Links

Wednesday, March 16, 2016

Đẩy xe về chốn hoàng hôn


______________

Doan xuan Thu

Lá thư Úc châu: Đẩy xe về chốn hoàng hôn!
Thưa bà con! Có chuyện vui như vầy: John và Mike đi nhậu, tán dóc với nhau chuyện học hành và nghề ngỗng tương lai của con cái!
John hỏi: "À thằng con anh, nghe nói nó hỏng thèm đi học nữa. Hết lớp 10 là đủ chữ xài rồi! Vậy... nó tính làm nghề gì vậy anh?"
Mike: "Nó tính làm nghề đổ rác!"
John: "Đổ rác hả? Sao nó lại khoái làm nghề đổ rác?"
"À! Nó nghĩ nghề đổ rác làm việc tuần chỉ mỗi một ngày thứ Sáu mà thôi!"
Té ra thằng nhóc nầy vừa làm biếng mà vừa ngu nữa!
Làm biếng vì tưởng nghề nầy tuần làm việc chỉ một ngày.
Còn ngu vì tưởng những ngày khác được nghỉ phè! Chớ đâu biết là bữa nay đổ khu nầy; ngày mai phải đổ khu khác.
Tuần phải làm việc 5 ngày, ngày 8 tiếng, như những ngành nghề khác thế thôi!
Thưa thời buổi hiện đại, khác hồi xưa, thay vì đổ rác bất cứ nơi nào tiện cho nhà mình, thản nhiên đem gieo rắc vi trùng, mầm bệnh khắp nơi thì bây giờ chúng ta có xe đổ rác mang rác đến mấy cơ sở quản lý rác thải ở tuốt trong vùng sâu, vùng xa thành phố để mà chế biến thành phân bón hoặc tái chế cái nào còn xài lại được...
Thưa ở Úc, nhà nào cũng có hai thùng rác của 'Cáo sồ' cấp. Một thùng đựng rác tùm lum, tùm la, màu xanh; tuần nào xe rác cũng ghé đổ. Khu tui ngày đổ rác là thứ Sáu.
Còn một thùng nữa, màu vàng, bự gấp đôi, dành cho rác có thể tái chế như lon đồ hộp, lon beer, chai rượu, giấy, thùng cạc tông thì hai tuần nó mới gom một lần.
Cái dịch vụ đổ rác nầy không phải miễn phí đâu nha. Ở Úc nầy không có gì là miễn phí cả! 
‘Cáo sồ' nó đã tính hết vào tiền 'rate' mà bà con người Việt mình dịch cực kỳ chính xác là tiền rác...
Tiền rác nầy năm nào ‘Cáo sồ' cũng khỉa thêm chút chút tùy theogiá nhà... Giá nhà lên, tiền rác lên! Giá nhà xuống, tiền rác cũng lên...Mấy thằng ‘Cáo sồ' nầy thiệt là quá cáo!
Dịch vụ đổ rác nầy do do công ty tư nhân bỏ thầu, ký hợp đồng với thành phố.
Bên Mỹ, cũng vậy thôi! Mới đây tui có đọc báo thấy hai ông đổ rác người Mỹ, lương hằng năm mỗi đứa kiếm được còn hơn cả lương của kỹ sư!
Mà hai đứa đâu cần học hành tới nơi tới chốn gì đâu. Hết lớp 10, đủ chữ xài rồi là nghỉ đi làm kiến tiền cho nó phẻ...
Xe rác bên Mỹ thường có hai trự. Tài xế và người phụ việc gọi là lơ xe rác, chuyên kéo thùng rác hay thùng đựng vỏ lon, chai, giấy, bao bì...Cần đứa mạnh khỏe, vì kéo cả  hàng ngàn thùng rác mỗi ngày; dù mưa gió hay tuyết rơi, trơn trợt hay mùa hè nóng bức cháy râu.
Úc nầy xe rác chỉ có một đứa, đàn ông con trai hay đàn bà con gái gì cũng được. Cư dân phải kéo thùng rác ra đường! Nó chạy từ từ, dừng lại, giơ cái càng ra gắp rồi đổ ngược thùng vào bồn chứa rác bự trên xe, rồi rề rề tới thùng khác.
Cứ vậy! Dễ ợt! Nhưng có ăn! Lái xe đi đổ rác bên Mỹ, nhứt là tại thành phố New York, lương 112 ngàn đô năm. Lương lơ xerác 100 ngàn đô. Gần gấp đôi lương tui rồi! Sướng nhé!
Không cần bằng cử nhân, cao đẳng gì ráo! Mà học việc đâu có lâu lắc gì! Chỉ vài ngày; cùng lắm là một tháng.
Tài xế dĩ nhiên là phải có bằng lái xe tải. Còn cách điều khiển máy ép rác gắn trong xe thì đứa làm lâu năm chỉ cho đứa mới vô. Vừa làm vừa học việc!
Đổ rác thường làm ca đêm từ 7 giờ tối tới 3 giờ sáng. Làm cái giờ tréo ngoe như vậy nên dù lương nhiều, khẳm, nhưng cũng có cơ may bị vợ bỏ; vì tội bỏ nó nằm ngủ chèo queo một mình ở nhà. 
