Links

Monday, July 25, 2022

HOA SỨ NHÀ NÀNG

See the source image

___________

 TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM


Trước năm 1975 anh là Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, người hùng của Tiểu đoàn Trâu Điên, đi hành quân khắp bốn vùng chiến thuật. Còn tôi, một viên chức hành chánh cấp Quận, trấn nhậm ở chốn biên thùy, kém an ninh. Thuở còn là một hàn sinh, tình cờ tôi gặp anh ở cư xá Cô Bắc, quận Nhì Sài gòn. Trong nhà có năm thiếu nữ trẻ đẹp , Nàng và các chị em của Nàng. Trước sân có cây sứ nở hoa vàng thơm ngát. Nhà Nàng ở cạnh nhà tôi, nên tôi thường ghé qua xin hái vài bông hoa về “làm thuốc”. Nàng lo âu hỏi tôi bị bệnh gì, tôi đáp bệnh yếu tim! Suốt hai năm, tôi kiên trì xin hoa sứ nhà Nàng về chữa bệnh.  Căn bệnh tưởng tượng của tôi chữa mãi không thuyên giảm. Chỉ vì tôi yêu Nàng mà Nàng ngoảnh mặt làm ngơ!

Thuở ấy Nàng là nữ sinh xinh đẹp khả ái, một trong mấy chục cô “Bắc Kỳ nho nhỏ” học trường Gia Long Sài gòn. Các chị em Nàng, cô thì học Trưng Vương, cô thì học trường tư thục. Còn tôi  đang học Petrus Ký, thêm lớp luyện thi Tú Tài II ở trường Hưng Đạo. Nàng cũng học lớp luyện thi Tú Tài I cùng trường. Cư xá Cô Bắc chúng tôi cư ngụ gần trường Hưng Đạo, nên những buổi tan trường về, tôi thường đi theo Nàng và các cô bạn gái của Nàng . Một hôm, về đến cổng cư xá, Nàng dừng lại. Và khi đối diện một mình với tôi, Nàng ngập ngừng khẽ nói:

-Xin anh đừng đi theo mãi thế. Bố Mẹ trông thấy mắng chết!

Nàng lo lắng thế cũng phải. Bởi có lần người chị cả của Nàng trông thấy, sợ mang tiếng với xóm giềng, nên đã dọa cô em:

-Bảo cậu ấy đừng đi theo nữa! Tôi mà còn trông thấy, sẽ đến mách Bà Giáo đấy nhá!

Nghe Nàng tiết lộ như thế, tôi đâm hoảng. Bởi Bà Giáo chính là Mẹ tôi. 

Một chiều thứ bảy, tôi đi qua nhà Nàng. Dưới cây sứ cành lá sum sê, tôi thoáng thấy vài vịsĩ quan mặc áo rằn ri Thủy Quân Lục Chiến. Họ vui vẻ hàn huyên với các cô gái, tron đó có cả Nàng! Tôi đánh bạo bước vào tham dự cuộc vui một cách tự nhiên, như người bạn láng giềng thân thiết của các Nàng. Trong số vị các khách nhà binh, có một ông thiếu úy vừa tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt. Chúng tôi gật đầu chào nhau. Sau lần đó, tôi tránh mặt các vị khách kaki này. Chỉ vì tôi mang mặc cảm của cậu học sinh chưa có lấy một mảnh bằng Tú Tài Toàn phần, vẫn còn “văn dốt, vũ dát”!

Những khi nhà Nàng vắng khách, tôi ghé đến cho Nàng mượn sách luyện thi. Lồng vào   những trang sách, tôi gửi cho Nàng những bài thơ tình ướt át, cốt giải bày tâm sự. Thư trao càng nhiều, ánh mắt của Nàng càng nồng ấm. Cuối niên khoá ấy, Nàng trở thành cô Tú Bán phần. Còn tôi, xong Tú tài II, chuẩn bị thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh Sài gòn. Nàng được bố mẹ thưởng cho chiếc Velo Solex đen bóng loáng. Còn tôi vẫn đón xe buýt đi đến thư viện hay đi dạo phố một mình. Thỉnh thoảng tôi thấy anh chàng sĩ quan rằn ri TQLC đứng nói chuyện với các cô em Nàng dưới cây hoa sứ trước sân, nhưng thiếu vắng Nàng. Có lẽ từ ngày đọc những vần thơ tình của tôi, Nàng không còn hứng thú tham dự các cuộc nói chuyện “vui như Tết” ấy nữa? Hay Nàng còn bận phóng Velo đi dạo phố phường, cho bõ những ngày cơ cực vì thi cử?

