______________
Cao Thoại Châu
Tháng 4-1975 xao xuyến hoang mang trước một trang sách mới
lật qua. Hoang mang sớm được trả lời bằng lệnh tập trung vào trại cải tạo.
Những người chủ mới không coi chúng tôi là tù hàng binh mà là những người cần
được cải tạo, và như thế tôi có mặt ở một trại vốn là sân bay dã chiến của một
sư đoàn Mỹ tại cửa ngõ phía tây Sài Gòn. Lúc ấy tôi đang là giáo chức biệt
phái- giáo chức bị động viên sau một thời gian mặc áo lính được trả về nghề cũ.
Một buổi
sáng năm 1977 trong trại cải tạo, như thường lệ cùng anh bạn khiêng một bội rau
muống cao như đống rơm nhỏ cắt ngoài bãi hoang lên cân ở phòng hậu cần. Đó là
công việc thường nhật của tôi, một công việc cũng nhẹ nhàng, sau đó gánh 20 đôi
nước tắm cho bầy heo cao điểm tới cả trăm con. Gánh nước từ ao sâu leo nhiều
bậc thang lên được tới nơi cũng ná thở nhưng rồi cũng quen, thành một trò giải
trí cho quên ngày tháng cũng khá hay. Ở đây người ta có bán rau cho dân bên
ngoài vào mua một ít, vì vậy thường ngày vẫn gặp mấy cô giáo vốn cũng là chỗ
quen biết nhưng giờ là khách hàng và theo quy định, hai bên không được trò
chuyện với nhau nên chỉ chào nhau bằng mắt.
Nhưng sáng
hôm ấy, hai cô giáo một cô ở gần nhà, cô kia là đồng nghiệp tại trường trước
lúc vào trại, trong lúc chờ cân rau họ nói gì với nhau có vẻ lấm lét rồi nhìn
đi chỗ khác lạnh lùng như chỉ muốn mua vội rồi về. Dưới mắt nhiều người thời
tranh tối tranh sáng đó, những người đi cải tạo đang có vấn đề về quyền công
dân, cần được cách ly để xóa đi dấu vết một thời đã cũ. Và vì thế có nhiều
người quen cũ khi thấy chúng tôi đi lao động bên ngoài đã giả bộ không thấy, có
thể vì nhút nhát mà cũng không ít người đi vào cái hành lang đúng-sai,
thắng-bại kia. Buổi giao thời mọi thứ chưa lắng đọng dễ có những con người mất
cái tôi như thế. Cũng không buồn lắm, vì tự coi đó là một cái giá phải trả thật
sòng phẳng không mang nợ ai. Tuy là nghĩ thế nhưng trong lòng suốt cả buổi cứ
băn khoăn một điều chi đó về khuôn mặt xa lạ của hai cô giáo lúc sáng.
Suốt buổi trưa
lòng bồn chồn một cảm giác bất an, và cho đến cuối chiều người cán bộ mời lên
văn phòng. Thường thì những chuyện “mời” như thế này là triệu bất tường có liên
quan đến lý lịch còn điều gì đó không khai ra, đến mức độ bị đánh giá, có thể
sẽ chuyển đi một trại khác. Đã có người ghi trong tờ khai là SQTB (sĩ quan trừ
bị) bị đọc thành…sĩ quan tình báo và anh bạn được chuyển đến trại dành cho hệ
này tất nhiên ở rất xa và ngày về cũng xa hơn mà không hiểu vì sao! Nghĩ thế
nhưng cũng chẳng còn cách nào khác hơn là bình tĩnh lên văn phòng và phó thác
cho chuyện gì sẽ đến. Và chuyện bồn chồn, bất an, thắc thỏm đã có câu trả lời.
Người cán bộ quản giáo ngập ngừng nói, ở nhà có một đứa con mới chết, trại cấp
5 ngày phép về lo chuyện nhà. Một cái thở dài nẫu ruột, không biết là cho số
mệnh, cho thân phận hay là cho một cái gì khác. Có điều là, trong bốn đứa con,
đứa đầu mới 7 tuổi, bất thình lình linh cảm báo cho biết đứa bất hạnh là Cao
Thoại Chi lúc ấy mới lên 3.
