Links

Friday, December 20, 2024

QUÁN BIÊN THÙY

 

Trần Hoài Thư
Đêm Giao Thừa. Trên ngọn đồi 101, mà ai đã đặt cho cái tên là Quán Biên Thùy, cuộc vui vẫn đang tiếp tục. Đám người ngồi vây quanh bếp lửa. Ánh lửa đủ soi những gương mặt chập chờn và đỏ gay vì hơi rượu. Những người lính già thì yên lặng. Những người lính trẻ thì phấn kích hơn bao giờ. Lần này, họ đòi cho được Mỵ hát. Họ la: “Cô Mỵ phải hát cho chúng tôi nghe một bài. Cô Mỵ phải trổ tài.” Một người cầm cốc rượu đứng dậy, nói với người đại đội trưởng: “Đại úy phải nói làm sao để cô Mỵ hát cho chúng tôi nghe, nếu không, Đại úy phải bị phạt uống đền!” Sau đó, anh ta quay sang đám bạn, hỏi: “Phải không anh em? ” Cả bọn đồng đáp: “Phải!”. Rồi tiếng la gào cổ võ cực độ: “Cô Mỵ, hát đi, hát cho chúng tôi nghe đi cô Mỵ!” “Cho tràng pháo tay cổ động cô Mỵ đi anh em!” “Đại úy, 40 cốc đang chờ Đại úy!” Người đại đội trưởng chỉ biết nhìn cô em gái như cầu cứu “Em cứu anh với, Mỵ”.



[Chân dung Tác giả Trần Hoài Thư - dinhcuong (2014)]

Mỵ ngần ngại gật đầu. Người đại đội trưởng thở phào như trút cả một gánh nặng. Anh cảnh cáo:
– Chúng ta cùng vui Giao Thừa. Nhưng tôi xin anh em đừng uống nhiều. Anh em hẳn biết đơn vị chúng ta hiện ứng chiến cho sư đoàn. Sau đây tôi xin nhường lại cho cô em tôi…
Đám lính vỗ tay vang dội. Có người la lên:
– Cô Mỵ thương lính rồi, cô Mỵ hát bài lính chiến xa nhà đi cô Mỵ!

Riêng Mỵ, nàng đứng yên. Chưa lúc nào nàng cảm động như lúc này. Nàng đã có mặt tại một nơi mà nàng chỉ được nghe qua báo chí, hay những lời kể lại. Bởi vì Sài Gòn của nàng bình an quá! Bởi vì đời sống của nàng chỉ biết cuối tuần, chiếc áo dài tha thướt trên vỉa hè Lê Lợi, và ly nước mía ở đường Gia Long. Bởi vì mắt của nàng chỉ thấy bầu trời của Sài Gòn trên những phố lầu bình an, và rừng người yên ổn dạo chơi, không bao giờ bận tâm những gì ở xa, như ngọn đồi 101 này.

Rõ ràng, Sài Gòn của nàng chưa thật sự gần gũi cùng chiến tranh. Đêm nàng có thể trở về khuya và ngày vẫn yên tâm trên trang sách vở. Chiến tranh hình như chỉ xảy ra ở một cõi nào đó. Nàng chẳng bao giờ bận tâm thắc mắc. Nàng chẳng bao giờ lo âu về những tin tức từ chiến trường. Dù miền Quảng Trị nóng bỏng với đại lộ kinh hoàng, dù A Sao, A Lưới đã thấy bóng những chiến xa T54. Dù An Lộc, Bình Long, quân ta vẫn anh dũng trước lớp lớp hàng hàng kẻ thù. Dù bao binh đoàn Bắc quân đang tiếp tục theo đường mòn Hồ Chí Minh để tiến về miền Nam. Nàng vẫn chưa biết được sự thật, và cũng vì vậy nàng mới đánh điện tín ra ông anh. Nàng muốn xem cái Quán Biên Thùy mà anh nàng vẫn hằng nhắc ra thể nào. Tờ điện tín đã làm cho anh nàng phải điên đầu: “Em sẽ đón Giao Thừa ở Quán Biên Thùy. Stop. Đón em ở phi trường. Stop. Chuyến bay… Stop.” Anh nàng đã hiểu rõ được cái bướng bỉnh của cô em gái. Lúc nào nó muốn là nó làm. Nó không đợi một câu trả lời… Nó đã thật sự đặt cho anh nó vào một chuyện đã rồi.