"Tiền em cũng cần nhưng cái đó em còn cần hơn nữa!"
Xã hội tư bản mà! Lương càng cao, càng cực... Nghề đổ rác nầy đây cũng không là ngoại lệ.
Làm nghề nầy thì khứu giác (lỗ mũi) và thị giác (con mắt) đều bị tra tấn hành hạ một cách dã man, về lâu về dài là bịnh hậu... Nên mới có phụ cấp độc hại.
Nào là cá ươn, chuột chết là chuyện nhỏ... Bự bự hơn một chút là heo và cả bò bị chết...Đôi khi còn có cái chưn người ta; ai bỏ vô thùng rác nữa đó...
Mưa gió, tuyết rơi, lạnh quéo hay mùa hè chảy mỡ; xuân hạ thuđông gì cũng phải đổ! Vì bà con lúc nào cũng xả rác hết.
Dân càng giàu, rác càng nhiều! Dân càng mạt, rác càng ít!!
Do đó muốn biết chánh phủ bên Úc nầy có 'đổ' hay không? Gần bầu cử, cứ đi dở nắp mấy thùng rác ra coi rồi đi đánh cá đảng nào thắng, đảng nào thua?
Thùng rác nào cũng đầy vun là chánh phủ nầy lại thắng. Còn thùng rác nào cũng cạn queo là chánh phủ nầy chắc chắn sẽ đi đong, theo xe rác mà ra bãi rác!
Rác càng nhiều, mấy công ty đổ rác càng khoái, chớ đâu có càm ràm sao xả rác nhiều quá vậy mấy cha?
Vì "Rác của quý vị là tiền của tui mà!" ("Your trash is my money!")
Thưa có một gia đình người Việt Nam tỵ nạn, bên Mỹ, nhờ "Rác của quý vị là tiền của tui mà" đã kiếm tới tiền tỉ đô Mỹ rồi đó nhe. Giờ nghe nói đã bay về Sài Gòn để khuyếch trương việc... hốt rác!
Thưa đó là nói về việc đổ rác. Còn việc quét rác nữa chớ.
Úc nầy đây quét rác bằng xe!
Quét trong lối đi trước hàng quán hơi chật hẹp, xài chiếc xe nhỏ chạy bằng ga cho nó êm, kẻo mấy thằng chủ tiệm đang ngủ khò khò phía trong, làm rùm nó ra nó dộng thấy Tía!
Xe có hai cây chổi tròn quay, gắn dưới lườn xe, quây vòng vòng để làm rác văng lên rồi hút vào bồn chứa.
Dọc hai bên lề đừng thì xe lớn hơn hút rác cũng như vậy; xong còn xịt nước cho bụi cát đừng bay...
Còn Việt Nam bây giờ, Hà Nội vẫn quét rác bằng tay, xài chổi tre như thời Tố Hữu làm thơ vào năm 1960 vậy.
Bài ‘Tiếng chổi tre'như vầy nè:
"Những đêm hè/ Khi ve ve/ Đã ngủ!/ Tôi lắng nghe/ Trên đường/ Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác!
Những đêm đông/ Khi cơn giông/ Vừa tắt/ Tôi đứng trông/ Trên đường/ Lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác!
Sáng mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường/ Rực nở!
Hương bay xa/ Thơm mát/ Đường ta/ Nhớ nghe hoa/ Người quét/ Rác đêm qua.
Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông/ Gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!"
Trời đất!  Đây đâu phải là thơ nè! Đây là bài vè! Toàn những vần e! Đọc muốn tè... mà cũng đem vào sách giáo khoa...
Nhưng lại có một cây đa, cây đề về phê bình văn học, thời tiền chiến, là Hoài Thanh, ('Vị nghệ thuật một nửa đời/ Nửa đời còn lại vị người cấp trên!') ‘nịnh' thôi nức nở!
Sao lạ vậy? Chẳng qua Tố Hữu làm quan lớn. Hét ra lửa mửa ra khói! Không nịnh nó là bỏ bu cả .
Nhưng khi Tố Hữu rớt đài vì cái vụ làm Phó Thủ tướng đặc trách về kinh tế! Làm kinh tế kinh đến thế!  Ngăn sông cấm chợ rồi giá lương tiền làm cho  dân khổ quá muốn phát điên ... nên bị nắm đầu lôi xuống!
Mất chức là rầu muốn chết mà một nhà phê bình thơ, nhân  cơhội nầy, trả thù xưa, lôi ông 'thợ thơ' của đảng ta... ra chơi sát ván!...
Thiệt:  Còn bạc còn tiền còn đệ tử! Hết cơm hết rượu; hết ông tôi mà!