 Ngày trúng tuyển kỳ thi vào trường Hành Chánh, tôi đánh bạo đến nhà Nàng. Và sau khi cung kính chào hai vị song thân, tôi nói riêng với Nàng tin mừng của tôi! Nàng tỏ vẻ hân hoan, không còn hờ hững như trước nữa.  Suốt những năm theo học, tôi ăn ở nội trú trong trường. Hàng cuối tuần, Nàng vào thăm tôi.  Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh cô nữ sinh Gia Long với thân hình thon thả, áo trắng tóc dài bay phất phới, lái chiếc Velo màu đen vào trường Hành chánh. Hình ảnh đó, mãi sau này các bạn đồng môn Hành Chánh vẫn còn nhắc tới mỗi khi chúng tôi có dịp họp mặt.

 Thỉnh thoảng tôi dò hỏi Nàng về các vị khách nhà binh. Nàng cho biết họ bận hành quân ngoài tiền tuyến, ít có dịp về thăm các “em gái hậu phương”- nơi có cây sứ nhà nàng!  

Năm 1967, sau gần bốn năm theo học, tôi tốt nghiệp Đốc sự Hành chánh. Buổi lễ   được tổ chức đơn giản tại đại giảng đường Học Viện, đường Trần quốc Toản Sài gòn. Những ngày sau đó, đám cưới chúng tôi diễn ra ở nhà hàng Soái Kình Lâm ở Chợ Lớn. Tuần trăng mật ở Vũng Tàu chỉ vỏn vẹn có bốn ngày. Rồi tôi vội trở về Sài gòn trình diện Bộ Nội vụ, chọn nhiệm sở . Tiếp đến, cả Khoá tốt nghiệp chúng tôi trình diện quân trường Quang Trung để thụ huấn “chín tuần huấn nhục”. Rồi tiếp theo, bảy tháng tại quân trường Thủ Đức, khoá 1/68. Những sự kiện quan trọng ấy liên tiếp xảy ra, khiến tôi không có thời gian rảnh rỗi để gần gũi săn sóc Nàng , dù biết chúng tôi sắp có đứa con đầu lòng .  

Những đêm ngồi gác trên đồi Tăng Nhơn Phú, dưới ánh hoả châu lập loè, tôi viết thư cho Nàng. Tôi cho Nàng vinh dự đặt tên con, nếu là con trai. Còn nếu là gái, tôi sẽ chọn tên Minh Thi. Tôi nghĩ đến những vần thơ sáng tác tặng Nàng đã tạo nên mối tình đẹp, bừng sáng như ánh bình minh. Những ngày gần mãn khoá Thủ Đức, tôi về thăm Nàng tại bệnh viện Từ Dũ. Thật đau lòng khi trông thấy bé Minh Thi phải nằm trong lồng kính vì chào đời quá sớm. Có những đêm nhớ con gái bé bỏng đang nằm trong lồng kính, Nàng lén lên lầu nhìn con! Nàng ứa nước mắt kể lại với tôi như thế. Gần chín tháng quân trường , tôi chỉ đổ mồ hôi khi luyện tập. Nhưng mất con gái đầu lòng, tôi đã rơi nhiều nước mắt, cũng giống như người mẹ đau buồn của bé! Sau mười lăm ngày nằm trong lồng kính cách ly với mẹ, cô gái đầu lòng của chúng tôi đã vĩnh viễn cách ly với cuộc đời trần thế ! 

Sau khi tốt nghiệp khóa sĩ quan Thủ Đức, tôi về tỉnh Bình Long nhận nhiệm sở ở “quận đầu đời” Lộc Ninh. Từ đó, trong bảy năm phục vụ ở hai tỉnh và ba quận, tôi luôn đảm nhiệm vai trò người  Sĩ quan biệt phái kiêm Phó quận Hành chánh tại các quận xa xôi, thiếu an ninh.  Và cũng từ đó, tôi không có dịp nào gặp lại người hùng TQLC của tiểu đoàn Trâu Điên. Bởi người sĩ quan hào hoa phong nhã tôi đã gặp ở cây sứ nhà nàng, luôn bận hành quân khắp bốn vùng chiến thuật. Tiểu đoàn Trâu Điên của vị Thiếu tá can trường ấy đã vang danh chiến trường, khiến địch quân phải khiếp đảm.

Còn những người đẹp trong căn cư xá có hoa vàng trước ngõ, theo thời gian, lần lượt đi lấy chồng. Nàng - cánh hoa biết nói của tôi thì lo tề gia nội trợ, nuôi dạy ba con để tôi yên tâm phục vụ tại các địa phương xa xôi nguy hiểm. Đến ngày Miền Nam thất thủ, tôi bị đưa ra Bắc lãnh án khổ sai biệt xứ mà không biết ngày về. Nàng lặn lội thân cò trên muôn dặm đường xa từ Sài gòn ra Thanh Hoá. 

