_______________________________________________
Chân thành cám ơn thầy Phạm văn Thuấn và anh Khưu Quang Thuần
đã thúc đẩy tôi thực hiện lần trở về kỷ niệm nầy
Ngày Xưa Hoàng Thị
1Tiếng rao hàng từ dưới đường vọng lên khiến tôi choàng tỉnh dậy "Bánh mì nóng dòn đây". Tôi không biết là mình đã ngủ bao lâu nữa . Từ Winnipeg về đây phi cơ delay ở Vancouver và Hồng kông gần 20 tiếng đồng hồ . Chuyến bay kéo dài ra . Tôi mệt nhoài, thân thể rã rời khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt . Tiếng rao hàng đã đánh thức tôi dậy . Cho tôi biết trời đã rạng sáng . Một ngày mới bắt đầu. Cũng hơn 25 năm tôi mới nghe lại tiếng rao hàng quen thuộc nầy mà ít đất nước nào trên thế giới có được tiếng rao hàng đầy vẻ sáng tạo , muôn hình muôn vẻ như thế . Đi xa , tiếng rao hàng với tôi là một nỗi nhớ không rời . Một nét quyến rũ kỳ lạ . Ngày còn đi học. Những đêm học bài thi khi nghe tiếng chú chệt bán mì ngọt cất lên "mi ngót" (mì ngọt) khỏi cần nhìn đồng hồ tôi cũng biết đã hơn 12 giờ khuya .Tôi gọi chú chệt vì cả xóm ai cũng gọi như thế, chả biết từ bao giờ . Chú chệt thì hiền và ốm tong teo, nói tiếng Việt lơ lớ mà dễ thương lắm . Mì ngọt của chú thì ngon hết biết . Hôm nào Ngoại ở quê về thăm cháu, chị em tôi có tiền để dành tối đến chờ nghe tiếng "mi ngót" của chú vang lên để chạy ra mua chè. Như cô hàng chè thưng mỗi lần nghe tiếng rao hàng thánh thót ngang nhà "Ai ăn chè thưng , bột khoai , nước dừa đường cát không ?" là biết đã 2 giờ trưa . Ngày nào cũng như ngày nấy . Gần gũi, thân thiết biết là chừng nào.
Tôi mở cửa đi ra balcon . Dưới đường đã có người qua lại . Trời vẫn chưa sáng hẳn . Mấy cánh hoa huỳnh anh vàng tươi trước hiên nhà đong đưa trong gió sớm. Tôi đứng đây . Thực sự tôi đã về . Thế mà tôi đã đi xa 25 năm rồi sao? Nhớ một bức thư của Ngọc Điệp lần nào gửi cho tôi . Lời thơ như một thúc giục. Như một trách móc. Như một dỗi hờn "Chị có biết là chị đi đã bao nhiêu năm rồi không ..". Em nghĩ là tôi đã quên . Em nghĩ là tôi thôi nhớ. Biết bao lần tôi hứa với em "ừ chị sẽ về" nhưng cuối cũng tôi lại bỏ cuộc. Nghe em kể lể mà đứt ruột "Có lần em thấy Mẹ xem hình chị rồi Mẹ khóc. Bộ chị không nhớ nhà sao". Em có biết đâu nỗi nhớ trong tôi không bến không bờ .Có những nỗi nhớ mà suốt đời như một nỗi đau không làm sao mà nguôi ngoai được . Nhớ bến đò Ong Đình Ký một buổi sáng mờ sương . Ngọc Vân chở tôi bằng xe đạp . Thả chị ở đó rồi con bé vội vã quay xe đi . Chị em tôi không kịp nói với nhau lời từ giã . Nhìn ánh mắt lấm lét, có chiều lo sợ của em thấy mà thương . Con bé sợ chị nó bị bắt . Mấy lần mẹ tôi lo cho các con đi lần nào cũng thất bại . Bao nhiêu tiền bạc dành dụm hết sạch. Lần đó bị mối lái gạt . Các em tôi bị bắt nhốt ở Kinh Làng Thứ Bảy cũng hơn nửa năm trời . Lúc được thả về đứa nào cũng biết cấy lúa . Đời sống hiện tại lúc đó của chị em tôi đi vào ngõ cụt. Sau những lần thất bại đó dường như gia đình không còn dám nhắc gì đến chuyện ra đi .Nhưng rồi như một định mệnh, cuối cùng tôi cũng bỏ Mẹ mà đi . Làm sao tôi quên được những đêm nằm chui rúc dưới khoang tàu, giao phó sinh mạng mình cho con tàu nhỏ bé tròng trành giữa đại dương mênh mông . Có quê hương mà phải bỏ chạy . Và hình ảnh một buổi chiều nơi trại tỵ nạn Mã Lai . Cô bé học trò ôm cô giáo cũ khóc ròng, kể chuyện không may của em trên đường vượt biển . Đêm đêm cô trò tôi bên nhau. Tôi vỗ về em. Tôi săn sóc những vết đau còn đó trên thân thể em . Có những buổi chiều nhìn em ngồi hàng giờ một mình trên bờ biển vắng. Mắt đăm đăm nhìn mặt biển không rời . Tôi nghe lòng xót xa .Trời ơi ! Bao giờ cho em quên cơn ác mộng hãi hùng đã qua , cho tôi thấy lại ánh mắt thơ ngây của em ngày nào đến trường , đến lớp .. Rồi cô trò tôi chia tay đi định cư , mỗi người mỗi ngả . Tôi mất liên lạc với em từ ngày ấy . Hai mươi lăm năm đã qua . nhưng bên lòng vẫn còn biết bao ngậm ngùi chuyện cũ . Dễ mà quên được sao em ? Nhà tôi cứ nói "Em cứ về như mọi người đã về , đừng nghĩ ngợi gì nữa có hơn không". Đã mấy lần bỏ cuộc , nhưng lần nầy thì tôi phải về . Mẹ tôi bịnh nhiều quá . Lòng tôi đau như cắt khi nghe Ngọc Vân báo tin . Tôi bảo với các con tôi "Mẹ sẽ về VN thăm Ngoại" . Con gái tôi dường như không tin lời Mẹ nói . Con bé nhỏ nhẹ bảo tôi "Mẹ cứ nói Mẹ về hoài mà con có thấy Mẹ về đâu . Cho đến một hôm nhân được email từ một người bạn học cũ sau khi anh ấy đọc, bài "Trang nhật ký cuối năm" của tôi "Tôi nghĩ là TL nên thu xếp về thăm bà cụ . Đừng để trễ quá như tôi , đến lúc tôi về thì Mẹ tôi không còn nữa". Tôi hốt hoảng thực sự và bây giờ tôi đã về đây , Tôi đang đứng giữa đất trời quê hương đây . Đêm qua có lẽ Mẹ tôi ngủ giấc ngủ thật ngon không mộng mị sau hai mươi mấy năm . Con của Mẹ đã về . Cho Mẹ mừng . Cho em thôi chờ , thôi đợi . Cho con đò cũ một lần nhìn lại bến sông xưa
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
TÔ THÙY YÊN ( Ta về)
2
Kiên Giang chiều nay đón tôi về bằng cơn mưa. Mưa dầm dề. Mưa tháng 6 mà . Mưa đã đổ hạt từ lúc xe rẽ Ngã Ba Lộ Tẻ để vào địa phận Rạch Giá . Con đường nầy ngày xưa với tôi quen thuộc biết chừng nào . Những mùa thi tháng 6. Những lần xuôi ngược Rạch Giá. Long Xuyên. Cần Thơ. Con lộ dường như rộng hơn ngày trước. Dọc theo đường cái dòng sông xưa vẫn còn đó. Nước đục ngầu. Những hàng bằng lăng với những chùm hoa tim tím nghiêng mình soi bóng trên sông.