Và chuyện đã rồi là cô gái Sài gòn đã đứng ở cửa phi cơ nhìn về khu nhà khách. Nàng mang bộ đồ lính màu hoa rừng, đuôi tóc cột sợi dây thun, đôi kính đen che gần phần trên của gương mặt. Trông nàng vừa có vẻ bướng bỉnh, vừa có vẻ kiêu hãnh. Người đại đội trưởng bảo với người trung đội trưởng: “Con bé cứng đầu bướng bỉnh kia đã đến rồi đấy!” Rồi anh ta cười: “Mày chịu nó không, để tao giới thiệu giùm cho.” Trọng, tên người trung đội trưởng, có vẻ xấu hổ. Dù cõi lòng chàng chợt nổi lên một sự rung động vô cớ. Chàng liên tưởng đến một cánh chim, một hôm nào đậu lại bên khung cửa của đời chàng. Ít ra, có một cánh chim xinh đẹp như thế trong cõi cô liêu này của chàng cũng là một nguồn an ủi lắm rồi. Chàng biết chàng đã bắt gặp một cái gì thân mến nhất mà chàng không thể cắt nghĩa nổi.

Người con gái Sài Gòn đã làm rộn ràng cả nhà đợi. Nàng liến thoắng và nhí nhảnh khác hẳn với đa số cô gái đồng tuổi, thùy mị và đoan trang. Người anh của nàng giới thiệu người đi cùng: “Đây là anh Trọng, Thiếu úy Trọng độc thân.” Anh ta nheo mắt nhìn Trọng. Mỵ đưa tay bắt tay Trọng, rồi nói: “Anh Hai của em có nhắc anh nhiều lần. Hôm nay em mới được gặp.”
– Tôi cũng hân hạnh được đón tiếp một cô gái Sài Gòn.
Trọng trả lời. Đến đây, Mỵ giục anh nàng: “Mau cho em về xem Quán Biên Thùy của anh đi!”
– Không phải của tao đâu, của anh Trọng đấy.
Nàng quay sang Trọng:
– Cắt nghĩa cho em tại sao anh lại đặt là Quán Biên Thùy? Nếu là quán thì phải có cô hàng. Quán anh có cô hàng nào chưa? Cho em biết với.
– Chờ cô Mỵ đấy – Trọng nói.
– Nếu vậy thì quán của anh sẽ bị lỗ nặng. Không tin anh hỏi anh Hai của em đi, có phải em là một tay ăn hàng…
– Chẳng những mày ăn hàng mà mày còn ăn vụng. Tao bắt tại trận nhớ không Mỵ?
– Em ăn vụng ở chỗ nào? Tại em xót thương mấy thức ăn ngon lành không ai làm ơn cứu độ mà thôi. Hứ, anh khó thấy mồ!
– Tao khó ở chỗ nào?
– Thế thì tại sao giờ này anh không có một cô nào? Này nhá, phải có gì cho em rồi em giúp…
Cả bọn cười vui trước câu nói của Mỵ.

Ngày cuối năm, ngày của trở về. Trên gương mặt của mỗi người hôm nay, dù đợi giờ lên phi cơ hay dù bước xuống tàu, đều hiện lên ánh mắt hân hoan và cảm động. Có lẽ lát nữa họ sẽ có mặt tại ngôi nhà cũ, gặp lại những người thân yêu, và sống lại những giờ khắc bé nhỏ như ngày xưa. Họ sẽ sống lại cùng thế giới của lòng mẹ, lòng cha, của ông bà nội ngoại, mà họ đã xa cách vì cuộc sống và vì chiến tranh. Nhưng với một người con gái Sài Gòn này, sự có mặt của nàng còn mang một ý nghĩa khác: Người đại đội trưởng có thể tìm lại qua nàng hình ảnh gia đình cùng cõi thân yêu cũ. Và Trọng, chàng bắt gặp ở nàng một niềm hạnh phúc thầm kín. Ít ra, vẫn còn có con chim Họa Mi tìm đến Quán Gió, hót lên tiếng hót, cho những đời trai miệt mài trong dòng cuồng lưu hung bạo.

Dọc đường, Mỵ nói chuyện huyên thuyên. Nơi này quả thật xa lạ và mới mẻ đối với người con gái Sài Gòn. Nàng hỏi anh nàng về từng tên của dòng sông, chiếc cầu, ngôi làng. Nàng bắt anh nàng phải kể về ngôi nhà thờ đổ nát mà anh nàng đã viết trong thư: “Không biết ông lão kéo chuông còn ở đấy không hở anh? Không biết những con sáo đen có còn trở về mỗi buổi chiều không hở anh? Không biết những xuồng ghe còn đổ về trong ngày phiên chợ không hở anh? Này anh, những cô thôn nữ chắc đẹp lắm, phải không anh?…” Và bởi vì nàng thắc mắc nhiều quá nên Hải, anh nàng, phải dùng Trọng để trả lời thay. “Anh Trọng biết nhiều lắm. Mày nên hỏi anh Trọng thì hơn. Để tao còn thì giờ lái xe”.