Nhưng gẫm cho cùng, nhà phê bình nầy chê cũng đúng đó chớ!
Ông viết rằng: "Thời học phổ thông ai cũng nhớ bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu tả hình ảnh đẹp về chị lao công quét rác trong đêm, dù hè hay đông, khi phố xá đã ngủ yên thì chị lao công vẫn "như sắt như đồng" thầm lặng, cần mẫn đưa những nhát chổi tre "xao xác hàng me" quét cho "sạch lề, đẹp lối" phố phường, để "sáng mai ra" hoa rực nở, hương thơm mát.
Học trò thi tốt nghiệp phổ thông, ‘bình loạn' bài thơ nầy là phải có ý 'biết ơn', 'cảm phục'... thì mới có được điểm cao.
Tố Hữu là nhà thơ của Đảng; là người quản lý văn hoá văn nghệ, luôn bám sát đáy các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Bài thơ "Tiếng chổi tre" cũng vậy!Mở màn là thấy ngay: "Tôi lắng nghe / Trên đường Trần Phú",  (Con đường, con phố hạng sang dành cho các quan lớn cách mạng; chứ quyết không phải một con phố cũ như: Trần Hưng Đạo, Lò Sũ, Khâm Thiên, Đồng Xuân, hay Hàng Tre, Hàng Gà nào!)
Thơ là phải giữ vững lập trường giai cấp "công nông"! Không anh thợ lò, anh thợ rèn, anh thợ xây, nông dân, thì cũng là cô laocông quét rác.
Không phải là một anh thầy giáo, một anh kỹ sư, hay cô bán hàng mậu dịch, tay buôn đường dài!
Cũng là công nông, sao Tố Hữu không chọn anh móc cống?Chắc có lẽ công việc của anh "khó ngửi" quá, và anh cũng không có âm thanh - hình ảnh đẹp như chị lao công quét rác.
Xét cho cùng lao công quét rác cũng như anh đạp xích-lô, anh thiến heo, hay anh giáo làng hay vị lãnh đạo nào đó.
Quét rác cũng là một nghề và được trả công. Nên không có cái vụ anh hùng hy sinh vì cộng đồng gì sất!.
Làm tốt, quét sạch bà con cám ơn. Làm dối, quét ẩu coi chừng bị đuổi thế thôi.
Khách hàng là dân, người cung cấp dịch vụ là cô lao công quét rác. Tiền lương là từ tiền thuế của dân đóng. Chẳng ai cho không ai cái gì hết!
'Cám ơn' thì có, chứ 'biết ơn' thì không. Chúng tôi đã trả công cho chị làm việc đó, và để có tiền trả cái công ấy, chúng tôi đã phải - như chị - lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt ra.
Chớ đâu phải cứ lao động là vinh quang; và phải là lao động chân tay mới được.
Cứ người giàu là bóc lột, người nghèo là bị bóc lột rất đáng thương!"
(Trịnh Hiệp)
Sau đó nhà phê bình văn học hậu bối nầy còn ‘đế' cho nhà thơ tiền bối một câu xanh dờn là đề nghị đuổi bài thơ Tiếng chổi tre nầy ra khỏi sách giáo khoa mà nên đưa nó vào tập thơ "Bảo vệ môi trường".
Thưa cũng chuyện tiếng chổi tre nầy, mới đây, tui may mắn lên ‘facebook' thấy một hình ảnh cảm động và đáng yêu.
Cũng chị lao công quét rác trên đường nhưng tui cũng hỏng thấy gì là anh hùng cả mà chỉ thấy một tình mẫu tử rất đẹp!
Chiều mùng Ba Tết, hai mẹ con cùng nhau đẩy một chiếc xe rác (giống như thời Tố Hữu làm thơ cách đây 60 năm), trên một khúc đường vắng vẻ ở Hà Nội! 
Và không khí mùa Xuân đang tràn về khắp ngõ! Chiếc xe rác ấy ngập đầy lá rụng!
Đứa bé gái, 5 tuổi, mặc một chiếc đầm, màu hồng, tươm tất; tận lực dùng sức mạnh tuổi thơ, để phụ mẹ mình đẩy chiếc xe rác xã hội chủ nghĩa về bãi rác!
Vâng! Bức hình cho người viết nỗi cảm động về tình mẫu tử lẫn niềm hy vọng tràn trề về thế hệ tương lai của đất nước Việt Nam mình!
Chính các cháu, (chớ không ai vô đây), sẽ đẩy hết cái bọn rác rưởi nầy về chốn hoàng hôn!

