Links

Wednesday, November 17, 2010

Vọng cổ buồn - Nhạc Minh Vy. Tiếng hát Cẩm Ly






Đêm dài nghe tiếng vọng cổ buồn,
Nức nở vầng trăng khuya cung đàn buông tiếng khóc
Tiếng gõ nhịp song lang ai oán khúc tơ lòng
Như tiếng lòng chim quyên đang đón gió thu về
Anh giờ xa xứ bỏ quê nhà
Bỏ lại tình em bên chiếc cầu tre cuối xóm
Bỏ lại dòng sông xưa hai đứa vẫn hẹn hò
Bỏ lại vầng trăng non em thức đón anh về

Hò ơi... chín nhánh sông phù sa, mù u con bướm đặng quay về.
Về đâu con nước lớn nước ròng, đìu hiu như khúc hát tình em
Hò ơi... cống cống xê xàng xê, mình ên em đứng đợi anh về.
Còn thương còn nhớ bóng con đò, về nghe câu hát lý chờ mong

Ai đã cùng em thề câu hẹn ước,
trầu cau mâm quả đưa sang đàn trai đón dâu về.
Chim quyên có bạn có bầy, nỡ sao anh để lẻ bầy lòng em.



Có thương có nhớ quê nhà,
về mà nghe vọng cổ nhớ hoài tình em.
_______________


Tôi sinh ra và lớn lên trong tiếng hò ru của mẹ, trong tiếng nhạc ấm lòng của những vở cải lương… Mẹ kể, ngày mang thai tôi gần sinh, ba còn dắt mẹ đi xem Ngao sò ốc hến… Lớn lên chút, tôi kể lại vanh vách, nào Tô Kim Hồng, nào Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, nào Bảo Quốc… mẹ hết hồn ngạc nhiên bảo “nhóc tì này bị cải lương ăn sâu vào máu rồi”!
Tôi lớn lên với một nửa Sài Gòn, một nửa ở Kiên Giang… nơi quanh năm lơ lửng câu hò trên những chuyến đò độc mộc. Thời đó nhờ nội khó mà mẹ cứ liên tục bế tôi về ngoại hoài, tôi thì càng khoái. Cái cảm giác được hoà mình với khung cảnh miệt quê, được trèo cây, tắm sống, hay phụ ngoại chăm sóc vườn nhãn, câu cá… thiệt mới sướng sao ấy. Chạy nhảy cả buổi trời rồi mới đến… trưa, ăn tí cơm rồi lại nằm gọn trong lòng ngoại trên chiếc võng dù đong đưa, nghe văng vẳng tiếng radio, phát ra những bài vọng cổ… ngọt lịm.
Rồi cuộc sống thành thị cuốn hút, lẽ đương nhiên khi tôi bắt đầu bước vào những khoảng thời gian học tập, chơi đùa cùng bè bạn ở cái đất Sài Thành này. Loáng thoáng nghe ai đó bảo rằng… “Cải lương hết thời, giờ đứa nào nghe là… shến”… tôi không dám buồn ra mặt. Cái thói tự ái trẻ con bảo tôi là “phải hiện đại, phải thiệt mốt, mà mấy người hiện đại… thời buổi này ai còn nghe cải lương”… thế là tôi quay ngoắt với những gì mình đã từng yêu thích, ít nhất là ở những lúc đối diện với… tụi bạn. Tôi bắt đầu tập nghe nhạc ngoại, hát tiếng Anh, tiếng Hoa… giật gân tí thì chơi luôn tiếng Hàn dù chả hiểu mô tê gì… Nhạc Việt Nam lắm lúc tôi còn chê “dở”… thì nói chi tới dân ca, ca cổ, cải lương. Ấy vậy thôi chứ trong bụng thì tôi vẫn “shến” lắm, vẫn lén lút coi ké cải lương với mẹ, . Ở nhà, tôi có hẵn một hộc tủ để “tàng trữ” vài chục cuộc băng cassette với những tuồng cải lương nổi tiếng. Nghe khoái lắm, có tuồng còn thuộc lòng.
Tôi lớn dần, nhận thức bắt đầu khá hơn và dần hiểu hơn giá trị thực của những tác phẩm dân tộc. Tôi cảm thấy vui khi nhận ra sân khấu cải lương bắt đầu sáng đèn lại, không khí ngày càng khởi sắc với những giọng ca mới, tài năng mới. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích, tôn tạo lại nền nghệ thuật đậm chất Nam Bộ, và riêng bản thân tôi cũng cảm giác như tình yêu ca cổ, cải lương trong mình như được dịp sống dậy, mãnh mẽ trước ánh sáng mặt trời.