Đến khu rừng thưa, chợt Hải rồ máy, Trọng lên đạn cây M16 và chĩa ra bên đường. Chiếc xe Jeep phóng ào trên con lộ vắng, hai bên đường nổi lên những lùm tre, lùm dừa bất trắc… Hành động của hai người đã làm Mỵ run sợ, mặt mày tái mét. Nàng bấu chặt lấy tay Trọng, và im thin thít. Bây giờ nàng mới có thể hiểu về một nơi mà người ta gọi là chiến tranh, một nơi mà nàng chỉ nghe mà không hề thấy. Nàng đã bắt đầu chạm vào cái khối không gian của hiểm nguy và từng thước đất của đe dọa thường trực. Nàng nghe cái ớn lạnh như chiếm lấy cả da thịt đến nỗi nàng phải run lên. Những lùm cây đó, những bờ mương, bờ rạch đó, chúng quá vô tri, vô giác, tại sao chúng lại tỏa ra nỗi đe dọa không rời. Thì ra, nàng nhớ anh Hải vẫn hay nhắc về những con ma rình rập mà ngày ngày anh phải đối diện, có phải là những con ma này không. Bên cạnh, Trọng vẫn hờm súng. Chiếc xe vẫn tiếp tục thả hết tốc độ về phía trước, trên con đường ngập những ổ gà và bụi mù. Và Mỵ đã nép sát vào người Trọng lúc nào nàng cũng không hay.

Khi qua khỏi khu rừng thưa, thấy lại xóm nhà, Trọng mới bỏ súng xuống. Mỵ nói không ra hơi: “Các anh làm em sợ muốn đứng cả tim.” Trọng cười: “Chúng tôi chỉ đề phòng. Cái chỗ rừng thưa này, bọn nó hay về bắn tỉa, hoặc đón xe đò.” Lúc này Mỵ mới nhận ra mình đang cầm tay Trọng và nép sát vào người chàng. Nàng bẽn lẽn đến đỏ mặt. Nàng cắn ngọn tóc đang bay xòa trước mặt, và ngồi im không nói.



2.

… Bây giờ Mỵ đứng dậy. Dưới ánh lửa, nàng có thể nhìn những người lính già, thu mình trong chiếc áo ấm rộng thùng thình. Nàng không thể ngờ họ lại có mặt tại nơi này. Đáng lẽ ở cái tuổi của họ, đêm nay họ phải có mặt bên lũ cháu nội ngoại. Đáng lẽ giờ này họ sẽ mặc lại chiếc áo cổ truyền để thắp những thẻ nhang trước bàn thờ gia tiên. Nàng lại nhìn những người lính trẻ. Có gương mặt của ruộng đồng còn in trên nét phong sương. Có người râu và tóc mọc đầy. Có người mang kính cận thị. Và nàng cũng bắt gặp đôi mắt của Trọng nữa. Từ đôi mắt ấy, có cả một khối buồn, khối thao thức, bâng khuâng, dằn vặt của một người trí thức. Nàng nghe anh nói Trọng có cử nhân văn chương và hơn nữa, cái tên Quán Biên Thùy do chính chàng đặt ra. Chàng đã làm một bài thơ nói về một ngọn đồi nắng lửa, bốn bề là rừng tiếp rừng. Bài thơ được đại đội chuyền nhau đọc, và người đại đội trưởng quá thích, đã cho lính dựng lên tấm bảng đề Quán Biên Thùy ngay ở cổng trại. Phải, anh Trọng ơi, em phải cảm tạ anh vì anh đã làm cho em hiểu được những giọt mồ hôi của các anh, của định mệnh đang đè nặng lên đất nước chúng ta. Em ao ước được mang về những ngọn gió dịu dàng, tình tự đến cùng các anh.

Ánh lửa trước cơn gió đêm làm hình bóng những người ngồi trên sân trở nên chập chờn, có lúc sáng lên, có lúc mất đi vì gió đánh bạt. Và Mỵ ấp úng nói: “Thưa các anh, cám ơn các anh đã dành cho Mỵ nhiều cảm tình. Trong đời Mỵ, Mỵ chưa bao giờ có một đêm hạnh phúc như đêm nay. Mỵ mới hiểu rõ về nỗi hy sinh vô bờ của các anh. Giờ này, Sài Gòn của Mỵ đang làm lễ giao thừa. Nhưng giờ này, các anh đang ngồi đây bỏ quên những giờ phút thiêng liêng nhất…” Nàng nói đến đây, không còn cầm được nước mắt. Có phải nàng hiểu giá trị của một nỗi an bình là kết quả của bao nhiêu nỗi hy sinh quá thầm lặng từ những người đã có mặt, sống và chết vô danh?