Kiên Giang chiều nay đón tôi về bằng cơn mưa. Mưa dầm dề. Mưa tháng 6 mà . Mưa đã đổ hạt từ lúc xe rẽ Ngã Ba Lộ Tẻ để vào địa phận Rạch Giá . Con đường nầy ngày xưa với tôi quen thuộc biết chừng nào . Những mùa thi tháng 6. Những lần xuôi ngược Rạch Giá. Long Xuyên. Cần Thơ. Con lộ dường như rộng hơn ngày trước. Dọc theo đường cái dòng sông xưa vẫn còn đó. Nước đục ngầu. Những hàng bằng lăng với những chùm hoa tim tím nghiêng mình soi bóng trên sông.
Còn hơn 60 km nữa mới về đến nhà . Mưa càng lúc càng nặng hạt . Tôi khe khẽ hát "Tháng 6 trời mưa trời mưa không dứt. Trời không mưa em cũng lạy trời mưa.." Bên cạnh tôi Điệp cười và cất tiếng "Chị cũng còn nhớ bài hát nầy sao". Tôi thẫn thờ , xa vắng "Anh Nghiệm hát bài nầy hay lắm" . Ôi! Biển xưa . Một lần nào cùng học trò trên những con tàu ra khơi, An Thới. Những đêm trăng sáng cô trò tôi bên nhau trên tàu hát dưới trăng. Đêm lung linh . Đêm tuyệt vời . Huyền ảo . Mặt biển lấp loáng ánh trăng như những dải lụa vàng dập dờn trên sóng nước . Những chàng hải quân một lần tình cờ quen nhau trên tàu cất tiếng ca cùng cô trò tôi nhập cuộc đêm vui .. Mắt em màu trùng dương, tóc em như sóng cồn .. Ôi dòng sông xưa vẫn đầy ắp phù sa cho tôi chơi vơi trở về bến cũ.
Kiên Tân kìa chị. Tiếng Điệp vang lên đưa tôi trở về thực tại. Kiên Tân của những ngày mới vào đời. Giọng cô giáo Nam Kỳ chừng như ngộ nghĩnh , lạ xa giữa lớp mà học sinh đa số là dân di cư người Bắc .Tôi nghe có tiếng thì thầm, lém lỉnh "cô giáo có căn cước chưa nhỉ" . Những giáo sư về Kiên Tân năm ấy có tôi, có Lan Khanh, Lương Minh Nhựt, Tô thị Ky , Quách thị Kim Xuân . Nhớ làm sao những đêm bên nhau nơi căn nhà trọ . Căn nhà nhỏ xíu vừa để đủ một cái giường. Ăn ngủ cũng nơi đây mà soạn bài chấm bài cũng nơi đây . Những đêm rằm trăng sáng cả bọn kéo nhau đến ngôi chùa cách trường cũng không bao xa nghe tụng kinh và lễ Phật. Kế bên chùa , vườn nhà ai hương ngọc lan thơm ngát thoang thoảng trong đêm . Có lần tôi theo học trò vào kinh rạch chơi thưởng thức món cua đồng nấu với hoa thiên lý. Vui nhứt là sau 3 ngày dạy nơi đây cả bọn kéo nhau về chợ . Trên những tuyến xe đò chật ních . Chúng tôi chen chúc đứng như đánh đu ở phía sau xe. Tay nầy trên tay kia bám vào song sắt như đang chơi trò "tùm nụm tùm nịu trời đánh tay tiên". .. Sau khi giã từ Kiên Tân để về Nguyễn Trung Trực , đến nay thắm thóat cũng hơn 30 năm tôi chưa có lần về thăm chốn cũ
3
Xe đến An Hòa lúc nào không hay. Xa xa những khóm lục bình tim tím bềnh bồng trên sóng nước . Đây cầu An Hòa. Mảnh vườn nhỏ ven sông. Những buổi picnic vang dậy câu hò tiếng hát . "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông từ đây ra sức anh tài .." Tôi thèm nhìn lại những khuôn mặt bé bỏng hồn nhiên của các em học trò thân yêu một lần cùng tôi chung trường chung lớp . Nhớ Lê văn Bỉnh anh chàng giáo sư Sử Địa vẫn thường có mặt trong những buổi picnic nầy. Bỉnh đạo mạo , nhưng vui tính. Anh hay đến nhà tôi chơi . Tán gẫu . Chuyện học trò . Chuyện trường lớp và cả chuyện ông anh của Bỉnh nữa. Bỉnh cũng xuýt xoát tuổi tôi mà một tiếng cũng chị , hai tiếng cũng chị và có lần phán cho bà chị một câu xanh rờn "Nè chị TL. Chị biết không ? Nếu địa ngục có13 từng thì sau nầy chị sẽ xuống tới từng thứ 14". Tôi le lưỡi, làm bộ sợ hãi "Chu choa . Tôi tội lỗi đến thế hay sao. Vậy mà tôi không biết" . Những ngày xưa thân ái ấy giờ đây còn đâu ? Thầy trò , bè bạn , mỗi người mỗi một góc trời. Chỉ còn chăng là kỷ niệm mênh mang bên lòng trong tận cùng nỗi nhớ ..
