Links

Sunday, September 26, 2010

Rạch Gía - Những ngôi chùa xưa

______________________________________


Chùa Tam Bảo



Ngôi chùa tọa lạc ở số 6 đường Thích Thiện Ân, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Chùa Tam Bảo Rạch Giá đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá
 vào ngày 23-03-1988. Ngày nay, chùa là nơi đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang.

Lịch sử
Chánh điện chùa Tam Bảo - Ảnh: Hoàng Chí Hùng
Chùa do bà Dương Thị Cán (có tài liệu viết là Dương Thị Oán), tục gọi là Bà Hoàng dựng nên vào đầu thế kỷ XIX để làm nơi tu hành, nên người ta thường gọi là chùa Bà Hoàng, có người đọc chệch thành Bà Hoằng, Bà Hoặng. Lúc đầu chùa có kết cấu rất đơn sơ, vật liệu chính là tre nứa. Đây từng là nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh trong khoảng thời gian lẩn tránh Tây Sơn. Theo tác giả Sơn Nam thì Dương Thị Oán đã cho Nguyễn Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt. Vì thế sau khi lên ngôi, năm 1803, vua đã ban biển Sắc tứ cho chùa, từ đó, chùa được gọi là Sắc tứ Tam Bảo - 敕賜三寳.
Đến năm 1913, hoà thượng Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) được Phật tử địa phương cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo. Năm 1915, ngài cho đại trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc còn được lưu lại đến ngày nay. Năm 1917, công trình trùng tu hoàn tất. Hoà thượng Trí Thiền tiếp tục trụ trì cho đến năm 1941. Trong khoảng thời gian này, cư dân địa phương thường gọi chùa Tam Bảo là chùa Ông Đồng.
Hoà thượng Trí Thiền cũng là người có công sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học vào năm 1931. Hội này đặt trụ sở tại chùa Linh SơnSài Gòn. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi Âm để truyền bá giáo lý, lập Pháp Bảo phường, thỉnh Tam Tạng kinh làm tài liệu nghiên cứu. Sau đó hoà thượng Trí Thiền và sư Thiện Chiếu trở về Rạch Giá lập Phật giáo Kiêm Tế Hội, chủ trương vừa truyền bá giáo lý nhà Phật, vừa vận động tín đồ làm công tác xã hội. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, một số cán bộ cách mạng mượn chùa Tam Bảo làm nơi chế tác đạn, chuẩn bị nổi dậy chống Pháp. Nhưng công việc bị phát hiện, hoà thượng Trí Thiền bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó năm 1943. Một đệ tử của ngài là nhà sư trẻ Thiện Ân, lúc bị Pháp bắt, đã dũng cảm hy sinh bằng cách cho tạc đạn nổ để tiêu diệt bọn mật thám.
Sau khi hoà thượng Trí Thiền bị đày ra Côn Đảo, chùa Tam Bảo không có trụ trì cho đến năm 1956. Từ 1957 đến nay, các đời trụ trì là thượng tọa Tâm Chơn (1957 – 1962), hoà thượng Bổn Châu (1962 – 1970), hoà thượng Thiện Đạo (1970 – 1974), hoà thượng Bổn Châu (1974 – 1995), từ 1995 đến nay là đại đức Thiện Chơn. Sau khi về trụ trì, đại đức Thiện Chơn đã bắt đầu cho trùng tu chùa Tam Bảo như trùng tu Chánh điện (1997), Hậu Tổ (1998), Tây lang (1999), xây cất dãy xá cho chư Tăng ni an cư kiết hạ (2000) và Đông lang (2001).

Kiến trúc

Theo trục lộ chính từ Rạch Sỏi về thành phố Rạch Giá, qua cổng tam quan khoảng 500 m, thấy một tấm bảng đề Sắc Tứ Tam Bảo Tự - 敕賜三寳寺. Từ cổng đi theo con đường nhỏ độ 80 m thì gặp chùa. Bước vào chùa, trước chánh điện là những tượng Phật lớn trang nghiêm, trầm mặc. Nền chùa được xây cao ráo, thoáng mát, trước cửa chùa có ao sen rộng và hòn non bộ, trên bờ hồ, lên các bậc tam cấp có tượng Phật Quan Âm. Chánh điện có diện tích 14,50 m x 22 m, được thiết kế theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trổ công phu, thếp vàng rực rỡ theo dạng “Lưỡng Long triều Nguyệt”, “Song Phụng Triều Châu”, “Bát Tiên”… với màu sơn son thếp vàng còn rực rỡ, quần thể tượng gỗ Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm Thế Chí… đạt trình độ cao. Trong chùa còn giữ bức tượng đức Phật A Di Đà tạc bằng đá xanh cao 1,03 m.
Ngoài ra, chùa còn có các công trình khác như:
- Hậu tổ là nơi đặt điện thờ hoà thượng Thích Trí Hiền (1882 - 1943), Sư Thiện Chiếu (1898 - 1974) cùng những nhà sư quá cố khác... Họ là những người có công lớn trong việc thành lập Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học và kêu gọi tăng ni tham gia kháng chiến.
- Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của hoà thượng trụ trì.
- Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường, nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.
- Phía trước hai bên chánh điện là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên hoa.
http://www.vietgle.vn/trithucviet









No comments:

Post a Comment