Mọi người im lặng. Họ hiểu người con gái Sài Gòn đang quá chừng xúc động. Tiếng củi cháy kêu lách tách. Có bóng người lính cầm súng ở chòi canh. Những tiếng nổ rời rạc đâu đó. Đó là tiếng súng thay tiếng pháo. Và nàng bắt đầu cất lời hát. Nàng đã từng được tiếng là người hát hay nhất của trường. Trong các buổi văn nghệ ở nhà trường, mỗi lần tên nàng được giới thiệu là cả một rừng pháo tay vang động, và không bao giờ đám học trò bạn học lại không bắt nàng hát thêm bài thứ hai, thứ ba. Tuy nhiên, những lần hát như thế, nàng ít khi bắt gặp cái hồn của âm nhạc, cái cảm thông của người hát và người nghe. Nhưng bây giờ, tiếng hát là tiếng lòng đích thực. Tiếng hát cất lên như niềm cảm tạ, như nỗi tri ân, như lời vỗ về an ủi, như cả dòng lệ đẩy đưa cái nôi hoạn nạn gian khổ từ những con người, như u ẩn nỗi lòng của người cô phụ chờ chồng trở lại. Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng… Em ngồi đan áo… Ừ nhỉ, giao thừa sao lại buồn tàn thu. Nàng cũng không biết tại sao nàng lại cất lên nỗi niềm của người cô phụ? Phải rồi, mùa xuân vẫn còn có biết bao người cô phụ vẫn còn ngồi đan áo. Phải rồi, nhắm mắt lại, người con gái Sài Gòn còn thấy được những người ngoài sương gió, bỏ quên cuộc đời, bỏ quên tuổi trẻ, bỏ quên hiện tại, tương lai.

Bài hát đã hết, nhưng âm hưởng vẫn còn lắng lại vào tâm hồn người lính xa nhà, đến nỗi sau đó, là nỗi lặng yên đọng trên từng khối đêm như mặc niệm cùng quá khứ, như hoài niệm lấy dĩ vãng của mỗi người. Rồi trong một thảng thốt, tiếng vỗ tay như pháo nổ đồng loạt vang dậy, và tiếng la, tiếng hét tiếp tục. “Họa mi hát nữa đi, hát cho chúng tôi nghe thêm nữa đi!” Người con gái quay lại nhìn anh nàng. Hải vừa vỗ tay vừa nói với em: “Em hát thật xuất thần. Chưa bao giờ anh nghe em hát hay như thế!” Bỗng một tiếng nói cất lên từ trong một góc tối: “Tôi có đề nghị, chúng ta không thể để cho cô Mỵ hát một mình mãi. Đêm còn dài, chúng ta phải chứng tỏ ở Quán Biên Thùy có nhiều tài năng. Tôi biết có một người hát thật hay, chơi đàn cũng thật giỏi. Thiếu úy Trọng…”

Tiếng vỗ tay lại nổi dậy: “Phải đó. Mời Thiếu úy Trọng. Đừng để Quán Biên Thùy phải mất mặt bầu cua…” Mỵ nhìn Trọng, đôi mắt ngời sáng. Trọng lúng túng nhìn Mỵ rồi lắc đầu. Nhưng chàng không thể ngồi yên như vậy được. Những người ngồi xung quanh đang đòi chàng phải đại diện. Họ giục. Họ khuyến khích. Họ đưa mắt nhìn người trung đội trưởng chờ đợi. “Thôi Thiếu úy đừng xấu hổ nữa. Có em đây. Em đứng đằng sau Thiếu úy đây.” Một người lính trẻ cầm tay Trọng kéo dậy: “Thôi mà ông thầy, bộ ông thầy muốn làm mất mặt Quán Biên Thùy này sao?”

Cuối cùng Trọng phải đứng dậy. Hát cho ai. Hát cho người nào. Con chim từ đâu đã bay lại, đậu trên đồi một đêm. Con chim từ đâu đến đây làm tôi nhớ lại ngôi trường Văn Khoa, con đường Nguyễn Du cây xanh bóng mát. Và gió Bạch Đằng. Và nhà thờ Đức Bà. Và ly chanh đường. Uống môi em ngọt. Đêm càng khuya, sương càng dày, đồi càng lộng gió. Tiếng súng bắt đầu rộn ràng và đồng loạt. Giây phút Giao Thừa. Đợi chờ một phút, cho hoài niệm. Những tia đạn lửa xẹt ngang dọc cắt bóng tối. Ở chòi canh, người lính đã bắn súng mừng giao thừa. Trọng bắt đầu hát. Giọng chàng thật ấm. Từ trong đám đông, Mỵ nhìn người thanh niên. Nàng bỗng nghe thân thể nóng ran khi nhớ lại lần nắm chặt tay Trọng, cùng nép sát vào người Trọng. Có phải đó là dấu hiệu khởi đầu cho một tình yêu hay không?

3.

