ngột, vừa đúng một tháng rưỡi kể từ khi đơn vị tôi giã từ Thị xã Kontum, Thời gian trôi qua thật nhanh, tôi trở về đời sống dân sự ở Sài gòn, anh Hưng thì sau khi phục vụ ở Phi trường Phù Cát anh được thuyên chuyển về một phi trường ở Vùng bốn chiến thuật, đúng vào ngày gãy súng anh Hưng và đồng đội đã bay ra Hạm đội Bảy của Hoa kỳ bắt đầu cho cuộc đời của người tị nạn, sống mỗi người một nơi. Nhưng tình bạn giữa tôi và anh Hưng tôi nghĩ nó vẫn luôn bền chặt.
Nhờ mạng Internet toàn cầu, nhờ mạng xã hội Facebook chúng tôi liên lạc thường xuyên với nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những kỷ niệm về anh Hưng và những người đồng đội vẫn luôn sống mãi trong trái tim tôi. Tình bạn giữa chúng tôi, một người lính bộ binh và một phi công, là một minh chứng đẹp đẽ cho tình Huynh đệ chi binh, tình bạn vượt qua mọi khó khăn thử thách.
*
Đại úy Hưng năm nay ngoài tám mươi, tuy không còn phong độ một thời khiến các em nữ sinh thầm ao ước kết giao, nhưng tinh thần anh còn rất minh mẫn, qua trò chuyện tôi hỏi anh:
- Bây giờ cho anh lên UH-1 anh vẫn lái ngon lành không anh Hưng.
Anh phá lên cười, anh nói:
- Mình bây giơ mắt mờ, chân tay run rẫy rồi , dễ gì lái được như hồi xưa nữa Hùng ơi!
Rồi anh nói tiếp:
-Cuộc chiến vừa qua nó khốc liệt quá, nhất là anh em mình ở nơi vùng hai chiến thuật, nơi bom đạn kinh hoàng nhất vậy mà mình còn nguyên vẹn hình hài này, quả là phước đức ông bà để lại cho mình dữ lắm.
Sau câu nói của anh Hưng , trong video Call tôi thấy anh nghẹn ngào như mình không kém.
Tôi và anh Hưng thầm ước mong có dịp nào đó, hai anh em tôi được gặp lại nhau ngoài đời để nhắc lại những buồn vui đã qua trong thời chinh chiến, thời gian mà chúng tôi đã cống hiến tuổi trẻ của mình để gìn giữ quê hương.
Sài gòn một sáng mưa buồn 15.9.2024.
No comments:
Post a Comment