Xe đến An Hòa lúc nào không hay. Xa xa những khóm lục bình tim tím bềnh bồng trên sóng nước . Đây cầu An Hòa. Mảnh vườn nhỏ ven sông. Những buổi picnic vang dậy câu hò tiếng hát . "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng. Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông từ đây ra sức anh tài .." Tôi thèm nhìn lại những khuôn mặt bé bỏng hồn nhiên của các em học trò thân yêu một lần cùng tôi chung trường chung lớp . Nhớ Lê văn Bỉnh anh chàng giáo sư Sử Địa vẫn thường có mặt trong những buổi picnic nầy. Bỉnh đạo mạo , nhưng vui tính. Anh hay đến nhà tôi chơi . Tán gẫu . Chuyện học trò . Chuyện trường lớp và cả chuyện ông anh của Bỉnh nữa. Bỉnh cũng xuýt xoát tuổi tôi mà một tiếng cũng chị , hai tiếng cũng chị và có lần phán cho bà chị một câu xanh rờn "Nè chị TL. Chị biết không ? Nếu địa ngục có13 từng thì sau nầy chị sẽ xuống tới từng thứ 14". Tôi le lưỡi, làm bộ sợ hãi "Chu choa . Tôi tội lỗi đến thế hay sao. Vậy mà tôi không biết" . Những ngày xưa thân ái ấy giờ đây còn đâu ? Thầy trò , bè bạn , mỗi người mỗi một góc trời. Chỉ còn chăng là kỷ niệm mênh mang bên lòng trong tận cùng nỗi nhớ ..
Như mây trời viễn xứ
Cánh mõi tình phương Nam
Bóng hòang hôn tư lự
Nhớ quê buồn miên man
NGỌC VÂN ( Nhớ quê)
Xe đã vào Châu thành Rạch Giá . Cổng Tam Quan -biểu tượng của Rạch Giá- vẫn còn đó như chờ đợi người về . Thành phố đã lên đèn . Vẫn con đường Nguyễn Trung Trực đây mà sao chừng lạ xa quá đỗi . Đường lộ đã phóng rộng ra hơn xưa , chia làm 2 lane xe cộ đi lại 2 chiều . Nhà cửa hai bên đường những nhà lầu san sát nhau đông đúc.
Xe đâu mà nhiều quá. Như mắc cửi. Tiếng kèn inh ỏi rền vang đường phố . Những cửa tiệm buôn , quán ăn đèn đuốc sáng choang, rực rỡ đủ màu đủ sắc . Có những cái tên nghe chừng xa lạ quá "Làng nướng Kiên Giang". Ba mươi năm rồi còn gì nữa. Tôi nghe Điệp khẽ hỏi "Lan thấy Rạch Giá thay đổi nhiều không?". Tôi nghe lạc lõng . Chừng như mình đã lạc đường về.
Cầu Đúc đây rồi . Nhà cô Diễn , thầy Lý Thành Lễ bên kia đường . Chút xíu dấu vết xưa còn sót lại . Bến đò Ong Đình Ký đằng kia . Hình ảnh buổi sáng hôm nao vẫn còn đây . Chuyến đò năm xưa của 25 năm trước đưa tôi đi. Cuốn hút tôi vào kiếp sống lưu vong trong định mệnh nghiệt ngã của dân tộc. Bao năm qua tôi như nhánh rong phiêu bạt , lênh đênh trên dòng sông phiền muộn của đời người. Những đêm bên trời viễn xứ. Thao thức. Kẻ tha hương nghe dạt dào trĩu nặng nhớ thương. Thèm một lần trở về chốn xưa. Giở trong ký ức từng kỷ niệm mượt mà của một thời dấu yêu giờ đã xa khỏi tầm tay với .. Xe đỗ trước cổng nhà lúc nào không hay . Thiện em tôi chạy ra đón ,ôm chầm lấy tôi nước mắt đầm đìa "Chị đi lâu quá mới chịu về" - . Tôi rưng rưng cầm tay em khẽ nói "Ừ thì bây giờ chị về đây". Nhà xưa cũng không thay đổi bao nhiêu . Từ bộ lư đồng, cho đến cái dĩa quả tử , bộ tách trà bằng sứ Trung Hoa .. những di tích của ông bà Nội vẫn còn trên cái tủ thờ bằng gỗ thao-lao đặt ở gian nhà trước . Bộ ngựa gõ năm xưa vẫn còn kia. Nhớ thuở ấu thơ chị em tôi nằm nơi đây nghe bà kể chuyện đời xưa. Có đêm ngoài trời mưa rả rích . Nội sai tôi chạy đến tiệm chú Chín đầu ngõ mua đậu đường, bột khoai về Nội nấu chè thưng. Lần đó Ngoại ở quê ra, bên bếp lửa hồng chị em tôi quây quần bên Ngoại xem bà khuấy bánh đúc ăn với đường cát trắng thắng sền sệt có mè rang thơm phức. Rồi Ngoại bày ra làm ca-dé phết lên bánh mì nướng. Mùi nước dừa béo ngậy ngon quá chừng. Cả một chuỗi ngày dấu yêu về trong chiều nay. Ngoài trời mưa bay bay trong buổi chiều hắt hiu niềm nhớ .. Tôi nghe tiếng Mẹ như đang thì thầm với ai "Con nó về rồi ông ơi".