Đêm còn lại, Mỵ trằn trọc không thể nào chợp mắt. Hay tại vì nàng đang ở tại một nơi xa lạ, cách biệt hẳn cái thế giới quen thuộc của nàng? Không còn căn phòng với ánh đèn mờ nhạt. Không còn chiếc giường nệm và tủ áo dài, cái bàn trang điểm. Hay tại vì nàng đã chạm vào cái thế giới vừa tội nghiệp vừa bi tráng của Quán Biên Thùy? Hay tại vì người thanh niên có đôi mắt quá buồn, nhưng dáng dấp thì kiêu ngạo? Nàng vói tay lấy chiếc áo dạ nhà binh mặc vào người, rồi bước ra cửa hầm. Nàng bước co ro trong bóng tối. Đêm đặc quạnh, chỉ nghe tiếng gió đập vào mái tôn kêu lách cách. Đôi mắt nàng khốn khổ để làm quen với cõi lạ. Dưới đồi, sân bay quân sự và bản doanh của sư đoàn còn thấy những ngọn đèn nhiều nến, mờ nhạt trong sương đêm. Nàng đứng yên lặng. Lạnh. Run rẩy. Bỗng nhiên nàng nghe tiếng nói của người thanh niên. Tiếng nói như thân thiết tự một kiếp nào: “Cô Mỵ, cô chưa ngủ sao? Chắc là nơi này không quen với cô…” Mỵ quay sang nhìn Trọng: “Anh Trọng, em chưa muốn ngủ. Em muốn được hưởng một đêm trọn vẹn tuyệt vời như đêm nay.” Trọng lại hỏi Mỵ:
– Tại sao cô Mỵ lại lặn lội đến Quán Biên Thùy này? Cô Mỵ không sợ nguy hiểm sao?
– Bộ các anh coi chuyện chiến tranh chỉ dành riêng cho các anh hay sao?
– Nhưng nơi đây không thể hợp cho một người con gái Sài Gòn. Cô làm cho anh cô phải lo đến điên khùng khi nhận tấm điện tín của cô.
– Nhưng đêm nay là đêm giao thừa. Chiến tranh cả năm ít ra còn chừa một đêm ngừng bắn. Em nghe nói hai bên hưu chiến.
– Phải. Ít ra đêm nay người ta bỏ qua thù hận, chém giết.
– Cầu mong 365 đêm là 365 Giao Thừa.
– Cô Mỵ có ý kiến thật ngộ nghĩnh. Nếu thế thì đất nước ta là thiên đàng.
– Và mọi người trên thế giới sẽ nạp đơn xin về Việt Nam.

Mỵ cười thật vui. Lòng Trọng đâm ấm áp lạ lùng. Chàng hỏi Mỵ:
– Đi ngoài đêm, cô Mỵ có lạnh không?
– Em không lạnh. Em có cả chiếc áo dạ nhà binh trên người.
– Cô Mỵ à.
– Dạ, thưa anh.
– Văn Khoa của mình còn thầy T. dạy không?
– Dạ còn.
– Ông là vị thầy tôi kính nể. Nhờ ông mà tôi yêu văn chương. Mỗi lần ông giảng bài hay mỗi lần ông đọc thơ, là mỗi lần tôi phải ngồi chết trân. Ông đã giúp tôi tìm về chữ nghĩa. Một câu mà tôi vẫn nhớ mãi: “Văn chương là hơi thở.” Ngày ấy tôi vẫn còn nghi ngờ, nhưng giờ đây tôi mới biết. Hơi thở hụt hẫng từ những đêm những ngày của chiến tranh. Hơi thở ấy đến cả từng dấu chấm, dấu phết. 



– Anh Hải nói như anh đang viết văn làm thơ.
– Phải, tôi dùng nó để mang hơi thở của tôi, của đồng đội tôi và tuổi trẻ của tôi.
– Và cả của em nữa, anh Trọng à!
– Thưa cô…
– Anh đọc cho em nghe một bài thơ của anh đi.
– Vâng, tôi làm nhiều thơ, nhưng không bao giờ thuộc hết. Để tôi rán nhớ xem… Vâng, tôi nhớ ra rồi. Bài Quán Biên Thùy.
Đồi đưa tôi lên tận mặt trời. Tôi lưng chảy dài những giọt mồ hôi. Mồ hôi tôi trộn vào nơi khói lửa. Tôi ở đây, một Quán Biên Thùy. Tôi là một tên tuổi trẻ lông bông. Thị tứ quá xa nên quán phải buồn. Không bàn ghế, không tách cà phê đắng. Tôi thổi khẩu cầm gọi bản gọi buôn…

Chợt một tiếng nổ lớn dội về. Tiếng nổ của trái hỏa châu. Rồi một vùng ánh sáng ngập lòa cả ngọn đồi. Tiếng nổ đã làm người con gái hoảng sợ, ôm chầm lấy người thanh niên. Người thanh niên dịu dàng nâng cằm người con gái lên. Chàng bắt gặp hai đốm sáng từ đôi mắt. Chàng nói trong hơi thở:
– Mỵ đừng sợ. Chỉ là tiếng nổ của trái hỏa châu. Họ mừng giao thừa trễ đấy!
Rồi chàng hôn lên mắt, lên trán của người con gái. Người con gái nhắm mắt lại. Nàng ngước đôi môi chờ đợi. Sau đó, họ hôn nhau cuồng bạo.