Vào một buổi sáng, trong không khí giá buốt trên vùng thượng nguồn sông Mã, các thân nhân được “bố trí” thăm tù “cải tạo” trong một chòi tranh trống vách! Tôi nhìn Nàng gầy ốm, co ro trong chiếc áo nâu sồng, chiếc quần đen bạc màu… mà cảm thấy xót xa. Nàng gặp lại người chồng đã một thời “hào hoa phong nhã”, nay gầy ốm xác xơ. Dưới đôi mắt cú vọ của tên cán bộ công an, tôi và Nàng  chỉ biết nhìn nhau mà không nói nên lời!

Thế rồi, thời gian “học tập cải tạo”- kéo dài gần sáu năm cũng chấm dứt.  Tôi lại được sống tự do gần vợ con, bố mẹ , anh em. Nhưng nơi nhà-tù-lớn Xã Hội Chủ Nghĩa này, tôi cảm thấy mất tự do chẳng khác nhà-tù-nhỏ nơi thượng nguồn sông Mã trong những năm qua. Cũng giống như những tên quản giáo trong trại “cải tạo”, tên công an khu vực thuộc phường tôi cư ngụ vẫn luôn theo dõi, kiểm soát tôi hằng ngày. Thỉnh thoảng, hắn đến gõ cửa vào đêm khuya, gọi đi canh gác “dân phòng”.

Mười năm sau, gia đình chúng tôi được đi định cư tại Hoa Kỳ. Trong một dịp trở về quê cũ thăm mẹ già bị bệnh, tôi ghé qua cư xá đường Cô Bắc năm xưa. Ngôi nhà đã đổi chủ. Cây hoa sứ trước cổng - nơi tôi đã gặp người sỹ quan TQLC năm xưa, nay không còn nữa.  Ngày xưa, Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy để thăm Nàng Kiều, thì người xưa đã lưu lạc nơi nao,  nhưng  hoa đào năm xưa vẫn rực rỡ vui đùa trước  gió:    See the source image

Trước sau nào thấy bóng người,                                                       

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông                                                                       

(Truyện Kiều, Nguyễn Du) 


Còn tôi, khi trở lại thành phố Sài gòn đã thay tên đổi chủ, đứng trước căn nhà xưa, chỉ thấy cửa đóng then cài. Tôi muốn tìm lại những cánh hoa sứ rực rỡ dưới nắng hạ Miền Nam, để nhớ lại người xưa cảnh cũ. Nhưng nay còn đâu nữa?

                                                              *****  

                                                                                     

Trong ca khúc “Chuyện Tình Buồn” của Phạm Duy có câu : “Năm năm rồi không gặp….Anh dặm trường mê mải . Đời chia hai nhánh sông”. Anh và tôi theo hai đường phục vụ đất nước. Tôi theo nghiệp văn, anh nghiệp võ. Chúng tôi xa cách nhau, nhưng rồi sáu mươi năm sau, chúng tôi lại gặp nhau. Tất cả chỉ do tình cờ ngẫu nhiên trên một tờ báo!  

Anh và tôi cùng viết bài trên nguyệt san KBC, xuất bản tại Little Sài gòn. Tôi đã thấy bút hiệu Philato trong danh sách Cộng tác viên. Cũng như anh từng thấy tên Tam Bách trong danh sách ấy. Nhưng chúng tôi vẫn không hề gặp nhau! Cho đến một hôm, anh gởi email (lấy tên Capto), đặt nghi vấn:  “Có phải Tam Bách là Ông ĐBT mà tôi đã gặp sáu mươi năm về trước ở cư xá Cô Bắc, nơi đó chúng tôi thường ghé thăm bốn thiếu nữ trẻ đẹp, có cây hoa sứ trước nhà?”  Rồi anh nhắc lại tên những người đẹp năm xưa, kể cả tên “Nàng-của- tôi”- người  đã cho tôi hoa sứ để chữa bệnh tim!

Trong một email tiếptheo, anh giải thích cuộc tao phùng hy hữu của hai người, sáu mươi năm trước chỉ gặp nhau một lần ở căn cư xá có cây hoa sứ: “Số báo KBC tháng 5 -2021 chủ đề Happy Mother's Day, có bài của Tam Bách và tôi viết về mẹ nằm liền nhau. Bài tôi không có hình của mẹ tôi, nên tôi ngắm hình bà mẹ bài bên cạnh của Tâm, có 2 người con trai đứng hai bên. Tôi nhận ra 1 người có nụ cười trong quen quen, nụ cười "dễ ghét" gần 60 năm trước bên gốc cây bông sứ, (vui nhớ lâu, đau nhớ đời) nên mới viết thư hỏi thăm, qua địa chỉ email ghi trong bài viết, nào ngờ đúng đương sự ngày xa xưa. Tuy cả hai bà mẹ đã không còn, nhưng tình thương con các bà mẹ đã cho những đứa con tìm được một chút tình thân còn sót lại trong số biết bao đồng đội đồng môn của các con đã ra đi trong cuộc chiến…”