4
Tôi giật mình thức giấc .Văng vẳng bên tai tôi nghe tiếng mõ. Tiếng chuông. Những câu kinh Adi Đà rất quen thuộc mà tôi nghe biết bao lần từ thuở nào. Trời có lẽ còn sớm lắm. Tôi lắng tai nghe. Bếp núc yên tĩnh lắm. Cô em dâu còn chưa thức dậy để sửa soạn buổi bán hàng ban sáng . Thì ra mẹ tôi đang công phu
Ta nghe thuở nọ
Phật ở Kỳ Viên
Tại thành xá vệ
Tăng sĩ một thiên
Hai trăm năm chục
Tăng sĩ một thiên
Hai trăm năm chục
La Hán cao niên
Toàn là bực lớn
Ai cũng biết tên
Trưởng lão xá lợi phất
Tôi nằm rút trong chăn. Nghe thanh thản, bình yên vô cùng. Ánh trăng thượng tuần còn vắt ngang song cửa. Trên chiếc giường thân yêu ngày cũ. Bên mái nhà xưa đêm qua tôi đã ngủ thật say. Tôi như đắm mình trong dòng sông tuổi thơ êm đềm ngày nào. Có tiếng võng đưa kẽo kẹt. Lời mẹ ru ầu ạ ầu ơ cho con ấm nồng giấc ngủ .Cho con nên vóc nên hình. Rồi dâu bể tang thương nhuộm cả một trời non nước từ ngày ấy. Mẹ bất lực, xót dạ nhìn đàn con tan tác khắp bốn phương trời . Lời kinh buồn Mẹ đọc mãi từng đêm cho phôi pha niềm nhớ
Bay về qua ngõ vắng
Mắt má đã hoen mờ
Trầm tư trong tĩnh lặng
Lời kinh buồn như mưa
(Nhớ nhà KG)
Hình như hồi kinh công phu sáng sớm của Mẹ đã xong .Tôi nghe tiếng lục đục ngoài bếp . Em Mai có lẽ đang chuẩn bị dọn hàng .Tôi nghe Mẹ nói "Để chị con ngủ nghe. Mẹ đi ra ngòai chợ kiếm mua mấy cái bánh quy và xôi vị cho chị con. .Mấy thứ bánh nầy bên đó đâu có mà ăn". Tội nghiệp Mẹ, tôi về như mang cả một trời hạnh phúc về cho Mẹ. Hôm ở phi trường Tân Sơn Nhứt về đến nhà Ngoc Điệp. Gặp lại đứa con sau bao năm biền biệt Mẹ chỉ ôm tôi và khóc thật ngọt ngào. Dù tôi đã đi xa. Dù tôi ở chân trời góc bể nào. Nhưng vói Mẹ tôi vẫn là một hiện hữu bên Mẹ từng giờ từng phút. Như chiếc giường ngủ năm xưa của tôi vẫn còn đó. Từ cái bàn viết . Từ cái tủ áo quần cho đến cái gương con soi mặt, cái ví cầm tay, cuốn Album học trò bè bạn .. Như tôi vẫn còn đây . Như tôi chưa đi xa một ngàynào và tôi biết trong Mẹ những tháng ngày năm xưa vẫn còn đó. Sẽ ở bên Mẹ suốt đời, suốt kiếp.
Tôi đến Hà Tiên chiều nay. Thành phố vẫn êm đềm, tĩnh mịch như thuở nào. Khách sạn Hải Đăng nằm bên cạnh Mũi Nai cũng khá lịch sự. Gió chiều phần phật thổi . Từng cơn sóng vỗ mạnh vào bờ. Dì cháu tôi chẳng ai dám xuống biển. Từ năm 1973 đến nay tôi mới trở lại thành phố nầy. Nhớ trại hè của học sinh 16 tỉnh miền tây tại Bài Nò năm ấy có tôi, Thanh Loan, thầy Trầm cảnh Thường, Thầy Phùng nhật Nam, anh Nguyễn văn Vinh, anh Lê văn Thu .. Tôi thì phụ với anh Vinh trông coi cái Canteen cho trại hè. Buổi sáng chỉ có bán mì gói bỏ thêm vài lát thịt nguội mà bán không kịp thở. Nhớ những đêm sinh hoạt rộn ràng . Bên bếp lửa bập bùng Thầy trò nắm tay cất cao tiếng hát: Đèo cao dô ta thì mặc đèo cao dô ta .. nhưng lòng yêu nước dô ta .. còn cao hơn đèo dô ta, dô tà là hò dô ta dố ta .. Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường về ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang ..
Chiều len lén bỏ đi để lại vài sợi nắng muộn màng còn sót lại trên bờ cỏ xanh trướcsân. Những hàng dừa dọc theo bờ biển nghiêng chao trong gió. Chị em dì cháu rủ nhau xuống chợ kiếm quà ăn vặt. Chợ Hà Tiên vẫn còn cái dáng vẻ của ngày xưa. Các mặt hàng như giầy dép, đồ dùng từ biên giới Miên qua bày bán đầy dẫy ở các sạp trong chợ. Bánh bao-chỉ ở đây ngon quá. Mỗi cái chỉ có 200$ nghĩa là chưa tới 2cent Canada. Bánh bò đường Thốt Nốt ngọt lịm cả bờ môi. Nhìn bà lão ngồi bán hàng bên đường thấy mà thương. Đời sống chênh lệch nhau đến chừng ấy. Kẻ vung tiền thừa thãi. Người ngồi chắt chiu kiếm từ cắc, từ xu . Gói bánh thật to mà chưa tới 20.000$ (2$ Canada). Chúng tôi trở về khách sạn thì trời đã đổ mưa. Buổi tối thành phố buồn hiu buồn hắt . Những ngọn đèn đường vàng vọt trong đêm. Dì cháu tôi vừa cà kê dê ngỗng vừa ăn bánh bò cho tới khuya lơ khuya lắc mới lên giường. Trước khi về phòng Thằng Tèo còn bảo "Chắc tối nay mình sẽ nằm chiêm bao thấy bánh bò Dì Tư ơi ?".