4.

Ngày hôm sau, giữa lúc Mỵ sửa soạn hành trang cho cuộc trở về thì đại đội được lệnh phải xuống đồi khẩn cấp. Địch đã chiếm một quận lỵ bên đèo vào sáng sớm mồng một và viên quận trưởng bị giết. Tiếng còi, tiếng kẻng tập họp khua liên hồi. Những người lính từ trong các dãy nhà tôn đổ ra, cùng với ba-lô, súng đạn nặng nề. Lúc này, Mỵ có thể thấy tận mắt thế nào là trận chiến, là binh lửa. Mọi người vẫn bình thản dưới ánh nắng đầu xuân. Mỵ nhìn Trọng. Người thanh niên đang đứng trước hàng quân. Người thượng sĩ già trung đội phó đang kiểm soát đạn dược súng ống. Con chó vàng vẫn tiếp tục vẫy đuôi cùng người này sang người khác. Những chiếc mũ rừng che những gương mặt rạm nắng. Những quả lựu đạn, hỏa tiễn M72 treo lủng lẳng trước ngực. Mỵ nhìn họ. Người ta đã từng kết án họ. Hãm hiếp. Mổ mật. Cắt xẻo lỗ tai. Nhưng Mỵ đã không bắt gặp một dáng dấp gì của đoàn quân đánh thuê, đánh mướn. Họ, những người rất bình thường, nông dân mộc mạc, hay những người lính già sạm đen, lưng trĩu nặng bởi cấp số đạn phụ trội, hay những người lính trẻ, đôi mắt sáng yêu đời nhưng chịu đựng và tuân phục trong hàng ngũ. Họ đang đứng nghiêm trước con mắt diều hâu của viên thượng sĩ thường vụ. Sau đó ông thượng sĩ thường vụ báo cáo với ông trung úy đại đội phó. Ông trung úy lại hô nghiêm, báo cáo với đại đội trưởng. Mỵ đã đặt thẳng câu hỏi cho Trọng, và Trọng nói:
– Trong một tập thể cả trăm người đôi khi cũng có một vài cá nhân làm xấu, dĩ nhiên. Mỵ hẳn biết, thú tính đôi khi phải cần để giải quyết chiến trường. Thú tính làm cho người lính không còn run sợ, khiến họ trở nên cọp beo sư tử. Có người nốc cả cốc rượu đế trước giờ lâm trận. Có người bị ám ảnh bởi khẩu súng phòng không của địch để được lên cấp. Có người bị ít tiền bạc trên xác chết…Có người vì hận thù địch đã tàn sát gia đình họ. Mới đây, có tên hành quân vào làng, lén dùng vũ lực hãm hiếp một cô thôn nữ. Chuyện đổ bể, cả làng biểu tình. Nó quì lạy khóc lóc. Nhưng cuối cùng, bọn anh cũng giải quyết. Anh Hải cử phái đoàn gồm có những người lính già như Trung sĩ nhất Kho, Thượng sĩ Tỏ, Trung sĩ nhất Mười và đám sĩ quan của đại đội đến làng mang cau mang trầu, trước hết là xin lỗi gia đình nạn nhân, sau xin làm đám cưới đàng hoàng. Bây giờ hai đứa đã trở thành vợ chồng.

… Bây giờ mấy chiếc xe GMC đã lên đỉnh đồi. Con chó vàng vừa cúp đuôi, vừa sủa inh ỏi. Trọng bước đến bên Mỵ: “Em trở về bình an. Cho anh gởi lời thăm Sài Gòn, thăm Văn Khoa, thăm chiều Chủ Nhật.” Mỵ nhìn đăm đăm người thanh niên, như muốn uống trọn vẹn hình ảnh của chàng trong buổi chia tay. Dáng Trọng gầy, chiếc mũ rừng chụp xuống, mái tóc dài, những ngón tay khẳng khiu. Chiếc quần trận màu xanh đã bạc, thấy có chỗ tươm rách. Mỵ thương chàng đến độ muốn ôm chầm chàng, để khóc òa như con nít. Mỵ muốn kể tất cả những gì mà con tim nàng đang trỗi dậy, đợi chờ một giây một phút cho cả cuộc đời con gái của nàng. Tuy nhiên nàng vẫn đứng chết trân, đôi mắt ướt nhòa, tóc mai phơ phất. Sau đó, không hiểu sao, nàng lại tháo chiếc trâm cài trên mái tóc của nàng rồi trao cho Trọng: “Anh Trọng, quà của em đây. Cầu xin cho anh được bình yên…” Rồi đoàn xe rồ máy xuống đồi. Bụi đã tung mù cả sân đại đội. Mỵ đứng yên nhìn theo.