đoàn xuân thu.
melbourne


3 comments:

  1. Ông Đoàn Xuân Thu ơi !
    Chuyện xe rác ở Mỹ có hai thằng, một thằng lái xe một thằng vạm vỡ theo sau mang thùng rác đổ là xưa quá trời rồi. Mấy thằng vạm vỡ đó thằng nào bây giờ cũng là LIỆT THỦ QUÁI LÃO hết trơn rồi. Nghĩa là hai tay của tụi nó bị xụi vì sanh nghề tử nghiệp đã kiện chính phủ và được đền bù của chính phủ nuôi nấng cả đời.
    Ở Mỹ bây giờ không chỉ có một mà tới 3 thùng rác lận. Một cái thùng màu đen đựng rác thường để đổ bỏ, một cái màu xanh dương đụng rác recycle (lon bia, chai lọ, giấy...)để xài lại, một cái màu xanh lá cây đựng cỏ, cây lá...để làm phân. Và cũng có ba loại xe rác cùng màu với mỗi xe chỉ một tài xế xử dụng máy móc để mang rác lên xe chứ không dùng tay chân nữa.
    Vậy đi nghen.

    ReplyDelete
  2. Bài viết có kết luận thật sắc.

    ReplyDelete
  3. Bài của ĐXT luôn mang màu sắc khôi hài, nhưng có hàm ý rất sâu sắc
    Một chuyện đời thường nhưng chuyễn tải ý lớn.
    Ổng muốn gởi gấm thế hệ trẻ một sứ mệnh vô cùng to lớn...
    Người mắc kẹt trong đóng rác

    ReplyDelete