Sáng thức dậy cũng có hơn 8 giờ. Thằng Tèo, con Bắp vừa từ bãi biển trở về. "Sao đi tắm không rủ Dì Tư đi" - "Ngoại nói để cho Tư ngủ". Thu xếp hành lý và trả phòng xong, ăn vội điểm tâm ở khách sạn chúng tôi đi thăm một số các thắng cảnh Hà Tiên trước khi lên đường trở về RG . Buổi sáng trời không một giọt nắng. Mưa nhè nhẹ như mưa bụi lất phất bay trên suốt quãng đường tới Thạch Động. Thạch Động vẫn như xưa . Vẫn cái dáng đứng sừng sững, oai nghiêm từ muôn thuở. Những vách đá cheo leo. Tượng đền trong hang hương trầm nghi ngút. Rời Thạch đông. Ghé lăng Mạc Cửu. Thắp nén hương cho người xưa, nghe vị trụ trì nơi đây nhắc lại công đức của Tiền nhân đã khai phá mở mang vùng đất Hà Tiên Thập cảnh. Con đường dẫn vào Lăng Mạc Cửu nên thơ quá. Phượng vĩ đỏ rực cả lối đi.
Đến chùa Hang cũng đã trưa. Bánh gói bằng đường thốt nốt của các em bé bán quà rong nơi đây cũng khá hấp dẫn. Từ chùa Hang nhìn ra bờ biển . Hòn Phụ tử thấp thoáng xa xa .. Hơn 30 năm qua mà đời sống của người dân quê VN vẫn chưa vươn lên được một đời sống khả quan hơn. Dọc con đường lộ từ RG đến Hà Tiên vẫn còn thấp thoáng những mái nhà tranh xiêu vẹo , nghèo nàn. Vẫn còn những bóng trâu cày trên những cánh đồng lúa bao la. Vẫn còn những khuôn mặt thơ ngây lên 10 lên 8 với rổ bánh, rổ khoai, rổ mía chạy theo xe năn nỉ mời mọc bán cho khách qua đường. Mua mấy cái bánh gói vừa ăn tôi vừa gợi chuyện hỏi em bé bán hàng
- Mỗi ngày con bán được bao nhiêu cái bánh
- Hôm nào đắt con bán cả ngày khoảng 3 đến 40 cái , hôm nào ế thì đem về chị em ăn thay cơm
Thằng Tèo, Con Bắp giục lên xe để về RG cho sớm. Tôi từ giã em bé, dúi vào tay em 100.000$ (tiềnVN). Em ngơ ngác nhìn tôi và bảo "Làm sao con có tiền thối cho cô" - "Con cầm lấy cô tặng hết cho con" . Em bé nhìn tôi như muốn nói lời cám ơn. Chợt em ấp úng hỏi "Cô là Việt Kiều phải không cô" . Xoa đầu em . Tôi mỉm cười khẽ bảo "Cô là người VN".Tôi lên xe . Vẫy tay chào em . Tạm biẹt Hà Tiên sau một lần trở lại
6
Từ hôm về đến nay RG vẫn sớm nắng chiều mưa . Chiều nào cũng thế, mưa tối trời tối đất. Sáng nay Thiện đã đưa tôi đi một vòng để trao tiền của Ngô Quang Võ gửi tặng các Thầy cô. Khuôn mặt của chợ RG thật lạ lẫm .Tôi buồn bã bảo Thiện " Không có nhà lồng chợ RG không giống RG chút nào . Nó kỳ quặc lắm". Cái chuyện phá nhà lồng chợ. Xây công viên. Dời chợ qua bến xe HàTiên đã làm đau lòng không ít kẻ ở lẫn người đi . Theo lời dặn dò của Võ tôi đến nhà thầy Vĩnh. Thầy Vĩnh ở cách nhà tôi một con đường. Thầy là con của ông bác Năm Gần. Sau một thời gian dạy học, thầy lên làm Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Vĩnh Thanh Vân. Tôi vẫn gọi là cậu Vĩnh vì cậu là bạn với Mẹ tôi. Cầm $50 tôi trao, tôi thấy giọt nước mắt sung sướng nào đó của người thầy cũ nhận được tấm lòng của đứa học trò năm xưa từ bên trời viễn xứ. Tôi nghe cậu run run nói "Cầu trời Phật phù hộ cho con Võ ơi , con còn nhớ tới Thầy sao ?. Ở nhà thầy Vĩnh ra tôi ghé nhà thăm cô Diễm. Trông cô gầy hơn lần nào gặp lại cô ở Reunion Toronto 2002. Sau 2 năm trời ở Mỹ cô đã về và ở hẳn lại VN. Ngôi nhà rộng rãi, thênh thang quá, một mình cô với chị người làm trông cô cô đơn vô cùng. Thương cô làm sao. Cầm $50 của tôi trao tôi thấy có niềm hạnh phúc nào đó đang rạt rào chảy trong lòng người thầy cũ. Từ giã cô Diễm. Thiện đưa tôi đến nhà thầy Giang Minh Đoán. Nhìn bức ảnh bán thân của Thầy trên bàn thờ tôi nghe lòng nao nao . Xin phép cô Đoán tôi thắp nén hương cho Thầy và trao $50 nhờ cô mua chút hoa quả cúng Thầy . Tôi thấy cô cảm động lắm. Cô có biết Ngô Q Võ là ai đâu ? Cô chỉ biết tình thầy trò của người Kiên Giang có một không hai trên cõi đời nầy.