Ngày mồng một đầu năm, trời thật xanh và trong. Những con chim én từ đâu bay lại, tiếp tục lượn vờn, nô giỡn trên giao thông hào. Người trung sĩ hậu cứ đã đến bên Mỵ: “Cô Mỵ, thôi mình xuống đồi thì vừa. Giờ này có chuyến xe đò chạy thẳng về tỉnh, không dừng lại dọc đường”. Nhưng Mỵ vẫn đứng yên. Nàng ao ước được làm cánh chim én trong bầu trời nắng vàng để bay theo đoàn xe, bay theo đoàn người, để mang tin lành, tin dữ về họ. Và nếu em có… Đến đây, tự nhiên nàng rùng mình. Cho nàng hay cho Trọng? Tại sao nàng lại nghĩ đến một điều ảm đạm trong buổi sáng mồng một này…”Và nếu em có mệnh hệ gì, em cũng xin được làm cánh chim…”. Nàng lắc đầu, cầm chiếc xắc tay, nhưng hai chân muốn chôn chặt. Có tiếng nói vô hình ở đâu đó như thúc hối nàng: Đừng đi. Đừng đi. Nhưng nàng vẫn bước lên xe Jeep. Ngồi trên băng mà mồ hôi thấm cả trán, cùng một con tim đang đập thình thịch. Hay nàng có một cái linh tính không may. Cho Trọng hay cho nàng? Có lẽ là cho Trọng, vì chàng là người trong cuộc. Chàng đang đối diện với tử sinh. Mỵ cứ nhắm mắt, van vái: “Anh Trọng ơi, cầu mong cho anh được bình an. Em lo sợ quá đi, anh Trọng ơi…”.

Chiếc xe đò vào ngày đầu năm như một cõi rộn ràng và thân mật. Hôm nay, mọi người dường như thân thiết gần gũi hơn mọi ngày. Những người con gái trong những chiếc áo mới, gương mặt tươi sáng, nụ cười cũng tươi. Những bà bán buôn có vẻ hiền từ, nhường nhịn, thay vì gắt gỏng do bận rộn trong những ngày thường. Và nhiều người thanh niên. Họ là lính về nhà ăn Tết muộn màng. Mỵ ngồi cùng với họ, nhưng dường như cách biệt hẳn họ, bởi vì Mỵ là một cô gái Sài Gòn xinh đẹp, áo quần thời trang: chiếc quần jean xanh và cái áo pull màu xanh đậm. Nàng lại mang chiếc kính đen che khuất cả phần trên của khuôn mặt. Nàng đã quên những gì đen tối trước đây nàng đã dự cảm. Bây giờ nàng đang chia xẻ cùng một niềm hạnh phúc chung của một ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Bỏ lại chiến tranh, chết chóc, thù hận đằng sau, để cùng tiếng cười tiếng nói và nỗi lòng rạo rực cho một cuộc sum họp.

Nắng vàng thắm cả đồng lúa bạt ngàn. Thỉnh thoảng, bên đường hiện lên những em nhỏ, các người đàn ông, đàn bà trong những bộ quần áo mới. Vài ông già mang áo dài khăn đóng lướt qua. Mỵ không thể tìm thấy cái không khí của chiến tranh, cái ve vuốt của bất trắc. Ngay cả những người thanh niên trong xe. Họ ngồi bên cửa, ló đầu ra ngoài, vô tư, bình thản.

Nhưng khi chiếc xe chạy đến khúc rừng thưa, nơi mà Trọng đã lên đạn, chĩa súng ra ngoài, và chiếc xe anh Hải rú ga ào phóng trên mặt lộ, thì một nhóm người trong bộ bà ba đen đã xuất hiện. Mỵ lại nhận ra họ còn mang cả súng. Bây giờ cả xe nhốn nháo. Gương mặt những người thanh niên tái mét. Nhưng họ đã bất lực. Họ đã bị sa vào cái bẫy vào ngày mà họ nghĩ là ngưng bắn, hưu chiến hay ít ra, thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam. Mỵ cũng vậy. Tim nàng như ngừng đập. Nàng nghẹt thở theo chiếc xe đò đang từ từ chậm lại, rồi ngừng hẳn. 

Inline image
Cuối cùng, cả một đoàn người được dẫn vào sâu trong bìa rừng, dưới hàng dừa bạt ngàn. Và người ta điều tra xem ai là lính quốc gia, bằng cách nhìn từng bàn chân một. Lính quốc gia dĩ nhiên là mang giày saut, bàn chân trắng không khô nứt. Có bốn người thanh niên được bắt trói ra một bên. Một người trong đám Việt Cộng, có lẽ là kẻ chỉ huy, đã đến trước Mỵ, nhìn chăm chăm nàng, rồi quát lên, giọng Bắc:
– Con này trước Cách Mạng mà còn mang kính đen của tư bản đế quốc đĩ điếm phản động!
Mỵ giật mình co rúm lại. Thì ra, vì sợ quá, nàng đã quên tháo chiếc kính che nắng của nàng.