Rõ ràng là những gì của qui luật sẽ luôn được trả về với qui luật, những tinh hoa dân tộc Việt bao đời rồi cũng dần được đón nhận trở lại sau một giai đoạn hoà tan lệch lạc với văn hoá nước ngoài. Cải lương, dân ca nói chung và kể cả những tác phẩm mang âm hưởng dân ca nói riêng cũng bắt đầu “lên tiếng”, chiếm lại một phần lớn sự yêu thích của người yêu nhạc trẻ cả nước… và trong số những người tiên phong nhằm đưa những ca khúc mang âm hưởng dân ca đến với công chúng Việt chắc chắn không thể không kể đến nữ ca sĩ Cẩm Ly. Xuất thân từ một ca sĩ hát nhạc trẻ, trữ tình, Cẩm Ly nhanh chóng tìm được con đường riêng bởi các ca khúc thể nghiệm mang âm hưởng dân ca như Chồng xa, Hoài công, Chim trắng mồ côi… và gần đây nhất là một ca khúc mà bản thân tôi cực kỳ tâm đắc, có cái tên gợi nhớ đến cả một khoảng trời tuổi thơ mà tôi gắng bó… mang tên Vọng cổ buồn.
“Hò ơi... chín nhánh sông phù sa, mù u con bướm đặng quay về,
Về đâu con nước lớn nước ròng, đìu hiu như khúc hát tình em
Hò ơi... cống cống xê xàng xê, mình ên em đứng đợi anh về
Còn thương còn nhớ bóng con đò, về nghe câu hát lý chờ mong”
Tôi thật sự bất ngờ khi nghe ca khúc này… với ca từ đẹp, đậm chất Nam Bộ, giọng ca Cẩm Ly tha thiết như xoáy sâu vào tiềm thức. Những kỉ niệm trong tôi, những điều tôi như đã bỏ quên đâu đó trong cuộc sống quá nhiều toan tính của vật chất… bỗng quay về. Hình ảnh một cô gái miệt sông nước, đứng chờ người yêu trên bến sông vắng lặng… mà người yêu lại không về… Bỏ lại chốn quê nghèo lời hẹn thề sâu đậm… Làm tôi liên tưởng đến tình yêu vọng cổ của mình… đã có lần tôi ra đi và nay tôi về lại, vọng cổ thì vẫn vậy, ngọt ngào với những điệu xàng xê, chân chất như lời ru hời của mẹ ngày trước… Chỉ có tôi, chỉ có những con người đã bỏ quên vọng cổ ngày nào… bây giờ, sao mà khác quá…
“Chim quyên có bạn có bầy, nỡ sao anh để lẻ bầy lòng em
Có thương có nhớ quê nhà, về mà nghe vọng cổ nhớ hoài tình em”
Tôi đã về đây, về với những cảm xúc rất thật từ sâu trong tâm khảm, về với những làn điệu cải lương, những bản đờn ca tài tử… Mà tôi tin là không chỉ tôi, cả bạn, cả bất cứ ai nếu còn chứa đựng trong tim mình hình ảnh một miền quê Nam bộ Việt Nam dễ gần, người Nam bộ đôn hậu… thì chắc chắn sẽ không thể nào quên được.
Tôi xin cảm ơn nhạc sĩ Minh Vy, ca sĩ Cẩm Ly, những người đã giúp tôi sống lại thêm một lần nữa với những cảm xúc khó tả. Xin cảm ơn vọng cổ buồn… Có lẽ đúng như lời một người bạn của tôi từng nói “nghe vọng cổ buồn mà sao lòng tôi lại vui đằm thắm!”

Minh Anh



2 comments:

  1. Một người bạn của THNovember 18, 2010 at 10:54 AM

    Xin cảm ơn vọng cổ buồn… Có lẽ đúng như lời một người bạn của tôi từng nói “nghe vọng cổ buồn mà sao lòng tôi lại vui đằm thắm!”

    Câu kết của bài viết hay lắm . Cám ơn vọng cổ buồn . Thật là" nghe vọng cổ buồn mà sao lòng tôi lại vui đầm thấm "

    ReplyDelete