Nóng quá Thiện ơi. Tôi than nho nhỏ và đòi Thiện đưa về nhà. Xe chạy qua ngã khách sạn Phú Sĩ ngày xưa. Thiện dừng xe cho tôi ghé cái quán bên đường mua bánh cuốn. Cô chủ quán nhìn tôi soi mói một hồi lâu rồi chợt reo lên "Trời ơi! Cô hả cô, cô về rồi hả cô, sao cô đi lâu quá, mấy chục năm rồi còn gì". Tôi nắm tay đứa học trò năm xưa, xúc động đến ứa nước mắt "Cô mới về, còn nhận ra cô sao". Thì ra đó là Kim Yến, con gái của tiệm may Thanh Việt -học trò Lâm Quang Ky ngày xưa. Rồi cô trò ríu rít. Chuyện xưa. Chuyện nay. Chuyện của 30 năm nhiều lắm phải không em ? Cô về thay đổi hết rồi hở cô ?. Tôi tiếp lời em "nhưng tình thầy trò RG không thay đổi là đủ rồi phải không em ?"
Từ giã Yến và hứa với em tối sẽ trở lại ăn bún cá. Tôi ghé nhà thầy Tuyền. Tôi vẫn gọi Thầy Tuyền là anh vì hai nhà ở kế bên nhau từ xưa đến giờ. Chị Ngọc Sương tôi bạn học cùng lớp với chị Kiều Oanh. Phương Lan em của anh lại là bạn học cùng lớp với tôi. Thế mà từ bữa ở SG về đến nay cũng chưa sang để thăm anh được. Ngôi nhà trông vắng vẻ hơn ngày xưa . Cảnh cũ còn đây mà người xưa mỗi người mỗi ngả. Trịnh Long Hổ đã gửi mình nơi cửa Phật. Sớm hôm vui cùng câu kinh tiếng kệ. Tôi trao phong bì của Võ gửi anh. Số tiền $50 có là bao nhưng tôi biết lòng anh bồi hồi xao xuyến vì tình nghĩa thầy trò RG cao đẹp biết bao !
7
Bạn bè Thiện đã ra về . Thiện mời bạn bè họp mặt để mừng bà chị mới về . Có Trung Paul (từ Pháp về) có Khánh (chồng của Mỹ Lương Hữu), có Hoàng mập, có Nguyên (con của tiệm sách Tấn Hóa) và một vài người bạn mới sau nầy. Một buổi tối thật vui. Những tiếng cười hội ngô. Những ánh mắt của hạnh phúc trùng phùng. Thiện uống nhiều quá. Chừng như đã xỉn. Cái dáng của em tôi trong cơn say như chứa cả một trời tâm sự. Điếu thuốc hờ hững bờ môi . Tay nghiêng cốc rượu sầu . Tôi chợt nhớ những dòng thơ năm xưa.
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngã
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào
Quang Dũng
3O năm mà cái chuyện đôi bờ đất nước nhớ thương nhau vẫn còn đó. 30 năm vật đổi sao dời. Kẻ đầu non, người cuối bể. Kẻ còn người mất. Như buổi sáng nay đi vào Am Ông Địa để tìm thăm Quách thị Kim Xuân thì mới hay người bạn ngày xưa đã ra người thiên cổ. Bạn tôi đã thực sự giã từ vòng tay học trò. Vĩnh viễn ra đi. Bỏ lại chuyện tình của một nữ giáo sư trẻ và cậu học sinh Đệ Ngũ đã một thuở nào xôn xao quận lỵ Kiên Tân. Xuân ơi ! bao nhiêu chuyện tao dự định sẽ kể cho mầy nghe lúc tao ngồi trên máy bay phút chốc đã vỡ tan. Mấy món quà đem về cho mầy vẫn còn nằm trong valy. Chơ vơ. Buồn bã. Nhưng tao biết ở đâu đó mầy biết tao về. Tao nhớ mầy. Tao thương mầy. Như thế đủ lắm rồi. Phải không Xuân Quách. Bạn bè hay gọi mầy như thế vì trong lớp có 2 Xuân. Chị Xuân kia lớn hơn tụi mình 3 tuổi. Có lần tao hỏi "Mầy biết Xuân Quách là gì hông?" -Thì tên tao-."Trật rồi. Xuân Quách là xách quần đó". Hôm đó mầy rượt tao chạy hết mấy vòng sân trường. Mầy còn nhớ không ? Thôi nhé ! Ngủ yên đi nha Xuân. Ngủ ngon đi nha Xuân. Gửi mầy giọt lệ tiễn đưa muộn màng của tao với ngút ngàn thương nhớ ..
8
Tôi đếm bước đến trường xưa chiều nay. Từng nhịp buồn da diết gõ về lối cũ. Sân trường mùa hè quạnh quẽ đìu hiu như nỗi lòng người trở lại. Những vạt nắng chiều còn rơi rớt bên thảm cỏ xanh ngoài kia. Con đường xưa một thuở nào còn in dấu bước chân ai. Nhớ hoài một chiều tan trường năm xưa. Tôi đạp xe đã qua khỏi nhà thày Huỳnh văn Giáo một đoạn, có tiếng ai gọi sau lưng thì ra là chú Nhứt -chú lao công trong trường-. Dừng xe lại tôi nghe chú bảo "Thầy Hiệu Trưởng mời cô trở lại trường có chút việc" . Năm đó tôi mới từ Kiên Tân về NTT Thầy Thường đang làm hiệu Trưởng. Vòng xe trở lại. Đến cửa phòng tôi chào Thầy khẽ bảo "Thầy cho gọi em , có việc gì hở Thầy". Nhìn nét mặt Thầy tôi biết là thầy đang phật ý điều gì đó . Thầy dạy Việt Văn năm tôi học Đệ Tứ và cũng là giáo sư chủ nhiệm lớp -Lớp Đệ Tứ 3- Thầy vào đề ngay "Cho tôi biết tại sao chưa có chuông mà cô cho học trò ra về". Thật ra tôi cũng không nhớ là có nghe chuông hay không chỉ nhớ lớp kế bên học trò ùa ra về. Ngỡ là đã có chuông mà không nghe tôi cho học trò thu xếp ra về. Mặc dù đã đi dạy nhưng tôi vẫn còn sợ Thầy như thuở còn học với Thầy. Tôi nhỏ nhẹ thưa "Em thấy lớp kế bên ra về em ngỡ có chuông" -Cô vẫn lém như ngày xưa- "Em nói thiệt mà sao Thầy không tin em". Bỗng Thầy dịu dàng nói "Thôi cô về. Bộ cô đói bụng lắm rồi phải không trông mặt xanh mét kìa". Mà Thầy làm thầy bói cũng hay thiệt . Con nhỏ học trò ngày xưa của Thầy buổi sáng dạy ở Lâm Quang Ky đến 12 giờ. Về nhà ăn vội bát cơm trở qua NTT dạy từ 1-5 giờ đói meo cả bụng. Ôi ! Kỷ niệm vẫn còn đây mà Thầy trò bây giờ đã ngàn trùng xa cách. Đêm qua xem lại quyển Album cũ. Nhìn tấm hình Thầy chụp trong buổi lễ cắt băng khai mạc Trại Hè 16 tỉnh miền Tây tại Bãi Nò Hà Tiên. Nhớ thầy vô cùng . Trên đường về tôi ghé nhà Lương Minh Nhựt Nhựt đã giã từ những ngày làm cô giáo, có một cửa tiệm chap phô nho nhỏ trông cũng nhàn nhã lắm. Ngồi một lát có Phù thị Ngọc Thủy đến. Trời như sắp chuyển mưa. Thành phố tối sầm hẳn lại. Còn phải ghé nhà anh Lê văn Thu để trao tiền của Ngô Quang Võ gửi tặng.