Tới
nhà, trong ánh điện vàng vọt mở tấm vải ra thì đúng là con bé ấy đang nằm trên
bàn viết của bố! Đó là đứa bé nhu mì, dịu dàng, khuôn mặt đầy đặn phảng phất
buồn dù rất khỏe mạnh hơn các anh chị của nó. Cũng là đứa duy nhất được đặt tên
Cao Thoại như thể gửi gắm một phần đời bố vào đời đó, cái phần gửi gắm đó không
ngờ lại là hạt gieo ra mà không mọc nổi thành cây... Nhìn đứa con nằm đó, không
còn khóc nổi nhưng đầy nghẹn tắc, cảm như một phần đời của mình đã tắt lịm. Người
hàng xóm chạy xe lôi lặng lẽ lo cho tôi mọi chuyện, không biết anh ta tìm đâu
được mấy tấm ván mang sang đóng cho con tôi một cái hòm xinh xắn. Cũng chính
anh chở con tôi đi và an tang nó. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là tiếng búa gõ
trên nắp quan tài! Đó là lúc tôi gặp chuyện thật xui xẻo. Bốn đứa con
cùng bị sốt xuất huyết một lúc, vào nhà thương tỉnh họ chuyển lên Sài Gòn, cùng
đi nhưng có một đứa quay lại nhà ngay khi tới bệnh viện.
Hôm
nay, con về ở cạnh ông bà nội với một chút tro bụi thiêng liêng gói ghém một
phận người chưa thành ra một kiếp. Hết một quãng thời gian dài đằng đẵng con
mới về nhà! Về và yên ổn, ấm áp trong lòng của người cha cả đời không nhiều
những niềm vui, hết buồn nọ chồng lên phiền muộn kia! Một cái lọ nhỏ xíu, vài
nắm đất cùng xương thịt không còn nhận ra sự khác biệt, nhưng không sao vì dù
thế nào thì đất ấy trong bao nhiêu năm đã ấp ủ con gái, nó cũng là xương thịt
của con vậy.
Bàn máy - nơi hàng ngày bố
ngồi để chu du trong cõi phù sinh - và bàn thờ - chỗ con ở - cách nhau
chỉ một sải tay, một cái ngước nhìn lên của bố mong sao gặp được cái cúi nhìn
xuống của con gái. Mọi cái chết nào rồi cũng phai theo thời gian, trừ cái chết
của những đứa trẻ chưa được hạnh phúc là ý thức được kiếp làm người! Cũng về
đây và chẳng bao giờ phai là nỗi đau bất lực va chút lòng kiêu hãnh bị tổn
thương nặng của một người cha không bảo vệ được mạng sống con mình!
ĐÓN CON VỀ
Con đã hiểu lòng ta không sức mạnh
Chỉ là mây có ở trên trời
Chút gió lang thang ngoài đồng nội
Cánh buồm không có lối ra khơi
Chiếc lá lạc trong mùa thu rực rỡ
Là cánh chim ê mỏi giữa hoàng hôn
Dăm tiếng lỡ rơi trong khuya khoắt
Khi vui nhọn sắc những khi buồn
Con đã biết đường về xa thăm thẳm
Nắng nào không tắt buổi chiều tan
Một đời đan xen tan và họp
Mộ là hồn người hoa nở những bông hoang!
Hôm nay lòng ta không đóng cửa
Đón con về như đón một bài thơ
Tự đâu đó chim bay về chim hót
Ý nổi chìm trong góc khuất tâm tư
Lòng đã nhủ phải vui ngày hội ngộ
Phải mềm lòng nhận một bông hoa
Mà bất giác cay sè trên mắt
Nỗi đau chờ sẵn tự bao giờ
Đây là trái tim bao lần đỏ lửa
Cuộc nhân sinh mang nặng trên vai
Những nghịch lý và hơn thế nữa
Trao cho con thân phận làm người
Con gái về, lòng không quạnh quẽ
Đèn không đổ bóng cõi trời xa
Ta cũng trả gió mưa một thời mưa gió
Vào thơ ta, con gái bước vào nhà!
1-4-2009
ReplyDeleteThành thật chia buồn cùng anh,một cái buồn não lòng.Cũng mong đứa cháu bé bỏng bây giờ :
Vào thơ ta ,con gái bước vào nhà.
BLG