Đó là dấu hiệu khởi đầu cho một điều dự cảm. Mỵ ngồi một bên, và chỉ mỗi một mình Mỵ là con gái, cùng với bốn người thanh niên đang bị trói, ngồi dưới gốc dừa. Rồi bài học tuyên truyền, rồi răn đe được tiếp tục nói lên từ một người bên kia. Rồi bốn người bị buộc tội là lính đánh thuê, đánh mướn, tàn sát nhân dân, bị bắn trực xạ bằng những phát súng lục trên đầu. Và sau đó, đến phiên Mỵ. Họ dẫn Mỵ vào khu nhà gạch đổ nát. Tay chỉ huy nói với người thuộc cấp: “Đồng chí ở ngoài canh chừng. Tôi phải làm việc với con bé này. Nó chắc là tay sai gián điệp Sài Gòn không chừng.” Người lính gật đầu: “Tuân lệnh anh Ba!” Sau đó hắn bước ra ngoài, đứng gác dưới cây bông sứ.

5.

Trong khi đó, đoàn xe 6 chiếc chở đại đội thám kích đã lên đèo An Khê. Xe trung đội Trọng chạy đầu tiên. Trọng như một người còn say men hạnh phúc. Hạnh phúc hay là định mệnh? Cánh chim từ đâu bay lại, hót bên thềm đời chàng, để lại những dấu chân hồng êm ái. Trong muôn ngàn cánh chim của mùa xuân bay lượn trên đồi, chàng đã tìm thấy một con chim yêu dấu. Đôi mắt sáng lung linh. Bờ ngực phập phồng sau làn vải lụa. Và hai bờ môi cắn bầm bằng nỗi cuồng nhiệt của tuổi trẻ.

Mùa xuân đã về đúng hẹn, và em là mùa xuân, mùa hạnh phúc, mùa ngọt lịm ân điển của địa đàng. Em đã mang tin lành, bình an, đến giữa cõi hoạn nạn. Em ở trên bầu trời xanh sẫm, đúng lúc, đúng hẹn, vô tư, đùa nghịch, vút lên cao, sà xuống thấp. Em, cánh chim mang mùa xuân về trời đất, núi rừng, dù không gian vẫn đầy những đe dọa gầm gừ. Ô kìa, một đàn chim én đang bay rợp trên đèo xám và rừng xanh. Trọng xúc động. Con họa mi của anh giờ này chắc trên chiếc xe đò xuôi về thành phố. Nhưng kia kìa, chàng muốn đứng thở khi nhận ra cả một đám chim mùa xuân, khi không sà xuống đoàn xe. Cứ hết con này, tiếp đến con khác. Chúng phóng xuống đường dễ chừng chúng đang làm một cuộc tự sát tập thể. Rồi trong một khắc giây nào đó, chàng nghe một tiếng rú như xé dội cả trùng trùng điệp điệp núi đèo, đẩy bật cả mấy tầng trời, gốc cây đại thụ, bạt cả bờ vách đá, sau đó là lời van lơn dồn dập: “Anh Trọng. Anh Trọng. Ngừng xe lại. Hãy ngừng xe lại. Anh Trọng ơi!…Nghe em đi, anh Trọng ơi!…”.

Trọng bủn rủn châu thân, nắm tay người tài xế, hối hả nói: “Anh ngừng xe nhanh lên!” Xe thắng giữa đèo. Đại bàng gọi máy hỏi sự tình. Trọng kể trong hơi thở về cái dự cảm của chàng. Đại bàng nói cũng nghe tiếng la rú. Rồi Đại bàng ra lệnh đại đội nhảy xuống xe, bố trí hai bên đường. Sau đó, một đoàn xe chở đạn pháo binh của Đồng Minh qua mặt. Chỉ trong mười phút ngắn ngủi, là sấm động ầm ầm của những quả mìn và tiếng súng lớn, sau đó là cả một khối lửa vĩ đại bừng dậy. Còn Trọng, chàng lom khom bò về hướng Đại bàng, nói không ra hơi: “Đại úy ơi, tôi có linh cảm Mỵ… Đại úy nói giùm tôi một câu. Một câu thôi để tôi yên lòng. Đại úy có nghe tiếng rú không?” Viên đại úy, dù đang bấn loạn, cũng cố an ủi Trọng: “Trọng, tin tao. Mỵ nó không hề gì đâu. Về lại trung đội mày đi. Chuẩn bị bọc hậu. Chừng năm phút nữa có trực thăng bay đến yểm trợ. “

Trần Hoài Thư 

No comments:

Post a Comment