9
Ngày vui đã qua . Đêm nay là đêm cuối cùng ở lại thành phố thân yêu nầy. Mai tôi lại về SG để sửa soạn trở về Winnipeg. Mẹ đang ngồi tẩn mẩn sắp xếp hành lý cho tôi ngày mai lên đường. Mấy ngày nay Mẹ ít nói. Mắt Mẹ đã nhuốm buồn nghĩ đến ngày đưa tôi trở về bên ấy. Nửa vòng trái đất xa xôi Mẹ con lại mỗi người mỗi ngả. Ngày đoàn viên vĩnh viễn biết đến bao giờ ?
9
Ngày vui đã qua . Đêm nay là đêm cuối cùng ở lại thành phố thân yêu nầy. Mai tôi lại về SG để sửa soạn trở về Winnipeg. Mẹ đang ngồi tẩn mẩn sắp xếp hành lý cho tôi ngày mai lên đường. Mấy ngày nay Mẹ ít nói. Mắt Mẹ đã nhuốm buồn nghĩ đến ngày đưa tôi trở về bên ấy. Nửa vòng trái đất xa xôi Mẹ con lại mỗi người mỗi ngả. Ngày đoàn viên vĩnh viễn biết đến bao giờ ?
Chiều tối nghe chim vịt gọi chiều
Tôi ngồi nhớ má cảnh cô liêu
Âm dương cách trở ba rời má
Nhà nát Má nhờ Ngoại chắt chiu
Vườn ổi Má ươm bằng nước mắt
Lưng còng Ngoại cõng nắng liêu xiêu
Nuôi tôi khôn lớn rồi tôi cũng
Bỏ Má một mình với quạnh hiu
(Nhớ Nhà KG 2005)
Ban chiều theo Mẹ vào Tịnh Xá Ngọc Hải để cúng dùm Võ $50 cho Lễ Vu Lan. Quý sư cô bảo tôi ở thêm tuần nữa để dự lễ Dâng Y Tự Tứ. Mùa Vu lan báo hiếu mà .. Nghe Mẹ thở than tôi xót xa trong dạ "Con về rồi con lại đi khổ biết chừng nào. Phải chi đừng có cái ngày đó" . Câu nói như chuyên chở cả một khung trời dĩ vãng về đây . Đất nước tan hoang từ độ ấy . Đã 30 năm qua mà chuyện ngày xưa Mẹ vẫn canh cánh bên lòng.
Mai và Thiện mới đi chợ về, mang đủ thứ bày ra nào là bánh bèo, bánh tét nướng, bánh tiêu Rạch Giá ..v..v "Chị ăn đi để mai về Canada lại nhớ, lại thèm. Bao giờ Lan về nữa". Tôi biết làm sao trả lời với em bây giờ ?
10
Sáng nay tôi đã ra hãng United Airline để confirm chuyến bay. Hành lý đâu đó đã sẵn sàng. Nghĩ đến đường bay trở về buồn nói sao cho vừa. Một tháng trời ngà ngọc trôi qua thật nhanh. Tôi về lại đan thêm nỗi nhớ nỗi thương trong lòng người ở lại. Tôi mới từ nhà Thầy Điệp trở về. Từ bữa về đến giờ có đi thăm Thầy đâu. Thầy Điệp vẫn như xưa không thấy Thầy già chút nào. Vẫn nụ cười hiền hòa có chút e thẹn như con gái. Trao Thầy phong bì của Ngô Q Võ gửi tặng . Thầy khẽ bảo tôi "có nghề nào hơn nghề dạy học đâu . Phải không TL ?". Ở nhà thầy Điệp ra. Gần tới cầu Phú Lâm, mưa tầm tã. Sài Gòn với những cơn mưa bất chợt như vậy . Không có mang theo áo mưa đành phải chạy trong mưa . Chợt nhớ 2 câu thơ của ai một lần đã đọc .
Em về phố cũ chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Điệp em tôi vừa lái xe vừa la "Chời ơi ướt nhem hết chơn hết chọi mà còn đọc thơ". Hai chị em cười vang đường phố. Về đến nhà nghe lành lạnh. Điệp đổ thừa "Tại Lan đòi đi dưới mưa giờ lại than". Tôi nheo mắt bảo em "Mà vui quá phải không ?".