Sau email trả lời của tôi và những cú phone qua lại, tôi mới vỡ lẽ: văn hữu Philato, hay Captovan, hay Capto, chính là Tô Văn Cấp. Đó là người sĩ quan TQLC mà tôi đã từng gặp ở cây sứ nhà nàng đường Cô Bắc sáu mươi năm trước! Cũng như bây giờ anh mới biết Tam Bách chính là ĐBT, “đấng phu quân” của một “bông hoa biết nói” ở cư xá Cô Bắc năm xưa! 

  Vài hôm sau anh Cấp nhận lời mời đến thăm vợ chồng chúng tôi. Tôi chỉ cho anh xem cây sứ trong chậu kiểng- loại sứ bông vàng tựa như ở Việt Nam. Đã hết mùa xuân nên cây trụi lá. Nhưng đến độ xuân về, vẫn ra lá, đơm hoa. Phải chăng cây sứ tuy đã già, vẫn cố gắng sống còn để điểm tô thêm mối tình hơn nửa thế kỷ của ông bà chủ? Buổi hội ngộ, có anh Hiếu (Ngudihi) biên tập viên nguyệt san KBC đến tham dự. Anh ngồi nhìn chúng tôi hàn huyên, tỏ vẻ ngạc nhiên về cuộc tái ngộ sau hơn nửa thế kỷ xa cách. Tôi giải thích rằng, chúng tôi nhớ  chuyện xưa lâu như thế, có lẽ do con tim chứ không phải do khối óc! Bởi “nụ cười dễ ghé” của tôi ngày ấy, cũng như bộ quân phục rằn ri của chàng sĩ quan TQLC tại cây sứ nhà nàng năm xưa, đã hằn trong tim, khiến chúng tôi không thể nào quên được!  

Cuộc hàn huyên giữa những người có nhiều kỷ niệm xưa thật vui và cảm động. Tôi ra trường Hành chánh, trải qua chín tháng quân trường Thủ Đức. Rồi đi phục vụ tại các quận địa phương như một “sĩ quan biệt phái”, suýt chết tại các quận Lộc Ninh, Định quán, Xuân Lộc. Còn anh từ một Thiếu Úy hiện dịch Đà Lạt, trải qua nhiều trận đánh cam go nguy hiểm, thăng cấp Thiếu tá. Với năm lần bị thương, anh không xuất ngũ, vẫn xin phục vụ binh chủng TQLC , tiểu đoàn Trâu Điên!

Hai hoàn cảnh, hai nẻo đường phục vụ đất nước. Cuối cùng anh và tôi gặp nhau nơi miền đất tỵ nạn xa xôi, sau hơn nửa thế kỷ bặt tin nhau.

Trước khi ra về, anh nhìn tấm ảnh cô gái có “cây sứ nhà nàng” năm xưa, treo ở phòng khách. Tấm ảnh chụp ở Sài gòn thuở Nàng vừa đôi mươi. Anh mỉm cười, nói với tôi:

-Cuối cùng, anh là “kẻ thắng cuộc”! Bạn bè chúng tôi kẻ còn người mất, tan tác mỗi người một phương. May mà hôm nay, qua tờ báo KBC chúng ta mới tái ngộ, ôn lại nhiều kỷ niệm xưa.

 Tôi không nghĩ như thế! Thật sự những quân cán chính VNCH, kể cả anh và tôi đều là những kẻ thắng cuộc trong cuộc chiến chống Cộng! Chúng ta chỉ thua trận chiến vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhưng qua những năm tháng bị đày ải ở các trại “cải tạo” của Cộng sản, anh và tôi vẫn hiên ngang đứng thẳng,  mặc cho bao đòn thù của chúng. Cuối cùng, chúng tôi vẫn sống còn để tự hào là kẻ thắng cuộc!

Bắt tay ngậm ngùi tiễn anh ra về, tôi bỗng nhớ những câu thơ của nhà thơ Phùng Minh Tiến đã đọc cho tôi nghe ở một quán cà phê đường Brookhurst, khu Little Saigon:

….Anh đã thắng vì Anh còn sống đó

Để  hôm nay ngẩng mặt giữa quê người          

Để  hôm nay còn hiện hữu Anh, Tôi        

Cùng cầu nguyện cho những người nằm xuống…...

Tam Bách Đinh Bá Tâm

 



 

 


No comments:

Post a Comment