11
Cuối cùng rồi cũng gặp được thầy Thủy. Buổi họp mặt bỏ túi thật vui. Có Thầy Cô Điệp, Thầy Thủy, Anh Tô Đăng Đoàn, Phương Lan, Dương thanh Trắc, Trương văn Điệp, Kim Chung và chị em tôi. Thầy Trần châu Hồ thì không tìm được. Phòng ăn Private tha hồ cho thầy trò tâm sự. Bên thầy cũ, bạn xưa tôi thấy lại tôi của những ngày xa xưa còn cắp sách đến trường. Thầy trò sau bao nhiêu năm gặp lại, líu lo, cười vui như pháo Tết. Những câu chuyện xưa. Những câu chuyện chọc Thầy phá bạn. Những tiếng em từ những đứa học trò mái tóc đã điểm sương mang chút niềm hạnh phúc nào đó cho thầy tôi chiều nay. Thầy trò tôi ai nấy cũng say. Say trong men tình men nghĩa. Buổi tiệc đã tàn. Trên bàn rượu đã vơi. Nhưng niềm hạnh phúc hội ngộ đang rạt rào chảy trong tình thầy trò Rạch Giá . Trao phong bì của Võ cho Thầy Thủy tôi nghe Thầy nói "Lại cho tiền tôi nữa phải không". Tôi vụng về quá . Tôi không biết làm sao cho Thầy tôi đừng mặc cảm. Nhớ hôm xuống Mỹ Tho thăm Thầy Lê Thanh Hiền cũng thế. Thầy dạy Anh Văn năm tôi học Đệ Lục. Chưa hết niên học thầy lại đổi đi nơi khác . Mỗi lần giở lại quyển sách Anh Văn mà thầy tặng cho trong kỳ thi Lục cá nguyệt tôi nhớ Thầy vô cùng. Bẵng đi một thời gian thật dài, khoảng năm 73 Thầy về Rạch giá. Cô bé học trò ngày xưa của Thầy giờ đã trở lại trường xưa để làm cô giáo. Thầy ghé nhà thăm nhưng hôm đó tôi đang coi thi Tú Tài ở Sài Gòn . Thầy gặp Mẹ tôi thầy bảo "Không biết con nhỏ bây giờ bao lớn, sẵn dịp qua RG tôi ghé thăm". Cái chuyên gặp lại Thầy Lê Thanh Hiền cũng khá tình cờ. Nếu không có chuyện cháu tôi con bé Tư, con chị Ngọc Sương tôi sắp lấy chồng mà chồng của cháu tôi gọi Thầy Hiền bằng Bác thì tôi biết thầy ở đâu mà tìm. Cả Thầy trò sau 40 năm gặp lại nhau nước mắt lưng tròng . Tôi rưng rưng nghe thầy nói "Suốt đêm qua thầy không ngủ được . Nghe em nói đến mà thầy không biết em có đến không ?". Rồi Thầy hỏi quyển sách ngày xưa thầy cho tôi còn giữ không? Thầy hỏi tôi còn nhớ chuyện Carnot trong Quốc văn Giáo Khoa Thư không ? Tôi biết Thầy tôi hạnh phúc vô cùng. Cầm phong bì quà tặng của cô bé học trò năm xưa tôi thấy mắt Thầy long lanh ngấn lệ. Nắm tay Thầy tôi khẽ bảo "Thầy nhận cho em vui. Dòng đời xuôi ngược. Biết có lần nào em gặp Thầy nữa không? Công ơn Thầy dạy dỗ em chưa một lần đền đáp". Tôi để phong bì vào túi áo Thầy . Tôi nghe mằn mặn bờ môi . Tôi đã khóc lúc nào không hay ..
12
Còn 4 tiếng đồng hồ nữa tôi thực sự sẽ rời thành phố nầy . Phi cơ sẽ cất cánh lúc 6 giờ sáng hôm nay . Ban chiều thầy Điệp đến nhà chơi để nói lời tạm biệt. Sau lần giải phẫu , mắt thầy cũng chưa bình phục hoàn toàn . Thầy không dám lái xe vì mắt cũng chưa nhìn rõ lắm. Một tháng trời ngắn ngủi tôi cũng chưa đi thăm hết được Thầy Cô và bạn bè thuở nào . Còn biết bao Thầy Cô ngày xưa đang sống âm thầm mà học trò không biết để có một lần thăm hỏi. Thầy Điệp ở lại dùng cơm chiều với chị em tôi cho đến hơn 10 giờ thầy mới ra ra về . Đưa thầy ra đầu ngõ để kiếm xe cho Thầy về nhà. Thầy gửi lời thăm hỏi đến tất cả Thầy Cô và Học Trò ngày xưa bên trời viễn xứ .
Buổi sáng mới 4 giờ mà phi trường Tân Sơn Nhứt đã chen chúc người qua lại. Vợ chồng Mai Thiện và các con cũng vừa từ RG lên để tiễn tôi lên đường. Mẹ tôi như mất thần. Tôi không biết nói gì trong lúc nầy. Ôm mẹ mà nước mắt đầm đìa . Một tháng trời nơi quê nhà giờ chỉ còn là kỷ niệm. Tôi thu trọn từng khuôn mặt thân yêu lần chót rồi lặng lẽ đẩy hành lý đi vào . Những cái vẫy tay ngâm ngùi, Sũng đầy nước mắt . "Mấy phút bên nhau rồi thôi, Đến khi bóng em mờ khuất. Người về u buồn khắp trời. Người ra đi với ngàn nhớ thương"(1). Lời ca của ai đêm nào như văng vẳng đâu đây Ôi biệt ly nhớ nhung từ đây .. Bên hàng ghế ngồi đợi giờ phi cơ khởi hành. Tôi gục đầu ôm mặt nức nở ..
(1) Biệt Ly của Dzoãn Mẫn
Co oi nhung bai co viet sao bong dung muon khoc
ReplyDeleteMuốn biết em là ai lắm ? Có được không em ?
ReplyDeleteTolang
Hi co TL,
ReplyDeleteI was a 9 yr old kid who frequent your canteen every morning in the 73 Summer Camp at Ha Tien.
Instant noodles, 2 at a time I requested, imprinted forever in my memory.
Perhaps you remember my father, Phung Nhat Nam?
Your article sure brought back lots of memories.
Thank you so much.
Many regards,